Tôtem Sói

Chương 9

Xưa, ông tổ người triều Nguyên là con trai của một cặp mà chồng là sói xám, vợ là hươu trắng, sau khi phối giống vượt sông Tăngchiso, rồi lại vượt nguồn Cannan đến trước dãy Bunhan thì ở lại, mà sinh ra, tên Bataxihan.

Trích dẫn Dư Đại Quân dịch chú "Mông Cổ bí sử"

Ba rưỡi sáng, Trần Trận và Dương Khắc đem theo hai chó săn, lặng lẽ trèo lên đỉnh đồi kề bên dãy núi Đen.  Hai con ngựa đã được cột  chân ở một chỗ khuất phía sau.  Con Nhị Lang và con Vàng rất nhạy cảm, thấy ra đi từ đêm, chúng biết là đi săn, giờ đây chúng nằm im trên tuyết, cảnh giác nhìn tứ phía.  Mây dày che khuất trăng sao.  Thảo nguyên tối đen, giá lạnh và đáng sợ.  Trong khuôn viên mấy chục dặm vuông mà chỉ có hai người, mà lại là lúc sói thường xuất hiện, thấy người là tấn công.  Dãy Đen như những con thú khổng lồ đè nặng phía sau, khiến Trần Trận sống lưng lạnh toát.  Cậu lo cho hai con ngựa, và bắt đầu sợ cho hành động phiêu lưu của mình.

Bỗng có tiếng tru của sói từ phía đông bắc vọng tới, trầm như tiếng tiêu, dài lê thê, dư âm ba bốn phút sau mới tắt.  Rồi lại có tiếng chó đàn cùng sủa từ xa vọng lại.  Hai con chó nằm bên Trần Trận vẫn im lặng.  Chúng biết quy tắc: Nếu là canh đêm thì phải sủa như điên, nhưng nếu là mai phục chờ lệnh tấn công thì phải im như thóc.  Trần Trận luồn tay dưới nách con Nhị Lang, tay kia ôm lấy cổ nó.  Trước khi lên đường, Dương Khắc  đã cho hai con chó ăn lửng dạ, vì ăn no khiến chúng lười nhác, mất ý chí chiến đầu, ăn đói khiến chúng đuối sức.  Thức ăn đã phát huy tác dụng trong cơ thể con Nhị Lang: Tay Trần Trận ấm sực, cậu úp lòng bàn tay lên cái mũi lạnh ngắt của con chó.  Nó vẫy đuôi khẽ.  Có con chó săn bên mình, Trần Trận thấy đỡ lo.

Sau mấy ngày đêm bận tối mắt tối mũi, Trần Trận rất mệt.  Tối hôm kia, Dương Khắc rủ mấy thanh niên người Mông đi bắt sói con, nhưng họ không tin ở núi Đen có ổ sói nên không ai chịu đi cùng, lại còn khuyên hai người đừng đi mà phí công.  Hai người không chịu, quyết đi bằng được.  Vậy nên lúc này chỉ có hai con chó nhà làm bạn, hơi đơn độc, thiếu khí thế.

Dương Khắc ôm chặt con Vàng, bảo nhỏ Trần Trận: Đừng sợ.  Sắp sáng rồi.  Ban ngày sói sợ người, ta còn đem theo cả thòng lọng.

Trần Trận cũng run như con Vàng, cậu cố trấn tĩnh, nói: Chúng mình như bộ đội đặc công hoạt động sau lưng địch, hết cả ngái ngủ.

Dương Khắc cũng cố tỏ ra cứng cỏi: Đánh sói như đánh giặc, cả đấu trí lẫn đấu lực, trong 36 chước chỉ trừ mỹ nhân kế, những kế còn lại đều có thể thi thố.  Bố Pilich quả thật đa mưu, phải cho chúng một trận mới hả.

