Tuổi nước độc

Chương 9

Tôi tới bệnh viên khám vết thương lần cuối cùng, tôi được tháo băng, cả hai mắt đều nhìn được như trước, khi mới bỏ băng tôi choáng vàng rất lâu, gần như mất thăng bằng vì thói quen, vị bác sĩ nói với tôi:

"Thật may mắn cho ông rất nhiều, tôi vẫn lo con mắt có thể ảnh hưởng nhưng nay thì yên tâm rồi; có sẹo một chút thế này không sao. Đàn ông mà. Thấy mắt thế nào?"

"Dạ thưa như thường. Cám ơn bác sĩ".

Tôi ra khỏi bệnh viện, cô y tá nhìn tôi mỉm cười chừng như ái ngại, cô nhìn tôi rất lâu, cô nói:

"Ông rất may mắn, tôi vẫn lo con mắt của ông không được bình thường, nay thì không sao rồi, chút sẹo có hơi xấu trai một chút, thật tôi chưa bao giờ thấy một tai nạn như thế. Nó hung bạo quá".

Tôi nghe câu nói thương hại chừng như còn theo đuổi tôi, chợt tôi thấy có vẻ khác thường, mặt mũi tôi có vẻ gớm ghiếc lắm phải không. Tôi nhìn mọi người và chừng ai cũng chú ý đến tôi một cách đặc biệt, chừng như tôi được phân biệt với những người chung quanh, tôi lạ ra trong đám đông. Họ đang nghĩ gì về tôi, họ đang phỏng chừng gì, tự hỏi gì, bàn tán gì. Tôi muốn che mặt tôi đi cho không ai nhìn thấy. Trên xe điện, giữa đường phố, trong đám đông tôi tưởng tôi như một con vật lạ cho người ta ngắm nhìn, cùng tiếng nói cười chế nhạo của Hùng như vang lên, thằng khốn nạn, cho hết dấu vết tội lỗi đi, như đang cất lên trong đám đông vặn mình không ngừng.

Tôi vừa đi vừa như chạy khỏi những đường phố và về tới nhà còn tự hỏi có phải mình đã trở về đến nhà rồi không? Phải, mình đã trở về được đến nhà. Tôi bỏ mình xuống giường và khóc, tôi nghĩ thế, tại sao mình không thể khóc một chút cho đỡ buồn tủi.

Khi đứng trước gương, nhìn thẳng vào mặt, tôi mới thấy nỗi sợ hãi mà tôi tưởng tượng chưa thấm vào đâu, nửa mặt tôi bị đốt cháy, da co dúm lại như một mớ giẻ rách, những vết sẹo nhăn ngang dọc, một bên lông mày không còn, mắt bị kéo xếch lên và trở thành trơ trẽn.

Thuốc đỏ chưa hết như máu khô trên làn da non còn trắng, tôi sờ lên làn da những đường nhăn nổi cồn và không đủ can đảm để làm quen với khuôn mặt mình lâu hơn nữa.

Trong bữa ăn tôi không dám nhìn mặt ai, chị Huệ, người mẹ đều như ái ngại, mọi người nói những chuyện đâu đâu như để tôi nghe không nghĩ đến vết thương trên mặt. Quả là hắn đã trả thù tôi một cách đích đáng. Sau bữa tôi nằm vùi trên giường, chị Huệ hỏi:

"Em buồn chuyện gì?"

"Em nhớ Hiền".

Buổi tối tôi nằm nghe tiếng tụng kinh của người mẹ, tôi vuốt tay lên mặt, trong đêm tối tôi thấy khuôn mặt tôi thay đổi từng lúc, nó trôi nổi như một khuôn mặt giả trong tay người phù thủy, khuôn mặt ấy khiến tôi sửng sốt, tôi lạ tôi quá lắm; tôi mong giấc ngủ đến, nhưng khuôn mặt tôi chập chờn nhảy múa khiến tôi không sao nhắm mắt được.

Trong đêm tôi nhớ đến chú tôi, tôi trở dậy viết thư cho chú.

