Tư Duy Phản Biện

NHỮNG CƠ HỘI TUYỆT VỜI

NHỮNG CƠ HỘI TUYỆT VỜI

“Bạn có biết rằng cơ hội không bao giờ mất đi? Chỉ là có một số người đã lấy mất những cơ hội mà bạn đã bỏ lỡ mà thôi!”

- Khuyết danh -

Một vài người dường như có rất nhiều cơ hội, và một số người khác lại cảm thấy rằng họ chẳng có lấy một cơ hội nào. Một vài người nói rằng cơ hội là kết quả của việc ở đúng nơi vào đúng thời điểm. Nói theo cách khác, điều đó phụ thuộc vào may mắn. Một số người khác lại tin rằng, cách rõ ràng nhất để đảm bảo được những cơ hội là tự tạo ra chúng.

Cá nhân tôi suy nghĩ rằng sự thật nằm ở giữa. Trong khi việc chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị giúp ta có nhiều cơ hội hơn, thì may mắn cũng là một yếu tố khá bất ngờ để ta đo lường những cơ hội này tốt đến mức nào. Ta có công thức, một cơ hội tốt bao gồm kiến thức cộng với làm việc chăm chỉ và một chút may mắn; cơ hội tuyệt vời sẽ tương đương với nhiều kiến thức hơn cộng với làm việc chăm chỉ hơn và nhiều may mắn hơn. Nếu tôi cho thêm yếu tố tài năng vào bất kì phương trình nào thì kết quả sẽ ngay lập tức nhảy vọt lên. Cụ thể là kiến thức cộng với làm việc chăm chỉ, một chút may mắn và tài năng sẽ tạo ra một cơ hội hiếm có khó tìm. Nhiều kiến thức hơn với làm việc chăm chỉ hơn, nhiều may mắn hơn và tài năng hơn nữa sẽ tạo ra một cơ hội ngàn năm có một và làm nên tên tuổi những con người còn vang danh đến tận hôm nay - những nghệ sĩ, diễn viên, nhà chính trị,… hàng đầu thế giới.

Hai trong số những yếu tố trên có thể kiểm soát được trong tầm tay: kiến thức và làm việc chăm chỉ. Chúng phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn làm việc chăm chỉ và siêng năng thu thập kiến thức, nhưng bạn không thực sự xuất sắc trong một lĩnh vực nào, bạn vẫn có thể tạo ra cho mình những cơ hội tốt hơn mức trung bình so với những người khác. Hai yếu tố này do bạn quyết định.

Hai yếu tố còn lại, tuy nhiên, lại nằm ngoài sự lựa chọn của bạn. Dù bạn được sinh ra với một tài năng thiên bẩm, nhưng chưa chắc có được may mắn. Được sinh ra với một tài năng nổi bật có thể coi là một dạng may mắn rồi. Tuy nhiên, chỉ có tài năng không thôi thì không bao giờ tạo ra được cơ hội. Bạn có thể là ca sĩ tài năng nhất trên hành tinh, nhưng nếu bạn được sinh ra ở Bangladesh và chỉ được học khâu vá, làm việc trong một công ty may mặc với đồng lương 40 xu một giờ, dù sao cũng vẫn tốt hơn là làm thợ mỏ. Và rồi bạn vẫn làm việc chăm chỉ, thu thập kiến thức và có tài năng, nhưng cơ hội của bạn vẫn là rất nhỏ.

May mắn là một yếu tố vô cùng phức tạp. Có rất nhiều thứ quyết định may mắn. Nếu bạn được sinh ra trong một gia đình giàu có ở California, có những mối quan hệ tốt, có tài năng, bạn có một công việc khá và dù chỉ biết một vài thứ, bạn vẫn sẽ có cơ hội để đạt được thứ bạn muốn. Nhưng trường hợp này rất hiếm xảy ra.

Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất cho một người bình thường gặp được cơ hội tốt hay tuyệt vời là tạo ra một “hạ tầng cơ sở” cần thiết cho họ. Nói theo cách khác, hãy chuẩn bị thật nhiều kiến thức và làm việc chăm chỉ hết mức để phát triển các kĩ năng, tạo ra các mối quan hệ, trở nên ưa nhìn, bất cứ việc gì bạn cần cho giấc mơ của mình, thì lúc mà may mắn và cơ hội mỉm cười với bạn, bạn cũng đã sẵn sàng.