Trần Trận nói: Nhưng mà đừng có chủ quan, mình thấy 36 chước vẫn chưa đủ để đối phó với sói.

Dương Khắc nói: Đúng vậy.  Chúng mình đang dùng kế lợi dụng sói mẹ về cho con bú để tìm hang sói đấy thôi.

Trần Trận nói: Lũ sói sát hại nhiều ngựa quá, bố Pilich quá bức xúc mà phải ra tay đấy thôi.  Hôm nọ mình đi đặt bẫy mới biết nhiều năm nay ông già không bẫy sói.  Ông không có ý tuyệt diệt họ nhà sói.

Trời rạng dần, dãy núi Đen không còn giống những con thú khổng lồ nữa, hiện nguyên hình núi đá.  Từ phương đông, những tia sáng xuyên qua màn mây mỏng, ngày càng loang rộng trên thảo nguyên.  Người và chó phủ phục trên tuyết, Trần Trận chĩa ống nhòm quan sát tứ phía, mù quá dày, mọi vật không nhìn rõ.  Cậu chỉ lo sói mẹ được sương mù che chở lúc này trở về hang, thì cả một đêm thức trắng trở thành công cốc.  May mà mù tản nhanh, biến thành màn sương mỏng, lượn lờ trên mặt cỏ.  Nếu có thú đi qua, màn sương lay động là biết liền.

Bỗng con Vàng ngoảnh nhìn phía tây, lông gáy dựng lên, toàn thân căng thẳng.  Con Nhị Lang cũng ngoảnh nhìn về hướng con Vàng.  Trần Trận biết có chuyện, vội chĩa ống nhòm nhìn theo, nơi có vạt đất lau lách mọc đầy, nối liền chân núi với đồng cỏ, chạy dài theo hướng đông bắc.  Đây là nơi vắng vẻ, khuất gió, là bức màn ngụy trang mỗi khi sói xuất kích trên thảo nguyên.  Ông già Pilich nói, mùa đông và mùa xuân, đây là nơi sói ẩn nấp, di chuyển và ngủ; đồng thời cũng là bãi săn của dân du mục.  Con Vàng và con Nhị Lang rất có thể đã nghe thấy tiếng chân của sói trong bãi lau.  Thời gian đúng, phương hướng đúng, Trần Trận tin chắc con sói mẹ sắp về ổ.  Cậu quan sát cẩn thận bên rìa vạt lau, đợi sói mẹ xuất hiện.  Người già nói không sai, bãi sậy trũng, mùa xuân ngập nước, sói không làm ổ ở đấy.  Ổ sói thường ở chỗ cao, tránh lũ.  Trần Trận cho rằng, dù con sói xuất hiện ở hướng nào thì ổ sói vẫn ở sườn núi gần đó.

Hai con chó săn nhìn không chớp vào một bụi cây sậy.  Trần Trận nhìn theo. Cậu giật thót: Một con sói lớn ló nửa người ra ngoài, nhìn tứ phía.  Hai con chó săn lập tức nằm thấp hơn nữa, cằm sát đất.  Cậu và Dương Khắc cũng nằm xuống.  Con sói quan sát tứ phía trong  một thoáng rồi ra khỏi bụi cây, chạy một mạch về cái khe phía đông bắc.  Trần Trận vẫn dùng ống nhòm theo dõi con sói.  Cậu thấy con này hao hao giống con sói đã bắt con cừu của cậu.  Con sói chạy nhanh nhưng dáng kềnh càng, hẳn là đêm qua nó đã bắt trộm cừu, no cành hông.  Cậu nghĩ, nếu hôm nay chỉ mỗi con sói này thì chẳng có gì đáng sợ.  Hai người hai chó, nhất là có ocn Nhị Lang, chắc chắn đối phó tốt.

