Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Mạch Nước

Dakiya đã lấy đầy hai xô nước lạnh, nhưng vẫn dùng dằng chưa muốn rời khỏi mạch nước mát rợi. Cô gái vừa đi làm đồng về, người còn hừng hực vì cái oi bức ngoài đồng ruộng và công việc vất vả mà ở đây thì lại mát mẻ dễ chịu làm sao.

Rửa ráy xong, Dakiya lấy gương ra soi. Đến khi cô sửa soạn ra về, đã toan nhấc đòn gánh lên vai, thì đột nhiên như thể từ dưới đất chui lên, một chàng trai hiện ra trước mặt cô.

– Xe tôi và tôi đều khát cả. Có thể xin cô một ngụm nước không đây? - Chẳng đợi cô gái có bằng lòng hay không, anh ta kề ngay miệng vào thành xô mà uống ừng ực.

– Không chuẩn bị cho đủ nước mà cũng gọi là lái xe kia đấy. - Dakiya làm ra bộ nghiêm nghị cự nự!

Khi đã uống thỏa thuê, anh chàng lái xe mới ngẩng lên nhìn cô gái. Anh ta to lớn, vạm vỡ, trên người mặc quần áo may liền bạc màu. Trông người mới khỏe mạnh và dồi dào nghị lực làm sao!

– Đâu rồi sẽ có đó! Uống một ngụm xin trả cô cả một xô! - Chàng trai nói đùa lại, phô hai hàm răng trắng đều đặn.

Anh hất đầu về phía đường cái, cách mạch nước chừng bốn năm chục thước, chiếc xe ô tô tải của anh vẫn nổ máy đứng ở đó.

– Đã là chuyến thứ hai trong ngày rồi đấy. Cô bạn yêu quý, cho xe đi đến lử người thì khát là phải chứ. - Anh ta nói tiếp như để tự bào chữa.

Kể ra thì chẳng có gì còn đáng nói nữa: nước đã uống rồi - thế là xong. Chẳng qua anh chàng muốn bắt chuyện với cô gái mà thôi.

Đến lúc đó có thêm hai chiếc xe tải nữa chạy tới chỗ chiếc xe vẫn đứng nổ máy. Dakiya nhấc đòn gánh với đôi xô nước trên vai và ra về. Đi được mấy bước cô ngoái lại:

– Các anh có thể cho xe đi đường thẳng, không phải vòng qua làng chúng tôi kia mà.

Không biết có phải vì cô gái vội bỏ đi hay vì ngày hôm nay quá nóng, mà anh chàng lái xe đột nhiên cáu kỉnh.

– Thì trước hết nông trường cô hãy sửa sang lại cây cầu qua khe Gấu của mình đi đã, rồi hãy đi dạy bảo người khác! Hiểu chứ? Thế mà cũng gọi là nông trường “con đường thẳng tiến” kia đấy. Vì “thẳng tiến” của cô mà trời nóng nực thế này phải đánh xe đi vòng tới hai cây số đường!

Dakiya leo lên dốc núi với vẻ mặt thản nhiên như thể những lời của chàng trai vừa nói không hê đụng chạm tới cô. Nhưng lên hết dốc, Dakiya không ghìm được mà phải ngoái lại. Và cô thầm tự hỏi: “Ờ mà những lời ấy can hệ gì đến ta không nhỉ?”

Ở dưới kia những người lái xe xách xô đi đi lại lại giữa chỗ xe đỗ và mạch nước. Dakiya nhận ra được anh chàng lái xe đầu tiên, cao lớn, có cặp mắt đen láy như anh đào chín và mái tóc bồng, người mà xét về mọi dấu hiệu thì lúc đó muốn nói điều gì đẹp đẽ với cô, nhưng lại ném ra những lời chẳng lấy gì làm dễ nghe cho lắm về nông trường “con đường thẳng tiến” của cô.

* * *

Cây cầu.

Nói cho đúng thì đó nào phải là cầu, mà chỉ là một bè gỗ gồm bảy tám thân cây ghép lại dựa trên bốn thân cột bắc ngang qua khe Gấu cách làng Kaenxa độ một cây số. Cho đến gần đây nó vẫn phục vụ đắc lực cho người ta: xe ngựa và xe ô tô tải chở thóc từ các nông trường quanh vùng lên kho của khu vẫn đi theo con đường thẳng, không phải qua làng Kaenxa. Một mặt như vậy rút ngắn được đường đi, mặt khác xe cộ lại tránh không phải leo cái dốc “chết tiệt” ở giữa làng. Nhưng cách đây một tuần, trời đổ mưa rào tầm tã và nước lũ dồn về đã cuốn trôi mất mặt cầu. Từ đó xe cộ phải đi đường vòng qua làng Kaenxa.

