“Mẹ kiếp! Làm thế nào để đưa được cái thùng gỗ cũ rích này sang bên kia Đại Tây dương đây?”
Đối với các cán bộ của Mossad, Bill có một uy tín rất lớn. Khi cho tàu Ngôi sao David lao vào mắc cạn ở Césarée, ông đã khai mạc một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhập nội bất hợp pháp. Nói chung, chính thuyền trưởng Bill Fry đã làm người Anh phải thành lập các trại ở đảo Chypre. Đây là cả một ngã rẽ, bởi người Anh càng chận bắt các tàu và đem giam hành khách ở Chypre, Mossad càng tung ra nhiều tàu khác tiến về các bờ biển Palestine. Đến nỗi rằng bây giờ trại Caraolos đã hòa hoãn, và người Anh bắt buộc phải làm một cái gì, duy chỉ có điều họ không biết phải làm gì đây.
Được sự thành công khuyến khích, cương quyết hơn bao giờ hết để cưỡng buộc người Anh phải thay đổi đến tận căn bản chính sách của họ về Palestine, Mossad đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo đặc biệt, nếu không nói là điên rồ, mà việc thực hiện dĩ nhiên là được trao phó cho Bill Fry.
Tàu Ngôi sao David với gần hai ngàn hành khách, cho tới giờ là chiếc tàu lớn nhất đem ra dùng. Các cấp chỉ huy của Mossad cho rằng một nỗ lực mới, lần này với một tàu chở hơn năm ngàn người, sẽ là một chưởng nặng cho người Anh, có thể là quyết định luôn.
Vì vậy Bill được trao phó nhiệm vụ đi kiếm một chiếc tàu, tân trang lại rồi đưa đến La Ciotat chở năm ngàn người về bờ biển Palestine. Phải mua tàu ở Hoa Kỳ hay châu Mỹ La tinh: ở Âu châu, các nhân viên Anh coi chừng đến tận các cảng nhỏ nhất một cách mẫn cán đến độ việc mua tàu chưa ký kết xong, nội vụ đã bị lộ rồi. Vậy các cán bộ Mossad đi lục lọi các hải cảng Mỹ La tinh trong khi Bill đi lùng tới lùng lui khắp nước Mỹ. Ông nhận thấy ngay rằng với số tiền được xử dụng, khó mà tìm được tàu khác. Sau cùng ông đành phải làm một vụ mà ông gọi là đánh cá liều, là mua một tàu hơi nước cũ kỹ, cọc cà cọc cạch mà từ lúc hạ thủy cho tới luc già nua chỉ có chạy qua chạy lại mỗi ngày trong vịnh Chesapeake, giữa Baltimore và Norfolk. Một thứ thuyền lớn chở khách rong chơi chưa bao giờ vượt ra khơi cả, tàu Đại tướng Stonewall Jackson chỉ có mỗi một điểm tốt: là giá rất hạ. Hơn nữa, Bill còn tự hỏi liệu đồng tiền Mossad chi ra lần này có xứng đáng không đây.
Bill đã đưa con tàu cổ lỗ sĩ này đến Newport News (Virginia) nơi tàu phải tân trang lại để chuyên chở sáu ngàn tám trăm người. Và ngay sáng nay, Bill đã nhận được điện tín báo cho biết là công việc tân trang đã hoàn tất. Nhưng một lần nữa, viễn tượng được trao phó chức vụ thuyền trưởng mới không hề làm ông hứng khởi.
Hai mươi bốn giờ sau, ở Newport News, ông cho tập hợp thủy thủ đoàn: những thanh niên Palestine thuộc Mossad và Palmach, vài người Do Thái Hoa Kỳ, Do Thái các cộng hòa nói tiếng Tây Ban Nha, Ý, Pháp. Ông thanh tra tàu, cho nhổ neo, và sau khi chạy thử một vòng trong phía nam vịnh, ông cho tăng tốc độ hướng ra khơi.
Sau chừng ba giờ, máy móc trục trặc làm ông phải cho tàu trở về Newport News.
