Tư Duy Phản Biện

BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG

BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG

“Có nhiều vàng được khai thác từ suy nghĩ của loài người hơn là số vàng được lấy ra từ trái đất. Vậy hãy quét đi lớp mạng nhện và tận dụng tất cả những ý tưởng tuyệt vời mà bạn có!”

- Khuyết danh -

Bạn đã bao giờ mường tượng về người mà mình sẽ trở thành hay chưa? Đã bao giờ bạn thiết tha muốn thực hiện bằng được một việc gì? Hay bạn có hình dung nào về việc bạn sinh ra để dành cho điều gì chưa?

Nhưng đồng thời, bạn cũng tự nói với bản thân rằng viễn cảnh đó không thể xảy ra. Bạn mơ về việc trở thành một doanh nhân, nhưng lại không bao giờ khởi nghiệp. Bạn muốn là một nghệ sĩ, nói đúng hơn là một họa sĩ, nhưng lại không bao giờ động đến cọ vẽ và vải toan. Nếu đúng là như vậy, thì theo như Steven Pressfield, tác giả cuốn The War of Art (tạm dịch: Cuộc chiến nghệ thuật), bạn đang bị thử thách.

Pressfield nhấn mạnh rằng, với bản chất duy lý trí, chúng ta thường cảm thấy những thử thách này đến từ phía bên ngoài. Nguyên nhân không đến từ chúng ta, mà luôn đến từ người bạn đời, cha mẹ, môi trường, hệ thống giáo dục tệ hại, do công việc, cấp trên, hệ thống phương tiện giao thông chậm chạp phải chịu trách nhiệm cho những ước mơ bị trì hoãn đó - ngoại trừ chính chúng ta. Luôn có một lý do để chúng ta KHÔNG thực hiện những gì mình ao ước.

Sự thật là, lỗi ở chính bản thân bạn chứ không phải bất kì ai khác. Cứ mỗi lần chúng ta (tự) ảo tưởng và trì hoãn đam mê thực sự của mình, đó là vì chính chúng ta cho phép mình làm như vậy. Khi tôi sử dụng từ “chúng ta”, tôi cũng tự nhận thấy có “bản thân tôi” ở trong đó. Tôi không có chiếc chìa khóa mở lối đến với tri thức trong cả vũ trụ. Tôi cũng không thấu rõ mọi tâm hồn trên trái đất này. Cho nên, khi tôi sử dụng nhân xưng số nhiều ở đây, tôi ý thức rõ điều đó cũng xảy ra với chính mình. Mong các bạn thứ lỗi cho tôi về điều đó.

Đó là lý do tại sao tôi đan xen những kinh nghiệm cá nhân với những nghiên cứu phản ánh ý kiến của số đông, hoặc nói đúng hơn, là mức trung bình của mọi người. Mục đích của tôi là cho các bạn thấy những quan điểm độc đáo, chủ quan và khách quan về lý do tại sao bạn lại thông minh hơn bạn tưởng. Hãy đọc, cảm thụ và nhìn nhận với một thái độ phê bình trong khoan dung. Hãy tìm kiếm những viên ngọc quý dành cho bạn và bỏ qua những thứ còn lại.

Quay trở lại với Steven Pressfield và quan điểm về những thử thách, ông muốn khẳng định rằng luôn có những trở lực trỗi dậy từ bên trong. Con người tạo ra và duy trì nó. Thử thách cũng trực tiếp tỉ lệ với ham muốn. Chúng ta càng trông đợi bao nhiêu thì thách thức càng lớn bấy nhiêu. Không phải là chúng ta không muốn làm điều ấy (đó là lời chúng ta hay tự nói với bản thân) nhưng chưa phải là bây giờ, hoặc là đợi khi ta có nhiều kiến thức hơn, nhiều thời gian rảnh hơn hay có tiền. Chúng ta tìm lý do bào chữa và khiến sự trì hoãn của mình trở nên hợp lý.

