Về Miền Đất Hứa

Phần 5 - Chương 1

Docsach24.com
OME (ALASKA)

THÁNG MƯỜI 1948

Tất cả phi cơ của công ty Arctic Circle Airways trước sau chỉ có ba chiếc phi cơ chở hàng mua từ kho thặng dư phế thải của quân đội, và Stretch Thompson đã mua trả góp.

Cựu phi công chiến đấu ở Alaska, Stretch đã nổi tiếng là một anh chàng giầu óc tưởng tượng, nhất là cần tránh thứ tạp dịch buồn chán, các công việc đều đều. Trong những chuyến bay đêm, chàng đã có thì giờ để suy nghĩ đến các vấn đề không vui gì do việc giải ngũ sau này đặt ra. Một tối kia, chàng đã tìm ra giải pháp:

Cua!

Dọc theo các bờ biển có hàng triệu con cua vua rất to khỏe, có nhiều con có tới 40 phân đường kính. Một người khôn khéo chắc hẳn phải tìm được cách làm cho các nhà tiêu thụ khoái khẩu với cái thứ thịt trắng và chắc, mà nghĩ cho kỹ, đâu có thua sút gì tôm hùm của tiểu bang Maine. Chỉ có việc lượm thứ của trời cho lúc nhúc ấy, chèn nước đá vào rồi chuyên chở - dĩ nhiên bằng máy bay rồi - về Hoa-kỳ. Một chút quảng cáo nữa là các nhà buôn sẽ đổ xô tới thứ thức ăn trời cho này. Và trong vài năm, chàng sẽ giàu - chàng, Stretch Thompson, vua của cua vua.

Chắc đã có một trục trặc nào đó trong vụ tính toán này, có lẽ tại nhân loại chưa được tiến hóa lắm để thưởng thức món ăn Bắc cực này. Dù thế nào chăng nữa, việc bảo trì phi cơ, xăng nhớt và tiền công cho phi công cứ nhất định vượt quá tổng số thu do việc bán cua mang lại. May thay, Stretch lại không phải là người chịu thua nghịch cảnh. Nhờ có mồm mép khác thường và tính toán khôn khéo, chàng đương đầu được với bầy chủ nợ mà vẫn duy trì được, với sự tăng cường bằng giây kẽm, vải đeo dính và các lời chửi thề tùm lum, ba phi cơ trong tình trạng bay được. Và cứ đều đều, vào lúc trời tối sầm lại tới nơi tới chốn, thì lại có một chuyến chở mướn công cao tới cứu vãn.

Một yếu tố may mắn khác, đó là sự chung thủy của phi công trưởng (và thường cũng là phi công duy nhất), anh chàng Foster MacWilliams, một tay nghệ sĩ đích thực trong việc điều khiển cái cán chổi. Tài khéo léo của Foster đã nổi danh đến nỗi không ai dám nhận lời cá với chàng như sau: cá một trăm đô-la thôi, chàng sẽ đáp được chiếc C 47 xuống đầu một khối băng sơn dù trong tình trạng say rượu gần chết đi nữa. Nhưng bất hạnh thay là Foster MacWilliams lại có một tâm hồn lang thang: nếu chàng mê bay, thì chàng lại rất kinh hãi những phi trình ấn định trước cùng các thời biểu phải tôn trọng. Đến nỗi rằng chưa bao giờ chàng quyết định được đến làm cho một công ty hàng không lớn. Ngược lại, các phi trình bất nhất, các phi vụ thường là nguy hiểm của Arctic Circle Airways lại hoàn toàn vừa ý chàng.

Một ngày nọ, khi chàng tiến vào hăng-ga ở đầu phi đạo, trụ sở và bất động sản duy nhất của công ty, Stretch Thompson nhìn chàng với vẻ suy tư.

- Này cụ, cụ có khoái sống trong một xứ nhiều mặt trời hơn - và đồng thời nhận đủ tất cả số lương chưa được lãnh cho tới giờ không?

- Này bồ Stretch, bồ vẫn cứ nhăn nhó đều đều đó phải không?

- Lần này tôi không có đùa đâu, thưa cụ. Chuyện làm ăn cẩn thận đấy.

- Bồ không bán tống bán tháo cái đại công ty này rồi chứ?

- Cụ đoán sao mà hay vậy.

MacWilliams có vẻ sững sờ ngạc nhiên.

- Này, ai có thể gồng lên mà mua những con chim cu về già của chúng ta vậy?

- Tôi không có yêu cầu người mua thuật sự mô tả lại tiểu sử. Tôi chỉ biết ngân phiếu thơm lắm và tính tôi thì dễ, thế là hài lòng rồi.

Foster MacWilliams xoa cằm:

- Vụ này có vẻ tới đúng lúc đấy, bồ Stretch. Tôi cũng bắt đầu ngấy lạnh, sương mù và cua rồi. Theo như bồ tính, bồ thiếu tôi bao nhiêu tất cả?

- Tính cả tiền thưởng, chắc không xa bốn ngàn đôn là mấy.