Trong tuần lễ sau đó, Bill còn thử ra khơi ba lần nữa. Lần nào cũng vậy, chiếc tàu “từ chối” không chịu ra biển xa, ngoài môi trường sinh hoạt cũ của nó là mặt nước bìnn yên trong vịnh.
Ông bắt buộc phải loan báo cho các đại diện của Massad là ông đã lầm: tàu Jackson sẽ không bao giờ đương đầu nổi với Đại Tây dương hết. Mọi người yêu cầu ông sửa lại máy móc lần nữa và thử thêm một lần chót.
Lần thứ năm, phép mầu xảy ra: Giống như một con rùa mắc bệnh phong thấp tàu Jackson vượt qua mũi Henry tiến vào vùng nước sâu của đại dương... Và với một sự “ngoan cố” rất đẹp, tàu vẫn tiếp tục tiến.
Hai mươi hai ngày sau, tàu lê lết một cách can đảm vào cửa vịnh Lion, tiến vào Touton.
Thời gian chọn lựa thật đúng lúc. Một vụ đình công của các tài xế xe vận tải vừa xảy ra ở Pháp, và các quan sát Anh ở trại La Ciotat vì tin chắc rằng không một công cuộc quan trọng nào có thể làm được nếu thiếu xe vận tải, nên đã nới lỏng việc kiểm soát. Và dẫu sao mọi người cũng đã loan báo rằng trong tất cả các hải cảng châu Âu, không có một chuyến tàu ra đi khả nghi nào kể từ chuyến đi của tàu Cửa vào Sion đã từng đến Ý Port de Bouc cách đây mấy tuần.
Ngày hôm trước khi tàu Jackson vào cảng Toulon, một đại diện của Mossad đã để Hiệp hội các tài xế chuyên chở để trình bày tình hình. Đại diện nghiệp đoàn này bí mật báo động cho một số đoàn viên của mình, và trong khi vụ đình công làm đình chỉ tất cả mọi chuyên chở bằng đường bộ của nước Pháp, một đoàn xe năm tấn chạy đi chạy lại giữa La Ciotat và Toulon để chở đến cảng này sáu ngàn năm trăm dân tị nạn - trong số đó có Dov Landau.
Những nhân viên tình báo Anh chỉ biết “âm mưu” vào phút chót. Lúc đó tàu General Jackson đã được đặt tên lại là Đất Hứa, và trên cột đã bay phất phới lá cờ xanh trắng với hình ngôi sao David.
Ở Luân Đôn, có nhiều buổi hội khẩn ở Bộ Hải Quân, Chatham House, Whitehall. Kế hoạch của Mossad cùng các ảnh hưởng vang đội của nó đối với chính sách về Palestine thật quá hiển nhiên, do đó cần phải ngăn cản tàu khởi hành bằng tất cả mọi phương tiện và với bất cứ giá nào. Các tàu chiến chận ngoài khơi Toulon và chính phủ Anh đã đưa ra với Paris những thỉnh cầu nhưng giống như những lờ de dọa. Để thay thế câu trả lời, người Pháp cho phép tàu Đất Hứa nhổ neo.
Chiếc tàu hơi cũ kỹ vừa rời hải phận Pháp, đã bị hai tuần dương hạm Anh Dunston và Apex tới đi kèm cứng hai bên. Trong ba ngày liền, BillFry phớt lạnh giữ nguyên hướng đi. Cách tàu ông vài sải, hai tuần dương hạm Anh giữ liên lạc vô tuyến thường xuyên với Bộ Hải Quân. Buổi trưa ngày thứ tư, khi tàu Đất Hứa còn cách bờ biển Palestine năm mươi hải lý, người Anh ra tay hành động, bất chấp luật lệ quốc tế. Chiếc Apex lái lệch đi để lại gần chiếc tàu hơi, bắn một tràng đạn cảnh cáo rồi gọi bằng máy phóng thanh:
- Lệnh của hạm trưởng cho tàu chở di dân bất hợp pháp! Chạy chậm lại! Chuẩn bị đón tiếp toán quân lên giữ tàu.
