Mandria; chủ hãng tàu ở đảo Chypre, có giấc ngủ không yên nhưng đầy những giấc mơ dễ chịu.
Mark Parker ngủ với giấc ngủ say của một người đã hoàn tất nhiệm vụ của mình.
Kitty Fremontt ngủ bình yên, chìm đắm vào một sự thanh tĩnh từ lâu lắm rồi mà nàng chưa được biết.
David Ben Ami ngủ như một đứa trẻ, chàng đã đọc đi đọc lại thư của Jordana đến độ thuộc lòng.
Ari Ben Canaan không nghĩ đến chuyện ngủ. Đối với chàng, đây không phải là lúc ngủ: chàng có quá ít thì giờ trong khi cần biết rất nhiều tin tức tài liệu! Cúi đầu trên một đống bản đồ, báo cáo, thống kê; suốt đêm chàng cố thâm nhập vào đầu tất cả những gì liên quan đến Chypre: đạo quân đồn trú Anh, sự phong tỏa các bờ biển Palestine, các dân Do Thái bị giam giữ trong đảo. Chàng làm việc nhanh nhưng không vội vã, chỉ thỉnh thoảng ngừng lại để uống một ly cà phê hay châm một điều thuốc mới. Ngay từ rạng đông, chàng đã đánh thức David dậy. Hai người ăn sáng thật thịnh soạn rồi lấy một chiếc taxi của Mandria lên đường đi tai trại Caraolos.
Các khu trong trại trải dài trên nhiều cây số trong một đồng bằng duyên hải nằm giữa đường đi từ Famagouste tới Salamis. Các dãy lều chạy dài theo bờ biển cong tới các cây khuynh diệp cành xòa thấp. Mỗi dãy lều bao quanh bằng một vòng rào kẽm gai cao ba tới bốn thước. Ở mỗi góc có dựng một tháp canh bên trên có những người lính gác võ trang tiểu liên đứng cạnh các đèn dọi.
Trong vòng rào vĩ đại của trại, chỗ đổ rác là đường giao liên duy nhất không bị canh chừng. Người Anh chỉ gác sơ sài nơi này vi lý do hơi ngây thơ là những kẻ làm tạp dịch đổ rác đều là những kẻ đáng tin cậy. Đến nỗi chỗ đổ rác đã trở thành một thứ chợ để những người dân đảo Chypre đến đổi chác quần áo thực phẩm lấy những món đồ bằng da cùng những “kỷ vật nghệ thuật” do những người bị giam giữ làm ra.
Chính qua chỗ này, David đưa Ari vào trại. Mặc dù mùa đông sắp tới, một khí hậu nóng nực ngự trị trong trại, một khí nóng mà những cơn bụi lốc còn làm cho khó thở thêm. Một con chó đói rụt rè bám gót hai người. Trên sườn con chó có viết bằng sơn đen chữ Bevin, tên của Ngoại trưởng Anh quốc.
Quang cảnh không đổi khác bao nhiêu từ khu này sang khu khác. Đâu đâu cũng vẫn căn lều vải đầy chật người, đâu đâu cũng là cùng khổ và lo lắng. Hầu hết mọi người bị giam giữ đều mặc quần cụt và áo sơ mi cắt vụng về bằng vải lót nhiều màu đỏ tía. Im lặng, Ari nghiên cứu những khuôn mặt đầy nghi ngờ, thù hận, tin tưởng một cách uất hận hay chịu đựng ở một sự thất bại chán chường.
Tuy vậy cũng có vài tia ánh sáng mặt trời. Mỗi khi Ari bước chân vào một khu trại nào, lại thấy một thiếu niên hay thiếu nữ vui mừng nhảy lên ôm lấy chàng: Đó là những cán bộ của Palmach đã lén lút từ Palestine tới xâm nhập trà trộn vào dân di cư trong trại để nâng cao tinh thần họ. Họ hỏi liên tiếp Ari nhiều câu về tình hình xứ sở, nhưng Ari lại đang không có hứng nói.
- Thôi các cô chú đừng hỏi, hôm nay tôi không có thì giờ. Tôi hứa trễ nhất là cuối tuần này sẽ triệu tập một buổi họp các đoàn viên Palmach [1]. Đến lúc đó, tha hồ hỏi mọi chuyện.
Và chàng lại đi, thám sát bằng mắt hàng rào kẽm gai vô tận, tìm kiếm vài chi tiết giúp chàng tổ chức việc đào thoát cho ba trăm người.
