Tu Viện Thành Parme

Chương XX

Docsach24.com
ột đêm vào khoảng một giờ sáng, Fabrice nằm trên bậu cửa sổ, đu đầu qua cái lỗ khoét trên mái che nắng nhìn ngắm các vì sao và cảnh chân trời rộng mở, mà người ta có thể quan chiêm từ trên tháp Farnèse. Anh đưa mắt nhìn bâng qua vùng đồng nội về phía hạ lưu sông Pô và Ferrare, ngẫu nhiên để ý đến một đốm lửa rất nhỏ mà khá sáng hình như phát đi từ một chóp tháp. Fabrice tự nhủ: “Đốm sáng này không thể tìm thấy từ đồng bằng, chiều dày của tòa tháp không để cho người ta trông thấy nó từ dưới thấp. Chắc là một ám hiệu phát cho một nơi xa nào đây”. Thình lình anh nhận thấy đốm sáng ấy cứ hiện ra rồi lại mất đi với những khoảng cách thời gian ngắn. “Một cô thiếu nữ nào nói chuyện với người yêu ở làng bên chứ gì!” Anh đếm được chín lần đốm sáng hiện ra liên tiếp: “Đây là chữ I, anh nói”. Thật vậy, I là chữ thứ chín trong bảng mẫu tự. Sau một lát dừng, lại có mười bốn lần đốm sáng xuất hiện: “Chữ này là N”; rồi một lần nữa: “Đây là chữ A. Ghép lại là từ Ina”.

Anh vô cùng ngạc nhiên vì vui sướng khi chắp những lần đốm sáng xuất hiện liên tiếp, ngắt quãng bởi những lúc ngừng ngắn, góp lại thành câu:

INA NGHĨ ĐẾN AN

Hẳn là: Gina nghĩ đến anh.

Anh trả lời tức khắc bằng cách cho ngọn đèn xuất hiện liên tiếp ở lỗ cửa anh đã khoét:

FABRICE YÊU CÔ

Việc trao đổi tin tức đó kéo dài đến sáng. Đêm ấy là đêm tù một trăm bảy mươi ba của Fabrice, người ta cho biết là từ bốn tháng nay đêm nào người ta cũng phát tín hiệu đến cho Fabrice. Nhưng mà sợ ai cũng trông thấy và hiểu, cho nên từ cái đêm thứ nhất tiếp xúc này, phải bắt đầu giao ước những tín hiệu nói tắt, ba lần đốm sáng xuất hiện liền liền và nhanh chóng chỉ nữ công tước; bốn lần: hoàng thân; hai lần bá tước Mosca; hai lần hiện nhanh tiếp theo hai lần, hiện chậm chỉ việc đi trốn. Hai bên giao hẹn từ nay sẽ dùng bảng mẫu tự tu viện[101] xưa cũ, bảng này đã thay đổi số thứ tự các chữ cái và gán cho chúng nó những số thứ tự tùy nghi, để cho những kẻ tọc mạch không đoán được, chẳng hạn chữ A mang số 10; B số 3; nghĩa là ba lần che đèn liên tiếp là phát chữ B; mười lần là chữ A...v...v.; một lát tối nghĩa là đã hết một từ và sắp bắt đầu một từ khác. Hai bên giao hẹn ngày mai sẽ gặp nhau vào lúc một giờ đêm.

Ngày hôm sau, công tước phu nhân đến cái tháp ở cách thành phố một phần tư dặm ấy. Bà ứa nước mắt khi nhìn thấy những tín hiệu của Fabrice mà trước đây bà nhiều lần tưởng đã chết rồi. Bà tự cầm đèn phát tín hiệu nói với Fabrice: Cô yêu anh, hãy can đảm, chăm sức khỏe, tin tưởng! Tập luyện gân cốt trong buồng, anh sẽ cần đến sức mạnh của đôi tay. Bà tự bảo: “Ta không gặp Fabrice từ buổi dạ xướng của ả Fausta, khi nó xuất hiện ở cửa phòng khách ta trong trang phục người đi săn. Lúc ấy có ai ngờ rồi số phận chúng ta sẽ ra thế này!”[102]

Nữ công tước bảo phát những tín hiệu báo cho Fabrice là anh sẽ được giải thoát Nhờ lượng khoan hồng của hoàng thân (những tín hiệu này, người ta có thể hiểu). Rồi bà trở lại với những lời âu yếm; bà không dứt rời anh được. Chỉ có những lời góp ý của Ludovic, vì anh này có ích cho Fabrice cho nên đã trở thành người tùy tùng của bà - mới có thể khiến bà cắt các tín hiệu khi trời sắp sáng, vì nó có thể làm cho một tên độc ác nào đó chú ý. Cái tin sắp được giải thoát nhiều lần lặp lại khiến Fabrice đâm ra buồn bã vô hạn. Ngày hôm sau, thấy Fabrice buồn, Clélia dại dột hỏi anh vì sao lại buồn.

— Tôi thấy tôi sắp làm cho nữ công tước bất bình lắm.

— Bà ấy đòi hỏi anh điều gì mà anh lại dám từ chối như vậy? Clélia phát sốt vì tò mò, kêu to lên.

— Bà muốn tôi ra khỏi nơi này, đó là điều mà tôi không bao giờ chịu làm.

Clélia không biết đáp làm sao, nhìn Fabrice mà đầm đìa nước mắt. Giá đứng gần nhau mà nói chuyện, có lẽ Fabrice đã được nghe Clélia thú nhận những tình cảm sẽ làm cho anh hết nản lòng sâu sắc như lâu nay, vì nửa tin nửa ngờ. Anh cảm thấy da diết là sống mà không có tình yêu của Clélia, thì cuộc đời chỉ có thể là một chuỗi những đau thương cay đắng hoặc buồn chán không chịu nổi; và nếu chỉ sống để tìm những thú vui anh từng ham thích ngày xưa, khi chưa biết yêu, thì có nhọc công sống làm gì? Mặc dù tự tử chưa thành mốt ở Ý, anh đã nghĩ đến như một lối thoát, nếu số phận chia rẽ anh với Clélia.

Ngày hôm sau, anh nhận được một bức thư dài của Clélia:

“Bạn ạ, bạn phải biết rõ sự thật, từ ngày bạn vào đây, ở Parme lắm lúc người ta tưởng rằng giờ cuối cùng của bạn đã đến. Đúng là bạn chỉ bị xử mười hai năm cấm cố ngục thành, nhưng khốn thay, lại không thể không tin rằng có một sự thù hằn vô cùng mãnh liệt cố đeo đuổi bạn và đã bao nhiêu lần tôi run sợ tưởng bạn đã vì thuốc độc mà trút nợ đời! Cho nên, xin bạn hãy nắm lấy mọi phương tiện có thể có để thoát khỏi nơi này. Bạn thấy vì bạn, tôi đã vi phạm những bổn phận thiêng liêng nhất của tôi. Hãy nghe những điều mà tôi buộc phải liều nói ra - những điều miệng tôi không đáng nói tí nào- mà đoán xem nguy cơ cấp bách như thế nào. Nếu cần thiết phải như thế, nếu không có cách giải cứu nào khác, thì trốn đi. Mỗi phút bạn sống ở ngục thành này là mỗi phút nguy nan nghiêm trọng nhất đối với tính mệnh bạn. Nếu biết rằng ở trong triều, có một đảng phái không ngần ngại phạm tội ác để thực hiện những ý đồ của mình. Và bạn không thấy những dự định của đảng ấy đều bị tài trí hơn đời của bá tước Mosca phá tan hay sao? Mà họ thì tìm thấy một cách chắc chắn để đẩy bá tước rời xa Parme, đó là sự tuyệt vọng của nữ công tước; không phải họ đã biết chắc là cái chết của một anh tù trẻ nào đó sẽ đưa bà đến sự tuyệt vọng ấy hay sao? Cái điều không thể cãi đó phải cho bạn xét thấy tình cảnh bạn chứ? Bạn nói bạn mến tôi? Trước hết bạn nên nghĩ là có những trở ngại không vượt được không cho phép sự trìu mến ấy tồn tại cố định giữa chúng ta. Chúng ta gặp nhau như những bạn trẻ, chúng ta đưa tay ra cứu giúp nhau trong cơn hoạn nạn; số mệnh đặt tôi ở nơi nghiêm lạnh này để xoa dịu nỗi đau khổ của bạn, nhưng tôi sẽ ân hận suốt đời nếu bạn có những ảo tưởng ngăn không cho bạn lợi dụng các thời cơ thuận lợi để cứu sinh mệnh bạn khỏi nơi nguy hiểm kinh khủng này, những ảo tưởng đó không có căn cứ gì hết và cũng sẽ chẳng bao giờ có căn cứ gì. Tôi đã mất sự yên tĩnh tâm hồn khi liều lĩnh trao đổi với bạn một đôi dấu hiệu thân tình; nếu những trò trẻ con sử dụng mẫu tự của chúng ta đưa bạn đến những ảo tưởng ít căn cứ như thế và có khả năng di hại cho bạn đến như thế, thì tôi có viện cái cớ mưu toan đầu độc của Barbone để bào chữa cho mình cũng hoài công. Bởi vì làm như vậy tôi đã tự tay xô đẩy bạn vào một tai họa khủng khiếp hơn nhiều, chắc chắn hơn nhiều, trong khi tưởng cứu bạn thoát khỏi một tai họa trước mắt. Và những việc làm dại dột của tôi sẽ là tội lỗi không bao giờ tha thứ được, nếu nó làm cho bạn có những tình cảm khiến bạn không chịu nghe lời khuyên của nữ công tước. Bạn hãy xem những điều bạn buộc tôi phải nhắc lại thì biết. Bạn hãy trốn đi, tôi ra lệnh cho bạn đấy…”

