Thượng sĩ cận vệ Irkabai Mirzaép ngồi bên cửa sổ trong căn phòng của bệnh viện quân y và tư lự nhìn ra phố. Có một người xách chiếc giỏ đầy những trái đào đi ngang qua ngoài cửa sổ… Những quả đào con, chín, phủ ngoài bằng lớp lông tơ vàng óng lên màu hồng. Irkabai thấy sao mà thèm được nếm cái thứ quả ngon lành kia đến thế, và anh tiếc rẻ nhìn theo người xách giỏ đào. “Chà giá được nếm lấy vài bốn quả nhỉ!” Anh lập tức hình dung ra cái cảnh anh đang cẩn thận gọt làn vỏ mềm mại có lớp lông tơ mượt như nhung kia thế nào, rồi anh đưa lên miệng những miếng đào mọng nước dày cùi và anh ừng ực uống cái dòng nước quả ngọt ngào ấy ra sao.
Sáng hôm sau Irkabai lại ra ngồi bên cái cửa sổ cũ, và lại vẫn người bữa trước xách giỏ đào đi qua. Suốt ngày hôm ấy Irkabai cứ mường tượng mãi đến những trái đào và những thửa vườn đào. Thậm chí đêm ngủ anh cũng nằm mơ thấy như mình đang dạo chơi với một cô gái trong vườn cây lộng lẫy, và cô gái nói với anh: “Anh xem kìa, những trái đào thật là tuyệt! Sao anh còn lưỡng lự, hái nhanh đi thôi chứ!…”
Irkabai nằm ở quân y viện đã năm tháng rưỡi. Thời gian gần đây anh bắt đầu cảm thấy chán ngán, anh đâm ra buồn. Với những đồng chí cùng nằm trong một phòng thì mọi chuyện từ lâu đã nói với nhau hết rồi, người ngoài chẳng ai đến, còn tự mình đi thì biết đi đâu kia chứ. Ở thành phố này chẳng có ai là người quen. Chỉ mong sao cho chóng lại trở ra mặt trận. Ở đấy vui hơn, có nhiều đồng đội, mỗi ngày đem đến những chuyện mới. Ngoài ra, từ khắp nơi trên đất nước những con người hoàn toàn không quen biết tới tấp gởi thư, gởi quà cho các chiến sĩ. Chỉ riêng trong một tháng trước khi bị thương, V. Mirzaép Irkabai đã nhận được ba lá thư và hai gói quà.
Một lần ở mặt trận phía Tây, khi anh mới chỉ là binh nhì, đồng chí tiểu đội trưởng đã mang một gói quà nhỏ đến tìm anh và bảo: “Này, gởi cho anh đấy, chàng trai có đôi mày đen và đôi mắt đen!” Irkabai lấy làm ngạc nhiên về lời lẽ của đồng chí tiểu đội trưởng, nhưng nhìn vào gói quà anh chợt nhận ra đấy là những lời trên mặt gói thay cho địa chỉ! Lời gởi đến mặt trận miên Tây. “Trao cho chàng trai có đôi mày đen và đôi mắt đen đạt được nhiều thành tích trong những trận giao chiến với quân phát xít”.
Trong gói quà có khoảng hai trăm gờram thuốc lá thơm, một chiếc khăn tay nhỏ, vải mịn thêu hoa lá rất đẹp và trong chiếc phong bì màu xanh lam có mảnh giấy đề mấy dòng vắn tắt: “Đồng chí Hồng quân! Thuốc lá thì đồng chí đem chia cùng hút với anh em, còn chiếc khăn tay thì giữ lấy - sau chiến tranh tôi sẽ hỏi tới nó đấy. Latifa Guliamôva”.
Những hàng chữ ấy làm cho Irkabai xúc động đến mức ngay trong ngày hôm đó anh viết cho Latifa liền hai lá thơ. Một lá gồm những lời chào và lời cảm ơn hết sức cầu kỳ, còn trong lá thư thứ hai thì anh bóng gió nói đến những tình cảm mà chỉ có thể nói thầm thì vào hai tai những người con gái. Hai tháng trôi qua, không thấy có thư trả lời, trong khi đó thì những trận chiến đấu lớn đã diễn ra, đơn vị, trong đó có Irkabai Mirzaép, trở thành đơn vị cận vệ, và bản thân anh cũng lên cấp thượng sĩ cận vệ. Anh lại viết thơ cho Latifa, nhưng cả lá thư này cũng không được cô gái trả lời. Chỉ còn có thể nghĩ rằng những lời bóng gió của anh đã chạm mạnh đến lòng tự trọng của cô gái.
Sau đó ít lâu Irkabai bị thương nặng và phải nằm ở trạm quân y tiền phương hơn một tháng. Để chữa cho khỏi hẳn vết thương anh đã được sơ tán về vùng hậu phương an toàn, và anh đã rơi vào chính cái thành phố quê hương của Latifa. Nhớ đến cô gái, Irkabai quyết định: “Khỏi một cái là thế nào ta cũng phải đến thăm cô ấy”. Nhưng khi anh đã có thể dậy, có thể không nạng để đi lại được thì cái quyết định ấy lại rời bỏ anh: Ta hy vọng cái gì ở đây kia chứ? - Anh nghĩ. - Những bức thư của ta cô ấy không trả lời, khăn tay thì cô ấy hứa chỉ sau chiến tranh mới hỏi đến, mà như vậy có nghĩa là cô ấy đã giao hẹn trước: “Nếu như anh còn chưa thanh toán xong với cái bọn phát xít ấy, thì đừng có mà đến gặp tôi.”.
