- Lúc con rước mẹ nơi Trần Châu con có lời khấn vái cho mẹ lành tật sẽ xuất khi mà chẩn bần, và tha thuế cho dân Trần Châu mười năm. Nay mắt mẹ đã sáng rồi con cũng phải tính cho xong lời hứa ấy.
Lý Thái Hậu nói:
- Vậy thì con phải sai người đi lo việc đó cho đúng với lời hứa của con.
Hôm sau, Thiên Tử lâm trào truyền chỉ truy phong Khấu cung nữ làm Thiên Phi Thục Đức, phong hàm ân cho Trần Lâm làm trung liệt công và lập miếu mà thờ, lại phong cho Quách Hải Thọ làm An Lạc Vương, cho phép bất kỳ lúc nào muốn về trào cũng được, rồi lại gia phong cho Bao Công làm Long Đồ Các Khu Mật Sứ và ban cho một chỗ ngồi trong trào để lúc đi chầu khỏi đứng. Rồi đó vua truyền chỉ đại xá tù trong nước, hễ tội lớn thì giảm, tội nhỏ thì tha ngay. Lại truyền chỉ lập vương phủ cho An Lạc vương ở nơi Trần Châu. Ban thưởng xong vua bãi triều, các quan ai về dinh nấy.
Cách ít ngày sau, Thiên Tử lại truyền chỉ cho Bàng Hồng và Bao Công phải nán lại Trần Châu mà chẩn bần, rồi sẽ về sau.
Lúc ấy, Quách Hải Thọ bái biệt Lý Thái Hậu rồi ra đi.
Lý Thái Hậu nói:
- Từ nay về sau cứ cách ba tháng con về thăm mẹ một lần kẻo mẹ thương nhớ lắm.
Quách Hải Thọ vâng lời rồi tạ ơn lui ra.
Tháng ngày thấm thoát trôi qua đúng ba tháng, Bao Công cũng đã chẩn bần xong và nhân dân ca tụng ơn đức lắm.
Từ ấy An Lạc vương an hưởng giàu sang, sung sướng không biết chừng nào, song còn một điều là chưa có đôi bạn thì cũng chưa được vừa lòng cho mấy.
Bấy giờ có Vương Tăng Nguyên là Tể Tướng của Tiên đế nay đã hưu trí về tại Trần Châu, lại có một đứa con gái tên là Long Châu, tuổi vừa cập kê mà nhan sắc rất đẹp, nên Vương Tăng có ý muốn gả cho An Lạc vương.
Khi Bao Công phát chần xong thì đến viếng Vương Tăng, nên sẵn dịp Vương Tăng ngỏ ý cầu hôn.
Bao Công nói:
- Ngài có lòng thương An Lạc vương như vậy để tôi sẵn lòng giúp cho.
Nói rồi bèn từ giã Vương Tăng đến gặp An Lạc vương tỏ bày việc ấy. An Lạc vương vui vẻ nói:
- Tôi vẫn là người lâu nay sống bần tiện, nhờ có Mẫu Hậu mà được vinh hiển như ngày hôm nay. Còn cháu Vương Thái sư là cành vàng lá ngọc, tôi đâu dám vọng tưởng.
Bao Công nói:
- Tuy ngày trước đại vương nghèo khổ, nhưng nay đã đặng phong vương rồi, một đàng là vương hầu, một đàng là Tể Tướng, thì hai bên kết duyên với nhau xứng lắm. Nay Vương Thái sư cậy tôi chớ tôi không phải bày ra chuyện ấy đâu.
Quách Hải Thọ nói:
- Nếu đại nhơn đã nói như vậy thì xin đại nhơn dâng biểu về tâu cùng Thánh Thượng, coi thử Thánh Thượng liệu định thế nào?
Bao Công nói:
- Lời ấy rất phải.
Bèn từ giã Quách Hải Thọ đến ra mắt Vương Tăng thuật lại ý kiến của An Lạc vương cho Vương Tăng nghe.
Vương Tăng mừng rỡ nói:
- Vậy xin đại nhơn hãy gắng lo cho xong việc.
Bao Công vâng lời thảo một đạo biểu chương đem về Biện kinh mà dâng cho Thiên Tử.
Thiên Tử rất đẹp ý, vào cung tỏ lại sự tình với Lý Thái Hậu. Lý Thái Hậu nói:
- Vương Thái sư là người trung hậu mà lại là một cựu
công thần. Nếu Quách Hải Thọ mà được sánh duyên như vậy cũng có phước lắm.
Thiên Tử liền phê vào tờ chiếu, khiến Bao Công toan liệu việc ấy Bao Công được chi liền truyền cho văn võ bá quan nơi Trần Châu sắm lễ vật, rước Vương tiểu thơ về vầy duyên với An Lạc Vương.
Bàng Hồng hay được việc ấy thì phiền muộn lắm, vì lúc này Thiên Tử lại sai đi Tam Quang làm y theo lời xin của Dương Tôn Bảo phong cho Địch Thanh làm phó Nguyên Soái, và phong thưởng cho các tướng, đặng hiệp sức với Dương Tôn Bảo mà trấn giữ Tam Quang.
