- Tôi không thể chấp nhận sự việc ở Đà Nẵng.
Tướng Westmoreland nói về cuộc xô xát giữa một nhóm thủy quân lục chiến Mỹ với số tín đồ đạo Phật ngày 26-8. Vị Tổng tư lệnh Mỹ không cần biết sự thật – sự thật là lính Mỹ bắn trước. Và ông ta cũng không cần biết số phận bi thảm của hàng trăm người bị lính Mỹ săn đuổi chạy trốn vào một xóm đạo Thiên Chúa để hứng những loạt đạn khác. Tướng Khánh cũng không cần biết bao nhiêu người chết và bị thương. “Lập lại trật tự”. Trong những giờ phút ấy tướng Khánh cảm thấy mình cao lớn hẳn, nắm quyền lực hơn. Không có gì khiến Khánh bận tâm – những người theo đạo Thiên Chúa ngã gục trước phát đạn đại bác tại cổng Bộ Tham mưu hoặc theo đạo Phật tắt thở ở trường Nguyễn Bá Tòng. Phải làm cho người Mỹ công nhận Nguyễn Khánh, một “bàn tay sắt” tại Việt Nam Cộng hòa!
Bởi vậy, hàng nghìn người bị bắt, đâu khó khăn gì lắm lùa số nam nữ sinh viên học sinh lên xe cây!
Nguyễn Tôn Hoàn từ chức. Mặc kệ ông ta! Văn phòng liên lạc “bộ ba” Công giáo, Phật giáo, cảnh sát thành lập – muốn thành lập thì thành lập, muốn giải tán thì giải tán. Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa đạo Thích Tâm Châu ra thông bạch: Chính quyền vẫn đàn áp Phật giáo, nếu không chấm dứt và trả tự do cho người bị bắt thì ngày 27-10 sẽ có bãi thị, bãi khóa, đình công! Ồ! Khánh lấy khăn tay bịt mũi: Đến 27-10, ngót nghét 2 tháng, trong 2 tháng đó bao nhiêu biến động, hơi sức đâu mà lo. “Tay Thượng tọa láu cá này hùng hổ để xoa dịu Phật tử; tối hậu thư mà thời hạn hiệu lực lên đến 50 ngày, rõ ràng ông ta khuyến khích chính phủ cứ làm mạnh”, Khánh mỉm cười nghĩ đến điều đó.
“Tam đầu chế” vẫn phải có một cái đầu cao hơn. Sáng 1-9, Khánh khệnh khạng vào dinh Độc Lập, trễ hơn Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm 15 phút. “Để xem không có mặt mình, hai lão kia bàn được cái gì...”. Khánh đinh ninh Ban lãnh đạo quốc gia phải chờ anh ta. Nhưng, Khánh thật sự hốt hoảng khi tại phòng họp, ngoài tướng Minh – ngồi ghế chủ tịch – và tướng Khiêm bên cạnh, có thêm tướng Thiệu, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, thiếu tướng Đỗ Mậu, quốc vụ khanh Lê Văn Hoạch, ngoại trưởng Phan Huy Quát, tổng trưởng nội vụ Lâm Văn Phát, tổng trưởng thông tin Phạm Thái, phó tổng thanh tra quân đội Nguyễn Thành Luân và đây là điều gây hốt hoảng cho Khánh – đại sứ Mỹ M. Taylor, phó đại sứ A. Johnson... Có vẻ cuộc họp đã bắt đầu đúng giờ. Nguyễn Khánh thấy tổng trưởng Phạm Thái đang báo cáo.
Tất cả ngó Khánh như ngó một nhân vật phụ - trừ đại tá Luân đứng lên chào Khánh theo cấp chức quân đội. Người ta bận nghe thông báo tình hình.
Nguyễn Khánh tìm chỗ ngồi, lẽ ra anh ta phải ngồi ngay chiếc ghế của tướng Minh, hoặc khiêm tốn hơn, cạnh tướng Minh như tướng Khiêm. Song, Khánh không dám ngoi lên hàng trên. Anh ta lắm lét ngó đại sứ Taylor. Đại sứ mãi chăm chú nghe tổng tướng Phạm Thái nói tiếng Anh rất trôi chảy. Khánh đành sà bên cạnh đại tá Luân, hàng ghế thứ hai.
- Họp bàn vấn đề gì? – Nguyễn Khánh hỏi Luân, thật khẽ.
- Về việc phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn từ chức và mấy vụ lộn xộn ở Huế...
- Sao có đại sứ Mỹ dự?
- Ông Minh mời họ...
- Sao lại có một số thành viên chính phủ, giống như phiên họp nội các “bỏ túi”?
- Cũng do ông Minh...
- Thế mà tôi không biết gì cả!
Luân không trả lời Khánh cũng im bởi Taylor chợt quay nhìn hai người, hơi cau mày, dấu hiệu yêu cầu trật tự và kỷ luật...
Tổng trưởng Phạm Hồng Thái dứt lời, bức tranh chính trị từ nam vĩ tuyến 17 đến Cà Mau khá đen.
- Mời anh Khiêm thông báo tin tức chiến sự. - Tướng Minh nói tiếng Việt.
Trần Thiện Khiêm rời chỗ ngồi, đến tấm bản đồ treo trên tường, cầm chiếc gậy. Khiêm nói tiếng Việt. Đại sứ Taylor khẽ gật đầu, mời Luân, Luân kéo ghế ngồi giữa đại sứ và phó đại sứ làm nhiệm vụ phiên dịch.
Bản đồ đã được đánh dấu những điểm xảy ra đụng độ giữa quân chính phủ, quân Mỹ với Việt Cộng. Không nhiều trận đánh lắm song hầu như tỉnh nào cũng có vài trận quy mô cỡ tiểu đoàn hoặc vài tiểu đoàn, đậm đặc ở miền trung, nhất là vùng Quảng Ngãi.
A. Johnson trao cho Taylor tờ giấy đánh máy – tin chiến sự của bộ tư lệnh Mỹ.
Khiêm thông báo độ 20 phút. Nguyễn Khánh là người ngỡ ngàng – anh ta không theo dõi chặt chẽ diễn biến của chiến trường.
- Không biết sắp tới còn ai trong chính phủ từ chức nữa? – Tướng Minh nêu một câu hỏi.
- Đó là về chính trị. Về quân sự, Việt Cộng sẽ đánh vào đâu? – Đại sứ Taylor cũng nêu một câu hỏi.
- Trả lời câu hỏi của trung tướng trong Ban lãnh đạo, tôi biết chắc thứ trưởng của tôi, đại tá Trần Ngọc Huyến, đã đưa đơn xin từ chức. - Tổng trưởng Phạm Thái nhỏm lên rồi ngồi xuống.
- Về hướng đánh của Việt Cộng, tôi nghĩ có thể là vùng IV. – Trần Thiện Khiêm trả lời.
- Đại tướng nghĩ “có thể” hay từ phân tích tin tình bao? – Johnson hỏi vặn, hơi châm chọc.
- Tất nhiên, từ phân tích tình báo... - Khiêm nói lại, giọng bực bội.