Trong nhiều khu, những người bị lưu giữ được phân nhóm theo quốc tịch, hay theo các sắc thái tôn giáo và chính trị. Có những người quốc tịch Phần Lan, Pháp, Tiệp, có cả khu của người Do Thái chính thống giáo và xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy xét chung đa số các lều đều chứa lộn xộn đàn ông đàn bà, những thứ xác người đã thoát khỏi cơn thủy trào máu của Hitler, những kẻ vô danh mà người ta không biết gọi là gì hơn là người Do Thái, những người muốn sống nốt cuộc đời của mình ở Palestine.
Một cây cầu gỗ bắc qua kẽm gai nối liền hai phần trại với nhau. Nơi cửa vào, một tấm bảng có ghi: HÂN HOAN CHÀO MỪNG BERGEN-BEVIN. David thốt lên một tiếng cười khan:
- Anh hãy nhìn kỹ chiếc cầu coi: y hệt chiếc cầu cao ở ghetto [2] Lodz.
Hiển nhiên là David đang giận sôi lên. Chàng lao vào cả một bài trần thuyết, xỉ vả người Anh về chuyện thiếu thực phẩm và thuốc men, cũng như nhiều sự thiếu điều kiện vệ sinh khác. Chàng trách người Anh để tù binh Đức trong đảo hưởng nhiều tự do hơn những người tỵ nạn Do Thái, chàng chống lại sự khinh thường công lý sơ đẳng mà Witehall đã áp dụng cho họ; Ari chỉ nghe bằng một tai. Sự chú tâm của chàng bị thu hút vào việc nghiên cứu địa hình địa vật của trại. Chàng đột nhiên hỏi:
- Chú đưa tôi đi coi các đường hầm được chứ?
David đưa chàng đến khu Do Thái chính thống gần bờ biển. Giữa dãy lều và hàng rào kẽm gai là các cầu tiêu có vách lợp. Cầu tiêu thứ năm và thứ sáu là cầu tiêu giả: Những hố bên dưới cầu dẫn vào các đường hầm đi xuyên dưới kẽm gai, đã dẫn thẳng ra tới biển. Ari bĩu môi: hiển nhiên là hai đường hầm này không thể đủ cho một cuộc đào thoát lớn được.
Rồi cuộc thanh sát lại tiếp tục, vẫn đều đều, chán nản.. Sau chừng hai tiếng đồng hồ, thấy Ari hầu như không hé răng, David không thể nhịn được nữa, hỏi:
- Này, anh nghĩ ra sao, anh?
- Tôi nhận thấy đặc biệt là Bevin không được mến chuộng ở đây cho lắm. Ngoài chuyện đó... hình như chưa có gì quan trọng hơn để nói.
- Tôi dành cho anh một ngạc nhiên vào phút chót, ở khu nhi đồng, bọn chúng tôi đặt bộ chỉ huy của Palmach tại đó.
Bước vào khu nhi đồng; Ari lại được đón tiếp bằng tiếng reo vui mừng của một Palmachnik nữa. Nhưng lần này, không những không né tránh nỗi vui mừng biểu lộ nơi người thanh niên Ari thân ái ôm hôn hắn nhấc bổng hắn lên, rồi xiết chặt hắn vào ngực mình.
- Tôi rất mừng được gặp lại chú, - quay về phía David, Ari nói thêm - Joab Yarkoni là bạn cố tri đấy.
Joab Yarkoni, người Do Thái Ma-rốc da xạm, mắt đen, bộ ria bự, đang cười sặc sụa.
- Anh Ari, anh còn nhớ những trái chà là Irak không?
Vào thời đó, tất cả xứ Palestine đều nhắc tới chuyện này. Những người Irak tồn trữ những loại chà là được chọn lọc hết sức cẩn thận trong sở trồng tỉa của họ để hy vọng giữ độc quyền về loại trái cây này. Nhưng Yarkoni đã lẻn vào Irak, và đã thành công trong việc “tìm được” khoảng một trăm cây loại này và mang được về bên kia biên giới.