- Một khoản xinh đấy chứ? Với khoản này, tôi sẽ có thể tặng tôi một chầu rượu chè gái ghiếc từ đây xuống tới Nam Mỹ. Lý do là tại lúc này tôi đang khoái xuống cái miền đó. Hình như thiên hạ trả công khá lắm cho những tên chuyên chở chất nổ băng qua dẫy Andes.

Stretch nói:

- Nhưng hiện chỉ có một trục trặc nhỏ, cụ Foster.

- Tôi nghĩ rằng chắc hẳn là phải có trục trặc.

- Tôi đã phải ký thuận sẽ trao ba chiếc máy già của chúng ta tại sân bay của người mua. Tôi đã tìm thấy người lái chiếc số 1 và chiếc số 2... còn mỗi chiếc số 3 là chưa có ai.

- Điều đó có nghĩa là bồ lại trông cậy ở tôi một lần nữa rồi đó. Xong rồi. Chúng ta phải trao chiếc phi cơ vừa bay vừa ho hen của chúng ta ở xó nào đây.

- Ở Israël.

- Israël? Chỗ nào vậy? Chưa bao giờ nghe ai nói tới cái tên này cả.

Stretch gật gù:

- Tôi cũng thế cụ ạ. Tôi đang kiếm cái tên đó trên bản đồ thì cụ tới.

Cả hai người chúi mũi vào bản đồ thế giới, dò từ trên xuống dưới từ trái sang phải. Sau một giờ đồng hồ, cả hai người bỏ cuộc. Foster lắc đầu:

- Thiên hạ giỡn với bồ rồi bồ ơi.

Họ đi làm một chầu khắp các quán rượu ở Nomé, nhưng ngoại trừ một ông quản già phát biểu rằng “cái tên đó có nhắc tới một cái gì đó”, còn không được ai nghe nói đến cái xứ mang tên Israël bao giờ. Sau cùng, vào lúc hàng quán đóng cửa, có người đề nghị hãy tới đánh thức hiệu sách duy nhất trong thị trấn Nomé dậy mà hỏi.

Chủ hiệu sách hét lên:

- Israël hả? Đó là tên mới của Palestine, ngu ơi là ngu! Có vậy mà các anh tưởng hay lắm đến đấm cửa nhà người ta vào lúc nửa đêm như vậy hả!

Trở về hăng-ga, hai người lại dò tìm trên bản đồ thế giới. Sau cùng Stretch khám phá ra một cái xứ nhỏ xíu. Foster làm một điệu bộ ra vẻ buồn tiếc, lầu nhầu:

- Này, hấp dẫn đấy chứ! Đất với nước gì mà chỉ to hơn một tảng băng lớn mà thôi. Tôi dám bay băng qua luôn mà không biết lắm!

Ba tuần sau, Foster MacWilliams đáp chiếc máy bay số 3 của nguyên công ty Arctic Airways xuống phi trường Lydda. Stretch Thompson, tới từ tám ngày trước, đang chờ sẵn để lôi chàng về một văn phòng cửa có đề: Palestine Central Airways: S. Thompson, Tổng Giám đốc.

- Chuyến đi vui chứ! Tôi rất khoái được gặp cụ đó, cụ Foster ạ.

- Xong này. Này, đang lúc bồ vui vẻ thơ thới hân hoan, bồ hãy tử tế làm ơn thanh toán tất cả số lương bồ còn thiếu tôi đi. Tôi định “vi hành” sang Paris để vui chơi trong một tháng trước khi đi Rio.

- Có ngay. Tấm séc của cụ đã sẵng sàng từ lâu rồi, trong tủ sắt kia.

Foster nhìn tấm séc, mắt xoe tròn.

- Bốn ngàn năm trăm đôn! Lạ quá ta...

- Năm trăm đôn phụ trội ấy, đó là để chứng tỏ rằng tên Stretch Thompson này không phải là thứ không có nghĩa với bạn.

- Bồ quả là một vĩ nhân đấy... từ xưa tôi vẫn ca bạn như thế mà.

- Vậy hả? Này, cụ Foster, chỗ này là nơi hấp dẫn đấy. Toàn dân Do-thái không à - cụ tin ở tôi đi, đổi hẳn không khí xứ Alaska được. Cụ có thấy tấm biển để cửa văn phòng không? Chính tôi tìm ra cái tên hay như thế đó: Palestine Central Airways. Được chứ? Cụ biết không, dân ở đây chẳng có bao kinh nghiệm trong việc tổ chức một công ty hàng không cỡ quốc tế, họ đã yêu cầu tôi giúp cho họ một tay và tôi đã không nỡ từ chối. Nhưng tôi đã nói với họ ngay tại chỗ rằng: “Nếu quý vị muốn có một công ty toàn hảo, quý vị phải có được một phi công trưởng toàn hảo - và tôi hiện lại đang có được một tay phi công hữu hạng nhất chưa từng thấy từ xưa nay”.

Foster vội vã đứng ngay dậy:

- Tôi sẽ cố gắng lại chào bồ trước khi ra đi...

- Cái gì mà cuống lên thế? Đâu có lửa cháy ở đây phải không?

- Tôi đã đang ở trên trường đi Paris rồi...

- Tôi có một đề nghị với cụ...