Đúng là anh chàng lái xe có đầy đủ lý do để’ bực bội: đã một tuần nay đội sản xuất của Dakiya làm ở gần cầu, hàng ngày mấy lần qua lại bên cầu vậy mà không hiểu tại sao trong đội sản xuất của cô lại không có ai nghĩ đến chuyện phải lên tiếng đề nghị sửa chữa cầu. Vì thế những người hoàn toàn xa lạ kia mới buông ra được những lời chê trách cái nông trường vốn bấy nay vẫn là một nông trường tiên tiến.

Tối hôm ấy Dakiya đến ngay ban quản trị để đề đạt ý kiến về cây cầu qua khe Gấu. Nhưng vừa nghe Dakiya nói chưa dứt, ông chủ tịch ban quản trị nông trường đã gạt đi. Ông cho đó là chuyện không đáng kể.

– Mà đấy cũng có phải là việc của các cô phải lo đâu kia chứ!

Tất nhiên Dakiya không chịu:

– Thì cháu cũng có đi xin việc của người khác đâu, thưa bác Giarif. Không có việc ấy chúng cháu cũng đã bận túi bụi rồi!

– Ừ, nếu công việc túi bụi rồi thì đi mà làm cho xong đi, vậy thôi nhé. - Ông chủ tịch buông một câu, một lần nữa cho biết rằng vấn đề thế là chấm dứt. Nhưng để cho thêm quan trọng ông còn nói. - Mà cô bé xinh đẹp ơi, thêm nữa tìm đến tôi là cô đã gõ cửa nhầm rồi đấy. Tại sao cô quên Xô viết thôn, quên ông chủ tịch Xô viết Galimgiamốp? Mọi chuyện cầu cống hay bờ rào bờ dậu, nếu như cô muốn biết thì đều nằm trong dự trù chi tiêu của Xô viết thôn kia.

Những điều tinh tế như vậy quả thực Dakiya nào có rõ, cô cảm thấy ít nhiều bối rối. Tuy nhiên cô vẫn không chịu, cô bắt đầu thấy bực - cái ông chủ tịch nông trường này lại muốn đem cất việc cô nêu ra vào trong tủ kín đây!

– Bác Giarif, vấn đề không phải liên can đến riêng cháu hay riêng bác, mà đến cả nông trường của chúng ta. Bọn các anh lái xe đang chửi bới cả làng chúng ta, nông trường chúng ta đấy. Nếu việc cần phải đến nói với bác Galimgiamốp, cháu sẽ đi nói chứ có gì đáng ngại!

– Ái chà chà! - Ông chủ tịch thốt lên, cảm thấy rằng cô gái tuổi mười bảy này không chịu buông tha ông chừng nào chửa đạt được ý mình.

– Thì cháu thử nghĩ mà xem, chúng ta nào có ai ngồi rỗi, ai cũng công việc ngập đầu, ngoài đồng ruộng cần thu hoạch gấp, mà thu hoạch về còn phải chế biến. Lại phải làm nghĩa vụ lương thực. Chứ ngần ấy việc cũng đã chậm trễ rồi. Mà chậm trễ có xứng với một nông trường tiên tiến không? Cháu thử nói bác nghe, có xứng không nào?

– Tất nhiên là không rồi ạ! - Dakiya đồng ý, nhưng liên đó lại nói tiếp. - Nhưng thưa bác Giarif, dù sao cũng phải nghĩ về những lời họ nói: “Chỉ vì cái khe Gấu của các người mà phải đi vòng hàng mấy cây số”!…

“Ai cần thì kẻ ấy đi mà sửa chữa cầu. Điều quan trọng đối với tôi là làm sao hoàn thành cho được kế hoạch lúa của chúng tôi đã” - ông chủ tịch thoáng nghĩ nhưng ông không nói ra: cái nhìn chòng chọc của Dakiya làm ông phải tự ghìm lại. Nhưng đọc được ý nghĩ của ông, cặp mắt cô gái muốn bảo ông: “Ta không nên theo cái lối đèn nhà ai rạng nhà nấy bác ạ”.