Bill nhổ mẩu xì-gà lúc nào cũng có trên môi, cầm loa la lớn:
- Chúng tôi xin nhắc quý vị rằng chúng tôi đang ở hải phận quốc tế. Nếu các ông chiếm tàu tôi, các ông làm một hành động của dân cướp biển.
- Rất tiếc, ông bạn già, chúng tôi chỉ thi hành chỉ thị của thượng cấp. Ông bạn có tiếp nhận toán chiếm tàu của chúng tôi mà không kháng cự không?
Nhún vai, Bill quay lại người chỉ huy các Palmachnik đang đứng đằng sau:
- Chúng ta sẽ chuẩn bị tiếp đón bọn khốn kiếp đó một cách linh đình!
Đất Hứa tăng tốc độ, trong một nỗ lực vừa thê thảm vừa vô vọng, để trốn thoát hai chiếc tuần dương hạm. Apex lại gần nữa rồi quẹo một cách bất thình lình, húc vào giữa tàu Đất Hứa. Mũi thép tàu húc thủng một lỗ lớn trên vỏ tàu gỗ - may mắn thay ở trên phần ngập nước của tàu. Chiếc tàu nhỏ chưa hết rung động vì va chạm này, một tràng đạn đã quét trên boong. Các đại liên của tuần dương hạm mở đường cho toán quân chiếm tàu.
Các thủy quân lục chiến trang bị vũ khí cá nhân và mặt nạ phòng hơi đã nhảy sang tàu Đất Hứa, từ phía mũi ùa về phía đài chỉ huy. Trong khi họ còn lúng túng gỡ khỏi các vòng kẽm gai do các Palmachnik tung ra, họ bị lãnh một trận mưa đá, kèm theo đó là các vòi nước xịt mạnh. Bị đẩy lùi về đàng mũi tàu, họ vừa nổ súng vừa yêu cầu tăng viện. Nhiều thủy quân lục chiến khác sang tăng viện và cố cắt kẽm gai. Một cuộc xung phong thứ hai về đài chỉ huy lại bị đẩy lùi bằng các vòi nước xịt. Nỗ lực lần thứ ba của người Anh được đại liên yểm trợ. Lần này, quân Anh vượt qua được các hàng rào kẽm gai, nhưng để rồi bị phỏng bởi một hàng rào hơi nước nóng sôi. Do đó bên quân Anh hàng ngũ rối loạn và tình trạng này cho phép các palmachnik phản công. Trong một trận hỗn chiến ngắn, các palmachnik bắt được hết các thủy quân lục chiến Anh và ném từng tên một xuống biển, cho tới tận kẻ cuối cùng.
Chiếc Apex ngừng lại để vớt quân của mình lên, còn Đất Hứa lại tiếp tục tiến cà rịch cà tàng với sườn tàu rách tung. Chiếc Dunston đuổi kịp dễ dàng. Nhưng húc lần nữa có vẻ nguy hiểm: đến lần thứ hai chắc sẽ gửi Đất Hứa xuống đáy biển luôn. Vì vậy tàu Dunston đành dùng đại liên quạt lia lên tàu Đất Hứa, bắt các palmachnik phải tìm chỗ nấp. Rồi một toán xung kích chiếm tàu lại leo lên bằng các thang móc vào lan can. Vung đoản côn, bắn vài phát súng lục, quân Anh tiến về đài chỉ huy. Trong khi đó, tàu Apex đã tiếp tục chạy tới để tham dự vào trận chiến. Một toán xung kích thứ hai được ném ra dưới sự che chở của một hàng rào hơi cay mắt. Bị đánh gọng kềm, các palmachnik phải lui.
Dov đã chiến đấu dữ dội. Hắn thuộc vào toán có nhiệm vụ bảo vệ thang dẫn lên đài chỉ huy. Bốn, năm, sáu lần, toán này đã đánh ngã lộn nhào các thủy quân lục chiến bám vào thang cho tới khi hơi cay mắt và đạn đại liên làm họ không thể chống cự nổi nữa.