- Theo tôi, vụ ở Huế nên dàn xếp sớm. Kinh nghiệm cho thấy Huế dễ khơi ngòi nổ cho nơi khác. - Quốc vụ Khanh Lê Văn Hoạch lưu ý hội nghị. Ông nói tiếp: - Nên cử một phái đoàn cấp cao nhất ra Huế trấn an ngay.
- Tôi đồng ý với bác sĩ. – Tướng Minh nói – Tôi rất ngại các cuộc xung đột buộc phải quân đội can thiệp như vừa rồi...
- Tại sao, cảnh sát không can thiệp mà để quân đội dính vào chính trị? – Đại sứ Taylor hỏi tướng Lâm Văn Phát.
- Thưa đại sứ, đúng lý thì tôi, với tư cách Tổng trường Nội vụ phải trả lời, song đáng tiếc, người cần trả lời phải là tướng Nguyễn Khánh!
Lâm Văn Phát hất hàm về phía Khánh.
- Tại sao? Tôi vẫn chưa hiểu... - Taylor không ngó Khánh.
- Vì cái này đây!
Tướng Lâm Văn Phát rút trong cặp ra một tờ báo trải trước mặt đại sứ Mỹ, trỏ đoạn thông cáo của Bộ Tổng Tư lệnh do Nguyễn Khánh ký – đoạn đó được khoanh bút chì đỏ - cho phép quân đội nổ súng các cuộc biểu tình. Tướng Phát dịch luôn tiếng Anh thông cáo đó.
Maxwell Taylor, dù mặc thường phục, vẫn giữ tác phong của một quân nhân cấp cao, xoay ghế, ngó thẳng Khánh:
- Ông Khánh, tôi muốn ông giải thích lý do của thông cáo này...
Khánh quên hẵng vị trí của mình – trong Ban lãnh đạo quốc gia, Tổng tư lệnh quân đội, Thủ tướng chính phủ, đứng lên ấp úng:
- Thưa, nhu cầu an ninh đòi hỏi...
- Giải sử quân đội bắn vào nhóm dân chúng biểu tình thì ông có nghĩ hậu quả ra sao không? Cách đây mấy hôm các ông dùng đại bác bắn dân chúng... Tôi muốn giới thiệu với các ông bức điện của Tổng thống nước chúng tôi gởi cho tôi... Đọc bức điện đi Alexis!
Mặt Taylor lạnh như tiền. Alexis Johnson đọc bức điện.
“Gởi đại sứ Maxwell Taylor – Sài Gòn.
Tôi sửng sốt về những phát đại bác ở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Xin lưu ý đại sứ để đại sứ lưu ý chính phủ Sài Gòn rằng vũ khí viện trợ cho Nam Việt không phải để cho ai đó bắn vào dân chúng tại thủ đô! Đức hồng y Spellman với lời lẽ gay gắt nhất phản đối tôi và quốc hội có thể nêu vấn đề này chất vấn tôi. Hoặc chính phủ Việt Nam Cộng hòa có đủ mọi phương tiện chiến thắng Cộng sản hoặc họ không có gì cả.
Tổng thống Mỹ đã ký:
L.B. Johnson”.
- Thế đấy!
Taylor quay ghế lại, dằn mạnh từng tiếng như ông đang đứng trước hàng quân hay trên bục giảng.
- Trung tướng Dương Văn Minh có nhã ý mời tôi và người phụ tá của tôi đến dự phiên họp bất thường ngày hôm nay. Chúng tôi vui lòng đến bởi chúng ta đã cột chung số phận với nhau. Sự khôn ngoan sẽ không bao giờ thừa, nhất là vào lúc khó khăn này. Chúng tôi không muốn nước Mỹ bị kỳ thị ở đây vì những lỗi lầm không phải từ chúng tôi... Quân đội Việt Nam Cộng hòa, tôi xin nhắc lại, hãy trở lại chỗ đứng của mình, hãy ngó về phía kẻ thù và đạn nên dùng đúng mục đích của nó... Nước Mỹ hỗ trợ hết lòng bạn hữu, song có những cái nước Mỹ không hỗ trợ nổi, đó là sự ổn định nội bộ Việt Nam Cộng hòa về chính trị, bắt đầu là các vị gánh vác trách nhiệm nặng nhất. Không được để ra bất cứ vụ lộn xộn nào. Và, thưa ông Tổng trưởng Nội vụ Lâm Văn Phát, chính ông chứ không phải trung tướng Khánh đảm bảo yêu cầu của tôi!
Lâm Văn Phát không như Nguyễn Khánh, thay vì đứng lên chắp gót chân tỏ ý tuân phục, anh ta run đùi, tay sờ cằm, ngó lên trần nhà.
Taylor tái mặt. Nhưng ông ta kịp kềm chế.
- Tôi và phó đại sứ cám ơn tướng Minh... Chúng tôi xin phép ra về...
Tướng Minh tiễn hai người Mỹ đến cửa phòng, Nguyễn Khánh tê tái theo họ xuống tận thềm và hai người Mỹ lên xe, đóng sầm cửa...
- Hắn làm thầy đời mà vô duyên! – Tướng Phát cười ruồi, ngay khi Taylor và Johnson vừa ra khỏi phòng – Ai vẽ kế hoạch bình đình Nam Việt trong 18 tháng! Hắn với thằng cha bịp bợm Staley cộng với thằng cha bịp bợm da vàng mũi tẹt Vũ Quốc Thúc. Ngay vụ nổ đại bác ở Bộ Tổng tham mưu, tôi nghĩ cũng do hắn chỉ thị cho Nguyễn Ngọc Lễ... Rồi, ai bắn vào dân Việt Nam tay không ở Đà Nẵng vừa rồi? Lính Mỹ!
- Nhưng, ta hãy nói chuyện trước mắt... - Phan Huy Quát ngắt lời Lâm Văn Phát.
- Trước mắt là chuyện gì? – Phát hỏi gay gắt.
- Trước mắt nên thu hồi lệnh cho phép quân đội nổ súng... - Người nói là Nguyễn Văn Thiệu – Tôi thắc mắc, ông Khánh bàn với ai mà ký lệnh đó?
Khánh chưa trở vô, Khiêm lắc đầu:
- Tôi không biết.
Khánh vô phòng. Tướng Minh làm nhiệm vụ cố hữu:
- Thôi, mấy anh em đừng cãi lẩy...
°
Ngày 3-9, tướng Dương Văn Minh cùng tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh bay ra Huế. Giới Phật giáo đón “người anh hùng 1-11-1963” lạnh nhạt. Tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng I, thậm chí không đến chào hai vị đứng đầu nhà nước và chính phủ. Giới Thiên Chúa giáo dĩ nhiên thù địch tướng Minh ra mặt.
Dù sao, Bộ Thông tin cũng có dịp ra thông cáo nói về sự lắng dịu của vùng sát giới tuyến nhân chuyến công cán này.
Người có thể đánh giá chính xác 2 ngày tướng Minh và tiến sĩ Oánh ở Huế là Hoàng Thị Thùy Dung, do đại tá Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Trần Thanh Bền phái theo, để thực hiện phần nghiệp vụ cảnh sát ở phía Bắc Việt Nam Cộng hòa.
