Tuổi nước độc

Chương 5

Những ngày buồn nản trôi qua. Trong kỳ thi tôi đủ sức để đỗ, không có xúc động gì.

Trong đêm thứ Bảy cảnh sát và lính Tây đi khám sổ gia đình vào lúc hai giờ sáng. Tôi trình thẻ cho viên đội cảnh sát rồi cứ ngồi im ở giường. Tụi lính lục tung sách vở và báo chí của tôi một lúc rồi mới rút lui trả lại căn gác sự im lặng mỗi đêm.

Hôm sau tôi tới tìm Trương, gặp Vịnh, tôi bảo:

"Không hiểu chúng ta còn phiêu lưu vào tương lai như thế nào?"

Vịnh dằn giọng nói chắc nịch:

"Khi sống thì đừng suy nghĩ - vì như vậy sẽ không dám làm gì. Sách vở mãi tự tử còn hơn. Nhất là cái bã tư bản nó nhồi vào sọ làm mụ mẫm cả người ra".

"Sự thật có lẽ cậu không hiểu. Chính chúng ta đang tự tử. Có chăng là chọn cách tự tử như thế nào".

Tôi thu đời sống giữa những bức tường, không khí chiến tranh vây phủ trong thành phố. Tôi chưa hiểu rồi những ngày tới tôi sẽ làm gì.

Những ngày sau đứa em nhỏ lại khá hơn những ngày trước. Trong những ngày tôi không mong mỏi chờ đợi gì thì chú tôi lại trở về.

Những đứa nhỏ chạy ra vòng tay, chú tôi vào hỏi ông tôi.

"Ông vẫn thường".

"Ừ, sao nhắn mấy tin con mới về".

Chú quay sang tôi.

"Sao?"

"Cháu vừa đỗ và không biết làm gì".

Chú tôi bỏ va ly lên sập rồi chạy vào giường đứa bé. Chú ngồi xuống bên cạnh rồi bế nó lên lòng. Thím tôi kể lể những nỗi chờ mong. Tôi nói:

"Em bị sưng phổ, bác sĩ bảo thế nhưng chữa mãi cũng không thuyên giảm gì nên cho ở nhà chờ chú. Thế rồi mấy ngày về sau nó lại khá hơn".

Chú tôi ủ đứa con rồi gật gật ra ý hỏi nó. Nó nhìn lâu, có lẽ thấy khuôn mặt lạ nên mếu sệch mồm nhưng không khóc thành tiếng. Chú vội đưa thím bế rồi trở ra ngoài.

Sự có mặt của chú tôi trong gia đình làm cho không khí đổi đi một chút - ông tôi vì nể mặt đứa con cũng bớt chửi bới mỗi buổi chiều. Tôi không đánh hay mắng những đứa em nữa. Tôi nghĩ đến sự có mặt của một người cha bên con cái là sự cần thiết hơn hết cho sự giáo dục chúng.

Tôi nằm ở trên gác cả ngày, đến bữa ăn cơm mới ở trên xuống. Chú tôi hỏi về những việc vặt vãnh trong gia đình, tôi đều không biết gì để trả lời.

Ông tôi đau trở lại. Chú tôi hỏi:

"Mấy ngày trước đây ông bị bệnh gì?"

Tôi lúng túng vì tôi nào có hỏi han gì đến ông bao giờ mà biết. Tôi chỉ biết ông tôi ốm thì kêu ông lang Canh đến hốt thuốc cho đứa ở nó sắc cho ông tôi uống thế thôi. Tôi nói nhỏ trong miệng:

"Cháu không biết".

"Cái gì cũng không biết. Ông nội ốm cũng không hề hỏi han gì đến. Chú có cảm tưởng rằng cháu là khách ở trong nhà này".

Tôi không nói nửa lời. Chú tôi đưa đứa nhỏ đi bác sĩ Thân và mang ông tôi đi khám bệnh nơi một bác sĩ đường Quan Thánh, nhưng ông tôi không đi.