- Chắc chắn là tôi không thích cái gọi là đề nghị ấy của bồ đâu.

- Thì ít nhất cụ cũng làm một đường lịch sự tối thiểu để nghe tôi nói cho xong đã chứ.

- Tôi sắng lòng nghe bồ thật kỹ, nhưng tôi nói trước cho bồ biết là không thuyết phục được tôi đâu. Tôi sẽ đi Paris, nếu cần bơi qua biển cũng bơi.

- Được rồi, được rồi. Bây giờ cụ nghe đây. Như tôi vừa nói đó, ở đây toàn Do-thái không. Thế mà họ lại còn cho là chưa nhiều. Chính vì thế họ mới mua công ty của chúng ta - để chuyên chở thêm nhiều Do-thái nữa về đây. Hình như có cả trăm cả ngàn Do-thái khác trên khắp thế giới đang sốt ruột chờ đợi người tới đón họ về. Việc của chúng ta là chuyên chở họ. Cụ hiểu rõ chứ... hàng trăm phi vụ, tầu đầy nứt người và những kẻ ở đây cứ trả tiền đều đều, đếm đầu hành khách mà trả tiền mặt... Trước kia bọn mình giữa đêm bò dậy đi bay với số công còn mạt hơn thế nhiều. Cụ Foster, cụ ở lại với tôi đi, tôi bảo đảm là cụ sẽ lăn trên đống vàng. Nói thế nào nhỉ... cụ sẽ tắm trong vàng luôn! Cụ biết tôi đó... tôi đâu phải là kẻ không biết ăn ở phải đạo với anh em...

- Tôi thích tắm trong một đại khách sạn ở Paris hơn. Tôi... thôi, chào bồ Stretch. Khi nào tôi tới Rio, sẽ gửi thư về hỏi thăm cố tri.

- Thưa ông MacWilliams, xin lĩnh ý ông. Rất hân hạnh đã được gặp ông.

- Kìa bộ... bồ giận tôi rồi đó...

- Đâu có gì. Khi tôi nghĩ đến những thời gian thích thú chúng ta đã sống với nhau ở Nomé...

- Quả là những thời gian đáng ghi nhớ vì đó là những lúc bị lạnh làm nứt nẻ tùm lum. Nhưng đó cũng không phải là lý do để bồ nhăn nhó với tôi như thế. Bồ làm như bồ bị ai đâm cho một nhát dao vào lưng không chừng.

- Cụ nói thế cũng gần đúng đó. Thú thật với cụ, tôi đang kẹt cứng. Tôi vừa nhận được điện tín khẩn: có một nhóm Do-thái đang đợi mốc meo trong một xó gọi là Aden, cần đi kiếm họ mang họ về đây gấp. Hai chàng phi công mà tôi kiếm được lại cho tôi rơi rồi.

- Bồ đừng có trông ở tôi. Tôi xin nhắc với bồ là tôi sắp đi Paris mà.

- Xong rồi: em sẽ đi Paris. Ở vị trí của cụ, chắc tôi cũng làm như thế. Hai chú phi công mà tôi nói với cụ ấy... khi hai chú biết đi cái phi vụ này dám bị tụi Ả-rập nó quạt cho dăm ba băng kẹo đồng, hai chú chàng đã dông thiệt lẹ...

Foster đã ra đến cửa, đột nhiên quay lại. Stretch nói tiếp:

- Tôi không thể trách cứ gì được hai chú đó. Dĩ nhiên là các phi vụ đó nguy hiểm hơn việc chuyên chở chất nổ băng qua dẫy Andes rồi...

Foster liếm môi. Stretch hiểu răng ông bạn đã cắn câu rồi, cắn luôn cả mồi lẫn lưỡi câu.

- Này Stretch ạ, tôi sẵn lòng đi cái phi vụ đó cho bồ, chỉ để gỡ kẹt cho bồ thôi nghe. Và đúng một vụ đó thôi. Trong thời gian đó, bồ gắng mà kiếm lấy những tên phi công nào không có vướng dây thun trong cổ nghe. Rồi, bây giờ cái xó có tên Aden nằm ở đâu đây?

- Tôi cũng cóc biết nữa. Mời cụ theo tôi, chúng ta lùng bản đồ coi.

Khi cất cánh rời phi trường Lydda, Foster MacWilliams, phi công tưởng của hãng Palestine Central Airways, không ngờ là mình đã khai nguyên cho một câu chuyện phiêu lưu không kém gì “Ngàn lẻ một đêm”.

Chuyện phiêu lưu này bắt nguồn từ ba ngàn năm hơn về trước, nói cho chính xác, thì bắt nguồn từ thời nữ hoàng Saba. Vào thời đó, phần phía nam bán đảo Arabie còn là một xứ phì nhiêu. Các dân cư, chuyên viên trong nghệ thuật xây cất đập nước, bình chứa và giữ nước, đã làm miền này thành cả một khu vườn tuyệt đẹp.