Hãy nhớ, cơ hội có thể chỉ gõ cửa một lần trong khi sự thèm muốn cũng như lơ đãng lại nằm đợi tiếng chuông cửa cả ngày dài. Đừng ngừng học hỏi và làm việc chăm chỉ, dù bạn chưa nhìn thấy một cơ hội tốt nào. Đôi khi, cơ hội tốt thường được ngụy trang. Chúng hiếm khi xuất hiện kiểu như một email trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực mời bạn ngồi thẳng vào vị trí Giám đốc điều hành.

Cơ hội thường là những ý tưởng hay ho bật ra khỏi đầu, hoặc những ý tưởng lóe lên trong khi chúng ta đang học tập.

Phương pháp Chiếc máy sáng tạo ý tưởng

Làm thế nào bạn tạo ra những ý tưởng hay và thú vị? Cha đẻ của các ý tưởng là James Altucher, người mà trong cuốn sách Choose Yourself của mình, đã giới thiệu một nghiên cứu phức tạp về việc làm thế nào để trở thành một chiếc máy sáng tạo ý tưởng.

Hãy viết ra mười ý tưởng mỗi ngày. Bạn có thể viết những ý tưởng về bất cứ điều gì? Tại sao lại là số mười nhỉ? Bởi vì điều này rất khó. Suy nghĩ về ba ý tưởng không phải là một thách thức lớn. Thậm chí năm ý tưởng có thể đến cùng một lúc mà không tốn nhiều sức lực. Nhưng để tạo ra mười ý tưởng mới một ngày thì không dễ như ăn kẹo. Não của bạn phải làm việc. Nó sẽ vượt ra ngoài những suy nghĩ bị giới hạn để vươn tới ranh giới của sự phi thường.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ý tưởng đều là tốt. Thêm nữa là, Altucher cảnh báo rằng 99% trong số những ý tưởng của chúng ta đều là rác. Dẫu vậy, não bộ của chúng ta sẽ được thiết lập một chế độ tự động sáng tạo. Kết quả là, sẽ có 1% các ý tưởng tốt có thể tạo thành cơ hội cho chúng ta.

Làm thế nào để gia tăng cơ hội có được những ý tưởng hay?

Bí quyết đầu tiên của James Altucher là hãy đọc hai giờ một ngày. Hãy phân chia thời gian để đọc tối thiểu bốn chủ đề khác nhau. Ngày hôm qua tôi đã đọc một bài tiểu sử ngắn về Mozart; một chương trong cuốn Tools of Titans (tạm dịch: Công cụ của người khổng lồ), cuốn sách bán chạy nhất của Tim Ferriss. Tôi đọc ba câu trích dẫn của Cheryl Strayed trong cuốn sách của bà là Brave Enough (tạm dịch: Đủ dũng cảm), và hoàn thành xong cuốn The Time Paradox (tạm dịch: Nghịch lý thời gian) của Philip Zimbardo và John Boyd. Chúng là những chủ đề khác nhau, không phải tất cả đều nhằm cải thiện những kĩ năng chính của tôi, nhưng chúng giúp tôi mở rộng kho tàng kiến thức và góc nhìn.

Bí quyết thứ hai mà chúng ta học được từ Altucher là mỗi ngày hãy viết ra mười ý tưởng về bất cứ thứ gì. Đó có thể là những ý tưởng kinh doanh, những ý tưởng về sách, ý tưởng làm người bạn đời hay cha mẹ của chúng ta bất ngờ, ý tưởng về cách gấp ga trải giường nhanh hơn, bất kể thứ gì bạn có thể nghĩ đến. Quy tắc duy nhất đó là hãy viết ít nhất mười ý tưởng ra giấy.

Nếu bạn là một người kiên định, đến cuối mỗi năm, bạn sẽ đọc được một ngàn giờ và viết ra được 3650 ý tưởng. Altucher ước tính rằng để trở thành một cỗ máy sáng tạo ý tưởng cần ít nhất sáu tháng luyện tập liên tục mỗi ngày. Giống như việc tập luyện cơ bắp, mỗi ngày bạn đều cần rèn luyện sáng tạo ý tưởng, nếu không chúng sẽ trở nên yếu đi. Ví dụ, bạn ngừng tập thể hình trong hai tuần, mặc dù bạn là một vận động viên có thành tích cao, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự khác biệt. Não của bạn cũng y như vậy.