"Cứ gọi ông lang Canh lại đây cho tao".

Bữa cơm tối hôm đó, khi tôi đang ngủ thì đứa ở lên đánh thức. Tôi thấy người hơi ngây ngấy nên bảo nó:

"Tôi không ăn cơm. Chị nói giúp thế".

Nó xuống rồi tôi lại nằm và thiếp đi, khi mở mắt thì thấy gian buồng bật đèn sáng và chú tôi đang ngồi đọc một cuốn sách ở bàn. Tôi mở mắt rồi lại nhắm lại, tôi nằm bất động khá lâu, nhưng sau rốt tôi cũng ngồi dậy lẳng lặng ra đứng nơi ô cửa sổ ngó sang một căn nhà đổ bỏ hoang nằm ở đằng sau, bóng tối nằm im ở nơi đó. Chú tôi cất tiếng hỏi:

"Sao không xuống mà ăn cơm, còn phần cơm ở dưới ấy".

Tôi đứng nguyên xoay lưng lại như thế, trả lời:

"Cháu không muốn ăn".

Bầu không khí tôi cảm thấy tức thở và choáng váng nhất là chú tôi đang có mặt ở gian nhà này. Chú tôi vắng mặt tôi muốn từ chối những điều nghĩ về mình, nhưng chú tôi về như bắt tôi phải nhìn vào những sự thực ấy và đòi tôi phải có một thái độ. Chưa bao giờ tôi đặt một vấn đề và đòi giải quyết hay chọn lựa.

"Thế thi xong có định tiếp tục học hay làm gì không? Đi học thì chọn gì?"

"Cháu chưa tính sao - như đã thưa với chú. Nếu tiếp tục cháu sẽ theo ban văn chương - có lẽ thích hợp với cháu hơn".

Tôi ngưng lại một lúc rồi quay lại nhìn thẳng vào chú tôi.

"Có người rủ cháu ra ngoài".

Chú tôi đang giở sách, ngừng ngay lại rồi chú ngửng đầu lên nét mặt đầy nghiêm nghị. Tôi nhận ra mới chỉ trong vòng một năm mà chú đã già hơn nhiều. Đôi mắt đầy vẻ ưu tư và vầng trán những nếp nhăn chồng chất. Đôi má hơi hóp để lộ đôi gò má cao hẳn lên. Tôi nghĩ đến hình ảnh bố tôi và khuôn mặt hao hao trong trí nhớ.

"Ra ngoài".

Chú tôi nói buông thõng rồi lại cúi xuống tiếp tục giở từng trang sách một. Những ngón tay lộ vẻ khó chịu bứt rứt, tôi chắc chú nhìn thấy những hàng chữ chú lật qua:

"Đã suy nghĩ kỹ chưa? Ra ngoài làm gì?"

Tôi lúng túng trong cách trả lời.

"Cháu buồn chán quá, những điều chung quanh vây lấy trí não cháu, cháu không tìm thấy trả lời nào ở đây. Chú bảo cháu phải làm sao? Cháu thấy cháu hình như đang bị kết án. Cháu muốn được hoạt động, muốn vào cuộc… Tại sao chú đã không ở ngoài đó?"

"Họ đã lừa chúng ta, chúng ta thất bại trong kiêu hãnh, chúng ta đã nhầm… Chú thấy chú không làm gì được, chú chấp nhận những điều nhỏ bé. Còn cháu, chú nói thật, đó không phải là con đường để cháu đi. Sau này, người ta sẽ phải làm một cuộc giải phóng rộng lớn, cuộc giải phóng cho tất cả mọi người chống lại tất cả những áp lực, đoàn thể… chú gọi đó là cuộc giải phóng làm thánh hoá con người chứ không phải giải phóng làm nô lệ con người. Tư bản, vô sản… tất cả đã trở thành bọn phản bội tồi tệ nhất…"

Chú có cảm tưởng cháu không được may mắn và có một điều cháu không nói ra: cháu không chịu được tình cảnh gia đình cháu đang sống? Cháu phải chấp nhận nó, nó làm khổ cháu, nhưng cũng chính nó đã cưu mang, nuôi nấng cháu, dù thế nào đi nữa".