Sau chuyến nữ hoàng Saba tới viếng thăm hoàng đế Salomon, một nhóm người Hébreu đến lập nghiệp tại Saba để thiết lập những đường dây thương mại băng qua sa mạc và dọc theo Hồng hải. Số dân này phát triển thịnh vượng trong nhiều thế kỷ. Các dân Do-thái này, dù vẫn qui tụ thành từng làng, đã hòa nhập với đời sống địa phương đến nỗi về sau có nhiều người trở thành cố vấn nhiều ảnh hưởng ở triều đình.

Rồi đến những năm khủng khiếp, cát xâm chiếm tất cả, tàn phá tất cả đất đai mầu mỡ. Các ouadi khô héo dần, nước mưa tan biến qua các khe đất nứt nẻ. Dưới ánh mặt trời chói chang, cuộc chiến đấu kiếm nước trở thành tranh đấu để sống còn. Vương quốc Saba và các quốc gia kế cận tan rã thành muôn vàn bộ lạc vừa nghèo vừa hận thù, luôn luôn gây chiến với nhau.

Khi đợt sóng Hồi giáo đầu tiên bị càn quét trên thế giới, không ai nghĩ tới chuyện tấn công những người Do-thái ở Sabra. Mọi người tôn trọng họ, để mặc họ sống theo tập tục tôn giáo của họ. Mahomet cũng đã từng ra lệnh là phải đối xử tử tế với người Do-thái.

Nhưng sự bình đẳng dành cho người Do-thái, than ôi, đã rất chóng qua. Cũng như trong tất cả các xứ Hồi giáo khác, những người Do-thái của cựu vương quốc Saba, bây giờ trở thành Yemen, bị coi như là những kẻ “bất tuân đạo”. Nhưng dẫu sao sự khinh bỉ của dân Ả-rập dành cho các dân Do-thái này vẫn hàm chứa một bao dung. Trong các quốc gia Ả-rập, các cuộc bạo hành Do-thái chưa bao giờ có tính cách tổ chức diệt chủng như ở Âu châu. Chỉ xẩy ra vài vụ tàn sát bùng lên như lửa rơm rồi tàn ngay.

Ngược lại, lại có đủ thứ cấm đoán và hạn chế để đưa người Do-thái xuống hàng công dân bậc nhì. Một người Do-thái không được quyền cất cao giọng trước một người Hồi giáo, không được cất nhà cao hơn các nhà Hồi giáo kế cận, không được chạm tới hay vượt qua phía tay mặt người Hồi giáo. Họ cũng bị cấm không được đi lạc đà vì như vậy đầu họ sẽ cao hơn đầu người Hồi giáo đi bộ. Trong hầu hết các thành phố, người Do-thái phải sống trong các mellah, một thứ ghetto kiểu Đông phương.

Trong khi toàn thể nhân loại tiến bộ thì vùng Yemen vẫn cứ bất biến, sơ khai, xa xôi cách trở, như ở ngoài thời gian. Một sa mạc rừng núi hoang dã, chỉ có những con đường mòn cho lạc đà. Một miền duyên hải không thể ở nổi, và phía trong nội địa, là các biên thùy không ai buồn vạch cho chính xác. Không nhà thương, không trường học, không báo chí và không cả máy điện thoại nữa. Dân chúng thất học đúng trăm phần trăm.

Iman, dòng dõi của Mahomet và đại diện của Đấng Allah, cai trị với quyền hành tuyệt đối. Nếu ông kiểm soát việc lấy vàng và sản xuất cà-phê, các nguồn tài nguyên duy nhất của cái xứ khốn kiếp này, ông chẳng mang lại cho thần dân điều gì hết, đến cả một nền hành chánh tối thiểu cũng không. Chủ nhân ông độc ác và sở hữu hàng mấy trăm nô lệ, ông xử án tùy hứng, lúc thì ra lệnh cắt mũi một gái điếm, lúc thì ra lệnh chặt tay một tên ăn trộm. Ông lo lắng là làm sao đừng để bất cứ một nền văn minh nào xâm nhập vào cái vương quốc ghê khiếp của ông.

Đối với dân Do-thái, Iman giữ thái độ truyền thống của bạo chúa khoan dung.

Ông không hề muốn đuổi họ đi: thủ công nghiệp cha truyền con nối từ nhiều thế kỷ, dân Do-thái là những thợ kim hoàn, thuộc da, thợ mộc, đóng giầy hữu hạng, xử dụng các phương pháp mà đa số người Ả-rập không sao học nổi. Dĩ nhiên là những kẻ hữu ích đáng được hưởng một sự che chở tối thiểu.

Sự kiện khó tin là các Do-thái xứ Yemen, mặc dù bị cô lập với thế giới bên ngoài hơn ba ngàn năm, vẫn giữ được cho mình là Do-thái. Mặc dầu nếu chịu cải đạo sang Hồi giáo, đời sống họ sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nhưng họ vẫn cứ ngoan cố bám lấy kinh Torah, luật giáo đường, ngày sabbat cùng tất cả mọi ngày lễ khác. Đây quả là một chiến công phi thường trong một xứ không biết tới máy in, tất cả mọi sách vở đều phải chép bằng tay. Để bảo vệ niềm tìm của tổ tiên, họ chống lại tất cả mọi áp lực. Khi Iman bắt tất cả những con mồ côi trong các làng để cho theo đạo Hồi, thì dân Do-thái cưới vợ gả chồng cho chúng ngay sau khi bố mẹ chết, bất kể bao nhiêu tuổi, bởi thế có những đứa bé mới có vài tháng đã có vợ hay có chồng rồi.

