- Bao đại nhân đã lo xong việc chẩn bần rồi hay sao mà trở về sớm như vậy?
Bao Công nói:
- Chưa xong, nhưng vì có việc cần gấp nên phải tức tốc về đây
Bọn nịnh thần nghe Bao Công nói như vậy thì nghĩ thầm:
- Lão già này có tánh quỷ quyệt, nay đặt chuyện nọ, mai đặt chuyện kia, không biết đâu mà lường. Nay lão về đây e có việc không yên.
Còn Bàng Hồng thì lòng lo sợ, cũng nghĩ thầm:
- Bao Hắc tử về trào hối hả như vậy chẳng biết có việc chi khiến lòng ta không an. Ta cầu cho Thánh thượng sai nó đi năm kia tháng nọ, đừng trở về trào thì ta mới ngồi yên được
Vừa lúc đó Thiên tử lâm trào, bá quan vào triều bái tung hô. Huỳnh môn quan tâu rằng:
- Nay có Bao Thị chế hồi trào, còn đứng ngoài ngọ môn đợi lệnh.
Thiên tử nghe tâu liền đòi Bao Công vào, hỏi:
- Vậy việc chẩn bần đã xong chưa mà Bao khanh về đây?
Bao Công tâu:
- Vì có việc cần kíp nên tôi mới về đây mà ra mắt Bệ hạ.
Thiên từ hỏi:
- Việc gì mà Bao khanh gọi là cần kíp?
Bao Công tâu:
- Vả phép nước là điều rất trọng, nay gian thần kết đảng với nhau mà khi quân ngộ quốc, chẳng kiêng pháp luật. Nay Bệ hạ ở trào mà không hay được, còn tôi thì đi chẩn nơi Trần Châu mà việc khi mạng của chúng nó tôi đều thấu, cho nên tôi phải hỏa tốc về trào, đặng mà tâu lại cho bệ hạ nghe để mà trừ đảng gian thần thì mới bình an xã tắc được.
Thiên tử hỏi:
- Bao Công nói gian thần nào, ở đâu mà khi quân ngộ quốc không kiêng phép nước.
Bao Công tâu:
- Trầm Quốc Thanh đây thật là gian thần, không kiêng phép nước.
Trầm Quốc Thanh nghe Bao Công tâu như vậy thì kinh hãi nghĩ thầm:
- Không biết lão này gọi mình là gian thần là ý gì? Vẫn biết mình cũng có hành động sai quấy nhưng lão làm sao biết được?
Thiên tử nghe Bao Công tâu như vậy thì hỏi:
- Vì cớ gì mà Bao khanh lại biết Trầm Quốc Thanh là gian thần?
Bao Công tâu:
- Trầm Quốc Thanh thật là đứa đại gian, đại ác, chẳng kể pháp luật triều đình.
Bao Công mới tâu bấy nhiêu điều thì Bàng Hồng xen vào tâu:
- Vả Bao Chuẩn đi chẩn bần nơi Trần Châu công việc còn chưa xong, Bệ hạ lại chưa từng tuyên triệu mà dám bỏ việc trở về, ấy thật là kẻ không tuân phép nước, rồi lại khua lưỡi đánh lưỡi kiếm điều mà dọa dẫm triều thần. Xin Bệ hạ đừng nghe những lời vu vơ ấy, và khiến trở lại Trần Châu tiếp tục làm cho xong việc.
Bao Công nói:
- Việc này tôi không nói đến Quốc trượng, sao Quốc trượng là người vô can lại gánh vác làm chi?
Thiên từ nói:
- Khanh là người vô can, chớ nói nhiều lời như vậy.
Bàng Hồng nghe Thiên tử quở thì không dám nói nữa, sắc mặt có vẻ thẹn thùng.
Thiên tử nghĩ thầm:
- Bao Công thuở nay là người chánh trực công bằng, nay
không triệu mà trở về đây chắc là có việc gì quan trọng chớ chẳng không?
Nghĩ như vậy liền phán:
- Có việc chi thì Bao khanh hãy tâu cho Trẫm biết.
