Tướng Đỗ Mậu đến trễ. Vừa thấy mặt Đỗ Mậu, đã có tay bốp chát liền: Đó, chiến hữu Đại Việt, đệ nhị phó chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Hội đồng quân đội cách mạng, phó thủ tướng chính phủ, chắc góp công vào cái Hiến chương quỷ quái kia! Đỗ Mậu, giống như Hoàn và Huy, mỉm cười với nhiều ngụ ý.
- Thôi phẫn nộ thế là đủ. Nên bàn về việc sắp tới, thiết thực hơn! – Đỗ Mậu điềm nhiên ngồi xuống ghế, ngó khắp phòng họp.
- Chúng tôi đợi thiếu tướng... - Hoàn bảo, nhỏ nhẹ.
Không khí phòng họp chợt lắng. Và, mọi người như hiểu ra.
- Theo ý của lãnh tụ, tôi thôi thúc cuộc họp Vũng Tàu, cho bản Hiến chương ra đời nhanh. Nó đã ra đời. Nguyễn Khánh bị vào tròng, tự y lên án y trước công luận. Một phong trào phản kháng sẽ bùng nổ dữ dội. Cơ hội rất tốt cho đảng ta giành quần chúng và mặc cả. Bây giờ, không phải lúc nói suông. Đảng ta ra tuyên bố. Nhưng, điều quang trọng là đảng giữ riêng mình ngọn cờ chống hiến chương Vũng Tàu, chế độ quân phiệt, chế độ độc tài tái sinh. Nếu đảng ta tự giới thiệu được là thế lực mạnh nhất về chính trị ở miền Nam thì người Mỹ sẽ bàn với lãnh tụ ta về tương lai chính trị ở xứ này và vai trò của đảng ta trong chính phủ, một vài trò áp đảo...
Đỗ Mậu vừa phác qua mấy nét, nhiều tiếng xuýt xoa khen ngợi. Ngay Trung ương Đại Việt mà cũng không ngờ ngón đòn của lãnh tụ họ thâm đến thế.
Nguyễn Tôn Hoàn liếc Nguyễn Ngọc Huy. Huy tỉnh bơ. Người ta hiểu cái bẫy giương lên từ cái đầu thông thái của nhà lý luận tuy đứng thứ hai trong đảng lại xứng đáng lãnh tụ hơn của Hoàn.
- Đảng ta chưa đủ mạnh. – Nguyễn Ngọc Huy hắng giọng và đứng lên, nói đều đều – Trước, có phương án đảo chính, qua vài viên tướng cầm quân như tướng Dương Văn Đức ở vùng IV. Song, anh Hoàn thấy không có lợi, bởi dùng tướng này hạ tướng kia, chúng ta không thoát khỏi vòng lẩn quẩn. Một số bè bạn Mỹ khuyên chúng ta nên tìm cách chuyển tình hình... Được anh Hoàn cho phép, tôi xin trình bày với Trung ương kế hoạch hành động gồm mấy điểm sau đây...
Nguyễn Ngọc Huy nói gọn, rõ, cụ thể. Cuộc họp trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Thắng lợi của đảng Đại Việt gần đến nơi, anh cũng thấy cảnh quyền bính nắm gọn trong tay, ơn đền oán trả diễn ra trong nháy mắt.....
°
- A lô! John đây! William, phải không?
- Tôi biết ông bạn muốn nói điều gì rồi... Nhưng đừng vội!
- Tại sao? Tôi bảo vệ hắn đến mức cần thiết và bây giờ, nên sửa gáy hắn... Êkip khác đã sẵn sàng rồi...
- Tôi hiểu. Thậm chí, xin lỗi ông bạn, hiểu hơn ông bạn nữa. Song, cần đi đúng những bước dự kiến.
- Tôi ngại các phe phái lợi dụng sự đần độn này, đặc biệt Việt Cộng...
- Bình tĩnh nào! Phải có một cái gì đó như thái độ phản kháng quyết liệt của dân chúng. Không thể hành động mà không có cớ. Cái cớ từ nội bộ họ. Ông bạn nên nhớ ta còn bao nhiêu đồng minh ở Đông Nam Á theo dõi chúng ta, nếu vội vã, đồng minh nghi ngờ. Vả lại, sự thể sẽ tiến triển không ngoài ý của ta đâu. Tôi bảo đảm...
- Bao lâu?
- Alexis vừa trao đổi với tôi, chóng thôi...
°
Tin các báo:
- Sinh viên họp sáng 19-8 tại trụ sở số 4 đường Duy Tân tranh luận sôi nổi về Hiến chương Vũng Tàu. Nhiều diễn giả lên tiếng hoan nghênh quyết định của các tướng lãnh. Nhiều diễn giả phản đối. Cuộc họp mất trật tự. Xuýt xô xát giữa hai nhóm.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất họp thật đông tại chùa Ấn Quang, bề ngoài là kỷ niệm một năm ngày đạo Phật bị đàn áp, nhưng các nhà sư lại nêu Hiến chương Vũng Tàu thành đầu đề thuyết pháp. Có hai ý kiến chính trị trái ngược nhau: một số tán thành Hiến chương, một số đông hơn, lên án gay gắt. Riêng ngày 20-8, hầu như các chùa trong đô thành đều tiến hành tập họp Phật tử giống như chùa Ấn Quang.
°
Thông cáo của văn phòng chủ tịch Nguyễn Khánh:
Tám giờ sáng ngày 22-8-1964, chừng 6.000 sinh viên thuộc các khoa kéo đến văn phòng chủ tịch Nguyễn Khánh. Chủ tịch Hội đồng quân đội đi công vụ vắng, ông bộ trưởng Nghiêm Xuân Hồng đã thay mặt chủ tịch tiếp nhận kiến nghị trong đó, thay mặt cho các khoa, sinh viên tuyên bố hậu thuẫn công cuộc cách mạng của Hội đồng quân đội và Trung tướng Nguyễn Khánh, qua Hiến chương Vũng Tàu. Bộ trưởng Nghiêm Xuân Hồng cám ơn đại biểu sinh viên. Cuộc tiếp xúc diễn ra trong vòng trật tự.
Một giờ trưa cùng ngày, chủ tịch Nguyễn Khánh đã đích thân tiếp đoàn đại biểu sinh viên. Đoàn đại biểu trao cho chủ tịch bản kiến nghị mới nhất trong đó tỏ lòng biết ơn chủ tịch và tuyên bố ủng hộ Hiến chương Vũng Tàu.