Tại cầu thang máy bay, tướng Minh thay mặt Ủy ban lãnh đạo quốc gia về quân lực; tiến sĩ Oánh, quyền Thủ tướng, được tỉnh trưởng Thừa Thiên và văn võ quan viên đón tiếp theo nghi thức long trọng, nhưng cả hai không vui. Họ ra đây vì những khả năng xấu – bất cứ lúc nào cũng có thể nổ ra bạo động dân chúng mà bạo động phức tạp: vừa xung đột tôn giáo vừa chống chính phủ. Cả hai đều ý thức vai trò trái độn của mình và đều hiểu người Mỹ rất e ngại an ninh vùng I.
Thùy Dung, một sĩ quan cấp thấp, xuống máy bay sau cùng. Tướng Minh không để ý Dung – đoàn tùy tùng khá đông. Nhưng, khi trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên cùng một cố vấn Mỹ ra đón Dung, tướng Minh mới biết một thiếu tá cảnh sát ngồi chung máy bay với ông và nữ thiếu tá đó là vợ của đại tá Nguyễn Thành Luân. Không bộc lộ một thái độ gì đặc biệt, tướng Minh lên xe, riêng Dung, cô cảm giác vị tướng không hài lòng, có thể ông nghĩ rằng ông bị theo dõi; cũng có thể cho tận bây giờ, ông chưa thích viên đại tá con nuôi giám mục, người của gia đình họ Ngô, một sĩ quan kháng chiến trở mặt, một người có cái gì đó vừa đáng phục vừa phải dè chừng.
Tại tỉnh đường Thừa Thiên, ngay khi vừa đến Huế, tướng Minh và tiến sĩ Oánh họp ngay với quan chức sở tại. Tướng Nguyễn Chánh Thi, như người ta thông báo, bận thị sát Quảng Trị, vắng mặt. Dung ngồi nép ở góc phòng. Đại tá chánh văn phòng Ủy ban lãnh đạo quốc gia giới thiệu phái đoàn Trung ương, tất nhiên không có tên Hoàng Thị Thùy Dung. Tỉnh trưởng rồi tiểu khu trưởng báo cáo. Tình hình ở Huế nói riêng, Thừa Thiên và vùng I nói chung không đến mức cần phải có một đoàn thượng đỉnh này. Cũng xảy ra vài ra vài vụ đụng chạm nhỏ của giáo dân hai tôn giáo lớn, đều được giàn xếp ổn thỏa. Mấy cuộc biểu tình rầm rộ, nay không còn nữa. Trưa, họ dùng cơm và nghỉ ngơi một chút, rồi tiếp tục làm việc. Trưởng ty cảnh sát báo cáo, vẫn theo tinh thần của tỉnh trưởng và tiểu khu trưởng. Thỉnh thoảng tướng Minh hỏi thêm và ông được trả lời rành rọt. Tóm lại, chẳng có chuyện gì ghê ghớm. Tối, tỉnh trưởng chiêu đãi.
Sáng, tướng Minh và tiến sĩ Oánh tiếp xúc giới Phật giáo. Không vị cao tăng nào dự họp. Một vài thượng tọa, đại đức và cư sĩ đến tỉnh đường. Họ phàn nàn về chính sách của chính phủ: tiếp tục kỳ thị đạo Phật, như “bắt nguội” các cư sĩ tích cực trong phong trào chống Diệm, như giữ nguyên bộ máy đàn áp Phật giáo ở thôn xóm, nhất là ngành cảnh sát, chùa chiền vẫn bị rình rập. Nghe một lúc, tướng Minh chợt nhớ ra, nhìn quanh phòng:
- Bà thiếu tá Hoàng Thị Thùy Dung không dự họp sao?
Ông hỏi. Dung không được mời. Tiến sĩ Oánh ra hiệu cho một sĩ quan gọi điện sang Ty cảnh sát. Một lúc sau, Dung đến.
- Mời thiếu tá nghe... - Tướng Minh bảo – Đây là việc thiếu tá... Mời các vị nói lại vụ kỳ thị đạo Phật. Xin giới thiệu bà thiếu tá Dung, ở Tổng nha cảnh sát quốc gia.
Dung khép nép ngồi ở góc bàn mở sổ tay ghi chép.
Những tố giác này không bất ngờ đối với cô. Cô biết khá nhiều vụ còn tệ hại hơn những cái các nhà sư và cư sĩ này đang phanh phui. Sau cuộc “chỉnh lý”, mọi thứ trở lại như cũ, tàn bạo và tinh vi. Đặc biệt, những người thật tâm bảo vệ đạo pháp bị khủng bố, công khai hoặc ngấm ngầm.
- Thiếu tá giải thích cho tôi rõ vì sao có những chuyện kỳ lạ như vậy? – Tướng Minh nghiêm mặt.
- Trình trung tướng, như trung tướng, tôi đã hỏi ông trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên... Tôi được trả lời: Ty chấp hành lệnh của Hội đồng quân đội cách mạng và của Tổng trưởng Nội vụ...
- Của thiếu tướng Lâm Văn Phát?
- Thưa không, của ông Hà Thúc Ký...
- Có văn bản không?
- Thưa, bằng khẩu lệnh...
- Vậy, đại tá Trần Thanh Bền không can thiệp?
- Thưa, đại tá cũng chỉ là cấp thừa hành...
Tướng Minh quay sang số đại biểu Phật giáo:
- Chư vị đã nghe... Hội đồng quân đội là danh xưng của tướng Khánh. Tôi muốn nói rõ để chư vị thưa lại với tôn hòa thượng: Chính phủ không hề theo đuổi chính sách kỳ thị tôn giáo. Về các việc mà các vị đã nêu, tôi sẽ bàn với đại diện Tổng nha, tức bà thiếu tá đây, cách giải quyết.
- Thưa trung tướng, ngài là Phật tử, thiện nam tín nữ cùng các tăng ni trong tỉnh cúi mong trung tướng ghé mắt cho bao nỗi khổ đau của Phật tử. Nhà tù nhốt hàng nghìn tín đồ...
Một đại đức nói mà rơm rớm nước mắt.
- Tôi ra Huế không với tư cách Phật tử. Tôi đại diện cho Ủy ban lãnh đạo và tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh là quyền thủ tướng.
Tướng Minh đính chính. Dung hiểu chỗ đứng rất tế nhị và cũng rất bấp bênh của tướng Minh. Trong giọng nói, ông ngượng ngùng khi phải dùng những danh xưng chính thức.
- Lẽ ra, tôi phải đến chùa Từ Đàm chào hòa thượng tăng thống và mời các vị bữa cơm chay. Song, mong các vị thông cảm...
Đoàn Phật giáo cám ơn tướng Minh, ra về. Trông bước đi của họ, họ không phấn khởi vì phát hiện tướng Minh không còn là tướng Minh của biến cố 1-11-1963.