"Thưa chú,

Sau cùng cháu không vâng theo những lời khuyên của chú cùng những điều chú trông mong nhờ cậy cháu trong khi chú đi xa. Hôm qua đây cháu đã mang đồ đạc rời khỏi căn nhà đầy những kỷ niệm thân yêu và những tai ương hãi hùng, cháu đã dọn xuống ở nơi nhà một người bạn, sau đó cháu sẽ nhận một công việc làm. Việc cháu làm chắc chắn không làm chú vui lòng nhưng cháu nghĩ chú cũng không phiền trách cháu. Làm sao để cháu có thể nói hết những buồn tủi của cháu trong ngày nay.

Chiều hôm cháu rời khỏi nhà, ông đã ngạc nhiên, chắc ông vẫn nghĩ không bao giờ cháu làm vậy vì cháu phải bám vào gia đình để sống, sau nữa cháu phải ở đây sau này hưởng cái gia tài do ông để lại. Không, những điều đó cháu không bận tâm đến. Cháu muốn tự cháu nuôi sống cháu, cháu nhờ cậy đến như vậy đã là quá nhiều và ngày nay cháu cảm thấy cần thiết hơn bao giờ hết phải thoát ra khỏi tâm trạng của một đứa trẻ yếu đuối, thụ động, tự ti, quanh quẩn trong một kỷ niệm không nguôi về sự bất hạnh của mình do cha mẹ mình để lại. Về cái gia tài của ông, cháu thấy cháu cũng không được quyền hưởng vì cha mẹ cháu cũng như cháu không làm một điều gì để giúp cho ông có được gia tài như hiện nay. Nhưng thái độ ngạc nhiên sững sờ của ông làm cháu xúc động, cháu vẫn tự hỏi tại sao cha cháu lại hoá điên? Tại sao ông lại lựa chọn cách sống như hiện nay? Quả thật cháu không xứng đáng là cháu của ông, nghĩ lại cũng làm cháu ân hận. Sống dưới mái nhà ấy đã bao lâu rồi mà cháu chẳng làm được điều gì gọi là vui lòng ông. Có phải nhiều lý do từ ngoài đưa đến đã phá hủy những gì gọi là thiêng liêng, và những giá trị luân lý bất biến? Cháu và nhiều người trẻ tuổi khác đã sống lên trong một hoàn cảnh lơ láo, biến loạn, những thông điệp tinh thần chỉ còn là những giáo điều chết cứng, chính nó làm cho cháu không còn gì để tuân theo, gìn giữ bảo vệ và sống với nó? Cháu nói với ông, ông hãy để cho thằng Hùng nó hưởng gia tài và nuôi ông, nó cũng là cháu của ông. Nhưng quả thật nhìn thím khóc, nhìn các em cháu đã không muốn rời đi. Như trước đây cháu đã có lần được thưa với chú: cháu muốn được sống dưới một mái nhà, trong một gia đình, cháu cũng như bất cứ một người nào khác không bao giờ muốn mình là một người mồ côi, một người khách lạ mặt trong một căn nhà, một gia đình có ông nội, có chú thím các em và ở đó có một người cha đã sống, một người mẹ hiền đã chết. Có một gia đình, có một mái nhà nhưng cháu lại không thể ở đó, bởi vì ở một chỗ khác để làm một người lạ, một người khách người ta có thể sống được còn ở trong một nơi được gọi là gia đình, một mái nhà mà người ta phải sống làm một người khách thì cháu không thể chịu đựng được. Chú đã khuyên cháu thì cháu không thể chịu được. Chú đã khuyên cháu nhiều lần, chấp nhận cuộc sống tầm thường với những xấu tốt chen lẫn, sự tình cờ đưa chúng ta đến đời sống như một định mệnh, dù chúng ta có tự do, tự do chúng ta tạo ra, chúng ta phải chấp nhận một hoàn cảnh cùng những liên đới nào đấy và sống với tấm lòng của mình. Vâng, cháu cũng nghĩ như thế. Đơn giản hơn, cháu nghĩ, gạt ra ngoài những gì gọi là giá trị, những giáo điều, những luận cứ, trước tiên con người phải được sống trong một bầu khí, một mái nhà, ở đó lớn lên với những gì gọi là tình người, chia xẻ những vui buồn, ước vọng với những kẻ chung quanh nhìn thấy nhau lúc sớm tối, ngồi ăn cùng mâm cơm. Con người sống ở đó làm điều quấy có người chê trách, làm điều phải được khen ngợi tán đồng. Trong bầu khí dưới mái nhà ấy hắn được cột chặt vào một sợi dây tinh thần. Hắn sống lên và chết ở đó. Cháu lại thiếu tất cả. Ngày thơ ấu thiếu mẹ hiền nuông chiều nuôi dạy, không tình thương, một người cha biến chứng hung bạo, uất ức không coi sóc đến. Kỷ niệm về một người mẹ không đủ nuôi sống cháu. Kỷ niệm về một người cha trong một lần giữ chặt lấy cháu, với đôi mắt đỏ ngầu hung hãn và tiếng cười phá lên làm cháu không nguôi kinh hoàng, ngày nay nhiều lúc cháu cũng cười lên như thế.

