Liên Hiệp Quốc
Flushing Meadow (Nữu-ước)
Vụ biểu quyết chia xẻ xứ Palestine sẽ rất là gay go, thê thảm.
Muốn thắng, cần phải đạt được đa số hai phần ba. Vậy mà các quốc gia Ả-rập, nếu chính họ chỉ có mười một phiếu, lại có thể lợi dụng các vị trí chiến lược cùng tài nguyên dầu hỏa để gây một áp lực mạnh với rất nhiều quốc gia khác. Chưa kể đến sự họ có thể lợi dụng cuộc tranh chấp giữa Nga Xô và Hoa-kỳ, đồng minh chính của Anh quốc, để vận động thêm. Còn phía Do-thái, dĩ nhiên là họ có nhiều thân hữu trong các quốc gia trung lập, các quốc gia Bắc Âu và Mỹ la-tanh. Họ cũng có thể trông cậy ở nước Pháp, dù rằng quốc gia này phải rất gượng nhẹ với các thuộc địa Hồi giáo Bắc Phi, cho tới giờ vẫn chưa mặc cả sự ủng hộ Do-thái bao giờ. Nhưng từ đó tới chỗ hội đủ hai phần ba tổng số phiếu, còn cả một khoảng cách ghê gớm nữa. Hơn nữa, chính Anh quốc cũng chống lại sự chia cắt bởi vì nước Anh hy vọng sẽ được Liên Hiệp Quốc trao quyền ủy trị xứ này một lần nữa. Anh quốc chắc sẽ không do dự trong việc gây áp lực tối đa với một số nước nhỏ ở Âu châu có nền kinh tế tùy thuộc ở đồng Anh kim.
Như vậy trận đánh mở ra vào ngày 29 tháng 9 có vẻ như bất trắc cho người Do-thái. Tuy vậy, sau chừng một tiếng đồng hồ, Chaim Weizmann và Barak Ben Canaan, các trưởng phái đoàn Do-thái, bắt đầu hy vọng. Mặc dù số phiếu trắng khá cao, các phiếu ủng hộ chia cắt Palestine thắng thế rõ rệt. Các quốc gia của Khối Thịnh Vượng Chung, ngoại trừ nước Pakistan theo Hồi giáo, đều bỏ phiếu thuận, chứng tỏ chính sách của Anh quốc đã thất bại. Cũng như trường hợp của đại diện Nga Xô - đây là một ngạc nhiên vui sướng bởi vì Weizmann đã dự trù Liên Xô sẽ bỏ phiếu trắng, căn cứ trên sự kiện tại quốc gia này, các chủ nhân ông của điện Cẩm-linh đã cấm chỉ tất cả mọi tuyên truyền cho chủ nghĩa phục quốc Do-thái. Không ai thèm muốn địa vị của đại diện Anh quốc, mặt tái xanh, loan báo rằng “chính phủ của Đức Vua mong muốn không bầy tỏ ý kiến”. Các phiếu sau cùng, của Uruguay và Vénézuela, đã mang lại cho Do-thái đa số cần thiết.
Ở Tel-Aviv, mọi người điên lên vì vui mừng. Ít nhất cho một thời gian ngắn. Ben Gourion và các lãnh tụ khác của “Trung ương” đều biết rằng cần có một phép mầu lớn hơn nữa mới có thể giành được độc lập cho quốc gia Israël tương lai, cái quốc gia chung quanh chưa chi đã vang lên hàng triệu tiếng la hét của người Ả-rập: “Hãy giết chết bọn Do-thái!”
Ở Caire, ở Damas, ở Arabie Séoudite, các tiếng nói căm thù cất lên hô hào thánh chiến. Azzam Pacha, tổng thư ký của Liên đoàn Ả-rập, tuyên bố công khai như sau:
“Chúng ta sẽ mở ra một cuộc chiến tranh diệt chủng. Mọi người sẽ được thấy những cuộc tàn sát như của dân Hung nô đã thực hiện trước đây.”
