Tuổi nước độc

Chương Kết

Mùa nắng bắt đầu mang những cơn váng vất trở lại cơ thể, mồ hôi ứa ra từ những lỗ chân lông, chị Huệ co người lại như một con sâu đo bị thương, không, không. Ngạc ơi, tiếng kêu yếu ớt trong đêm khuya, tôi kéo chị lại gần, chúng tôi như loài rắn thoát khỏi lớp da đã bao bọc trong nhiều năm, nước mắt chị ứa ra chảy dòng, đôi mắt sáng lên long lanh, chị cố gắng nghiến chặt hai hàm răng, những thớ thịt căng lên ở xương hàm, tôi ham hố dữ dằn rồi lả xuống, cả hai đứa đều đã thua không chống đỡ lại được nữa, tôi rà môi trên khuôn mặt u tối nuốt cho hết những giọt nước mắt mặn và chua. Thế là hết. Chị Huệ khóc vùi. Tôi lặng câm cố giữ chị trong tay, vuốt ve trên sống lưng, chúng ta sẽ cưới nhau, tôi vỗ về trong bất lực, Ngạc yêu Huệ không, Ngạc của Huệ, mãi mãi, chị, không, Huệ, không, mày là một thằng khốn nạn, một thằng đểu cáng, một thằng… Đêm khuya sâu kín, tôi kéo chiếc chăn đơn lên phủ hết ngực Huệ và tôi tụt xuống để đầu nằm im trong ngực Huệ nghe tiếng tim đập và hơi thở rộn ràng, Huệ vuốt tay trên đầu tôi như vuốt ve một con mèo trong lòng vào những đêm lạnh giữa mùa đông, tôi đã giết đi thêm một người nữa, tôi giết đi một người chị, phải rồi, tôi sẽ nói thế nào đây khi Vịnh trở về nhìn tôi là anh của nó, tôi sẽ nói thế nào với người mẹ bạn, tôi tồi tệ phải không Huệ, tôi muốn la lên nhưng cổ tôi khô cháy, thôi hết, hết rồi phải không Hiền, hết rồi phải không tuổi thanh xuân trong đời này hỡi Ngạc, thằng nhỏ khốn khó. Tiếng ho của người mẹ già đánh thức giấc ngủ bồng bềnh trôi nổi của chúng tôi, bàn tay không còn lần trên tóc, trên sống lưng, hơi thở như ngưng lại, Huệt thoát ra nhẹ nhàng cầm lấy quần áo, không nghe tiếng bước chân, đêm tối vây phủ, cảm giác rời ra dâng lên rút đi liên tiếp như sóng dồi, tôi nằm ngay, những đốt xương chừng như đã tách khỏi nhau, trong cảm tưởng tỉnh táo tôi nghĩ cái chết đang bò đến như không khí đang len vào trong một gian phòng mới bị đốt nóng, tôi thiếp đi trong đêm.