Kiến nghị còn lên án các phần tử Thực, Cộng và Cần Lao đang ẩn núp trong chính quyền, mong chủ tịch kiên quyết vì lợi ích của quốc gia mà sớm thành trừng bọn bán dân hại nước này...
°
Tin các hãng thông tấn nước ngoài:
Một không khí căng thẳng gần như bạo loạn xảy ra suốt ngày 25-8 tại Sài Gòn. Vừa sáng, chừng vài trăm sinh viên kéo đến đài phát thanh, sau đó con số lên đến vài ngàn. Sinh viên xông vào bên trong đài phát thanh, đòi ban giám đốc phải cải chính tin loan báo về hai cuộc gặp mặt giữa sinh viên và chính phủ ngày hôm qua. Theo bản thông tin in ronéo phân phát rộng rãi bằng Việt ngữ và Anh ngữ ngay tại đài phát thanh, Tổng hội sinh viên cho biết văn phòng tướng Nguyễn Khánh đã trơ tráo nói láo: cả hai cuộc tiếp xúc, một với bộ trưởng Nghiêm Xuân Hồng, một chính tướng Nguyễn Khánh, sinh viên long trọng tuyên bố phản đối Hiến chương Vũng Tàu, đòi hủy ngay hiến chương phản dân chủ ấy, đòi thành lập chính phủ dân sự trẻ, trọng sạch, có năng lực.
Ban giám đốc đài phát thanh lánh mặt. Tức giận, sinh viên bây giờ lên đến ước một vạn, đập phá đài phát thanh, đốt hồ sơ, giấy tờ, thiệt hại khá nặng.
Quân cảnh và cảnh sát kéo đến định can thiệp, cuối cùng vì thái độ sẵn sàng xung đột với lực lượng an ninh của sinh viên mà lực lượng an ninh rút êm. Sinh viên định sử dụng đài đọc tuyên cáo, nhưng có lẽ vì không có nhân viên kỹ thuật nên sau cùng họ cũng rút.
Cùng lúc, hàng ngàn sinh viên, học sinh kéo qua trường J.J. Rousseau đường Hồng Thập Tự kêu gọi số học sinh trường này nhập vào hàng ngũ họ rồi kéo đến Bộ Thông tin đòi Tổng trưởng và Thứ trưởng phải tiếp. Sinh viên chất vấn về các tin được loan thất thiệt. Họ đòi hủy bỏ chế độ kiểm duyệt. Tổng trưởng Phạm Thái đã trả lời, song sinh viên không thỏa mã, nên xông vào cơ quan Bộ Thông tin đập phá dữ dội... Thiệt hại vật chất khá nghiêm trọng song không ai bị thương.
Vào ba giờ chiều, lối 200 người, không rõ tông tích, dùng xe chở khách bất thần kéo đến trụ sở Tổng hội sinh viên, số 4 đường Duy Tân là đường phố chính, mang cây hèo, dao búa, xông vào đập phá trụ sở đốt đồ đạt và đánh sinh viên. Sinh viên phản kích bằng gậy gộc, đá. Một số trường trung học quanh đó được báo động kéo sang giải vây trụ sở. Xô xát đẫm máu. Số tấn công bị đánh bại, không dám lên xe mà chạy bộ. Theo dư luận, đây là số lưu manh đâm thuê chém mướn.
Một câu hỏi đặt ra: thực chất của sự việc là gì?
°
TUYÊN CÁO CỦA BA CHÍNH ĐẢNG
Chúng tôi đại diện đảng Đại Việt, đảng Dân chủ Xã hội và Việt Nam Quốc dân đảng long trọng tuyên cáo với quốc dân và thế giới:
Sau 9 năm sống dưới ách thống trị nhà Ngô, nhân dân Việt Nam Cộng hòa vô cùng chán ghét chế độ độc tài cá nhân chà đạp dân chủ, do đó, hết sức phấn khởi hết sức phân khởi trước hành động anh hùng cứu nước của quân đội ngày 1-11-1963. Nhưng, thời gian vui mừng quá ngắn ngủi. Cuộc cách mạng 1-11 bị phản bội. Mượn cớ vu vơ “chỉnh lý”, tướng Nguyễn Khánh đã cướp công của những chiến sĩ cách mạng và vẫn chưa thỏa mãn tham vọng, ông dấn thêm một bước phiêu lưu, cho ra dời cái quái thai “Hiến chương Vũng Tàu” nhằm thu tóm mọi quyền hành vào tay cá nhân ông ta.
Việc làm của tướng Nguyễn Khánh gây hại cho an ninh quốc gia, làm suy yếu thế lực chống Cộng gây nghi ngờ trong đồng minh và nhất là nãn lòng binh sĩ nơi tiền tuyến.
Là những đảng chính trị mang trên vai sứ mệnh lịch sử cao cả, chúng tôi:
- Một, phản đối trò tráo trở của Nguyễn Khánh.
- Hai, đòi hủy bỏ cái gọi là “Hiến chương Vũng Tàu”
- Ba, giải tán Hội đồng quân đội.
- Bốn, trao quyền cho các đoàn thể và đảng phái chính trị, đại biểu tôn giáo, trí thức, sinh viên, triệu tập đại hội quốc dân soạn thảo Hiến ước lâm thời, bầu hội đồng lập pháp và đề cử chính phủ lâm thời điều khiển việc nước.
Chúng tôi kêu gọi đồng bào hãy bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối “Hiến chương Vũng Tàu”. Chúng tôi kêu gọi đồng minh của Việt Nam Cồng hòa, đặc biệt nước Mỹ, thông cảm và ủng hộ nguyện vọng chính đáng trên đây của dân chúng Việt Nam, điều kiện số một để chiến thắng Việt Cộng.
Làm tại Sài Gòn, ngày 23 tháng 8 năm 1964.
°
- Allo! Tôi xin được nói chuyện với đại sứ Taylor...
- Xin lỗi, ông là ai?
- Tôi là trung tướng Nguyễn Khánh...
- Nguyễn Khánh? Tôi không biết...
- Tôi là Chủ tịch Hội đồng quân đội, Tổng tư lệnh quân đội và Thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng hòa...
- Thế à? Xin đợi ít phút. Đại sứ đang bận...
- Tôi cần nói chuyện gấp... Nhờ bà... Xin lỗi...