Hiện giờ anh đang phụ trách khu nhi đồng. Nói cho đúng hơn thì đó là những kẻ mồ côi, gồm hàng trăm con trai và con gái từ tuổi nhỏ nhất đến tuổi thiếu niên. Hầu hết chúng đều là con những kẻ sống sót khỏi các trại tập trung, và nhiều đứa chưa bao giờ sống ở ngoài các hàng rào kẽm gai. Khác với các khu khác, ngoài các lều vải khu nhi đồng còn có các cơ cấu đáng kể khác: trường học, phòng ăn, trạm y tế, và cả một thao trường nữa. Ở các chỗ khác thì lại buồn chán buông xuôi trong lúc khu này có một không khí hoạt động mạnh. David cắt nghĩa:
- Nhờ ở lòng hảo tâm của những người Do Thái Mỹ, trẻ con ở đây sống một cuộc sống tương đối bình thường. Chúng tôi có các y sĩ, nữ điều dưỡng, giáo viên... Những vị này không phải là những kẻ bị giam giữ, mà là những người từ bên ngoài tới. Họ là công dân Hoa Kỳ nên người Anh đành phải cho vào. Điều đó thật tiện dụng... cho cái... cho tất cả những gì còn lại.
Những gì còn lại, đó là việc huấn luyện quân sự. Vì có các vụ ra vào như thế, khu trẻ con, canh gác sơ sài; chỉ chính vì thế David và Joad đã chọn khu này đặt bộ chỉ huy của Palmach. Mỗi đêm thao trường biến thành võ trường, trong các lớp học, các cán bộ từ Palestine tới giảng dạy các môn rất ít có tính cách học đường, nhưng chuyên về tâm lý những người Ả Rập, vũ khí cá nhân, chiến thuật du kích và nhiều đề tài tương tự.
Sau vài tuần lễ, học trò của lớp đặc biệt này phải trải qua một kỳ khảo sát, đặc biệt đề tài là “thẩm vấn kẻ tình nghi xâm nhập”. Học viên được coi như đã nhập nội bất hợp pháp Palestine và bị chính quyền Anh bắt. Trong một cuộc thẩm vấn nghiêm khắc, một cán bộ Palmach đóng vai trò cảnh sát Anh, cố gắng kết án “bị cáo” là đã nhập nội bất hợp pháp. Quan trọng nhất là người di dân phải trả lời được nhiều câu hỏi liên quan đến địa lý và lịch sử trong xứ để chứng tỏ rằng mình đã sống ở đó từ lâu rồi.
Khi ứng viên nhập nội đã qua được kỳ thi này, Palmach tổ chức việc đào thoát và chuyên chở đương sự về Palestine. Tính đến nay, hàng trăm người di dân, đi từng nhóm nhỏ, đã trở về được Palestine, vùng Đất Hứa, theo phương cách này.
Các cơ quan an ninh Anh trên đảo chắc hẳn là đã nghi ngờ. Hơn một lần, họ đã trà trộn những tay săn tin giỏi nhất vào những người Hoa Kỳ làm việc tại khu nhi đồng, nhưng lần nào cũng thất bại. Giới thiếu niên, xuất phát từ các ghetto và các trại tập trung đã học được cách theo dõi kẻ lạ mặt, lần lượt các tay săn tin bị lột mặt nạ sau hai hoặc ba ngày trước khi họ khám phá ra được bất cứ điều gì.
Ari chấm dứt cuộc thanh tra sau khi viếng thăm một trường học, Palmach đã đặt Bộ chỉ huy của họ trong một lớp học, nơi bục của thầy giáo được che giấu một máy vô tuyến để liên lạc với Palestine. Dưới sàn gỗ là vũ khí đạn dược. Trên giá, đằng sau một chồng sách là dụng cụ dùng để chế tạo các giấy tờ giả mạo.
Ari ngắm nghía vài giấy thông hành giả, lắc đầu; trách cứ:
- Giấy tờ giả hạng bét. Không đánh lừa nổi lấy một người mù. Tôi tưởng chú làm ăn cẩn thận hơn chứ, Joab.
Joab làm một cử chỉ biểu lộ bất lực. Ari nói tiếp:
- Trong những tuần lễ sắp tới, chúng ta cần phải có một chuyên viên giỏi. Theo David, chú ấy đang có sẵn một tay khá.
- Thưa đúng. Đó là một thiếu niên Ba Lan, tên Dov Landau. Nhưng đáng tiếc tên đó đúng là một tên đầu lừa: nhất định không chịu làm việc. Chúng tôi tìm cách thuyết phục hắn cả mấy tuần rồi chưa xong.
- Tôi sẽ nói với hắn. Hiện giờ hắn đang ở đâu? Tôi thích gặp hắn một mình hơn.