Bây giờ quân Anh đã làm chủ trên tàu. Trong khi đa số quân xung kích Anh bắt các palmachnik đứng yên bằng các tiểu liên, phần còn lại nhào vào phòng lái. Họ va phải Bill Fry và năm người của thủy thủ đoàn, mặc dù hoàn toàn bao vây, vẫn kháng cự lại bằng đấm đá và súng lục. Sau cùng, các thủy quân lục chiến bắt được Bill kéo ra ngoài, đánh cho xỉu bằng đoản côn.
Sau một trận chiến đấu kéo dài bốn tiếng đồng hồ, quân Anh làm chủ chiến trường. Việc chiếm tàu Đất Hứa làm họ chết tám người và bị thương chừng hai chục. Bên Do Thái mười lăm chết, trong đó có thuyền trưởng Bill Fry.
Chiếc Dunston dùng dây kéo Đất Hứa về tận Haifa, nơi các nhà cầm quyền quân sự Anh đã áp dụng các biện pháp nhằm cô lập hóa hoàn toàn hải cảng. Sư đoàn 4 Không vận chiếm đóng các ke, súng trì sẵn, quân phục tác chiến. Nhưng trong khi người Anh lo lắng giữ bí mật như vậy, họ lại không biết rằng đài phát thanh bí mật Do Thái đã phổ biến trọn vẹn “vụ chiếm tàu đặc biệt có tính cách hải tặc ấy”. Các đoàn thể phục quốc Do Thái liền tuyên bố tổng đình công. Và người Anh vội vàng đưa thêm quân tới, cả thiết giáp nữa để tạo một vòng đai bất khả vượt giữa những người tị nạn và các người dân Palestine đang nổi giận bừng bừng. Bốn tàu chuyên chở tù binh mang các tên hùng hồn rất mỉa mai là Magna Charta, Empire Monitor, Empire Renown và Empire Guardian sẵn sàng tiếp nhận ngày các di dân của tàu Đất Hứa. Nhưng đúng vào lúc chiếc tàu hơi cũ kỹ nghiêng về một bên một cách nguy hiểm tiến vào vịnh Haifa, thì một tiếng nổ lớn ra làm rung chuyển cả thành phố. Đó là chiếc Empire Monitor vừa nổ tung. Một thành công đẹp đẽ của những người nhái Palmachnik đã bơi dưới nước, gắn một quả mìn từ tính vào vỏ tàu.
Mặc dù sự ngăn trở này, việc chuyển người sang tàu được thực hiện ngay lập tức. Đa số các di dân quá mệt, quá mất tinh thần, để nghĩ đến chuyện chống cự nữa. Ủ rũ, tiêu cực, họ để người Anh đưa vào các hangar cởi bỏ quần áo, bơm đầy người một chất lỏng khử trùng, khám xét rồi sau đó ngay lập tức lại được đưa lên ba chiếc “nhà tù nổi” còn lại. Tuy vậy vẫn còn một nhóm nhỏ bất khả trị, khoảng chừng hai mươi lăm người trong đó có Dov Landau. Cố thủ trong một khoang tàu, trang bị các ống chì, chống lại người Anh đến cùng. Người Anh phải bơm hơi cay vào tàu để trục xuất họ ra. Dov được bốn người lính áp tải đưa xuống đất một cách vất vả vì hắn kháng cự vùng vẫy dữ đội. Bị lôi xềnh xệch lên tàu Magna Charta, Dov bị quẳng không thương tiếc vào phòng giam trên tàu.
Ngay chiều hôm đó, ba chiếc nhà tù nổi, còn chở đông hơn cả chiếc tàu bất hạnh Đất Hứa nữa, rời hải cảng Haifa dưới sự hộ tống của Dunston và Apex.
Họ sẽ được đưa tới đâu? Nếu người Anh đem giam giữ họ tại Chypre, trong các trại đã đông nghẹt rồi, chiến thuật của Mossad chắc đạt được mục tiêu. Chính sách “nhân đạo” của Anh quốc như vậy sẽ chỉ đưa tới việc thêm sáu ngàn năm trăm người Do Thái trốn thoát các lò thiêu xác vào đám đông đang mọc rêu trong chờ đợi ở Chypre, nằm giữa đường Âu châu thù nghịch và Palestine bị cấm đoán.