Thời gian gần đây Irkabai đã thôi cả việc nghĩ ngợi tới Latifa, nhưng cái giấc mơ lạ lùng kia với cô gái trong vườn đào có gì như gợi nhớ tới Latifa, thế là ý nghĩ về cô ấy lại bùng lên. Chẳng lẽ cứ bắt buộc khi gặp lại là phải nói: “Thưa, tôi chính là Irkabai Mirzaép” hay sao, có thể nhận là bạn của Mirzaép, đến chuyển cho cô lời chào chiến đấu của anh ta lắm chứ. Hình như, cô ấy là một cô gái thông minh, tốt bụng, được nói chuyện với cô ấy chắc hẳn rất lý thú, có thể lại rủ được cô ấy ra công viên thành phố dạo chơi hay đi xem xinê - cái đó thì quả đã là phù phiếm rồi đấy.
Chàng thượng sĩ cận vệ Irkabai Mirzaép nghĩ như vậy và quyết định phải ngay lập tức thực hiện ý định của mình. Vào ngày chủ nhật kế sau đấy, sau khi đã ăn mặc chỉnh tề, anh ngắm nhìn vào trong gương, và lấy làm vừa ý về bản thân bộ quân phục lĩnh ở nhà kho quân y viện rất hợp với thân hình cân đối của anh, gương mặt có phần xanh đi sau thời gian dài nằm trong phòng bệnh nay lại ửng lên cái ánh hồng của thời niên thiếu, và mảnh băng đánh dấu hai lần bị thương gắn vào áo quân phục làm cho cả bước đi hơi lệch về chân trái, cả cái nạng tiêu chuẩn bằng gỗ mộc cắp ở nách tay phải đều trở thành điều vinh dự.
Sau khi tìm ra ngôi nhà của Latifa, Irkabai hồi hộp gõ vào cánh cổng. Chợt một ý nghĩ hơi khó chịu thoáng qua trong óc anh: “Nhỡ ra mà cái cô Latifa này lại đã là một bà già giống như một cây nho cằn cỗi không còn nhựa sống và đã trở thành một thứ nho chua loét rồi thì sao?” Khi ở cổng một bà cụ mặt răn reo hiện ra trước mặt anh thì anh bối rối đến mức không nói được một lời nào.
Bà cụ hấp háy cặp mắt sắp lòa lặng đi mấy giây nhìn ngắm chàng thượng sĩ và đột nhiên, ôm choàng lấy cổ anh, hôn vào hai má:
– Ôi, con bồ câu nhỏ của mẹ, con trai xinh đẹp của mẹ! - Bà cụ thốt lên như với một người thân yêu nhất. - Kìa chân con làm sao thế? Vào đây, vào đây con! Lên đây con yêu quý. - Bà cụ lê đôi dép hấp tấp bước lên khoảng hiên nhà thâm thấp. - Này con gái nhỏ của ta đâu rồi nhỉ, đặt ấm trà đi con, ra đây, ra đây mà xem anh con từ mặt trận về đây.
Trái tim Irkabai bỗng giật thót khi anh nghĩ rằng mình ngay bây giờ sẽ được nhìn thấy Latifa. Trên hiên nhà hiện ra một cô gái tuổi chừng mười bảy mặc chiếc váy liền áo bằng thứ lụa màu hồng với đôi bím tóc đen dài quấn quanh đầu mấy vòng liên. Cô chào người chiến sĩ từ mặt trận về rồi trở vào nhà.
Đưa mắt nhìn theo cô gái, Irkabai đầy ân hận: “Cô gái xinh đẹp thế kia mà mình đã làm cho phải sợ hãi vì cái bức thư ngu ngốc của mình”. Cùng lúc ấy bà cụ vừa chuẩn bị chỗ ngồi cho Irkabai trên mô đất cao trong vườn, lại lên tiếng.
– Những đứa con trai như con từ chiến tranh đến nay vẫn chưa được xây dựng nơi chốn của mình, chưa được thực hiện những điều mình mong ước, ôi, cái thời buổi mà mọi sự là chỉ tại cái thằng Hítle rồ dại đáng nguyên rủa ấy thôi, ngữ ấy thì cứ đem mà thiêu ra tro cả khi còn sống lẫn khi đã chết! Mà này có phải Latifa nó cũng ở đơn vị với con không?
Cô gái từ trong nhà đi ra cầm tấm khăn trải bàn nghe thấy những lời cuối cùng của mẹ, cô mỉm cười:
– Đấy, chính là phải bắt đầu từ đó đấy mẹ ạ. Anh ở mặt trận nào về thế ạ? - Cô gái hỏi Irkabai. - Chị của em ở mặt trận trung tâm.
