Tôi vẫn bặt tin của Hiền. Không gặp Trương và Vịnh. Tôi nhìn mặt Hùng mỗi bữa cơm khó chịu và thù hằn, khi sờ tay lên vết sẹo hay soi mặt vào gương. Mỗi buổi tối, hắn đốt lò sưởi cho ông tôi trước khi đi ngủ. Tôi có nói với hắn chỉ là những lời nhắc đến mẹ hắn đã định giết tôi, cũng có khi tôi nói bóng về hắn là mẹ nào con nấy, liệt hắn vào hạng bất nhân như thế, hắn cáu giận nhưng chịu đựng. Một buổi sáng khi tôi ở trên gác bước xuống, Hùng đang là quần áo ở nơi bàn. Tôi ngồi vào mặt bàn ăn bỏ trống nhìn hắn - nhìn trừng trừng như nuốt chửng một kẻ thù. Hắn nhìn lại tôi nhiều lần, lần nào hắn cũng thấy tôi nhìn hắn. Hắn tự nhiên để bàn là xuống rồi quay lại phía tôi:
"Tại sao anh lại nhìn tôi trừng trừng lên thế?"
Tôi thấy lời nói của hắn đầy vẻ hỗn xược thách thức, tự nhiên tôi bừng bừng nổi giận đập tay xuống bàn đứng lên một cách hung dữ:
"Tao nghĩ đến con mẹ mày nên nhìn mày nghe chưa? Mày có hiểu vì sao không?"
Mặt hắn đỏ, mắt chớp đầy vẻ xúc động quay đi, hắn cầm lấy bàn là là tiếp và giọng kể lể như phần trần:
"Tôi chưa làm gì được cho mẹ tôi nhờ, mà vì tôi nên mẹ tôi bị sỉ nhục, bị chửi. Tôi nghĩ rằng anh không nên nhắc đến mẹ tôi mới phải. Mẹ tôi chết rồi, sao anh không đập hay giết ngay thân tôi có được không? Nếu như mẹ tôi có tội - định giết anh - bây giờ mẹ tôi không còn, anh bắt tôi phải chịu những sự trả thù của anh sao?"
Hắn nói nghẹn ngào; những lời sau cùng như muốn khóc. Tôi lại thấy như hắn nói với đầy vẻ dối trá, che đậy. Hắn lại muốn được hưởng thừa tự cái gia tài này nếu như tôi chết đi. Tôi không nhớ về khuôn mặt mẹ hắn nhưng cứ nhìn đến hắn tôi lại tưởng tượng ra một khuôn mặt độc ác, khó lường mà tôi chưa hề thấy bao giờ. Tôi không hiểu sao bố tôi lại ăn ở với một người như thế - nhất là lúc mẹ tôi mất bố tôi đã thề không lấy ai. Tôi cho trong máu hắn chỉ có máu của mẹ hắn và một chút máu điên của bố tôi - cứ nhìn đến mắt hắn là tôi thấy thế, dù hồi trước hắn có mặc áo chùng đen đi nữa.
Tôi vẫn tức bực. Tôi mỉm cười mỉa mai:
"Mày có hiếu với mẹ mày lắm, nhưng lại có hiếu với một đứa dã tâm, giết người thì không hay ho và cần thiết gì. Tao muốn mày kể chuyện Đức Chúa Trời cho tao nghe, nhất là đọc kinh cứu rỗi nữa vì tao cũng cần được cứu rỗi, mà mày: con kẻ giết người".
Hắn cầm bàn là ở tay quay lại:
"Nhưng mẹ tôi đã giết chết ai chưa?"
"Hừ! Mày hãy coi cái dấu vết tội lỗi của mẹ mày ở trên mặt tao đây này. Nếu cần thì hỏi chú xem mẹ mày đã đập cái chậu sành mặt tao ra sao".
Hắn tiến đến gần tôi bình thản, tôi đứng nhìn hắn:
"Đâu? Đâu tôi coi".
Bất ngờ, hắn đẩy tôi ngã ngửa xuống đất, ngồi đè lên bụng, tôi không kịp kêu. Hắn đã lấy bàn là chà lên chỗ sẹo và nói thản nhiên:
"Để xoá hết dấu vết tội lỗi đi".
Tôi bị bàn là sèo lên da mặt và chết điếng đi, tôi kêu thất thanh:
"Thằng Hùng nó giết tôi làng nước ơi…"
Ông tôi chạy tới, thím tôi bỏ vội đứa em khóc thét trong giường chạy ra, Hùng đứng dậy như không:
"Kể tiếp, nói tiếp nữa đi".
Đầu óc tôi tối sầm không thấy gì nữa, tôi chỉ nghe tiếng chân người chạy một cách mơ hồ. Tôi nằm bất động.
Tôi tỉnh dậy nhìn màu trắng của trần nhà, nơi má bên phải vẫn rát và đầu nhức nặng như mang đá. Tôi sờ tay lên thấy băng dày cộp cả nửa mặt. Tôi chỉ nhìn được một mắt bên trái. Tiếng nói đầu tiên đến với tôi là của người nữ y tá khi tôi cựa chân tay muốn trở dậy:
"Ông đã thấy dễ chịu chưa?"
"Cám ơn cô, tôi thấy rát và nhức đầu lắm. Tôi có bị nặng lắm không?"
"Ông tĩnh dưỡng độ mấy ngày, vết bỏng sẽ lên da non ngay. Ông nên yên tâm. Tôi chưa hề gặp ai bị một tai nạn nào như ông. Cũng may mới bị xém da chưa vào đến thịt - và nhất là dưới mắt, nếu không nguy hiểm lắm".
Tôi nhớ lại câu chuyện đã xảy ra, vết sẹo nhỏ của mảnh chậu không còn nữa. Tôi sẽ mang một nửa mặt bị cháy xém, tâm hồn tôi lại yên tĩnh và không hề nghĩ gì về Hùng. Có điều tôi muốn nhìn mặt hắn.
Mỗi ngày, người ta thay băng cho tôi một lần. Thím tôi bế đứa em nhỏ vào thăm tôi mỗi buổi trưa - giờ thường lệ cho thân quyến vào thăm bệnh nhân - ngày hôm sau thím bảo tôi:
"Mai chú về ăn tết ở nhà, liệu cháu đã ra được chưa?"
