Ung thư – Sự thật, hư cấu, gian lận và những phương pháp chữa lành không độc hại (Cancer – Step Outside The Box)

Chương 8: DINH DƯỠNG LÀ THIẾT YẾU

“Đừng bận tâm tìm kiếm trong sách lịch sử cái gì đã giết hại nhiều người Mỹ nhất. Thay vào đó, hãy nhìn vào bàn ăn bữa tối của bạn…Chúng ta ăn quá nhiều những thực phẩm có hại và thiếu những thực phẩm phù hợp.”

 

– Bác sĩ Andrew Saul

“Chống lại” hay “nuôi dưỡng”

Tôi đã dành nhiều chương về dinh dưỡng và chế độ ăn uống, vì chế độ ăn uống của một người là phần quan trọng nhất của bài toán điều trị ung thư. Cho phép tôi nhắc lại: chế độ ăn là phần quan trọng nhất của bài toán. Bắt đầu một phác đồ điều trị ung thư bằng phương pháp thay thế giống như cho củi vào lò sưởi (cơ thể bạn). Khi gỗ bắt lửa và bắt đầu cháy, ngọn lửa sẽ thiêu rụi các tế bào ung thư cư trú trong lò sưởi của bạn. Thế nhưng, áp dụng một chế độ ăn uống tồi cũng giống như đổ nước lên ngọn lửa đó. Một chế độ ăn uống tồi tệ sẽ phá hủy nhiều phương pháp điều trị ung thư thay thế. Thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng chỉ riêng chế độ ăn uống thôi cũng có thể gây ra ung thư. Vì vậy, nếu muốn đảo ngược tình trạng ung thư của mình, bạn phải đảo ngược chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống chính là yếu tố góp phần “chữa trị” ung thư, vì nó củng cố hệ miễn dịch và cân bằng “nội trạng” của bạn.

Thực tế, nhiều người đã thật sự đảo ngược được tình trạng ung thư của mình chỉ bằng cách thay đổi chế độ ăn. Chế độ ăn cho người bị ung thư quan trọng ngang với điều trị. Như tôi đã so sánh nhiều phương pháp điều trị ung thư thay thế hiệu quả với những phương pháp kém hiệu quả hơn, rõ ràng là ngay cả một “trục trặc” nhỏ trong chế độ ăn ung thư cũng có thể gây trở ngại cho hiệu quả của một phương pháp điều trị cụ thể. Nếu chế độ ăn nuôi dưỡng các tế bào ung thư thì những tế bào này sẽ đề kháng mạnh với hầu hết các phương pháp điều trị. Hãy nhớ điều này: Nếu chế độ ăn không chiến đấu chống ung thư, nó sẽ nuôi dưỡng ung thư. Không có chuyện nửa vời.

Chính chế độ ăn (không phải điều trị) sẽ mang tới tác dụng chữa trị lâu dài cho bệnh ung thư, vì chế độ ăn củng cố hệ miễn dịch và cân bằng nội trạng. Cả hai điều này đều thiết yếu để có được thành công lâu dài trong cuộc chiến chống ung thư. Thường rất nhiều người nghĩ rằng họ được chữa khỏi ung thư khi khối u đã biến mất hoặc các tế bào ung thư đã chết. Sau đó họ trở lại lối sống cũ, chế độ ăn uống cũ, thói xấu cũ, và ung thư quay trở lại. Những gì chúng ta phải nhớ là một số điều kiện bên trong đã cho phép ung thư khởi sinh phát triển và nếu điều kiện bên trong đó quay trở lại, do chế độ ăn uống tồi tệ, ung thư cũng sẽ trở lại thôi.

Cơ thể con người được cấu thành từ các nguyên tố phổ biến nhất trên Trái đất. Trong Sách Sáng thế, chúng ta đọc được câu chuyện về sự sáng tạo thế giới và Vườn địa đàng. Chúng ta đọc được trong Sách Sáng thế 2:7 rằng Thiên Chúa “tạo nên người đàn ông từ đất sét của mặt đất và thổi vào lỗ mũi của người ấy hơi thở cuộc sống.” Thiên Chúa đã sử dụng cái gì để tạo nên Adam? Thiên Chúa đã tạo ra anh ta từ đất màu mỡ nhất trên Trái đất. Tôi tin chắc 100% rằng mọi thành phần đều có trong đất mà Thiên Chúa dùng để tạo nên Adam, và những trái cây, nhân hạt, ngũ cốc và rau củ của anh ta cũng mọc lên trong đất này. Nhưng sau đó Adam đã gục ngã và môi trường của chúng ta cũng như thế.

Với thực tế những loại đất tốt nhất ở Mỹ đã cạn kiệt tới 90% giá trị khoáng chất, nhiều hóa chất và kích thích tố vô ích được đổ thêm vào đất và thực phẩm của chúng ta, cùng với việc quá trình xử lý đã tiêu hủy các vitamin và enzyme tiêu hóa, làm cho chúng có tính axit hơn, không có gì lạ khi thoái hóa đã trở thành một bệnh dịch. Trong cuốn Nutrition Under Siege (Cản trở dinh dưỡng), Alex Jack đã kiểm tra dữ liệu được công bố bởi Phòng thí nghiệm số liệu dinh dưỡng (Nutrient Data Laboratory) thuộc Cơ quan nghiên cứu Nông nghiệp (Agricultural Research Service – ARS), Bộ Nông Nghiệp Mỹ, và kết luận rằng việc so sánh các dữ liệu “chỉ ra sự suy giảm mạnh các khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng khác trong nhiều loại thực phẩm kể từ cuộc khảo sát toàn diện cuối cùng công bố trên 20 năm trước”, và ông quy cho “hiện tượng giảm chất lượng đều đặn của đất, không khí và nước”. Những yếu tố hiện đang mất đi trong chế độ ăn uống quen thuộc của Mỹ này là những yếu tố cốt yếu để duy trì sức khỏe tốt và chính cuộc sống.

Một trăm năm trước đây, ung thư gần như chưa được biết đến, nhưng ngày nay có vẻ như ai cũng có một vài người thân qua đời vì căn bệnh khủng khiếp này. Điều gì đã thay đổi? Cơ thể chúng ta đã thay đổi chăng? Gien di truyền của chúng ta đã thay đổi chăng? Hay chúng ta đã làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng thiết yếu trong đất? Chúng ta đã thay đổi những gì mình đưa vào cơ thể chăng? Và liệu có phải những loại thực phẩm mà chúng ta ăn ấy lại thay đổi nội trạng của chúng ta theo một cách nào đó làm cho bệnh tật dễ phát sinh hơn?

