Lúc đầu, Clélia trốn lên chuồng chim là để tránh những cơn nổi nóng bất thần của quan tướng; muốn lên đó phải leo một thang gác con rất khó đi, nó là một trở ngại nghiêm trọng đối với bệnh thấp khớp của ông. Từ mấy tuần nay tâm hồn Clélia rất xáo động, chính cô cũng không biết cô muốn gì, cho nên mặc dù không hứa hẹn một lời nào rõ ràng với bố, cô cũng gần như đã hứa. Trong một cơn giận dữ, quan tướng thét lên rằng quan dám gửi cô vào tu viện lắm, tu viện nào buồn bã nhất Parme, và sẽ để cho cô mòn mỏi ở đó cho đến khi hạ cố nhận lời một đám nào.
“Mày cũng biết nhà ta, dù là vọng tộc lâu đời, cũng không gom nổi sáu nghìn francs thực lợi; còn gia sản của hầu tước Crescenzi thì lên đến trên một trăm nghìn écu lợi tức đồng niên, ở trong triều, ai cũng công nhận là tính tình anh ta hiền lành nhất thiên hạ, không bao giờ anh làm một kẻ nào phàn nàn về mình; anh đẹp trai, trẻ tuổi, được hoàng thân coi trọng, tao cho là mày phải điên đến không thuốc chữa mới khước từ sự cầu thân của anh ấy. Giá đây là người đầu tiên mày rẻ rúng, ừ thì tao cũng đành đi! - Nhưng mà đã năm sáu đám đi tới rồi, toàn là loại nhất đẳng ở triều đình cả, thế mà mày đều khước từ, có phải mày là một con bé quá ngu muội hay không? Mày sẽ ra sao nếu người ta bắt tao về hưu, mày thử nói tao xem? Bọn thù địch của tao sẽ hý hửng biết bao nhiêu nếu chúng thấy thân danh tao mà phải ở một gác hai nào đó, tao, mà thường ngày, khi nào nói đến nội các, người ta cũng đều nhắc đến tên tuổi! Không, mẹ kiếp! Tao đã có lòng tốt đóng vai Cassandre[99] lâu lắm rồi. Mày có lý lẽ nào ra trò để phản đối cái anh chàng hầu tước tội nghiệp ấy thì nói đi cho tao hay, cái anh chàng đã rộng lượng say mê mày, cái anh chàng định lấy mày không cần của hồi môn và lưu niệm cho mày một cái vốn sinh lợi đồng niên ba vạn francs, nhờ đó ít ra tao cũng có chỗ trú thân lúc tuổi già! Mày phải nói cho có lý lẽ nghe được, không thì, mẹ kiếp! Mày phải lấy anh ta trong hai tháng nữa!…”
Trong bài diễn thuyết ấy, chỉ có mỗi một câu làm cho Clélia giật mình, đó là câu đe dọa bỏ cô vào nhà tu kín, nghĩa là phải đi xa ngục thành, mà lại còn đúng vào lúc tính mệnh Fabrice như treo đầu sợi tóc. Không có một tháng nào mà lại không có một tin mới về việc giết hại anh ta lan truyền trong thành phố và giữa triều đình như là một điều sắp xảy ra trong hôm sớm. Dù tự nhủ lòng thế nào, Clélia cũng không đành xa rời Fabrice, nhất là xa rời chính trong lúc cô run sợ cho tính mệnh chàng. Đối với cô, không có tai họa nào lớn hơn tai họa ấy; ít ra đó là tai họa khẩn cấp nhất.
Không phải cô cảm thấy hạnh phúc khi được ở gần Fabrice! Cô tin là nữ công tước yêu chàng và lòng cô vò xé một nỗi ghen tuông ghê gớm. Cô luôn luôn nghĩ đến những ưu thế của người phụ nữ mà ai ai cũng thán phục đó. Sự dè dặt triệt để mà cô tự buộc mình trong việc giao thiệp với Fabrice, thứ ngôn ngữ dấu hiệu mà cô giới hạn cho chàng vì sợ rơi vào tọc mạch, tất cả hình như câu kết lại để ngăn không cho cô thấy được một chút ánh sáng nào về thái độ của chàng đối với nữ công tước. Thế là càng ngày cô càng thấy gay gắt hơn nỗi đau đớn kinh khủng vì có một tình địch ở trong lòng Fabrice, và càng ít dám liều lĩnh để lọt cơ hội cho Fabrice nói tường tận nỗi lòng chàng. Tuy nhiên giá được nghe chàng thú nhận những tình cảm thật của chàng thì thích biết bao nhiêu! Clélia sẽ sung sướng biết chừng nào nếu làm sáng tỏ được những nghi ngờ ghê gớm đầu độc đời nàng!