- Tôi là Mariene Hardort...
- Xin bà Mariene...
- Có lẽ nên gọi tôi bằng cô, hợp hơn...
- Vâng, xin lỗi, xin cô Mariene...
- Tôi đã bảo đợi ít phút!
- Ít phút là mấy phút?
- Có thể 3 phút, có thể 5 phút và cũng có thể 15 phút hoặc lâu hơn...
- Ôi chao! Cô giúp tôi nhanh hơn, được không?
- Ông không biết tính của tướng quân sao? Với tướng quân bao giờ cũng chính ông quyết định mọi việc, dù nhỏ nhất.
- Nhưng, tôi là Nguyễn Khánh...
- Nguyễn Khánh? Điều đó quan trọng như thế nào?
- Tôi đã tự giới thiệu với cô... Tôi là...
- À, tôi nhớ, ông là Chủ tịch Hội đồng quân đội... Ở nước Mỹ hình như không có chức này... Ông là Tổng tư lệnh... Chức này tôi biết, ở Mỹ, chính Tổng thống là Tổng tư lệnh. Còn Thủ tướng, tôi hiểu, trên thế giới có rất nhiều thủ tướng.
- Tôi van cô! Cho tôi gặp đại sứ...
- Ông đợi nửa phút, tôi phải xem đại sứ đã rảnh chưa...
- Nửa phút rồi. Sao?
- Đại sứ đang bận...
- Bận việc gì mà không nói chuyện điện thoại được với tôi?
- Ồ! Ông hơi tò mò... Nhưng tôi nghĩ có lẽ không hại gì khi báo cho ông biết giờ này đại sứ đang chơi cờ...
- Trời ơi! Chơi cờ! Chơi với ai?
- Chơi một mình!
- Cô báo giúp đi... Tôi rất cần nói chuyện với đại sứ, chuyện hệ trọng, vô cùng hệ trọng.
- Vixi tấn công Sài Gòn ư?
- Không!
- Thế thì tôi chịu. Ngay Tổng thống Mỹ vào giờ này gọi điện cũng đành phải chờ đại sứ giải quyết xong ván cờ do đại sư chơi cả hai phía... Ông cho tôi số điện thoại tôi sẽ gọi khi đại sứ đồng ý...
... Nửa giờ sau...
- Allo!
- Lại ông Nguyễn Khánh gì đó phải không?
- Vâng, tôi đây!
- Tôi hy vọng lần này đại sứ sẽ nói chuyện với ông...
- Hello! Tôi, Taylor đang nghe...
- Xin kính chào đại sứ... Vụ “Hiến chương Vũng Tàu” đang xôn xao dư luận, có thể phát triển xấu hơn...
- Xấu hơn là thế nào?
- Thưa, ví dụ biểu tình của dân chúng...
- Ồ! Ông không đủ sức chống các cuộc biểu tình tay không à?
- Bằng vũ lực thì đủ sức, song...
- Đó không phải là công việc của một đại sứ ở một nước thân hữu. Liệu báo chí Mỹ và Quốc hội Mỹ nhận xét sao nếu một nguyên thủ quốc gia không sử lý nổi điều sơ khởi là giữ trật tự thủ đô? Chẳng lẽ tướng Westy của chúng tôi phải tung quân ngăn chặn các đám biểu tình bản xứ? Hay tôi phải nói trên đài phát thanh?
- Nhưng, tôi cần một lời khuyên...
- Chỉ một lời khuyên thì đây: Ông Nguyễn Khánh thân mến, ông hãy tự chứng mình những cương vị ông đang giữ không hề giống món trang sức của nữ giới! Xin chào ông!
°
Nhật lệnh của Chủ tịch Hội đồng quân đội cách mạng:
Hiến chương vừa ban bố có thể theo nhận định của tập thể các tướng lãnh trong Hội đồng trước tình hình phân tán quyền lực quốc gia nhằm tăng thêm sức mạnh chống Cộng và sau khi tham khảo đồng minh Hoa Kỳ, nhưng lại bị các thế lực ích kỷ chống đối và xúi giục số nhỏ thanh niên nhẹ dạ gây rồi.
Nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân đội cách mạng, Tổng tư lệnh quân đội Việt Nam Cộng hòa và Thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Căn cứ sắc lệnh 215 và 18 về ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc.
Tôi ra lệnh:
1. Cấm mọi tập họp quá 5 người ở ngoài đường với hình thức biểu tình chính trị.
2. Cho phép lực lượng an ninh và quân đội được giải tán những cuộc tập họp như thế.
3. Quân nhân nào dính vào các hoạt động chính trị sẽ bị nghiêm trị.
Ngày 24 tháng 8 năm 1964
Ký
Nguyễn Khánh
°
Thông cáo báo chí của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn:
Thừa ủy nhiệm của đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa Maxwell Taylor. Phòng thông tin Mỹ tại Sài Gòn thông báo với công luận Việt Nam Cộng hòa: mọi diễn biến về chính trị tại Sài Gòn hiện nay hòa toàn không liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ và đại sứ quán Mỹ.
°
Xe Luân và Dung không thể nào vòng ra khỏi bùng binh chợ Bến Thành. Cả quảng trường đông nghịt, lùi lại cũng không được. Hằng trăm xe các loại đứng yên. Dân chúng từ nhiều ngã đổ về đây. Một tấm băng giăng cao, có vẻ viết vội nên chữ không ngay hàng thẳng lối: “Noi gương chết vì dân tộc chống độc tài của Quách Thị Trang! Đả đảo Hiến chương Vũng Tàu!”. Dưới chân tượng nữ sinh, một thanh niên đang cầm loa điện diễn thuyết. Quân cảnh và cảnh sát dã chiến kéo đến, song hàng rào bảo vệ quá dày, họ hò hét bảo giải tán, tiếng hò hét của họ bị các khẩu hiệu long trời át mất.
- Đây mới đúng là chúng ta cần!
Luân nói khẽ vào tai Dung. Khí thế hàng vạn – chắc hơn nữa – bừng bừng. Luân chợt nhớ tháng 8-1945, đúng ngày này, 25-8. Và Dung cũng nhớ y như vậy, ở Hà Nội.
Diễn giả nói gì, Luân và Dung không nghe rõ. Họ đoán lời diễn giả qua các nắm tay đưa lên và tiết thét khẩu hiệu:
- Hẳn không phải tất cả đều được lãnh đạo hay tổ chức cả!