Trong chiếc lều mọi người chỉ cho Ari gặp một thiếu niên tóc vàng thân hình nhỏ bé, nét mặt đầy nghi ngờ. Trong một khoảng khắc, chàng Do Thái xứ Palestine to lớn vĩ đại và chú bé Do Thái Ba Lan quan sát nhau trong im lặng. Ari chú ý tới cái miệng khinh khỉnh, môi mím lại, vẻ mặt lầm lì vừa độc ác vừa nham hiểm của những kẻ đã từng trải qua các trại tập trung của Quốc xã. Ari nói, nhìn xoáy vào đôi mắt xanh của thiếu niên:
- Chú là Dov Landau. Chú mười bảy tuổi gốc Ba Lan. Tôi biết chú là tay làm giấy tờ giả mạo rất có tài. Còn tôi, tên là Ari Ben Canaan, sinh tại Palestine, một cán bộ của Mossad Aliya Bet, tổ chức bí mật của người Do Thái chúng ta.
Không thêm trả lời, Dov Landau nhổ bẹt xuống đất. Ari nói tiếp:
- Tôi cần nói rõ là tôi không có ý định cầu xin hay dọa nạt gì chú hết. Tôi chỉ muốn đưa ra một đề nghị ngay thẳng... một thứ thỏa thuận tương trợ...
Dov ngắt ngang:
- Ông chỉ mất thì giờ vô ích, ông Ben Canaan. Đối với tôi, loại người như ông chẳng có giá trị hơn gì tụi Đức hay tụi Anh. Nếu các ông vất vả như vậy để đưa chúng tôi về Palestine, thì chỉ vì một lý do: các ông cần chúng tôi để chống lại tụi Ả Rập. Các ông, chẳng qua chỉ muốn bảo vệ tấm thân của các ông mà thôi. Này ông nghe đây: thế nào tôi cũng vào được Palestine không cần các ông. Và khi đã vào xứ được rồi, tôi sẽ gia nhập vào nhóm nào cho phép tôi đi giết người.
Ari không đổi nét mặt, tán thành:
- Được lắm. Ít ra bây giờ mọi sự cũng rõ ràng. Chú không tán thưởng những lý do của tôi - Những lý do làm tôi cố đưa chú về Palestine - và tôi cũng không dám tán thưởng các lý do làm chú muốn về xứ của chú. Nhưng chúng ta vẫn cứ đồng ý với nhau được một điểm sau: chỗ của chú là ở Palestine chứ không phải ở đây! Bây giờ hãy xét kỹ hơn vụ này. Không phải cứ lầm lầm lì lì như mèo ăn vụng ở dưới mái lều này mà chú sẽ lên được tàu rời đảo - Chú đồng ý thế chứ?
- Đống ý. Rồi sao nữa?
- Chính vì thế tôi mới đưa ra đề nghị sau: chú giúp tôi, tôi sẽ giúp chú. Rồi sau đó, khi đã về được xứ, chú sẽ làm những gì chú muốn. Nội vụ cũng khi giản dị: tôi cần các giấy tờ giả. Cần rất nhiều trong những tuần lễ tới. Vậy mà những cán bộ tôi có tại đây bết đến nỗi họ bắt chước chữ ký cũng còn chưa xong. Bởi thế tôi đề nghị chú làm việc cho tôi.
Ngạc nhiên trước một vụ thẳng thắn đến như vậy, Dov vẫn còn do dự. Hắn bộc lộ nỗi lo ngại không biết Ari có dăng một cái bẫy nào đánh lừa hay không. Dov lầu nhầu:
- Cũng phải để cho tôi nghĩ đã chứ.
- Chắc chắn rồi. Tôi để cho chú đúng nửa phút, không thêm một giây.
- Nếu tôi không chịu, chắc các ông sẽ “khện” cho tôi một trận nhừ tử phải không?
Ari nhun vai:
- Tôi đã nói với chú rồi đó, Dov: Chúng ta cần lẫn nhau. Chú cứ yên trí, tôi không đánh chú đâu. Nhưng ngược lại, nếu chú quá ngu dốt để từ chối, tôi sẽ đích thân coi chừng, và chú sẽ ở danh sách của kẻ cuối cùng rời trại Caraolos này. Và vì trại này đông tới khoảng ba mươi lăm ngàn người nên tới ngày đến lượt chú về Palestine, thì lúc đó chú đã quá già, quá yếu để không ném nổi những trái lựu đạn hay mìn mà chú ao ước từ lâu. Đến đây, là hết nửa phút để chú suy nghĩ rồi đó.