Cái thư ấy dài lắm. Một đôi đoạn, cũng như câu: Tôi ra lệnh cho bạn đấy mà chúng tôi vừa sao chép, đã đưa đến cho lòng Fabrice những giây phút hy vọng thần tiên. Anh cho là nội dung tình cảm khá âu yếm mặc dù lời lẽ đặc biệt thận trọng. Những lúc khác, anh phải trả cái nợ dốt đặc trong loại chiến tranh này, anh chỉ nhìn thấy một tình bạn trơn trụi, thậm chí một tấm lòng nhân đạo thông thường trong bức thư Clélia.

Vả lại, tất cả những gì cô cho anh biết đều không làm cho anh thay đổi ý định một phút nào: “Dù cho những nguy cơ nàng diễn tả có thật chăng nữa, thì đánh đổi vài nguy hiểm nhất thời để lấy cái hạnh phúc được nhìn thấy nàng ngày ngày đâu phải là quá đắt? Anh biết sống như thế nào đây một khi lại phải trốn lánh ở Bologne hoặc ở Florence lần nữa? Vì đã trốn khỏi ngục thành thì anh không thể hy vọng được phép cư trú ở Parme. Cho dù quận vương có nghĩ lại đến mức phóng thích cho anh đi nữa (điều này khó xảy ra lắm vì anh, Fabrice đã trở thành một phương tiện để cho một phe cánh có thế lực dùng để lật đổ bá tước Mosca) thì anh làm thế nào mà sống ở Parme trong khi bị cách biệt với Clélia bởi tất cả mối hận thù chia rẽ hai phe? Có lẽ mỗi tháng họ gặp nhau một vài lần, gặp nhau tình cờ ở những phòng khách, dù được như vậy thì anh biết nói vói nàng thứ chuyện gì? Làm sao tìm thấy sự thân mật hoàn toàn mà giờ đây mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ anh được hưởng? So sánh với câu chuyện nói bằng chữ cái thì câu chuyện nói ở phòng khách có lý gì? Dù ta phải mua cảnh sống thần tiên này và cái khả năng hạnh phúc duy nhất này bằng một vài sự nguy hiểm nhỏ nhặt thì có hại gì? Và tìm được một cơ hội nhỏ như thế để chứng tỏ tình yêu của ta há không phải cũng là một hạnh phúc hay sao?”

Fabrice chỉ thấy ở bức thư Clélia một dịp để yêu cầu một cuộc gặp gỡ. Đó là mục đích duy nhất và bền bỉ anh ham muốn đạt được. Anh mới nói với cô một lần về nguyện vọng ấy, nói qua thôi, lúc anh mới vào tù và cách hơn hai trăm ngày rồi còn gì.

Có một cách được gặp Clélia dễ dàng: Ông abbé don Cesare tốt bụng cho Fabrice nửa giờ đi dạo trên sân thượng tháp Farnèse mỗi thứ năm trong tuần, vào ban ngày; nhưng những ngày khác, đi dạo chơi như thế thì ai trong thành phố và vùng lân cận cũng có thể để ý và việc ấy sẽ làm liên lụy quan trấn thủ, cho nên chỉ thực hiện vào lúc đêm xuống. Muốn lên sân thượng tháp Farnèse, không có cầu thang nào ngoài cầu thang dùng cho cái gác chuông nhỏ của nhà nguyện, có lẽ bạn đọc còn nhớ cái nhà nguyện trang trí một cách ghê rợn bằng cẩm thạch đen và trắng. Grillo đưa Fabrice đến nhà nguyện và mở cửa cầu thang gác chuông cho anh. Bổn phận của Grillo là phải đi theo Fabrice, nhưng vì đêm đó bắt đầu mát lạnh cho nên anh lính coi tù để một mình Fabrice lên, khóa cửa nhốt anh ta trên gác chuông ấy và trở về buồng ngồi sưởi lửa.

Thế thì một buổi chiều nào đó, tại sao Clélia lại không thể có mặt tại nhà nguyện cẩm thạch đen với cô hầu phòng đi kèm?

Cái thư dài Fabrice viết để phúc đáp thư Clélia được tính toán để đạt cuộc hội kiến ấy. Ngoài ra anh bộc lộ một cách hoàn toàn trung thực và như là việc của kẻ khác tất cả những lý lẽ khiến anh không rời bỏ ngục thành.

“Hàng ngày tôi dám đương đầu với một nghìn cơ hội chết chóc để có cái diễm phúc nói chuyện với cô bằng những chữ cái - mà bây giờ chúng ta sử dụng không một phút nào ngần ngại - thế mà cô lại muốn tôi dại dột tự đày mình đi ở Parme, hoặc có lẽ ở Bologne, thậm chí ở Florence hay sao? Cô muốn tôi đi để xa cô! Cô nên biết rằng sự cố gắng ấy quá sức tôi. Tôi có hứa với cô đi nữa thì cũng vô ích mà thôi, tôi sẽ không giữ được lời hứa đâu”.

Việc yêu cầu một cuộc gặp gỡ đó đưa đến kết quả là Clélia vắng mặt năm hôm liền, trong năm hôm đó, cô chỉ lên chuồng chim vào lúc cô biết Fabrice không thể sử dụng cái cửa con khoét ở mái che nắng. Fabrice thất vọng. Căn cứ vào sự vắng mặt đó, anh kết luận mặc dù có những ánh mắt của Clélia khiến anh nảy sinh những hy vọng viển vông, anh cũng chỉ gây được ở nàng một tình bạn thông thường mà thôi chứ không có tình cảm nào khác. “Đã thế thì ta có thiết gì sống nữa! Quận vương có bắt ta chết, ta càng hoan nghênh quận vương. Thêm một lý do để không rời ngục thành!” Và mỗi tối, anh trả lời những tín hiệu của cây đèn con với một nỗi tởm lợm, chán chường sâu sắc. Nữ công tước tưởng anh đã hóa rồ thực sự, khi đọc thấy, trên bản dịch tín hiệu mà Ludovic mang đến mỗi sáng, những chữ lạ lùng này: “Tôi không muốn trốn đi; tôi muốn chết ở đây!"

Trong năm hôm đầy cay đắng đối với Fabrice đó, Clélia lại còn đau khổ hơn. Cô nảy ra một ý định rất xốn xang đối với một tâm hồn hào hiệp: “Bổn phận ta là phải trốn vào một tu viện ở xa ngục thành; khi Fabrice biết không có ta ở đây nữa - ta sẽ bảo Grillo và tất cả bọn lính coi ngục khác nói với chàng - chàng sẽ quyết định trốn. Nhưng vào tu viện tức là suốt đời không được thấy Fabrice nữa, mà từ bỏ gặp chàng sao đành, khi chàng đã chứng tỏ rằng là những tình cảm có thể có giữa chàng và nữ công tước ngày nay không còn nữa! Có bằng chứng nào về tình yêu cảm động hơn mà một chàng trai có thể cho ta thấy? Sau bảy tháng đằng đẵng ngồi tù làm cho sức khỏe chàng giảm sút nghiêm trọng, chàng lại không chịu lấy lại tự do. Một chàng trai hoa nguyệt, theo kiểu bọn triều thần diễn tả Fabrice trước đây, tất đã hy sinh hai mươi tình nhân để được thoát cảnh tù ngục sớm một ngày thôi! Và có gì mà gã không làm để thoát khỏi một nhà tù mà mỗi ngày thuốc độc đều có thể cắt đứt cuộc sống của gã”.