Xét về phương diện thể xác, y phục, tinh thần, các Do-thái Yemen đầu thế kỷ 20 giống hệt như các bậc tiên tri trong Cựu ước. Vẫn theo chế độ đa thê, họ mang bùa phép để tránh tà ma, gió độc. Còn về Kinh Thánh, thì theo ý họ, bản văn ra sao thì theo đúng như vậy, không được cắt nghĩa biện giải chi hết: mỗi lời mỗi chữ ra sao thì phải hiểu nguyên văn và cụ thể như thế.

Suốt ba mươi thế kỷ, họ không ngừng hướng về Jérusalem. Kiên nhẫn, có một lòng chung thủy tuyệt đối, họ tin tưởng rằng Đấng Vĩnh cửu rồi sẽ ra dấu cho họ thức tỉnh. Thỉnh thoảng, một nhóm nhỏ rời bỏ được Yemen để “trở về” Palestine để rồi thành lập ở đó một cộng đồng sơ khai nhỏ bé.

Rồi tới một ngài kia, Đấng Vĩnh cửu đã ban dấu hiệu như các nhà tiên tri đã từng hứa hẹn từ xưa.

Sự kiện khá kỳ dị là mọi sự bắt đầu từ việc Iman gửi một đoàn quân Yemen nhỏ bé sang chiến đấu cùng quân Ai-cập để chống lại Quốc gia Israël mới thành lập. Không có sự can thiệp có tính cách lý tưởng này của Iman, chắc người Do-thái Yemen chẳng bao giờ biết được quốc gia họ đã phục sinh. Ngay lập tức, các rabbin tuyên bố rằng đức vua David đã trở lại Jérusalem và chính toàn dân Do-thái Yemen cũng sắp được trở về “Vùng Đất Hứa”, “trên những cánh chim phượng hoàng”.

Vị Đại Rabbin xin được Iman cho tiếp kiến để yêu cầu quốc vương này cho phép người Do-thái rời Yemen. Iman bĩu môi: vì đủ lý do chính trị và kinh tế, ông thích giữ người Do-thái ở lại hơn. Vị rabbin đề nghị quốc vương nên đọc lại vài chương trong cuốn Exodus của Cựu ước kinh.

Sau khi nghe theo lời khuyên này, Iman chìm đắm vào một suy tư dài và đau đớn. Mười tai ách của Ai-cập... mới vài tháng trước đây một trận dịch đậu lào đã giết chết một phần tư dân số. Không còn ngờ gì nữa, đây là cảnh cáo thứ nhất của đấng Allah.

Ông cho rằng thận trọng hơn nên để cho người Do-thái ra đi - dĩ nhiên là với một điều kiện: nhường lại là ông mọi nhà cửa ruộng nương và gia súc, trả một sắc thuế tính theo đầu người, phải lưu lại mấy trăm tay thợ khéo léo nhất trong mọi nghề.

Sau đó là cuộc di dân của người Do-thái Yemen. Mang theo một vài của cải họ có thể mang trên lưng - của cải mà dân du mục Bédouin - sa mạc - viện cớ là tiền mãi lộ tước đoạt hết ngay - họ lên đường tiến về thuộc địa Aden của Anh quốc, địa điểm giao liên giữa Đông và Tây, nơi tập họp của mọi đoàn người từ nội địa tiến ra. Bị bất ngờ, người Anh mới đầu tự hỏi không biết họ phải làm gì đây với đám người như ở trong thời kinh thánh tiến ra này. Sau cùng, xúc động vì niềm tin ngây thơ cùng sự khốn cùng của đám người Do-thái này, người Anh thuận cho phép họ được cắm trại trên lãnh thổi của thuộc địa trong khi chờ đợi Israël cho người đến kiếm họ. Quả thực vậy, làm thế nào xua đuổi những kẻ đáng thương quần áo tơi tả, gần chết đói chết khát, mất hết sạch gia sản mà vẫn còn tập họp theo từng làng, với những thùng đựng thánh tích của các giáo đường nghèo nàn của họ.

Đoàn cán bộ chí nguyện đầu tiên của Israël thành lập một trại tạm trú ở gần cảng Aden. Nhưng chưa chi trại nơi này đã đầy tràn trước làn sóng tràn ngập của những di dân khác tới. Các khó khăn bao hàm trong tổ chức loại này bây giờ còn tăng gấp bội lên vì sự kiện các dân Do-thái Yemen này, một đám dân bán khai, không biết tới cả một vòi nước, ống tháo nước, bóng điện ra làm sao. Trong khoảng thời gian có vài ngày mà phải cố bắt kịp sự chậm tiến kỹ thuật tới ba ngàn năm, họ sợ từ chiếc xe hơi đến ống chích. Phụ nữ la hét kinh hoàng khi các y sĩ cùng các nữ điều dưỡng định lột bỏ những quần áo rách rưới đầy chấy rận của họ. Họ cũng không chịu để cho ai chẩn bệnh, vùng vẫy chống thuốc chủng, nhảy xô vào các người trợ y đang bế con họ, những đứa quá thiếu ăn, tới phòng thuốc.