- Lấy cái gì để biết là tôi có thể tin ở ông được?
- Ngay khi tôi vừa nói xong là chú tin được rồi.
Một thoáng cười làm thoải mái khuôn mặt Dov:
- Ông đã nói thế... tôi nhận lời.
- Tốt lắm. Chú sẽ nhận lệnh từ David Ben Ami hay từ Joab Yarkoni. Yêu cầu chú tuân lời họ, không rắc rối lôi thôi. Nếu chú gặp các khó khăn, chú lại kiếm tôi. Trong nửa giờ nữa, chú tới trình diện Bộ chỉ huy của Palmach. Chú xét coi các dụng cụ chúng tôi đã có, rồi chú cho David biết chú cần thêm những gì nữa. Thôi chào chú!
Ari rời lều tới gặp lại David và Joab, thản nhiên loan báo:
- Trong ba mươi phút nữa, Dov Landau sẽ bắt đầu làm việc.
Hal người phụ tá ngẩn người ra, nhìn cấp chỉ huy của mình:
- Anh đã làm thế nào vậy?
- Đó là một đứa trẻ... Phải biết cách đối xử với nó. Điểm này giải quyết rồi, tôi trở về Famagouste. Tôi sẽ chờ cả hai anh tối nay ở nhà Mandria. Dẫn theo cả Zev Gilboa nữa. Không cần tiễn đưa, tôi biết đường ra trại.
Sững sờ ngạc nhiên, David và Joab nhìn Ari rảo bước về khu đổ rác của trại.
Vào lúc 9 giờ tôi, bốn người tụ họp trong phòng khách của Mandria chờ đợi Ari Ben Canaan tới: chủ nhà, David Ben Ami, Joab Yarkoni và Zev Gilboa, một dân quê khỏe mạnh xứ Galilée, huấn luyện viên quân sự của Palmach trong trại Caraolos và cũng là chuyên viên hữu hạng về các phương pháp chiến đấu bằng tay không.
Đến 11 giờ, Mandria tỏ vẻ sốt ruột:
- Lạ thật... tôi đã đưa cho ông ta một taxi và một tài xế giỏi...
David nói:
- Xin ông đừng sốt ruột Ari có thể vắng luôn ba ngày, kệ cho chúng ta chờ đợi. Anh đó không làm việc như mọi người.
Sau nửa đêm không đợi thêm được nữa, bốn người thu xếp đi ngủ. Quyết định ấy quả thực hợp lý: Ari chỉ đến vào lúc năm giờ sáng. Nét mặt mệt mỏi, mắt đỏ ngầu, nhưng không thêm nghĩ đến chuyện xin lỗi, Ari đã quay về phía Mandria hỏi:
- Thế nào ông Mandria, ông đã tìm ra cho chúng tôi một chiếc tàu chưa?
Ngạc nhiên, Mandria đưa hai tay ôm lấy đầu:
- Ông tưởng tôi có thể tạo phép mầu được sao! Ông mới yêu cầu tôi lo một chiếc tàu cách đây mới chừng ba mươi giờ đồng hồ là nhiều nhất, chắc ông còn nhớ chứ ngay sau khi ông vừa tới đảo, và tôi đã ra lệnh ngay cho các Công ty của tôi có văn phòng ở các hải cảng Famagouste, La Cynéria, Limassol và Paphos. Vậy mà đến hôm nay các văn phòng của tôi vẫn chưa tìm được một chiếc tàu thích hợp, có kết quả tôi sẽ cho ông biết liền.
Ari lầu nhầu:
- Thôi cũng được. Chúng ta thử kiên nhẫn chờ. Zev nghe đây: Các bạn khác chắc đã cắt nghĩa anh nghe những gì chúng ta định làm. Kể từ hôm nay, tất cả ba anh đều được đặt dưới quyền xử dụng của tôi. Còn công việc mọi khi của các anh ở Caraolos, hãy kiếm người khác thay thế: chúng ta không thiếu cán bộ ở trong trại. Anh Joab, theo ý anh có chừng bao nhiêu trẻ con khỏe mạnh trong khu nhi đồng! Từ hai tới mười tám tuổi?
- Coi nào... khoảng sáu tới bảy trăm.