"Cháu không muốn là khách trong căn nhà này, nhưng cháu không biết làm gì khác hơn".

Tôi quay người im lặng, lúc lâu tôi không thấy chú nói gì tôi tưởng chú đã xuống, chợt chú tôi hỏi:

"Lâu nay Hùng và Thân có ra không?"

"Có một lần đã lâu, chúng ra ở lại ăn cơm trưa. Thằng Hùng nó than van đủ điều, nó sắp bỏ tu viện".

Tới rất khuya tôi mới thiếp đi được.

Buổi sáng tôi thức dậy khi chuyến xe chạy ngang qua, chuyến tàu thường ngày giữa Hà Nội - Hải Phòng. Những đoàn tàu mỗi ngày một nối dài thêm, những toa tàu đầy quân đội được mang ra dọc con đường số 5.

Những ngày tiếp theo ấy tôi không đi đâu, buổi chiều ngồi bên cửa sổ nhìn người gác cầu vác súng đi đi lại lại chờ đoàn tàu trở về. Có lúc tôi nhớ Hiền, nàng đã ra sao. Tôi nghĩ có thực tôi không yêu Hiền, yêu Hiền nhưng sao tôi không tìm kiếm nàng, không lo toan về nàng. Mất Hiền tôi không mất gì sao? Những kỷ niệm, ngày cũ? Một người bạn thân? Tôi nhớ đến Trương, Trịnh, Thu… Trịnh ra ngoài bây giờ ra sao?

Ông tôi bị đau trở lại, ông không đủ sức ngồi thu tiền, xếp những đồng bạc cho thẳng bỏ vào chiếc hộp nữa, ông thở khò khè như một con mèo ốm. Chú tôi bận rộn lo thuốc thang, ăn uống cho ông, vào những buổi chiều chú tôi bảo tôi ngồi thu tiền thay cho ông tôi. Tôi lặng thinh nghe những lời kè nhè của những người đến trả tiền, tôi đếm tiền bỏ vào chiếc hộp, ghi sổ tiền thiếu tiền đủ vào cuốn sổ. Ông tôi chừng như muốn trở dậy nhưng sức yếu khiến ông không sao ngồi được vững. Tôi thấy thương ông, thương sự khổ sở mà ông tự buộc lấy, tôi cũng muốn nói với ông một ít điều nhưng tôi không tìm ra cách nói sao cho được và không có cơ hội cho tôi có thể nói với ông một cách thân ái. Tôi muốn làm điều này mỗi khi trông thấy chú cặm cụi, ngồi bên đầu giường bưng bát thuốc, hỏi han bệnh tình.

Đứa em nhỏ sau ít ngày đã khá có lẽ vì hợp thuốc, nó muốn chơi đùa, tôi cầm tay nó bảo: "Sao mấy hôm trước tồi thế em?" Tôi thấy thím tôi nhếch mép cười, đã lâu lắm tôi mới thấy thím cười được. Con người thím tôi không bao giờ nhìn thấy một sự vui tươi; chừng như lúc nào cơn bệnh cũng quanh quẩn bên thím và đứa nhỏ, thím không bao giờ than van một điều gì, thím chịu đựng chăm sóc lũ em, trông nom bố chồng. Thím nhỏ bé như một cái bóng bên đời sống của chú tôi, ở thím chỉ có người mẹ mong mỏi hoàn thành bổn phận một người con, một người vợ, một người mẹ mong con cái mạnh khoẻ học hành thành tài và thím an hưởng tuổi già trong cảnh hạnh phúc của những người con.

Thu xếp công việc trong nhà xong chú tôi gọi các con lại căn dặn rồi thu va ly xuống cảng trở lại.

