Trước hết, để hiểu đúng câu thơ, phải đặt nó trong chỉnh thể thống nhất chung của cả bài thơ: mạch vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhìn sâu vào nội dung, cấu tứ của bài thơ, Đây thôn Vĩ Dạ được xem như một lời tỏ tình với cuộc đời (chứ không phải chỉ là một bóng hình giai nhân cụ thể) của một tấm tình tuyệt vọng. Tại sao lại tuyệt vọng? Ta biết Hàn lúc này đang mắc căn bệnh hiểm nghèo, đang từng giờ từng phút phải vật lộn với đau đớn hành hạ về thể xác (do căn bệnh nan y) và về tinh thần (phải xa cách cuộc đời); phải luôn luôn đối mặt với cái chết. Nhưng trong lòng thi nhân (chàng trai trẻ) luôn chứa ẩn niềm khát sống, nỗi ước mong được trở lại với cuộc đời. Chính sự mâu thuẫn, tình thế éo le, ngang trái đó đã chi phối đậm nét cảm xúc của thi sĩ thơ thể hiện trong bài thơ: vừa khát khao hy vọng vừa ý thức rõ thực tại nghiệt ngã, để cuối cùng chỉ còn là một nỗi băn khoăn da diết, khôn nguôi (ta biết bài thơ được mở đầu và kết thúc bằng những câu hỏi tu từ và ở mỗi khổ thơ, câu hỏi ấy lại vang lên da diết).
Chính bởi tâm trạng ấy, cảnh vật, con người hiện lên trong tâm hồn nhà thơ vừa mang vẻ đẹp, sức hút mạnh mẽ của cuộc đời, vừa thấm đẫm sự chia rời, li biệt (được nhà nghiên cứu gọi là "mặc cảm chia lìa"). Nhà thơ ý thức rõ khoảng cách giữa hai miền không gian: Ở đây (Trong này) (nơi Hàn bị cách li khỏi cuộc sống, cô đơn, lạnh lẽo) và Ngoài kia (là cuộc đời vui tươi đầy sức sống mà thiên nhiên, con người Thôn Vĩ, xứ Huế là hình ảnh đại diện). Nhà thơ đang "Ở đây" (trong này) khao khát, ước ao về thế giới Ngoài kia.
Hiểu như vậy, chúng ta thấy hình ảnh nhân vật trữ tình Em ở đây hiện lên ảo huyền trong ước mơ, trong khát khao của thi sĩ. Sắc trắng của chiếc áo được đặc tả ở mức độ mạnh (qua từ "quá" và sự khẳng định "nhìn không ra") (gần với ý kiến thứ hai: sắc áo trắng đến lạ lùng - nhưng không hẳn là ca ngợi). Ta biết trong thơ Hàn thường xuất hiện những bức tranh thiên nhiên thanh khiết, những thiếu nữ mang vẻ đẹp trinh khiết. Và ở đây cũng vậy, hình ảnh Em xuất hiện trong sắc trắng lạ lùng cũng thể hiện vẻ đẹp lí tưởng, thanh khiết, thánh thiện mà Hàn hằng tôn thờ.
Còn câu "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". Không gian chuyển về "Ở đây", nơi lưu đày của thi sĩ. Và nếu hiểu như vậy, "sương khói" không phải là sương khói của Vĩ Dạ, của thế giới ngoài kia mà chính là của không gian trong này, ở đây, nơi Hàn đang phải chịu đựng dày vò, khao khát, băn khoăn tha thiết đến cháy lòng.
Với một văn bản thơ như Đây thôn Vĩ Dạ, có rất nhiều cách tiếp cận và lí giải tác phẩm. Với mỗi cách thức, phương diện khác nhau người ta lại ngày càng phát hiện thêm những vẻ đẹp mới ẩn tàng sau câu chữ và làm giàu thêm cho cảm nhận và tâm hồn mình. "Hãy suy nghĩ không cũ về một vấn đề không mới" - phải chăng đó là con đường để có những sự phát hiện và sáng tạo trong văn học cũng như trong cuộc sống.