Lúc ấy tôi mới nghĩ là đã đến tết. Tôi nhẩm tính:
"Chắc phải mươi ngày nữa cháu mới ra được vì chỗ má sưng và thối".
Lúc thím tôi sắp về thì Thân tới thăm đem cho tôi hai quả cam. Thân tự tay bóc từng múi cho tôi ăn. Tôi muốn tự làm lấy nhưng Thân không bằng lòng. Thân nói:
"Hùng đã bị bắt giam. Cảnh sát đã đến lấy cung anh chưa?"
"Chưa, và tôi cũng không nghĩ đến".
Thân dắt tôi cùng xuống dạo ở những lối đi trong sân bệnh viện. Thân kể chuyện về đời sống trong tu viện. Thân kể luôn mấy chuyện phép lạ mới xảy ra, rồi hỏi tôi:
"Chắc anh cho thế là hoang đường đấy nhỉ?"
"Chưa, tôi chưa nghĩ gì cả".
"Tôi có cảm tưởng là tôi không có đạo nào cả - nếu nói thuần túy. Như thế là đạo nào tôi cũng theo. Tôi thử hỏi có đạo nào khuyên chúng ta gây chiến tranh, tội ác, giết chóc không? Tôi ưa thực tế, chắc anh cũng thấy thế, và tôi không bài xích gì cả. Có người bảo tôi vô thần, tôi muốn hỏi anh, xem là anh nghĩ gì về chiến tranh?"
"Có chiến tranh là tại người ta tranh giành quyền lợi, quên những điều Chúa dạy. Nếu ai cũng hướng lòng tin về nơi Chúa thì chúng ta sẽ có một đời sống Hoà bình, Tự do và Bác ái. Nhưng con người vì có nhiều tội lỗi nên phải được cứu rỗi - đó là điều Chúa cầu mong ở những con chiên vâng theo lời Chúa dạy. Chỉ hướng về Thiên Chúa là điều duy nhất".
Gần hết giờ thăm bệnh nhân, Thân đưa tôi về phòng, ngồi đọc kinh cầu nguyện cho tôi, rồi Thân về. Buổi chiều viên bác sĩ dẫn đến giường tôi hai người cảnh sát. Họ cho tôi biết họ có bổn phận hỏi cung tôi để đưa Hùng ra toà về tội gây thương tích. Tôi thản nhiên hỏi:
"Sao kia thưa ông?"
"Tôi hỏi ông, có phải tên Trần Văn Hùng đã chà bàn là lên mặt ông không?"
"Thưa ông không phải".
"Sao người ta trình chúng tôi bắt ông ta và ở bót ông ta cũng không chối?"
"Đấy là sự vô ý của tôi. Vâng không phải do ông Hùng".
Người cảnh sát ghi những điều tôi khai vào một tờ giấy lớn. Hỏi điều nhỏ nữa, người đó đọc lại cho tôi nghe rồi hỏi:
"Ông nhận những điều đó đúng là của ông khai?"
"Vâng".
"Vậy xin ông ghi nhận điều đó và ký tên dưới đây để chúng tôi tha ông Hùng về".
Tôi bình tĩnh nằm xuống giường, tôi nghĩ đến khi mọi người gặp chắc sẽ kinh ngạc về bộ mặt gớm ghiếc của tôi. Tôi hơi mỉm cười. Sáng ba mươi, chú tôi vào thăm tôi, chú vạch nơi chỗ vết thương xem một lúc khá lâu. Tôi hỏi:
"Chú ở lại bao lâu?"
"Mồng năm chú đi".
Chú tôi không đả động gì đến chuyện đã xảy ra, chỉ hỏi tôi về chuyện học hành ra sao. Tôi nói với chú tôi là tôi rất chán nản và theo học không được đều vì những xáo động làm tôi không yên tâm. Chú tôi thở dài nhìn ra sân.
Những ngày tết, nhà thương vắng đi một phần nhỏ là những người có gia đình ở Hà Nội đều xin phép ra ngoài, nhưng đa số bệnh nhân lại từ những miền quê xa còn mùa bom đạn trở ra. Trong phòng tôi nằm thì hết tám phần mười bị tai họa chiến tranh - họ nằm đây mà không hề thấy ai thăm hỏi.
Những ngày tết họ tụm lại đánh tam cúc, đánh bất. Có người cụt cả hai tay hoặc mù cả hai mắt không thể nào chơi được thì cố tìm một người bạn rồi tâm sự với nhau những kỷ niệm hồi thơ ấu, thanh bình. Nỗi thương gia đình, bạn hữu, họ hàng, quê quán. Có kẻ cầm lòng không được cảm động oà lên khóc. Nhiều người xúc động cũng chả biết làm sao. Có người nhẫn nại tìm lời an ủi và vẽ ra tương lai khi im tiếng súng. Họ tự cho rằng không lẽ loạn lạc mãi. Nhưng những lời đó không có vẻ quả quyết bên những lời oán than đầy vẻ tuyệt vọng. Trong gian phòng suốt những ngày tết, không khí càng buồn vì từ trong thâm tâm mỗi người đều gọi về một ít những kỷ niệm vui buồn của ngày đầu xuân.
Những ngày tết chú hoặc thím tôi thay phiên cách ngày đem cơm, thức ăn, bánh trái vào cho tôi. Ngày mồng ba tết, cả những đứa em đều ăn mặc sạch sẽ theo chú tôi vào thăm. Tôi xin chú tôi sáu đồng rồi gọi chúng đến gần hỏi chúng về những cảnh vui ngày tết, tiền mừng tuổi. Chúng kể huyên thuyên làm tôi không nghe kịp. Hình như chúng đều quên những trận đòn. Đứa nhỏ nhất hỏi tôi:
"Anh gần khỏi chưa? Bao giờ anh về nhà?"
Tôi cảm động cầm lấy tay nó. Tôi hé nơi đau cho chúng cùng nhìn thấy mà bảo:
"Anh gần khỏi rồi, nhìn mà xem".
Lúc sắp về tôi mừng tuổi cho mỗi đứa một đồng, đưa cho thằng nhỏ thêm một đồng mà dặn:
"Mang một đồng về cho em bé nghe chưa?"