Fabrice là người phù phiếm, thời gian ở Naples anh nổi tiếng thay đổi nhân tình nhân ngãi dễ dàng nhất. Mặc dù là một thiếu nữ thì phải hết sức nghiêm trang dè dặt, từ khi là nữ chanoie lui tới chỗ cung đình, dù không hỏi bao giờ, mà chỉ chú ý nghe người ta nói chuyện, Clélia cũng biết được những thanh niên lần lượt gấm ghé mình đã từng nổi tiếng về gì. So với các thanh niên ấy thì Fabrice là người thiếu chung thủy nhất trong yêu đương. Anh ở tù, anh buồn chán, anh ve vãn người phụ nữ duy nhất có thể nghe anh tán tỉnh, đơn giản thế thôi! Có gì thông thường hơn thế? Ấy, chính điều đó khiến Clélia thất vọng. Dù cho nhờ một sự bộc lộ trọn vẹn, Fabrice cho biết là chàng không còn yêu nữ công tước nữa, thì cô cũng tin làm sao được những lời nói của chàng? Dù cho hơn thế nữa, cô tin lời chàng là thành thật, thì cũng có tin làm sao được ở lòng chung thủy của chàng? Và cuối cùng, khi nghĩ Fabrice đã tiến sâu trong giới tôn giáo, cô mới thật tuyệt vọng hoàn toàn! Không phải chàng sắp bị ràng buộc bởi những lời nguyền vĩnh viễn hay sao? Không phải những chức vị lớn nhất đang đợi chàng trong cuộc sống ấy hay sao? Cô Clélia đáng thương nghĩ thầm: “Nếu ta còn một chút lương tri, dễ không phải ta nên trốn tránh lánh đi hay sao? Không phải ta nên van cha ta bỏ ta vào một tu viện xa xôi nào hay sao? Ấy thế mà khổ làm sao, chính nỗi lo sợ bị đưa đi xa ngục thành và nhốt vào tu viện lại điều khiển hành động của ta! Nỗi lo sợ ấy buộc ta phải che giấu, buộc ta phải làm cái việc giả dối ô nhục và gớm ghiếc là vờ tiếp nhận sự săn đón công khai của hầu tước Crescenzi”.
Clélia là một cô gái ngoan ngoãn thận trọng. Suốt đời cô chưa hề phải ăn năn về một hành động nông nổi nào, thế mà hành vi của cô trong trường hợp này lại quá vô lý! Người ta có thể đoán biết những dày vò của cô! Những dày vò ấy càng ác liệt bởi cô không tự dối mình. Cô quyến luyến một chàng trai được người đàn bà đẹp nhất trong triều say mê như điên như dại, người đàn bà ấy có bao nhiêu phương diện hơn cô. Và chàng trai dù không bị ràng buộc, cũng không thể có một tình yêu nghiêm túc, còn cô - cô cảm thấy quá rõ như vậy! Cô chỉ có thể có một mối tình duy nhất trong đời mình mà thôi.
Ngày ngày, Clélia lên chuồng chim với tấm lòng vò xé những ân hận khủng khiếp. Một khi đã như miễn cưỡng mà lên đó rồi, thì sự lo ngại của cô lại hướng về một mục tiêu khác và bớt ác nghiệt, những ân hận tiêu biến đi được chốc lát. Hồi hộp không thể nói, cô rình cái phút Fabrice có thể mở cái cửa con anh trổ ở mái che nắng đồ sộ che khuất cửa sổ của anh. Nhiều khi, sự có mặt của Grillo ở trong buồng ngăn trở anh nói chuyện bằng dấu hiệu với cô bạn gái.
Một đêm, vào khoảng mười một giờ, Fabrice nghe tiếng huyên náo rất kỳ lạ ở ngay trong ngục thành. Ngủ trên bậu cửa sổ và thò đầu ra lỗ cửa con, ban đêm anh phân biệt được những tiếng động hơi mạnh xảy ra ở cầu thang lớn mệnh danh là câu thang ba trăm cấp; cầu thang này đưa từ sân thứ nhất ở trong tháp tròn đến cái sân thượng bằng đá, trên đó người ta đã xây cất lầu quan trấn thủ và nhà ngục Farnèse hiện giam giữ Fabrice.
Vào đoạn giữa, ở độ cao một trăm tám mươi cấp, cái cầu thang ấy đi qua phía nam một sân rộng nằm về hướng Bắc, ở đấy có một cái cầu sắt nhẹ rất hẹp, ở giữa cầu có đặt một lính canh cửa. Cứ sáu tiếng đồng hồ một lần, người ta đổi phiên gác cho hắn và hắn phải đứng thu mình lại để cho người ta đi qua cái cầu hắn gác, có đi qua cái cầu ấy mới đến được lầu quan trấn thủ và tháp Farnèse. Chỉ cần xoay một cái lò xo. - chìa khóa lò xo ấy quan trấn thủ giữ - xoay hai vòng là chiếc cầu sắt rơi xuống sân, ở độ sâu hai mươi sải. Làm xong các biện pháp đề phòng đơn giản ấy thì quan trấn thủ trở thành cách biệt hẳn, và bất cứ người nào cũng không thể đến tháp Farnèse, bởi vì khắp ngục thành không còn cái thang nào khác và mỗi buổi tối, vào nửa đêm, một thượng sĩ mang tất cả dây gầu của các giếng nước lên lầu quan trấn thủ, cất ở một buồng con mà muốn vào đấy phải đi qua chính buồng quan. Đó là điều mà Fabrice nhận thấy rõ ràng hôm anh vào nhà lao, và cũng là điều mà Grillo đã nhiều lần giải thích cho anh, Grillo cũng như những lính coi ngục khác thường thích khoe khoang cái nhà ngục của mình. Như vậy là Fabrice không có hy vọng gì trốn khỏi nhà lao. Tuy vậy anh vẫn nhớ một châm ngôn của ông abbé Blanès: “Người tình nhân thường nghĩ tới việc đến với nhân tình của mình hơn là người chồng nghĩ tới việc giữ vợ; người tù nghĩ tới việc trốn khỏi nhà lao hơn là lính ngục nghĩ đến việc đóng cửa. Do đó, dù có những trở ngại thế nào, người tình và người tù rồi cũng đạt mục đích”.
Tối hôm đó, Fabrice nghe rõ có số đông người đi qua cầu sắt, cầu ấy được gọi là cầu tên Nô lệ vì xưa kia, có một nô lệ người xứ Dalmate đã trốn thoát nhờ ném anh lính gác cầu xuống sân.
