"Cháu không định học hành nữa sao, công việc này đâu phải để cháu làm, chú muốn cháu về nhà, nghèo chú cũng nuôi nổi cháu, cháu nghĩ lại xem".
"Cháu không muốn nhờ cậy mãi, cháu biết chú thương cháu, muốn cho cháu khá, cháu đi làm cũng không mất bao nhiêu thì giờ, cháu nghỉ tới hết niên học, bắt đầu niên khoá cháu sẽ đi học trở lại".
Chú tôi nói chuyện đi dạy, chú nói sắp cho in sách giáo khoa, chú bảo nếu muốn có thể thu xếp cho chỗ dạy, tôi nói để rồi tôi xem thế nào đã. Chú đứng lại rất lâu coi tôi bán vé, chú nhìn những tranh quảng cáo một cách lơ đãng, mãi chú mới về. Trịnh có lên, tôi chia cho Trịnh một ít tiền, Trịnh nói cũng đang xin việc làm nhưng là công chức, có một người quen giúp còn chờ công an điều tra đã.
Một buổi tôi tới hơi sớm, tôi đứng ở ngoài cửa chơi, mấy hôm nay người coi quá đông, phim Đêm Ba Lê, với những màn nhảy múa và thoát y, ông Đặng nói, tôi phải chạy chọt mãi mới xin được phép, phim này có lẽ phải chiếu nửa tháng, tôi chịu về nhận xét của ông, nhiều người nhà quê ngang qua rạp chiếu nhìn lên tấm quảng cáo, nhìn ảnh một cô gái… thì chỉ chỏ nói với nhau và cười, bọn trẻ con thì vẽ bậy lên một tấm quảng cáo để dưới thấp, chúng vẽ… trông thật thô tục, nhìn thấy tôi cũng phải cười. Tôi thơ thẩn ngó ngàng rồi ngồi ngay xuống bậc thềm bên cửa sắt mở hé, một người đàn ông đứng tuổi ăn mặc cẩn thận cắp một chiếc cặp da lớn, ông ngó vào phía rạp rồi nhăn mặt, ông ngó chung quanh và ngó thấy tôi, lưỡng lự một lúc ông tiến đến mở cặp đưa cho tôi mấy tập sách mỏng, tôi tưởng ông bán nhưng sau thấy ông nói huyên thuyên về Đức Chúa Trời, tôi biết ông đi truyền đạo Tin lành, tôi lắng nghe những lời trôi chảy, trơn tuồn tuột, ông hỏi tôi có thắc mắc gì không, tôi nói không, ông hỏi tôi là chủ rạp hát phải không, sao lại chiếu phim tội lỗi như vậy, tôi nói tôi làm công, ông nói giọng thảm hại: mỗi lúc nhân loại một thêm tội lỗi. Tôi nói vâng. Ông cũng ngồi xuống bên tôi, ông hỏi thăm gia đình, còn đi học không, sống có khổ lắm không, ông lấy ra một gói cam thảo thái mỏng mời tôi cùng ăn, tôi cầm một miếng nhỏ, vị nhợ nơi đầu lưỡi. Sau rốt ông khuyên tôi theo đạo, tôi cười nói tôi thờ mẹ tôi, ông nói chưa đủ, ông thuyết tôi đủ điều, tôi chỉ cười, ông không biết phải nói gì hơn nữa, khi đứng lên ông nói: "Cậu phải lựa nếu không rồi muộn". Tôi nói vâng, tôi sẽ tìm ông khi thấy cần thiết, ông không có vẻ hài lòng mà đượm vẻ thất vọng. Ông tiếp tục đưa tặng những cuốn sách cho những người ở đó, có người ông nói một vài câu, có người không, lúc sau ông mất vào đám đông. Tôi mở tập sách mỏng ra đọc, đó là tập "Hãy quyết định ngay bây giờ". Tôi đọc loáng thoáng những dòng: Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời… Loài người không thể nào tự giải thoát mình khỏi tội lỗi - họ phải nhờ Đức Chúa Trời tha tội cho mình. Tội lỗi dẫn đến sự chết mất linh hồn, vì "Tiền công của tội lỗi là sự chết"… Đấng Christ… vì tội lỗi chịu chết… ấy là nhờ ân điển bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bên là sự ban cho của Đức Chúa Trời… Xưng ngài trước mặt mọi người… Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa… Không đổ huyết không có sự tha thứ… chẳng muốn một người nào chết mất nhưng muốn mọi người đều ăn năn… Người lao công ra mở cửa ngạc nhiên nhìn tôi, ông nói tới giờ rồi, tôi ngó quanh thấy nhiều người đã đứng đợi vào, máy hát đã mở, tôi vào và bắt đầu bán vé, một lúc có người hỏi tôi tờ chương trình, tôi với tay cầm một tờ ra, người đó kêu, tôi xin chương trình mà, tôi ngó lại và cười, xin lỗi ông, tôi đã đưa cuốn giảng đạo cho ông mà không biết, tôi vội bỏ vào một ngăn kéo sợ lẫn trở lại. Những người vào xuất đầu đã vãn, tôi nhận thấy Hùng thơ thẩn đứng ngó những tấm ảnh phía bên kia cửa rạp, tôi lặng im nhìn, tôi nghĩ chốc nữa hắn sẽ đến. Hắn quanh quẩn một lúc rồi hắn đi lúc nào tôi không biết. Chắc nó nhớ lại những ngày trong tu viện. Tại sao Thân có thể tiếp tục con đường đã đi mà Hùng không thể tiếp tục? Nơi nào tội lỗi đã gia tăng thì ân điển càng dư dật hơn. Những ai là người nghe thấy tiếng gọi? Những ai không? Mọi người đều chết, mẹ tôi chết, thím tôi chết, rồi ông tôi, chú tôi, tôi và mọi người, mỗi người đều chết dù cách chết khác nhau, ví dụ có người không bao giờ chết, tôi nghĩ nếu tôi ở trong trường hợp này chắc tôi tự tử. Chúa không chết, Trời không chết.