Buổi sáng chú tôi đi, tôi mặc quần áo xách va ly ra ga tiễn chú tôi. Buổi sáng mùa thu hơi lạnh, lúc ngang qua phố tôi mua một ít cốm gói trong lá sen bỏ vào cặp cho chú mang đi ăn dọc đường. Những cuộn mây xám nổi bay trên vòm trời. Sân ga ngổn ngang những hòm gỗ lớn đóng kín và có lính Tây canh gác. Trên mái ngói xám của nhà ga tôi thấy mấy cánh én bay lượn. Tôi hỏi:

"Chú đi khoảng nào chú mới về?"

"Có lẽ phải đến tết hoặc ra giêng chú mới về được. Cháu ở lại ráng trông nom các em giúp thím, quên mình đi một chút, tiếp tục học. Chừng như giữa chú và cháu có một khoảng cách, nhưng chú vẫn cho rằng trên căn bản nào đó cháu đồng ý với chú. Tất nhiên giữa hai lứa tuổi gần nhau nhất chúng ta cũng không dễ gì để hoàn toàn đồng ý với nhau về những vấn đề thực tại như hiện nay. Tất cả chúng ta đang bị khép vào hoàn cảnh khe khắt. Có điều là chúng ta có đủ sức để đi riêng một con đường hay không? Trước khi trả lời chúng ta hãy sống một cách sáng suốt, ngay thẳng… Chắc cháu đồng ý với chú. Hãy đừng coi mọi người là nhà ngục với mình, hãy coi mình là nhà ngục cho kẻ khác, tình liên đới trong cuộc sống chúng ta không thể từ chối được".

"Cháu sẽ liên lạc với chú".

Chuyến tàu trễ nửa tiếng vì có một chuyến tàu đặc biệt chở quân lính chạy trước, vì vấn đề an ninh hành khách bị dồn về một phía. Tôi mang va ly vào sân ga cho chú, quang cảnh náo nhiệt vẻ tao loạn trong những người ra đi với hành lý mang theo. Những tà áo nâu bạc chen lẫn với những tà áo trắng, tiếng trẻ con khóc xen tiếng gọi nhau ơi ới. Khi tàu thét còi chú tôi mới lên tìm chỗ, tàu chạy chú ngó đầu ra ngoài cửa sổ vẫy tôi. Tôi cảm động xao xuyến một cách lạ lùng, điều mà chưa bao giờ tôi cảm thấy thế.

Con tàu thét hồi còi ngắn rồi chuyển bánh mang theo chú tôi, tôi đứng lại vẫy tay và ở đó khá lâu cho tới khi tàu khuất vào khu nhà chợ Cửa Nam. Những cơn gió sớm mai thổi lộng vào sân ga cuốn những giấy vụn, lá chổi bay lên như những cánh bướm ma thốc lên từng đợt và tạo thành những cơn lốc. Phía xa những xe nhà binh đỗ phía sau một hàng kẽm gai, người lính vác súng cắm lưỡi lê đi đi lại lại.