“Người ta đến đây để mang ai đi, có lẽ đem ta đi treo cổ chăng? Dù sao thì cũng có thể xảy ra lộn lộn, ta phải biết lợi dụng”. Anh đã lấy khí giới và moi vàng ở một vài hốc giấu ra, nhưng bỗng nhiên ngừng tay, anh kêu lên:
“Con người là một con vật buồn cười, phải công nhận như vậy! Một quan sát viên vô hình sẽ nói thế nào nếu thấy sự chuẩn bị của ta nhỉ? Dễ thường ta muốn trốn thật chăng? Sáng hôm sau cái ngày ta trở về Parme thì ta sẽ ra thế nào chứ? Dễ thường ta không làm tất cả để trở lại bên cạnh Clélia hay sao? Nếu xảy ra lộn xộn, ta phải lợi dụng để lọt vào lầu quan trấn thủ ; có lẽ ta có thể nói chuyện với Clélia và may ra, nhờ lộn xộn ta có thể đánh bạo hôn tay nàng”. Tướng Conti bản chất đa nghi và cũng không kém hợm hĩnh đặt năm lính gác chung quanh lâu đài mình, mỗi người ở một góc, thêm một người thứ năm ở cửa ra vào, nhưng may thay, đêm đó trời tối mò. Fabrice rón rén đi xem thử tên coi ngục Grillo và con chó đang làm gì, thì ra tên gác tù đang ngủ say trong một tấm da bò bốn góc buộc bốn sợi dây treo lên sàn nhà, có một tấm lưới thô sơ bao bọc; con chó Fox mở mắt đứng lên và nhẹ nhàng đi lại bên Fabrice để mơn trớn.
Anh tù nhẹ nhàng leo sáu cấp thang trở lên buồng gỗ của mình. Tiếng ồn ào bây giờ vang rất to ở chân tháp Farnèse và ngay ở trước cửa tháp, khiến anh lo Grillo thức giấc. Có bao nhiêu vũ khí[100] Fabrice mang cả vào người, sẵn sàng hành động, và tin tưởng là đêm nay số phận dành cho mình những thành tích vĩ đại; thình lình anh nghe khúc dạo mở đầu của một bản giao hưởng du dương nhất đời; đó là một cuộc dạ tấu người ta tổ chức dâng hầu quan tướng hoặc là cô tiểu thư. Anh nổi lên cười như điên. “Thế mà ta chi chực vung gươm đâm chém! Làm như một cuộc hòa tấu không phải là một cái gì vô cùng thông thường hơn là một cuộc bắt cóc đòi hỏi phải có mặt tám mươi người trong nhà ngục, hoặc là một cuộc nổi loạn!” Bản nhạc rất hay, Fabrice cảm thấy sung sướng tuyệt vời, vì đã nhiều tuần nay, anh không được hưởng một sự giải trí nào. Nó làm cho anh khóc một cách dễ chịu. Trong cơn ngây ngất, anh thầm nói với nàng Clélia xinh đẹp những lời thiết tha, những lời khó cưỡng nhất. Tuy nhiên ngày hôm sau, vào giữa trưa, anh thấy cô buồn rầu ảm đạm khôn cùng, da cô xanh nhợt, cô nhìn anh với ánh mắt một đôi khi lộ vẻ hằn học sâu sắc, đến nỗi anh thấy không được phép hỏi một câu nào về bản giao hưởng tối hôm trước. Anh sợ vô lễ, Clélia buồn bã có lý do chính đáng: Cuộc hòa tấu buổi tối đó do hầu tước Crescenzi tổ chức để hiến dâng nàng. Một hành động công khai như vậy có giá trị như một sự báo tin chính thức về lễ thành hôn. Cho đến ngày hòa tấu và mãi đến chín giờ tối ngày hôm đó, Clélia vẫn còn phản kháng quyết liệt; nhưng rồi cô đã nhu nhược nhượng bộ khi nghe ông bố đe là sẽ tống cô vào tu viện ngay.
“Chao ôi! Ta không được gặp chàng nữa hay sao!” Cô vừa than thẩm vừa khóc. Lý trí của cô phí công nhắc tiếp: “Ta không gặp nữa chàng trai thế nào cũng làm ta khổ suốt đời kia, ta không gặp nữa anh tình nhân của bà công tước, ta không gặp nữa con người hoa nguyệt đã từng có đến mười nhân tình công khai ở Naples và đều phụ bạc họ cả, ta không gặp nữa chàng trai trẻ đầy tham vọng, người sẽ tham gia vào hàng ngũ chức sắc của tòa thánh nếu thoát được cái án treo nặng trên đầu! Ta sẽ phạm một tội lỗi lớn nếu còn nhìn anh ta khi anh ta đã ra khỏi vòng thành này. Nhưng cái tính thay lòng đổi dạ bẩm sinh của anh ta sẽ miễn trừ cho ta điều cám dỗ này, bởi vì ta là thứ gì đối với anh ấy? Một cớ để tiêu khiển vài giờ trong mỗi ngày tù chán ngắt mà thôi!” Giữa những lời thóa mạ ấy, Clélia chợt nhớ đến nụ cười của Fabrice khi anh nhìn bọn sen đầm vây bọc anh lúc anh ra khỏi buồng giấy để lên tháp Farnèse. Nước mắt giàn giụa, cô than thở: “Bạn thân thương ơi! Có gì mà em không làm vì chàng? Chàng sẽ làm hại cuộc đời em, em biết lắm, số kiếp em là thế. Em cũng tự hại em một cách ác nghiệt nếu tối nay em dự cuộc hòa tấu ghê tởm đó. Nhưng mà rồi trưa mai, em sẽ được nhìn thấy đôi mắt chàng!”