Tại Luân Đôn, mọi người tưởng đã tìm được một giải pháp:
“Các di dân của tàu Đất Hứa sẽ được đưa trở lại Toulon, nơi họ đã lên tàu. Kể từ giờ, tất cả những ai định phá sự phong tỏa sẽ được đưa về hải cảng đã xuất phát”.
Các cán bộ của Palmach và Mossad đi cùng với các di dân không hề sững sờ trước một giải pháp như thế. Đối với họ, tình thế thật rõ ràng: nếu các người Do Thái chịu lên bờ ở Toulon, người Anh xem như cơn giông tố đã qua. Không ai còn dám phiêu lưu nhập nội bất hợp pháp nữa. Thế là chấm dứt mọi nhập nội bất hợp pháp vào xứ Palestine.
Khi các nhà tù nổi sắp bỏ neo ở Toulon, các mật lệnh bắt đầu được loan truyền đi trên các tàu. Cùng một lúc, các cấp chỉ huy của Palmach đệ trình các hạm trưởng Anh một thông điệp y hệt nhau, tuyên bố rằng “muốn bắt chúng tôi lên bờ, phải dùng tới võ lực”.
Phân vân, các hạm trưởng điện về bộ Hải quân xin chỉ thị. Bộ ngoại giao Anh ngay lập tức dùng mọi nỗ lực gây áp lực với Ba Lê - một áp lực tối đa tới mức độ dám làm đổ vỡ bang giao Anh Pháp. Người Pháp được “mời” giữ được thái độ trung lập nghiêm chỉnh và cho phép các Hải quân của Anh hoàng đưa các Do Thái lên bờ, dầu phải dùng tới sức mạnh chăng nữa. Trong bốn ngày liền, rất nhiều điệp văn được trao đổi giữa bộ Hải quân và các nhà tù nổi, giữa Ba Lê và Luân Đôn. Đến ngày thứ năm, chính quyền Pháp phúc đáp dứt khoát:
“Chính phủ Pháp sẽ không cho phép việc cưỡng bách các di dân lên bờ. Tuy vậy, nếu các di dân tự nguyện muốn trở lại đất Pháp, họ sẽ được tiếp đón tử tế”.
Được khuyến khích bởi lập trường cương quyết này, các Do Thái trên ba tàu đều nghiêm trọng xác định ý chí muốn ở lại trên tàu. Người Anh mất hai mươi bốn giờ mới tỉnh trí lại. Rồi họ báo cho các di dân biết rằng nếu không chịu lên bờ tại Toulon, họ sẽ phải ở lại cái vịnh Lion này đến ngày thở hơi cuối cùng.
Các người Do Thái không buồn trả lời nữa. Bình tĩnh, một cách cố ý, họ cư ngụ trên các tàu như nhà mình. Các Palmachnik tổ chức các lớp học, lập một bản tin tức và một ban kịch nhạc, nói một cách chung, họ cố hết sức mình để duy trì một thứ đời sống xã hội ở trên tàu. Vì phía Pháp, chính phủ Pháp lo việc tiếp tế thực phẩm và săn sóc sức khỏe. Có nhiều đứa trẻ được sinh trên tàu. Sau một tuần lễ, phải chấp nhận sự kiện hiển nhiên sau: các di dân giữ vững được lập trường.
Tại đất liền, các ký giả tò mò chú ý đến ba chiếc tàu bị bao vây bằng một bức tường im lặng này. Một đêm, một cán bộ của Mossad rời tàu Empire Guardian, bơi vào bờ, và qua một buổi họp báo thực sự, đã kể lại hết đầu đuôi nội vụ cho các đại diện của báo chí Pháp.
Hai mươi tư giờ sau, trong tất cả các nhật báo chính của Pháp, Ý, Hòa Lan cùng Đan Mạch, đều có các bài xã thuyết chỉ trích dữ dội thái độ của Anh quốc.
Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận quần chúng này, Luân Đôn im lặng ngượng nghịu. Chính phủ Anh chờ các phản ứng như vậy: chính thực ra, họ chờ sẵn đối phó với tất cả mọi sự - ngoại trừ sự cứng đầu không thể ngờ nổi của các di dân. Các điều kiện sinh hoạt trận các tàu chở tù rất là tồi tệ: quá đông người, thiếu không khí thiếu vệ sinh, và các điều này đã tạo ra nhiều bệnh tật. Và các thủy thủ Anh trên bờ thần kinh đã bắt đầu căng thẳng. Họ đã không dám phiêu lưu xuống các khu giam giữ để áp dụng kỷ luật nữa...
Sau hai tuần lễ, những người Do Thái vẫn giữ vững tiếng la hò của báo chí thế giới mỗi ngày một tăng thêm.
Tuần lễ thứ ba... Tuần lễ thứ tư... Rồi một người Do Thái đầu tiên lên bờ mà không ai có thể trách người Anh đã dùng tới bạo lực: người này đã chết. Các hạm trưởng của ba tàu cho biết là các di dân cương quyết hơn bao giờ hết. Tại hạ viện Anh, các dân biểu thắc mắc về sự khai triển mạnh của chiến dịch chống Anh quốc. Nếu còn những người khác chết phải đưa lên bờ, nội vụ dám xoay ra một chiều rất tồi tệ hơn.
Lo lắng ra thoát khỏi tình trạng rắc rối ấy, người Anh yêu cầu các di dân đề cử các đại diện “để cùng cứu xét các khía cạnh dị biệt của vấn đề”. Họ nghĩ rằng việc thảo luận sẽ đưa đến một thỏa hiệp tránh cho người Anh khỏi mất mặt. Nhưng câu trả lời của ba người chỉ huy Palmach mỗi người ở ba tàu - đồng nhất như sau:
“Chúng tôi chỉ chấp nhận một giải pháp: cho chúng tôi vào Palestine”.
Đến giờ, các nhà tù nổi đã bỏ neo trước Toulon sáu tuần lễ rồi. Ngày mà chiếc xuồng máy đưa vào người Do Thái thứ hai chết, người Anh gởi đến cho người Do Thái một tối hậu thư cứng rắn: hoặc là chịu lên bờ, hoặc là họ chịu lãnh mọi hậu quả của sự cứng đầu của họ. Không ai biết những hậu quả này sẽ gồm những gì, nhưng sau khi tối hậu thư bị khước từ, Luân Đôn bắt buộc phải chấm dứt một tình trạng đã kéo dài quá lâu.
Empire Guarđịan và Empire Renown sẽ nhổ neo ngay lập tức tới Hambourg thuộc vùng chiếm đóng của Anh. Sau khi tới nơi, các hành khách của hai tàu sẽ được đưa lên bờ, nếu cần bằng võ lực, và giam giữ tại Dachau cho tới khi chính phủ Đức có một quyết định dứt khoát về vấn đề của họ.
Vào lúc hai tàu trên vượt eo Gibarltar, Mossad trong một nỗ lực hối hả, thực hiện một dự án mới: lần này, sẽ trang bị hai tàu chở mười lăm ngàn di dân để phá phong tỏa vùng bờ biển Palestine. Phải lợi dụng ngay trường hợp thuận tiện: khi các di dân trở lại Đức và đem giam vào Dachau, người Anh sẽ đưa sự giận dữ của dư luận thế giới lên tới cực độ. Đối với Mossad Aliya Bet, đây là một chiến thắng - một chiến thắng buồn thảm, cay đắng, một chiến thắng để lại dư vị đắng cay trong miệng những kẻ chiến thắng.
Sau cùng để ít nhất cũng có một hành động hòa giải, người Anh cho chiếc tàu tù thứ ba, Magna Chaata, về đảo Chypre và cho giam các hành khách vào trại Caraolos. Chính vì thế, Dov Landau có được điều hài lòng tương đối là trải qua ngày sinh nhật thứ mười sáu của mình không phải trong bầu khí xám xì nặng nề của Dachau, mà dưới bầu trời Địa trung hải. Dĩ nhiên là trong một trại, đằng sau các hàng rào kẽm gai.
Dov Landau, tóc vàng, mắt xanh... một khối căm thù.