May mắn thay là các dân Israël, chính họ, họ cũng thuộc Kinh Thánh, nên đã khám phá ra rất nhanh cách giải quyết các vấn đề này. Chỉ việc chọn trong Kinh Thánh những đoạn thích hợp rồi đưa cho các rabbin Yemen coi. Thế là xong. Bởi vì cái đó “đã ghi trong Thánh Kinh”, thì các dân Do-thái Yemen nghiêng mình tuân theo ngay.

Việc phi cơ đến gây ra cả một sự sôi nổi. Nhóm di dân thứ nhất, được đưa đến phi đạo, khám phá ra ngay cánh chim phượng hoàng vẽ trên thân tầu. Có nhiều cái gật đầu tán thành: quả đúng là Thượng đế đã gửi cái này tới như Ngài đã từng loan báo qua bậc tiên tri Isaïe. Nhưng khi mọi người yêu cầu họ lên tầu, họ lại từ chối: vị rabbin của họ vừa nhớ ra rằng hôm đó là ngày thứ bẩy, ngày sabbat. Trưởng trại dù cố hết sức lên mà cắt nghĩa rằng còn cả bao ngàn người nữa đang đợi đến lượt ra đi, không thể để chim phượng hoàng này đợi tới một ngày, cũng vẫn vô ích. Họ ngồi xổm xuống dưới đôi cánh lớn của con chim bạc rồi tuyên bố rằng họ không có nhúc nhích đi đâu hết cho tới khi hết ngày sabbat. Họ đã kiên nhẫn chờ được ba ngàn năm, thì chờ thêm một ngày nữa cũng không sao hết.

Foster MacWilliams, sau khi ném một cái nhìn lơ đãng lên những hành khách kỳ dị này, phải cố lắm mới nén được một câu chửi thề rồi phóng lẹ về Aden kiếm một chầu giải khát.

Sáng ngày hôm sau, miệng còn khô cứng và mắt nặng trĩu, chàng trở lại phi đạo đúng lúc để thấy các Do-thái Yemen lên máy bay. Mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà, đều cẩn thận mang theo một chai nước - của cải duy nhất của họ trên thế gian này. Chàng buột miệng:

- Mẹ kiếp! Cái tên khốn kiếp Stretch...

Một giọng con gái cất lên phía sau làm chàng quay vội lại:

- Thưa có phải ông trưởng phi cơ MacWilliams đấy không ạ?

Sững sờ, chàng ngắm nghía một thiếu nữ cao lớn (thân thể có trước có sau đàng hoàng và có đúng chỗ đúng lúc, chàng phải nhận là như thế), mặc một bộ đồ xanh áo liền quần của cơ khí viên và đi dép da.

- Tên tôi là Hannah. Tôi được trao nhiệm vụ đi cùng với ông để lo cho hành khách.

- A! Thế... rất hân hạnh được biết cô.

Nàng cười, để lộ hàm răng trắng ngà không một vết gợn.

- Ông có chỉ thị đặc biệt nào cho tôi không? Vì đây là lần đầu tiên tôi hộ tống cho một chuyến như thế này...

- Không... không đâu. Cô chỉ việc thu xếp sao cho những con khỉ nhỏ xấu òm này đừng xâm nhập vào phòng lái là đủ. Dĩ nhiên là điều cấm đoán này không hề áp dụng cho cô. Ngược lại là khác... cô càng vào thăm tôi nhiều, tôi càng bằng lòng. Tiện đây, tên tôi là Foster...

Chàng nhìn đoàn người Yemen:

- Nhưng... hình như họ không ít bớt đi được chút nào. Chúng ta mang theo chuyến này bao nhiêu đấy cô?

- Gì cơ?... Theo danh sách của tôi, bốn trăm người.

- Cái gì! Cô điên rồi cô ơi! Không bao giờ máy bay cất cánh nổi với số người như thế. Phải bỏ bớt đi hẳn một nửa.

- Không được đâu ông. Tôi xin ông đấy... Ngày nào cũng có thêm rất nhiều người đến. Và người Anh thì cứ đòi hỏi hoài là chúng tôi phải đưa họ đi cho nhanh, càng nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Foster càu nhàu. Chàng cố nhớ lại những con số ấn đinh trọng lượng chuyên chở được của máy. Không còn ngờ gì nữa, chắc chắn là sắp vượt giới hạn an toàn rồi... Đúng vào lúc đó, chàng phạm lầm lỗi là nhìn vào đôi mắt của Hannah. Thôi cũng được... Chàng tính toán lại, ăn gian tí chút để tự thuyết phục rằng với một chút may mắn, chàng cũng có thể lôi được máy bay cất cánh.

Chàng lầu nhầu:

- Thôi cũng được! Dầu sao, đây cũng là chuyến bay đầu tiên và chuyến chót luôn của tôi trên lộ trình này.