Chính sáng hôm sau cái ngày Clélia cam làm những hy sinh lớn lao cho anh tù trẻ mà cô yêu tha thiết đó, chính sáng hôm sau cái ngày mà thấy hết khuyết điểm của Fabrice, cô vẫn hy sinh cuộc đời mình cho anh, chính vào lúc đó, Fabrice lại cảm thấy thất vọng về sự lạnh lùng của cô. Giả sử Fabrice chỉ nói bằng dấu hiệu để phần nào tỏ lòng oán trách, thì dù thứ ngôn ngữ ấy quá thô thiển, chắc Clélia cũng không cầm được nước mắt và hẳn cô đã thú nhận mối tình của cô đối với anh. Nhưng anh nhút nhát, anh quá sợ làm phật lòng Clélia, sợ cô có thể trừng phạt anh nghiêm khắc quá. Nói cách khác, Fabrice không có một chút kinh nghiệm nào về loại xúc động mà một phụ nữ mình yêu gây cho mình, đó là một thứ cảm giác mà anh chưa hề có, dù ở sắc thái phơn phớt nhất. Anh phải mất tám hôm, kể từ hôm hòa tấu, mới khôi phục được nề nếp bạn bè tốt với Clélia. Cô gái tội nghiệp cô làm nghiêm với Fabrice, chỉ sợ lộ nỗi lòng của mình thì chết được, cho nên Fabrice tưởng chừng như mỗi ngày nàng càng nhạt nhẽo thêm một chút với chàng.
Fabrice vào tù đã ngót ba tháng mà không trao đổi tin tức gì với bên ngoài được, tuy vậy cũng không cảm thấy khổ. Một hôm Grillo ngồi quá lâu trong buồng anh, cả buổi sáng, không biết cách gì làm cho hắn lui ra, anh thất vọng. Cuối cùng đến mười hai giờ rưỡi trưa, anh mới mở được hai cái cửa con cao ba tấc khoét trên mái che nắng tai hại.
Clélia đang đứng ở cửa sổ treo lồng chim, mắt dán vào cửa sổ Fabrice. vẻ mặt đăm chiêu của nàng biểu lộ sự thất vọng sâu sắc nhất. Vừa trông thấy Fabrice, cô đã làm ngay dấu hiệu nói là tất cả đều hỏng rồi. Rôi cô đến dương cầm, vờ đánh đàn để hát một đoạn trong vở nhạc kịch thịnh hành hồi đó, cô nói với Fabrice bằng những lời bị ngắt quãng bởi sự thất vọng và nỗi lo bọn lính canh đi lại dưới cửa sổ hiểu ra:
“Lạy Chúa! Anh vẫn còn sống đó ư? Tôi cảm tạ thượng đế khôn cùng! Barbone, tên coi ngục mà anh đã trừng phạt tội hỗn láo hôm anh vào đây, lâu nay biệt tăm ở trong ngục thành, tối hôm kia đã trở về. Và từ hôm qua tôi có lý do để tin rằng tìm cách đầu độc anh. Nó luẩn quẩn trong nhà bếp đặc biệt của lâu đài, nhà bếp làm bữa ăn cho anh. Tôi không biết chắc cái gì cả, nhưng chị hầu phòng của tôi cho rằng cái mặt ghê tởm của thằng ấy mà thò vào các bếp ăn của lâu đài là chỉ để mà giết anh thôi. Tôi lo sợ ốm người khi không thấy anh xuất hiện, tôi tưởng anh chết rồi. Anh hãy nhịn ăn, chớ động đến bất cứ thức gì, cho đến khi có tin mới, tôi sẽ làm cái gì có thể làm được để gửi cho anh chút ít sôcôla. Mặc dù thế nào, tối nay lúc chín giờ, ơn trời mà anh có được một sợi chỉ hoặc anh dùng khăn áo mà làm thành được một dải băng, thì anh hãy dòng nó qua cửa sổ, xuống chỗ mấy cây cam, tôi sẽ buộc một sợi dây để anh kéo lên, tôi sẽ dùng sợi dây đó để đưa bánh mì và sôcôla lên cho anh”.
Fabrice trước đã cất giấu như của quí một cục than mà anh tìm thấy ở lò sưởi buồng anh. Anh vội vã lợi dụng sự xúc động của Clélia, lần lượt viết trên bàn tay một loạt chữ cái chấp thành những tiếng:
“Tôi yêu cô và tha thiết với cái sống chỉ vì được nhìn thấy cô. Cần nhất là gửi cho tôi giấy và bút chì”.
Đúng với sự mong đợi của Fabrice, khi đọc thấy cái câu quá táo bạo: “Tôi yêu cô”, Clélia kinh hoàng không xiết kể, không dám cắt dứt cuộc trao đổi. Cô giới hạn niềm bất bình trong việc tỏ ra rất tức giận. Fabrice láu lỉnh viết thêm: “Hôm nay gió to quá, những điều quí hóa cô hạ cố chỉ bảo cho tôi trong lúc hát, tôi nghe câu được câu chăng, tiếng đàn át mất giọng nói. Chẳng hạn cái thuốc độc mà cô nói với tôi là gì vậy?”
Nghe đến đó nỗi kinh hoàng của cô gái lại tái hiện trọn vẹn. Cô vội vàng lấy bút mực viết những chữ lớn trên mấy tờ giấy xé ở một cuốn sách ra. Fabrice mừng rơn thấy cuối cùng cái cách thông tin mà anh từng cầu xin vô hiệu đó đã được thiết lập sau ba tháng lo toan nghìn kế trăm phương. Anh không từ bỏ cái mưu mẹo đã mang lại kết quả lớn cho anh. Anh mong được viết nên những bức thư, cho nên cứ vờ không nắm được những tiếng mà Clélia viết bằng cách lần lượt cho xem các chữ cái hợp thành.