– Thôi được, tôi sẽ bàn việc này với ông chủ tịch Xô viết thôn. - Ông Giarif vội vã hứa, rồi đột nhiên lại nói thêm. - Cho gọi ngay đội trưởng đội mộc đến gặp tôi nhé.

Liền sau đó ông Giarif giật mình nghĩ lại: ông giải quyết như vậy liệu có vội vã hay chăng? Ông sợ cô gái quấy rầy lâu nên phải “gật” cho xong hẳn. Nhưng muộn rồi, Dakiya đã hối hả chạy biến đi thi hành chỉ thị của ông.

* * *

Ngay sáng hôm sau, bên khe Gấu đã rộn rã vang lên bản hòa tấu của tiếng cưa tiếng rìu. Sau khi xây dựng chuồng ngựa của nông trường còn dư khá nhiều gỗ tốt, người ta đưa cả đến đây. Tìm ra được cả những tay thợ cần thiết, mà công việc thu hoạch đồng áng cũng vẫn không bị ảnh hưởng. Và chẳng bao lâu xe cộ lại đi lại bình thường qua khe Gấu, tránh được cái dốc “chết tiệt” ở Kaenxa.

Mọi người đều hết lòng cảm ơn nông trường “con đường thẳng tiến”. Tuy nhiên có một người lại bâng khuâng suy nghĩ: chính là cái anh lái xe lực lưỡng có cặp mắt anh đào chín, đã gặp Dakiya bên mạch nước hôm ấy, uống đã khát từ xô nước của cô gái và muốn nói điều gì đó với cô, nhưng lại đi chê trách nông trường “con đường thẳng tiến”. Không hiểu vì sao nhưng anh ta cứ cho rằng nhất định cô gái kia có dính dáng đến công việc sửa chữa cây cầu. Và nghĩ như vậy anh ta thấy lòng khấp khởi. Anh ta thấy cô gái càng đáng yêu hơn, và càng ngày anh ta càng mong muốn được thấy lại cô.

Thế rồi, các bạn thử nghĩ xem thế nào? Anh chàng lái xe nọ lại cho xe đi vòng qua làng Kaenxa, cố tình đi đoạn đường vất vả ấy với lý do: phải lấy nước cho bộ phận sưởi điện của xe.

Nhưng lý do đó rồi cũng không đứng vững được lâu. Ở khu vực khe Gấu, cách cầu không bao xa có một mạch nước nhỏ ri rỉ từ lòng đất lên. Vào một ngày đẹp trời, có người nào đó đã khơi sâu mạch nước, phá to miệng ra và đặt cả một khuôn thành bằng gỗ vào đấy. Nước cần cho “bộ phận sưởi điện của xe” đã chảy ra sát bên lề đường rồi!

Tuy nhiên hạnh phúc vẫn cứ mỉm cười với anh chàng lái xe.

Một lần, khi cánh đồng lúa chín rộ tỏa hương thơm ngào ngạt, anh ta đã gặp lại Dakiya. Mà gặp thế nào kia chứ? Dakiya đến mạch nước mới để quẩy nước còn anh chàng lái xe lại dừng xe để cho xe “uống nước”. Lần này họ trò chuyện với nhau như những người quen biết cũ.

– Nào, anh còn bực bội gì về nông trường chúng tôi nữa không? Cần cầu, chúng tôi đã làm lại cầu mới, cần nước, chúng tôi đưa nước đến tận bên đường. - Và Dakiya nheo mắt cười lém lỉnh.

– Điều tôi vẫn còn bực là cô hoàn toàn không ló mặt ra nữa. Cô khuấy động trái tim người khác, rồi bản thân cô lại biến đi đâu mất tăm mất tích. - Anh chàng lái xe đỏ mặt bối rối, không hiểu làm sao mà mình lại buột mồm nói ra những lời đó chứ?!

Cả hai cùng im lặng và e dè nhìn nhau. Bầu trời xanh, xanh thăm thẳm, nắng chói chang, còn sau mấy lời trao đổi ngắn ngủi kia, sự im lặng tiếp theo mới dễ chịu làm sao, nhẹ nhàng làm sao và lại nói được biết bao nhiêu điều muốn nói.