Con sói mẹ trèo lên một cái dốc nhỏ.  Chỉ cần xem nó rẻ hướng nào là có thể đoán ra vị trí cái hang.  Nhưng đúng lúc ấy, con sói quay lại  nhìn tứ phía, và nhìn rất lâu về phía hai người và hai con chó đang mai phục.  Trần Trận căng thẳng đến nghẹt thở, chỗ đứng của con sói cao hơn dưới vạt sậy.  Dưới vạt sậy, nó không nhìn thấy người, nhưng trên đỉnh dốc này, rất có thể nó nhìn thấy.  Con sói tỏ vẻ sốt ruột, nó chjay quanh tại chỗ hai vòng trù trừ một thoáng rồi bất chợt men theo con dốc thoai thoải chạy một mạch về phía đông, dừng lại ở một cửa hang rồi chui tọt vào trong.

Ngon rồi, ta có thể vớ cả ổ rồi! - Dương Khắc vỗ tay reo lên.

Trần Trận cũng phấn khởi vùng dậy: Lên ngựa mau!

Hai con chó cuống quýt chạy quanh, hắt hơi liên tục đợi lệnh chủ.  Trần Trận bối rối quên cả khẩu lệnh, vội chỉ tay về phía hang, miệng quát: Bắt lấy nó!  Hai con chó lập tức chạy bay xuống dốc, phóng thẳng về phía cái hang.  Hai người cũng chạy xuống chân đồi cởi dây buộc chân ngựa, lên yên, ra roi phóng tới.  Hai con chó đã tới, chõ vào miệng hang mà sủa dữ dội.  Trần Trận trông thấy con Nhị Lang chồm tới rồi lại lui ra nhưng không dám chui vào sâu trong hang.  Con Vàng thì đứng bên sủa gay gắt trợ oai,  hai chân cào đất tung toé.  Hai người nhào xuống ngựa, chạy tới miệng hang chợt giật thót: Hang hình bầu dục, rộng khoảng tám mươi phân, con sói cái đang án ngữ đường vào hang, điên cuồng cắn trả con Nhị Lang.  Nó còn nhô hẳn nửa người ra ngoài miệng hang, sau khi con Nhị Lang buộc phải rút lui.

Trần Trận quãng cây thòng lọng, vớ lấy chiếc cuốc chim nhằm đầu con sói bổ xuống.  Con sói phản ứng rất nhanh, lưỡi cuốc mới giáng xuống nửa chừng, nó đã rụt đầu vào bên trong rồi lại nhe răng xông ra.  Dương Khắc bổ một nhát nhưng cũng bị hụt.  Mấy bận như thế, cuối cùng Trần Trận cũng đập trúng đầu con sói.  Dương Khắc cũng đập trúng một nhát.  Nhưng con sói vẫn rất hung hãn.  Nói lùi sâu khoảng một mét, đợi con Nhị Lang xuống theo liền đợp một phát giữa ngực.  Con Nhị Lang máu me đầy mình rút ra ngoài, mắt long sòng sọc, sủa lên mấy tiếng rồi lại chui vào, bên ngoài chỉ còn trông thấy cái đuôi phe phẩy.

Trần Trận chợt nhớ tới cây thòng lọng, liền nhặt lên.  Dương Khắc hiểu ý, giục: Phải đấy, tròng lấy cổ nó.  Trần Trận tròng dây thòng lọng vào miệng hang, con sói chui ra sẽ mắc cổ, khi ấy có thể dùng cuốc chim cùng với hai con chó để hạ gục con sói.  Trần Trận căng thẳng tới mức thở không ra hơi.  Nhưng cậu chưa kịp đặt ngay ngắn cái thòng hình bán nguyệt vào miệng hai thì con Nhị Lang đã vướng vào chân sau, tiếp theo, con sói máu me đầm đìa nhảy vọt ra, chân sau dẫm lên cây thòng.  Con sói trông thấy cây thòng, run lên như bị điện giật, lập tức chui trở vào, không dám ló đầu ra nữa.  Trần Trận ngó vào, cái hang dốc khoảng 35 độ, sâu hai mét thì rẽ, không hiểu bên trong còn sâu bao nhiêu.  Dương Khắc nổi cáu  quát liền ba tiếng vào trong hang.  Tiếng quát chui vào đất, không một tiếng vọng.  Trần Trận ngồi phệt bên miệng hang than thở: Mình ngốc quá, đặt thòng lọng ngay từ đầu thì con sói này toi rồi.  Đúng là phải linh hoạt, không được sơ sểnh một li.