Được một lúc cô phải rời chuồng chim để chạy đến với ông bố, cô sợ nhất là ông lên chỗ đó tìm cô. Óc đa nghi của ông sẽ không chịu được cái cảnh cửa sổ chuồng chim lại quá gần mái che nắng che khuất cửa sổ buồng tù. Ngay Clélia trước đó giây lát cũng đã nảy ý ném một hòn cuội bọc giấy lên khoảng trên mái che nắng, trong lúc cô lo ngại thắt gan thắt ruột không thấy Fabrice hiện ra; nếu ngẫu nhiên mà vào lúc đó, tên lính giữ tù không ở trong buồng Fabrice thì đây là một phương tiện thông tin chắc chắn.
Anh tù của chúng ta vội vàng xé khăn áo làm một dây vải. Buổi tối, quá chín giờ một tí, anh nghe thấy rõ ràng có những tiếng gõ nhẹ nhẹ vào các thùng gỗ trồng cam ở bên dưới cửa sổ buồng anh. Anh dòng cái dây vải xuống và kéo lên một sợi dây con rất dài; nhờ đoạn dây đó, anh thu được một mớ sôcôla, rồi một cuộn giấy và một cây bút chì khiến anh vô cùng thích thú. Anh còn tiếp tục thả dây xuống nữa, nhưng vô ích, anh chẳng nhận được gì thêm! Hình như bọn lính canh đã đi dến gần mấy cây cam. Tuy nhiên Fabrice cũng đã ngây ngất vì sung sướng. Anh vội vã viết cho Clélia một bức thư vô tận. Vừa xong, anh buộc thư vào dây và thả xuống. Trong hơn ba tiếng đồng hồ, anh chờ người ta đến lấy thư và trong thời gian đó, đã kéo lên nhiều lần để sửa chữa. Anh tự bảo: “Nếu Clélia không trông thấy thư ta trong đêm nay, khi nàng còn xúc động với những ám ảnh thuốc độc, thì sáng mai có lẽ nàng sẽ đẩy xa cái ý nghĩ tiếp nhận thư từ!”
Sự thật thì Clélia không thể từ chối đi vào thành phố với cha. Fabrice gần như đoán thấy việc ấy khi vào quá nửa đêm, anh nghe thấy tiếng xe của quan tướng trở về, anh biết rõ bước chân của các con ngựa ấy. Anh nghe thấy quan tướng đi qua sân thượng và lính gác bồng súng chào. Mấy phút sau, anh sung sướng biết bao nhiêu khi cảm thấy sợi dây chuyển động bởi vì anh đã quấn nó qua cánh tay mà chờ! Người ta buộc một khối nặng vào đầu dây kia rồi giật giật hai cái nhẹ để báo cho anh biết mà kéo lên. Phải khá vất vả, anh mới kéo được gói nặng ấy qua cái gờ nhô to dưới bậc cửa sổ buồng anh.
Vật anh mất nhiều công sức kéo lên đó là một bình đầy nước, bọc trong một chiếc khăn choàng. Chàng trai đáng thương bao lâu nay sống trong cô đơn, say sưa ôm chiếc khăn choàng mà hôn. Nhưng mà đến đều này thì đành chịu thôi, không mô tả được, đó là niềm xúc động của anh ta, khi sau bao ngày chờ tháng đợi hoài công, cuối cùng anh tìm thấy một mảnh giấy con ghim vào khăn choàng:
“Chỉ uống nước này thôi, còn ăn thì độc sôcôla. Ngày mai tôi sẽ làm đủ mọi cách để đưa bánh mì đến tay anh, tôi đánh những dấu chữ thập nhỏ bằng mực quanh chiếc bánh. Nói thì tởm nhưng anh cần biết rằng có lẽ Barbone được giao nhiệm vụ đầu độc anh. Làm sao mà anh không cảm thấy cái vấn đề anh bàn trong thư viết bút chì của anh làm phật ý tôi? Bởi thế, giá không có cái tai họa tối nguy hiểm đe dọa tính mệnh anh, thì tôi không viết thư cho anh đâu. Tôi vừa gặp nữ công tước, phu nhân mạnh khỏe, bá tước cũng vậy, nhưng bà gầy rạc đi. Đừng viết cho tôi về vấn đề ấy nữa, anh sẽ làm cho tôi giận đấy”.
Viết dòng chữ trước dòng chữ cuối, Clélia đã làm một cố gắng đạo đức lớn. Trong giới cung đình, ai cũng cho rằng phu nhân Sanseverina có nhiều cảm tình với bá tước Baldi, con người rất mực điển trai, nguyên là bạn của nữ hầu tước Raversi. Điều chắc chắn là chàng ta đã đoạn tuyệt một cách ồn ào nhất với bà hầu tước trong sáu năm qua đã đóng vai trò bà mẹ đối với chàng, và tạo cho chàng một địa vị trong xã hội thượng lưu.
Clélia đã phải viết lại cái giấy viết quá vội lần đầu, vì trong lần đầu tiên kia cô đã để hé một chút gì đó về cuộc ái ân mới mà mồm miệng ác hại của công chúng gán cho bà công tước.
“Ta mới đê tiện làm sao! Clélia kêu, ai lại nói xấu người yêu của chàng với chàng!…”
Hôm sau, lúc hãy còn chưa sáng, Grillo đi vào buồng Fabrice, không nói gì, lặng lẽ đặt một gói nặng ở đó rồi biến mất. Gói đó bọc một chiếc bánh khá to, bốn phía đều có những dấu chữ thập nhỏ vạch bằng bút mực, Fabrice ôm bánh lên, hôn lấy hôn để mấy cái dấu đó: Anh si tình rồi. Bên cạnh bánh có một cuộn gì ở ngoài bọc rất nhiều giấy, cuộn đó đựng sáu nghìn francs bằng tiền vàng sequins. Cuối cùng Fabrice tìm thấy một cuốn kinh nhật tụng mới tinh, một bàn tay mà anh bắt đầu quen biết đã ghi ở lề sách. “Thuốc độc! Hãy đề phòng nước uống, rượu vang, đề phòng tất. Chỉ sống bằng sôcôla thôi. Thử cho con chó ăn cái bữa ăn anh không động đến xem sao. Đừng tỏ ra nghi kỵ vì làm thế kẻ thù sẽ tìm một cách khác. Nhân danh Chúa, xin chớ khinh suất! Chớ nông nổi”.