Trong cuốn sách mang tựa đề Beating Cancer With Nutrition (Đánh bại ung thư bằng dinh dưỡng), bác sĩ Patrick Quillin cung cấp cho chúng ta một suy luận quan trọng: “Nấm mọc trên vỏ cây do các điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm và bóng tối. Bạn có thể tìm cách tiêu diệt nấm bằng cắt, đốt hay dùng thuốc độc, nhưng chừng nào mà điều kiện thuận lợi vẫn tồn tại, nó sẽ trở lại. Tương tự như vậy, ung thư phát triển trong cơ thể người khi có điều kiện thích hợp.

Các nhân tố được ghi nhận là tạo thuận lợi cho việc hình thành khối u bao gồm nhiễm độc, ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng, suy nhược tinh thần và glucose trong máu cao… Trừ phi chúng ta vô hiệu hóa những yếu tố gây ung thư này, các phương pháp điều trị gây tổn hại tế bào chắc chắn phải chịu thất bại.” Điều bác sĩ Quillin muốn nói ở đây là chúng ta cần tập trung vào những nguyên nhân gây ung thư chứ không phải là các triệu chứng.

Sự thiếu hụt khoáng chất và vitamin trong đất, hóa chất trong các loại thực phẩm, đồ uống có ga, thực phẩm lò vi sóng, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến, thực phẩm bị ô nhiễm thuốc trừ sâu và thực phẩm giả chỉ là một số trong rất nhiều nhân tố thuộc về chế độ ăn uống đã làm hỏng nội trạng của chúng ta, chủ yếu làm thay đổi cân bằng pH và cung cấp mảnh đất màu mỡ cho ung thư phát triển. Chế độ ăn đồ ăn nhanh, giàu axit, calo rỗng của chúng ta là một trong những nhân tố chịu trách nhiệm chính trong sự phát triển của ung thư.

Như tôi đã đề cập, không có chuyện nửa vời. Thực phẩm chúng ta ăn hoặc chống ung thư, hoặc nuôi dưỡng ung thư. Theo đó, thực phẩm ta ăn có thể thuộc vào một trong hai nhóm:

1. Thực phẩm nuôi dưỡng ung thư: Hoặc bằng cách cung cấp dưỡng chất cho các tế bào ung thư hoặc ngăn ngừa hệ miễn dịch của chúng ta tiêu diệt chúng. Những thực phẩm này bao gồm: Các thực phẩm chứa độc tố nấm, các loại thực phẩm có tính axit, soda, đường, chất béo chuyển hóa, cà phê, bột ngọt, nitrit natri, đường hóa học, thực phẩm chế biến, thực phẩm có thuốc trừ sâu, sữa và phô mai tiệt trùng, bột mì tinh chế, florua, clo, v.v.

2. Thực phẩm chống ung thư: Hoặc bằng cách tiêu diệt các tế bào ung thư, cân bằng pH, hoặc ngăn ngừa ung thư lan rộng nhờ các chất dinh dưỡng, enzyme, vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm này bao gồm: nước suối, táo và hạt táo, mơ và hạt mơ, nho tím và hạt nho, quả mâm xôi (raspberries), quả việt quất (blueberries), dâu tây, dưa vàng (cantaloupe), cà rốt, bông cải xanh, tiêu, cà chua, quả bơ, tỏi, chanh, dầu dừa, hạt lanh, dầu hạt lanh, quả óc chó, tảo lục (chlorella), tảo xoắn (spirulina), thảo dược, v.v.

Cốt lõi của “chế độ ăn ung thư” đúng đắn là ăn các loại thực phẩm chống ung thư và tránh ăn các loại thực phẩm nuôi dưỡng ung thư. Đơn giản phải không? Nhưng không phải vậy ở Mỹ trong thế kỷ 21! Một thế kỷ trước đây, chúng ta không có nhiều thực phẩm chế biến. Các gia đình ăn các loại trái cây và rau tươi, bánh mì tươi, các loại hạt tươi, thịt bò ăn cỏ tươi, trứng tươi, và rửa sạch chúng bằng nước giếng giàu khoáng chất hoặc sữa bò tươi.

15

Nhưng ngày nay, các bà mẹ bận rộn không có thì giờ cho việc nấu ăn. Vậy nên bữa sáng mọi người dùng vài cái bánh donut hay bánh muffin. Cha mẹ chìm trong cà phê, còn bọn trẻ thì uống một ly sữa sô-cô-la tiệt trùng to đùng. Bữa trưa là ở các nhà hàng thức ăn nhanh với chiếc bánh mì kẹp pho-mát và khoai tây chiên với chai nước ngọt có ga và kem tráng miệng. Còn bữa tối là pizza, khoai tây chiên, bia hoặc nước ngọt có ga với một thanh kẹo trước khi lên giường.

Bạn có thấy vấn đề ở đây không? Thật không may, 95% chế độ ăn điển hình của người Mỹ là các loại thực phẩm nuôi dưỡng ung thư. Những thực phẩm này có tính axit cao, do đó gây mất cân bằng độ pH của chúng ta. Hãy xem khoai tây chiên: Chúng ta gọt vỏ khoai tây rồi thái mỏng, để phơi ngoài không khí, rồi làm lạnh chúng, sau đó chiên kỹ trong dầu ăn loại chất béo chuyển hóa (transfat), và sau cùng chúng ta phủ muối lên. Cuối cùng, không chất xơ, không dinh dưỡng và không khoáng chất. Chẳng còn lại gì ngoài những miếng đồ ăn vô giá trị, khó tiêu hoá, có tính axit cao. Còn gì phải thắc mắc khi một số người trong chúng ta lại sống thật khó nhọc không? Nội trạng của chúng ta đang ở tình trạng thật kinh khủng!

Những thực phẩm này không chỉ có tính axit, mà chúng còn thiếu enzyme. Vì enzyme sẽ làm thức ăn hỏng rất nhanh, cách tốt nhất để giữ cho thực phẩm khỏi hỏng và làm chúng có thể nằm trên giá lâu hơn là loại bỏ hoặc phá hủy các enzyme. Nhưng, bạn có thể hỏi, “các enzyme có quan trọng không?” Chúng tuyệt đối quan trọng. Một vai trò quan trọng của enzyme trong cơ thể người là tiêu hóa thức ăn. Nhưng thực phẩm chế biến của chúng ta ngày nay đang mất đi những enzyme tối quan trọng này.

Hãy ép nước!