Dương Khắc còn buồn hơn, cậu bổ một nhát cắm cuốc chim xuống đất, chửi: Mẹ kiếp, con sói này khinh mình quá.  Mình mà có súng, phải bắn bể sọ nó ra!

Trần Trận nói: Đã có lệnh cấm nổ súng, vì đây là tuyến một.  Cậu có súng cũng bằng thừa.

Dương Khắc nói: Thế này thì lôi thôi rồi.  Hay là ta đánh bằng pháo nhị thanh?

Thì cũng khác gì nổ súng - Trần Trận trấn tĩnh lại, hạ giọng nói: Nếu làm kinh động đàn sói trên đường biên, kế hoạch vây bắt sói phá sản, chúng mình sẽ bị chửi mất mặt.  Với lại pháo nhị thanh, sói không chết.

Dương Khắc không chịu, nói: Không chết thì cũng sợ mất mặt.  Đây cách đường biên bảy tám mươi dặm, sói không nghe thấy tiếng nổ.  Nếu cậu còn ngại thì ta lấy áo khoác bịt kín miệng hang.  Bên ngoài không nghe thấy gì đâu.

Trần Trận hỏi: Nếu nó không ra thì sao?

Dương Khắc vừa cởi thắt lưng vừa nói: Ra là cái chắc.  Tớ nghe mã quan nói, sói rất sợ tiếng nổ và mùi thuốc súng.  Chỉ cần thả vào trong hang ba quả pháo nhị thanh là có sáu tiếng nổ.  Hang kín, tiếng nổ to gấp ba bốn lần ngoài trời, sói dứt khoát bị choáng.  Hang hẹp khói đậm, sói sẽ bị sặc.  Tớ đánh cuộc là chỉ ba quả nhị thanh này là nó phải trườn ra cho cậu chộp.  Cậu cứ đợi. Tớ cho là sẽ có cả sói con cùng chạy ra, ta vớ cả mẹ lẫn con.

Trần Trận nói: Vậy thì làm theo ý cậu, nhưng phải chuẩn bị kỹ một tí.  Đế tớ xem còn lối thoát nào nữa không?  Thỏ khôn có tới ba cái hang.  Sói lại càng ranh ma, chắc không chỉ có một hang.  Người khôn đến mấy cũng vẫn thua sói.

Trần Trận lên ngựa dẫn theo hai con chó đi vòng tròn lấy miệng hang làm trung tâm, rà soát kỹ xung quanh. Tuyết trắng, hang màu đen, nếu có rất dễ phát hiện.  Nhưng trên một diện tích hàng trăm mét vuông không thấy cái hang nào.  Trần Trận xuống ngựa, dẫn hai con ngựa ra một chỗ xa, cột chân lại rồi cậu qauy về chỗ miệng hang, đặt thòng lọng, bày búa chim và gậy.  Cậu thấy con Nhị Lang cắm cúi liếm vết thương.  Nó lại bị con sói cắn một miếng nữa giữa ức, vết rách to bằng hai ngón tay, thịt đang co giật.  Nó rất đau nhưng không hề rên la.  Hai người không đem theo bông băng, đành giương mắt mà nhìn con Nhị Lang tự chữa chạy bằng phương pháp cổ truyền của họ nhà chó: giảm đau bằng cách liếm và khử trùng bằng nước bọt.  Đành để về nhà băng bó vậy.  Xem ra tất cả những vết sẹo trên mình nó đều do sói cắn, thảo nào trông thấy sói là nó nổi hung.  Trần Trận thấy mình trước đây đã hiểu sai con chó.  Nó đúng là giống chó Mông Cổ, dữ hơn sói.