Ngay hôm sau ngày biểu quyết của Liên Hiệp Quốc, một cuộc tổng đình công đã biến thành dấy loạn. Ở Jérusalem, dân chúng tàn phá trung tâm thương mại của khu Do-thái trước con mắt lãnh đạm của quân lực Anh. Còn Liên Hiệp Quốc, chẳng những không nghĩ tới chuyện thành lập một lực lượng quốc tế để tới trám chỗ cho lực lượng Anh sắp sửa rút đi đến nơi, lại chỉ bàn cãi thảo luận không ngừng.
Còn những người Do-thái, họ tỏ ra thực tế hơn. Bây giờ quốc gia tương lai của họ có một căn bản hoàn toàn hợp pháp. Nhưng nếu họ muốn tuyên bố độc lập sau khi quân Anh di tản khỏi Palestine, nửa triệu dân thiếu trang bị của họ sẽ phải cô độc đương đầu với chừng năm mươi triệu dân Ả-rập cuồng tín.
Người Ả-rập không hề có ý định chờ đợi sự tuyên bố độc lập này của người Do-thái. Tạm dành quân chính quy lại, người Ả-rập cho thành lập nhiều “đạo quân giải phóng”, gồm có những người được gọi là tình nguyện, để xâm chiếm Palestine. Đồng thời, một nhóm buôn lậu hoạt động tích cực để thành lập rất nhiều kho vũ khí tồn trữ trong nội địa xứ này.
Trong lúc đó, “Trung ương” Do-thái kiểm kê lại lực lượng bên mình. Bản tổng kết rất bi quan: về chiến binh trang bị và huấn luyện đầy đủ, họ chỉ có trước sau bốn ngàn người của Palmach. Các Macchabée chỉ chiêu tập được chừng một ngàn người, và còn xa mới kiếm được sự thỏa thuận hợp tác của họ. Tuy thế Avidan có thể trông cậy ở nhiều yếu tố phụ nữa. Trước hết là các nhân sự dự trữ của Haganah, gồm rất nhiều ngàn người đã được huấn luyện quân sự đầy đủ trong quân lực Anh thời đệ nhị thế chiến. Kế đó các dân vệ của các kibboutz mà ông đã kiên nhẫn và tỉ mỉ tổ chức suốt hai mươi năm trường. Và sau hết là một hệ thống tình báo tuyệt hảo. Ngược lại, các lực lượng Do-thái rất thiếu hụt vũ khí: các cơ sở phục quốc Do-thái rải rác khắp thế giới chỉ mua được một số lượng giới hạn, hạm đội Anh tiếp tục phong tỏa duyên hải Palestine, và tệ hơn nữa là Hoa-kỳ lại vừa ra lệnh cấm gửi mọi loại vũ khí sang Trung Đông. Một biện pháp chỉ có nhằm vào người Do-thái thôi. Còn các quốc gia Ả-rập họ có thể mua vũ khí ở nhiều nước và tùy ý chuyên chở về nước dưới hiệu kỳ quốc gia.
Nói tóm tắt về phía Ả-rập có một ưu thế hết sức rõ rệt về người cũng như vũ khí. Hơn nữa phía Ả-rập lại có, đây là trường hợp kỳ lạ, một lãnh tụ quân sự xứng đáng với danh từ là Abdoul Kadar, cháu của vị mufti.
Nhưng sự kiện nghiêm trọng nhất là thái độ của người Anh. Luân-đôn còn hy vọng rằng “Trung ương” Do-thái sẽ cầu cứu tới họ, từ bỏ việc chia cắt và xin người Anh ở lại Palestine. Do đó phát xuất một chiến thuật hết sức lợi cho phía Ả-rập. Trên lý thuyết, mỗi khi di tản khỏi một vùng nào, người Anh phải trao các đồn Taggart cho chức quyền nào đại diện cho đa số dân trong vùng liên hệ. Trên thực tế, các chỉ huy trưởng địa phương đã thích trao các pháo đài này cho người Ả-rập hơn, ngay cả trong các khu vực hoàn toàn chỉ có người Do-thái.