Bao Công tâu:
- Vả Dương Tôn Bảo là người trấn giữ biên cương, chốt ngăn kẻ địch từ 30 năm nay, công lao rất lớn. Công ấy, tội ấy dù Bệ hạ có chiếu theo luật nước thì cũng tương công chiết tội được, vậy mà Bệ hạ lại xử tam ban triều điển. Còn Lý Thành ám hại Tiêu Đình Quý mà mạo nhận công lao. Dương Tôn Bảo chiếu theo quân pháp mà trị tội thì cũng đáng lắm. Nay vợ Lý Thành là Trầm thị, không giữ bổn phận đàn bà, dám cả gan đến tâu giữa triều như vậy thì cũng có người chủ sự cho nên Trầm thị mới dám làm. Còn Tôn Võ ra đến Tam Quan không tra xét công khố mà lại trả giá đòi ăn hối lộ, ấy là bọn nịnh thần khi quân ngộ quốc đó. Vì vậy cho nên Tiêu Đình Quý kẻ lỗ mãng giận đánh Tôn Võ như thế, thì cũng không lấy chi làm trọng tội.
Bao Công mới tâu đến đó thì Bàng Hồng đã kinh hãi lật đật quỳ tâu:
- Mấy lời Bao Chuẩn tâu đó đều là vô bằng, xin Bệ Hạ xét lại
Thiên tử nói:
- Bao khanh đang ở Trần Châu làm sao biết rõ việc Tam Quan được?
Bao Công tâu:
- Chẳng những tôi biết các việc ở Tam Quan mà cả công việc của lũ gian thần ở triều đình khi quân miệt pháp nữa. Để tôi tâu rõ việc gian thần trong trào cho Bệ hạ nghe. Bệ hạ không rõ lại giao Tiêu Đình Quý cho Trầm Quốc Thanh tra xét, té ra bọn chúng che lấp việc Tôn Võ đòi hối lộ cứ tra xét việc mất chinh y hoài, mà Tiêu Đình Quý cũng không chịu cung chiêu. Trầm Quốc Thanh lập một tờ cung chiêu giả mà mạo tấu cùng Bệ hạ. Nếu khi ấy không có Dư Thái hậu đến giữa trào mà phân biện thì Tiêu Đình Quý đã làm quỷ không đầu rồi và Dương Tôn Bảo cũng phải thác oan về việc ấy nữa. Có phải lũ gian nịnh toa rập nhau mà khi quân vọng thượng chăng? Vì vậy tôi phải vội vã về triều đặng xin Bệ hạ cho tôi tra xét việc ấy mà làm cho ra lẽ công bình.
Khi Bao Công tâu mấy lời ấy thì Trầm Quốc Thanh và Tôn Võ đều lo sợ lắm.
Thiên tử phán:
- Bao khanh nói rằng rõ biết việc gian ấy thì tâu hết đầu đuôi cho Trẫm nghe.
Bao Công liền thuật hết các lời cáo thị của Y thị tại Trần châu cho Vua nghe.
Thiên tử nghe rồi đến hỏi Trầm Quốc Thanh:
- Người ấy có phải là vợ của khanh chăng?
Trầm Quốc Thanh chưa kịp tâu thì Văn Ngạn Bác đã xen vào:
- Nàng Y thị là bà con cô cậu với tôi, đúng là vợ của Trầm Ngự sử đó. Trầm Quốc Thanh nghe Bao Công kể hết sự tích của vợ mình thì đã hoảng hồn mất vía, không dám nói tiếng nào. Thiên từ thấy vậy trong lòng càng thêm nghi. Còn Bàng Hồng thì lo sợ nghĩ thầm:
- Nếu vậy thì âm mưu trước đây đã bại lộ cả rồi.
Thiên tử hỏi Bao Công:
- Khi Y thị tố cáo thì có nói điều gì nữa không?
Bao Công tâu:
- Y thị có nói Trầm Quốc Thanh ăn lộc nước mà không lo việc nước. Nàng có nói vợ của Lý Thành là em ruột Trầm Quốc Thanh, nên Trầm Quốc Thanh mới oán Dương Tôn Bảo và Địch Thanh nên mạo tấu như vậy. Khi ấy nàng thấy chồng mình đem dạ gian tà nên can gián mà Trầm Quốc Thanh không chịu nghe, nên giết nàng như vậy.
Thiên tử nghe xong liền phán:
- Hôm nay khanh nói, Trẫm mới biết ngày trước Trẫm lầm.
Lúc ấy bọn gian thần nghe Bao Công tâu mấy lời thì lo sợ lắm, song không dám nói chi hết.
Thiên tử tại phán:
- Lời Bao khanh tâu đó cũng không lấy chi làm chắc, vì chỉ là lời quỷ mị thì cũng không biết đâu mà tin. Vả ngày trước Trẫm có sai người ra Tam Quan triệu Dương Tôn Bảo Địch Thanh về, thôi hãy chờ hai người ấy về đây rồi sẽ tra xét Còn Bao khanh thì nên trở lại Trần Châu mà lo việc chẩn bần cho xong.