- Tất nhiên... Làm sao tổ chức ngần ấy người. Nhưng, nghệ thuật của lãnh đạo là biết đưa khẩu hiệu đúng, khẩu hiệu đúng sẽ tập họp. Trong đây, bộ phận đông nhất là những người bất bình Hiến chương Vũng Tàu, những người không muốn Mỹ đổ quân lên Nam Việt Nam, đồng thời có nhóm từng đấu tranh chống Khánh, có nhóm yêu nước, có cả đồng chí ta lẫn bọn tình báo... Anh tiếc...
Dung đặt tay lên cánh tay Luân.
- Tướng Đức chậm quá... Biết làm thế nào?
- Anh muốn liên hệ với Tổng hội sinh viên...
Dung lắc đầu:
- Không cần! Em tin chắc Tổng hội đã được lãnh đạo. Cả một số bộ phận Phật giáo, như gia đình Phật tử, cả báo chí... Anh không nhớ Sa nói sao? Ở đâu cũng có người của ta!
- Nhưng... - Luân thở dài.
Dung thông cảm với chồng, cô siết cánh tay Luân:
- Chỗ của anh không phải ở Tổng hội, không phải các cuộc biểu tình. Ta cố vào dinh Độc Lập. Em tin tại đó sẽ có sẽ có cái gì sẽ xảy ra.
Luân dặn lái xe, nếu cuối cùng không đến dinh Độc Lập được thì quay về nhà. Anh, Dung và Thạch ra xe, len lỏi giữa đám đông, men hông chợ Bến Thành, đến dinh Độc Lập.
Cửa dinh đóng kín. Toán lính gác nhận ra Luân nên cho vào.
Tại tiền sảnh, Nguyễn Khánh đang đi lại, sốt ruột. Anh ta hờ hững chào Luân. Thành viên chính phủ có mặt đủ. Hình như chính phủ sắp họp.
Lâm Văn Phát đến bắt tay Luân:
- Chính phủ chưa họp được vì thiếu mấy người quan trọng, như hai phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn và Đỗ Mậu, ngoại trưởng Phan Huy Quát...
- Tụi nó sắp biểu tình tới đây!
Nguyễn Khánh nói trổng, sau khi nghe một sĩ quan cảnh sát báo cáo.
Và, vài phút sau tiếng thét của mấy vạn người dội mạnh vào dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập thật sự bị bao vây từ bốn con đường.
“Giá mà dân chung trèo qua rào vào bắt hết chính phủ!”. Luân nghĩ trong bụng.
- Lúc này, tôi có một tiểu đoàn là đủ! – Tướng Lâm Văn Phát nói nhỏ với Luân.
Dân chúng giương biểu ngữ. Không phải một vài mà hàng trăm. Tất cả đều đòi hủy bỏ Hiến chương Vũng Tàu.
- Làm thế nào? - Nguyễn Khánh hỏi Trần Thiện Khiêm.
Khiêm không trả lời mà quay về phía Luân. Luân tảng lờ im lặng. Trong thâm tâm, Luân mong tình hình kéo dài, để cho độ căng thẳng đủ thành chất nổ. Khi quần chúng nổi nóng cái gì cũng có thể xảy ra cả. Quần chúng chỉ đứng ngoài rào, điều đó cho Luân thấy lực lượng lãnh đạo nòng cốt còn ít và non, đồng thời các thế lực khác vấn khống chế được quần chúng ở mức biểu dương thái độ mà họ định. Trời hôm nay oi bức, tuy nắng không gay gắt. “Cứ kéo thêm độ nửa tiếng nữa, khó tránh khỏi đột biến”. Luân thấp thỏm. Dung chia sẻ ý nghĩ của Luân: “Chỉ cần vài người hô khẩu hiệu, chẳng hạn “Xông vào dinh Độc Lập”, tình hình chuyển sang bước ngoặc ngay!”. Dung nói thật khẽ mà Luân nghe như lệnh khai hỏa. Anh ngó đăm đăm ra cửa chính dinh Độc Lập. Quân cảnh và cảnh sát sẵn sàng nổ súng, nhưng chúng sẽ xẹp liến nếu cả mấy vạn người xung phong. “Không phải là chuyện của anh!”. Dung lại siết cánh tay Luân đau điếng.
Bộ trưởng Nghiêm Xuân Hồng báo cáo việc gì đó với Nguyễn Khánh, Nguyễn Khánh tất tả vào phòng.
- Đại sứ quán Mỹ chị thị đây! – Luân bảo Dung, giọng ảo não.
Năm phút sau, Nguyễn Khánh tất tả ra, lôi theo phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh. Tiến sĩ, nhà chuyên môn uể oải cùng Khánh xuống thềm, tiếng ra cổng chính, với một tốp bảo vệ và nhân viên.
“Hỏng rồi!”. Luân than thầm.
Mười lăm phút sau, Khánh và tùy tùng trở vào. Đám đông giải tán.
Mặt Khánh nặng chình chịch.
Luân buồn rầu ngó Dung. Vừa lúc đó, một tiếng nổ rung rinh cả dinh Độc Lập. Chưa ai biết lý do.
Nghiêm Xuân Hồng từ văn phòng đâm bổ ra, líu lưỡi:
- Khách sạn Caravelle bị V.C nổ mìn, sụp mấy tầng!
Nguyễn Khánh điên tiết:
- Bắt được bọn khủng bố không?
- Không! – Hồng trả lơi.
- Thế nào ông Taylor cũng la lối... Đó là khách sạn của người Mỹ...
Một nhân viên đến báo có điện gọi Khánh.
Không phải Taylor la lối mà trung tướng Phạm Xuân Chiểu thông báo Hội đồng quân đội họp khẩn...
°
Tin tức
Reuter và UPI: Nhiều nguồn tin đồn đại công khai ở Sài Gòn: Sắp sửa nổ ra một đợt khủng bố các chùa, nhà sư quy mô như thời ông Ngô Đình Diệm, kể cả chùa Ấn Quang, do tướng Nguyễn Khánh chủ trương để dẹp chống đối. Mặt khác, có tin tín đồ đạo Phật sẽ đập phá các nhà thờ theo đạo Thiên Chúa, trong đó có nhà thờ Đức Bà. Giữa lúc ấy, các tướng Việt Nam Cộng hòa họp mật ở Bộ Tổng tham mưu.