Khi thức dậy buổi sáng đã bắt đầu từ lâu, các cửa đều đóng kín, ánh nắng theo khe ván gỗ len vào, tôi nằm im nghe ngóng, tôi chợt nhận thấy một sợi tóc dày nằm trên mặt gối trắng, tôi cầm lên tay xoe cho nó quay tít, tôi cầm hai đầu sợi tóc căng ngang qua miệng. Giờ này Huệ đang ngồi bên những chồng vải đủ màu, đã hết thời con gái thật sự trong người chị cũ, tôi nhớ khuôn mặt như khô lại chịu đựng đau đớn, hai hàm răng nghiến lấy nhau, trên làn da khô chừng như mạch máu chạy nhiều hơn và làm sống lại những thớ thịt nằm im đã lâu, tôi loãng đi trong đó và khô nóng trên cổ. Chừng như mùi da thịt còn phảng phất trong màn, trên chăn chiếu và gối, tôi đánh mất một người chị. Bây giờ tôi phải làm sao, chợt tôi thấy lúng túng trong cách gọi, đêm qua tôi nhớ, chị Huệ không dám chưng là chị, không kêu tôi em, chị kêu Ngạc nhỏ, tôi cũng không dám gọi chị nữa, bây giờ tôi phải gọi sao đây. Chị hơn tôi hai tuổi, điều đó không có gì lạ nếu trước đó chúng tôi không là chị em, dù chỉ là chị bạn, tôi áy náy trong lòng. Nếu bà mẹ biết câu chuyện đã xảy ra thế nào. Có nên trở lại đây hay trở về nhà chú tôi. Không, không còn con đường trở về nữa. Tôi vê cho sợi tóc lăn trên mặt tạo thành cảm giác nhột nhạt trên da. Tôi đã đánh mất thêm một người bao bọc. Tôi có thể cười chị Huệ không. Tại sao không. Tôi cật vấn tôi và tôi tìm cách bào chữa. Có điều tôi yêu chị Huệ không? Tôi nhớ những kỷ niệm với Hiền, tôi thấy tôi thảm hại quá lắm. Tôi cũng yêu chị Huệ nhưng là tình yêu của một người bao bọc mình. Chợt mối lo âu lạnh nhạt len đến. Tôi phải làm gì. Nếu tôi giết Lâm, tôi có dám lấy Hiền với đứa con của một tình địch trong bụng? Căn nhà không ánh sáng, tiếng Hiền yếu đuối van vỉ nét mặt kinh hoàng, nước da vàng vọt, thôi còn gì nữa. Nếu bây giờ Thịnh trở về nhìn thấy chúng tôi mỗi đứa một cuộc sống không lựa chọn, không dự định, nhìn chúng tôi thảm hại trong bó buộc chấp nhận Thịnh sẽ buồn cho chúng tôi? Thế là từ đó, tất cả chúng tôi khởi đầu một phiêu lưu trên con đường không mặt mũi, với những náo động không nguôi và chúng tôi không còn là mình, chúng tôi bị thanh toán, bị nghiến đi trong một guồng máy, tiếng nổ chát chúa vang vọng thay tiếng cười, tiếng than van thay tiếng hát và cuộc sống không còn là một giấc mộng có hoa nở chim hót. Anh có yêu em không. Ngạc yêu Huệ, Ngạc yêu Huệ…

Buổi chiều khi chị Huệ gánh hàng trở về nhìn thấy tôi, chị lúng túng, mặt đỏ, chị cố tìm cách không đối diện với tôi, tôi không biết phải nói thế nào, chị lúi húi như hổ thẹn. Tôi ăn vội cơm rồi đi làm, tôi cũng thấy khó chịu, nhột nhạt, một sự không yên tâm. Tôi muốn lẩn trốn cũng không được, tôi phải đối diện với sự thực.

Những ngày khó chịu qua đi dần, nhiều đêm chị Huệ lại bò vào giường tôi, hoặc tôi tìm chị, chúng tôi thầm lặng vuốt ve nhau, hai kẻ tội lỗi đều biết rằng hình phạt đang chờ đợi, nhưng thói quen cùng nỗi cô đơn khiến chúng tôi không dừng lại được nữa, chúng tôi miệt mài trong những giây phút say mê như kẻ ghiền ma túy để sau đó lả người buồn chán.

Tôi lười biếng trong trí óc, mỗi sáng tôi thức dậy muộn, tôi quanh quẩn cho hết ngày, ăn cơm, ngủ trưa, buổi chiều ăn cơm rồi đến rạp ngồi vào ghế với những tấm vé, những đồng tiền, tay tôi như một cái máy, đầu óc rỗng không, tôi ngó ngàng mọi người ra vào, đến đi không nhớ gì, tôi gặp ông tôi một lần khi ông từ trên xe xích lô bước xuống, tôi nhìn đôi mắt ông mở lớn không nói và bước đi, chú tôi bận rộn công việc không gặp, tôi không trở về nhà một lần. Tôi thấy chị Huệ nhắc gì đến chuyện chúng tôi sẽ cưới nhau, tôi cũng không nói đến, tôi nghĩ có phải chúng tôi sợ phải đứng trước một quyết định liên quan đến người khác, như con đà điểu trước nguy khốn chỉ biết chúi đầu vào cát chờ đợi không vùng vẫy, kháng cự.

Nhiều lúc tôi chợt nhớ đến Trương, Vịnh, chúng nó về nhìn tôi thảm hại chúng nó không ngờ. Tôi không còn muốn nghĩ đến những gì cao xa nữa. Có phải tôi đã đánh mất tất cả. Tôi tồi tệ chịu thua, phải không.