Fabrice vội vàng xóa những chữ thân yêu đó đi vì nó có thể làm cho Clélia liên lụy, và xé một số lớn giấy ở cuốn kinh nhật tụng dùng vẽ lên nhiều chứ cái. Mỗi chữ được kẻ sạch sẽ với bột than tán mịn hoà với rượu vang. Những chữ cái đó vừa khô thì Clélia xuất hiện ở cách hai bước sau cánh cửa sổ chuồng chim, vào lúc mười một giờ bốn mươi lăm. “Cái việc quan trọng hiện nay, Fabrice tự nhủ, là làm sao cho nàng chịu sử dụng”. Nhưng may thay Clélia lại có nhiều điều muốn nói với anh tù trẻ về mưu toan đầu độc, một con chó của các chị giúp việc đã chết vì ăn một món nấu cho anh. Không những không phản đối việc dùng chữ cái, Clélia đã làm ra một bộ chữ mực rất đẹp. Cuộc chuyện trò bằng phương tiện ấy dù khá bất tiện lúc đầu, cũng đã kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ, nghĩa là tất cả thời gian Clélia có thể ở chuồng chim. Hai ba lần Fabrice nói tới những điều cấm chỉ, cô không trả lời và bỏ đi săn sóc chim một lát.
Fabrice đã được đồng ý là tối hôm đó, khi gửi nước đến cho anh, cô sẽ gửi đến một bộ chữ cái cô kẻ bằng mực, chữ đó dễ nhìn thấy hơn. Anh không quên viết một bức thư dài trong đó anh không nói những điều tình tứ hay ít nhất là nói một cách không làm mếch lòng. Cách đó có kết quả- thư anh được tiếp nhận.
Ngày hôm sau, trong cuộc trao đổi bằng chữ cái. Clélia không trách anh. Cô tin cho anh biết là mối hiểm họa bị đầu độc đã giảm, tên Barbone đã bị tấn công và đánh nhừ tử bởi bọn con trai đến săn đón các cô làm bếp ở lầu quan trấn thủ. Chắc là hắn dám bén mảng đến các bếp nữa. Clélia thú nhận với Fabrice là vì anh, cô đã đánh bạo ăn cắp thuốc giải độc của bố cô, cô gửi cho anh. Nhưng điều cần kíp nhất là hãy từ bỏ món ăn nào mà anh nếm thấy có vị khác lạ.
Clélia hỏi mãi don Cesare vẫn không khám phá được sáu trăm đồng sequins Fabrice nhận được do từ đâu đến. Dù sao đó cũng là một dấu hiệu tốt; sự hà khắc có phần giảm đi.
“Lớp thuốc độc” đó khiến công việc của anh tù tiến nhanh vô hạn. Tuy nhiên anh chưa bao giờ mới được một lời thú nhận nhỏ nào có thể coi là tình yêu. Nhưng anh lại hưởng cái hạnh phúc được sống một cách thân mật nhất với Clélia. Tất cả những buổi sáng, nhiều khi cả buổi chiều, đều có một cuộc nói chuyện dài bằng chữ cái; mỗi buổi tối lúc chín giờ Clélia tiếp nhận một bức thư dài và một đôi khi cô trả lời bằng mấy chữ; cô gởi báo và một vài cuốn sách cho anh, cuối cùng Grillo được cám dỗ đến mức mang đến cho Fabrice bánh mì và rượu vang mà ngày ngày cô hầu phòng của Clélia trao cho. Anh lính coi ngục Grillo qua những việc đó kết luận rằng quan trấn thủ không đồng tình với những người đã sai Barbone đầu độc vị cố đạo trẻ tuổi. Và anh lấy làm thích thú, cũng như các bạn đồng nghiệp của anh bởi vì có một ngạn ngữ lưu hành trong nhà ngục: “Cứ nhìn thẳng đức cha, là ta được cha cho tiền”.
Fabrice đã trở nên xanh xao, sức khỏe anh sút kém vì thiếu hoạt động. Ngoài cái đó ra thì chưa bao giờ anh có hạnh phúc như bây giờ. Chiều hướng chuyên trò giữa Clélia và anh thân mật, một đôi khi rất vui vẻ. Những giờ phút trong cuộc sống mà Clélia không bị những dự kiến hãi hùng, những ăn năn hối hận dày vò chính là những giờ phút chuyện trò với Fabrice. Một hôm, cô nông nổi nói:
— Tôi phục sự tế nhị của anh, vì tôi là con gái quan trấn thủ nhà ngục, cho nên không bao giờ anh nói với tôi về ý thích được trả lại tự do.
— Đó là vì tôi không muốn có một ý thích vô lý như vậy, Fabrice đáp. Một khi đã trở về Parme thì làm sao tôi còn được gặp lại cô? Và tôi sẽ sống sao nổi nếu không nói được với cô tất cả những gì tôi cảm nghĩ… Không, không hẳn là tất cả, bởi vì cô sẽ chỉnh đốn ngay; mặc dù cô ác đấy nhưng sống mà không trông thấy cô hàng ngày sẽ là một hình phạt đau đớn hơn cảnh tù này vạn bội! Đời tôi chưa bao giờ sung sướng như bây giờ!… Hạnh phúc lại chờ mình trong tù ngục, nghĩ cũng buồn cười đấy nhỉ?