Mơ mộng thì dễ chịu, nhưng khi nghĩ về những trở ngại ngăn cản thành công, bạn cảm thấy tồi tệ. Trong giấc mơ, chúng ta cảm thấy thật tuyệt, nhưng khi bạn quay trở lại với thực tế và bắt đầu suy nghĩ về việc phải hiện thực hóa ước mơ thì cảm giác bất hạnh xuất hiện. Chúng ta cảm thấy buồn chán và bồn chồn không yên.

Một vài người trở nên trầm uất bởi vì những trở ngại từ chính bên trong họ, họ tin rằng mình là người chẳng giỏi giang bất cứ điều gì. Không phải là họ không có tài năng, không có ý tưởng, hay họ không xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Sự thật là họ không bao giờ dám thử sức với những ý tưởng của mình, bởi vì họ không nhận được những phản hồi tích cực cho những thành công trước đó của họ. Tại sao? Đa số là vì họ đã không dám thử những điều thực sự định nghĩa bản thân họ là ai, những thứ họ thực sự muốn cho chính mình chứ không phải cho người khác. Họ cảm thấy họ không xứng với một mục tiêu cao cả hơn.

Điều ấy đúng trong một số phạm vi.

Mọi người không phải được sinh ra với những sự lựa chọn vô hạn. Chúng ta đến với cuộc sống này với những mục tiêu cụ thể, để hoàn thành sứ mạng riêng của mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể trở thành bất kì ai mà chúng ta muốn được. Ví dụ, tôi ao ước trở thành một ca sĩ được mọi người công nhận tài năng, nhưng nếu tôi biểu diễn trước các khán giả khiếm thính thì cơ hội để tôi đạt được thành công là con số không. Điều đó cũng hợp lý thôi. Đó không phải là những gì tôi cần làm. Tôi có những thứ khác đang thôi thúc mình phải thực hiện.

Bạn sở hữu một “tài năng xuất chúng”

Suy nghĩ phải trở thành ông nọ bà kia khiến chúng ta mắc kẹt. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là liên tục phủ nhận bản thân và ao ước điều gì đó khác đi mà chính là tìm ra, chấp nhận con người thật của mình và tận dụng tối đa giá trị đó.

“Mọi người đều có tài năng – nhưng một vài người không bao giờ khám phá ra nó!”

– Wolfgang Riebe -

Bạn có thể không bao giờ trở thành một diễn viên hay vận động viên đẳng cấp quốc tế. Bạn thậm chí chẳng màng tới các danh hiệu. Tuy nhiên, bạn có thể trở thành một cá nhân tốt nhất trong một lĩnh vực nào đó. “Tài năng xuất chúng” của bạn có thể đảm bảo mang đến cho bạn một cuộc sống tốt, sự đầy đủ, tiền bạc và bình an trong tâm hồn. Tôi chắc như đinh đóng cột rằng bạn có một tài năng đặc biệt mà bạn có thể dùng nó để kiến thiết tương lai của riêng mình. Đừng hiểu đơn thuần theo nghĩa đen. Nó có thể không chỉ là một tài năng duy nhất. Đa số “tài năng xuất chúng” này là sự kết hợp độc đáo giữa hai hoặc ba tài năng mà bạn vượt trội hơn mức trung bình của người khác.

Ví dụ, tôi có kĩ năng giao tiếp xã hội tốt, kĩ năng viết tuyệt vời và tôi biết cách quảng bá thương hiệu cá nhân. Kết quả là, tôi trở thành một tác giả viết về mảng phát triển xã hội và có khả năng tự xuất bản sách của mình. Tôi có thể không phải là người giỏi nhất trong từng kĩ năng riêng lẻ, và tôi cũng không thể làm gì nếu tôi chỉ tập trung vào một kĩ năng trong số đó. Nói theo một cách giàu hình ảnh thì tôi lấy một cái máy trộn, cho hết tất cả những khả năng tốt nhất của mình vào trong, rồi trộn đều chúng với nhau.

“Điều tuyệt vời nhất mà một cá nhân có thể đóng góp cho xã hội là vận dụng tối đa những tài năng trời phú cho mình. Đó chính là thành công chứ không phải bất cứ điều gì khác.”