Chính tướng Minh tự đánh giá mình cũng không khác. Khi khách ra về, chờ đợi tiếp đoàn đại biểu Thiên Chúa, ông trầm ngâm khá lâu.
- Bà thiếu tá! – Ông bảo Dung – Liệu bà có thể làm được điều gì có ích tại đây không?
- Thưa trung tướng, tôi chỉ được ủy quyền điều tra, nắm tình hình. Tuy vậy, do chức vụ Nha công vụ của Tổng nha, tôi có thể làm hai việc trong thời gian ngắn ngủi ở Huế: một là tôi lọc và thả lối một phần ba người bị bắt; tôi tạm thời ngưng chức một số cảnh sát thuộc cấp hạ sĩ quan bị tố cáo... Sẽ có một đoàn thanh tra ra Thừa Thiên sớm...
- Như thế này, – Tướng Minh suy nghĩ một lúc, nói - Bà ở lại thêm đôi ngày, cái gì giải quyết được thì giải quyết theo quyền hạn của bà, cái gì quá quyền hạn thì bà sưu tầm tài liệu mang về Sài Gòn... Được không?
- Thưa, được!
- Tôi sẽ để lại đây một toán quân cảnh bảo vệ và giúp bà.
- Có lẽ không cần, thưa trung tướng.
- Tại sao không cần?
- Đoàn cố vấn cảnh sát Mỹ ở đây sẽ làm các việc mà trung tướng lo ngại...
- À! Tôi hiểu. Dẫu sao tôi cũng để lại một đại úy và hai trung úy... Lúc cần người của ta vẫn hơn.
Đoàn đại biểu đạo Thiên Chúa vào, gồm bốn linh mục và năm trí thức. Những điều đạo Thiên Chúa tố cáo giống hệt đoàn Phật giáo: kỳ thị, bao vây, bắt bớ.
Dung ghi chép. Trong ghi chép, cô phát hiện ra một bàn tay nào đó thọc vào cốt gây xung đột tôn giáo. “Bàn tay nào đó” hẳn là CIA. Và nạn nhân đạo Thiên Chúa không ai khác hơn là những con người chính trực, những con người đứng về phái Phật giáo trước đây. Trong yêu sách của đoàn cũng như của đoàn Phật giáo – chen lẫn không ít những tính toán chỉ có lợi cho đôi thế lực, đôi tầng lớp, luôn cả nỗi hằn thù muốn thanh toán tôn giáo.
Tướng Minh và quyền thủ tướng Oánh dành phiên làm việc chót với chính quyền Thừa Thiên. Cũng chỉ là những dặn dò chung chung.
Bốn giờ chiều 4-9, hai lãnh đạo cao nhất của Việt Nam Cộng hòa rời sân bay Phú Bài về Sài Gòn.
Dung ở lại – cô thực hiện một số công việc. Thật ra, nếu phái đoàn cố vấn Mỹ không hỗ trợ cô thì cô không làm nổi. Do đó, đối tượng phải thuyết phục là các sĩ quan chuyên viên ngành cảnh sát và an ninh Mỹ. Dung phân tích cho họ thấy nếu tiếp tục bắt bớ, giam cầm, khủng bố như hiện nay thì sẽ đưa cả vùng I vào cảnh hỗn loạn và nguy hiểm. Dung đánh đúng chỗ các sĩ quan Mỹ lo sợ. Và, nhờ đó, cô hiểu một cách chắc chắn rằng hiện nay Mỹ đang xây dựng cái đầu cầu sửa soạn cho một cuộc đổ quân lớn. Không rõ lãnh đạo của ta nắm được tình hình này không?
Tối 5-9, tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh vùng từ về Huế. Khi biết Dung còn ở Huế, hắn cho mời đến bộ tư lệnh dùng cơm. Lời mời đó trùng với lời mời của đại tá trưởng đoàn cố vấn Mỹ ở Thừa Thiên và trung tá lữ đoàn trưởng Thủy quân lục chiến Mỹ - đang cùng nhóm tiền trạm nghiên cứu lục địa dọc đường số 9. Dung thu xếp, tất cả sẽ đến chỗ Nguyễn Chánh Thi!
- Bà thiếu tá được hộ tống kỹ quá! – Nguyễn Chánh Thi sỗ sàng khi Dung cùng hai thiếu tá cảnh sát Mỹ và ba quân cảnh Việt bước lên thềm ngôi nhà trong thành Mang Cá – nơi có lần Dung “lấy cung” tướng Mai Hữu Xuân. Đại tá trưởng đoàn cố vấn Mỹ và trung tá lữ đoàn trưởng Thủy quân lục chiến đón Dung rất niềm nở và trân trọng.
Là chủ tiệc, Nguyễn Chánh Thi chỉ nâng cốc và chốc chốc lại nâng cốc. Hắn ta nói không thạo tiếng Anh. Cho nên, buổi tiệc dồn lại ở hai sĩ quan Mỹ và Thùy Dung.
Chẳng khó gì mà không thấy Nguyễn Chánh Thi bực bực. Song, dù nốc khá nhiều rượu, hắn vẫn ngán hai sĩ quan Mỹ.
- Bà có phát hiện ra điều gì không tốt ở vùng I không? – Thi hỏi, lè nhè mà vẫn nhóng tai chờ câu trả lời.
- Thưa chuẩn tướng, khá nhiều điều không tốt... Có thể nói tướng Dương Văn Minh không hài lòng.
- Ồ! Big Minh hài lòng hay không, tôi cóc cần...
Dung dịch liền câu của Thi cho hai sĩ quan Mỹ. Viên đại tá cố vấn nhìn Thi với tất cả kinh ngạc. Thi thấy rõ.
- Tôi nói với bà, với nội bộ ta. Bà đừng dịch... Nếu bà không hài lòng thì tôi xin nhận lỗi.
- Rất nhiều văn bản do chuẩn tướng ký liên quan đến an ninh, ngoài phạm vi trách nhiệm của chuẩn tướng. Sài Gòn sẽ khiển trách và người Mỹ cũng sẽ khiển trách.
Từ đó, Thi không hé môi.
Sáng ngày 6, Dung lên máy bay về Sài Gòn. Cô đã cho Nguyễn Chánh Thi một vố chót: cô không đi máy bay quân sự của Bộ tư lệnh mà đi máy bay riêng của quân đội Mỹ, Nguyễn Chánh Thi bố trí vụ máy bay đâm xuống biển, phi công nhảy dù thoát.
Trong Bộ tư lệnh, các sĩ quan cấp dưới nghe vị tư lệnh vùng chửi thề bằng những từ tục tĩu nhất trần gian.
°
Thông cáo của Bộ Thông tin:
Hội đồng quân đội vừa họp phiên đặc biệt nhất trí cử trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch Ủy ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực. Nghị quyết mang số 2 LĐQGQL.
Sài Gòn ngày 7 tháng 9 năm 1964
°
Quyết định số 2 QGQL
Để tiến tới cơ chế dân chủ, theo nguyện vọng của quốc dân, Ủy ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực Việt Nam Cộng hòa quyết định:
Điều 1: Thành lập một Thượng hội đồng quốc gia.