- Zev, anh chọn lựa trong số đó lấy ba trăm đứa khỏe nhất rồi võ trang cho chúng về thể xác cũng như tinh thần thật vững chắc. Lúc này chỉ cần làm vậy thôi.
Ari đứng dậy:
- Ông Mandria, trong nửa giờ nữa tôi cần có một tài xế khác. Tài xế đang lái xe cho tôi mệt nhừ rồi.
Mandria nói:
- Tôi sẽ lái đưa ông đi, ngay khi nào ông muốn.
- Tốt lắm. Chúng ta sẽ đi khi mặt trời mọc. Bây giờ xin các bạn thứ lỗi, tôi phải lên buồng xem xét một vài tài liệu.
Khi Ari ra khỏi. Mandria giơ hai tay lên trời, than thở.
- Ông ta làm tôi sợ luôn. Một người hy vọng ở phép nhiệm mầu... Một người không hề thổ lộ gì về các dự định của mình...
David phản đối:
- Về điểm thứ nhất thì ông nhầm. Chính vì anh ấy không tin cậy ở phép mầu nên mới làm việc ghê như vậy. Ngược lại ông có lý, khi nói anh không chịu nói nhiều về các dự định. Tôi có cảm tưởng anh ấy đang giấu chúng ta một điều gì: Theo ý tôi việc đào thoát của ba trăm đứa trẻ chỉ là một phần của kế hoạch của anh thôi.
Joab Yarkoni nở một nụ cười vui vẻ:
- Suy nghĩ nhiều làm gì cho nhức đầu! Chúng ta đều biết Ari từ lâu hơi đâu mà đoán tìm việc làm của anh ấy làm gì. Ai hiểu được anh Ari bằng chúng ta, phải biết rằng trong loại công tác này, so với anh ta không ai thực hiện được, nếu được ra chỉ bằng đầu gót chân anh ấy mà thôi. Rồi đây chúng ta cũng sẽ biết những gì anh định làm.
Khi ánh sáng đầu tiên báo hiệu bình minh ló dạng, Mandria cầm tay lái taxi đưa Ari chạy vòng quanh đảo, một cuộc du hành bề ngoài như không có mục đích gì. Ít nói, vừa suy tư vừa suy nghĩ thỉnh thoảng Ari đặt những câu hỏi ngắn nhưng xác đáng. Mandria càng lúc càng có cảm tưởng mình đang làm việc với một người không hề biết xúc động là gì. Dầu vậy, đối với chính nghĩa để “thành lập quốc gia Do Thái” lòng tận tụy của Ari lại không thể ngờ vực được. Như vậy ở đây có một sự mâu thuẫn mà Mandria không thể nào giải thích được. Làm thế nào một con người vừa có thể lạnh lùng bình thản lại vừa say mê cuồng nhiệt như thế?
Hai người đi lang thang trong hải cảng cũ kỹ Famagouste, đi từ vịnh Orient rộng lớn đến tận mũi Greco, dọc theo các bờ đá của bãi biển phía nam rồi leo lên những ngọn núi lởm chởm, nơi có nhiều khách sạn đang chuẩn bị đón tiếp khách nhàn du về mùa đông. Tới khi quá nửa đêm, họ mới trở về Famagouste, Mandria đi chệnh choạng vì mệt nhưng Ari bắt ông phải tham dự một buổi hội họp thứ nhì, vẫn cùng với Zev, David và Joab, khi cuộc họp vừa dứt Mandria lăn ra ngủ vì qua mệt.
Ngay hôm sau - bốn ngày sau khi Ari tới đảo - Đại lý của Mandria ở Lacarna thông báo cho biết có một chiếc tàu có điều kiện như chỉ thị đã cho, vừa vào vịnh và chủ tàu đang muốn bán. Ngay lập tức, Mandria, Ari, David và Joab lên đường đến Lacarna.
Họ đã đi được chừng nửa đường thì đột nhiên Ari yêu cầu cho xe dừng lại. Chàng nhận thấy trong các cánh đồng dọc hai bên đường, nhiều toán thợ đang lo dựng các dãy nhà. David cắt nghĩa:
- Tụi Anh đang xây một cái trại thứ hai. Trại Caraolos đầy tràn người rồi...
Bằng một cử chỉ bực tức, Ari cắt ngang, gắt gỏng:
- Tại sao không ai nói cho tôi biết việc này?