Tôi không còn ai đối diện, cùng tôi tìm kiếm một câu trả lời nào, tôi không còn đọc nhật báo mỗi ngày, không muốn biết tin tức chiến sự đang diễn ra trên đất nước, tôi chỉ trông vào cuộc sống tất tưởi vội vàng chung quanh, những kẻ đi ngang trong phố ngơ ngác, những người trên đường phố mỗi lúc một đông khiến tôi cảm thấy rằng vòng vây đang thít chặt lại, những đe dọa nhiều hơn và người dân quê tìm cách đến vùng có an ninh, họ sống trong kham khổ và chờ đợi, có lẽ họ cũng không hiểu họ chờ đợi đến bao giờ. Những bấp bênh đó khiến cho việc buôn bán của chị Huệ khá ra, cũng như ông Đặng vui mừng thấy công việc làm ăn dễ dàng, ông Đặng nói với tôi công việc xây cất một rạp chiếu bóng mới mãi dưới chợ Hôm, ông nói: Người ta phải vui chơi cho quên, nếu bây giờ được phép mở sòng bạc như trong Sài Gòn thì mấy lúc mà giàu to, khi loạn người ta sống vội cho qua nên dễ làm ăn, những gì thuộc về ăn chơi sẽ được thịnh hành. Tôi nghe ông nói và thấy hợp lý. Quán ăn mỗi lúc một nhiều mà người vẫn đông, những nhà nhảy đầm, nhà thổ quét vôi màu đỏ xuất hiện nhiều trong thành phố, và những toán lính Tây sau rượu mỗi đêm cũng tăng. Chỉ tiền và tiền, mọi người quay cuồng theo nó không biết gì khác nữa. Rồi ai cũng chết, tôi nhủ thầm.

Chiều thứ Bảy tôi phải đi làm từ hai giờ, tôi không được ngủ trưa nên người như khô ráo và váng vất. Rạp đông kẹt không còn chỗ, tôi không thể bán thêm vé dù người đứng đợi đông kịt. Tôi ngồi chờ cho hết xuất, chợt tôi nhận ra Vịnh từ trên thang gác đi xuống, tôi sửng sốt nhìn kỹ xem tôi có lầm không. Đúng là Vịnh và một người khác nữa đang xuống thang vội vã, hắn về bao giờ, sao lúc này tôi không thấy hắn, tôi kêu:

"Vịnh, Vịnh!"

Hắn ngơ ngác nhìn quanh nhưng không dừng lại:

"Vịnh, Vịnh!"

Hắn xuống khỏi thang và vội vàng chạy lẩn vào đám đông, tôi bỏ phòng vé, mở cửa chạy ra, tôi trông theo hút và túm được lưng áo:

"Vịnh, mày về bao giờ?"

Hắn quay lại, mắt mở lớn ngơ ngác, hắn như cố muốn gỡ khỏi tay tôi, người thanh niên lạ đi bên hắn chừng như muốn kéo hắn chạy khỏi:

"Mày không đi sao? Sao mày không về nhà?"

Chợt một tiếng nổ vang động phía rạp, tôi quay lại nhiều những người đứng đó đang chạy túa ra, tôi ngó lại thì Vịnh và người lạ đã cùng nhau lẩn đi. Tôi không muốn đuổi nữa, tôi chạy trở lại, người ta đang từ trong rạp chạy ra như kiến vỡ tổ, tiếng kêu khóc vang dậy, lựu đạn nổ trong rạp, người ta kêu lên hốt hoảng; tôi cố gắng lắm mới len được trở vào, trong rạp khói mù mịt và hơi khét, người ta nhào lên nhau mà chạy, hai cửa mở toang, tôi cố gắng đóng cửa phòng vé lại, khoá mấy ngăn kéo tiền; lính và cảnh binh từ phía bót hàng Đậu đã chạy đến bao quanh, chiếc xe cứu thương rú còi chạy đến, người ta đã ra hết khỏi rạp; tôi trông thấy mấy người bị thương máu chảy trên mặt và trên tay, người lao công đến bên chỗ tôi mặt không còn chút máu, tôi bảo mấy người soát vé đâu, tôi gọi lớn nhưng chỉ thấy một người, tôi trở vào, người cảnh binh níu tôi lại hỏi đi đâu, tôi nói tôi là người coi rạp, tôi ngó thấy nơi giữa rạp bốn năm chiếc ghế bị phá hư, sáu bảy người nằm trong vũng máu, tôi nhìn thấy một người còn cựa quậy. Người cảnh binh nói bọn phá hoại dã man, giết thường dân. Tôi bảo người lao công về tìm ông Đặng báo tin, tôi ngồi coi người ta lập biên bản, chở những người bị nạn, tôi nhận ra một người bị banh ruột chết, một đứa trẻ con khoảng chín tuổi bị gãy chân, khi người ta bế nó chiếc chân gãy buông bêng như sắp rời ra. Có tất cả hai người chết ngay, tám người bị thương, trong đó có hai người đàn bà và hai thanh niên. Ông Đặng lên với dáng tất tưởi, mồ hôi vã trên trán, ông vào trong rạp xem xét rồi theo người cảnh binh lên quận, tôi và hai người soát vé cùng người lao công cũng phải theo lên, người cảnh binh gác cửa lúc xảy ra tiếng nổ không có ở rạp, ông ta đi uống nước. Chúng tôi được lấy khẩu cung rồi cho về, người cảnh binh nói có bắt giữ một người tình nghi ở đó. Tôi nhớ đến Vịnh và cuộc gặp gỡ bất ngờ.