Điều 2: Thượng hội đồng quốc gia có nhiệm vụ tạo các điều kiện thuận lợi triệu tập quốc dân đại hội là cơ quan lập hiến dự thảo hiến pháp cầu dân ý.
Điều 3: Trong khi chưa triệu tập Quốc dân đại hội, Thượng hội đồng quốc gia có nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến chương mọi quy đinh cơ cấu quốc gia.
Điều 4: Thượng hội đồng quốc gia, từ nay cho đến khi xong chức trách, là cơ quan cố vấn tối cao cho Ủy ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và chính phủ.
Điều 5: Mời và được các vị sau đây đồng ý tham dự Thượng hội đồng quốc gia: Tiến sĩ nông học Phan Khắc Sửu, luật sư Lê Văn Thu, luật sư Nguyễn Văn Huyền, bác sĩ Trần Đình Nam, kỹ sư Trần Văn Văn, giáo sư Trần Văn Quế, ông Nguyễn Văn Lực, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Hồ Văn Nhựt, cụ Mai Thọ Truyền, giáo sư Ngô Gia Hy, bác sĩ Lê Khắc Quyến, giáo sư Tôn Thất Hanh, kỹ sư Lương Trọng Tường, ông Nguyễn Đình Luyện, ông Hồ Đắc Thắng.
Ký: Dương Văn Minh.
Sài Gòn ngày 8 tháng 9 năm 1964
°
Thông cáo của chính phủ:
Nay thu hồi ủy quyền thủ tướng của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh vẫn là phó thủ tướng chính phủ. Công việc điều hành nội bộ do Thủ tướng Nguyễn Khánh phụ trách.
Sài Gòn ngày 8 tháng 9 năm 1964
Bộ trưởng Phủ thủ tướng
Nguyêm Xuân Hồng (ký)
°
Thông cáo của chính phủ:
Theo nguyện vọng của các quân nhân có tên sau đây, Thủ tướng chính phủ chấp nhận đơn xin từ chức Tổng trưởng và Bộ trưởng của: đại tướng Trần Thiện Khiêm (quốc phòng), thiếu tướng Lâm Văn Phát (nội vụ), thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu (quốc phòng), đại tá Trần Ngọc Huyến (thông tin), thiếu tướng Dương Ngọc Lắm (đô trưởng Sài Gòn). Cũng chấp nhận đơn xin từ nhiệm của luật sư Bùi Trường Hoàn (Quốc gia giáo dục) và giáo sư Trần Quang Thuận (xã hội).
Nay bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Lưu Viên làm Tổng trường nội vụ, giáo sư Trần Văn Hương, đô trưởng Sài Gòn với hàm Tổng trưởng, đại tá Nguyễn Quang Sanh, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia thay đại tá Trần Thanh Bền chuyền hoàn về Bộ Tổng tham mưu.
Sài Gòn ngày 8 tháng 9 năm 1964
°
Thông cáo của Bộ Thông tin:
Ủy ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực quyết định cho phép các trung tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân được trở về Sài Gòn. Công tác trong quân ngũ các vị sẽ được quyết định sau.
Sài Gòn ngày 9 tháng 9 năm 1964
°
Thông cáo của Bộ Thông tin:
Kể từ hôm nay, theo quyết định của Ủy ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí trong tình trạng khẩn trương được ban hành trước đây.
°
Thư ngỏ của linh mục Hoàng Quỳnh:
(Tin các báo ngày 8-9-1964)
Linh mục Hoàng Quỳnh, tự xưng là chủ tịch Ủy ban tranh đấu Công giáo vừa gởi thư ngỏ cho Thủ tướng Nguyễn Khánh, trong đó, ông lên án chính phủ làm ngơ trước các vụ đàn áp tín đồ Thiên Chúa xảy ra khắp nơi, không tiến hành điều tra và truy tố kẻ phạm pháp, gây nên làn sóng bất bình trong giáo dân và cũng làm cho an ninh ở cơ sở thêm xấu. Linh mục cho biết giáo dân sẽ tổ chức vũ trang tự về và không chịu trách nhiệm và tình hình bởi chính phủ không đảm bào nổi đời sống bình yên của công dân.
°
Tin của AFP ngày 9-9-1964:
Chắc chắn do gợi ý của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ, chính phủ của tướng Nguyễn Khánh vừa cho thành lập lại tỉnh Bạc Liêu, Châu Đốc và thị xã Vũng Tàu. Sự thay đổi này mang ý nghĩa quân sự nhiều hơn ý nghĩa hành chính và kinh tế. Quan điểm của người Mỹ là chia nhỏ địa bàn để kiểm soát. Còn lại thị xã Vũng Tàu lại là đầu cầu tiếp nhận quan trọng quân cụ Mỹ.
°
Đại tá Trần Thanh Bền đã từ giã cộng sự viên ở Tổng nha không hẳn là buồn. Trước mấy trăm sĩ quan, đại tá cảm on sự hợp tác quý giá mà mọi người dành cho ông và ông hy vọng người thay ông, đại tá Nguyễn Quang Sanh, cũng được sự hợp tác như vậy. Không nổ sâm banh, không tiệc, việc giao lãnh tiến hành thật nhanh.
Trần Thanh Bền dùng một giờ để giải quyết các cụ ứ đọng với Thùy Dung. Giám đốc Nha công vụ vẫn nằm bệnh viên nên Dung nắm đầy đủ mọi điều động nhân sự của Tổng nha.
- Bà tiếp tục giải quyết tình hình ở Thừa Thiên và vùng I, theo các quyết định mà tôi đã ký...
Trần Thanh Bền gõ gõ cây viết lên bàn:
- Không có cái gì vĩnh cửu, bà cũng hiểu. Người Mỹ đòi ta tăng cường hạ tầng cơ sở cho vững, nhưng không dễ. Tôi sẽ sang ngành tình báo quân sự, nói cách nào đó, vẫn liên hệ với Tổng nha và với bà. Thật ra, đại tá Sanh chắc không ở lâu ở Tổng nha đâu. Tổng giám đốc có thể thay đổi theo thời tiết chính trị, còn các nha chuyên môn cần tồn tại càng lâu càng tốt. Vì lẽ đó, tôi đã trình với Thủ tướng không thay đổi bất kỳ ai từ cấp Nha trở xuống. Biết đâu rồi bà làm việc với tôi lần nữa.
Bỗng, Bền hỏi một câu không dính đến việc đang bàn.
- Hình như đại tá Luân quen thân với tướng Dương Văn Đức?
- Quen thì có, thân thì không. – Dung đoán ra ý của Trần Thanh Bền.
- Tôi muốn khuyên đại tá Luân: Đừng quan hệ với tướng Đức!
- Vì sao? Trong công vụ, Phó Tổng thanh tra và tướng tư lệnh vùng vẫn phải làm việc với nhau.
- Tôi không nói hướng đó... Tất nhiên, trừ một ẩn số...
- Tôi chưa hiểu ý đại tá...
- Ẩn số đó là đại tá Luân trao đổi và được tướng Jones Stepp đồng ý về mọi quan hệ... - Bền vừa nói vừa ngó Dung.