Clélia thiếu can đảm, cô phạm cái lỗi lớn lao là không trốn vào một tu viện, việc này hẳn đã đồng thời và tự nhiên tạo cho cô một phương tiện đoạn tuyệt với hầu tước Crescenzi. Đã phạm cái lỗi ấy rồi thì phải làm sao cưỡng lại chàng trai dễ mến, hồn nhiên, tình tứ đến thế, một chàng trai liều lĩnh trước những nguy nan kinh khủng, để hưởng niềm sung sướng giản đơn là được nhìn thấy cô từ cửa sổ kia qua cửa sổ nọ? Sau năm ngày dằn vật kinh hồn, chen lẫn những giây phút tự khinh tự bỉ, Clélia quyết định trả lời bức thư trong đó Fabrice cầu xin cái diễm phúc được nói chuyện với cô trong nhà nguyện cẩm thạch đen. Nói cho đúng thì cô từ chối, và từ chối bằng những lời lẽ nghiêm khắc, nhưng cũng từ giờ phút ấy, tâm hồn cô mất hết cả yên tĩnh, lúc nào trí tưởng tượng của cô cũng hình dung ra Fabrice ngộ độc đang ngoắc ngoải. Mỗi ngày năm sáu lần cô đến chuồng chim, cô cảm thấy có cái nhu cầu đắm đuối phải tự mắt mình nhìn thấy chắc chắn là Fabrice hãy còn sống. Cô tự bảo:

“Nếu Fabrice vẫn còn ở trong ngục thành, nếu chàng còn là mục tiêu của mọi điều gớm ghiếc mà cánh Raversi có lẽ đang tổ chức để hại chàng, với mục đích đuổi bá tước Mosca khỏi nội các, thì đó chỉ là vì ta hèn nhát không chịu trốn vào tu viện! Chàng sẽ còn duyên cớ gì để ở lại đây nữa, một khi chàng được biết chắc chắn là ta đã vĩnh viễn rời xa nơi này”.

Cô tiểu thư rụt rè và kiêu hãnh đó đã hạ mình đến nước liều yêu cầu anh lính coi ngục Grillo một điều có thể bị anh từ khước, hơn nữa có thể bàn tán thị phi về hành vi kỳ dị của mình. Cô nhún mình đến mức cho gọi Grillo và giọng run run như phơi trần nỗi lòng thầm kín của mình, cô nói là trong mấy hôm nữa thôi, Fabrice sẽ được tự do, bà công tước Sanseverina đang vận động ráo riết với các hy vọng ấy, cho nên lắm khi cần phải có ngay ý kiến phúc đáp của người tù về một số đề nghị; cô yêu cầu đích thân Grillo cho phép Fabrice khoét một lỗ hổng ở mái che nắng che khuất cửa sổ anh ta, để cô có thể bằng dấu hiệu, thông báo cho anh những điều dặn dò mà mỗi ngày nhiều lần, cô nhận được của Sanseverina phu nhân.

Grillo cười tủm tỉm và khẳng định lòng kính trọng và sự phục tùng của mình. Hắn không nói thêm một lời nào, khiến Clélia thầm cảm ơn hắn vô hạn. Rõ ràng là hắn biết tường tận tất cả những gì đã diễn ra trong mấy tháng nay.

Anh lính ngục vừa ra khỏi thì Clélia làm ngay dấu hiệu đã giao hẹn để gọi Fabrice trong những dịp trọng đại; cô thú thật tất cả những việc cô vừa làm Cô nói thêm: “Anh muốn chết bằng thuốc độc ư? Tôi mong một ngày kia có đủ can đảm xa rời bố tôi để trốn vào một tu viện xa xôi nào, đó là điều mà tôi có bổn phận phải làm vì anh; tôi hy vọng lúc ấy anh sẽ không chống lại những kế hoạch người ta đề nghị với anh để giải thoát cho anh; anh còn ở đây thì tôi còn những giờ phút lo ngại gớm ghê và phi lý; cả đời tôi chưa hề làm liên lụy đến ai, mà ngày nay thì tôi tưởng như chính vì tôi mà anh sẽ gặp nạn. Chỉ nghĩ như vậy thôi về một người hoàn toàn xa lạ đủ làm cho tôi thất vọng, huống hồ đối với một người bạn, anh hãy phán đoán xem tôi cảm thấy thế nào khi tôi hình dung người bạn tôi trong lúc này đang quằn quại giãy chết, một người bạn mà tính gàn dở khiến tôi khôn xiết phiền lòng, nhưng dẫu sao, vẫn là một người bạn mà tôi thấy mặt hàng ngày từ bao nhiêu lâu rồi. Một đôi khi tôi cảm thấy cần được tự anh cho biết là anh hãy còn sống.

Chính vì muốn tránh nỗi đau đớn ghê gớm đó mà tôi vừa hạ mình đến mức cầu xin ân huệ ở một kẻ dưới, hắn có thể từ chối và giờ đây còn có thể phản tôi. Nhưng không sao, có lẽ tôi sẽ sung sướng nếu nó đến tố giác với cha tôi; nếu mà thế thì tôi đến tức thời ở một nhà tu kín, tôi sẽ không còn là kẻ tòng phạm miễn cưỡng trong những chuyện điên rồ ác nghiệt của anh. Tuy nhiên hãy tin tôi, tình trạng này không thể kéo dài nữa, anh phải vâng lệnh nữ công tước. Anh đã vừa lòng chưa hỡi anh bạn bạc ác? Chính tôi lại vật nài anh phản cha tôi!

Anh hãy gọi Grillo, cho hắn một cái gì."

Fabrice si tình quá cho nên một biểu thị đơn giản nào của ý chí Clélia cũng làm cho anh vô cùng lo ngại, bởi vậy cái điều lạ lùng mà anh được thông báo đó cũng không đủ làm cho anh tin chắc là Clélia yêu anh. Anh gọi Grillo đến, đền công cho anh ta một cách hào phóng về những sự giúp đỡ đã qua, và nói về tương lai cứ mỗi một ngày anh ta để cho Fabrice sử dụng cái lỗ khoét ở mái che nắng, thì anh sẽ được biếu một đồng sequin. Grillo lấy làm thích thú với những điều kiện ấy.

— Tôi muốn lấy tình thật mà thưa hết với ông lớn; ông lớn có chịu khó ăn thức ăn nguội hàng ngày được không? Có một cách rất dễ để tránh thuốc độc. Nhưng tôi yêu cầu ông lớn giữ hết sức kín, một người coi ngục phải nhìn thấy hết và không được đoán gì hết v.v… Tôi sẽ có nhiều chó chứ không phải chỉ có một, và tự ông, ông hãy cho chúng nếm trước tất cả những món mà ông định ăn; còn về rượu vang thì tôi sẽ trao rượu của tôi cho ông lớn, ông chỉ nên dùng những chai rượu mà tôi đã uống. Nhưng nếu ông lớn muốn hại tôi vĩnh viễn, thì chỉ cần ông lớn bộc bạch chính những chi tiết này với tiểu thư Clélia; phụ nữ bao giờ cũng là phụ nữ; nếu ngày mai tiểu thư bất hòa với ông lớn thì ngày kia, để trả thù, cô ấy sẽ thuật hết những trò này với ông bố, cái thú vui thấm thía nhất của ông này là tìm được cớ để treo cổ một chú lính canh ngục. Sau Barbone, ông có lẽ là con người độc ác nhất trong thành lũy này, và đó là mối nguy cơ thực sự cho vị trí của ông lớn, ông ta biết sử dụng thuốc độc, ông lớn hãy yên trí như vậy, và ông ta sẽ không tha thứ cho tôi về cái sáng kiến có đến ba bốn con chó nhỏ.