Một cách tuyệt vời để có được các enzyme là uống nước ép từ trái cây tươi và hoa quả. Vì nước ép trái cây và rau quả là nước ép thô, nên các enzyme vẫn sống. Hầu hết mọi người bị tổn thương đường ruột do ăn uống nhiều thực phẩm giàu calo và chất béo trong nhiều năm; do đó, họ khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Với phương pháp ép các loại thực vật, chúng ta tiêu hóa chúng trước, do đó hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Nước ép tươi có thể đáp ứng cho những người không thích ăn rau sống. Tôi biết rằng, nếu bạn đã quen ăn hamburger và khoai tây chiên thì salad tươi với bông cải xanh, cà rốt, dưa chuột, củ cải đỏ và cần tây có thể không phải là món ngon miệng nhất, thế nên nước ép tươi là lựa chọn thay thế tuyệt vời để ăn đủ lượng khuyến nghị 3 đến 4 pound (1,3 – 1,8 kg) rau tươi sống mỗi ngày. Ép đơn giản là cách thiết thực nhất để đáp ứng nhu cầu rau tươi và trái cây hằng ngày của bạn.

Chúng tôi cố gắng ép nước thường xuyên. Nước ép của chúng tôi thường bao gồm cà rốt, củ cải đỏ, táo, cần tây, dưa chuột. Lũ trẻ rất thích. Tôi thường uống khoảng một nửa phần nước ép và sau đó thêm bã ép vào nửa kia. Lợi ích của việc này là bổ sung thêm chất xơ vào nước ép, nó giống như phân bón cho vi khuẩn có ích trong đại tràng. Hãy uống ngay sau khi ép, vì các chất dinh dưỡng và enzyme bắt đầu biến đổi khi tiếp xúc với ô-xy và ánh sáng.

Một chiến binh chống ung thư dũng mãnh là nước ép lúa mì non. Theo Webster Kehr: “Nếu xem ô-xy như viên đạn để tiêu diệt tế bào ung thư thì ta phải xem lúa mì non như khẩu súng trong điều trị ung thư. Nó có nhiều cách đối phó với ung thư đến không thể tin nổi. Trước hết, nó chứa chất diệp lục có cấu trúc phân tử hầu như tương tự hemoglobin. Chất diệp lục tăng sản lượng hemoglobin, có nghĩa là nhiều ô-xy hơn đến được chỗ ung thư. Selen và laetrile cũng có trong lúa mì non, cả hai đều là chất chống ung thư. Chất diệp lục và selen còn giúp củng cố hệ miễn dịch. Hơn nữa, lúa mì non là một trong các loại thực phẩm có tính kiềm nhất được biết đến. Và danh sách này vẫn còn kéo dài.”

Nước ép lúa mì non đã được chứng minh là làm sạch hệ bạch huyết, phục hồi cân bằng độ pH, tạo máu và loại bỏ các kim loại độc hại khỏi tế bào. Nó chứa chất diệp lục có cấu trúc hóa học tương tự hemoglobin giúp chuyên chở ô-xy trong máu.

Thực phẩm & dinh dưỡng từ thực vật

Khi nói đến chuyện loại thực phẩm nào là “thuốc” chống ung thư tốt nhất, không gì sánh được với thực phẩm từ thực vật, do thực tế là chúng chứa rất nhiều enzyme và hàng ngàn loại phytochemical (hóa chất gốc thực vật), trong đó có các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, cây còn chứa hàng ngàn phytochemical khác ngoài vitamin và khoáng chất.

Một phytochemical nổi tiếng là beta-carotene, nó làm cho cà rốt và khoai lang có màu cam tươi sáng. Beta-carotene thực sự là thành viên của một họ phytochemical gọi là carotenoids làm cho trái cây và rau quả có màu tươi sáng. Nghiên cứu chỉ ra rằng phytochemical giảm nguy cơ mắc ung thư. Điều quan trọng cần lưu ý là chỉ có thực vật (trái cây, rau, các loại hạt hạch, hạt giống, và đậu) chứa phytochemical.

Thực phẩm thực vật, đặc biệt là các loại rau lá màu xanh lá cây, có chứa các enzyme có khả năng giúp cơ thể tự thải độc (làm sạch) hiệu quả hơn và loại trừ các chất gây ung thư. Thực phẩm thực vật màu xanh lá cây chứa chất diệp lục có cấu trúc hóa học tương tự như hemoglobin giúp vận chuyển ô-xy trong máu. Thực phẩm thực vật cũng có chứa chất chống ô-xy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại quá trình ô-xy hóa. Như đã thảo luận ở trên, tế bào của chúng ta sử dụng ô-xy và glucose để sản xuất ATP, nguồn năng lượng của chúng ta. Tuy nhiên, gốc tự do lại là sản phẩm phụ của phản ứng hóa học này. Gốc tự do, còn gọi là chất ô-xy hóa, gây ra quá trình ô-xy hóa làm tổn hại thành tế bào. Sự ô-xy hóa giống như quá trình gỉ sắt trên xe của bạn vậy.

Rau mầm rất giàu vitamin, khoáng chất, protein và enzyme dưới dạng dễ hấp thụ và tiêu hóa. Thật thú vị, vì mầm là thức ăn còn đang sống, chúng sẽ tiếp tục tăng trưởng từ từ và hàm lượng vitamin sẽ thực sự gia tăng sau khi bạn thu hoạch chúng. Hãy thử so sánh chúng với rau củ và trái cây mua ở cửa hàng – những thứ bắt đầu mất vitamin ngay khi được thu hoạch và thường phải được vận chuyển xa hàng ngàn dặm.

Trồng rau mầm là cách rất hiệu quả để thêm thực phẩm tươi sống vào chế độ ăn uống của bạn. Nếu bạn có thể trang bị một cái bình, sàng hoặc lưới, và xả nước cho mầm hai lần một ngày, bạn có thể trồng được rau mầm ngon sạch tuyệt vời trong vòng chưa đầy một tuần. Tự trồng rau mầm nghĩa là bạn tự cung cấp rau hữu cơ tươi mỗi ngày từ một vài mét vuông không gian. Và hạt giống có thể nở ra đến 15 lần trọng lượng ban đầu. Những lựa chọn mầm ươm tuyệt vời bao gồm linh lăng, hạnh nhân, bông cải xanh, cải bắp, cỏ cà ri, đậu garbanzos, hạt đậu lăng, đậu xanh, đậu Hà Lan, củ cải, cỏ ba lá đỏ, và hạt hướng dương. Hãy nhớ cho rau mầm vào tủ lạnh. Lý tưởng nhất là bạn ăn ngay sau khi thu hái. Những mầm này vẫn tiếp tục phát triển trong đĩa ăn của bạn! Đó mới là tươi!