Bao Công tâu:
- Dương Tôn Bảo trấn thủ Tam Quan là chỗ hiểm địa trong lúc bình yên vô sự còn không dám bỏ đi một ngày huống chi lúc này giặc giã nổi lên không ngớt, nếu triệu Tôn Bảo về kinh e Tam Quan phải mất, mà hễ Tam Quan mất thì xã tắc nhà Tống cũng không còn. Nay việc Trầm Quốc Thanh giết vợ thì hàm chứa oan tình. Bấy lâu tôi đã điều tra những việc như vậy, xin Bệ hạ chớ cho là chuyện quỷ mị. Cứ giao cho tôi tra xét.
Thiên tử chưa kịp phán thì Trầm Quốc Thanh lật đật tâu:
- Vợ tôi là Y thị không phải giận hờn tôi mà tự vận, đâu có chuyện ấy? Tôi chắc Bao Chuẩn ghét tôi nên đạt điều nói như vậy. Xin Bệ hạ chớ nên tin lời ấy.
Bao Công tâu:
- Xin Bệ hạ cho tôi mượn ba món bửu bối đặng tôi cứu Y thị sống lại mà tra hỏi cho minh bạch rồi sẽ biết ai ngay, ai gian.
Trầm Quốc Thanh nói:
- Vợ tôi chết đã lâu, nay xương thịt cũng đã rã rồi, làm sao có thể cứu sống lại.
Bao Công nói:
- Trầm Quốc Thanh! Đừng có nhiều lời. Vả vợ ngươi cũng thuộc hàng Cao mạng phu nhân, sao ngươi không tẩm liệm quan quách mà đem vất thây dưới vũng bùn. Ngươi thật là bất nhân không kể đến tình vợ chồng. Nay ngươi còn dám đến giữa triều mà tâu gian như vậy?
Trầm Quốc Thanh thấy Bao Công nói đúng sự thật nên kinh hãi không dám cãi nữa.
Lúc ấy thiên tử y theo lời của Bao Công, truyền chỉ cho nội giám lấy ba món bửu bối của Tiên đế để lại giao cho Bao Công để tìm cách cứu vợ Trầm Quốc Thanh.
Bao Công lãnh chỉ xong thì Tôn Tú quỳ xuống tâu:
- Cứ theo lời Bao Công nói thì hài cốt Y thị bị vùi xuống bùn. Xin bệ hạ thử hỏi Bao Công có biết nơi ấy hay không?
Thiên tử phán:
- Lời khanh nói cũng có lý. Liền hỏi Bao Công:
Bao Công tâu:
- Y thị đã tố cáo rất rõ, nên tôi mới dám tâu.
Thiên tử hỏi Trầm Quốc Thanh như sự thật không?
Trầm Quốc Thanh trong lòng rất lo sợ, nên nghe hỏi liền tâu:
- Việc ấy quả có y như vậy
Thiên tử nghe tâu thì nổi giận nạt lớn:
- Nếu vậy nhà ngươi thật không kiêng phép nước, chẳng kể luật vua. Vợ ngươi vào hàng Cao mạng phu nhân, sao ngươi lại vùi thân trong vũng bùn như vậy. Thật là vô tình bạc nghĩa.
- Nói rồi truyền bắt Trầm Quốc Thanh trói lại, lột hết áo mão. Bàng Hồng thấy Trầm Quốc Thanh làm việc mờ ám như vậy cũng không dám tâu vào.
Thiên tử phán:
- Nay trẫm giao Trầm Quốc Thanh cho khanh tra xét cho minh bạch, rồi sẽ phục chỉ.
Nói rồi truyền bãi trào. Các quan ai về dinh nấy.
Lời bàn.
Cuộc sống con người là tranh đoạt hưởng thụ, bởi lúc nào cũng sanh ra chiến tranh.
Nếu cuộc tranh đoạt ngoài chiến trận thì đó là chiến tranh bằng gươm đao, võ nghệ, còn ở trong trào thì là chiến tranh bằng lý chí.
Đã là chiến tranh thì ai cũng cần đồng minh để giúp sức vì vậy mà chia ra lắm phe phái, cấu xé lẫn nhau.
Lời xưa có nói: "Hễ trâu thì tìm trâu; ngựa thì tìm ngựa".
Vì vậy kẻ trung thần không thể liên minh với kẻ gì nịnh.
Trong một triều chính mà gian nịnh cấu kết với nhau tạo nên thế lực thì việc triều chính sẽ rối ren, đất nước yếu Vậy bổn phận của kẻ cai trị quốc gia có bổn phận phân định đâu là chính nghĩa, đâu là gian tà thì mới khác phục được tình trạng rối ren ấy.