Vụ nổ đã làm tôi kinh hoàng, trong bữa cơm tối tôi kể chuyện lại cho người mẹ và chị Huệ nghe nhưng tôi không nhắc đến chuyện gặp Vịnh từ trong rạp đi ra, dáng hấp tấp chạy trốn khi đứng trước mặt tôi, tôi nghĩ hắn có liên can đến vụ nổ vào buổi chiều. Có thực Vịnh đủ tàn nhẫn để làm công việc đó, tại sao lại làm công việc đó, trong đám đông ấy có kẻ thù của Vịnh, kẻ thù của Vịnh là đàn bà trẻ con, những người không quen biết gặp gỡ bao giờ? Tôi nói:

"Chắc phải nghỉ việc lâu và không biết có khỏi gặp rắc rối gì không?"

"Sao vậy?"

"Vì nổ trong rạp, mình là người có mặt ở đấy".

"Chị thấy người ta vẫn khám xét những người đi coi mà, ở rạp đó không có cảnh sát sao?"

"Có, nhưng làm sao để kiểm soát cho hết với những kẻ cố tình, họ thiếu gì cách".

Sau bữa cơm tôi đi uống cà phê, những lo âu như tia chớp loé lên trong bầu trời, tôi hút nhiều thuốc khiến cho lưỡi như khô đi, tôi nhớ tới Ánh, tôi nghĩ biết đâu cô ấy vẫn còn đi làm, tôi bỏ quán rồi xuống rạp Cửa Nam, tôi nhận thấy Ánh ngồi phía trong chỗ bán vé, tôi đến bên, đưa tay vào với một đồng bạc, Ánh đưa tay lấy tiền chợt nhận ra có một đồng thì nhíu mày nhìn lên và nhận ra tôi, nàng cười và nói:

"Anh còn sống sao, tôi mới nghe tin vụ nổ đây, anh kể tôi nghe nào".

"Người chết, thế đó".

"Ai chẳng biết những chuyện đó".

"Thế còn chuyện gì khác hơn nữa".

"Lúc đó anh đang ở đâu?"

"Ngồi như cô vậy, hỏi như công an hỏi cung thế".

Ánh cười, đứng lên đi ra mở cửa:

"Anh vào đây đã, biết đâu anh còn trở lại, nghe nói tôi cũng lo cho anh, biết sao được, tai nạn có chừa ai đâu, tôi sợ hôm nào tôi nằm trong đống gạch vụn chẳng hạn".

Tôi ngần ngại, Ánh giục anh vào đi, tôi nói sợ phiền lòng ông chủ, Ánh nheo con mắt tình tứ, thôi đi anh can chi mà, thế thì vào, cô bảo đảm đấy nhé.

Vào trong, tôi ngồi nơi chiếc ghế thấp hơn nhìn Ánh, tôi kể lại những gì tôi nhìn thấy cho Ánh nghe, tôi hỏi Ánh công việc làm ăn ra sao, Ánh nói đang tìm việc khác cho chắc chắn hơn, có người nói đưa vào làm trong nhà binh Pháp, tôi nói cô định lấy Tây, Ánh véo vào vai tôi, để đẻ ra mấy thằng mũi lõ à; tôi nói cô phải lấy chồng, Ánh im lặng, tôi thấy tôi người lớn hơn Ánh, tôi áng chừng Ánh cũng vào cỡ tuổi Hiền, tôi nói con gái mà phải đi làm cực quá, con gái sinh ra để ở nhà, làm con gái, là vợ, làm mẹ, làm bà. Thôi anh ơi, bây giờ không làm thì chết đói, đâu có như ngày xưa nữa, gia đình em đông lắm, ở một chỗ còn không hết. Khi Ánh đếm tiền, đếm vé, vào sổ, tôi cầm một tờ báo tiểu thuyết đọc vơ vẩn những mẫu vui cười, tranh hí họa và những câu danh ngôn, Ánh kêu hôm nay nhiều người làm chóng cả mặt. Tôi nói không ngờ tôi được nghỉ một cách bất ngờ, rạp sửa chữa xong cũng mất hàng tuần. Ánh kêu thích nhỉ. Lúc ra khỏi rạp tôi rủ Ánh đi bờ hồ ăn kem, Ánh nói anh giàu rồi sao, tôi nói đi làm cũng có tiền tiêu. Phố vắng, đường hàng Bông đã không còn xe điện, nhiều tiệm đã đóng cửa, chúng tôi xuống ngồi ở quán Mụ Béo trông sang nhà thuốc Vũ Đỗ Thìn sáng đèn, mặt hồ từng khoảng sáng từ bờ ánh ra, trong khu đền Ngọc Sơn mấy ngọn đèn trong những lùm cây, cây cầu màu đỏ sẫm mơ hồ, Ánh nói:

"Mình sung sướng quá anh nhỉ?"

"Đã chắc gì, Ánh thấy sung sướng thật sao?"

"Trong lúc này có bao nhiêu người phải làm việc, những người chui nhủi đánh nhau… mình ngồi đây ăn kem, hóng mát, nói chuyện, anh còn đòi gì nữa. Ít nhất mình cũng có việc làm. Anh chưa đến tuổi động viên sao?"

"Cũng sắp".

Tôi lại chợt nhớ đến Vịnh.

"Ở quê em đánh nhau tơi bời, nhà em lại mới có người lên, bọn Tây khiếp quá, bọn nó đốt trụi cả làng, bọn Ba-ti-giăng nó vơ vét cướp bóc không tha cái gì từ quần áo đàn bà trở đi, bà già cũng bị hiếp".

Tôi đút từng miếng kem nhỏ vào miệng nghe tiếng Ánh nói, tôi muốn bảo đừng nói những chuyện đó. Ánh kể nhiều chuyện ở quê rồi kể chuyện gia đình. Khuya Ánh phải về, tôi đứng dậy rồi đưa nàng tới nhà, trong một quãng đường ngắn vắng có lúc tôi nghe thấy Ánh hát.

Về nhà đứng trước cửa tôi thấy đèn vẫn còn sáng, sao hôm nay bà mẹ chưa ngủ, tôi đẩy cửa nhưng cửa đóng, tôi gõ nhẹ, tiếng bước chân đi ra, cửa mở, Vịnh đứng trước mặt tôi, hai đứa im lặng lúc lâu, Vịnh lánh sang một bên cho tôi vào rồi Vịnh đóng cửa lại, bà mẹ và chị Huệ đều đã đi nằm, Vịnh nói:

"Mình không ngờ cậu về ở đây… cũng được".

"Cậu về ở luôn hay cậu lại đi, nếu cậu về tôi sẽ dọn đi".

"Không, sáng mai tôi đi rồi, cậu nên ở đây".

Tôi thấy chúng tôi có một khoảng cách lớn, những lạnh nhạt mà xưa kia chúng tôi không có dù mỗi đứa có những lý lẽ riêng để lựa chọn, Vịnh nói:

"Trương thế nào?"

"Hắn đã đi khỏi không biết đi đâu, hắn nói đi ngoại quốc nhưng tôi không tin, thằng Thu vào lính nhảy dù khiến nó buồn".

"Cái thằng đàn bà, nó sợ rồi giết em nó sao. Tôi ngủ với cậu đến sáng mai. Lần này chắc đi tôi không còn trở về nữa cho đến khi…"

Vịnh nằm vào phía trong giường, tôi thay quần áo, rửa chân tay, lúc ngồi vào bàn tôi thấy mấy tờ báo và truyền đơn ở ngoài, tôi cầm đọc lơ đãng, tôi nói:

"Cậu đã biết những gì xảy ra sau đó không, hai người chết ngay, tám người bị thương không rõ số mạng, cậu có thể làm việc như vậy sao? Và để làm gì?"

"Cậu tưởng trong thành phố này là chỗ an toàn sao, mỗi ngày vô số người chết tan xác, ai làm những chuyện ấy, ai cho phép những người ở đây được sung sướng hưởng thụ cùng với quân thù. Thằng Cao ủy mới sắp sang nhậm chức phải cho chúng nó kinh hoàng, còn nhiều nữa, cậu nên biết thế, cậu nhân đạo thì cậu đi báo cho lính nó đến bắt tôi".