Khi chàng lên tầu, chàng suýt lùi lại trước một mùi hôi thối nồng nặc. Hannah thấy mặt chàng tái đi. Nàng cắt nghĩa:

- Chúng tôi không có đủ thì giờ tẩy uế cho tất cả mọi người. Và vì chúng tôi lại không biết rõ ngày giờ có phi cơ đến...

Trong thân tầu, các dân Yemen bị nhồi nhét đúng như cá hộp. Muốn tới phòng lái, Foster phải hất ra nhiều người, gạt nhiều cánh tay sang một bên, đồng thời cố gắng chận cơn buồn nôn đang dâng lên. Ngồi được xuống ghế phi công, chàng vội mở cửa kính ngang, vừa cố giữ đầu thỏ ra ngoài, vừa cho phi cơ rồ ra trên phi đạo lấy đà cất cánh. Một cơn buồn nôn ngắn, dữ dội... Phi cơ chạy nhanh hơn... Foster cảm thấy một co thắt dạ dầy sau cùng... mũi phi cơ cất lên... rồi sau cùng các bánh xe rời mặt đất cách cuối phi đạo có vài thước. Foster há miệng cắn thẳng vào một trái chanh. Dần dần, trong không khí mát lành hơn, cơn nôn dịu dần. Sau khi bay vòng eo biển, chàng cho phi cơ hướng về phía nam Hồng hải, ở đúng giữa khoảng cách từ Arabie Séoudite phía đông và Ai-cập phía tây.

Hannah đẩy cửa buồng lại. Nàng cũng tái xanh.

- Ông có thể làm cho phi cơ bớt lắc lư không... họ đang nôn mửa hết...

- Cô đi mở hết các quạt và ống thông hơi. Tôi sẽ cố bay cao hơn một chút. Khí lạnh sẽ làm cho họ dễ chịu hơn.

Cô gái biến mất. Sau chừng nửa giờ, nàng lại trở vào.

- Bây giờ họ lại rét run lên cầm cập.

- Nếu tôi làm cho họ ấm lại, họ sẽ lại nôn mửa. Tùy ý cô chọn lựa.

Hannah đồng ý.

- Ông có lý... Thôi, cứ để họ run tốt hơn.

Nàng lại ra. Lần này chưa đến một phút, nàng đã quay lại.

- Họ đã đốt một đống lửa để sưởi.

- Mẹ kiếp.

Để cho hệ thống tự động điều khiển phi cơ, Foster chạy vội vào khoang tầu. Một đám lửa đang cháy vui vẻ giữa sàn. Tức giận, chàng lấy chân dập tắt.

- Cô có biết tiếng của tụi man ri mọi rợ này không?

- Biết chứ, bằng hébreu.

- Bây giờ cô cầm lấy micro và báo cho họ biết là kẻ nào nhúc nhích, tôi sẽ quăng xuống biển ngay lập tức.

Dân Yemen, chưa bao giờ nghe máy phóng thanh hết, sợ hãi co rụm lại, kinh khiếp nhìn lên trần phi cơ. Foster ngạc nhiên hỏi:

- Họ sợ cái gì vậy cô?

- Họ tưởng tiếng nói từ vách trần thốt ra ấy là tiếng của Thượng đế.

- Tốt quá. Cô đừng có cải chính nghe cô.

Chàng trở lại phòng lái. Trong nhiều giờ liền, không có một biến cố nào nữa quấy rầy chàng, ngoại trừ một lần Hannah vào loan báo có một vụ sinh nở.

- Ông đừng lo: mẹ tròn con vuông rồi.

Một lát sau nàng mang vào cho chàng một ly đồ uống nóng và hai người nói chuyện với nhau. Sau khi đã hỏi nàng về dân Do-thái xứ Yemen và chiến tranh Palestine, liền hỏi một câu trực tiếp hơn.

- Cô Hannah ạ... tại sao cô lại để bị lôi cuốn vào câu chuyện này mới được chứ? Dù thiên hạ có trả công hậu đến mấy, thì một công việc như thế này cũng đáng gấp đôi như thường.

Hannah cười.

- Mọi người đâu có trả lương cho tôi. Mọi người chỉ định tôi làm việc này, có thế thôi ông. Có lẽ tôi sẽ ở lại với dân Do-thái Yemen đi chuyến này để giúp họ làm một cái làng, nhưng cũng có thể tôi lại ra đi kiếm họ thêm...

- Tôi chẳng hiểu gì hết.

- Khó cắt nghĩa lắm ông. Tiền bạc đối với chúng tôi không có ý nghĩa gì nhiều. Trái lại, mang một kẻ đáng thương này về tổ quốc quả là một nhiệm vụ cao đẹp. Rõ ràng đây là hoàn cảnh hoàn toàn đặc biệt...

Foster nhún vai. Xét cho cùng, chàng cóc cần. Chàng sắp chuồn sang Paris đến nơi rồi...

Chàng chỉ bờ biển thẳng ngay phía trước.

- Chúng ta bay đến Israël rồi!

Hannah nói:

- Tôi phải loan báo cho họ biết. Họ chờ đợi giây phút này từ bao ngàn năm rồi...

- Họ sẽ đập vỡ máy bay của chúng ta mất... để tôi đi cho, tốt hơn.