Bàng Hồng về đến dinh nghĩ thầm:
- Bấy lâu ta dốc lòng mưu hại Địch Thanh, té ra mưu này kế khác vẫn không hại được, Mà Địch Thanh lại được phong làm đến Phó Nguyên soái. Ta nghĩ chừng nào thì giận Bao Hắc Tử chừng ấy, không biết kế mà hại Bao Hắc Tử cho đặng, rồi sẽ lập kế mà hại Địch Thanh.
Từ ấy Bàng Hồng lo lắng và buồn rầu không nguôi.
Lúc này Dương Tôn Bảo tiếp được Thánh chỉ phong chỉ Địch Thanh làm Phó Nguyên soái, Tương Trung, Lý Nghĩa và Lưu Khánh làm đến chức Thống chế, còn chư tướng đều thăng cấp nên ai nấy đều vui mừng, mở tiệc vui chơi.
Cách ít ngày sau, Địch Thanh nhiễm bịnh, cơm cháo không ăn, rên la cả ngày. Dương Nguyên soái đem lòng lo sợ nên khiến Phạm Trọng Yêm làm biểu chương sai người vợ trào tâu cho Thiên Tử rõ.
Giữa lúc ấy có quân thám thính lại về báo:
- Bên Tây Hạ phong cho Tiết Đức Lễ làm Diệt Tống Nguyên soái khiến đem ba mươi muôn binh đến đánh nước ta. Bây giờ hãy còn đóng trại cách thành này chừng năm mươi dặm.
Dương Nguyên soái tuy nghe báo như vậy, nhưng cũng không đem lo lòng, vì ỷ mình có đủ sức mạnh đương cự.
Kế đến thấy binh tướng đem chiến thơ đến. Dương Nguyên soái cũng phê vào chiến thơ hẹn ngày giao chiến
Hôm sau, Tiết Đức Lễ đem binh đến khiêu chiến. Tiêu Đình Quý xin ra trận thì Dương Nguyên soái cũng cho đi.
Tiêu Đình Quý ra đến trận thì thấy Tiết Đức Lễ mặt xanh, râu đỏ, mình cao một trượng, tay cầm đại đao, xốc tới đánh Tiêu Đình Quý.Tiêu Đình Quý ráng sức đánh được vài mươi hiệp, liệu bề cự không lại liền giục ngựa chạy về ải. Tìết Đức Lễ dốc quân rượt theo. Khi đến ải thì quân trên ải bắn tên xuống, làm cho quân Phiên chết rất nhiều. Tiết Đức Lễ thấy vậy phải thâu quân quay về trại.
Còn Dương Tôn Bảo đang ngồi thượng thư với chư tướng xảy thấy Tiêu Đình Quý chạy về thưa:
- Tiết Đức Lễ anh hùng vô địch, tôi cự với nó không lại nên phải về đây.
Dương Nguyên soái nói:
- Thắng bại là việc thường trong binh gia. Nhưng ra trận chưa được bao lâu, lẽ nào lại chịu thua sớm vậy?
Tiêu Đình Quý nghe nói lật đật thưa:
- Tuy đánh chẳng bao lâu, song biết sức mình không địch nổi, thà thua sớm còn hơn.
Lúc này Tiết Đức Lễ thừa thắng vây thành, Dương Tôn Bảo nổi giận sai Trương Trung ra đánh. Trương Trung cũng chỉ đánh được vài chục hiệp rồi cũng quày ngựa bỏ chạy. Dương Nguyên soái lại sai Lý Nghĩa đem quân ra đối địch. Lý Nghĩa ra đánh vài chục hiệp rồi cũng bị thua chạy về thành. Bấy giờ Tiết Đức Lễ thấy trời đã tối nên kéo binh về trại.
Hôm sau, Tiết Đức Lễ lại kéo binh đến khiêu chiến nữa.
Dương Tôn Bảo liền nai nịt chỉnh tề dẫn quân ra ứng chiến. Tiết Đức Lễ thấy Dương Tôn Bảo liền hỏi lớn:
- Tống tướng tên chi phải nói rõ cho ta biết.
Dương Tôn Bảo nói:
- Ta là đại Nguyên soái Tôn Bảo đây. Sao ngươi dám cả gan đem quân xâm lấn bờ cõi Tống trào. Hãy mau xếp giáp quy hàng kẻo mất mạng.
Lời bàn.
Lời xưa nói: "Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác" tức là: Chứa lành thì gặp lành, chứa dữ thì gặp dữ. Vậy thì lành, dữ chứa ở đâu.?
Trong cuộc sống con người, thời gian xây dựng cuộc đời đụng chạm không biết bao nhiêu là sự việc để mưu sinh, mỗi hành động con người chứa đựng nhiều việc lành và việc dữ.
Việc lành, dữ ấy di lưu trong cuộc sống của mình để đem đến hậu quả của nó, ấy vậy lành dữ chứa trong cuộc sống của chúng ta chờ không ở đâu xa lạ cả.
Chúng ta thấy Lưu Thái Hậu rồi đến Quách Hòe đến Thái giám Trần Lâm và tất cả những người khác trong chuyện này, kẻ nào chứa lành thì cuối cùng gặp lành, kẻ nào chứa dữ thì cuối cùng gặp dữ.
Bởi vậy, người xưa khuyên: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Tức là: Lành dữ cuối cùng đều có trả.
Trong lúc mưu sinh, chúng ta ít người nghĩ đến lẽ như quả nên không tự răn lấy mình, đến khi nhận hậu quả thì chỉ còn biết hối hận mà thôi.