Một tình hình khác thường diễn ra ở Sài Gòn: tín đồ theo đạo Phật canh giữ suốt đêm trụ sở của các nhà sư háo động và tượng một nữ sinh chết trước đây dựng ngay ngôi chợ to nhất thành phố; các khu đông người theo đạo Thiên Chúa vũ trang dao, gậy búa...
Trật tự trở nên tồi tệ khi hằng mấy chục nghìn dân chúng biểu tình chống tướng Khánh và khách sạn đông người Mỹ nay bị đánh mìn thiệt hại nặng nề người và vật chất. Việt Cộng nhận họ đã đặt quả mìn cực mạnh ấy, nhưng các chính khách cho tướng Khánh nổ mìn để cảnh cáo Mỹ nếu hạ bệ ông ta thì an ninh sẽ như thế hoặc người Mỹ nổ mìn để chứng minh cần hạ bệ tướng Khánh, người không đủ năng lực làm chủ thủ đô.
Tin từ Đà Nẵng càng bi thảm hơn: một đám dân chúng theo đạo Phật kéo ngang căn cứ Mỹ trên đường đến một ngôi chùa dự lễ. Lính Mỹ nổ súng. Dân chúng tức giận dùng đá ném vào lính Mỹ. Lính Mỹ bắn rát hơn. Đám đông chạy vào một làng theo đạo Thiên Chúa thì bị tự vệ làng tấn công. Cuộc xô xát ác liệt. Nhiều người chết (26-3-1964).
°
Điện mật:
Nơi nhận: Đại sứ M.Taylor – Sài Gòn.
Các diễn biến tình hình ngày 25 và 26 càng xác định quan điểm cần phải có thêm quân Mỹ ở Nam Việt và cần một bộ máy bản xứ hiệu lực. Tổng thống sẽ trực tiếp chỉ thị cho đại sứ và tướng Westmoreland bằng con đường riêng.
Ký: Dean Rusk.
°
Thông cáo của Hội đồng quân đội cách mạng:
Sau 2 ngày làm việc, Hội đồng quân đội cách mạng đã đi đến quyết định thu hồi Hiến chương ngày 16-8, sẽ tổ chức bầu nguyên thủ quốc gia và nguyên thủ quốc gia sẽ thực hiện một cơ cấu dân chủ. Quân đội trở về nhiệm vụ chính của mình là chiến đấu chống Cộng. Tạm thời, chính phủ hiện hành xử lý công việc trong một thời gian nữa.
°
Thông cáo của Hội đồng quân đội cách mạng:
Hội đồng quân đội cách mạng quyết định lập một Ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực các tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh.
Chính phủ Nguyễn Khánh phải triệu tập trong vòng 2 tháng, kể từ hôm nay, Quốc dân đại hội, trong lúc đó, để bảo đảm nguyên tắc dân sự hóa, ủy quyền Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh thừa ủy nhiệm Thủ tướng, quyền thủ tướng chính phủ.
°
Hội đồng quân đội họp từ 14 giờ 25, không khí ngột ngạt. Theo đúng thủ tục, chính tướng Nguyễn Khánh phải khai mạc hội nghị, song người khai mạc hội nghị là tướng Dương Văn Minh. Tâm trạng tướng Khánh khá phức tạp. Cú điện thoại của Phạm Xuân Chiểu triệu tập hội nghị bất thường khiến anh ta lo lắng. Biết đâu tại cuộc họp; anh ta phải xỏ tay vào còng và nhẹ nhất cũng lên Đà Lạt nghỉ mát một thời gian. Sự lấc cấc và lố lăng của anh ta bây giờ hành hạ anh ta. Khánh điện cho đại sứ Taylor và chỉ được trả lời như điệp khúc quen thuộc: Mỹ không can thiệp vào nội bộ đồng minh.
Một ý nghĩ lóe trong đầu Khánh: đại tá Nguyễn Thành Luân trong trường hợp này rất hữu ích. Do đó, Khánh mời Luân dự họp, tất nhiên, dự thính. Tướng Trần Thiện Khiêm ngần ngừ một lúc rồi đồng ý. Tướng Lâm Văn Phát đồng ý ngay.
Luân xuất hiện ở Hội nghị gần như không gây một chú ý nào, trừ cái ngó thăm dò và không thiện cảm của hai tướng Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ. Hình như hai tướng có hỏi Khánh và Khánh trả lời – Luân biết, Khánh úp mở rằng đại sứ Mỹ muốn Luân dự họp.
Khánh ngại tướng Minh, thiếu tá Nhung, cận vệ của tướng Minh chết, các bạn của ông như Đôn, Kim bị lăng nhục, nếu tướng Minh trả thù thì đây là cơ hội tốt nhất.
Song, tuyên bố khai mạc của tướng Minh giúp Khánh lấy lại tư thế.
- Giữa lúc lộn xộn này, tôi xin anh em gác chuyện riêng tư sang một bên, chúng ta cùng nhau tìm cách đối phó với khó khăn của đất nước.
Luân ngồi trên hàng ghế thứ ba, kê sát tường như một thư ký. Anh quan sát các tướng. Những người này, tại Vũng Tàu, đã thông qua bản Hiến chương đang trở thành mục tiêu của mọi mũi tấn công, bây giờ cũng những đó làm ra vẻ bực bội.
- Chuyện ở Vũng Tàu không có lợi, nên tôi xin anh em bỏ nó đi... - Vẫn thái độ điềm đạm, tướng Minh tiếp tục hòa giải.
Luân thấy tội nghiệp cho viên tướng được kính trọng song, luôn luôn bị lợi dụng và luôn luôn chịu nhận sự lợi dụng ấy khá thành thực.
- Đã nghị quyết, đã tuyên cáo bây giờ rút lại, thiên hạ coi chúng ta như con nít!
Tướng Khánh lần lần ổn định tinh thần, mở đợt phản pháo.
- Chính mấy anh đồng lòng, chớ phải tôi ép uổng chi đâu!
Tướng Khánh như được thế, lấn tới.
“Rầm”! Ly tách nhảy dựng, tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng phắt dậy, vỗ bàn thẳng cánh.
- Đồng lòng? Anh lấy sức ép của người Mỹ đặt tất cả trước sự đã rồi... Tình hình xấy hẳn, anh vẫn chưa hiểu sao?