Nó vâng. Khi chú tôi và lũ trẻ ra về rồi, tôi gần như phát khóc. Tôi nằm ngay trên giường ê ẩm, bải hoải như sắp ngất đi. Lúc người y tá đến gọi tôi đi thay băng, mãi tôi mới cựa được mình. Ngày mồng bốn chú tôi vào thăm tôi lần cuối để sáng hôm sau đi Cảng. Thân có vào chúc tết, tôi nói:
"Bao giờ Thân đi?"
"Có lẽ chỉ độ tuần nữa".
Tôi bỏ chân xuống đi vào dép rồi rủ Thân đi dạo. Chúng tôi đi qua dãy hành lang dài hun hút vắng lặng, mùi thuốc phảng phất và không khí gây lạnh. Khi tới gần cầu thang, tôi gặp cô y tá trực, tôi cúi chào và nói tôi xin phép xuống đi dạo một lúc. Thân hỏi tôi:
"Sao nhà thương hồi này có vẻ vắng. Lúc trước em có vào đây thăm một người bạn, không có giường cho bệnh nhân nằm nữa, họ nằm cả dưới gạch rất khổ sở".
"Vì ngày tết, ngoại thương nên một phần họ xin ra ngoài. Chiến tranh như thế này, nhà thương nào cung cấp cho đủ được".
Chúng tôi đi trên những lối nhỏ có trải sỏi trong sân bệnh viện. Những viên sỏi nhỏ, trắng lạo sạo dưới chân. Giữa khu hoa có bồn hoa tròn được trồng trọt một cách cẩn thận với nhiều thứ hoa khác nhau xen kẽ chạy vòng quanh u lên như mâm xôi. Ở chính giữa một bồn nước như chiếc lá sen nhỏ lên cao có nước chảy toé xuống. Thân nói:
"Không khí ở đây không khác gì trong tu viện".
"Sống mãi như thế này tôi chịu không nổi. Sự im lặng giả tạo, vì ở ngoài xa có tiếng bom đạn. Trong im lặng chúng ta nghe thấy. Có bao giờ Thân thấy buồn, tức giận vì những chuyện mình biết là vô lý, ác độc mà mình cũng biết là bất lực không thể làm gì cho việc ấy, như chiến tranh chẳng hạn".
Thân lặng im một lúc lâu:
"Có, em cầu nguyện. Em có ý định xin đi phục vụ trong một trại cùi. Tốt hơn hết có lẽ mình nên chọn lấy một việc gì đấy mà mình thấy là tốt, nên làm và hợp với sức mình".
Đi vòng một lúc, Thân xin phép về. Tôi đưa Thân ra gần cửa, tôi nói có thong thả thì vào chơi với tôi. Thân nói vâng. Tôi nhìn theo bóng áo chùng thâm cho đến khi khuất. Tôi trở vào, buổi chiều khô héo, lặng lẽ. Tôi chọn một chiếc ghế đá ngồi xuống ngó lên nền trời phẳng lặng một cách mệt mề. Ba mặt khu vườn, những dãy nhà ba từng đứng án ngữ, tường vôi trắng lạnh, những khung cửa vòng tròn thấp thoáng những người y tá thỉnh thoảng ngang qua. Tôi nhớ tới Vịnh, Trương, chắc chúng đang ngạc nhiên hỏi nhau về sự biệt tăm của tôi cùng những giả thiết. Tôi cười thầm vì sự việc đã đưa tôi vào đây.
Lúc sau, tôi chợt thấy một người chống nạn đi từ phía khu nhà bếp lên. Khu nhà bếp ở phía dãy nhà bên tay phải nối liền bởi một hành lang rộng. Người lạ bị cụt một chân tới khoảng đầu gối hay cao hơn nữa vì tôi nhận thấy ống quần lủng lẳng. Anh ta bước đi một cách chậm chạp, khó nhọc. Chừng như anh ta nhận thấy tôi và đi tới gần; lúc đó tôi nhận ra là một thanh niên như tôi. Anh ta tới bên và ngồi xuống đầu ghế đá. Anh để chiếc nạng xuống, lấy thuốc ra châm hút, mùi khói hôi khó thở, chừng như là thứ thuốc của nhà binh Pháp hay một thứ thuốc rẻ tiền nào đó, ống chân bên phải cụt quần bẹp hẳn xuống chiếc chân bị cưa lên phía trên đầu gối một chút. Tôi nghĩ anh ta có vẻ lành vết thương rồi sao vẫn còn ở đây, mà sao anh ta không mặc quần áo của bệnh viện? Chợt anh đưa sang phía tôi mấy điếu thuốc bỏ trong một chiếc hộp sắt đựng thuốc đã bong sơn nham nhở, anh ta nói cụt ngủn:
"Anh hút thuốc".
Tôi nói cám ơn anh. Giọg anh nó có vẻ quê, dáng điệu thô một cách thực thà. Anh ta thu hộp thuốc vào túi, tôi nói:
"Tôi không hút thuốc, có chăng tôi hút ít thuốc vàng. Thuốc anh hút tôi thấy khói có vẻ nặng, tôi dám say lắm. Anh không ra ngoài ăn tết sao?"
Anh ta im lặng, tôi thấy anh ta nhìn ra bồn hoa tư lự, khuôn mặt khô khan, đôi lông mày rậm, chiếc mũi hơi hếch, đôi môi khô nứt nẻ, da mặt vàng như thiếu máu. Khuôn mặt anh ta ngửng lên bất động. Mãi, rất lâu anh ta mới nói:
"Quê tôi ở xa không về được".
Anh ta tiếp tục hút thuốc, tựa lưng vào thành ghế, anh ta nhìn tôi nói:
"Anh làm sao vậy? Tôi trông anh có vẻ bị nặng lắm".
"Một tai nạn. Người ta ủi lên mặt tôi một chiếc bàn là đang đỏ than".
Anh ta mở lớn đôi mắt tỏ vẻ ngạc nhiên sửng sốt:
"Con mắt có làm sao không? Tôi sợ cho con mắt. Chân tay, mắt là cần lắm, không có là mệt đó, như tôi còn làm ăn gì nữa".
"Bác sĩ nói không việc gì".