“Cơ hội được tìm thấy bởi những ai tìm kiếm chúng. Ong thì đốt đau nhưng lại đem mật ngọt ngào… nên hãy cứ nhìn vào những điều tiêu cực với một thái độ tích cực nhất.”

- Khuyết danh -

Tất cả sai lầm mà chúng ta phải đối mặt cũng là một cơ hội. Một cơ hội để học hỏi, để phát triển, để biết rằng lối nào chúng ta nên tránh, để có được những kinh nghiệm. Cuộc sống của bạn được định nghĩa bằng cách bạn phản ứng lại các sự kiện nhất định. Nếu bạn lựa chọn việc nhìn nhận những thất bại hoặc những cơ hội bị vuột mất là bài học, bạn sẽ phát triển. Còn nếu bạn chọn cách gặm nhấm nỗi đau và từ bỏ cuộc đua dài, bạn sẽ không thể tiến bộ được.

Chúng ta là con người. Chúng ta không thể lúc nào cũng nói, “Được thôi, ai quan tâm chứ? Tôi sẽ coi đó là một bài học.” Chúng ta là những thực thể đầy cảm xúc và tất nhiên, thất bại thì rất đau đớn. Chúng luôn luôn đau đớn. Thậm chí còn đau hơn nhiều nỗi đau khác. Đúng vậy, sau mọi bi kịch, bạn đều trải qua một thời kì khóc lóc than vãn. Sau đó, những cảm xúc tồi tệ sẽ dần dần tan biến đi thôi, trừ khi bạn cứ cố tình níu giữ chúng lại bằng cách tiếp tục phàn nàn và tự biến mình thành nạn nhân. Nếu bạn đau, hãy cứ khóc – đừng giữ trong lòng. Nhưng đừng nhầm lẫn giữa việc khóc một lát rồi thôi với việc để những dòng nước mắt mãi không ngừng rơi.

Tự do đồng nghĩa với cơ hội

Khi suy nghĩ về cơ hội, chúng ta thường liên kết chúng với sự thăng tiến trong sự nghiệp. “Tôi có một cơ hội tốt để…” thường được giải nghĩa ra là “Tôi có một lời đề nghị công việc với mức lương tốt và tiền đồ xán lạn.”

Bạn nghĩ sao nếu tôi nói đó không phải là cơ hội chính mà bạn nên tìm kiếm trong cuộc đời? Thậm chí là ngược lại – tìm kiếm cơ hội để có thể được tự do nhiều hơn. Làm việc chăm chỉ và thu thập kiến thức để nhận ra giá trị bản thân mà không cần phải làm việc quần quật cực khổ tại một nơi nào đó như một cỗ máy. Hãy cố gắng tạo ra cơ hội để thực hiện đam mê của bạn – và không chỉ là làm việc khôn ngoan.

Như thế nào nhỉ? Câu trả lời tốt nhất và kích thích bộ não của tôi về chủ đề này là cuốn The 4-Hour Workweek (tạm dịch: Tuần làm việc bốn giờ) của Tim Ferriss. Cuốn sách nói cho bạn biết một cách cụ thể để xây dựng một công việc kinh doanh và một phong cách sống, mà chúng có thể tự vận hành và không cần nhiều sự hiện diện của bạn về cả thể xác lẫn tâm trí.

Lý tưởng về cách kiếm tiền của Ferriss là trở thành người sở hữu, không phải là ông chủ cũng không phải người làm thuê. Cách tốt nhất là “sở hữu một đoàn tàu mà lại có những người khác đảm bảo cho nó chạy đúng giờ.” Cách này sẽ giúp bạn có được sự tự do mà vẫn tạo ra tiền.

Mối tương quan giữa tiền bạc và tự do là gì?

Bạn có một vài câu hỏi “W” trong cuộc đời mình: cái gì (What), khi nào (When), ở đâu (Where), ai (Who). Túi tiền của bạn sẽ được nhân lên nhiều lần phụ thuộc vào việc bạn kiểm soát được bao nhiêu câu hỏi đó trong cuộc đời bạn:

• Bạn muốn làm gì?

• Khi nào bạn muốn làm điều đó?

• Bạn muốn làm điều đó ở đâu?