Một buổi hòa tấu ban đêm lại diễn ra. Bây giờ thì Grillo trả lời tất cả những câu hỏi của Fabrice; tuy nhiên anh ta cũng tự dặn lòng phải cần cẩn thận đừng làm lộ chuyện của Clélia; anh cho rằng mặc dù sắp lấy hầu tước Crescenzi, con người giàu nhất nước Parme, tiểu thư Clélia cũng cứ tình tự như thường với đức cha Del Dongo đáng yêu, trong điều kiện các tường thành nhà ngục cho phép. Anh ta đang trả lời những câu hỏi cuối cùng của Fabrice về buổi hòa tấu, thì bỗng nhiên buột miệng nói thêm: “Hình như ông ấy sắp cưới tiểu thư đến nơi”.

Hãy tưởng tự xem hậu quả của câu nói gọn lỏn ấy đối với Fabrice. Đêm ấy anh chỉ trả lời những tín hiệu của cây đèn bằng một câu báo tin anh ốm. Sáng hôm sau, mới mười giờ, Clélia vừa đến chuồng chim, Fabrice đã dùng một giọng lễ phép long trọng, rất mới lạ giữa hai người, mà hỏi tại sao cô không nói thẳng cho anh biết cô đã yêu hầu tước Crescenzi và sắp lấy hầu tước.

“Là vì tất cả những cái ấy đều không đúng!” Clélia trả lời một cách bực dọc. Cũng phải nhận là những câu trả lời sau không được rõ ràng và dứt khoát như vậy nữa. Fabrice lưu ý Clélia về điều ấy và lợi dụng cơ hội để lại yêu cầu một cuộc hội kiến. Clélia thấy Fabrice nghi ngờ lòng trung thực của mình nên nhận lời ngay, tuy vậy lưu ý Fabrice là làm như thế nàng thấy mãi mãi xấu hổ với Grillo… Buổi chiều đó khi trời đã tối hẳn, Clélia đến nhà nguyện cẩm thạch đen, có cô hầu phòng đi theo; cô dừng lại ở giữa nhà, bên cạnh ngọn đèn chong; cô hầu phòng và Grillo lùi lại sau ba mươi bước, đứng gần cửa, Clélia run lẩy bẩy, cô đã nghĩ trước một bài diễn văn đẹp đẽ, mục đích của cô là không thú nhận điều gì ràng buộc lòng mình, nhưng lôgic của tình yêu lại có tính chất bức bách; lòng thiết tha ham muốn tìm biết sự thật không cho phép cô nể nang phù phiếm, đồng thời sự tận tâm hoàn toàn của cô đối với người yêu cũng đánh tan mối lo làm mếch lòng chàng, về phía Fabrice, thoạt đầu anh lóa mắt vì sắc đẹp của Clélia; từ ngót tám tháng nay anh chỉ được nhìn tận mặt những tên lính coi tù. Nhưng rồi cái tên của hầu tước Crescenzi làm anh trở lại căm giận, nỗi căm giận càng tăng khi anh thấy rõ ràng là Clélia chỉ trả lời với một sự nương nhẹ thận trọng; chính Clélia cũng hiểu cô làm tăng thêm chứ không đánh tan được ngờ vực. Cái cảm tưởng ấy khiến cô rất đau lòng, ứa nước mắt và hầu như giận dữ, cô nói:

“Có phải anh sung sướng lắm vì đã khiến cho tôi vượt qua hết những nề nếp tôi cần giữ đối với bản thân tôi hay không? Cho đến ngày 3 tháng tám năm ngoái, tôi cảm thấy chỉ muốn xa lánh những người đàn ông tìm cách làm cho tôi mến ưa. Tôi khinh bỉ vô hạn và có lẽ quá đáng tính cách của các triều thần, cái gì đắc ý ở triều đình này tôi đều không ưa thích. Trái lại, tôi tìm thấy những đức tính đặc biệt ở một người tù bị đưa tới ngục thành này ngày 3 tháng tám. Tôi cảm thấy tất cả nỗi dày vò của lòng ghen tuông, mà lúc ban đầu tôi không biết. Những nét kiều diễm của một phụ nữ xinh đẹp mà tôi biết rõ, là những nhát dao đâm vào tim tôi, bởi vì tôi đã tin, và bây giờ hãy còn tin chút ít, là người tù đó quyến luyến người phụ nữ ấy. Rồi thì hầu tước Crescenzi, trước đã ngỏ ý dạm tôi, bấy giờ càng đeo theo quấy riết; hắn ta giàu lắm mà bố con chúng tôi thì nghèo xơ; tôi thanh thản từ chối, chẳng có chút luyến tiếc nào, cho đến lúc cha tôi nói lên cái tiếng tu viện ác hại. Tôi hiểu rằng nếu tôi rời bỏ ngục thành thì không thể chăm lo cho tính mệnh của người tù mà tôi quan tâm đến số phận. Cái công quả lớn nhất trong những biện pháp đề phòng của tôi là, cho đến lúc ấy, anh ta không hề nghĩ rằng có những nguy hiểm ghê gớm đe dọa tính mệnh anh ta. Tôi tự hứa là sẽ không phản cha tôi, cũng không để lộ bí mật của tôi. Nhưng người phụ nữ có một năng lực đáng phục, một trí tuệ cao cả, một ý chí ghê gớm, người phụ nữ ấy che chở cho anh tù kia, người phụ nữ ấy hình như đã hiến cho anh tù những phương tiện trốn đi mà anh từ chối, và anh muốn làm cho tôi tin rằng anh không chịu rời bỏ ngục thành để khỏi phải xa tôi.

Lúc ấy tôi phạm một sai lầm lớn, tôi dằn vặt nghĩ lui nghĩ tới trong năm hôm; đáng lẽ tôi phải rời bỏ ngục thành, trốn ngay vào tu viện, hành động ấy hẳn đã cung cấp cho tôi một cớ quá giản dị để cắt đứt với hầu tước Crescenzi. Thế mà tôi không có can đảm rời bỏ ngục thành và tôi đã trở nên một đứa con gái hư hỏng; tôi quyến luyến một chàng trai phù phiếm, tôi biết ngày tôi ở Naples chàng đã xử sự như thế nào, và tôi có lý do gì đâu để tin là tính tình chàng đã thay đổi! Bị nhốt trong một nhà ngục nghiêm lạnh, người ta săn đón người phụ nữ duy nhất mà người ta nhìn thấy, người phụ nữ đó chẳng qua là một trò giải trí cho người ta trong cảnh buồn chán mà thôi. Vì phải vượt một số khó khăn nhất định mới chuyện trò được với người phụ nữ ấy, cho nên trò chơi kia đội lốt một tình yêu đắm đuối. Người tù ấy đã được xã hội biết đến tên tuổi vì lòng dũng cảm của mình, người tù ấy nghĩ rằng phải chứng minh tình yêu của anh ta là một cái gì sâu sắc hơn là một sự vui thích nhất thời, bằng cách liều lĩnh xông pha những hiểm họa khá lớn để tiếp tục gặp gỡ con người mà anh ta tưởng mình yêu. Nhưng khi anh đã ở một thành phố lớn, giữa những cám dỗ của xã hội, anh ta sẽ trở lại là con người của ngày nào, một con người của phòng khách, quen nết kiêu xa, hoa nguyệt và người bạn gái tội nghiệp của những ngày tù đành phôi pha kiếp sống thừa trong một nhà tu kín, không được con người phù phiếm kia nhớ tới, lòng riêng ôm mối hận chết người trót đã giải tỏ ruột gan!”.

Bài diễn thuyết lịch sử ấy, mà chúng tôi chỉ trích dẫn mấy nét chính, đã bị Fabrice chặn lại đến mươi lần, như chúng ta có thể đoán biết. Anh yêu đắm đuối cho nên anh tin tuyệt đối rằng trước khi gặp Clélia, anh chưa hề yêu và số kiếp của anh là sinh ra chỉ để sống với Clélia.