"Ồ tin họ gì được! Tôi đã bị lừa như thế đấy. Thực ra thì họ chẳng lừa làm gì, nhưng họ thương mình mà không nói. Lúc tôi nằm trên giường, sau khi bị cưa, tôi hỏi chân tôi có sao không, họ bảo không. Mình đau, đâu còn kiểm soát được gì, tưởng là đang nuôi chân mình chứ. Nhưng đến khi ngồi dậy được thì tôi thấy tôi còn có một chân. Thôi còn nói gì nữa, tiêu đời rồi còn gì. Tôi la lên, họ bảo ngó bộ họ muốn tôi như thế sao, không thể làm khác được thì phải chịu. Tôi biết tôi vô lý, nhưng khổ quá, xúc động quá khiến tôi không nghĩ được gì nữa. Cái phần dưới đó nó nát như một mớ thịt băm ra để làm nhân bánh. Tôi không hiểu tại sao tôi có thể sống, trong người đầy vết thương nhưng không nguy hiểm.
"Tại sao vậy?"
"Lựu đạn".
Anh ta lại im lặng. Hai con chim bồ câu ở đâu bay xuống, nhưng thấy người vội bay lên khi chưa xuống đến mặt đất. Anh ta lại nói giọng xúc động:
"Sau này tôi tiếc là sao mình không chết luôn lúc đó. Sống với một cái chân như thế này, anh nghĩ xem - anh ta phác một nụ cười gượng gạo, khô khan - nếu anh biết anh được cứu sống mà trở thành tàn tật như thế này anh có muốn được cứu sống không? Tôi thì tôi không muốn chút nào hết. Bây giờ có muốn chết cũng không có can đảm tự tử. Thế là phải sống, phải sống trong cái chết như một con vật, vô dụng, khổ sở, xa lạ…"
Giọng anh ta mơ hồ, nét mặt đăm chiêu, bàn tay trắng xanh suốt trên thân nạng gỗ đã bóng vì mồ hôi và đã được dùng lâu ngày. Buổi chiều im ắng. Rất xa, phía ngoài bức tường gạch cao, cũ kỹ, tiếng xe cộ thưa. Ở ngoài đó, cuộc sống đang diễn ra. Những tiếng nói, tiếng cười, nỗi vui mừng…
"Tôi tên là Tân, Nguyễn Văn Tân. Còn anh?"
"Tôi tên là Ngạc".
"Anh thử tưởng tượng, tôi sống trong này đã hơn một năm, trong đó sáu tháng là một bệnh nhân chiến tranh. Thời gian còn lại và sau này là một người tàn tật cho đến chết. Phải rồi, cho đến chết. Anh có nghĩ đến chết bao giờ không?"
"Cũng có lúc, nhưng đối với tôi không quan trọng".
"Không quan trọng, à phải rồi, chết là về với Chúa. Ông thầy dòng vẫn vào thăm là cha đỡ đầu sao?"
"Không; đó là một người em, nhưng tôi là một người vô tôn".
"Thế là thế nào? Anh là người… ở ngoài…?"
Tôi mỉm cười. Tôi biết anh ta đang nghĩ gì, tôi nói:
"Không phải, tôi không là gì cả, tôi cũng như một người bình thường vậy, thằng em tôi nó sống trong trại tế bần từ thuở nhỏ, rồi sau nó đi tu. Kể người ta có được một điều để tin cũng là hay. Làm thế nào để tin được. Tin mà không bao giờ hoài nghi, đặt câu hỏi, điều tin là một điều chắc chắn không bao giờ thay đổi. Đó là một hạnh phúc. Từ lúc tôi biết đến nay tôi không tin gì nữa. Gia đình tôi thờ tổ tiên, mẹ tôi cũng có đi chùa, nhưng chuyện thờ cúng đó không liên can đến ai, mẹ tôi chết tôi cũng cúng mẹ tôi, tôi cúng vì tưởng nhớ. Thằng em tôi nó vẫn giảng đạo tôi, tôi ngồi im nghe, nó có ý của nó, tôi có ý của tôi".
Tân lấy thuốc ra hút tiếp, những làn khói xanh bao phủ vờn trên mặt trên đầu Tân, giọng Tân nhỏ:
"Anh tin có trời không?"
"Trời, anh còn nghĩ nhiều thế được sao. Tôi ngại…"
"Tôi không tin, nếu có trời thì sao trời lại làm nhiều chuyện kỳ cục vậy, trời lại bắt mình khổ, buộc mình tàn tật, sao vậy? Tôi có làm gì ác đâu, cả bố mẹ tôi nữa. Bố tôi là một người đi cày, mẹ tôi cũng vậy. Bố tôi bị Tây về bắn chết không nguyên cớ, một viên đạn đum-đum phá vỡ mặt chết không kịp kêu, tôi bị Tây bắt làm phu đi rào đồng và du kích ném lựu đạn bốn năm người chết một lúc, tôi cụt chân. Trời để cho người ta làm vậy sao, trời dung cho người giết nhau để nhìn sao? Nào riêng gì một mình tôi, nhiều người nữa, rất nhiều, có cả những đứa trẻ vừa sinh ra khỏi bụng mẹ, có cả những đứa còn nằm trong bụng mẹ nữa. Bom đạn không có mắt, chúng vô tội. Người ta dùng nó, tất nhiên không thể vô tội mà không bị phán xét. Tội và vô tội như nhau, nhiều lúc tôi nghĩ một cách bậy bạ vậy đó. Con hổ ăn thịt người rồi ngủ yên, người giết người không ngủ yên, chưa chắc vậy, người ta nói vậy để bảo rằng người ta cao quý hơn súc vật, đã chắc gì. Nếu đúng vậy thì thời này không còn ai ngủ yên nữa, nhưng mọi người vẫn ngáy khò, nếu không ngủ được đã có thuốc…"
Tôi đứng lên, buổi chiều đã gần tàn, Tân vẫn ngồi im hút thuốc, tôi nói:
"Anh nghĩ nhiều quá, tôi nghe cũng thấy mệt. Tôi lên phòng. Tôi cảm thấy lạnh".
"Lúc nào buồn anh xuống tôi chơi. Tôi ở chỗ nhà bếp, phía sau nhà người gác".
Tôi trở lên, lúc đứng ở hành lang ngó xuống tôi vẫn thấy Tân ngồi bất động trên ghế như một pho tượng đá.
Mấy hôm liền tôi nằm trên giường không muốn ra khỏi phòng, cô y tá hỏi tôi sao không xuống đi dạo, tôi nói chờ người vào thăm, nhưng không có ai vào, cô y tá bảo:
"Chắc cô bạn mắc bận, hay đã quên anh rồi".