— Còn nhiều điều cần nói về khoản đó, Clélia đáp với dáng đột nhiên trở nên nghiêm nghị và gần như u ám.
— Thế nào? Fabrice rất lo ngại hỏi, tôi có cơ mất cái vị trí nhỏ bé mà tôi đã giành được trong lòng cô và cũng là niềm vui duy nhất của tôi ở trên đời hay sao?
— Đúng vậy! Tôi có đủ lý do để tin rằng anh thiếu trung thực với tôi, mặc dù thiên hạ cho anh là một người rất quân tử. Nhưng tôi không muốn bàn luận về vấn đề đó hôm nay. Đoạn mở đầu lạ lùng này làm cho cuộc chuyện trò của họ trở nên lúng túng và lắm khi hai bên đều rớm nước mắt.
Viên chánh án Rassi vẫn cứ mơ ước thay tên đổi họ, ông chán ngấy cái thứ tên tuổi mà ông đã tạo cho mình và muốn trở thành nam tước Riva, về phần mình, bá tước Mosca trổ hết tài riêng để bồi dưỡng dục vọng làm nam tước ở viên quan tòa đã bán mình ấy, cũng như ông tìm cách tăng cường ở quận vương mối hy vọng điên rồ làm vua lập hiến xứ Lombards. Đó là những biện pháp duy nhất mà ông có thể nghĩ ra để trì hoãn cái chết của Fabrice.
Hoàng thân nói với Rassi:
— Cứ mười lăm ngày làm thất vọng, thì cho mười lăm ngày hy vọng, kiên trì thực hiện chế độ ấy, tất chúng ta sẽ khuất phục được tính khí kiêu kỳ của con mụ kia. Chính nhờ lần lượt dùng cương và nhu mà người ta khiến được những con ngựa chứng hung hãn nhất. Cứ sát khỏe chất xót vào.
Qủa vậy, cứ mười lăm hôm, người ta thấy nảy sinh một tin đồn mới về việc hành quyết Fabrice. Những sự tuyên truyền ấy đẩy bà công tước khốn khổ và cảnh tuyệt vọng cùng cực. Kiên định trong ý chí không kéo bá tước vào cảnh suy sụp của mình, bà chỉ gặp bá tước mỗi tháng hai lần. Bà bị trừng phạt về sự nhẫn tâm đối với con người tội nghiệp đó bởi những cơn thất vọng não nề cứ từng lúc dấy lên trong cuộc sống của bà. Bá tước Mosca cố vượt lên trên nỗi ghen tức ác hại của mình bởi sự lui tới chuyên cần của bá tước Baldi, con người đẹp trai; ông viết thư cho công tước phu nhân khi ông không đến được và báo cho bà những tin tức ông biết nhờ sự sốt sắng của nam tước Riva tương lai. Muốn vững vàng trước những tin đồn đại kinh khủng về Fabrice cứ luôn luôn dậy lên, đáng lẽ nữ công tước phải sống bên cạnh một người thông minh và quả cảm như Mosca. Đằng này gã Baldi chỉ là một tên rỗng tuếch, hắn cứ để mặc phu nhân loay hoay với những ý nghĩ của mình, làm cho cuộc sống của bà trở nên hãi hùng, mà bá tước thì không làm sao truyền đạt được cho phu nhân những lý do khiến ông hy vọng.
Viện mấy cớ khôn khéo, quan thượng thư đó đã thuyết phục quận vương đồng ý cho lưu trữ ở lâu đài một người bạn, giữa đất Lombardie, trong vùng Sarono, những văn thư về các mưu toan khá phức tạp nhờ đó mà quận vương nuôi cái “siêu cuồng vọng” làm vua lập hiến tại đất nước Lombardie huy hoàng.
Hơn hai mươi văn kiện có khả năng di hại lớn đó do tự tay hoàng thân viết hoặc ký. Trong trường hợp tính mạng Fabrice bị đe dọa thực sự, bá tước dự định sẽ báo cho hoàng thân biết là ông sẽ trao những văn kiện ấy cho một cường quốc, và cường quốc đó chỉ cần một tiếng là Điện hạ đi đời.
Bá tước tin rằng về phía nam tước Riva tương lai thì bảo đảm, chỉ còn sợ thuốc độc mà thôi. Mưu toan của Barbone làm cho ông lo ngại quá, đến mức phải làm liều một việc có vẻ như điên rồ. Một buổi sáng, ông đến cửa ngục thành và cho mời tướng Fabio Conti, ông này xuống tận công sự bên trên cổng. Ở đấy bá tước dạo chơi thân mật với quan tướng và sau mấy lời phi lộ chua ngọt thích đáng, ông không ngần ngại nói thẳng:
— Nếu Fabrice chết một cách ám muội, người ta có thể qui tội cho tôi, tôi sẽ bị xem là đứa ghen tuông; đó là một sự lố bịch kinh tởm mà tôi sẽ kiên quyết không nhận, cho nên, nếu Fabrice chết vì bệnh hoạn, thì tự tay tôi sẽ giết ông để rửa nhục cho tôi, ông nên tin như thế!
Tướng Conti đáp trả một cách lẫm liệt và nói đến sự dũng cảm của mình, tuy nhiên ánh mắt của bá tước in sâu trong tâm trí ngài.