Tướng Khánh không chịu thua, chồm người lên phái trước, nói gần như quát:
- Anh là người nói đầu tiên ở Vũng Tàu. Khi tôi đắn đo, anh còn chê tôi nhát. Loại người trở mặt từng giờ mà không xấu hổ...
- Ai trở mặt như còn đĩ? Ngủ với thằng này rồi ngủ với thằng khác mà lúc nào cũng nói: anh là người em yêu đầu tiên... - Kỳ bĩu môi. Lúc trước, người ta chắc cười phá lên vì câu ví von độc địa kia, nhưng không khí cuộc họp không thích hợp với các câu ví von.
- Tôi can các anh… - Tướng Minh rên rỉ.
- Coi như tất cả đều là đĩ! – Tướng Nguyễn Chánh Thi bô bô – Song đừng có tình chuyện làm trùm đĩ! Ông Khánh định mở nhà thổ. Dẹp liền vụ Hiến chương tào lao ngay!
- Tôi là người ủng hộ Hiến chương. – Tướng Đỗ Mậu nói, rất ung dung – Tôi không chối… Chúng ta dự định điều tốt, nhưng tình hình bất lợi, đòi vận dụng chiến thuật khéo…
- Tôi xá dài anh, anh Đỗ Mậu ơi! Miệng lưỡi anh lúc nào cũng ngọt… Tôi đi guốc trong bụng anh. Anh không dự họp nội các mà lòn ngả hậu. Thôi, tôi rút khỏi chức chủ tịch nhường cho anh đó… - Nguyễn Khánh xỉa xói Đỗ Mậu.
- Anh Khánh đánh giá tôi sai rồi. Tôi định xin rút khỏi Hội đồng. Tôi cáng đáng chức chủ tịch thế nào nổi…
Cứ lời qua tiếng lại như thế cho đến bữa ăn tối. Vừa ăn vừa cãi. Ăn xong, họp tiếp. Không ai chịu ai. Lâu lâu, tranh cãi giống hàng tôm hàng cá.
Điều mà Luân lo nhất là những cú điện thoại, khi thì Nguyễn Khánh tiếp điện, khi thì Đỗ Mậu, khi thì Trần Thiện Khiêm, khi thì Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ đang theo dõi hội nghị khá khít khao. Luân nghĩ, nếu cứ để các tay này tố nhau thì hội nghị cả tháng không xong. Bầy ngựa giành kéo xe, chẳng ngựa nào chịu thua ngựa nào...
Đã 1 giờ sáng. Nhiều tiếng ngáp mệt mỏi, vài viên tướng ngủ gật không thèm che giấu, kể luôn tiếng ngáy ầm ĩ.
Một sĩ quan báo với Luân có điện.
Dung gọi anh, hỏi tình hình. Gác máy, Luân chưa trở lại phòng họp thì Jones Stepp gọi Luân.
- Chào đại tá!
- Chào tướng quân!
- Nên tạm ngưng hội nghị, mai sẽ tiếp... Tôi cho rằng như vậy là có lợi nhất...
Luân muốn nắm chắc hơn ý định của Mỹ nên anh nói:
- Thưa tướng quân, dù có họp ngày mai cũng khó đi đến thống nhât...
- Tôi hiểu... Và, tôi tin sau một giấc ngủ thoải mái, mọi người sẽ minh mẫn hơn.
Luân báo lại với tướng Minh ý kiến của Jones Stepp, tướng Minh – mệt mỏi hơn bất kỳ ai - gật đầu liền. Song, tướng Khánh nhất quyết đòi hội nghị phải đi đến kết luận. Giải pháp tạm thời là hội nghị “xả hơi”. Và, hội nghị “xả hơi” đến 8 giờ sáng – mỗi người tìm một chỗ ngả lưng, không ai rời Bộ Tổng tham mưu, không ai chịu bị đâm lén cả.
Ăn sáng xong, hội nghị bắt đầu. Lại cù cưa cù nhầy. Chủ đề là nên duy trì hội đồng quân đội hay chuyển sang chính quyền dân sự. Đây là chủ đề bên ngoài. Chủ đề đích thực là ai sẽ đứng đầu guồng máy ở Nam Việt. Mức phân hóa đến đây càng gay gắt. Đa số tướng không thể là chính khách bởi không có khiếu. Cách nào đó, chính tướng Minh sẽ đăng quang và cái gọi là “chỉnh lý” của Khánh vừa công cốc vừa dễ bị kết án. Rải rác đòi coi lại vụ “chỉnh lý”. Nguyễn Chánh Thi, trong vụ này, đứng về phía Khánh.
- Tôi thấy mấy anh em nên công bình... Tôi đã thăng bao nhiêu anh em lên cấp tướng. Tôi đâu có độc tài. Cấp đại tướng dành cho anh Khiêm... - Khánh đổi bài bản, đúng giọng nỉ non.
- Ối! Anh không phong thì người khác phong... - Đỗ Mậu gạt ngang ý của Khánh.
Ăn trưa. Họp tiếp. Luân thủy chung không nói một lời, dù đôi khi một tướng mời anh. Anh lắc đầu: Tôi chỉ xin nghe thôi.
Nguyễn Cao Kỳ ghé vào tai Nguyễn Chánh Thi:
- Tống cái thằng Cộng sản này ra khỏi cuộc họp. Có mặt hắn tôi thấy ớn ớn thế nào...
- Ừ... Đ.M... đấy là chỗ các tướng trong hội đồng...
Lâm Văn Phát ngồi cạnh nghe rõ, cười khẩy:
- Trước hết, hai ông hãy xin lịnh của tướng Jones Stepp... Va đến đây do cơ quan tình báo quân sự Mỹ phái.
- Để chi?
Phát nhún vai:
- Để coi tụi mìn múa giống thứ gì.
Kỳ và Thi xìu hẳn.
°
NHỮNG PHÁT ĐẠI BÁC THEO KIỂU NAPOLÉON
Hélen Fanfani (Financial Affairs)
Sài Gòn, tháng 8-1964.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa nằm trên con đường lớn dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn, trong phút chốc đi vào biên niên sử của xứ sở Việt Nam cực kỳ rối loạn và tương lai mịt mù này.