Thành thật mà nói, những lợi ích sức khỏe của việc thường xuyên ăn thức ăn thực vật tươi vô cùng kỳ diệu. Dựa trên các nghiên cứu y tế mới nhất, chắc chắn thức ăn thực vật có thể giảm nguy cơ mắc ung thư, và ngay cả nếu bạn đã bị ung thư, thức ăn thực vật sẽ giúp bạn phục hồi và khỏe mạnh. Quả thực, có hàng nghìn nghiên cứu cho chúng ta biết rằng thức ăn thực vật làm giảm nguy cơ mắc ung thư, đồng thời ngăn ngừa ung thư tái phát.

Chúng tôi rất mê quả mâm xôi đỏ, dâu tây, mâm xôi và quả việt quất. Tất cả những quả mọng này đều chứa nhiều phytochemical và chất chống ô-xy hóa. Những quả mọng này cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm cả kẽm, canxi và magiê – những khoáng chất người Mỹ thiếu nhất. Tất cả những quả mọng này còn chứa axit ellagic, một hợp chất ngăn ngừa đột biến tế bào và là chất chống ung thư. Thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy axit ellagic ngăn chặn các tế bào ung thư ức chế gen p53 tạo quá trình chết tự nhiên ở tế bào. Quả việt quất chứa epicatechin, đó là lý do tại sao chúng lại có khả năng mạnh như vậy trong việc cải thiện chức năng gan, và chúng cũng có chứa pterostilbene, bảo vệ chống ung thư đại tràng.

Tất cả trẻ con đều rất thích ăn quả cherry. Điều thú vị là cherry chứa rượu perillyl có thể gây chết cho tế bào khối u. Năm 1999, các nhà khoa học trường Đại học Tổng hợp bang Michigan đã phát hiện ra rằng chất màu đen của cherry là một nguồn dồi dào chất chống ô-xy hóa gọi là anthocyanins. Thực tế, tác động chống ô-xy hóa của cherry đen chua mạnh hơn so với vitamin E là chất chống ô-xy hóa “mẫu mực”. Các loại cherry cũng chứa các hợp chất giảm đau (thuốc ức chế COX) rất hiệu quả mà FDA đã phải ra tay nhằm cố bịt miệng những người trồng cherry, ngăn cản họ kết nối với các nghiên cứu khoa học về cherry! Cuối cùng, cherry có chứa hàm lượng melatonin cao đáng ngạc nhiên, trước đây, người ta cho rằng loại hoóc môn này chỉ được sản xuất bởi tuyến tùng trong não. Melatonin là một phần trong cách thức tự nhiên mà cơ thể điều tiết giấc ngủ, nó cũng có những đặc tính chống ung thư.

Các con tôi đều thích táo và chúng cũng học được cách ăn cả hạt. Hạt táo chứa nitriloside (vitamin B17) được chứng minh là tiêu diệt tế bào ung thư. Mầm rau tươi cũng là món yêu thích của chúng tôi – chúng là thực phẩm toàn phần. Chúng tôi ăn với sandwich và salad. Mầm hạt và rau cũng tăng tính kiềm của các món này. Đồng thời, chúng tôi còn thích sử dụng các loại rau gia vị tươi như húng, rau mùi, rau mùi tây, v.v.

Hai điều quan trọng cần nhớ về thực phẩm thực vật: 1) ăn sống vì các enzyme bị phá huỷ ở 44,4oC và 2) ăn rau và trái cây hữu cơ (nếu có thể) vì thức ăn thực vật trồng thông thường chứa nhiều thuốc trừ sâu độc hại. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tìm được sản phẩm sạch, đừng lấy đó làm cớ để quay lại với pizza, khoai tây chiên, bánh mì kẹp thịt, và bia. Hãy cứ mua sản phẩm trồng thông thường và rửa kỹ bằng nước ấm, xà phòng.

Các enzyme thiết yếu

Trong các chương trước, chúng ta đã biết về tầm quan trọng của việc giữ độ pH của cơ thể ở trạng thái kiềm. Nào, giờ hãy ôn lại khoa học dinh dưỡng cơ bản một chút. Đặc tính hóa học của quá trình tiêu hóa thực sự rất đơn giản: chỉ với ba loại thực phẩm chính là protein (đạm), carbohydrate, và chất béo. Chúng ta tiêu hóa ba loại thức ăn này thành các dạng hữu ích của chúng: protein thành các axit amin, carbohydrate thành glucose và chất béo thành axit béo.

Phần đông mọi người tin rằng khi ăn, thức ăn đi vào một bể axit trong dạ dày, ở đó nó được phân giải, các chất dinh dưỡng được hấp thụ trong ruột non, rồi được đưa ra khỏi cơ thể qua đại tràng. Điều này không thật chính xác. Chúa đã muốn cho chúng ta ăn các loại thực phẩm giàu enzyme và nhai thức ăn đúng cách. Nếu tất cả chúng ta làm thế, thức ăn sẽ vào dạ dày, trộn lẫn với các enzyme tiêu hóa. Khi đó, các enzyme này sẽ “tiêu hóa trước” thức ăn trong khoảng một tiếng, phân giải tối đa 75% thức ăn chúng ta vừa ăn. Thật không may, hầu hết chúng ta không có chế độ ăn đúng đắn, và chúng ta chắc chắn không nhai thức ăn đúng cách. Nên nhớ, điều quan trọng không phải là chúng ta ăn bao nhiêu, mà là chúng ta tiêu hóa được bao nhiêu thức ăn.

Enzyme là gì? Tôi biết bạn sẽ hỏi câu đó! Enzyme là một chất xúc tác. Nhưng, chất xúc tác là gì? Tôi nhớ giáo viên hóa học ở trường trung học của tôi, cô Reed, đã dạy chúng tôi định nghĩa của một chất xúc tác. Phòng trường hợp bạn nhất thời không nhớ được ra, chất xúc tác là chất làm phản ứng hóa học xảy ra, bản thân nó không trở thành một phần của phản ứng hóa học đó. Có rất nhiều enzyme trong cơ thể chịu trách nhiệm cho hàng trăm phản ứng hóa học cần thiết để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.

Nhưng tự chúng, các enzyme chỉ là những mảnh ghép trong bài toán tiêu hóa. Để enzyme thực sự thực hiện hàng ngàn nhiệm vụ, chúng cần sự giúp đỡ của vitamin và khoáng chất (nhân tố phối hợp). Enzyme và các nhân tố phối hợp tự “phối âm” trong một nhạc phẩm sinh hóa phức tạp gọi là “phức hợp”. Chính phức hợp enzyme thực hiện các hoạt động enzyme thiết yếu.