Vài hôm sau, có vẻ như phối hợp với bá tước, viên chánh án Rassi làm một việc liều lĩnh khá lạ lùng ở một con người như thế. Sự khinh bỉ của công chúng đối với tên tuổi y, tên tuổi này đã được bọn dân hạ tiện dùng để ví von khiến cho y phát ốm từ khi y có cơ sở để hy vọng thoát khỏi tình trạng ấy. Y gửi cho tướng Conti một bản sao chính thức bản án đã xử Fabrice mười hai năm cấm cố ngục thành. Theo pháp luật thì việc ấy đáng lẽ phải làm ngay hôm sau ngày Fabrice vào tù; nhưng điều chưa từng xảy ra ở Parme, cái xứ của những biện pháp bí mật, là tòa án tự tiện làm việc ấy không có lệnh truyền phán của quận vương. Quả vậy, làm sao duy trì được cái hy vọng làm tăng nỗi kinh hoàng của nữ công tước mười lăm ngày một lần và khuất phục được tính khí kiêu kỳ ấy - nói theo chữ nghĩa của hoàng thân - khi mà một bản sao chính thức của bản án đã ra khỏi bộ tư pháp?
Hôm trước cái ngày nhận được phong bì công văn của quan tư khấu tướng Fabio Conti được biết là viên thư lại Barbone, khi trở về thành hơi muộn một tí, đã bị giã nhừ đòn. Ông kết luận rằng ở một nơi nào đó, người ta không đặt vấn đề trừ khử Fabrice nữa, vì vậy trong buổi bệ kiến đầu tiên sau đó, ông cẩn thận không nói đến bản sao án chính thức được trao đến tay ông, điều đó cứu Rassi khỏi những hiệu quả trước mắt của một hành động điên cuồng. Bá tước phát hiện mưu toan đầu độc vụng về của Barbone chỉ là một sự háo hức báo thù của cá nhân, điều khám phá này làm cho công tước phu nhân yên lòng. Ông cho cảnh cáo tên thư lại như chúng ta đã biết.
Fabrice ngạc nhiên một cách lý thú khi sau một trăm ba mươi lăm ngày bị cầm tù trong chuồng hẹp, cha tuyên úy don Cesare tốt bụng đến vào một ngày thứ năm để đưa anh đi dạo trên sân thượng tháp Farnèse. Lên đó chưa đầy mười phút, không quen với bầu không khí thoáng lộng, Fabrice ngất đi.
Don Cesare lấy tai nạn đó làm cớ để ban cho Fabrice nửa giờ dạo mát mỗi ngày. Đó là một điều dại dột, việc đi dạo thường xuyên như vậy phục hồi sức khỏe cho anh mau chóng, và anh đã lạm dụng.
Nhiều cuộc dạ tấu đã diễn ra. Vị trấn thủ mẫu mực chịu tiếp nhận là vì nó ràng buộc với hầu tước Crescenzi cô con gái mà tính tình làm ông lo ngại; ông lờ mờ nhận thấy không có điểm tiếp cảm nào giữa con ông và ông, ông luôn sợ cô có những hành động bột khởi. Cô có thể bỏ trốn vào nhà tu kín và ông sẽ hóa ra bất lực. Tuy nhiên, quan tướng lại sợ những tiếng đàn vang vọng vào những ngục kín sâu thẳm nhất dành cho bọn tự do cực kỳ nguy hiểm đó có mang những ám hiệu. Rồi chính bản thân bọn nhạc công cũng làm cho ông lo ngay ngáy; bởi thế, khi cuộc hòa tấu chấm dứt, họ bị nhốt ngay vào trong các phòng thấp ở lầu quan trấn thủ và khóa trái cửa - những phòng này ban ngày dùng làm buồng làm việc cho ban tham mưu - và họ chỉ được người ta mở cửa ngày hôm sau, khi trời đã sáng hẳn. Chính quan trấn thủ đứng ở cầu tên Nô lệ bắt lính khám xét các nhạc công trước mặt mình và trả lại tự do cho họ, sau khi nhắc nhiều lần là ông sẽ cho treo cổ tức khắc anh nào cả gan dám nhận giúp một việc liên lạc nhỏ nào giữa bên ngoài và một tên tù nào đó. Người ta biết rằng vì ông quá sợ mất tín nhiệm, cho nên ông sẽ làm y như lời ông nói; vì thế hầu tước Crescenzi phải trả thù lao gấp ba thường lệ cho các nhạc công, các anh này rất ấm ức về cái đêm vô cớ ở tù như vậy.
Công tước phu nhân phải mất nhiều công phu lắm mới khiến được một trong những nhạc công thiếu hào hiệp đó giúp bà đưa cho quan trấn thủ một bức thư. Thư gửi cho Fabrice, thư than phiền định mệnh ác nghiệt đã khiến cho Fabrice vào tù đã hơn năm tháng rồi, mà bao bạn hữu bên ngoài chẳng trao đổi với anh được một tin tức nhỏ nào.
Vừa vào ngục thành, anh nhạc công được mua chuộc vội quỳ dưới chân tướng Conti và thú nhận rằng một linh mục mà anh không quen biết đã khẩn khoản vật nài anh trao hộ một bức thư cho ông Del Dongo, anh không dám từ chối. Tuy nhiên, trung thành với bổn phận, anh phải dâng ngay thư lên tận tay quan lớn trấn thủ.
Quan lớn lấy làm vừa ý lắm. Quan lớn biết nữ công tước có những phương tiện vô tận để sử dụng, cho nên lâu nay quan lớn sợ nhất là bị lỡm ngầm. Trong niềm vui quan tướng mang thư đến trình quận vương, ngài rất thích chí. “Ấy, cách cai trị cương quyết của ta đã trả thù được cho ta! Mụ đàn bà kiêu kỳ ấy đau khổ từ năm tháng nay! Rồi một ngày kia, chúng ta sẽ cho soạn sửa một máy chém và trí tưởng tượng lung tung của mụ ta hẳn phải cho là để dùng cho thằng bé Del Dongo”.