Joab bực tức trả lời:
- Chắc là tại anh quên không hỏi thì đúng hơn.
David vội vã nói thêm:
- Chúng tôi phỏng đoán, việc chuyển người từ trại cũ sang trại mới sẽ bắt đầu từ hai đến ba tuần tới.
Ari gật đầu ra chiều suy nghĩ. Joab, từ nãy tới giờ quan sát Ari một cách tò mò, nhận thấy chàng đang suy nghĩ gì ghê gớm.
Ở Lamaca, chủ nhân chiếc tàu định bán, là một người Thổ tên Armatau, chờ đợi họ ở quán “Bốn cây đèn”. Bằng một giọng lấn áp không để ai cãi, Ari tuyên bố là muốn đi xem tàu ngay lập tức. Armatau đưa họ dọc theo cầu, tiến xa ra vịnh tới nửa cây số. Họ đi qua chừng một chục tàu đánh cá, và thuyền buồm rồi dừng lại trước một chiếc tàu kéo cổ lỗ, vỏ hoàn toàn bằng gỗ và đằng mũi mang tên Aphrodite.
Người Thổ, với vẻ mặt huênh hoang, nói lớn:
- Các ngài thấy chưa! Thật quả là loại tàu đáng giá đấy chứ.
Nhưng khi thấy những người đi cùng không hề lộ vẻ thích thú, ông nói thêm:
- Dĩ nhiên nó không phải là thuyền đua vô địch rồi...
Ari dó xét chăm chú chiếc tàu. Chàng có đủ kinh nghiệm mà ước lượng chiếc Aphrodite chỉ dài chừng năm mươi thước, trọng tải cỡ hai trăm tấn. Căn cứ vào cách đóng cùng tình trạng tồi tàn, chắc tàu đã được hạ thủy từ đầu thế kỷ này. Ari bỗng nhiên quay lại hỏi chủ tàu:
- Tôi hỏi ông một câu thôi: tàu ông có đủ chắc để đi một chuyến tới bờ biển Palestine không, có hay là không? Một chuyến đi thôi. Đừng quên một chuyến có nghĩa là hai trăm dặm ngoài biển khơi.
Người Thổ giơ hai tay lên trời:
- Tôi thề trước linh hồn mẹ tôi là tôi đi lộ trình Chypre - Thổ tới ba trăm lần rồi mà không gặp trục trặc nào. Hơn nữa, ông Mandria đây có thể xác nhận cho lời tôi nói là đúng. Ông ấy là chủ hãng tàu, ông biết rõ lắm.
Mandria nói:
- Đúng lắm. Aphrodite tuy già nua nhưng còn chịu trận được.
- Được lắm. Ông Armatau, xin phiền ông cho hai bạn tôi đây lên tàu coi máy móc...
Khi người Thổ, David và Joab đã mất hút sau buồng dẫn xuống hầm tàu, Mandria quay lại Ari.
- Hắn là người Thổ, nhưng ta có thể tin cậy được.
- Theo ý ông, cái thứ xác tàu này có thể đặt tới vận tốc tối đa là bao nhiêu?
- Khoảng chừng năm gút, với gió thuận tốt. Dĩ nhiên, ta chẳng nên vội vã quá.
Chừng nửa giờ sau, David và Joab trở lên boong. David nói:
- Đây không phải là một chiếc tàu, mà là một khối sắt nổi thì đúng hơn. Như thế này, tôi tin chắc là nó thích hợp cho công việc của chúng ta!
- Chú tin là nó sẽ chở nổi ba trăm người không!
- Ba trăm hả... nếu ta chèn ép họ vào đấy, có thể được lắm chứ.
- Được rồi. Bây giờ xin ông Mandria coi sóc việc sửa sang lại tàu. Chắc là nhiều chuyện vui đấy. Khỏi cần nhắc là ông phải tránh làm mọi người chú ý tới.
Mandria nở nụ cười sung sướng như cá gặp nước:
- Ông đừng lo. Chắc ông cũng biết tôi quen biết nhiều. Ngày nào ta còn biết chỗ cần lo lót, thiên hạ sẽ để ta yên: không ai quan tâm gì đến đâu.
- Hy vọng là thế, bây giờ đến việc khác: David, tối nay chú gởi một điện văn về Palestine. Nói với chúng, ta cần một thuyền trưởng và hai thủy thủ.
- Anh tin một thủy thủ đoàn ba người là đủ sao!