Dương Khắc đã chuẩn bị xong.  Cậu khoác áo da, tay cầm ba quả pháo nhị thanh cỡ lớn, miệng ngậm điếu thuốc lá thơm Hải Hà đã châm lửa.  Trần Trận vừa cười vừa nói: Làm như dưới dang là giặc Nhật không bằng.  Dương Khắc cười hì hì: Mình nhập gia thì phải tùy tục, bài bản y chang dân địa phương.  Trong anhg không có thiết bị ngăn sóng âm đâu mà lo.  Trần Trận bảo: Được rồi, ném vào đi!  Xem có ăn thua gì không?

Dương Khắc dùng điếu thuốc đang cháy châm ngòi pháo rồi ném vào trong hang.  Cậu châm ngòi rất nhanh hai quả pháo còn lại.  Ba quả pháo lăn theo độ nghiêng vào sâu trong hang.  Dương Khắc lập tức lấy áo khoác da bịt kín miệng hang.  Chỉ lát sau, những tiếng nổ trầm đục từ dưới vọng lên, sáu tiếng tất cả.  Quả núi rùng mình, mùi lưu huỳnh sặc sụa.  Chưa khi nào có tiếng nổ lớn như thế trong những hay sói Mông Cổ.  Tiếc rằng hai cậu không nghe thấy tiếng gào thét của sói mẹ sói con dưới hang sâu.  Hai người còn ngửi thấy mùi hôi xộc lên mũi.

Dương Khắc hai tay ôm chéo bờ vai cho đỡ lạnh, hỏi Trần Trận khi nào thì bỏ áo ra.  Trần Trận nói: Lát nữa.  Trước tiên phải mở hé, khi thấy khói bay ra thì hãy mở hẳn.  Trần Trận vén một góc lên, có khói nhưng không đáng kể nên đậy lại.  Thấy Dương Khắc bị lạnh, Trần Trận cởi dây lưng, định bụng hai người khoác chung một áo.  Dương Khắc xua tay: Cẩn thận, nó sắp lên đấy. Cậu mà bỏ dây lưng thì áo xoè ra, rất vướng.  Kệ mình, không lạnh lắm đâu.

Hai người đang nói chuyện chợt thấy con Vàng và con Nhị Lang đứng vụt dậy nhìn ra hướng tây bắc, miệng gừ gừ ra vẻ bồn chuột.  Hai người nhìn theo, chợt thấy mặt đất cách chỗ cậu đứng hai chục mét bay lên sợi khói màu xanh nhạt.  Trần Trận bật lên tiếng kêu: Hỏng rồi, ở đấy có hang.  Cậu canh chừng ở đây để tớ đi xem sao.  Trần Trận vừa nói vừa cầm lấy cuốc chim chạy đi, hai con chó chạy theo.  Đúng lúc ấy, một con sói lớn ý hệt quả tên lửa đất đối đất, đội đất vọt lên ở chỗ có khói, chạy thục mạng vào bãi sậy và mất hút trong đó.  Con  Nhị Lang bám riếtphisa sau, nhìn xa thấy ngọn lau rẽ thành một vệt lên phía bắc.  Trần Trận sợ có chuyện bất trắc liền quát con Nhị Lang quay về.  Có thể con Nhị Lang đã nghe thấy  tiếng gọi nhưng ham mồi vẫn cứ đuổi.  Con Vàng chạy tới bãi sậy nhưng không dám vào, sủa vài tiếng lấy lệ rồi rút.