Giữa trưa, giờ địa phương, tôi nhận được một cú điện thoại của một người bạn quen – xin tạm giấu tên – vội vã giục Victor, chồng tôi, mang máy quay phim đến trước cổng cơ quan quân sự đầy bí ẩn, như một thâm cung các vua chúa. Cửa Bộ Tổng tham mưu đen đặc người và người. Luớt qua họ, tôi biết liền đây là giáo dân Thiên Chúa từ nhiều vùng khác nhau kéo đến. Khẩu hiệu của họ khá lộn xộn. Dù sao, tôi và Victor cũng hiểu một trận phục thù đang diễn ra. Họ, những người biểu tình, bị truất phế đặc quyền sau cái chết thảm khốc của anh em ông Diệm, đã làm ra cớ đòi nợ. Tất nhiên, không phải Dương Văn Minh hay Tôn Thất Đính phải trả nợ. Chính tướng Nguyễn Khánh, theo họ, phải tỏ ra sòng phẳng. Mấy ngày đêm liền, Sài Gòn sống trong không khí tiền đảo chính và tự các giáo dân kinh nghiệm khơi ngòi nổ.
Lối bốn hoặc năm nghìn, hầu hết trai tráng, nắm trong tay các thứ có thể choảng nhau và cũng có thể giết nhau theo cách đánh giặc thời trung cổ, dao, búa, gậy, thanh sắt. Mặt mũi người nào cũng đầy sát khí. Con đường Lê Văn Duyệt tắc nghẽn. Quân cảnh và cảnh sát gọi bộ đàm liên tục. Cảnh sát dã chiến với mặt nạ phòng hơi cay, chiếc khiên và gậy quen thuộc cùng với một nhóm khác, đủ súng phóng hỏa tiễn, chờ một tín hiệu xanh.
Victor lướt máy. Cái khẩu hiệu đã vào phim. Ủng hộ Hội đồng quân đội cách mạng! Đả đảo Cộng sản và Trung lập! Đả đảo bọn phá hoại đoàn kết quốc gia! Đả đảo các hành động côn đồ ở Đài phát thanh và Bộ Thông tin! Yêu cầu được trao kiến nghị quyết tử chống Cộng cho Hội đồng quân đội...
Khó mà nói rằng đây là những yêu sách chống chính phủ. Thế nhưng, cổng Bộ Tổng tham mưu vẫn đóng im ỉm. Quân cảnh dùng loa kêu gọi đám đông giải tán. Chẳng những không giải tán, đám dông dùng tiếng “hô ta” lay cánh cửa sắt, mỗi lần mấy chục người lấy đà phóng vào cửa. Đã có những dấu hiệu cánh cửa sẽ đổ. Quân cảnh và cảnh sát dã chiến vung gậy. Thế là một trận hỗn chiến diễn ra. Quân cảnh và cảnh sát ít hơn, bị đánh dạt. Số có hỏa tiễn cũng bỏ chạy.
13 giờ 3 phút, một vị tướng được cả một trung đội bảo vệ ra sát cửa, tướng Nguyễn Ngọc Lễ.
- Yêu cầu không nhượng bộ? Yêu cầu không sửa hiến chương Vũng Tàu! Hoặc tướng Khánh tiếp tục là nguyên thủ quốc gia hoặc phải ra đây chịu tôi!
Một người - có vẻ là linh mục – xướng một câu, cả nghìn người phản ứng...
- Tôi yêu cầu đồng bào giải tán! Chúng tôi đang họp... - Tướng Lễ rõ ràng cố dằn cơn nóng, nói ôn tồn mà đầy quyền uy.
- Chả họp gì cả! Phải giải tán!
Đám hưởng ứng ồn ào.
Tướng Lễ quay trở vào.
- Nguyễn Khánh gặp chúng tôi! Hoan hô tướng Nguyễn Khánh! Treo cổ tướng Dương Văn Minh!
Tôi bảo Victor: “Họa chăng Chúa mới hiểu được là cái gì!”. Victor cười. Anh vốn ít nói song hẳn đây có kinh nghiệm hơn tôi...
Mười phút trôi qua. Đám đông bắt đầu hoạt động.
Khẩu hiệu lại hô vang rền và cánh cửa càng lúc càng long, sắp đổ tới nơi.
Tướng Nguyễn Ngọc Lễ trở ra. Nhưng ông không đi đến cửa. Tôi dụi mắt và đúng như tôi thoạt thấy, bốn khẩu đại bác 75 ly – pháo tự hành dính theo các xe chiến đấu – hạ thấp nòng. Victor bảo tôi: Napoléon tái sinh!
Thú thật, tôi không tin Victor, vì nhiều lẽ: đây là tín đồ theo đạo Thiên Chúa, không ai dám đối xử theo kiểu của viên tướng hơi mất thăng bằng về thần kinh trên đường phố Paris cách chúng ta hơn 100 năm; đây là pháo Mỹ và họ, những người biểu tình, đâu có đòi lật đổ chính phủ!
Họ dọa già thôi! Tôi đinh ninh vậy. Victor thận trọng lùi xe xa đám đông. Tôi cười anh.
Cổng Bộ Tổng tham mưu mở. Đám đông ùa vào. Và, trong một nháy mắt, họ hoặc tháo chạy, hoặc sẽ không bao giờ còn chay được nữa. Nòng đại bác khạc đạn, khối lửa giã đám đông thành từng mảnh, tiếp sau tiếng nổ đinh tai. Khó mà ước lượng số nạn nhân của các phát đại bác. Từng đống xác nhầy nhụa máu bít lối ra vào Bộ Tổng tham mưu. Đám đông bỏ chạy tán loạn. Cổng Bộ Tổng tham mưu khép lại một cách lạnh lùng. Tướng Nguyễn Ngọc Lễ bình thản đứng trên thềm...
Tôi bảo Victor thoát nhanh. Đã có một số quân cảnh hướng về phía chúng tôi, họ tịch thu máy. Victor lùi xe và trở đầu thật táo bạo. Tôi nghe nhiều tiếng đạn đuổi theo chúng tôi.
Xe chúng tôi lao vào trung tâm thành phố, bắt gặp nhiều toán dân chúng, đều là đạo Thiên Chúa, kéo về hướng đài phát thanh. Victor, theo đề nghị của tôi, vòng đến đài phát thanh. Chúng tôi đến vừa kịp khi một đại biểu của đoàn biểu tình trao cho giám đốc đài phát thanh bản tuyên ngôn: Lực lượng cộng hòa Công giáo do linh mục Hoàng Quỳnh, vị thầy tu chống Cộng khét tiếng ở Bắc Việt, yêu cầu giữ Hiến chương Vũng Tàu.