Chàng lại để cho hệ thống tự động điều khiển phi cơ rồi bước ra khoang tầu. Ngay từ những lời của Hannah, có một cơn vui mừng điên cuồng xâm nhập các dân Yemen. Các tiếng la hét vui mừng, những vòng tay ôm cuồng nhiệt - vài người còn phác một điệu vũ nữa. Một phụ nữ Yemen già nắm lấy tay Foster hôn lia lịa. Chàng cố gỡ mới thoát được những cánh tay muốn ôm lấy mình để trở lại phòng lái. Hai giờ sau, khi phi cơ hạ xuống phi đạo Lydda, chàng nghe thấy tiếng hát của những Yemen cất lên át cả tiếng động cơ đang giảm dần tốc độ.

Lắc đầu, chàng đứng nhìn họ bước ra khỏi thân tầu, quỳ xuống vừa khóc nức nở vừa hôn đất phi đạo. Hannah nói:

- Thôi, xin chào ông Foster. Chúc ông vui vẻ ở Paris.

Foster đứng nhìn nàng xen vào hàng ngũ những người di dân cùng với các thiếu nữ khác giống nàng một cách lạ lùng. Chàng giật mình khi nghe tiếng Stretch.

- Chào cụ! Phi cơ bay vững chứ?

- Như chim phụng hoàng vậy! Một chuyến đi không có chuyện gì rắc rối cả.

Khi Stretch lôi đi, Foster còn ngoái lại. Hannah cười với chàng, vẫy tay. Chàng cũng làm như thế. Stretch nói:

- Cụ có thể đi Paris được rồi đó. Tôi đã kiếm được phi công...

- Cũng được, càng tốt. Nhưng này bồ... trong trường hợp bồ bị kẹt... tôi sẽ gỡ cho bồ lần nữa, nhưng một lần... thực đó, lần chót nữa thôi.

Stretch gãi đầu:

- Để tôi coi nào... tôi có thể dàn xếp vụ này đấy. Cụ sẽ thử giùm tôi chiếc phi cơ tôi mới tậu.

Stretch khoái chí nghĩ thầm: “Bồ sẽ tiếp tục với tôi bồ ơi. Bồ Foster ơi, phen này tôi nắm được bạn rồi và sẽ nắm chắc đó nghe”.

Chiến dịch “Tấm thảm thần” đã mở đầu như thế. Stretch Thompson, ông vua thất sủng của loài cua Alaska đã tỏ ra là một tay tổ chức hữu hạng. Chàng mướn thêm nhiều phi công Hoa-kỳ nữa, những tay cựu trào đã từng chứng tỏ khả năng trong “cây cầu không vận Bá Linh”(1). Chàng tìm mua những máy bay cũ kỹ, sửa chữa vá víu lung tung, nhưng vẫn cứ tiếp tục bay được như thường. Còn về Foster MacWilliams, phi công trưởng của công ty và cũng là tay chuyên môn về đường bay Aden: chàng không bao giờ được biết tới những lạc thú của Paris cả. Sau khi chở những Do-thái Yemen sau cùng về xứ, chàng lo việc di tản những Do-thái Irak, làm việc tối tăm mặt mũi - có thể nói chưa có phi công dân sự nào lại làm việc nhiều đến như thế. Trong khoảng thời gian ba năm, chàng bay hơn bốn trăm phi vụ, mang chừng năm mươi ngàn người Do-thái trở về quê cha đất tổ. Sau mỗi chuyến bay, chàng đều chỉ trời chỉ đât mà thề rằng đây sẽ là chuyến bay chót, rằng chàng chán ngấy đến mang tai lỗ mũi rồi... cứ thế cho đến khi chàng cưới Hannah làm vợ và vợ chồng dọn tới cư ngụ trong một căn nhà xinh xắn ở Tel-Aviv.

“Tấm thảm thần” vẫn tiếp tục. Các phi cơ mang những người Do-thái từ Kurdistan và tận cùng Thổ-nhĩ-kỳ về, rồi lại tới Aden để hồi hương cả một bộ lạc bị bỏ quên sống lùi xùi trong vùng núi Hadramout, mới biết tin thành lập nước Israël và đã lập tức lên đường ngay tiến ra biển.

Các con dân Israël từ các trại di dân từ Pháp, Ý, Nam-tư, các quốc gia miền Balkan và Bắc Âu ùn ùn kéo về. Từ các mellah Bắc Phi và các thành phố Nam Phi, từ Trung-hoa, Ấn-độ, Úc-đại-lợi, Gia-nã-đại, Anh quốc... bằng phi cơ, bằng tầu thủy, từ bẩy mươi tư quốc gia khác nhau trên thế giới, người Do-thái đổ xô về vùng đất mà chữ “Do-thái” không còn là một lời chửi rủa.

Chú thích:

(1) Cầu không vận Bá-linh: Quân Nga phong tỏa Bá-linh sau đệ nhị thế chiến để cưỡng ép Anh, Pháp, Mỹ phải rời bỏ thủ đô Đức này. Bên Đồng minh, nhất là Mỹ, đã động viên phi cơ để tiếp tế cho Bá-linh trong một thời gian dài. Sau đó, Nga đành bỏ phong tỏa.