• Bạn muốn làm điều đó với ai?

Ferriss gọi những câu hỏi này là “những thừa số tự do”. Nhưng nó sẽ hoạt động thế nào trong thực tiễn? Dựa theo “những thừa số tự do” này, một nhân viên giàu có và bận rộn tạo ra được thu nhập sáu con số mỗi năm lại có vị trí thấp hơn so với một người chỉ tạo ra thu nhập $50,000 bằng cách làm việc tại nhà vài giờ một ngày, nhưng lại nắm bắt được đầy đủ tất cả các câu hỏi trên.

Các lựa chọn cũng là những cơ hội thực sự.

Đó chính là sức mạnh. Bạn sẽ nhìn nhận và tạo ra những lựa chọn này như thế nào với ít công sức và chi phí nhất?

Đầu tiên, đừng để mình nhàn rỗi ra quá lâu. Nó sẽ làm nhiễm độc óc sáng tạo và sức mạnh ý chí của bạn. Những thói quen có thể dễ dàng được tạo nên, đặc biệt khi chúng được luyện tập thường xuyên. Sự thực này không hề thay đổi dù bạn là người lạc quan hay bi quan.

“Không có gì khác biệt giữa cách nói của một người bi quan ‘Ôi cuộc đời tôi thật tuyệt vọng, chẳng có gì đáng bận tâm’, và của một người lạc quan ‘Mọi thứ đều ổn thôi, chẳng có gì đáng lo đâu’. Theo cả hai cách nói đó thì chẳng có việc gì xảy ra hết.”

- Tim Ferriss -

Điều đó nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thật ra bận rộn về bản chất cũng không mang lại tự do cho bạn, y như trạng thái nhàn rỗi. Bận rộn là một cách nói khác của việc lảng tránh những công việc quan trọng nhưng không dễ chịu. Công việc bận rộn chính là một hình thái của sự biếng nhác: “lười suy nghĩ và hành động liều lĩnh”. Làm việc quá tải cũng không tạo ra năng suất như không làm gì hết, thậm chí còn khó chịu hơn. Hãy đối mặt với nó, hầu hết thời gian chúng ta đều bận bù đầu lên một cách không đáng. Chúng ta không dành thời gian để suy nghĩ xem mình nên làm gì và những gì là không quan trọng. Chúng ta chỉ đơn giản là cứ nhận về công việc tiếp theo bởi vì chúng dễ dàng. Nếu chúng ta quản lý thời gian của mình tốt, hãy ưu tiên những công việc quan trọng trước và hoàn thành đúng hạn, chúng ta sẽ không bị quá tải.

Ferriss cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả khi bạn thực hiện một việc không quan trọng rất tốt thì cũng không biến nó trở thành quan trọng được. Những công việc mất thời gian sẽ không trở nên quan trọng dù cho bạn đã tốn rất nhiều công sức.

Việc nên làm gì quan trọng hơn là làm thế nào. Hoàn thành một công việc quan trọng một cách bình thường chắc chắn vẫn tốt hơn là thực hiện một công việc bình thường một cách hoàn hảo. “Hiệu suất chẳng có nghĩa lý gì trừ khi nó áp dụng cho đúng việc.” Điều đó đúng với tất cả các loại công việc.

Thay vào đó, hãy biết cách lựa chọn. Sử dụng thời gian và trí lực để phân loại các nhiệm vụ quan trọng từ những công việc bị dồn ép về thời gian. Hãy làm ít hơn. Đó mới là cách để cải thiện năng suất làm việc. Hãy tập trung vào một số ít công việc quan trọng nhưng tạo ra giá trị lớn (thu nhập, danh tiếng, sự trợ giúp, tình yêu - bất kể mục tiêu nào) và bỏ qua những thứ vụn vặt còn lại. Thiếu thời gian chính là thói ngụy biện của việc thiếu sự ưu tiên.

Để tối ưu hóa, thay vì cố gắng sửa chữa những khuyết điểm thì hãy tập trung cải thiện những thế mạnh của mình. Thúc đẩy những ưu điểm cá nhân lên mức chuyên nghiệp quan trọng hơn, đáng khen thưởng và thú vị hơn là vật lộn để kéo những khuyết điểm của bạn lên mức chấp nhận hay tạm được.

Làm thế nào để phân biệt những điều quan trọng với những thứ không hiệu quả?