Chắc các bạn cũng tưởng tượng được những lời tốt đẹp mà Fabrice đã nói. Vừa lúc ấy, cô hầu phòng đến báo với cô chủ là đồng hồ vừa đánh mười một giờ rưỡi xong và quan tướng sắp về. Cuộc chia tay rất là đau đớn. “Tôi được nhìn thấy anh lần này có lẽ là lần cuối, Clélia nói với anh tù. Cánh Raversi có thể, rõ rệt là vì quyền lợi của chúng, cung cấp cho anh một biện pháp độc ác để chứng tỏ anh không phải là người thay lòng đổi dạ”. Clélia nghẹn ngào rời Fabrice trở về, xấu hổ chết được vì không thể che giấu hết những tiếng khóc nấc của mình trước mặt cô hầu phòng, nhất là anh lính coi ngục. Một cuộc gặp gỡ chuyện trò thứ hai chỉ có thể diễn ra khi nào quan tướng báo tin sẽ dự một cuộc tiếp khách buổi tối trong thành phố. Nhưng vì từ khi Fabrice ở tù, bọn triều thần cứ tọc mạch theo dõi, ông thấy cần phải cẩn thận nên đã thác cớ đau khớp hầu như liên miên; bởi vậy khi nào cần đi vào thành phố theo yêu cầu của một đường lối chính trị có tính toán, ông cũng chỉ quyết định khi sắp bước lên xe.

Sau buổi tối trong nhà nguyện cẩm thạch đó, cuộc đời của Fabrice là một chuỗi nhưng say sưa phấn khởi. Đúng là còn có những trở ngại lớn cản trở hạnh phúc, tuy nhiên cuối cùng anh đã đạt nỗi vui mừng tột bậc và khó mong ước là được một con người tuyệt thế yêu đương, một con người lâu nay chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí anh.

Ngày thứ ba sau buổi hội kiến đó, tín hiệu đèn chấm dứt sớm, vào khoảng nửa đêm. Vừa lúc đèn tín hiệu tắt. Fabrice suýt vỡ đầu vì một hòn đạn chì lớn, hòn đạn được tung qua phần trên mái che nắng, bay vào chọc thủng những tấm giấy dán thay kính và rơi trong buồng.

Hòn đạn rất to ấy thật ra không có trọng lượng tương xứng với thể tích. Fabrice mở nó ra dễ dàng và tìm thấy một bức thư của nữ công tước. Bà khéo nịnh ông tổng giám mục và nhờ sự trung gian của ông, đã mua chuộc được một người lính trong đội quân canh giữ ngục thành. Người đó có tài tung đạn, hắn đã lừa được những người lính canh gác ở bốn góc và ở cửa lầu quan trấn thủ, hoặc đã thương lượng với họ.

“Anh phải dùng dây mà trốn ra, tôi rùng mình khi khuyên bảo anh điều kỳ dị đó, tôi ngần ngại trọn hai tháng trước khi nói với anh. Nhưng mà triển vọng chính thức mỗi ngày một thêm xám xịt và người ta có thể chờ đợi khả năng xấu nhất.

Nhớ phát lại tín hiệu đèn ngay để cho chúng tôi biết là anh đã nhận được bức thư nguy hiểm này. Phát P. B và G theo bảng mẫu tự tu viện, nghĩa là bốn, mười hai và hai. Có nhận được tín hiệu đó, tôi mới thở được. Tôi đang ở trên tháp, người ta sẽ trả lời cho anh bằng N và O, tức là thứ bảy và năm. Nhận được tín hiệu trả lời rồi thì đừng phát thêm gì nữa, để chuyên chú tìm hiểu bức thư của tôi”.

Fabrice vội vàng làm theo lời nữ công tước, phát những tín hiệu giao ước và được trả lời bằng những tín hiệu đã thông báo, xong anh đọc tiếp bức thư.

“Người ta có thể chờ đợi khả năng xấu nhất, đó là điều mà ba người tôi tin cậy hơn hết đã tuyên bố với tôi, sau khi tôi bắt họ thề trên sách Phúc âm là phải nói sự thật, dù sự thật đối với tôi có độc địa bao nhiêu chăng nữa. Người thứ nhất là người đã đe lão thầy giải phẫu chỉ điểm ở Ferrare là sẽ rơi vào hắn ta với một con dao mở lưỡi ở tay, người thứ hai đã nói với anh lúc anh từ Belgirate trở về rằng cách đề phòng cẩn thận, chắc chắn nhất là lẩy một phát súng ngắn vào tên hầu phòng vừa hát vừa đi vào rừng, tay dắt một con ngựa đẹp hơi gầy; anh không biết người thứ ba đâu, đó là một tay cướp đường trường, bạn của tôi, một con người biết hành động khi cần đến và cũng gan dạ ngang với anh, bởi vậy người này là người chủ yếu mà tôi bảo nói cho tôi biết nên làm gì. Mỗi người đều không biết tôi hỏi hai người kia, nhưng cả ba đều lần lượt nói thà là liều bị gẫy cổ còn hơn sống mười một năm bốn tháng nữa trong nỗi lo nơm nớp, việc đầu độc có phần chắc chắn sẽ diễn ra.

Phải để ra một tháng tập leo dây trong buồng anh, tập leo lên tụt xuống trên một sợi dây thắt nút. Sau đó nhân một ngày khánh tiết mà đội quân phòng thành được đãi rượu, anh hãy cố làm cái việc lớn. Anh có ba sợi dây bằng tơ tằm và chỉ gai, lớn bằng cái lông ống thiên nga, dây thứ nhất dài mười sáu sải để tụt khoảng cách bảy sải từ cửa sổ anh xuống rừng cam; dây thứ hai dài sáu mươi sải - đây là chỗ khó vì nặng quá - để tụt ba mươi sáu sải chiều cao bức tường của tháp lớn, dây thứ ba sáu sải dùng để leo xuống khỏi thành lũy. Tôi để hết ngày giờ nghiên cứu bức tường thành lớn về phía đông, tức là về phía Ferrare. Một vết rạn nứt do động đất làm ra đã được lấp bằng một bức lũy ngang làm thành một bình diện nghiêng. Tay cướp đường của tôi nói quyết rằng anh ta dám leo xuống ở phía ấy không khó khăn lắm, chỉ phải mấy vết sây sát mà thôi, xuống bằng cách cho trượt người theo chiều xuôi của bức lũy ngang ấy. Khoảng dựng đứng chỉ cao chín thước, và ở dưới cùng; phía ấy được canh phòng ít cẩn mật nhất.

“Tuy nhiên, cân nhắc kỹ, anh cướp đường của tôi, - anh ta đã ba lần vượt ngục, và con người anh, nếu Fabrice biết thì sẽ mến ngay, mặc dù anh ấy ghét những người thuộc giai cấp anh - anh cướp đường của tôi, tôi nói lại, người cũng nhanh nhẹn như anh, anh ấy nghĩ rằng anh ấy thích leo ở phía tây hơn, ở phía này đối diện đúng với tòa lâu đài Fausta ở xưa kia, tòa lâu đài này anh biết quá rõ. Điều khiến anh ấy chọn phía đó là bức thành, tuy ít nghiêng nhưng khắp mặt đều có những bụi cây còi, ở đó có những cành cây lớn như ngón tay út, có thể làm sướt da mình nếu không chú ý, nhưng cũng rất tốt đến bấu víu. Buổi sáng nay tôi vẫn còn quan sát bên phía tây đó với một kính thiên lý rất tốt, chỗ đáng chọn ở ngay dưới một hòn đá mới mà người ta đặt ở lan can trên cao cách đây vài ba năm. Nhìn thẳng đứng xuống dưới thớt đá ấy, anh sẽ thấy một khoảng trống trơn chừng bốn sải; đoạn đó phải tụt từ từ, rất chậm (anh tất cảm thấy lòng tôi hồi hộp dường nào khi dặn dò anh những điều ghê gớm này, nhưng mà ta phải can đảm chọn lấy cái hại nhỏ nhất, dù cái hại ấy có rùng rợn thế nào), sau khoảng trống, anh sẽ gặp một quãng mười sáu, mười bảy sải tường phủ những bụi cây còi khá lớn có chim chóc bay lượn, rồi một khoảng chỉ có cỏ dại, đinh tử và cỏ hôi. Sau đó, càng xuống gần đất thì có chừng bốn sải bụi cây cỏ nữa và cuối cùng, năm sáu sải vách vừa mới trét vữa lại.

“Điều khiến tôi quyết chọn phía ấy là ở đó, dóng theo dường thẳng đứng từ bên dưới thớt đá mới của cái lan can trên cao, có cái lều bằng ván gỗ của một tên lính dựng trong vườn nó, mà viên đại úy công binh làm việc ở thành lũy muốn bắt phá hủy; lều đó cao hơn năm thước, lợp bằng rạ, mái tiếp giáp với tường lớn của ngục thành. Ấy chính cái mái rạ đó cám dỗ tôi, trong trường hợp khủng khiếp xảy ra tai nạn; nó sẽ nương nhẹ bớt cho người ngã. Một khi xuống tới đó là anh đã ở trên vành lũy không được bảo vệ chu đáo lắm. Nếu người ta bắt anh thì anh hãy bắn súng ngắn và chống cự ít phút. Người bạn ở Ferrare của anh và một người dũng cảm khác mà tôi gọi là tay cướp đường trường, hai người ấy có thang và sẽ không ngần ngại leo lên cái thành lũy không cao lắm đó để bay đến cứu anh.