- Orison Swett Marden -

Biết rõ kĩ năng tốt nhất của mình, hài hòa chúng với nhau để trở thành một “tài năng xuất chúng” chưa phải là đích đến, mà chỉ mới là vạch xuất phát. Nếu bạn có những tài năng độc đáo của riêng mình, thì công việc thực sự mới chỉ bắt đầu. Cả cuộc đời mình bạn phải bền bỉ và kiên trì phát triển và dung hòa những kĩ năng ấy. Trừ khi bạn sinh ra đã là một thiên tài trong một lĩnh vực nào đó, thì từ tốt đến vĩ đại vẫn còn một khoảng cách rất xa. Bạn buộc phải rèn luyện.

Tập trung vào kĩ năng và con đường mình chọn. Bạn có thể sẽ không cảm thấy hào hứng vào thời điểm bắt đầu. Không có một quy tắc nào nói là những gì bạn giỏi và bạn lựa chọn thực hiện sẽ được mọi người yêu thích ngay từ những lúc ban đầu cả. Như Carl Newport trong cuốn sách của mình, So Good They Can’t Ignore You (tạm dịch: Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn), đã nói rằng, nếu như bạn nỗ lực hết tâm hết sức trong công việc, thì đến cuối cùng bạn sẽ yêu thích và phát triển niềm đam mê với nó. “Hãy chuyển hướng mục tiêu của bạn từ chỗ tìm một công việc tốt sang làm tốt công việc của mình, và cuối cùng xây dựng tình yêu với những gì bạn làm.” Như Ralph Waldo Emerson nói, “Người thành công chính là một người bình thường nhưng làm việc tập trung hết sức.”

Tại sao bạn nên trở thành chuyên gia thay vì một tay nghiệp dư? (Không kể những lí do quá hiển nhiên.)

Hãy xác định bạn sẽ là một chuyên gia thay vì một tay nghiệp dư trong lĩnh vực của mình. Nghiệp dư, từ đó bắt nguồn từ một từ gốc có nghĩa là “yêu thích”. Điều này thể hiện là những người nghiệp dư muốn được làm việc và mong muốn này được điều khiển bởi cảm xúc yêu thích. Mặt khác, những chuyên gia làm việc vì tiền. Steven Pressfield không đồng ý với quan điểm này. Theo ý kiến của ông thì những người nghiệp dư không hề yêu thích cuộc chơi này. Nếu có, họ đã biến những mong muốn làm việc của mình thành lòng yêu nghề thật sự. Nghiệp dư trong cách giải thích này chỉ là một kiểu lười biếng: Họ không thực sự yêu thích và mong muốn được làm việc đến mức mà họ có thể dành trọn cuộc đời của mình cho công việc đó. Những người nghiệp dư không dành toàn bộ thời gian để cam kết với công việc.

Một người chuyên nghiệp không sợ những thử thách. Họ nới rộng những giới hạn của bản thân. Điều đó giúp họ phát triển. Tất nhiên, họ cũng phải đối mặt với những nỗi sợ. Nếu họ cảm thấy hoảng hốt khi đối mặt với một thách thức, đó cũng là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa là họ có cơ hội để cải thiện tốt hơn, bởi vì cái khó ló cái khôn. Sợ hãi cũng là cách để chúng ta có thể tiếp cận những kiến thức rộng lớn hơn. “Thành công đến từ việc không ngừng mở rộng các giới hạn của bản thân theo mọi hướng – sáng tạo, tài chính, tinh thần và thể chất. Hãy luôn tự hỏi bản thân mình, tôi có thể cải thiện điều gì tốt hơn? Tôi có thể nói chuyện với ai khác không? Tôi có thể tìm kiếm ở đâu khác không?” James Altucher đã nói như vậy, trong cuốn sách Choose yourself (tạm dịch: Lựa chọn chính mình) của ông.