- Dĩ nhiên không, nhưng thôi... báo luôn cho các anh biết là hai anh, Zev và cả tôi nữa, chúng ta lợi dụng chiếc quan tài nổi này để trở về Palestine. Lúc đó chúng ta sẽ phụ vào một tay với thủy thủ đoàn như thế là đủ số.
Ari quay lại chú tàu người Thổ, đang ngẩn mặt ra trước hàng loạt câu hỏi, mệnh lệnh và quyết định liên tiếp.
- Xong rồi, ông Armatau. Ông hãy cười lên một cái: Ông đã thành công trong việc bán cho bọn tôi cái vỏ tàu cũ rích này rồi đó. Nhưng không phải với cái giá ông định đâu. Chúng ta hãy trở về quán “Bốn cây đèn” để bàn cãi cho đứng đắn.
Trước khi rời bến tàu, Ari lại dặn:
- Suýt nữa quên... David và Joab, hai anh hay trở về Famagouste bằng phương tiện riêng. Ngay sau khi mua tàu xong xuôi, ông Mandria sẽ đưa tôi tới Cyrénia.
Mandria kêu lên kinh ngạc:
- Đi Cyrénia? Bộ ông không bao giờ biết mệt sao?... Cyrénia ở tận bên kia đảo mà.
- Xe của ông trục trặc sao?
- Không... không... vâng, đồng ý chúng ta sẽ đi Cyrénia.
- Xong rồi, mời đi theo tôi. Cả ông Armatau nữa.
Khi Ari lôi Mandria và Armatau đi, David gọi theo:
- Anh Ari! Đặt tên gì cho chiếc tàu khốn khổ này.
- Chú kiếm đi. Chú có khiếu làm thi sĩ mà...
Đứng trên ván gỗ đưa tới sàn tàu, David và Joab nhìn ba người khuất dần ở đầu bến. Rồi quay lại nhìn nhau, hai người vùng ôm lấy nhau vui sướng. Joab la lên thích thú:
- Cái anh Ari quái ác này! Loan báo bọn mình được phép trở về xứ, cái kiểu gì vậy.
Tươi cười, Joad leo lên tàu và đi dọc theo boong hư nát.
- Cũ ơi là cũ! Hay ta đặt tên nó là Bevin.
David lắc đầu:
- Tôi đã tìm thấy một tên hay hơn. Kể từ nay, nàng Aphrodite nhan sắc tàn phai này được tên là Exodus [3].
Chú thích:
[1] Palmach tên gọi các đơn vị xung kích của Do Thái.
Những người võ trang đầu tiên của Do Thái thành lập đoàn Vệ Quân Hashomer hoạt động lưu động, thường chỉ để chống lại các dân Bédouin chuyên môn ăn cướp xứ Patestine. Khi người Do Thái đã đông hơn, thành lập nhiều nông trường tập thể họ tổ chức HAGANAH, gồm tất cả nam nữ ở tuổi cầm súng được. Đặc biệt là đoàn quân này không thoát ly sản xuất, vừa chiến đấu vừa canh tác và dĩ nhiên không quân phục - dù có bộ chỉ huy tối cao riêng. Đến đệ nhị thế chiến, vì cần dùng du kích chiến để quấy phá hậu phương quân Đức, quân lực Anh nhờ HAGANAH đề cử người tham dự các đơn vị du kích do chính người Anh huấn luyện: các đơn vị này hợp thành PAlMACH, chuyên đánh du kích và đặc công. Sau đệ nhị thế chiến, các đoàn viên PAlMACH trở thành các cán bộ quân chính, đa hiệu, hoạt động trong mọi lãnh vực. Các đơn vị này, sau khi Do Thái dành được độc lập, do trở thành nồng cốt cho quân lực chính qui của Israel. Những người ở trong đoàn này được gọi là Palmachnik.
[2] Ghetto: cho tới đệ nhị thế chiến, các người Do Thái phải sống tập trung trong các khu vực riêng do chính quyền địa phương cưỡng buộc. Các khu này được gọi là Ghetto.
[3] Exodus (Exode): theo Kinh thánh, sách xuất Ê-díp-tô ký, dân Do Thái thời cổ bị bắt đầu làm nô lệ ở Ai Cập. Nhờ có Moise tranh đấu và hướng dẫn, dân Do Thái đã lên đường di cư về cố hương. Chuyến di tản gọi là Exodus hay Exode (pháp ngữ) trong Cựu ước kinh.