Trong lúc giám đốc đài và đại biểu đoàn biểu tình đang dằn co – viên giám đốc rõ ràng quá sợ hãi, vì hôm kia, đài của ông bị đập phá với lý do ngược lại – chúng tôi nghe nhiều tiếng thét ở đường Phan Đình Phùng, gần đó. Victor ghê rợn. Những điều tôi hỏi cho biết đoàn biểu tình này đã đánh nhau với học sinh trường Nguyễn Trường Tộ. Nghe đâu hai học sinh bị đâm chết và nghe đâu nhiều người biểu tình cũng bị chết.
Trước hai phe chực hầm hầm xông vào xé, hai vị lãnh đạo tinh thần đang nói. Tôi biết linh mục Hồ Văn Vui và thượng tọa Thích Tuệ Đăng cố giảng hòa.
Trời tối dần. Khi đường Phan Đình Phùng im ắn tôi xem đồng hồ: 19 giờ.
Một câu hỏi trong đầu tôi: Ai? Ai chủ mưu?Tôi sẽ điện cho đại sứ quán Mỹ và hẹn bài sau sẽ nói rõ về sự thể ly kỳ này...
°
... Sau các loạt đại bác mà bức tường Bộ Tổng tham mưu cho một hồi âm rõ mồn một, hội nghị Hội đồng như có một trọng tài thổi còi, không ai mở mồm. Khó mà để quyết người nào đã ra lệnh bắn, hành động hết sức mạo hiểm. Khi tướng Lễ vào báo cáo, Nguyễn Chánh Thi bô bô đúng kiểu của hắn:
- Bắn mẹ nó! Cho đại bác bắn... Đồ quấy rối.
Nguyễn Ngọc Lễ chờ. Không ai nói. Ông ta quay ra. Cứ coi như ý của Nguyễn Chánh Thi là ý của Hội đồng. Lễ chả thâm thù gì giáo dân Xóm Mới, Hố Nai, chả theo phe nào. Tuy nhiên, ông ta không thích cái trò gây rối khi mà ruột gan ông rối bời bời.
Luân xin nói. Đúng ra, anh cứu hội nghị. Tướng Minh vui vẻ ra mặt:
- Mời đại tá!
Luân nói:
- Thưa các vị tướng lãnh...
Cả cuộc họp dồn vào Luân. Gã đại tá “Cần Lao” hoặc “Cộng sản” nổi tiếng suy nghĩ tinh tế...
- Tôi xin trình bày một nguyên tắc để các vị cứu xét. Tôi không phải thành viên của hội đồng, nói ở đây là không đúng chổ, không đúng nguyên tắc.
- Nói đi, đừng dè dặt. – Nguyễn Khánh đốc vô.
- Cám ơn các vị... Nên nghĩ đến tình thế, tình thế đòi một đầu não khả dĩ giải tỏa các xung đột nay đã quá trầm trọng. Tôi đề nghị thành lập một Ban lãnh đạo quốc gia, đồng thời duy trì chính phủ hiện hữu trong một thời gian ngắn để đưa đất nước vào nề nếp dân chủ. Ban lãnh đạo quốc gia, theo tôi, gồm ba vị: trung tướng Dương Văn Minh, đại tướng Trần Thiện Khiêm và trung tướng Nguyễn Khánh...
Luân ngồi xuống. Tướng Minh trầm ngâm. Tướng Khiêm cố không bộc lộ sự hài lòng. Tướng Khánh thì giống như kẻ chết đuối vớ được cây sào cứu mạng.
- Tôi đồng ý! - Tướng Phạm Xuân Chiểu nói to.
- Tôi thấy nên... - Đỗ Mậu ngập ngừng.
- Vậy là đúng rồi! Cám ơn đại tá Luân! - Tướng Thiệu đưa tay. Lâm Văn Phát không hài lòng, nhưng không nói gì.
Mãi khi rời phòng họp. Phát hỏi riêng Luân:
- Ông Big Minh, thằng Khiêm tạm đươc, còn thằng Khánh?
Luân cười, vỗ vai bạn nói khẽ:
- Anh bỏ ý định của anh rồi sao?
°
Mặc Hội đồng quân đội đã ra quyết định, tình hình các nơi vẫn bên bờ vực xô xát lớn, tổng lực giữa các nhóm cực đoan Công giáo và Phật giáo. Khu Công giáo Phú Nhuận, Trương Minh Giảng báo động, tổ chức canh gác, chực chờ xung trận. Viện Hóa đạo, chợ Bến Thành và các chùa cũng quy tụ hàng trăm hàng nghìn sinh viên.
Thông cáo của Tòa Tổng giám mục và Viện Hóa đạo kêu gọi thông cảm không có tác dụng.
Học sinh, sinh viên hội thảo sôi nổi khắp các trường và thường xuyên tập trung ở các công viên lớn. Cảnh sát bắt bớ. Xung đột xoay qua giữa học sinh, sinh viên và cảnh sát.
Giữa trưa ngày 28, thủ tướng Nguyễn Khánh họp báo tại tòa Đô chính. Như được thêm sinh lực, Khánh đọc một bản soạn sẵn thóa mạ Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký không tiếc lời, ghép hai lãnh tụ Đại Việt và đảng Đại Việt vào trọng tội, tội âm mưu đảo chính. Nhưng, Khánh không nêu được bằng chứng thuyết phục, và gọi là cuộc họp báo mà các báo chỉ chỉ nghe Khanh nói, nói xong, Khánh lên xe dông mất.
Trường Nguyễn Bá Tòng bỗng bị một nhóm bao vây. Chẳng rõ nhóm nào đó tông tích ra sao, thật sự họ đến trường Nguyễn Bá Tòng làm gì, nhưng khu phố náo động. Hai phe đánh đấm nhau tơi bời. Báo Xây dựng của người theo đạo Thiên Chúa di cư và nhà in đặt trong trường bị đập phá. Bộ Tổng tham mưu điều quân Dù đến can thiệp. Quân Dù nổ súng...
Những ngày cuối tháng 8 thật ảm đạm: đám tang các nạn nhân trước Bộ Tổng tham mưu, ở trường Nguyễn Bá Tòng, ở các công viên... Hàng nghìn người bị bắt, bị dán cho cái nhãn du đãng.
Và, phó đại sứ Alexis Johnson nhận được bức điện của bộ Ngoại giao Mỹ, vỏn vẹn chỉ có một chữ: STOP!