- Nhà tôi chơi khá thân với tướng Jones Stepp. - Dung đánh đòn gió.
- Thế thì không có gì phải bàn... Còn bà, bà biết John Hing chớ?
- Biết! Tôi đã gặp ông ta...
- À! Đó là điều thú vị đối với tôi. Tôi cũng có gặp John Hing... Hình như bà gặp ông ta từ vụ cháu bị bắt cóc?
- Đúng...
Trần Thanh Bền như muốn hỏi thêm, nhưng suy tính một lúc, lại thôi.
- Nghề của chúng ta khá lắc léo. Bà đồng ý không?
Dung không xác nhận mà cũng không phủ nhận nhận xét tuy chung chung mà rất cụ thể của Bền.
- Đại tá Sanh, theo tôi, cũng đã gặp John Hing!
Dung không tỏ vẻ gì xúc động với cái tin úp mở này.
- Thôi chúng ta tạm chia tay... - Trần Thanh Bền ra khỏi Nha công vụ.
°
Luân liếc qua danh sách Thượng hội đồng Quốc gia. Có thể đây là kết qua của một cuộc trả giá dai dẳng giữa các phe nhóm và đòi Alexis Johnson cùng William Porter tốn nhiều công cân nhắc từng người. Cũng có thể đây là quyết định thảo trong vòng năm phút, nhớ ai ghi nấy, cốt cho có. Khả năng thứ nhất rất ít nếu không nói vô lý. Khả năng thứ hai thì rõ và bức tranh tô vẽ vụng về càng làm cho cảnh trí thêm lố bịch.
Dung rón rén đến sau lưng chồng. Cái đập vào mắt cô là tóc Luân chen quá nhiều sợi bạc. Không phải hàng ngày cô không thấy sự đổi màu này, song hôm nay, cô bỗng phát hiện tóc chồng cô đổi màu thật nhanh. Nỗi xót xa dâng lên mắt cô. Cô ghì cổ Luân và khóc rấm rứt.
Luân gỡ tay vợ, kéo ngồi bên canh, chậm nước mắt cho vợ.
- Bản danh sách lố bịch! - Luân lập lại ý nghĩ và cũng muốn xua đi cảm xúc của vợ, anh hiểu Dung xúc cảm vì cái gì.
Dung ngả đầu vào ngực chồng, không nói.
- Về những sợi tóc bạc, dễ đối phó thôi. – Luân vuốt ve Dung – Em mua cho anh một loại thuốc nhuộm bán đầy các tiệm! Còn bản danh sách...
- Lố bịch một cách không dấu diếm. – Dung trở lại công việc – Ông Sửu, ông Huyền, ông Nhựt, ông Hy... Cả giới danh tiếng chen vài người lạ hoắc, như Nguyễn Văn Lực...
- Một Quốc dân đảng đấy...
- Có thể. Một liên minh rộng nhất.
- Và cũng hẹp nhất, bởi mỗi người là một thế giới riêng...
- Tác giả lập danh sách đâu cần...
- Nó chỉ báo trước người Mỹ dọn đường cho chính sách mới bằng sự thất bại của tướng Minh, tướng Khánh và cả cái Thượng hội đồng này. Chủ bài của Mỹ còn lấp ló...
Dung thuật cho Luân nghe đối đáp của đại tá Trần Thanh Bền và cô. Luân ngao ngán:
- Mất cơ hội rồi! Tướng Đức không làm được cái tối thiểu mà ông muốn, tức loại Khánh.
Chuông điện thoại reo. Tướng Lâm hẹn gặp Luân gấp.
- Nếu Jones Stepp hỏi về anh, em cứ nói là anh đi gặp tướng Lâm.
... Luân dùng taxi và không mang bảo vệ theo. Anh đổi nhiều lần taxi, đi các chiều trái ngược để cuối cùng đến một con đường thật hẹp ở Chợ Lớn. Anh trà trộn dòng người, rẽ vào một hiệu ăn, gọi bia, quan sát bên ngoài. Khi biết chắc không bị theo dõi, Luân lại lộn ra đại lộ và nhà hàng Đồng Khánh. Luân ngờ ngợ về một số người lảng vảng – hẳn bảo vệ của tướng Lâm. Tướng Lâm, hóa trang một Hoa kiều, chờ Luân trong phòng dành riêng cho khách đặt trước. Nhân viên phục vụ cúi chào Luân lễ phép. Trong một thoáng, Luân xác định gã nhân viên này. Anh cười và nheo mắt với gã. Gã giả bộ ngờ nghệch không thành thạo lắm.
- Tôi phải có mặt ở Cần Thơ chiều nay... - Lâm nói.
- Có người theo dõi anh, - Luân bảo – Cũng có thể theo dõi tôi.
- Mặc kệ nó... Nếu cần, tôi bắn! Người của tôi quanh đây.
- Bao giờ thì khởi sự?
- Sáng mai...
- Theo tôi biết, mục tiêu của các anh hiện không ở Sài Gòn...
- Tôi cũng biết, song không trễ hơn được. Trễ hơn, lộ ráo. Anh biết thằng cha Đức nóng nảy lắm...
- Lẽ ra, ông ta làm ngay lúc vụ Hiến chương Vũng Tàu náo loạn. Bây giờ, mục tiêu của các anh được che chắn kỹ bằng ông Minh và cả một lô nhân sĩ trong Thượng hội đồng.
- Nhưng, Đức đã phát lệnh... Tôi phải có mặt để còn vớt vát.
- Có nên không?
- Nên! Vì không có tôi, Đức không tiến xa tới Sài Gòn và như vậy, thật vô nghĩa... Anh khuyên tôi điều gì?
- Lời khuyên quan trọng nhất đã không được anh nghe; nếu còn kịp, ngưng hành động, chờ cơ hội tốt hơn, nếu không kịp, anh dấu mặt.
- Anh quá cẩn thận. Sau tướng Đức là người Mỹ.
- Người Mỹ nào? - Luân hỏi, hơi cười.
- Tụi cố vấn quân đoàn.
- Yếu lắm! Người Mỹ phải cỡ Alexis Johnson. Cánh quân sự Mỹ không dám vượt quy tắc nhà binh đâu. Ngay Harkins còn chịu thua Cabot Lodge.
- Liệu Jones Stepp ủng hộ Đức không?
- Tôi nghĩ là không. Jones Stepp chỉ có nhiệm vụ lo tình báo quân sự.
- Kệ mẹ nó! Thử liều một keo...
- Các anh đánh sấp ngửa trong canh bạc chính trị e khó thắng... Tôi hỏi anh: quan hệ với phía bên kia thế nào?
- Tôi thì có... Chắc anh biết. Đức phản đối. Nó không thích.
- Ông ta định biểu dương lực lương, tạo tiếng vang chăng?
- Gần gần như vậy... Đúng ra, tôi với nó gặp ở chỗ phải loại thằng râu dê...
- Tướng Khánh không quan trọng như các anh gán cho ông ta... Nói chính xác, cái mục tiêu mà các anh nhắm hết còn là mục tiêu. Thậm chí, ít ra hai người sẽ cảm ơn các anh – cảm ởn trong bụng và kết án trên môi...