"Cậu thách thức tôi phải không, trước kia tôi đã từng nói với cậu, mỗi kẻ có những lựa chọn tự do, nhưng tôi chống lại những hành vi vô nhân đạo. Không có gì bó buộc mọi người phải lựa chọn làm kẻ thù của nhau. Đó là mục đích các cậu theo đuổi sao?"

"Không, cậu nhầm, đó là phương tiện".

"Chính cả cậu nữa. Cậu cũng là phương tiện".

"Tôi không nói với cậu nữa".

"Cậu sợ phải không, sao cậu không dám nhìn thẳng vào cậu".

"Tranh đấu không từ phương tiện, tôi chấp nhận nó, tôi có là phương tiện đi nữa tôi cũng làm phương tiện cho mục đích tốt. Sống như cậu đã có ích lợi gì cho ai?"

"Thà vậy, tôi không có ích cho ai, nhưng tôi không thể giết người như cậu".

Tôi tức giận, chừng như cổ tôi bị nghẹn lại, tôi không có ích gì cho ai, phải rồi. Tôi đứng dậy tắt đèn, buông màn, Vịnh nằm quay mặt vào trong tường. Hắn có thể ngủ im được sao, hắn đã hài lòng về công việc, hắn giết mấy mạng người để dọa một tên Cao ủy thôi sao. Trong mỗi cuộc được mệnh danh là tranh đấu có bao nhiêu người ngoài cuộc phải hy sinh như thế, nhưng ai chịu sự thiệt thòi cho những bà mẹ, những người bố, những người con mồ côi? Tôi thấy vô lý quá lắm. Tại sao tôi không tố cáo một kẻ đã giết người; có thực tôi là một thằng hèn?

Một lúc Vịnh trở mình nói:

"Những thằng như cậu rồi phải bị đào thải".

"Tôi chờ nó, tôi không bận tâm về điều đó, cậu cũng như tôi dù làm gì đi nữa rồi cũng chết. Cậu nên nhớ điều đó".

"Bọn hư vô".

Tôi nằm sấp nghe máu dồn lên mặt, nếu còn khẩu súng tôi bắn chết hắn. Tôi lả người mệt mề, tôi thiếp đi từng lúc rồi lại thức dậy tỉnh táo. Hắn vẫn nằm bên tôi xa lạ.

Buổi sáng khi tôi dậy Vịnh đã đi khỏi, tôi thấy xấp báo và truyền đơn vẫn để trên bàn, tôi cầm xuống bếp đốt trong hỏa lò. Chị Huệ đỏ mắt, tôi biết chị khóc vì thằng em, bà mẹ hỏi tôi:

"Cháu có khuyên Vịnh gì không?"

"Thưa bác cháu không đủ sức để giữ Vịnh. Cháu có nói với Vịnh nhưng Vịnh không nghe, Vịnh còn muốn cháu đi theo Vịnh".

"Cháu cũng định đi nữa?"

Tôi ngó vào đôi mắt lo âu của người mẹ, tôi muốn đấm vào mặt Vịnh, tại sao vậy?

"Thưa bác không".

Chị Huệ dọn cháo cho tôi ăn, chắc đêm qua chị không ngủ, chị đã dậy sớm nấu cháo cho Vịnh ăn trước khi đi, chị có nghe thấy những điều chúng tôi nói với nhau không. Tôi lo âu vơ vẩn. Khắp cả không còn một nơi nào yên ổn, muốn quên cũng không được. Tôi thấy chị Huệ quanh quẩn thu dọn, tôi hỏi:

"Chị không đi chợ sao?"

"Hôm nay chị thấy khó chịu không muốn đi".

Tôi ăn cháo xong ngồi trở lại bàn, làm gì cho hết ngày. Tôi nghĩ vơ vẩn không đâu vào đâu, sau tôi mặc quần áo lên trên rạp. Cửa khoá, có thêm một người cảnh binh nữa gác, mấy tấm quảng cáo nghiêng ngả; những người qua đường đứng ngó rồi đi, tôi định vào nhưng lại thôi.

Tôi lên nhà ông Đặng; ông ấy vừa đi khỏi, tôi nói chuyện với bà vợ, bà hỏi tôi không việc gì chứ, như vậy là phúc lắm không có người làm nào bị nạn, bà nói ông Đặng đi lo giấy tờ, mai bắt đầu sửa chữa chắc mất mấy ngày, bà lo âu:

"Sợ mở cửa mà không ai dám đi xem, đi xem chớp bóng mà chết thì ai còn ham. Người ta nói có lẽ họ ném lựu đạn từ trên gác xuống, may nó không nổ lưng chừng, không còn chết nhiều".