Theo bác sĩ Tim O’Shea: “Các vitamin, khoáng chất và enzyme cần đến nhau, như ba chân của một chiếc ghế. Trong thị trường hỗn loạn các thực phẩm bổ sung ngày nay, chúng ta như bị những tiếng hò hét từ mọi phía tấn công, người thì gào lên ‘Vitamin!’, người khác kêu ‘Khoáng chất!’, những người khác lại la ‘Enzyme!’ cứ như thể riêng mỗi loại là một viên Thần dược có thể chữa được mọi thứ.

Ý tưởng thực sự là đoàn kết, tổng hợp sức mạnh và cùng phối hợp. Không gì có thể tồn tại độc lập được trong cơ thể. Một enzyme không có các nhân tố phối hợp thì không có hoạt động enzyme. Các enzyme có các công việc rất cụ thể để hoàn thành. Hoạt động của chúng được ví như những chìa khóa phải khớp với các ổ khóa nhất định. Các enzyme là chuỗi dài protein liên kết với nhau bằng liên kết hydro, tạo thành những hình dạng rất đặc trưng.”

Ông tiếp tục: “Hãy hình dung một sợi dây được cố định thành một hình dạng kỳ lạ nhờ các dải băng dính gai nhỏ xíu. Nếu bất cứ điều gì xảy ra với những liên kết này, protein enzyme sẽ bung ra và mất đi hình dạng của nó. Không có hình dạng, chìa khóa không còn có thể lắp vừa khóa. Khi đó, nó không còn là một enzyme – chỉ là một protein lạ nào đó. Và các protein lạ gây ra những gì cho cơ thể chúng ta? Phải, chính là chứng viêm. Đáp ứng miễn dịch. Và đó chính xác là ý nghĩa của tự miễn dịch. Bây giờ cơ thể tự tấn công chính mình vì cảm nhận có một vật lạ thâm nhập.”

Nếu các liên kết bị phá vỡ, enzyme sẽ suy sụp và không còn có thể làm công việc cụ thể của nó nữa. Một enzyme suy sụp như vậy gọi là biến tính. Gốc tự do, làm nóng quá 45oC), chế biến, đóng hộp, công nghệ gen và florua chỉ là một vài tác nhân có thể khiến một enzyme bị biến tính. Thật thú vị, các enzyme trong thực phẩm tươi sống trên thực tế tiêu hóa đến 75% thực phẩm mà không cần sự giúp đỡ của các enzyme do cơ thể tiết ra.

Có ba nhóm enzyme chính: enzyme chuyển hóa (các enzyme làm việc trong máu, mô, và các cơ quan), enzyme thực phẩm từ thực phẩm tươi sống, và các enzyme tiêu hóa. Ngoài ra còn có ba phân nhóm chính của enzyme tiêu hóa: protease (để tiêu hóa protein), amylase (để tiêu hóa carbohydrate), và lipase (để tiêu hóa chất béo).

Không có enzyme, không có sự sống. Trái cây và rau tươi rất tuyệt vời. Chúng chứa các enzyme, một số chứa nitrilosides, và chúng có đầy các vitamin cùng các khoáng chất. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, nấu rau phá hủy các enzyme của chúng. Tại mức 45oC, enzyme bị phá hủy. Một nguyên tắc tốt là ăn sống: trái cây tươi, rau tươi sống và sữa tươi. Nấu nướng phá hủy các enzyme và tiệt trùng cũng thế.

Bạn thấy đấy, phương pháp tiệt trùng có nguồn gốc từ lý thuyết về vi trùng của Louis Pasteur. Chúa đã cho chúng ta sữa nguyên chất ở dạng thô tự nhiên được nạp đầy các chất tự nhiên tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta, cũng như cho chúng ta rất nhiều enzyme, vitamin và khoáng chất thiết yếu, giữ cho hệ tiêu hóa và các cơ quan của chúng ta làm việc ở các mức tối ưu cho sức khỏe. Nhưng thứ sữa đã được con người thay đổi, tiệt trùng mà chúng ta mua ở các cửa hàng đã bị mất sinh khí, thiếu enzyme, là loại thực phẩm “không dinh dưỡng.” Không giống như tuyên truyền trên TV, sữa tiệt trùng không có khả năng tái tạo hoặc duy trì xương và răng vì nó không phải là nguồn cung cấp canxi tốt (do enzyme phosphatase cần thiết để hấp thụ canxi đã bị phá hủy trong quá trình tiệt trùng).

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng lipase (một enzymee trong sữa giúp tiêu hóa chất béo) hoàn toàn bị phá hủy bởi quá trình tiệt trùng, nó cũng làm giảm các loại vitamin, phá hủy vitamin B12 và B6, giết chết các vi khuẩn có lợi và kéo theo dị ứng, gia tăng sâu răng, khóc do đau bụng ở trẻ sơ sinh, rắc rối về tăng trưởng ở trẻ em, loãng xương, viêm khớp, bệnh tim và ung thư. Theo lời của bác sĩ Timothy O’Shea, sữa tiệt trùng tương đương với “formica dạng lỏng”.

Mỹ là một quốc gia béo phì. Trung tâm phòng chống bệnh tật (Centers for Disease Control – CDC) tuyên bố tỉ lệ người béo phì (nặng hơn 30% so với trọng lượng bình thường) ở Mỹ là cứ trong ba người thì có một người mắc.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao chưa? Vâng, một phần là do chúng ta là đất nước của những người háu ăn và lười nhác. Tự kiểm soát bản thân bị coi là lỗi thời. Tuy nhiên, một phần lý do người Mỹ béo phì là thực tế chế độ ăn uống của họ thường có đến 90% là thực phẩm nấu chín. Những nông dân chăn nuôi heo học được từ lâu rằng con heo béo nhanh gấp hai lần nếu chúng được cho ăn thức ăn nấu chín. Nấu nướng phá hủy cái gì? Bạn đã biết rồi đấy… enzyme.

Thiếu hụt khoáng chất

Có sáu nhóm chất dinh dưỡng – nước, vitamin, khoáng chất, chất béo, protein và carbohydrate – tất cả sáu nhóm đều cần thiết để tối ưu hóa sức khỏe. Thật sự mà nói, khi chúng ta nhìn vào chế độ ăn uống của hầu hết mọi người, các khoáng chất có thể là “mắt xích còn thiếu”. Nhiều người nghĩ rằng khoáng chất và vitamin là như nhau, nhưng chúng không giống nhau. Sự khác biệt chính là vitamin là những chất hữu cơ (nghĩa là chúng có chứa các nguyên tố carbon) và khoáng chất là những chất vô cơ.