Chưa chi các cuộc chạm súng đầu tiên đã xẩy ra chung quanh các nông trường cô lập. Rồi Abdoul Kadar, được tấn phong làm “tư lệnh” vùng Jérusalem, đã cho áp dụng một chiến thuật kép để hy vọng đạt chiến thắng dễ dàng. Một mặt, không dám dàn trận tấn công các kibboutz phòng vệ kỹ lưỡng, ông bao vây tuyệt lương cho đói, một mặt khác, ông cho tăng cường các cuộc tấn công chống lại sự vân chuyển đường bộ của Do-thái.
Bởi thế, ngay từ lúc đầu khởi chiến, người Do-thái đã bắt buộc phải cố thủ trong các vị trí mà việc tiếp vận vũ khí đạn dược đã đặt ra những vấn đề không sao giải quyết nổi. Tình trạng này còn lâm nguy hơn nữa khi Kadar quyết định tuyệt lương của một trăm ngàn dân Do-thái trong Jérusalem. Vậy mà con đường duy nhất nối liền khu Do-thái mới này với Tel-Aviv lại băng qua vùng núi Judée, vùng mà các làng Ả-rập khống chế tất cả mọi hẻm núi, mọi đèo. Để bảo vệ cho các đoàn xe của mình, Do-thái bắt buộc phải chế tạo ra các “chiến xa”, các xe bọc thêm một vài tấm thép và trang bị đại liên. Nhưng biện pháp này đã tỏ ra không đủ để chống lại các vụ phục kích, và con đường máu ấy đã ngổn ngang các xác xe bị đốt cháy. Trong Jérusalem, bắt đầu đã có nạn đói, mọi người chỉ di chuyển trong các xe buýt bọc sắt và trẻ con nô đùa trong tầm súng của các tay bắn sẻ Ả-rập. “Trung ương” hoài công kêu gọi người Anh, nhấn mạnh tới sự bạo tàn của kẻ địch đang tâm bỏ đói cả thường dân. Người Anh vẫn cứ làm như điếc và án binh bất động.
Như vậy, chiến tranh đã bắt đầu ngay khi người Do-thái chưa tuyên bố độc lập.
Ari Ben Canaan vết thương chưa đủ lành để đứng ra chỉ huy một trong ba lữ đoàn của Palmach như ý Avidan muốn. Không phải cứ lê chân đau mà chàng theo nổi những đơn vị ưu tú lúc nào cũng di động qua mọi địa thế khó khăn nhất.
Ngược lại chàng nhận, nhân danh Haganah, công việc bảo vệ thung lũng Houleh, khu hết sức là lâm nguy bởi vì vùng này một phía là Liban và Syrie, và xa hơn một chút xuống phía nam, lại tiếp giáp với Transjordanie: ba quốc gia Ả-rập - ba kẻ thù.
Tình hình trong khu gồm ba điểm: điểm thuận lợi nhất - các nông trường Do-thái, công sự phòng thủ vững chắc, nằm ở các vị trí có thể tương trợ nhau dễ dàng, thừa đủ sức đẩy lui các cuộc tấn công của các đơn vị không chính quy địch. Điểm đáng lạc quan - đa số dân vùng này là Do-thái và người Anh hứa sẽ trao đồn Esther cho Do-thái, vị trí chìa khóa nằm ở biên thùy Liban. Điểm thứ ba đáng lo - hai vị trí cô lập: khu Do-thái ở Safed và trung tâm thanh niên Gan Dafna, đều khó có thể bảo vệ nổi.
Nhưng không phải vì thế mà phía Do-thái chịu di tản khỏi hai vị trí trên. Ở Safed, viên chỉ huy địa phương của Haganah, được Bruce Sutherland ủng hộ, nhất quyết đánh nhau tới khi bắn hết viên đạn cuối cùng.
- Nhưng mọi người cũng phải cung cấp cho tôi những viên đạn cuối cùng ấy chứ! Và cả súng để bắn chúng nữa. Dĩ nhiên là muốn đánh đấm ra trò, phải tăng viện cho tôi... phải cung cấp đại liên cho tôi...