Tôi nói vâng rồi xin phép về, bà nói:

"Anh đợi nhà tôi xem có việc gì không".

"Để khoảng trưa cháu lại, cháu đi chơi một chút".

Ra khỏi nhà ông Đặng tôi không biết đi đâu, tôi vơ vẩn trong những đường phố quen biết:

"Anh Ngạc".

Tôi ngạc nhiên đứng lại, trước mặt tôi là Lâm, Lâm mặc chiếc sơ mi trắng, quần kaki, tóc chải cẩn thận, trông Lâm người lớn một cách đứng đắn, tôi lúng túng không biết nói sao, tôi đưa tay ra bắt, Lâm nói:

"Anh vẫn mạnh".

"Vâng, còn anh sao?"

"Tôi đã nghỉ việc ở bên Hải Dương".

"Thế à".

"Chắc anh giận tôi lắm, tôi vẫn muốn được gặp anh. Chắc anh cho tôi là một thằng khốn nạn. Tôi biết vậy. Tôi đã nghỉ việc, tôi không còn muốn làm công việc ấy nữa".

Tôi đứng nghe, tôi trông dáng tội nghiệp của Lâm, hắn có biết chuyện tôi định giết hắn không, hắn đã thôi việc, hắn nhắc hai lần rồi, có phải hắn muốn thanh minh với tôi. Tôi mỉm cười, tôi thấy tôi vẫn còn cầm tay hắn rất chặt, tôi muốn buông ra nhưng ngượng nghịu không biết làm cách nào, mãi sau Lâm mới buông tay, tôi lấy thuốc mời Lâm và châm một điếu, Lâm nói tiếp:

"Hôm trước tôi có nghe nhà tôi nói anh lên chơi".

"Vâng, nhưng không gặp anh".

"Bây giờ tôi ở nhà, hồi đó có khi cả tháng mới về, anh Nghĩa đổi đi Hà Đông rồi, tôi thấy phải ở nhà. Anh biết nhà tôi sinh cháu trai chưa nhỉ".

"Chưa".

"Anh định đi đâu vậy, anh lên tôi chơi".

Tôi lắng nghe tiếng Lâm nói, lên Hiền chơi, tôi đứng im suy nghĩ. Dáng Lâm chờ đợi.

"Tôi biết tôi làm việc quấy, bây giờ Hiền đã tha thứ cho tôi, tôi muốn anh… anh tha thứ cho tôi… tôi muốn… anh nghĩ lại… thấy anh lên chơi chắc chắn Hiền sẽ vui lắm".

Lâm nói liên hồi, Lâm làm tôi không biết tính sao, tôi nửa muốn từ chối, nửa muốn nhận lời. Đằng nào thì bây giờ cũng đã xong mọi chuyện, trước dáng điệu, tôi thấy Lâm tội nghiệp:

"Anh có bận gì không, chắc không bận gì lắm".

"Lâu lắm tôi không lên trên đó chơi, cũng không bận lắm, để tôi cùng lên với anh, anh đi đâu vậy".

"Tôi đi mua thuốc cho thằng nhỏ".

Chúng tôi đi ngang qua nhà máy đèn, Lâm gọi một chiếc xích lô, những con phố vẫn không có gì thay đổi, nắng đã lên rất cao. Lâm nói công việc trước đây, Lâm hỏi tôi về những người bạn cũ, tôi nói không còn ai nữa. Lâm kết luận về công việc đã làm với một dáng điệu như hối hận:

"Tôi không ngờ mình đã dám làm những việc đó".

Căn nhà khi xưa nay đã đổi khác, cửa tiệm tạp hoá đã dẹp bỏ; những bức tường cũ đã được quét vôi màu xanh sáng sủa, vừa bước chân vào nhà Lâm đã rối rít gọi Hiền, bà mẹ Hiền bế đứa cháu chạy ra vẻ sung sướng, Hiền ở dưới nhà bếp chừng như đang sửa soạn làm cơm, nàng đứng dưới cửa nhìn tôi ngạc nhiên, trông Hiền khoẻ mạnh, tóc búi cao, chiếc áo cánh gọn gàng:

"Trời lâu quá không thấy anh, hồi này anh làm gì?"

"Anh đi bán vé hát".

Bà cụ hỏi:

"Thật sao, trông cháu xanh và gầy lắm, này cháu trông thằng nhỏ có kháu không, con chó dậy đi, có bác lên chơi này".