Cháu không có được một dẫn dắt tinh thần của cha mẹ, cháu không thể nói với chú những điều có thể quá tầm thường với chú nhưng lại lớn lao quan trọng với tầm mức của lứa tuổi cháu. Trong gia đình còn lại ông, có một điều cháu chưa bao giờ hỏi chú: Có phải vì ông mà cha cháu đã phát điên? Có phải vì ông mà chú đã không ở nhà? Một người ông đáng ra cháu phải kính mến thì cháu lại khinh lờn coi rẻ, điều này thật là quá tệ, cháu đã không nghĩ thế. Nhưng làm sao để kính yêu một người ông suốt ngày chửi bới, suốt ngày lo kiếm tiền bằng cách cho vay nặng lãi, trong lời ăn tiếng nói không bao giờ có được sự bao dung yêu thương. Trong hoàn cảnh, không khí lơ láo và khác thường đó cháu đã sống lên như một đứa con hoang.

Không có một nương tựa trong gia đình, cháu lại phải sống với một xã hội chiến tranh, một sinh hoạt tráo trở bấp bênh xáo trộn hết thảy những trật tự cũ đã mòn mỏi, ốm đau, liệt bại… Bao nhiêu điều hay lẽ phải trong sách toàn trái ngược trong thực tế. Bao nhiêu sự kiện mới nảy sinh, bao nhiêu lý thuyết đối chọi nhau, bao nhiêu giá trị tinh thần sụp đổ, bao nhiêu thần tượng bị nghi ngờ… Tất cả làm cháu quay cuồng không biết đâu mà sống cho yên được. Có lẽ chưa bao giờ con người lại phải sống trong hoàn cảnh khốc liệt như hiện nay. Tuổi hoa niên không có trong đời cháu, cháu không được thấy một cái gì còn nguyên vẹn tinh khôi, không được biết thế nào là hay là đẹp, là hạnh phúc, thưa chú như vậy làm sao để cháu tin tưởng mà sống? Và nhất là nghĩ đến một tương lai còn ở phía trước mặt? Trước hết cháu muốn cái thực tại này đã, nhưng thực tại thì, chú cũng thấy, làm sao để cháu sống yên và chấp nhận được nó? Cháu muốn lấp đầy cái thực tại này.

Bây giờ cháu đã rời đi, thoát ra khỏi một nơi cháu cho là tù túng nhưng rất yên hàn, để bắt đầu làm những gì mình muốn, và tất nhiên cháu sẽ thường trực ở một tình trạng mà cháu phải chịu đựng, những chịu đứng cháu tạo ra. Nhưng cháu yên tâm và tự tin hơn. Đó là một điều cháu chưa bao giờ có.