“Lũy chỉ cao có bảy thước và có một bờ đất rất rộng. Tôi sẽ ở dưới chân bức tường thành cuối cùng đó với một số đông người có vũ khí.

“Tôi hy vọng gửi đến cho anh năm, sáu bức thư theo cách gửi này. Tôi sẽ luôn luôn lặp lại những điều giống nhau bằng những lời lẽ khác nhau để cho chúng ta hoàn toàn thống nhất ý kiến. Anh đoán xem lòng dạ tôi ra sao khi nói với anh là cái người bảo bắn tên hầu phòng cho rằng anh sẽ thoát chỉ với một cánh tay gãy, người ấy, xét cho cùng, là một người tốt hơn ai hết và đang hối hận tưởng chết đi được. Tay cướp đường, có kinh nghiệm hơn trong những cuộc viễn chinh loại đó, thì nghĩ rằng nếu anh chịu khó tụt xuống rất chậm, nhất là đừng nóng vội, thì anh sẽ đổi được tự do chỉ với mấy vết xước da thôi. Cái khó khăn lớn nhất là làm sao cho anh có dây; đó là điều duy nhất mà tôi nghĩ tới từ mười lăm ngày nay, mười lăm ngày mà mỗi giờ phút đều dành cho dự định lớn này.

“Tôi không thể trả lời cái điều điên rồ kia, điều kém thông minh duy nhất mà anh đã thốt ra trong đời anh: “Tôi không muốn trốn đi!” Người bảo bắn tên hầu phòng kêu lên rằng sự buồn chán đã làm cho anh hóa rồ. Tôi không giấu giếm gì anh mà không nói là chúng tôi lo ngại một nguy cơ trước mắt có thể thúc đẩy cho ngày anh trốn đi đến sớm hơn. Để báo nguy cơ ấy, cây đèn sẽ lặp lại nhiều lần:

“Lửa cháy ở lâu đài!”

Anh hãy trả lời:

“Sách của tôi có cháy không?”

Bức thư còn những năm trang chi tiết; thư viết bằng một lối chữ nhỏ như kiến kim, trên giấy rất mịn.

“Tất cả các cái này đều rất đẹp và sáng tạo rõ tài tình, Fabrice nghĩ thầm. Ta sẽ mãi mãi biết ơn bá tước và nữ công tước. Có lẽ họ sẽ cho là ta sợ, nhưng mà ta không trốn đâu. Ai lại bỏ trốn khỏi một nơi hạnh phúc tràn đầy để tìm đến một nơi tha phương biệt xứ gớm ghiếc, mà cái gì cũng thiếu, kể cả không khí để thở? Ta sẽ làm gì sau khi đến Florence một tháng? Chắc ta sẽ cải trang để trốn về lảng vảng bên cổng thành lũy này hầu chộp được một ánh mắt!”

Ngày hôm sau, Fabrice bị một mẻ hoảng hốt, đang đứng ở cửa sổ nhìn xem cành vật huy hoàng và chờ đợi cái giây phút thần tiên Clélia xuất hiện, thì Grillo hổn hển lao vào buồng: “Chao ôi! Nhanh, nhanh đi, ông lớn nằm xuống giường giả vờ ốm đi. Có ba quan án lên kia. Họ sắp chất vấn ông lớn, hãy suy nghĩ trước khi nói. Họ đến vặn vẹo ông lớn đấy”.

Grillo vừa nói vừa nhanh tay đóng vội cái cửa con khoét ở mái che nắng, rồi đẩy Fabrice nằm xuống giường, đắp lên người anh hai ba chiếc áo khoác.

“Bảo là ông đau nhiều lắm và nói ít thôi, nhất là bảo họ lặp lại các câu hỏi để có thì giờ suy nghĩ”.

Ba quan án vào buồng. “Quả là ba tên bợm trốn thoát khổ dịch chiến thuyền” Fabrice thầm nghĩ khi ba bộ mặt đê tiện chứ không phải ba quan tòa. Họ mặc áo đen dài. Họ chào trịnh trọng rồi không nói gì, cứ việc ngồi lên ba cái ghế tựa ở trong buồng.

— Thưa ông Fabrice Del Dongo, người cao tuổi nhất nói, chúng tôi rất đau lòng về cái sứ mệnh bi thương mà chúng tôi phải thực hiện đối với ông. Chúng tôi đến đây để báo với ông cái tin buồn cụ lớn lệnh nghiêm đường, hầu tước Del Dongo, đệ nhị tổng quản lý hoàng gia liên vương quốc Lombardo Vénitien đệ nhất đẳng bội tinh v.v… đã qua đời.

Fabrice khóc, quan án nói tiếp:

— Lệnh từ mẫu, bà lớn hầu tước Del Dongo báo tin ấy cho ông bằng một bức thư khẩn, nhưng vì cũng với cái tin đó, bà có nói những ý kiến không thích đáng, cho nên tòa hình án, bằng một án lệnh lập ngày hôm qua, đã quyết định sẽ trích đoạn bức thư mà thông báo cho ông thôi và đoạn trích ấy, ông lục sự Bona sắp đọc cho ông nghe đây.

Đoạn trích thư đọc xong, quan án đi lại một bên Fabrice đang nằm và cho anh đọc trên thư những đoạn trích sao mà người ta vừa đọc cho anh nghe xong. Fabrice nhìn thấy trên bức thư những chữ: Giam giữ bất công, tràng phạt độc địa về một tội ác không đúng là tội ác và hiểu vì sao các quan tòa đã đến. Ngoài ra vì khinh bỉ lũ quan tòa không có lương tâm, anh chỉ nói vẻn vẹn có mấy câu này;

— Thưa quí vị, tôi ốm, tôi mòn mỏi vì buồn phiền, mong các vị thứ lỗi cho vì tôi không ngồi lên được.

Các quan án đi rồi Fabrice còn khóc nhiều nữa; rồi anh tự nhủ: “Ta giả dối sao chứ? Hình như ta không yêu cha ta mà”.

Ngày hôm đó và mấy hôm sau, Clélia buồn lắm: Cô gọi anh nhiều lần nhưng chỉ đủ can đảm nói với anh mấy câu thôi. Ngày thứ năm sau buổi hội kiến đầu tiên, buổi sáng, cô nói với Fabrice là tối hôm đó, cô sẽ đến nhà nguyện cẩm thạch.

Vừa vào nhà nguyện, Clélia nói:

— Tôi chỉ có thể nói với anh vài lời thôi. Nàng run rẩy quá phải tựa vào cô hầu phòng. Sau khi đã cho cô hầu phòng lui ra gần cửa, Clélia nói tiếp, giọng nghẹn đi, khó nghe lắm: Anh hãy lấy danh dự mà hứa với tôi, lấy danh dự hứa rằng sẽ vâng theo ý công tước phu nhân và cố trốn ra vào ngày bà truyền bảo trốn, theo cách bà truyền bảo làm, nếu không, sáng mai tôi sẽ lánh vào một nhà tu kín và tôi thề với anh tại đây là suốt đời tôi sẽ không nói với anh lời nào nữa.

Fabrice im lặng.

— Hứa đi, Clélia nói, mắt rớm lệ, người cuống cuồng như hoảng loạn, hứa đi không thì lần này là lần cuối cùng chúng ta nói chuyện với nhau. Anh làm cho cuộc sống của tôi trở nên kinh khủng quá, anh ở lại đây là vì tôi và ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của đời anh! Lúc đó Clélia yếu đuối quá, phải tìm một chỗ tựa ở chiếc ghế bành to tướng ngày xưa đặt ở giữa nhà nguyện để cho vị thế tử ở tù dùng, cô suýt ngất đi.

— Hứa gì đây? Fabrice chán nản hỏi.

— Anh biết rồi.

— Thế thì tôi thề sẽ tự giác lao vào một tai họa khủng khiếp và tự buộc mình sống xa tất cả những gì mình yêu mến ở trên đời. Hãy hứa những điều cụ thể. - Tôi thề sẽ vâng lời bà công tước và trốn đi vào ngày bà muốn và theo cách bà muốn. Rồi tôi sẽ ra thế nào một khi đã xa cô!