Người chuyên nghiệp nhận biết và phát triển không chỉ các cơ hội mà còn cả giới hạn của chính họ. Họ hiểu rõ mình chỉ là chuyên gia trong lĩnh vực riêng của mình mà thôi. Nên họ thuê những chuyên gia khác để giúp họ như là các luật sư, kế toán viên, nhà thiết kế và những người khác nữa.

Người chuyên nghiệp yêu công việc của họ cũng như những người nghiệp dư vậy. Anh ta chấp nhận tiền bạc là phần thưởng cho những lao động vất vả mà mình bỏ ra. Nếu những chuyên gia này không yêu thích những gì mình làm nhằm trở nên xuất sắc hơn những người khác, thì họ sẽ không cống hiến cuộc đời của mình cho công việc ấy. Như lời một bài hát, “Tình yêu thái quá sẽ giết chết người ta”. Điều này cũng đúng với niềm đam mê công việc, ước mơ, công việc, sự nghiệp, mục tiêu của bạn, dù bạn gọi nó là gì đi chăng nữa.

Làm thế nào để vượt qua các trở ngại trong cuộc đời và bắt đầu thực hiện những gì bạn đang trì hoãn?

“Hình thức bên ngoài ra sao phụ thuộc vào bên trong như thế nào.”

- Park Cousins -

Hãy dừng lại một chút và nhìn xung quanh bạn. Bạn có thích những gì bạn đang nhìn thấy không? Nếu không, hãy nhìn lại mình. Khi bạn làm như vậy rồi, mà bạn vẫn không cảm thấy hạnh phúc, thì hãy nhìn sâu vào bên trong con người mình. Dù bạn cảm thấy thế nào, thì thứ bạn đang có ngay đây chính là những suy nghĩ hiện tại. Nếu bạn muốn thay đổi một điều gì, hãy ra khỏi lối mòn, điều đầu tiên bạn nên làm là hãy thiêu rụi những suy nghĩ ấy đi. Bạn không thể mong thứ gì mới mẻ sẽ đến với mình nếu giữ nguyên nếp nghĩ cũ.

Nếu bạn cảm thấy rằng mình vẫn bị trở ngại nào đó ngăn cản cho đến tận bây giờ, và bạn đang kìm nén một thiên tài và những giấc mơ bên trong mình, thì đây là thời điểm để thay đổi.

Bạn phải thấy bản thân xứng đáng với những giấc mơ của chính bạn.

Đó là vì bạn xứng đáng như vậy. Dù bạn có làm ra điều gì trong quá khứ đi chăng nữa, thì bạn cũng không thể thay đổi những điều ấy nữa. Điều tốt nhất bạn có thể làm với quá khứ của mình là hãy hoài niệm về gia đình và những người mình đã từng yêu thương với những kí ức hạnh phúc. Tất cả những oán hận cay đắng vẫn sẽ có lúc nào đó quay trở lại. Nếu như hiện tại của bạn tràn ngập những kí ức đau đớn của quá khứ thì bạn sẽ phải sống chung với chúng thay vì hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Tự nhắc nhở mình về những sai lầm, nhưng hãy cố gắng để chúng không tái diễn và vượt qua chúng. Hãy tha thứ cho chính mình và bắt đầu viết một tương lai khác.

Bài tập cho chương này

1. Hôm nay tôi đã nhận biết được tôi sở hữu một “tài năng xuất chúng” trong lĩnh vực:

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

2. Hôm nay tôi đã nhận ra mười sai lầm lớn nhất và những yếu tố chủ quan khiến tôi cảm thấy mình không xứng đáng với mục tiêu của mình:

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

3. Hôm nay tôi đã loại bỏ được một sai lầm hay một yếu tố chủ quan khiến tôi cảm thấy mình không xứng đáng với mục tiêu của mình:

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

...........................................................................

Ví dụ: Hôm nay tôi đã gửi email xin lỗi tới người yêu cũ của mình. Hôm nay tôi đã đến tiệm và đổi kiểu tóc mới. Hôm nay tôi đã thanh toán trước cho một khoá học XY để cải thiện khả năng YZ của mình.