Cháu đang tự hỏi, chú có bao giờ tưởng tượng được khuôn mặt cháu sau khi đã cởi tấm băng ra không? Thật cháu cũng không ngờ đến như thế, thế là dấu vết của một tội lỗi khác trở thành rõ ràng, lớn hơn xưa kia, cháu, với một khuôn mặt bị tàn phá, một tâm não bị lay động, thật cháu không hiểu tại sao cháu phải chịu đựng để tiếp tục cuộc sống.

Bao giờ cháu còn có dịp trở về căn nhà xưa kia mẹ cháu đã chết, cha cháu đã sống để nhìn mặt một đứa em đã muốn giết cháu, cháu cũng không còn nơi để cúng giỗ mẹ cháu nữa. Tất cả những điều cháu thưa cùng chú chỉ để giải thích cùng chú phần nào việc cháu đã không còn ở lại căn nhà xưa nữa.

Khi nào chú trở về chú cho cháu biết tin để cháu về thăm chú. Mong chú hiểu cho cháu và tha thứ cho cháu vì cháu không thể làm gì khác được".

Mỗi buổi sáng thức dậy mua một tờ nhật báo đọc những tin tức, tôi đọc hết tờ báo không bỏ một mục nào kể cả những dòng quảng cáo, những cáo phó, hỉ tín, rồi ăn sáng với xôi lúa hoặc bánh tây chị Huệ đã mua sẵn. Tuyệt nhiên tôi không muốn ra đường. Tôi đọc lại những cuốn sách cũ. Tôi thấy nhớ trường học, nhớ bạn bè, bây giờ Vịnh đã đến đâu, Thu chết chưa?

Tôi mong có một người nào đến thăm, nhưng liên tiếp những buổi chiều tôi chỉ thấy Huệ gánh hàng trở về, chị vừa nấu ăn vừa nói với tôi những chuyện xảy ra ngoài chợ, chuyện kẻ cắp, đánh nhau, những tin đồn đại… Mỗi ngày tôi một thấy tôi già và tiều tụy đi, tôi thấy tôi như bị khoét rỗng bởi những điều trong trí não. Có thật tôi hư vô?

Chị Huệ nhìn tôi xanh gầy thì lo âu, chị nhắc tôi chuyện tôi định kiếm việc làm, chị nói tôi phải làm gì đấy và đi học trở lại. Chị nói trong niềm thân yêu che chở:

"Sao em buồn quá vậy, em đừng lo nghĩ nhiều hãy coi đây cũng như nhà em".

Không, tôi không muốn đây là nhà tôi như tôi đã bỏ đi, tôi muốn đây là nơi tôi tìm kiếm, tôi nói:

"Em buồn vì em thấy em khổ quá, em không còn ai".

"Em không nghĩ là còn chị sao?"

Tôi nhìn vào mắt chị, tôi chưa bao giờ xao xuyến như thế, đôi mắt chị sao hiền từ, có phải đôi mắt mẹ tôi xưa kia cũng như vậy.

Chị Huệ hơn tôi hai tuổi, nhưng đời sống vất vả, nỗi cơ cực trong những ngày tháng chiến tranh, cuộc sống cô đơn bên người mẹ già khiến chị già trước tuổi, tôi nghĩ chắc chị chưa bao giờ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng chị.

Chị sống âm thầm như người góa phụ thương tiếc một dĩ vãng không bao giờ trở lại, tôi nhìn mắt chị mà muốn khóc, có lẽ chưa ai dành cho tôi nhiều yêu thương như chị và lo âu như chị. Nhiều tối tôi ngồi trên đầu giường kể chuyện Hiền cho chị nghe, tôi nhắc đến những lần dạo chơi, một lần đi chợ và lạc nhau, tình cảnh của Hiền, tôi nói những lo âu của tôi về Hiền và tôi bất lực không bảo vệ được nàng:

"Chắc em không bao giờ còn tìm thấy Hiền nữa, em không tìm thấy điều em mơ ước".

"Không, chị tin Hiền sẽ về, chị cũng tin Vịnh sẽ về".