"Sao cô nghĩ được thế, tôi không có bạn gái".
"Thật sao?"
"Cô gặp cô nào vào thăm tôi không, tôi đang nghĩ tới lúc ra, nghĩ đến cái mặt những người đối diện mình, tôi không tưởng tượng được ra tôi nữa. Cái mặt tôi chắc là gớm ghiếc lắm".
Cô y tá tỏ vẻ tội nghiệp. Buổi chiều, sau một giấc ngủ ngắn tôi trở dậy và xuống đi dạo, lúc sau chợt nhớ tới Tân, tôi đi ngang qua hành lang, xuống nhà bếp, những người đàn bà đang làm cơm, họ rửa rau, vo gạo trong những cái bể lớn, những chiếc chảo gang đen để ngổn ngang, dãy nhà bếp chạy dài đen khói và ồn ào tiếng nói, lửa cháy đỏ trong dãy lò xây bằng gạch áp vào tường.
Qua khỏi một chút, tôi tới một khoảng đất không, áp với bờ tường là nhà của người gác cổng, trên cửa sổ ngó ra phía cổng ra vào có bày bán những kẹo bánh lặt vặt, người gác cổng còn có bà vợ chuyên môn nấu nước sôi bán cho những người trong nhà thương dùng, luôn thể bà ta còn nhận giặt quần áo, mua bán hộ những người nhờ cậy. Tôi nhận ra Tân đang đứng nơi cổng ra vào dành riêng cho nhân viên trong bệnh viện, anh đứng nơi cánh cửa sắt, hai tay giữ lấy chấn song, anh ta đang nói chuyện với một chị bán hàng rong ở phía ngoài, chừng như Tân nói đùa gì khiến cho chị ta cười rồi bỏ đi, Tân đứng im một lúc rồi chống nạng quay vào, nhận ra tôi Tân mỉm cười, nụ cười khô khan, tôi thấy Tân xanh mướt, chừng như xanh hơn mấy hôm trước đây, đôi mắt đại thất thần nheo nheo đôi mi húp xuống mệt về thiếu ngủ. Chiếc áo cánh trắng màu nước đưa mềm nát phủ thân hình gầy như xô lệch. Tôi nói:
"Trông anh gầy lắm, cái chân anh vẫn đau sao?"
"Không, tôi lành rồi" - Tân nhếch mép - "trong tôi sắp chết".
"Sắp chết! Thế còn mối tình đó".
Tân à lên một tiếng cụt ngủn. Tân đưa cho tôi vào phía sau chỗ nhà người gác nơi hiên nhỏ kê một chiếc ghế vải áp vào tường và che ra ngoài bằng một miếng vải, chừng như là thứ bao bột mì loại ra. Tân chỉ vào chiếc ghế bẩn thỉu nói:
"Nhà tôi đó, lúc mưa gió thì ôm chiếu lên phòng đợi bệnh viện, nghĩa là mình có một cái nhà lưu động. Tôi sống nửa năm như thế rồi. Nay mai khi nào sắp chết tôi sẽ là một bệnh nhân lần nữa, rồi được mang xuống nhà xác. Có người bảo như thế là hạnh phúc, vợ nhà thổ, ốm nhà thương, chết nghĩa địa lại do chính phủ chôn cất vậy còn đòi gì nữa. Nhưng có khác một điều là mộng của tôi không phải thế. Anh có quê không?"
"Có, nhưng tôi không biết quê mình ra sao. Tôi là một thứ thị dân không gốc".
"Tôi là một thứ nông dân bị bứt khỏi đồng ruộng, để trở thành một kẻ đứng góc đường ăn xin. Phải rồi, ăn xin chứ tôi thì còn làm gì được nữa. Tôi cũng sắp chết rồi, anh nhìn tôi. Tại sao tôi lại thế này?"
Tân nhích người ngồi sát dựa lưng vào tường lấy thuốc ra châm hút:
"Tôi vừa có một món tiền", Tân mỉm cười moi tiền từ trong túi ra cho tôi coi, "chắc anh đang nghĩ làm sao tôi có tiền, làm sao tôi sống, lúc trước tôi có ý định tìm cách trở về quê nhưng bây giờ thì không tính về nữa, dù về để chết tôi cũng không về. Về để làm gì, làm khổ những người còn sống, tìm một ít lòng thương hại của những người thân ban phát cho sao?"
Tôi nghĩ, nhiều người khổ hơn tôi nhiều, một quê hương tôi không biết, có lẽ đó là một bất hạnh, nhưng còn Tân, những người bị bứt ra khỏi đó không thể trở về được. Tôi chắc Tân sống nhờ vào tiền của những người thân từ quê gửi ra. Một trái lựu đạn tung vào, Tân bị thương mang đi. Tôi nói:
"Bây giờ anh được cứu sống rồi, sao anh không tìm cách trở về, anh còn bà cụ?"
"Tôi còn một bà mẹ, một người anh cả, bởi vậy tôi không muốn trở về. Có lẽ mọi người ở nhà cũng nghĩ tôi chết rồi. Mẹ tôi, anh tôi suốt từ nhỏ tới giờ chưa biết Hà Nội, bố tôi chừng như biết một vài lần. Dân làng tôi như thế cả. Họ chỉ biết lũy tre xanh, biết đất khô, biết đói khổ, biết chịu đựng, rồi chết. Bây giờ thêm chiến tranh họ biết súng, biết bom, biết lựu đạn, biết đào đường, biết Tây hiếp dâm, biết du kích ám sát… Tôi còn về đó làm gì? Có lẽ tôi là một người tuyệt vọng, anh còn mơ tưởng, ước mong, xây dựng; còn tôi, tôi không nghĩ gì nữa".
Giọng Tân dội lên từng lúc chua chát, đau xót rồi lả xuống buồn bã, Tân đưa tay ra trước mặt tôi, vén tay áo lên chỉ vào chỗ khuỷu nơi mạch máu. Tôi nhận thấy vết tiêm nơi mạch máu, Tân cười:
"Tôi bán máu để kiếm sống. Đêm qua tôi mới bán được một ít tiền đó. Bán cho một kẻ tự tử. Cô gái đã được cứu sống bởi máu của tôi".