Những phương pháp tốt nhất để trả lời câu hỏi này thường được đưa ra trong các cuốn sách, bao gồm cả cuốn The 4-Hour Workweek.

Thước đo năng suất đầu tiên để quyết định tính hữu ích của một hành động chính là Quy luật Pareto, hoặc gọi theo tên gọi khác là quy tắc 80/20. Quy luật này có nghĩa là gì?

Nó chỉ ra rằng 80% ảnh hưởng đến từ 20% nguyên nhân, hoặc 80% kết quả đến từ 20% nỗ lực và thời gian. Trong kinh tế, có một quy tắc thực tế là 80% lợi nhuận đến từ 20% khách hàng. Tỉ lệ này có thể du di và tăng lên là 90/10 trong một vài trường hợp.

Dựa theo Quy luật Pareto, hãy tự hỏi và tự trả lời những câu hỏi sau đây:

• 20% những hành động nào sẽ giúp tôi hoàn thành 80% nhiệm vụ của mình?

• 20% khoảng thời gian nào là lúc tôi tập trung 80% và năng suất hơn khoảng thời gian khác?

• 20% những người và hoạt động nào gây ra 80% các rắc rối và khiến tôi không hạnh phúc?

• 20% những người và hoạt động nào tạo ra 80% kết quả tôi mong ước và khiến tôi hạnh phúc?

Thước đo năng suất thứ hai là Định luật Parkinson. Wikipedia định nghĩa nó như sau: “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó.” Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn cho phép bản thân mình dành một tuần để hoàn thành một công việc, đó chính xác là khoảng thời gian nó sẽ tiêu tốn của bạn. Nhưng nếu bạn cho phép mình đến cả một tháng, thì đó cũng chính là khoảng thời gian mà bạn cần cho cùng một công việc ấy.

Có một bí quyết về những hạn chót. Nếu bạn cho mình một ngày để hoàn thành một dự án, áp lực thiếu thời gian sẽ buộc bạn phải tập trung cao độ vào công việc. Bạn thực chất không thể có thời gian để lang thang vơ vẩn, tìm những thứ làm trì trệ hoạt động của mình.

Hãy thử nghiệm phương pháp này. Hãy đảm nhận một nhiệm vụ rồi cho bản thân mình đúng một ngày để hoàn thành nó. Hãy nghiêm khắc và không gian lận. Hãy coi nó như một công việc của cả cuộc đời bạn hay một dự án sống còn. Khi thực hiện, hãy lưu ý lại những điểm cần tập trung, những hành động nào giúp bạn nhiều nhất để hoàn thành, khi nào bạn sáng tạo tốt nhất, v.v… Thử tạo ra một công việc như vậy có thể giúp bạn thu được những thông tin giá trị về bản thân. Bạn làm việc dưới áp lực như thế nào, đâu là điểm mạnh của bạn, những công cụ nào giúp bạn, điều gì khiến bạn phân tâm. Thực hành nó ngày một thường xuyên hơn sẽ giúp bạn phát triển thói quen làm việc nhanh và hiệu quả hơn khi có hạn chót.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có hẳn một tháng để hoàn thành một công việc hay những người chỉ được phép làm trong hai ngày cùng đạt được kết quả như nhau. Công việc của những người có ít thời gian hơn tập trung vào nhiều hành động thực tiễn và có giải pháp định hướng hơn. Bởi vì thời gian quá gấp, họ buộc phải tập trung vào những phần trực tiếp giúp hoàn thành công việc đó.

Quy luật Pareto và Định luật Parkinson có thể là một ý tưởng nền tảng giúp bạn có nhiều thời gian rảnh hơn, và tạo ra cho bạn những cơ hội lựa chọn:

1. Giới hạn các công việc của bạn vào những việc quan trọng để giảm thời gian làm việc. (Quy luật Pareto)

2. Giảm thời gian làm việc để giới hạn các công việc và tập trung vào những việc quan trọng. (Định luật Parkinson)

Hãy xác định một vài công việc quan trọng có thể tạo ra giá trị lớn nhất cho mục tiêu của mình, sau đó hãy lên kế hoạch thực hiện với hạn chót thật ngắn và cụ thể.