"Em cũng cố tin, nhưng em sợ không được, em sợ khi Hiền về thì cũng không còn là Hiền ngày trước nữa. Thời buổi buồn quá phải không chị".

Tôi kể cho chị Huệ nghe về mẹ tôi, về bố tôi, tôi đọc cho chị nghe lá thư của chú tôi gửi cho tôi khuyên tôi ở nhà trông nom mấy đứa em, chịu đựng ông và lo gây dựng, học hành.

"Nhưng em không làm được như chú mong và dặn dò".

Nghe tôi nói chị Huệ như muốn khóc, có phải chị khóc cho tôi không.

Giữa khi tôi không còn trông ai nữa thì Trương đến, Trương nói tìm không ra nhà, tôi giới thiệu Trương với chị Huệ. Tôi hỏi tin Thu, Trương nói:

"Hắn bị thương và về điều trị ở nhà thương Đồn Thủy, mình khuyên nó bỏ lính. Còn Vịnh ra sao?"

Tôi nói không biết thế nào, không có cả tin về nhà. Trương ở lại tới chiều tối mới về, tôi thấy Trương băn khoăn chừng như muốn nói với tôi điều gì, tôi chờ đợi nhưng Trương không nói.

Tôi đã trở lại trường học, mượn bài vở và định dành tâm trí học hành, ai hỏi tôi về bộ mặt tôi mỉm cười nói một tai nạn. Chẳng bao lâu tôi cũng thấy quen và không thắc mắc đến nó nữa.

Hiền đã đi bao lâu, tôi không nghĩ đến việc trở về căn nhà cũ dù một lần, tôi thấy tôi tàn nhẫn quá lắm. Có khi ông tôi đã chết. Tôi vẫn tự hỏi sao tôi không có Hiền như chị Huệ. Tôi không còn gặp Hợp, có phải Hợp cũng đã đi.

Một buổi đi ở trường về tôi chợt thấy chú tôi, tôi ngạc nhiên chú đã về bao giờ sao chú không thư cho tôi hoặc tìm tôi, chú tôi cũng sửng sốt.

"Chú mới về?"

"Chú về hàng tháng rồi, chú không biết cháu ở đâu mà tìm, sao không thấy cháu về nhà một lần? Chú gặp nạn và thím cũng gặp nạn nữa, thím nằm nhà thương. Xuống dưới đó được ít lâu người ta vu cho chú liên can vào một vụ phá hoại dưới tàu, chú bị bắt, rồi mất việc, thím được tin chú vội xuống tìm, tàu đến Hải Dương thì gặp mìn, thím bị nặng lắm, hỏng cả mắt, gãy cả chân tay. Thật khổ quá, chú được tha ra để nhìn thấy thím tàn tật".

Chú nói cảm động gần như khóc. Lúc đứng trước giường thím, tôi cũng không giữ được nước mắt, thím đã khá, nhưng khuôn mặt còn bị tàn phá khủng khiếp hơn tôi nhiều, hai con mắt đã không còn thấy gì nữa, lòng trắng như lẫn cả vào tròng đen thím cố mở nhưng không bao giờ thím còn nhìn thấy gì nữa, hai tay bị cụt lên tận khuỷu, chân bị cưa, tôi tự hỏi làm sao thím lại có thể sống được với một thân thể như thế. Tôi nói:

"Thím còn nhận ra cháu không. Ngạc đây thím".

"Ngạc đấy à, sau lâu không thấy cháu về, cháu mạnh chứ?"

"Vâng".

"Thím khổ quá cháu ơi, giời hại thím".

Tôi nghĩ thế là thím không bao giờ còn nhìn thấy mặt thím.

"Bây giờ cháu thế nào, vẫn đi học chứ".

"Vâng, cháu đã đi học lại, cháu không thể ngờ được, cháu có lỗi quá".