Tôi rùng mình xúc động quay đi, giọng Tân đều đều:
"Chẳng hiểu sao Tây nó lại bỏ tôi lên xe cùng những người bị thương, trong đó có cả Tây, họ chở tôi đi, đi tuốt mãi cho tới đây, khi tôi biết tôi sống thì tôi cũng không hiểu tôi đã đi qua những đâu để tới rồi tôi được thả ra, tinh thần nhân đạo của người ta là cứu tôi sống, nhưng họ không nghĩ thêm tới điều này: cứu sống để làm gì, và sau đó. Hay là những người khác đều được nuôi sống trừ tôi. Không chết để rồi phải sống khổ sở thì thà chết còn hơn. Tôi tiếc, tôi tiếc… Tôi phải sống. May tôi được ông gác ở đây thương tình cho tá túc tạm bợ, đã nhiều lần người ta đuổi tôi đi, họ đuổi cũng phải, người ta bảo tôi kiếm đến nhà tế bần, tôi lại người ta không nhận vì tôi còn khoẻ và ở đó cũng không còn chỗ, những người tàn tật không gia đình, không nhà cửa sống chen chúc trong mấy dãy nhà như cái chợ, không đủ ăn họ phải đi xin, tối về chen nhau ngủ như chuồng súc vật, lâu lâu mới có một lần bố thì thì bọn trông coi nó ăn bớt hết. Tôi đến hội nạn nhân chiến tranh người ta phát cho một cái chăn nhỏ như cái khăn lớn, một hộp xà phòng, hai gói thuốc lá, một hộp bơ, hai hộp thuốc đánh răng, một cái bàn chải và năm chục bạc. Người ta cứu giúp như vậy đó. Tôi đành trở về đây, tôi giúp ông gác quét sân, lau phòng đợi. Sau tôi thành người bán máu".
Tân ngừng lại một lúc, Tân hỏi:
"Anh uống nước không, để tôi lấy cho anh".
Tôi chưa kịp trả lời Tân đã đứng lên đi vào trong nhà người gác, lúc sau Tân mang ra đưa cho tôi một ly nước trà nóng và một miếng bánh mặn, Tân cũng cầm bánh mặn ăn. Trước mặt tôi là một khoảng đất trống cách tường với dãy nhà nội thương, một dãy cây bàng cao mùa lạnh đã làm trụi lá, thân cây già mốc mếch, dọc theo lối hiên có một hàng cây thấp được cắt xén ngay ngắn, tôi nói:
"Anh chịu đựng gì được mãi, tôi trông anh xanh lắm, anh không thể làm gì khác sao?"
"Anh bảo tôi làm gì? Tôi ăn uống mấy ngày thì lại người, tôi sẽ có máu mới, tôi biết tôi yếu dần đi nhưng tôi chưa chết được. Người ta trả tiền tôi để tôi nuôi máu. Đâu cũng vào đấy. Tôi được sống mà người ta cũng sống, tôi nghe nói người ta cho máu nhiều còn được tặng huy chương, giấy ban khen nữa, tôi không cần những thứ ấy, tôi cần tiền. Anh cũng biết trong bệnh viện này không có máu tích trữ, nhiều trường hợp chết vì vậy; chiến tranh nhiều bệnh nhân lắm, có tiền nhiều khi cũng không có máu, vì có nhiều loại máu không có. Có bao giờ tôi nghĩ được rằng tôi có một thứ để bán mà nuôi sống mình đâu. Tình cờ, hoàn toàn tình cờ. Tối hôm ấy đã hơi khuya, xe cấp cứu mang đến một người, người ta la lên kêu mở cửa trong khi ông gác còn kiếm gì đó, tôi ở ngoài vội đi mở hộ cửa, rồi tôi phụ với người ta mang bệnh nhân vào, một người đàn ông đứng tuổi bị tai nạn xe hơi, nặng phải giải phẫu, mất nhiều máu mà trong nhà thương thì hết rồi, chợt ông bác sĩ thấy tôi, ông hỏi tôi loại máu nào, tôi nói loại E, ông có giúp người ta không, người vợ bệnh nhân năn nỉ tôi cứu mạng chồng bà ta, tôi nói nếu cứu được tôi không tiếc, lúc đó tôi đâu nghĩ tới tiền bạc gì, tôi thấy tội nghiệp nên tôi giúp họ. Người kia được cứu sống, người ta trả tôi một số tiền lớn vì họ là người giàu. Tất nhiên tôi cần tiền, đã bao lâu rồi tôi đâu biết tiền bạc là gì, tôi sống nhờ vào những thứ ăn thừa trong nhà thương. Tôi có một món tiền và từ đó chờ đợi người ta cần tới tôi, cứ như thế, người ta cho tiền, tôi có máu và bán một cách không chính thức, khi nhiều khi ít, tôi nghĩ tới một lúc tôi không còn một giọt máu trong người sau khi một lần cứu sống ai đó, tôi lăn ra chết là xong, chắc lúc đó cũng không ai nghĩ đến chuyện tiếp máu cho tôi nữa. Thật tức cười… mọi người đều sung sướng, đều có tương lai trừ tôi".
Tôi ngó vào mắt Tân:
"Anh chắc mọi người đều sung sướng? Tôi không tin, mỗi người một hoàn cảnh, có lẽ anh nghĩ tôi sung sướng?"
"Ít nhất anh cũng không như tôi, ốm có người thăm, có người tiếp tế, rồi có chỗ để về, có giường để ngủ, có nhà để ở".
Tôi đứng lên rủ Tân đi dạo, Tân nói hôm nay mệt, không muốn đi dạo, Tân hỏi:
"Chắc anh cũng sắp ra nhà thương?"
"Bác sĩ chờ coi cái mắt cho tôi đã, tôi cũng chưa biết tôi về đâu".
"Thế gia đình anh?"
"Có gia đình nhưng tôi không còn cha mẹ. Có chỗ để về nhưng không phải là chỗ tôi muốn về. Tôi đã nói với anh; mỗi người có một hoàn cảnh. Anh có quê mà không muốn về, tôi có nhà mà không phải là nhà để về. Gần giống nhau. Lúc nào anh lên phòng tôi chơi".