– Sao? - Irkabai thốt lên ngạc nhiên. - Latifa đang ở mặt trận ư? Tại sao cô ấy lại ở đó?
– Chị ấy làm hộ lý. Chị đi vào tháng năm năm ngoái.
– Ra là thế đấy!
– Thế đấy con ạ. - Bà cụ lại lên tiếng. - Mẹ đã nói với nó bao nhiêu lần: “Con không biết cưỡi ngựa, không biết bắn súng, con sẽ làm gì ở ngoài mặt trận kia chứ?” Mặc, nó chẳng chịu nghe lời. Nó là gan lắm kia. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chiến trường thôi. Nó đã bao nhiêu lần viết thư cho các chiến sĩ Hồng quân, cán bộ chỉ huy và gởi cho họ những gói quà nhỏ, ấy có nhẽ đã hơn một năm kể từ ngày nó ra đi, vậy mà thư từ các mặt trận vẫn cứ tới tấp gởi về. Con ơi, con đã gởi chuyển đi cho chị con bao nhiêu thư rồi nhỉ? Mẹ nhớ đâu như: một trăm hai lá thì phải.
Irkabai phát hoảng lên: “Ba lá là của mình. Còn chín mươi chín lá!”
– Tất cả các lá ấy đều là từ mặt trận gởi về. Đối với cái bọn ở lại hậu phương thì đến làm quen nó, nó cũng chẳng muốn. Tính nó như thế. Con ơi, con đem cái ảnh của chị con ra cho khách của nhà ta xem nào. Con gái mẹ có đọc cho mẹ nghe tất cả mọi lá thư. Các chiến sĩ Hồng quân và cán bộ chỉ huy tỏ ra phấn khởi lắm và rất cảm ơn em nó. Có hai lá thư do một anh chàng nghịch ngợm nào đó viết. ừ mà cũng được thôi, chỉ cốt sao cho chú chàng cứ sống mãi.
Irkabai đỏ bừng mặt lên.
Từ trong nhà, cô gái đem ra mấy tấm ảnh của Latifa.
– Ảnh chị em chụp khi còn ở nhà. - Cô gái đưa cho Irkabai xem một trong những tấm ảnh và nói.
Trên tấm ảnh một cô thiếu nữ hơi nghiêng đầu ngượng nghịu nhìn ra: “Thôi xin các anh, đừng có nói gì!”. Nụ cười e lệ của cô như muốn nói lên điều ấy để’ ngăn ngừa tất cả những lời ca ngợi nhan sắc của cô. Irkabai không thể hiểu nổi một cô bé e lệ thế này mà lại dám ra mặt trận!
– Con xem cái ảnh này. - Bà cụ chỉ sang một tấm ảnh khác. - Đây là em nó chụp ở Mátxcơva.
“Bộ quân phục mới hợp với cô ấy làm sao!”. - Irkabai hoa cả mắt lên. Ở đây Latifa hoàn toàn khác hẳn. Cô đứng, đầu ngẩng cao kiêu hãnh, cặp mắt long lanh tinh nghịch, và tất cả dáng vẻ như nói rằng: “Này chàng trai, hãy cẩn thận!”.
Irkabai lặng đi. Tự nhiên anh lật phía sau tấm ảnh lên và chợt nhìn thấy địa chỉ hòm thư của Latifa.
– Con nhận ra em nó ư? - Bà cụ hỏi.
– Mẹ! - Bằng một giọng run run Irkabai nói với bà cụ. - Mẹ cho con tấm ảnh này. Một trong những gói quà của Latifa đã đến tay anh bạn thân của con. Anh ta bị thương nằm ở quân y viện, mà anh ta lại rất muốn được làm quen.
– Anh ấy tên là.?
Irkabai lúng túng.
– Trong số những lá thư gởi về đây, - Irkabai bắt đầu giải thích, như muốn tự bào chữa. - có ba lá của anh ta. Nhưng anh ta không phải là cái đứa nghịch ngợm mà mẹ nói đâu. Anh ta. - Irkabai hoàn toàn bối rối và im lặng.
– Thôi được, đồng chí cầm lấy. - Em gái của Latifa nói và mỉm cười hồ như đoán ra “anh ta” là ai rồi!
Irkabai cất tấm ảnh vào túi ngực và đứng dậy. Dù chủ nhà có nài nỉ thế nào mời anh ở lại uống trà, anh cũng thoái thác và ra về, sợ tự lộ chân tướng.
Trở về quân y viện, Irkabai ngồi để thảo bức thư mãi cho tới tối. Chép lại ra giấy sạch, anh lấy cái phong bì màu xanh lam giống hệt như phong bì thư Latifa đã gởi cho anh và ghi trên đó rõ ràng mấy dòng chữ:
“Đơn vị chiến đấu. PPM 19640-B. Nếu như cô Latifa Guliamôva mắt đen cứu được hơn mười chiến sĩ bị thương ra khỏi trận địa thì hãy trao thư này cho cô”.
Lần này Irkabai đã nói được nhiều điều trong thư gởi cho cô gái, nhưng nội dung bức thư đó kể ra ở đây e không tiện.