Tôi rời nhà ga không trở về nhà, tôi theo đường Hai Bà Trưng sang khu đại học, khu nhà Tây lặng lẽ, những thân cây mùa thu đứng lặng buồn với cành lá vàng xác xơ. Tôi qua một khoảng đất bỏ hoang. Tới trường tôi tìm đọc những thông cáo cần thiết. Khi trở ra tôi gặp Hợp. Chúng tôi trao đổi những ý kiến về việc chọn môn học, tôi thấy Hợp mừng rỡ khi thấy tôi, sao Hợp có vẻ hồn nhiên trong sáng, không có thắc mắc nào cho Hợp sao. Hợp nói việc học ở đây chỉ có tính cách tạm thời, gia đình đang lo cho Hợp sang Pháp vì cha Hợp cũng là một người giàu có và nhiều thế lực. Hợp rủ tôi đi chơi, tôi nói tôi cũng đang buồn không biết đi đâu. Chúng tôi đi dạo trong hành lang khu giảng đường. Đã lâu rồi tôi không còn nghe thấy tiếng trống trường còn loang vết đạn trên đường cửa Bắc trong những năm trung học, tôi nhớ lại khu sân trường mọc cao cỏ dại những ngày tháng không bao nhiêu âu lo nay đã không còn. Tôi nhắc với Hợp những kỷ niệm cũ không nguôi ấy, Hợp nói rồi mai đây mình còn phải đi xa hơn thế này nhiều mà có trở lại thì cũng đã thay đổi hết, Hợp kết luận gọn gàng: buồn nhỉ. Chưa bao giờ tôi tìm lại được một người bạn hợp tình như lúc đi với Hợp. Hợp bước những bước ngắn, Hợp là con một bác sĩ nha khoa có mở phòng chữa răng ở đường Gia Long. Trong cả năm học rồi tôi chỉ đến nhà Hợp một lần trả cuốn sách học tôi không có phải mượn. Tôi nhớ tôi đi ngang qua nhiều phòng, phòng nào cũng trang trí lộng lẫy theo lối Tây phương, người làm lễ phép dẫn tôi đến phòng học của Hợp, ở đấy tôi được nhìn nhiều sách đẹp giá trị tôi chưa bao giờ biết đến bày trong tủ kính bao quanh gian phòng. Trong phòng có lò sưởi và quạt điện. Hôm ấy Hợp mời tôi uống sữa và ăn bánh tây.

Tôi nghĩ miên man những điều không rõ ràng. Sao Hợp giản dị vậy, cả năm học Hợp cắm cúi vào việc học, kỳ thi nào cũng đứng đầu. Không có thắc mắc nào đặt ra cho Hợp ngoài chuyện nghe theo lời cha mẹ để trở thành một người học giỏi, thi đỗ và có thể ra làm quan. Tôi tự hỏi tại sao không chọn con đường đó của Hợp.

Chúng tôi ngang qua khu nhà Hát lớn trên đó những cột thu lôi mảnh như sợi tóc treo thẳng lên nền trời, chúng tôi xuống phố Tràng Tiền ghé vào xem một phòng triển lãm mở cửa trong phòng thông tin Pháp. Khi tới chợ hàng hoa đầu hồ Hoàn Kiếm, Hợp hỏi tôi bận gì không, tôi nói không, vậy chúng ta đi chơi cho hết ngày. Chúng tôi la cà từ phòng Thông tin đến nhà Thủy tạ, qua hàng Trống, vào chợ Đồng Xuân, lên hồ Tây; buổi trưa chúng tôi vào vườn Bách thảo ăn bánh tôm thay cơm trưa rồi trèo lên ghế của nhà tập kèn ngủ. Gần chiều chúng tôi leo tàu điện trở xuống bờ hồ mua lạc rang bên tháp Báo Thiên bỏ túi vừa đi vừa ăn. Sau Hợp rủ tôi lên hàng Cá ăn chả cá. Trong căn gác nhỏ chúng tôi ngồi nơi bàn ngó xuống đường, mùi chả và mùi thìa là thơm phức thật hấp dẫn. Trước đĩa bún trắng ngần, đĩa rau xanh, chén bát sạch sẽ Hợp và tôi nói đến thú ăn của Tản Đà, hứng trí Hợp ngâm thơ như một ông già. Khi ăn Hợp nói giọng bông đùa: "Thật hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc". Khi đứng lên ra về trong hơi men tôi nói: "Chiến tranh tồi nhỉ", Hợp phụ họa: "Ừ tồi, thật tồi". Khi chia tay, Hợp hỏi địa chỉ tôi, tôi nói không tiện, Hợp lên xe, tôi đi bộ theo lối Cống chéo - hàng Lược về nhà. Những nhà thổ đèn đỏ chói. Tôi nghĩ giờ này chú tôi đã ở Cảng và đang nhớ nhà.