Đã lâu tôi không gặp Hiền, nàng ra sao, tôi dành một buổi sáng lên Ngọc Hà tìm Trịnh, trại lính được mở rộng thêm, số người mặc quần áo kaki chen nhau trong con đường nhỏ, với một cái chợ xép ngay bên trại con gái. Trịnh đã khoẻ hơn nhiều, vi trùng của bệnh sốt rét rừng chừng như thất thế, trông Trịnh có da có thịt hơn, tôi kể công việc cho Trịnh nghe, Trịnh nói việc làm chưa xong, có lẽ vì không có tiền chè lá, tôi hỏi chuyện viết sách, Trịnh cười:
"Tinh thần không đủ nuôi sống người ta".
Chúng tôi ngồi nơi cửa nói chuyện, khi hàng bún riêu đi ngang qua tôi gọi vào ăn, Trịnh nói:
"Bọn mình ảo mộng quá, tôi chắc thằng Trương nó đi làm cao su trong Nam bộ rồi".
"Biết đâu hắn không ở quanh đây hay đã vào lính".
"Không vậy được, bây giờ cậu ước gì?"
Thánh Thần nhờ ông Đặng, tôi mỉm cười:
"Cậu như một người già, mình chẳng ước gì".
"Buồn nhỉ?"
"Tôi hay cậu?"
"Chẳng riêng ai nhưng vẫn phải sống. Cậu ở đây chút mình dẫn đi chơi nhà thổ. Buổi sáng đi chơi nhà thổ hay ghê lắm, hôm qua mới kiếm được món tiền, chắc cậu chưa đi chơi".
"Toàn đĩ già".
"Trách nào không mở mày mở mặt ra được. Thanh niên đều được đĩ huấn luyện cho cách ngủ với vợ, chán quá".
Trịnh mặc quần áo rồi kéo tay tôi đi, chúng tôi sang phía gần chỗ Quần Ngựa, những căn nhà nằm ép bên một con đường đất, Trịnh bước vào một căn có treo mành mành trước cửa; Trịnh vào trong, tôi đứng ngoài cửa, tiếng Trịnh:
"Có đứa nào không?"
"Bọn nó đi chơi hết rồi, sao lại lên buổi sáng?"
"Thích vậy, không còn đứa nào sao, cụt chân cụt tay gì cũng được, mang một thằng bạn đi thết nó mà về không chán chết".
Tiếng cười hô hố của một người đàn ông, Trịnh trở ra, tôi thấy không muốn trở về nhà nhưng cũng không biết đi đâu, ở nhà Trịnh một lúc rồi tôi về, tôi ngang qua Ngõ Trạm và nhớ tới Ánh, tôi qua cửa nhưng không vào, tôi nghĩ chắc Anh đã thôi việc. Tôi lên rạp, cửa khoá, tôi bấm chuông, người lao công nhìn tôi:
"Có việc gì vậy cậu?"
"Không, ông mở cửa cho tôi vào, tôi ngang qua buồn ngủ quá nên tính vào ngủ".
Người lao công vừa mở cửa vừa cười:
"Cậu ăn cơm chưa?"
"Chưa nhưng tôi không thấy đói".
"Xuống tôi ăn luôn, bà vợ tôi làm cơm xong rồi".
Tôi nói thôi, ông mặc tôi, tôi vào trong rạp trống trơn, các cửa đều mở, người ta rửa rạp vào buổi sáng nên không khí ẩm thấp, tôi đi giữa những chiếc ghế mặt bị lật nghiêng, màn ảnh trống trắng mờ trong khung đen, người lao công đã đi khỏi, tôi ngồi xuống một cái ghế gác chân lên, tôi thiếp đi, chợt tôi thức dậy vì tiếng gọi vang lên: "Cậu Ngạc, cậu Ngạc", tôi nằm im, tiếng gọi của người lao công, tiếng bước chân cùng tiếng cửa mở, chừng như ông ta không thấy tôi và đang đi tìm, ông đang lên gác, tiếng cửa, "cậu Ngạc ơi, cái cậu này biến đâu rồi vậy", đèn bỗng bật sáng trưng, tôi quay lại và thấy ông ta đang đứng trên gác, hai tay tì vào lan can nhìn xuống, "trời ơi cậu ngủ rồi sao, xuống tôi ăn miếng cơm cho vui, nhà tôi nó chờ cậu, tôi có mua được ít thịt bò thui, xuống uống hớp rượu, cậu chê bọn tôi nghèo à". "Không, tôi xuống đây". Tôi đứng lên, đèn tắt, tôi phải đứng im một lúc chờ cho mắt bình thường, chỗ ở của người lao công là một phần của nhà hầm phía dưới sân khấu, căn phòng thấp hẹp, hai vợ chồng và đứa con sống trên một cái giường, nấu cơm bằng bếp cồn ngay trong nhà, tôi ngồi lên góc giường, mâm cơm có một đĩa lòng heo, đĩa thịt bò thui mà tôi chắc bà ta vừa đi mua ở tiệm ngay ngoài gậm cầu, ông ta ép tôi uống một ly rượu trắng nhỏ, sau bữa ăn tôi thấy chếnh choáng, ông ta mang cho tôi một chiếc chiếu giải xuống ngay gần màn ảnh, tôi gối đầu trên đống giấy chương trình và ngủ.