— Phải thề là anh sẽ vượt ngục bất chấp sau đó xảy ra gì.

— Thế nào? Cô đã nhất quyết lấy hầu tước Crescenzi khi không có tôi ở đây nữa ư?

— Trời ôi! Anh cho tôi là người thế nào vậy?… Nhưng thôi, hãy thề đi, nếu không tâm hồn tôi sẽ không có một chút nào yên tĩnh.

— Thế thì tôi thề là tôi sẽ trốn khỏi nơi này vào ngày Sanseverina phu nhân truyền bảo, bất chấp những gì xảy ra từ nay đến lúc ấy.

Đoạt được lời thề của Fabrice xong thì Clélia cảm thấy mình yếu lả đi, buộc phải cảm ơn chàng để rồi lui gót. Cô nói:

— Tôi đã sắp sẵn để sáng mai lánh vào tu viện nếu anh cứ khăng khăng đòi ở lại đây. Nếu mà thế thì buổi gặp gỡ ngày hôm nay là lần gặp gỡ cuối cùng trong đời tôi, tôi đã phát nguyện cùng với Đức Mẹ như vậy. Bây giờ thì lúc nào có thể ra khỏi buồng, tôi sẽ đi xem xét bức tường ghê gớm ở dưới tảng đá mới của cái lan can.

Ngày hôm sau, Fabrice thấy Clélia xanh xao đến xót cả lòng dạ. Từ cửa sổ có chuồng chim, cô nói với anh:

— Chúng ta không nên ảo tưởng, bạn thân thương ạ. Vì tình cảm giữa chúng ta có mang tội lỗi, cho nên tôi tin chắc là chúng ta sẽ gặp tai họa. Anh sẽ bị phát hiện trong khi tìm cách vượt ngục và thế là vĩnh viễn hỏng hoặc còn có thể hơn. Tuy vậy, con người vốn tính cẩn thận cho nên phải vâng theo tính đó, tính cẩn thận dạy bảo ta phải tìm đủ mọi cách tự cứu. Để xuống khỏi tháp lớn, anh cần có một cái dây bền chắc và dài hơn bốn mươi sải tay. Mặc dù cố gắng hết sức từ khi biết dự định của nữ công tước, tôi chỉ kiếm được một số dây nối cả lại mới đạt chừng mười sải. Theo nhật lệnh của quan trấn thủ, tất cả những thừng, dây tìm thấy trong ngục thành đều bị thiêu hủy, và mỗi tối, người ta cất giấu hết dây ở cái giếng, mặc dù thứ dây này mỏng mảnh lắm, thường đứt nửa chừng khi kéo những gầu, thùng nhẹ thôi. Nhưng anh hãy cầu nguyện Chúa, cầu nguyện Chúa xá tội cho tôi, tôi phản lại cha tôi, là một đứa con bất hiếu, tôi đang làm một việc khiến cho ông phiền não và có thể chết được. Hãy cầu nguyện Chúa vì tôi, và nếu anh được cứu thoát, anh hãy phát thệ sẽ tâm niệm ca ngợi công đức Chúa mỗi phút mỗi giờ trong cuộc sống của mình.

Tôi vừa có ý kiến này: Trong tám hôm nữa, tôi sẽ đi ra ngoài thành để dự lễ cưới của một người em gái hầu tước Crescenzi. Tôi giữ nề nếp, đến tối sẽ về, nhưng tôi sẽ làm đủ mọi cách để về rất muộn, và có lẽ Barbone không dám quan sát tôi quá kỹ. Ở đám cưới em gái hầu tước Crescenzi sẽ có mặt những bà lớn quyền quí nhất tại triều, và chắc là có Sanseverina phu nhân. Nhân danh Chúa, tôi muốn anh làm sao để bà lớn đó trao cho tôi một gói dây đánh thật săn, không to lắm và bó thành gói nhỏ nhất. Dù phải xông vào chỗ chết, tôi cũng sẽ dùng những biện pháp nguy hiểm nhất để đưa gói dây ấy vào trong thành, bất chấp, chao ôi! Bất chấp những bổn phận của tôi. Nếu cha tôi mà biết thì tôi không gặp lại anh được nữa, nhưng dù vận hạn nào đương chờ đợi tôi đi nữa, tôi cũng sẽ rất sung sướng trong giới hạn tình cảm của một nàng em gái, nếu tôi có góp phần cứu được anh."

Ngay tối hôm đó, dùng ngọn đèn thông tin trong đêm, Fabrice báo cho nữ công tước biết cái cơ hội duy nhất để đưa vào trong ngục thành một số dây đủ dùng. Nhưng anh van bà phải giữ bí mật, ngay cả với bá tước, điều này bà thấy kỳ quặc. “Hắn điên, bà nghĩ thầm, nhà tù đã làm hắn thay đổi, hắn thấy mọi việc đều đen tối”. Ngày hôm sau, anh lính thạo tung đạn, lại tung vào cho anh một quả đạn chì nữa; quả đạn chì đó báo cho anh điều nguy hiểm nhất: “Cái người nhận đưa dây vào - bức thư nói thế - thực sự và rõ ràng là nàng cứu anh”. Fabrice vội thông báo tin ấy lại cho Clélia. Quả đạn chì ấy cũng mang đến cho Fabrice một bản họa chính xác về bức tường phía tây do đó mà anh sẽ leo xuống từ trên đỉnh tháp lớn, trong khoảng cách giữa các công sự trồi ra ngoài tường, xuống đến đấy rồi thì trốn đi dễ thôi, vì lũy chỉ cao hơn bảy thước và không được canh giữ chu đáo. Phía sau bản đồ ấy có một bài thơ tuyệt tác chép bằng một nét bút tinh vi, qua bài thơ, một tâm hồn hào hiệp khích lệ Fabrice trốn đi, đừng để tâm hồn tha hóa, thể xác suy nhược đi vì mười năm tù túng mà anh còn phải chịu.

Đến đây có một chi tiết buộc chúng ta phải gián đoạn việc tường thuật công việc mạo hiểm này; chi tiết ấy giải thích một phần vì sao bà công tước có can đảm khuyên bảo Fabrice tiến hành cuộc vượt ngục nguy hiểm đến như thế.

Cũng như tất cả các đảng phái không cầm quyền, đảng Raversi không đoàn kết lắm. Hiệp sĩ Riscara ghét viên chánh án Rassi, mà y cho là đã làm cho anh thua kiện trong một vụ án quan trọng, trong đó thực ra Riscara thất lý. Riscara dùng thư nặc danh báo cho quận vương biết có một bản án về Fabrice đã được chính thức gửi cho quan trấn thủ ngục thành. Nữ hầu tước Raversi là một thủ lĩnh đảng khôn khéo; bà ta rất phiền về hành động nguy hại đó và lập tức báo cho bạn, là quan chánh án biết: bà cho là việc Rassi rút ruột thủ tướng Mosca một cái gì, trong khi Mosca còn cầm quyền, cũng là thường tình thôi. Rassi dũng cảm đi vào cung điện, nghĩ rằng sẽ bị đá đít mấy cái là cùng, hoàng thân không thể thiếu một luật gia tài tình ở bên cạnh mình, mà Rassi thì đã phát lưu biệt xứ một quan tòa và một trạng sư ở phái tự do, chỉ có hai người này là có thể thay. Hoàng thân giận như điên, thét mắng Rassi nặng nề và tiến lên để đánh y.

— Ấy đó là do sự đãng trí của viên thư lại, Rassi trả lời hết sức bình tĩnh. Việc ấy được pháp luật quy định, đáng lẽ phải thực hiện ngay hôm sau cái ngày bắt nhốt tên Dongo ở ngục thành. Viên thư lại mẫn cán tưởng mình trót sơ suất quên làm và chắc là đã đưa tôi ký cái thư gửi như một công văn chiếu lệ.

— Nhà ngươi tưởng ta tin được những điều dối trá bịa đặt vụng về như thế à? Hoàng thân điên tiết thét lớn. Nên nói là nhà ngươi đã bán mình cho tên vô lại Mosca và chính vì thế mà hắn tặng huân chương cho nhà ngươi. Nhưng, mẹ kiếp! Ngươi không những chỉ ăn đòn mà thôi, ta sẽ còn lôi ngươi ra tòa án, và cách chức ngươi một cách nhục nhã.