Tôi trả cái cốc không lại cho Tân rồi trở lại nơi sân bệnh viện. Trời lạnh se se. Tôi nghĩ tới Hiền, tới Vịnh, hắn đã đi chưa, có chỗ nào cho người ta tới nữa. Trương ra sao. Tôi ngồi nơi ghế đá mãi tới lúc trời nhá nhem mới lên phòng. Tân đang tự tử dần, rồi Tân sẽ chết. Tôi có thể giúp gì cho Tân? Tôi tự mỉm cười chua chát với chính mình, tự tôi cũng không giúp gì được tôi còn nói chi tới người khác. Trong đêm tôi đứng trên bao lơn ngó xuống tôi thấy mịt mùng, chừng như tôi bị giam vào một nơi hoàn toàn cô lập. Chiến tranh còn kéo dài tới bao giờ. Tôi nghĩ tới mẹ Vịnh, mẹ của Tân, những giọt nước mắt cho những đứa con của họ. Nếu tôi có một phép lạ…
Tôi ở trong nhà thương hết ngày thứ 22 thì trở ra, buổi sáng tôi đi cám ơn bác sĩ, người trưởng phòng, cô y tá, chào mấy người bạn cùng phòng. Tôi có xuống tìm Tân nhưng không gặp. Tám giờ hơn tôi rời khỏi bệnh viện. Tôi thuê xe xích lô về nhà. Tôi thấy phố xá như cao rộng và vui hơn những ngày tôi còn ở nhà. Tôi thấy không khí thoáng mát nhẹ nhàng, thoát hẳn mùi thuốc nhà thương.
Xe đỗ trước cửa nhà, những đứa em đang chơi trong sân nhìn thấy reo lên. Tôi xoa đầu chúng rồi bước vào nhà, tôi gặp ông tôi, tôi nói một giọng từ tốn: ông vẫn mạnh. Tôi vào trong chào thím tôi, đứa ở trong nhà cuống quít khi thấy tôi về, tôi hỏi thím: Hùng đâu thím; thím tôi nói không rõ ràng, tôi leo lên gác, bụi bậm bám đầy. Tôi muốn rời khỏi căn nhà này, tôi thấy rõ tôi xa lạ. Tôi thay quần áo rồi xuống hàng Bè tìm Trương. Không khí tết vẫn còn phảng phất. Trương đi vắng, tôi viết lại mấy chữ rồi đến tìm Vịnh. Vừa bước chân vào khỏi cửa thì gặp chị Huệ mới đi chợ về sắp nấu cơm. Chị ngạc nhiên khi thấy tôi, nhìn lên miếng băng trên nửa mặt, chị hỏi:
"Làm sao vậy Ngạc?"
"Em gặp tai nạn".
Tôi ngồi xuống ghế kể lại câu chuyện cho chị Huệ nghe, tôi thấy có lúc chị nhíu lông mày, lúc sau chị nói, giọng cảm động:
"Vịnh ra ngoài rồi".
Tôi lặng đi. Tôi mất Vịnh, tôi hỏi về bà cụ, chị nói đẻ chị đi chùa. Chị Huệ nói:
"Vịnh đi nhà vắng, chị và đẻ chẳng muốn làm gì. Sao Ngạc không giữ Vịnh ở lại".
"Làm sao được, chính khi Vịnh đi em cũng không biết nữa".
Tôi nói với chị cho tôi ở lại ăn cơm, tôi vào phòng của Vịnh ngồi vào bàn và lục lọi không sách vở ở đó. Tôi thấy nhớ Vịnh trong không khí vắng lặng bao quanh. Vịnh đã đi, nhưng Vịnh có hài lòng? Có thực là tôi hư vô, nhưng trong một thực trạng như thế này, sống trong những gò ép làm mất đời sống tôi còn biết lấy gì để tự vệ nếu tôi không hư vô?
Mẹ Vịnh trở về thấy tôi, bà chảy nước mắt cảm động:
"Mặt cháu làm sao thế? Vịnh nó đi rồi cháu biết chưa? Những ngày tết bác mong cháu xuống mà không thấy. Tại sao cháu không khuyên Vịnh ở lại. Bác chỉ còn mình nó".
Tôi phân trần ít nhiều, tôi thấy tôi vụng về, tôi nói khiến cho mẹ Vịnh chừng nhiều lúc không hiểu ý tôi định nói; đó là những điều liên quan đến chúng tôi, đến cách lựa chọn của Vịnh, bà mẹ ngồi giã trầu nghe tôi nói, tôi nói tôi sẽ cố tìm cách liên lạc với Vịnh và nói Vịnh trở về, tôi biết tôi nói rồi không đi đến đâu, tôi còn không thuyết phục nổi chính tôi nữa. Sau bữa cơm tôi hỏi chị Huệ:
"Chị có thấy chỗ nào cho thuê nhà không? Một phòng nhỏ hay một căn gác cũng được".
"Em thuê nhà cho ai vậy?"
"Cho em".
"Em không ở nhà nữa sao?"
"Em muốn ở riêng, bây giờ ở nhà em cũng không giúp được gì, những đứa em đã lớn".
Suy nghĩ một lúc, chị Huệ nói:
"Hay là em xuống ở đây với chị, Vịnh đi nhà cũng vắng, đẻ chị cũng định cho thuê bớt nhà, nhất nữa nhà vắng không có đàn ông. Ở đây cũng yên tĩnh, chị đi chợ cả ngày, chỉ có đẻ chị ở nhà em có thể học được, trong nhà toàn người lớn cả, em thấy thế nào".
"Nếu được thế còn gì bằng, em tính đi làm nhưng em không muốn đi dạy, em không muốn phiền ở nhà nữa".
Ngay buổi chiều tôi rời khỏi căn nhà đầy những kỷ niệm ngày cũ. Tôi thấy tôi phải thay đổi. Tôi biết tôi đã lớn, tôi cần tìm cho mình quyết định để tự chứng tỏ. Tôi thu dọn đồ đạc rồi mới nói chuyện với thím. Thím khóc. Thím nói chờ chú về nói với chú, bây giờ cháu đi thím mang tiếng và chú sẽ cho thím đã ăn ở một cách không phải cho nên cháu đi. Tôi cảm động không biết phải nói sao. Mãi sau tôi mới nói được với thím, tôi nói tôi sẽ biên thư cho chú rõ về việc này, tôi phân trần với thím là tôi coi thím như mẹ tôi, tôi đã nhờ cậy chú thím không biết bao nhiêu, cháu đi là có lỗi với chú thím, nhưng cháu không thể ở lại được. Mãi sau thím mới nói:
"Thôi bây giờ cháu đã lớn, cháu muốn làm gì thì làm, nhưng thật cháu không có gì buồn chú thím chứ".