Hãy nhớ nhắc nhở bản thân kiểm tra năng suất hằng ngày. Đó là một trong số những điều hay nhất mà tôi đã rút ra được từ cuốn The 4-Hour Workweek. Tôi cài đặt ba mốc thời gian nhắc việc (tất nhiên là không kể báo thức buổi sáng và nhắc giờ đi ngủ) trong Ứng dụng Nhắc việc của điện thoại. Một cái vào lúc 10 giờ sáng, một cái lúc 3 giờ chiều, và một cái lúc 5 giờ chiều, nhắc nhở tôi cùng một nội dung: “Tôi có đang làm việc hiệu quả không?

Những gì tôi đang làm bây giờ có quan trọng không?” Tôi khuyến khích bạn hãy thử xem sao. Đôi khi tôi cũng ăn gian một chút bằng việc lượn lờ trên một số trang web. Khi điện thoại của tôi kêu 'ting ting', giống như đang nhìn chằm chằm vào tôi với một cái cau mày, tôi có cảm giác như mình là một đứa trẻ vừa bị bắt quả tang, tôi tắt trình duyệt web và quay lại với công việc của mình. Các kết quả thấy được quan trọng hơn nhiều so với hành động vô tội vạ.

Bạn cũng có thể đặt ra một vài quy tắc để tiết kiệm thời gian cho chính mình. Biến các cuộc đối thoại hằng ngày thành hành động ngay lập tức. Hãy giới hạn việc đọc và trả lời email của bạn một lần mỗi ngày, hoặc thậm chí một lần mỗi tuần nếu có thể. Hãy đặt chế độ trả lời tự động cho người gửi biết bạn sẽ chỉ kiểm tra email một lần một ngày hoặc một tuần. Hãy sử dụng trang rescuetime.com để xem bạn dành bao nhiêu thời gian cho các công việc khác nhau, và chặn những trang web làm bạn sao nhãng trong khi đang làm việc.

Nếu như bạn đang là nhân viên cho một công ty, tình trạng mất thời gian vào những việc vô nghĩa xảy ra đôi khi không phải do lỗi của bạn. Nhưng không may là, đa số các tổ chức không khích lệ người lao động sử dụng thời gian hiệu quả - trừ khi họ được trả lương theo công việc được hoàn thành. Lương trả theo giờ là điều tệ nhất. Kiểu làm việc này lại có xu hướng kích thích người lao động kết thúc công việc càng lâu càng tốt để được trả lương cao hơn với ít nỗ lực hơn. Thời gian bị lãng phí bởi vì có quá nhiều thời gian. Kể cả khi bạn đã được tuyển dụng, bạn cũng không nên lãng phí thời gian như vậy. Hãy thông minh hơn.

Hãy hoàn thành công việc của công ty càng nhanh càng tốt, rồi nghỉ ngơi. Sau đó, hãy làm việc và nghiên cứu những dự án riêng của mình. Như là tôi đã đề cập ở chương trước, sự hiểu biết và làm việc chăm chỉ luôn dẫn tới thành công. Vào thời điểm kết thúc một ngày làm việc, hãy kiểm tra lại những gì bạn đã làm vào buổi sáng, hoàn thành và gửi nó đi. (Trừ khi bạn có những hạn chót phải hoàn thành sớm hơn.) Bằng cách này, nơi bạn làm việc sẽ không coi bạn là vô dụng, bạn đã làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy có một cơ hội để thỏa thuận một lịch làm việc linh hoạt, hoặc được trả lương dựa vào kết quả bạn tạo ra thay vì thời gian (lãng phí) ở công ty, thì hãy làm như vậy. Hãy làm công việc của mình thật nhanh gọn và chuyên nghiệp, và sau đó tận dụng thời gian rảnh rỗi còn lại để làm những thứ khác.

Nếu bạn có thời gian rảnh, đừng quên rằng bạn tích lũy được nó không phải để ngồi cả ngày dài xem ti vi. Bạn có được nó với mục đích cuối cùng là để giải phóng nhiều câu hỏi “W” trong cuộc đời mình.

Bài thực hành cho chương này

1. Mười ý tưởng bất kì của tôi ngày hôm nay là:

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

2. Ba hành động chính hôm nay giúp tôi lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi và cảm thấy mình làm việc hiệu quả:

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

3. Nếu chỉ có một điều duy nhất tôi có thể hoàn thành trong thời gian rảnh của mình thì đó nên là điều gì?

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................