"Cháu đừng nghĩ thế, chú thím biết và thương cháu, bây giờ chú về ở luôn nhà rồi…"

Tối về nhà tôi không sao ăn được cơm, mỗi ngày sau đó tôi đều về thăm thím, tôi đổ sữa, bón cơm ăn và chơi với mấy đứa em. Thím không còn là một người nữa, tôi nghĩ thế và tôi thấy thương thím cực độ. Tôi tự hỏi sao thím tôi phải chịu hình phạt đến như thế, đời nhẫn nại chịu đựng của thím có tội tình gì, chỉ mỗi ước vọng trông nom chăm sóc chồng con, mong con cái sau này lớn khôn thành người để cho cha mẹ an hưởng tuổi già. Tôi nghĩ chắc ngày nay thím cũng vẫn ước vọng như thế.

Nhưng tôi với thân thể vô dụng kia, tôi phải chết, vì sống như vậy cũng là chết rồi còn gì. Tôi nghĩ đến Tân trong bệnh viện, Tân có biết còn những người bất hạnh hơn Tân nhiều. Hồi này chú tôi xanh gầy võ vàng đi vì lo buồn.

Hơn hai tháng thím tôi mới về nhà, tôi ngại trở về căn nhà xưa, tôi thấy tôi không có ràng buộc gì với nó. Nghĩ đến thím tôi muốn về nhưng nghĩ đến ông tôi, đến thằng Hùng, tôi không muốn phải giáp mặt với những người đó nữa.

Một buổi sáng tôi thấy tôi muốn ghé về nhà, tôi đi ngay vì sợ tôi lại thay đổi ý kiến. Buổi sáng căn nhà yên lặng, ông tôi nằm co trên giường, những đứa em đi học, đứa bé nhất nằm bên cạnh thím, đứa ở đang làm cơm, nó cất tiếng chào, tôi vào ngồi bên cạnh giường thím tôi. Tôi nói:

"Cháu về thăm thím, thím có khá không?"

"Thím khá rồi, nhưng thực vô dụng, ăn không ăn được, đi không đi được, chẳng thấy gì. Sao thím không chết cho xong, cháu thử nghĩ xem. Chú thì bận, các em nó mãi chơi nhiều lúc khát khô cả cổ không có người rót cho ngụm được, ông thì gần như không muốn biết đến thím nữa, có phải thím là cái tội cho nhà này không chẳng biết được".

Đứa bé khóc, thím cúi xuống như muốn bế, cánh tay cụt đưa lên đưa xuống một cách bất lực, tôi đỡ đứa em dậy cho nó ngồi dựa lưng vào thím.

"Chả ai khổ như thím phải không cháu".

Thím tôi lại khóc, nước mắt chảy trên khuôn mặt tàn phá có phải những giọt nước mắt cũng sắp khô cạn trong thím, một đời người được bao nhiêu nước mắt để khóc. Nếu thím còn mắt để nhìn thấy mình, nhìn thấy khuôn mặt những người chung quanh, những khuôn mặt âu sầu, khi đó chắc thím tôi còn buồn hơn nhiều nữa.

Tôi ở lại đến bữa cơm cho thím ăn, Hùng về thấy tôi thì lẩn mặt lên gác xưa tôi ở, hắn không ăn cơm. Những đứa em thấy tôi về đều ngoan ngoãn ăn cơm không dám nghịch ngợm. Thím vừa ăn vừa nói:

"Thấy cháu ở nhà chúng nó mới thế đó, không chúng nghịch lắm, chú lại chiều chúng nữa".

Trong một lần khác trở về, tôi ngồi nghe thím kể những chuyện trong nhà, nói chuyện chú tôi đang lo kiếm việc làm, giọng thím buồn buồn lo âu. Tôi hỏi thím:

"Bây giờ thím ước gì?"

"Thím chỉ muốn chết. Thím sống làm khổ nhiều người quá, bây giờ thím không còn giúp gì được cho chú và trông nom các em nữa. Cháu thấy vậy không?"

Tôi đau đớn, ngồi yên nghe thím nói, thím không còn ước mong nhìn thấy những đứa con lớn khôn thành đạt để an hưởng tuổi già. Thím đã nghĩ đến cái chết. Tôi cũng nghĩ: thím chết còn sướng hơn phải sống.