Bốn nguyên tố chiếm 96% cấu trúc của cơ thể là: carbon, hydro, ô-xy và nitơ. 4% còn lại của kết cấu cơ thể là khoáng chất. Có các ý kiến khác nhau về số lượng khoáng chất thiết yếu. Một số nói 14, một số nói 16 và tranh cãi vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, mọi người đều thống nhất rằng tất cả chúng ta đều cần những lượng nhỏ khoảng 25-30 khoáng chất (14-16 trong số đó được coi là “thiết yếu”) để duy trì chức năng bình thường của cơ thể và sức khỏe tốt, nhưng do những thói quen ăn uống không có lợi và điều kiện đất đai cằn cỗi, nên hầu hết chúng ta đều thiếu khoáng chất.

Có hai nhóm khoáng chất là: macromineral và micromineral. Macromineral (còn gọi là “khoáng chất đa lượng”) cần thiết trong chế độ ăn uống với khối lượng 100 mg hoặc hơn mỗi ngày. Chúng bao gồm kali, clo, phốt pho, canxi, magiê, lưu huỳnh và natri. Macromineral có mặt hầu như trong tất cả các tế bào của cơ thể, duy trì cân bằng tự nhiên nói chung và cần thiết cho hoạt động bình thường.

Micromineral (còn gọi là “khoáng chất vi lượng”) là những vi chất dinh dưỡng và là các nguyên tố hóa học. Chúng bao gồm sắt, molypden, crôm, đồng, mangan, flo, i-ốt, kẽm và selen. Chúng là các khoáng chất trong chế độ ăn mà cơ thể con người cần với số lượng rất nhỏ, ngược lại với macromineral đòi hỏi lượng lớn hơn. Hãy nhớ rằng, với khoáng chất, nhiều hơn không nhất thiết là tốt hơn. Dùng quá lượng khoáng chất trong thức ăn có thể trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến bệnh tật do tính cạnh tranh tự nhiên giữa các mức khoáng chất trong cơ thể, vì vậy hãy đảm bảo tuân theo liều lượng được khuyến cáo.

Trong phần này, tôi sẽ đề cập một chút đến magiê, canxi, crôm, và kẽm. Tôi biết rằng i-ốt là một khoáng chất và selen cũng vậy, nhưng tôi đưa hai khoáng chất này vào phần riêng (trong cuốn sách này) nên tôi sẽ không bàn đến ở đây.

Magiê

Magiê có tác dụng chữa trị đáng kinh ngạc đối với nhiều loại bệnh cũng như có khả năng trẻ hóa cơ thể già nua. Magiê cần thiết cho hơn 300 phản ứng enzyme (đặc biệt là về mặt sản xuất năng lượng tế bào), cho sức khỏe của hệ thần kinh và não, đồng thời cũng giúp cho xương và răng khỏe mạnh. Magiê clorua (hợp chất magiê/clo) dùng ở dạng thẩm thấu qua da được chứng minh là thúc đẩy hệ miễn dịch. Ví dụ, sau khi magiê clorua thấm qua da, các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả gấp ba lần so với trước. Magiê clorua cũng đã được chứng minh là hiệu quả với viêm phế quản, hen suyễn, khí thũng và viêm phổi. Theo các nghiên cứu dịch tễ học, dân cư ở những vùng đất đai giàu magiê ít bị ung thư hơn so với những nơi có mức magiê thấp. Các nhà khoa học Ấn Độ đã chứng minh tỷ lệ mắc khối u vú ở chuột có thể giảm 88% với chỉ một lần sử dụng magiê clorua, vitamin C, vitamin A và selen.

Magiê cũng thiết yếu trong giải độc, đặc biệt là thải độc kim loại nặng. Ví dụ, cần phải có magiê để tổng hợp glutathione. Theo bác sĩ Russell Blaylock, mức magiê thấp sẽ đi kèm với sự gia tăng mạnh mẽ của gốc tự do cũng như suy giảm glutathione. Đây là vấn đề sống còn vì glutathione là một trong số ít các phân tử chống ô-xy hóa đã được chứng minh là có khả năng trung hòa thủy ngân. Không có tác dụng làm sạch và thải độc kim loại của glutathione (magiê), tế bào sẽ bắt đầu phân rã và rác thải tế bào cùng các kim loại nặng sẽ tích tụ lại: đó là môi trường tuyệt vời cho các loại nhiễm trùng nguy hiểm.

Canxi

Số báo ra ngày 13 tháng 10 năm 1998 của tờ New York Times có đăng bài viết mang tựa đề “Calcium Takes Its Place As a Superstar of Nutrients” (Canxi chiếm vị trí siêu sao trong các chất dinh dưỡng) nói về một nghiên cứu trong Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ. Nghiên cứu này cho biết “tăng canxi đem lại sự phát triển bình thường của các tế bào biểu mô và cũng có thể ngăn ngừa ung thư trong các cơ quan như vú, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.”

Khi canxi được phân giải, việc hấp thụ nó vào cơ thể hoàn toàn phụ thuộc vào sự có mặt của vitamin D trong ruột, do đó chúng ta cần tiếp xúc nhiều ánh sáng mặt trời tự nhiên. Không khoáng chất nào khác có khả năng thực hiện nhiều chức năng sinh học như canxi.

Khoáng chất đáng chú ý này cung cấp điện năng cho tim đập và cho tất cả vận động cơ bắp. Ngoài ra ion canxi chịu trách nhiệm nuôi dưỡng từng tế bào, kỳ tích này được nó thực hiện bằng cách gom theo bảy phân tử dinh dưỡng và một phân tử nước, kéo chúng qua đường dẫn dinh dưỡng, tách ra, và lại lặp lại quá trình này. Đặc điểm chung của những người sống qua 100 tuổi là tất cả họ đều dùng số lượng lớn (trên năm gam) canxi mỗi ngày.

Một nhiệm vụ sinh học quan trọng khác của canxi là sao mã ADN, đó là cơ sở cho tất cả các hoạt động sửa chữa trên cơ thể và rất quan trọng cho việc duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh thoái hóa. Những chức năng trên và hàng trăm chức năng sinh học khác của canxi đối với sức khỏe con người đều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là chức năng kiểm soát pH của canxi. Người ta nói rằng: “Canxi với axit như nước với lửa”. Canxi nhanh chóng phá hủy ô-xy, tước đoạt axit trong dịch cơ thể.