- Ai? Thằng Khiêm hả?
- Mới một người...
- Còn ai?
- Tướng Thiệu...
- Anh nói đúng... Tôi nhớ và không bỏ sót nó đâu.
- Quan hệ với phía bên kia của anh tới mức nào? Tôi muốn nói về việc hợp đồng...
- Đã bàn, song chắc lực lượng của họ có hạn...
- Bây giờ, hẳn chưa muộn, tôi khuyên các anh tuyên cáo rõ ràng mục đích ủng hộ tướng Minh và Thượng hội đồng, đòi thành lập một chính phủ dân sự do tướng Minh chỉ định thủ tướng...
- Chỉ định ai?
- Ai cũng được...
- Còn thằng Khánh?
- Khôn ngoan nhất là đổi mục tiêu...
- E Đức không nghe...
- Thành công hay thất bại của các anh nằm trong tuyên cáo chính trị. Các anh phải làm cho Mỹ yên tâm và thấy các anh có lý. Các anh cho Mỹ thấy nên chấp nhận quan điểm của các anh thì họ có khả năng giảm tối thiểu lực lượng tham chiến đồng thời vẫn thắng được Việt Cộng... Các anh nói rõ: Cần xây dựng lực lượng Nam Việt thật mạnh.
- Tôi chưa hiểu ý anh...
- Đằng sau hoặc bên trên mọi diễn viên sân khấu, là ngân hàng và các công ty sản xuất vũ khí vai vế. Họ cần tuôn hàng triệu tấn vũ khí sang đây. Nếu họ đánh giá các anh không gây trở ngại mà còn giúp họ những con số thu nhập khổng lồ thì các anh có cơ sở đứng được...
- Từ trước, theo tôi nghĩ, anh e ngại điều đó...
- Đúng. Nhưng, bây giờ, tôi lo ngại hơn mấy trăm nghìn quân Mỹ tràn ngập lãnh thổ ta. Súng đạn, các phương tiện chiến tranh... không còn cách nào xua chúng ra khỏi Việt Nam, nhưng hạn chế thực binh Mỹ thì vẫn chưa hết hy vọng, miễn các anh đừng chứng tỏ ngược lại: vũ khí Mỹ không đủ, phải cân bằng mấy chục sư đoàn...
- Hay anh cùng đi với tôi...
Luân nhếch mép:
- Chưa phải lúc... Dù rằng tôi đoán việc làm của các anh sẽ đẩy tôi vào một tình thế tế nhị, có khi nguy hiểm...
Hai người bắt tay nhau thật chặt. Luân không chúc tướng Lâm thành công mà chúc sức khỏe.
Luân về đến nhà. Dung để lại tờ giấy: Jones Stepp gọi cho anh và dặn anh gọi ngay cho ông ta.
... Luân quay máy. Saroyan nghe:
- Jones vừa sang đại sứ quán... Có việc gì, anh yêu?
- Có...
- Ảnh hưởng xấu hay tốt đến anh, Dung và con?
- Chưa biết phải nói với Saroyan thế nào cho đúng...
- Jones hẹn trưa về. Em sẽ đến với anh. Anh chờ em...
Luân chưa kịp trả lời thì Saroyan cúp máy. Điện thoại lại reo: Hélen Fanfani gọi Luân:
- Tôi biết một tin sắp đảo chính! Đại tá biết không?
- Ai cho cô tin đó?
- Tất nhiên, tôi có nguồn tin...
- Một nguồn tin thẩm quyền, đúng không? Và người ta không định bóp cuộc đảo chính trong trứng nước, trái lại, nóng lòng chờ nó, hoặc hối thúc cho nó diễn ra càng sớm càng tốt. Đúng không?
- Tôi phục đại tá. Đúng... Tôi cảm giác như vậy... Và, đại tá đứng ngoài cuộc chứ?
- Người ta muốn tôi đứng trong cuộc...
- Thái độ đại tá?
- Như cô đang nói chuyện, tôi đang ở nhà...
- Đó là một chi tiết quan trọng cho bài báo sắp tới của tôi...
- Cám ơn Hélen...
Saroyan vào nhà. Không e dè gì cả, cô ghì Luân và hôn đắm đuối...
- Thỉnh thoảng, anh cho em đôi phút của cuộc sống. – Saroyan nói, nước mắt đằm đìa.
Chuông điện thoại lại reo.
- A lô! À, chào ông, ông John Hing. – Luân ra dấu cho Saroyan, Saroyan ngồi xuống ghế, đờ đẫn.
- Tôi định nói chuyện với bà, lại gặp ông... - Đầu dây kia, giọng John Hing khàn khàn – Tôi đã nhận được tài liệu của bà. Tôi không nói về giá trị, chúng chẳng có giá trị gì, song vui lòng vì bà đã giữ lời hứa. Tôi muốn hỏi ông: Vừa rồi, ông vào Chợ Lớn làm gì?
Mồ hôi rịn trên trán Luân.
- Người của ông trả lời câu hỏi đó đầy đủ hơn tôi...
- Người của tôi gặp ông, nhưng mất dấu. Ông có vẻ giữ bí mật.
- Chưa hẳn là mất dấu. Tôi gặp người của ông và tôi không giữ bí mật – đúng ra – không giữ bí mật với ông...
- Ông gặp ai?
- Ông không biết sao?
- Tôi hỏi: ông gặp ai?
- Nếu thế tôi trả lời: Tôi gặp người tôi cần gặp.
- Thôi được... Ông không dự vào trò vui?
- Không!
- Tại sao?
- Nó không vui.
- Tốt lắm... Ba hôm nữa, tôi muốn gặp ông...
- Nếu tôi xếp đặt được thời khóa biểu.
- Tôi sẽ gọi lại. Hoặc ông gọi tôi. Chúc ông bình an!
Luân gác máy, ngồi cạnh Saroyan
- Em lo quá!
- Chưa có gì Saroyan phải lo. Nếu Jones Stepp hỏi, Saroyan cứ trả lời: tôi vừa gặp tướng Lâm và tôi không thích thú hành động của họ.
- Em nghe anh nói chuyện với John Hing vừa rồi... Liệu người ta sẽ đối xử với anh thế nào? Với Dung, với con...
Sau này, Saroyan dùng từ “con” để chỉ bé Lý, ngay cả nói chuyện với Thùy Dung.
Luân người đau khổ. Anh không trả lời Saroyan.
- Bất kể tình hình ra sao, không ai được đụng đến anh, đến nhà này...
Saroyan giọng dứt khoát. Dù đã nghe tiếng xe Dung gọi cổng, cô vẫn ôm đầu Luân và đằm thắm hôn lên mắt anh.
Dung vào nhà, ngồi sát Saroyan.
- Đừng khóc Saroyan... - Dung âu yếm, choàng vai Saroyan.
- Mình linh cảm có gì đó không ổn, Dung ạ...
- Nhưng, nếu Saroyan khóc thì chúng ta có vượt qua cái không ổn đó không?