— Tôi thách Điện hạ mang tôi ra truy tố đó. Rassi tự tin đáp. Y biết đó là cách chắc chắn làm cho hoàng thân dịu đi. - Pháp lý ở về phía tôi và ngài không có một Rassi thứ hai nào để day trở pháp luật. Điện hạ sẽ không cách chức tôi, vì có những lúc tính tình Điện hạ nghiêm khắc; lúc đó ngài khát máu, nhưng đồng thời ngài cũng muốn được những người Ý có lương tri mến trọng; sự mến trọng đó là một điều kiện không có không được đối với tham vọng của ngài. Cuối cùng, Điện hạ sẽ gọi tôi trở lại khi cần có một hành động nghiêm khắc đầu tiên mà tính tình của ngài đòi hỏi; và như thường lệ, tôi sẽ xoay cho Điện hạ một bản án hợp thức do những quan tòa rụt rè nhưng là người tử tế xử một bản án làm thỏa mãn dục vọng của Điện hạ. Ngài thử tìm xem trên đất nước ngài một con người được việc như tôi! Nói xong Rassi lủi mất. Y đã thoát nạn với giá một cái thước giáng thẳng cánh và năm sáu mũi giầy vào sau đũng. Ra khỏi cung, y về ấp Riva; y có phần ngại một nhát dao găm trong cơn giận dữ ban đầu của hoàng thân, y cũng tin chắc là trong vòng mười lăm hôm, sẽ có một liên lạc viên đến gọi y trở về thủ đô. Y dùng thì giờ nghỉ ở nông thôn để tổ chức một đường dây thư tín chắc chắn với bá tước Mosca. Y mê tít cái danh hiệu nam tước và nghĩ rằng hoàng thân quá quí trọng cái thứ ngày xưa coi là tuyệt diệu ấy, thứ quí tộc, cho nên không đời nào chịu ban cho y; còn bá tước thì rất kiêu hãnh với nguồn gốc của mình, chỉ quí trọng loại quí tộc có sắc phong từ trước năm 1400.

Quan tư khấu không lầm trong dự đoán của mình, ông về ấp của ông mới được tám hôm thì một người bạn của hoàng thân tình cờ đến đấy, đã khuyên bảo ông nên trở về Parme ngay; ông về triều thì hoàng thân tươi cười tiếp ông, rồi nghiêm nét mặt bắt ông thề trên sách Phúc âm là sẽ giữ kín điều ngài sắp ký thác. Rassi thề rất nghiêm túc, ông thề xong thì hoàng thân mắt long sòng sọc vì thù hắn, thét lên rằng mỗi một ngày mà Fabrice Del Dongo còn sống, thì coi như ngài không là chủ trên giang sơn đất nước của ngài.

— Ta không thể, ngài nói tiếp, không thể đuổi mụ công tước đi, cũng không thể chịu được sự có mặt của mụ; đôi mắt mụ cứ như thách thức ta và không cho ta sống.

Để cho quận vương giải bày ý định của mình chán chê rồi Rassi mới làm ra vẻ hết sức lúng túng, kêu:

— Lệnh của Điện hạ sẽ được tuân hành tất nhiên, nhưng việc này khó khăn lắm, khó một cách kinh khủng. Xử tử một công tử Del Dongo vì tội giết một tên tiểu tốt vô danh thì rất không ổn về hình thức; từ cái lỗi nhỏ nhặt ấy mà nặn ra được mười hai năm ngục thành đã là một trò xiếc đáng kinh ngạc rồi! Vả lại tôi nghĩ mụ công tước đã bới ra được ba trong số những nông dân làm việc ở công trường khai quật Sanguigna, những người ở trên bờ hào trong lúc tên cướp Giletti đó tấn công Del Dongo.

— Những nhân chứng đó ở đâu rồi? Hoàng thân bực tức, hỏi.

— Được giấu ở vùng Piémontais, tôi đoán thế. Phải bày ra một âm mưu ám sát Điện hạ…

— Cách ấy có những nguy hiểm của nó, hoàng thân nói, nó xúi người ta nghĩ thực sự đến việc ấy.

— Thế nhưng, Rassi vờ ngây thơ nói, thế nhưng đó là tất cả kho vũ khí chính qui của tôi.

— Còn có thuốc độc…

— Nhưng mà ai đánh thuốc độc cho? Cái lão ngốc Conti chăng?

— Theo người ta nói thì vụ này sẽ không phải là vụ thể nghiệm đầu tay của hắn…

— Phải kích cho hắn phẫn nộ lên mới được. Rassi nói tiếp. Vả lại khi hắn cho viên đại úy kia về chầu trời, hắn chưa đến ba mươi tuổi, hắn si tình, và hắn không tầm thường nhu nhược quá đáng như bây giờ. Tất nhiên, gì rồi cũng phải phục tùng quyền lợi nhà nước, nhưng bị hỏi bất ngờ và mới xét qua, tôi chỉ thấy có một người có thể thi hành mệnh lệnh nhà vua là tên Barbone, thư ký lục sự tại nhà lao, mà tay Del Dongo đã quật ngã bằng một cái tát tai, hôm hắn mới bước vào nhà tù.

Một khi hoàng thân đã được thoải mái thì câu chuyên trở nên miên man, ngài chấm dứt sau khi quy định cho Rassi thời hạn một tháng. Rassi thì muốn được hai. Ngày hôm sau, ông chánh án nhận được món thù lao bí mật một nghìn đồng sequins. Ông suy nghĩ ba ngày, ngày thứ tư, ông trở lại với cách lý luận cũ của ông, và cho là nó vững vàng, tất yếu: - Chỉ có bá tước Mosca là người có lòng giữ lời hứa với ta, bởi vì phong nam tước cho ta, ông không coi cái nam tước ấy là một cái gì quí báu lắm; lẽ thứ hai, nếu mách cho ông ấy thì chắc là ta khỏi phải phạm một tội ác mà ta gần như đã được thù lao rồi; lẽ thứ ba, ta trả thù sự đánh đập nhục nhã mà thoạt đầu hiệp sĩ Rassi phải chịu.

Đêm sau, Rassi thông báo cho bá tước Mosca tất cả cuộc trao đổi ý kiến với hoàng thân.

Bá tước bí mật săn đón chiều chuộng công tước phu nhân. Đúng là ông vẫn chỉ đến chỗ phu nhân một vài lần mỗi tháng, nhưng hầu như tuần nào, và những khi nào ông biết tạo cơ hội nói về Fabrice, thì nữ công tước cũng đi với Chékina vào lúc đêm khuya đến ngồi giây lát ở vườn bá tước. Bà lừa được cả anh đánh xe - anh này trung thành với bà, khiến anh ta tưởng là đến thăm một nhà nào gần đó.

Tất nhiên khi tiếp nhận điều bí mật dữ dội của ông chánh án, bá tước lập tức phát ám hiệu đã giao hẹn đến cho bà công tước. Dù lúc đó đã nửa đêm, bà phái Chékina đến mời ông tới ngay nhà bà. Bá tước tuy ngây ngất như một kẻ si tình trong cảnh gần gũi thân mật bên ngoài đó, vẫn ngần ngại không nói hết với nữ công tước; ông sợ bà quá đau đớn mà phát điên chăng.

Sau khi dùng những lời úp mở để giảm nhẹ tác hại của cái tin dữ đó, cuối cùng rồi ông cũng đành phải nói hết, bảo vệ một bí mật mà nàng cố hỏi là một việc quá sức ông. Từ chín tháng nay, tai họa đã tác động mạnh trên tâm hồn nồng nhiệt của bà công tước, nó đã làm cho tâm hồn ấy khỏe ra, bà không vật vã khóc than, rên siết.

Tối hôm sau, bà bảo phát cho Fabrice cái tin báo sắp có đại họa:

“Lửa cháy ở lâu đài!"

Fabrice trả lời ổn thỏa:

“Sách của tôi có cháy không?"

Cũng trong đêm đó, nữ công tước đã may mắn gửi được cho Fabrice một lá thư đựng trong một quả đạn chì. Sự việc này xảy ra tám hôm trước ngày đám cưới cô em gái hầu tước Crescenzi, ở đấy nữ công tước đã làm một việc quá phiêu lưu bất cẩn, mà chúng tôi sẽ tường thuật đúng lúc.