Crôm

Nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết crôm đóng rất vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường đáp ứng insulin ở bệnh nhân tiểu đường. Trong năm 1977, ca bệnh thể hiện mối liên hệ crôm - tiểu đường đầu tiên được công bố đã cho thấy những triệu chứng bệnh tiểu đường nghiêm trọng, phát triển ở một phụ nữ đang được truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch, đã giảm nhẹ nhờ bổ sung crôm. Theo bác sĩ Walter Metz, nhà nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, người đã xác định crôm là thành phần cơ bản của nhân tố dung nạp glucose (glucose tolerance factor – GTF), “thông thường 50%, hoặc nhiều hơn, tình trạng của các đối tượng trong các nghiên cứu khác nhau đã được cải thiện sau khi bổ sung crôm.” Cơ thể cần GTF để chuyển hóa đường. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ăn các thực phẩm nhiều đường đơn sẽ kích thích thoát crôm qua nước tiểu. Ngoài ra, các loại carbohydrate tinh chế đều không có crôm và các khoáng chất vi lượng thiết yếu khác.

Trong khi vận chuyển glucose là vai trò chính của insulin, chức năng chính của crôm là tăng cường hiệu quả của insulin trong việc điều chỉnh mức đường huyết. Nghiên cứu chỉ ra rằng crôm giúp mở cửa màng tế bào, cho phép glucose thâm nhập vào. Điều này xảy ra khi crôm được chuyển đổi thành GTF, nó hỗ trợ các chức năng của insulin trong cơ thể. Theo bác sĩ Scott Whitaker, tác giả của cuốn sách bán chạy MediSin: “Chắc chắn sử dụng loại thực phẩm crôm GTF kết hợp với dầu gan cá thu và một chế độ ăn uống không có các loại ngũ cốc chế biến và đường tinh chế sẽ loại bỏ được bệnh tiểu đường trong vòng sáu tuần.” Bất cứ ai bị tiểu đường đang sử dụng insulin đều nên tham khảo ý kiến của cơ sở cung cấp dịch vụ y tế về các chất bổ sung crôm, vì có thể phải điều chỉnh liều lượng insulin.

Kẽm

Vai trò rộng khắp của kẽm trong các quá trình hoạt động ở tế bào (bao gồm phân chia và tăng sinh tế bào, chức năng miễn dịch, và bảo vệ chống gốc tự do) đã được xác lập rõ ràng. Kẽm là nguyên tử vi lượng dồi dào nhất trong tế bào, và ngày càng nhiều bằng chứng nhấn mạnh vai trò quan trọng của kẽm trong cả sự ổn định gen và chức năng gen. Kẽm được tìm thấy trong hơn 300 enzyme, bao gồm cả superoxide dismutase đồng/kẽm – một loại enzyme chống ô-xy hóa quan trọng, và trong một số protein tham gia vào quá trình sửa chữa ADN. Kẽm cũng giúp bảo vệ các thành phần tế bào khỏi bị ô-xy hóa và tổn hại. Thiếu kẽm có thể dẫn đến rối loạn chức năng miễn dịch và làm suy yếu phát triển, chức năng nhận thức, và chức năng nội tiết tố. Vitamin B 17 (laetrile) cùng với kẽm, magiê, selen và vitamin A và B tạo ra cơ chế bảo vệ của cơ thể chống phát sinh ung thư, theo đó ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể. Ngoài ra, kẽm là hệ thống vận chuyển phân phối laetrile trong cơ thể, theo đó xây dựng hệ miễn dịch chống lại ung thư. Có mối quan hệ qua lại giữa kẽm và đồng. Nếu mức độ kẽm trong máu quá cao thì mức độ đồng sẽ quá thấp. Ví dụ, những người sống trong những khu vực “nước mềm” có xu hướng thiếu hụt kẽm vì mức độ đồng của họ thường cao do hấp thụ từ hệ thống ống nước bằng đồng.

Vitamin quan trọng

Tất cả các vitamin đều cần thiết cho nhiều quá trình tự nhiên của cơ thể con người, và trên thực tế, rất thiết yếu cho cuộc sống. Bởi vì cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin, mà chúng phải được cung cấp qua chế độ ăn uống hoặc dùng các loại thực phẩm bổ sung. Vitamin hoặc “tan trong nước” (nước cần thiết cho sự hấp thụ và được bài tiết trong nước tiểu) hoặc “tan trong chất béo” (cần chất béo để hấp thụ và được lưu trữ trong các mô mỡ).

Có chín loại vitamin “tan trong nước”: vitamin C và tám vitamin B – thiamine (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), axit pantothenic (B5), pyroxidine (B6), biotin (B7), axit folic (B9), cyanocobalamin (B12). Có bốn loại vitamin “tan trong chất béo”: vitamin A (beta carotene), D, E, và K. Mỗi vitamin trong số này có một vai trò và chức năng nhất định trong cơ thể. Ví dụ, vitamin A thúc đẩy thị lực và giúp ta nhìn thấy trong bóng tối, trong khi vitamin K giúp đông máu. Vitamin dễ bị tổn hại bởi nhiệt, ánh sáng và các tác nhân hóa học, cho nên nấu nướng, sơ chế, chế biến và bảo quản phải phù hợp để bảo tồn vitamin trong thực phẩm.

Lý tưởng nhất là chúng ta phải có khả năng lấy được đủ lượng vitamin cần thiết thông qua chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác hiện đại, phương pháp chế biến thực phẩm, và những tác động của nấu nướng, thức ăn của chúng ta thường bị “vắt kiệt” vitamin trong quá trình nó đến được đĩa ăn. Thực phẩm bổ sung có thể mang lại một giải pháp hợp lý cho vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là cơ thể cần có các chất dinh dưỡng khác để có thể sử dụng hầu hết các loại vitamin đúng cách. Vì lý do này, có lẽ tốt nhất là lấy các vitamin từ thực phẩm toàn phần bổ sung hoặc viên uống đa vitamin-khoáng chất, thay vì uống các dạng thực phẩm bổ sung cho từng loại dinh dưỡng riêng lẻ.

Chế độ ăn & bệnh tật

Một trong những vấn đề quan trọng tôi gặp phải với phần lớn các bác sĩ là hầu như họ không biết gì về dinh dưỡng. Một số trường y có dạy về dinh dưỡng trong một hai tuần, nhưng hầu hết các bác sĩ không có hẳn một khóa học về dinh dưỡng. Theo bác sĩ Phillip E. Binzel: “Vấn đề lớn nhất của tôi (lúc đầu) là hiểu biết về dinh dưỡng. Trong bốn năm học ở trường y, một năm thực tập, và một năm nội trú, tôi thậm chí không có lấy một bài giảng về dinh dưỡng.”