- Mình không đủ sắc sảo như Dung và anh Luân của chúng ta...
- Tân Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia bận tíu tít... - Dung muốn xua tan không khí buồn, nói về công việc.
- Jones Stepp cũng bận tíu tít.
- Những người lo dàn cảnh bao giờ cũng bận khi vở tuồng chưa kéo màn. Khi kéo màn, họ chú ý đến diễn viên hơn là cảnh mà họ tốn công dàn dựng. – Luân nói, kiểu một triết gia.
- Em nghĩ giá mà anh, Dung và con đi nước ngoài một thời gian. Dung có thấy tóc anh Luân phàn bạc lấn phần đen không?
Saroyan vuốt tóc Luân.
- Sáng này, Dung đã khóc vì những sợi tóc bạc ấy! – Dung thú nhận.
- Ông Diệm, ông Minh, ông gì gì... anh quên đi...
Saroyan ngó Luân rồi Dung. Cô không tài nào hiểu họ.
- Trưa nay ta ăn cơm chung. – Saroyan nói như ra lệnh. Cô quay điện thoại:
- Hello! Jones đã về đấy hả? Em đang ở nhà vợ chồng anh Luân, trưa nay, Jones ăn một mình nhé!... Có, đợi một chút.
Saroyan trao máy cho Luân.
- Thưa tướng quân, tôi vừa gặp thiếu tướng Lâm... Thế à? Không, tôi muốn làm người quan sát... Chào tướng quân.
- Jones Stepp báo là đại sứ Taylor chờ biến cố như kẻ khát khô cổ chờ nước!
°
Một bộ tham mưu mới ra đời quanh tướng Nguyễn Văn Thiệu, nhân vật được Mỹ chọn lựa ngẫu nhiên lúc đầu, khẳng định về sau. Người phát hiện ra Thiệu, một nhân vật thuộc CIA - một nhân viên quèn. Trong cuộc đảo chính Diệm, tình báo Mỹ ngại Thiệu, sư trưởng sư đoàn bộ binh Nam Việt số 5 đóng cách Sài Gòn không xa, y ta theo đạo Thiên Chúa, nếu mang quân về “cứu giá” thì hỏng. Nhân viên tình báo kia lãnh nhiệm vụ lại trừ mối nguy hiểm này. Dự trù kinh phí khá lớn, nếu Nguyễn Hữu Có thất bại. Có thông báo: Thiệu sẽ ngả về phía nào ưu thắng. Nhân viên tình báo gặp Thiệu cùng đi với một gái điếm hạng sang. Thiệu như nuốt chửng cô gái điếm, được giới thiệu là vợ một trung úy sắp về dưới trướng Thiệu. CIA chỉ tốn không tới 2.000 dollar, Thiệu giao sư 5 cho người khác để trác táng suốt đêm ngày với cô gái điếm.
Từ ngẫu nhiên, CIA lần lần hiểu con vật họ sử dụng với giá rẻ mạt mang nhiều ưu điểm rất thích hợp đối với nghề buôn bán cả một quốc gia: Thiệu chẳng có lý tưởng gì ráo, hoặc có hai lý tưởng thiêng liêng nhất – tiền và gái; tuy là tín đồ Công giáo, Thiệu không tin cả Chúa, nếu cần bán Chúa cho một đêm ngủ với vợ người khác hấp dẫn về xác thịt, y sẵn sàng; thông minh, song chỉ vừa đủ để bày các trò vặt chứ không thể chống đối lại chủ; chẳng bạn bè tình nghĩa với bất cứ ai; tham gia đảng Đại Việt vì muốn dùng con đường đó mà leo cao, leo cao rồi đá đít luôn lãnh tụ; từng làm văn phòng Việt Minh huyện và mang luôn giấy tờ con dấu chạy sang quân đội Pháp; học trường Pháp nhưng chưa kịp thành trí thức đã tiêm nhiễm văn hóa Pháp; quê Ninh Thuận, lấy vợ Mỹ Tho, không lậm sâu một địa phương nào; thuộc lứa tạm gọi là trẻ; lính tẩy 100%, học trường võ bị Đà Lạt năm 1948, trường bộ binh ở Pháp và trường bổ túc Hà Nội, sau học trường quân sự Okinawa và Fort Bliss... So với Diệm, nhất định Thiệu dễ bảo một nghìn lần hơn; so với Dương Văn Minh, mồi nhử gì cũng nhử được Thiệu; so với Khánh, Thiệu láu cá hơn... CIA đã bỏ Thiệu và Nguyễn Thành Luân lên đòn cân. Tướng Maxwell Taylor thích Luân như thích một đồng nghiệp tài năng, tài trí, nhưng số đông tình báo lắc đầu; sử dụng Luân là một mạo hiểm vì chưa biết ai sử dụng ai... Vả lại, thời kỳ tạo một thủ lĩnh tầm vóc đã qua, bây giờ, Mỹ cần một tay sai, đúng với nghĩa trắng của từ tay sai. Với tính ma cô ma cạo, tính hiếu dâm và ham tiền – nói chung, tính hạ cấp ở một sĩ quan cao cấp – Thiệu rơi vào vòng tay CIA mặc dù Thiệu ảo giác chính các cô gái rất thành thạo trò e lệ rơi vào vòng tay y. Để sửa soạn con bài thật chắc chắn – Mỹ đau đầu với Diệm, với Minh và đang khổ sở vì Khánh – mũi đột kích chĩa vào vợ Thiệu. Cũng không khó khăn lắm khi một nhân viên tình báo hạng trung, người Mỹ gốc Ý, trở thành người yêu của vợ Thiệu: sau mỗi cuộc làm tình, vợ Thiệu tặng anh ta một sợi tóc. Và vào lúc này – cuối năm 1964, không thể đếm bao nhiêu sợi trong chiếc bình mà anh ta được lệnh giữ thật kỹ, thật mật, như giữ sinh mệnh của anh ta.
Bộ tham mưu riêng của Thiệu họp. Khá nhiều mưu sĩ. Họ đang nghiên cứu tỉ mỉ nguồn tin về cuộc đảo chính sẽ nổ ra trong ngày một ngày hai...
- Chúng ta chờ đợi... - Nhóm mưu sĩ hiến kế với Thiệu.
- Tướng Khánh sẽ phản ứng. Và, tướng Khánh là nấc thang mà anh phải đạp lên – đạp lên lưng hay lên đầu, tùy anh – để anh trèo đến chỗ mà anh phải tới... - Một mưu sĩ kết luận như vậy.
- Điều tối quan trọng là đừng để tướng Khánh bị bắt hay bị bao vây. Kinh nghiệm vụ Hiến chương Vũng Tàu cho thấy Khánh kém kiên định.
Gợi ý của một mưu sĩ khác được Thiệu khen và Thiệu gọi điện lên Đà Lạt cho Khánh:
- Anh khoan về Sài Gòn...
- Tại sao?
- Anh sẽ biết ngày mai... Tôi tha thiết mong anh nghe lời tôi.
- Được! Tôi nghe anh...
Đó là buổi chiều ngày 12-9-1964, thứ bảy.