Tôi đưa tay bế đứa nhỏ, Lâm loay hoay ở bên, đứa bé đang ngủ miệng ngậm chiếc vú cao su, tay lồng trong tất trắng, mới ngày nào nay đứa nhỏ đã ra đời, Hiền từ dưới lên ngượng nghịu bên tôi, Lâm nói:

"May sao anh vừa mua thuốc ra thì gặp anh ấy, nói mãi anh ấy mới lên đó, mình nên giữ anh ấy ở lại ăn cơm".

"Phải rồi, hôm nay anh ở đây đi".

Bà mẹ Hiền cũng xen vào:

"Bác vẫn nhắc tới cháu, ở lại đây ăn cơm cho vui. Nghĩa nó đổi đi xa nên nhà vắng, may có thằng nhỏ này nó quấy cho, cháu thấy nó thế nào?"

Tôi nựng thằng bé trong tay, nó nhỏ và như dài hơn bất cứ đứa nhỏ nào, tóc vàng và thưa, lông mày chưa có, sao trông mặt nó không vui, nước da nó xám như thiếu máu. Tôi nói:

"Trông nó ngoan lắm".

Lâm nói:

"Thôi cho nó làm con nuôi anh đấy".

"Không dám đâu, tôi lấy gì để nuôi nó. Bao giờ anh chị có mười đứa tôi sẽ xin một đứa".

"Thôi anh ơi, mười đứa để em còn bằng cái tăm sao. Anh xui dại chúng em quá".

Hiền cười, có phải căn nhà của những ngày tháng buồn thảm đã qua đi, tôi thấy như lạc vào một khí hậu mùa xuân, nhưng sự thay đổi khí hậu bất ngờ làm tôi khó chịu. Tôi trao đứa nhỏ cho Hiền, ngồi xuống bàn bưng chén nước chè nóng lên uống. Hiền ngồi nơi góc phản phía trước mặt, không còn Hiền những ngày cũ, bây giờ là một người vợ, một người mẹ, một bó buộc tầm thường phải chấp nhận. Có phải Lâm mang hạnh phúc đến cho Hiền? Có lúc tôi thấy vợ chồng Lâm cùng xuống dưới nhà, tôi nói chuyện với mẹ Hiền, bà nói với tôi về Thịnh, không có tin tức gì cả, bà nói có lẽ người ta đã nhầm Thịnh với một người khác, dễ gì để có thể từ Nam bộ trở ra được. Bà nói:

"Chắc Thịnh cũng chết rồi. Nhiều lần bác mơ thấy Thịnh, nó không nói gì cả. Những giấc mơ ấy giống với những giấc mơ sau khi thầy thằng Thịnh mất".

Lâm từ dưới lên nói với tôi ở lại ăn cơm, Lâm chạy ra ngoài một chút, tôi nghĩ Lâm đi mua thức ăn, tôi nói tôi ăn cơm thường đừng vẽ ra. Lâm nói vâng ăn cơm thường.

Có lúc Hiền bế đứa nhỏ lên ngồi ghế trước mặt, nàng im lặng kín đáo, có lúc nàng chạy lên chạy xuống thấp thoáng trông đứa nhỏ và canh chừng nấu ăn, những câu chuyện ngắt quãng không ăn khớp với nhau, có lúc nàng hỏi về việc làm ăn, nàng hỏi tôi về trường hợp cái mặt, tôi nói đã biết rồi còn hỏi gì nữa, nàng nói có nghe nhưng không rõ ra sao, tôi ngồi kể lại, tôi cũng nói tôi có tang bà thím, nàng nói mới ít thời gian mà nhiều chuyện quá, bao nhiêu là thay đổi, ai ngờ được như thế này, tôi mỉm cười, Hiền nói:

"Chỉ có anh là không có gì thay đổi, còn em thế là xong, không còn gì nữa, em thấy em quá già rồi".

Giọng Hiền xa vắng, nghe bình thản nhưng chua chát, tôi thì mỗi ngày một buồn hơn, tôi cũng thấy như tôi già nua. Tôi nghĩ tới hồi Thịnh đi.

Hiền nín lặng, nàng không nói nữa, tôi không hiểu tại sao, tôi cũng có gia đình rồi, có gì đâu, mọi chuyện đều có thể đến, tôi ngồi đó mà như tôi phiêu lãng đâu đâu, có lúc tôi nghe thấy đứa nhỏ khóc, tiếng khò khè như con mèo ốm.