Chỉ cần nhìn vào phần lớn các bác sĩ bạn sẽ nhận ra rằng nói chung họ là những người không thực sự khỏe mạnh. Bác sĩ Neal Pinckney nói: “Tôi phát hiện ra các bác sĩ thường không được đào tạo mấy về dinh dưỡng và một số gọi là chuyên gia dinh dưỡng thì không có trình độ tốt trong lĩnh vực này. Nhiều bác sĩ được hỏi về thời lượng đào tạo về dinh dưỡng tại trường y. Thông tin thu được là, trung bình thời lượng đào tạo là hơn ba giờ, còn số đông chỉ có một giờ hoặc ít hơn. Đó là tính trong số gần 3.500 giờ đào tạo y tế. Sự thật là các bác sĩ cũng chỉ có thể có được thông tin dinh dưỡng từ báo chí và các chương trình TV giống chúng ta, và trừ phi họ tham gia học thêm về dinh dưỡng, họ cũng chẳng biết về dinh dưỡng nhiều hơn mấy so với chúng ta.”

Bác sĩ Patrick Quillin là một chuyên gia về mối liên hệ giữa chế độ ăn và bệnh tật. Ông đã tuyệt đối chính xác khi rao giảng rằng chúng ta cần phải tập trung vào nguyên nhân của bệnh hơn là điều trị các triệu chứng: “Bà Jones có thể bị ung thư vú di căn bởi vì, trong trường hợp của bà, bà vẫn bị tổn thương từ cuộc ly hôn đầy hận thù 2 năm trước, nó khiến catecholamine của bà rơi vào trạng thái căng thẳng và ức chế hệ miễn dịch; đêm nào bà cũng đi ngủ với một hộp bánh quy rất ngọt; bà bị thiếu hụt dầu cá, kẽm và vitamin E; và bị mất cân bằng về estrogen và progesterone trong cơ thể. Bác sĩ ung thư cắt bỏ vú của bà, cho dùng tamoxifen để trói estrogen, thực hiện hóa trị và xạ trị; nhưng những phương pháp điều trị đó đều không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của bệnh. Và bệnh sẽ trở lại trừ khi những yếu tố mang tính quyết định đối với bệnh tật thay đổi.”

Cơ thể chúng ta giống như chiếc xe. Nếu chúng ta đổ nhiên liệu chất lượng cao vào xe, động cơ sẽ hoạt động êm, trơn tru, nó sẽ chạy tốt hơn và sẽ bền hơn. Tuy nhiên, nếu đổ dầu diesel, dầu máy bay, dầu hỏa, cồn, hoặc dầu thắp đèn, chúng ta chắc sẽ gặp một số vấn đề nghiêm trọng với động cơ xe. Rốt cuộc, xe bắt đầu có những tiếng ồn lạ, nóng máy, và cuối cùng thậm chí sẽ không khởi động nổi khi ta bật khóa. Một thợ chữa xe tốt sẽ nhanh chóng chẩn đoán vấn đề: nhiên liệu chất lượng thấp đang gây ra những vấn đề cho động cơ. Một thợ sửa xe tồi sẽ nói với bạn rằng không có mối tương quan nào giữa nhiên liệu đổ vào xe và hoạt động của xe.

Thật không may, khi nói đến chẩn đoán “vấn đề về động cơ” trong cơ thể chúng ta, nhiều (không phải tất cả) bác sĩ cũng giống như các thợ sửa xe tồi. Họ không thấy mối liên hệ giữa nhiên liệu thích hợp (dinh dưỡng) và hoạt động tối ưu (sức khỏe tốt). Ví dụ điển hình: Anh bạn tốt của tôi, Chris Wark (www.www.ChrisBeatCancer.com) được chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 3 khi 26 tuổi, và đã đồng ý phẫu thuật. Sau phẫu thuật, Chris hỏi bác sĩ phẫu thuật anh nên ăn theo chế độ nào. Anh ấy ngạc nhiên trước câu trả lời của bác sĩ phẫu thuật: “… chỉ đừng uống gì nặng hơn bia”. Theo Chris: “Bữa ăn đầu tiên bệnh viện phục vụ cho tôi hai ngày sau khi phẫu thuật đại tràng là thịt bò xay; trong mắt tôi nó không phải là một bữa ăn thật lành mạnh sau khi cắt bỏ 1/3 ruột già!”

Vì ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, bác sĩ yêu cầu làm hóa trị, phương pháp sẽ cho anh 60% cơ hội sống thêm 5 năm. Nhưng Chris nói rằng phương pháp sẽ lại “đầu độc” sức khỏe của anh nên không có ý nghĩa đối với anh. Anh ấy hỏi về các lựa chọn thay thế cho hóa trị, nhưng bác sĩ trả lời là không có và “anh có mất trí mới không làm hóa trị.” Chris và vợ quay về nhà, bắt đầu cầu nguyện để được chỉ dẫn. Khoảng một tuần sau, anh thấy một kiện hàng trước cửa nhà mình. Đó là cuốn sách tựa đề God’s way to Ultimate Health (Cách của Chúa để có sức khỏe tốt), của tác giả George Malkmus, người cũng đã được chẩn đoán ung thư đại tràng khi còn trẻ và đã chữa khỏi từ hơn 40 năm trước bằng chế độ ăn rau quả sống và nước ép.

Chris nói anh ấy hiểu rất rõ rằng cần chữa lành cơ thể của mình bằng cách “sử dụng nhiều chất dinh dưỡng” thay vì sử dụng hóa chất độc hại. Và đó chính xác là những gì anh ấy đã làm! Hôm nay, hơn 10 năm sau, Chris là một tấm gương điển hình của một người trở nên khỏe mạnh nhờ chế độ ăn uống lành mạnh và “dùng nhiều chất dinh dưỡng”. Tôi rất vinh dự được nói chuyện với Chris tại hội nghị “Healing Strong” ở Atlanta vào tháng 9 năm 2013. Anh chính là một nguồn cảm hứng cho tôi.

Điểm mấu chốt: Phần đông các bác sĩ không biết về dinh dưỡng. Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn khái quát, vì vậy xin đừng nghĩ rằng tôi “chỉ trích” tất cả các bác sĩ. Tôi có nhiều bạn tốt là bác sĩ, và tôi tin rằng hầu hết các bác sĩ đều có trái tim nhân hậu và tấm lòng cao quý. Tôi chỉ nói lên sự thật hiển nhiên – rằng phần đông các bác sĩ có kiến thức hạn chế về dinh dưỡng. Điều quan trọng là hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về chủ đề này, vì bạn có thể sẽ không có được nhiều thông tin đáng tin cậy về dinh dưỡng từ bác sĩ của mình