Ari chỉ biết hứa hẹn mơ hồ với cấp chỉ huy này. Khi còn ngồi lại một mình, chàng thoáng một lúc ngã lòng. Cứ cho rằng mọi sự tiến diễn thuận lợi nhất chăng nữa, sau khi quân Anh ra đi, chàng cũng chỉ mang thêm được chừng năm mươi người của Palmach đến tăng cường bảo vệ cho Safed mà thôi. Từ đầu đến cuối xứ Palestine, vấn đề này chỗ nào cũng đặt ra tương tự. Năm mươi người chỗ này, hai mươi lăm người chỗ kia... đạn dược phân phối nhỏ giọt. Ngày nào bên Ả-rập biết rõ tình trạng thê thảm này, họ sẽ nhào tới.
Còn về Gan Dafna... Nếu người Anh giữ lời hứa và trao đồn Esther lại cho Haganah, nếu mouktar của làng Abou Yesha chung thủy với tình thân hữu đã có với gia đình Ben Canaan thì việc bảo vệ trung tâm Gan Dafna chưa là vấn đề khẩn cấp. Trong trường hợp ngược lại...
Jordana Ben Canaan tiến vào văn phòng của Kitty.
- Rất tiếc làm phiền chị. Mọi người vừa cho biết anh David Ben Ami sắp đến thanh tra hệ thống phòng thủ của chúng ta và sau đó sẽ hội họp với các cấp chỉ huy của trung tâm. Tôi mong chị sẽ tới tham dự buổi họp này.
Kitty nói, cố giấu kín ngạc nhiên:
- Được lắm.
Jordana nói tiếp:
- Như chị đã biết, tôi là người chỉ huy của cái người ta thường gọi là lực lượng quân sự trong trại. Do chức vụ này, chị và tôi, chúng ta bắt buộc phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Tôi cũng muốn nói để chị rõ là tôi hoàn toàn tin cậy ở chị và tôi cũng cho rằng sự hiện diện của chị ở Dafna này là một điều may mắn lớn cho toàn thể chúng tôi.
Mỗi lúc thêm ngạc nhiên, Kitty tò mò nhìn Jordana, thiếu nữ này nói thêm:
- Theo ý tôi, chúng ta phải dẹp bỏ mọi tình cảm cá nhân của chúng ta. Làm được thế, tinh thần mọi người trong trung tâm sẽ vững hơn.
- Dĩ nhiên rồi. Nhưng cô Jordana ạ... tình hình chính xác về chúng ta ra sao hiện giờ?
- Trong lúc này thì không tệ lắm. Dĩ nhiên chúng ta chỉ nhẹ thở ngày nào đồn Esther được trao lại cho Haganah.
- Nếu biến cố diễn ra theo một chiều khác thì sao? Giả thử người Anh trao đồn Esther cho người Ả-rập... và con đường qua Abou Yesha bị đóng kín?
- Trong trường hợp thế, viễn tượng của chúng ta sẽ rất là đen tối.
Kitty đứng dậy đi đi lại lại trong phòng.
- Mong cô hiểu cho là tôi không hề muốn xen vào những vấn đề không liên quan tới tôi. Nhưng chỉ vì... chúng ta hãy nhìn thẳng vào thực trạng: chúng ta dám bị vây hãm lắm phải không cô?
- Rất có thể lắm.
- Thế mà ở đây chúng ta có nhiều em bé mới sinh. Chúng ta chắc phải lập một kế hoạch tản cư cho chúng cùng các trẻ em nhỏ tuổi chứ.
- Di tản chúng đi đâu bây giờ?
- Tôi đâu có biết... Trong một kibboutz hay một moshav nào đó an toàn hơn chẳng hạn.
Jordana nhún vai.
- Tôi không biết nơi nào cả, thưa chị. Dầu thế nào “an toàn hơn” cũng chỉ là một từ ngữ hết sức là tương đối. Chiều rộng trung bình của Palestine chưa tới sáu mươi lăm cây số. Điều đó có nghĩa là không có một kibboutz nào được coi như an toàn hết. Mỗi ngày, lại có thêm một nông trường bị xâm nhập...
- Ta có thể đưa chúng về các thành phố.
- Jérusalem kể như hoàn toàn bị bao vây. Và chính ở Haïfa và ở khu vực giữa Haïfa và Tel-Aviv hiện là nơi đánh nhau ác liệt nhất.
- Vậy... không còn nơi ẩn trốn nào nữa sao?
Jordana không trả lời. Không còn gì để trả lời cả.