"Thưa thím cháu thưa với thím rồi, không bao giờ như thế cả".
Tôi biết tôi sắp rời khỏi một nơi mà tôi sẽ không bao giờ còn muốn trở lại nữa. Tôi muốn có một mái nhà đúng với nghĩa một mái nhà để sống nhưng tôi chưa có, tôi muốn tìm cho tôi một mái nhà. Tôi không muốn mình là một người lạ, một người khách, tôi không muốn sống trong một căn nhà và tưởng mình đang ở ngoài đường. Tôi xoa đầu những đứa em, chúng khoanh tay trước ngực, tôi nói tôi sẽ về thường, phải ngoan nghe lời mợ không được quấy, tôi thấy chúng hiền từ hơn nhiều những ngày trước, chúng cũng như lớn hơn nữa. Chúng nghe tôi nói một cách chăm chú. Tôi quay ra ngoài nơi ông tôi đang ngồi trên phản, tôi có ý tìm thằng Hùng nhưng không thấy, tôi nói:
"Tôi không còn ở lại nhà nữa, tôi nghĩ là nên nói với ông dù tôi nghĩ rằng ông cũng mong cho tôi không có mặt ở đây. Bố tôi đã không làm ông vui lòng, tôi là cháu cũng không làm gì được cho ông vui lòng. Bây giờ thằng Hùng nó ở nhà mong nó giúp được ông, và như vậy ông có thể để cho nó hưởng gia tài này và nó thờ cúng ông. Tôi đi khỏi đây".
Tôi vừa nói vừa nghe như máu dồn lên cổ. Ông tôi ngó lên dáng ngạc nhiên.
"Mày bỏ không ở lại nữa sao. Mày đi đâu?"
"Vâng tôi không thể ở lại, mong ông hiểu cho, thật tôi cũng không muốn".
Tôi không ngờ ông tôi còn hỏi tôi như thế, lâu lắm tôi mới nghe thấy tiếng ông nói. Chợt tôi thấy tôi thương ông hơn. Tôi mang đồ đạc ra ngoài chờ xe thì thấy Hùng về, nó có vẻ ngơ ngác khi nhìn thấy những đồ đạc của tôi, nó cúi mặt chừng như lo sợ, nó không nói gì, tôi cũng lặng thinh.
Xuống ở dưới nhà Vịnh được hai ba ngày sau, tôi thu xếp chỗ làm việc, soạn lại đồ đạc yên tâm rồi tôi xuống tìm Trương. Trương nhìn tôi sửng sốt, tôi nói tôi đã xuống ở dưới nhà Vịnh, tôi nói tự tử nhưng không chết. Trương bảo: Cậu mà dám tự tử. Tôi hư vô phải không? Tôi nói chuyện tai nạn cho Trương nghe. Trương nói:
"Thằng Vịnh vừa đi thì mình được tin thằng Trịnh, nó mới ở ngoài vào. Sốt rét nó hành cho không cựa được".
Tôi nói:
"Ít ra nó cũng mang được xác về".
Tôi hỏi tin tức về Thu, Trương buồn bã:
"Coi như nó đã chết".
Chúng tôi trao đổi với nhau những tin tức, cùng những biến chuyển thời sự, chúng tôi không biết rằng mình rồi sẽ ra sao? Sau chúng tôi rủ nhau xuống thăm Trịnh, Trương nói hắn ở mãi ngoài Ngọc Hà.
Nhà Trịnh ở nhờ mãi phía sau trại con gái, căn nhà tôn thấp nghèo nàn, cùng những căn nhà lá chen chúc nhưng rất đông người chừng như đều là gia đình những quân nhân trú đóng ở đó, chúng tôi vào trong căn nhà tối tăm và ẩm ướt. Trịnh đắp chăn kín mít nằm trên một cái giường vải, Trương lên tiếng. Trịnh thò đầu ra khỏi chăn nhìn chúng tôi lúc sau mới nhận ra tôi, Trịnh mỉm cười tỏ dấu chào rồi ngồi dậy. Trông Trịnh xanh mướt như tàu lá, tóc như rụng thưa đi, đôi mắt trũng sâu, Trịnh bắt tay tôi rồi ngồi thu lại một đầu ghế nhường chỗ cho chúng tôi. Trịnh hỏi tôi việc học hành, tình cảnh, tôi nói thật tệ hại chúng tôi ôn lại những kỷ niệm ngày cũ, nhắc lại chuyện bỏ ra ngoài đó, dáng Trịnh buồn bã thất vọng, tôi nói không còn Vịnh ở đây. Trịnh nói:
"Cho nó tan ảo mộng, đó là một điều hay để không còn phải thắc mắc nữa, ít ra cũng được ăn rau tàu bay, nhưng kinh nghiệm hơi đắt. Ở đây thì bẩn nhưng còn được một chút cá nhân không ai động chạm đến tàn tệ, đi trại cải tạo tư tưởng thì chắc là toi mạng, mình có thể chịu những hình phạt vật chất nhưng không thể chịu được những hình phạt tinh thần".
Tôi hỏi:
"Về đây định làm gì?"
"Viết".
Trịnh vốn theo đuổi văn chương từ lâu, nhưng công việc ấy Trịnh chưa bao giờ khởi đầu vì những xáo trộn khiến Trịnh muốn hoạt động, muốn sống, sống tranh đấu một cách thật sự, lúc trước Trịnh đã chọn ra ngoài để rồi bây giờ trở về. Tôi thấy tôi được yên tâm phần nào về những điều Trịnh nói, ít nhất để tôi thấy rõ Vịnh đã nhầm.
Từ giã miền ngoại ô náo động trở vào cơ quan đi ngang qua một nhà thờ Tin lành, giờ hành lễ vừa tan, tôi lẫn vào trong giữa những con chiên, nhưng khi về đến khu vườn hoa Canh Nông thì chúng tôi chỉ còn lại hai đứa. Tôi nhìn lên cột cờ cao, trời xanh muốt. Tôi nghe tiếng kèn nghỉ trong một trại lính, tôi nhớ Hiền lúc ấy, tôi nghĩ có lẽ Hiền đã chết, điều này làm tôi đau đớn.