Dương Khắc vừa mặc áo ngoài vừa chạy tới chỗ rỉ khói.  Trần Trận cũng chạy theo.  Cả hai giật mình khi trông tháy một cái hang đất đá đều mới, rõ ràng là con sói vừa đào trong lúc nguy cấp.  Chỗ này vốn là đất bằng, nhưng khi xảy ra cuộc chiến, liền biến thành đường hầm.

Dương Khắc tức đỏ mắt, chửi: Con sói chết tiệt!  Nó giỡn mặt chúng mình.

Trần Trận thở dài, nói: Thỏ có ba hang nhưng đều trông thấy được.  Còn sói thì không biết có bao nhiêu hang?  Cái hang này có tính toán hẳn hói, cậu xem, miệng hang liền kề cái dốc chạy thẳng xuống bãi sậy, con sói chui ra chỉ vài bước là an toàn.  Con này chỉ số thông minh rất cao, tính toán giỏi hơn thỏ.  Sói quả là nhà quân sự bậc nhất trong thiên hạ.  Bao Thuận Quý có nói sói biết đánh gần, đánh đêm, đánh tập kích, đánh du kích, đánh vận động chiến.  Khi gặp, cậu nói với ông ta: Sói còn biết đánh địa đạo chiến, ú tim chiến, lại biết kết hợp cả hai phương thức tác chiến địa đạo và ú tim.

Dương Khắc vẫn chưa hết bực: Phim ảnh về đánh du kích ở đồng bằng Hoa Bắc phét lác một tấc đến trời, khoe đó là phát minh lớn trong thiên hạ, thực ra sói đã nghĩ ra cách đây hàng ngàn năm.

Chịu thua rồi chứ?  - Trần Trận sợ Dương Khắc bỏ cuộc - Bắt sói đâu có dễ, một người làm không nổi.

Không thua. Chăn cừu vốn là công việc buồn tẻ, giờ có dịp đấu trí đấu dũng với sói, thích lắm.  Tớ là dương quan, chăn cừu đuổi sói là nhiệm vụ của tớ.

Hai người tới bên miệng hố.  Khói đã nhạt nhưng mùi thuốc súng thì vẫn nồng nặc.  Dương Khắc ngó vào trong hang, nói: Lẽ ra lũ sói con đã phải ra rồi.  Nổ to như thế, mùi cay như thế, chúng chịu sao nổi.  Hay là chết cả rồi?

Trần Trận nói: MÌnh cũng nghĩ vậy.  Đợi nửa tiếng nữa mà không thấy ra là gay rồi.  Hang sâu thế này thì đào làm sao, tốn công hơn đào giếng.  Chỉ hai chúng mình phải ba ngày ba đêm chưa chắc đã tới nơi.  Bộ móng của sói mới khiếp chứ, đất đá này mà đào hẳn một đường hầm to đùng.  Nhưng mà này, nếu sói con chết cả rồi thì đào làm gì?

Dương Khắc thở dài: Giá có thằng nhỏ Bayan ở đây thì hay quá, nó mới chui vào được.

Trần Trận thở dài, nói: Có thằng Bayan ở đây tớ cũng không dám bảo nó chui vào.  Cậu dám đảm bảo bên trong không có sói lớn?  Người Mông cũng có nhiều chuyện gay cấn lắm.  Caxumai chỉ mỗi thằng nhỏ mà đành để nó kéo đuôi con sói, rồi thì chui xuống hang bắt sói con.  Xưa kia Trung Quốc có câu "Tiếc con thì không bắt được sói", xem ra câu này hẳn là của người Mông Cổ trên thảo nguyên.  Mông Cổ thống trị Trung Quốc gần một trăm năm.  Trước kia mình không hiểu ý nghĩa của câu này, không đành lòng cho trẻ đánh nhau với sói, chẳng lẽ dùng trẻ nhỏ làm mồi nhử sói?  Về sau mình mới hiểu, vì sao phải cho trẻ con mạo hiểm vào  hang sói, một là, hang sói chật, trẻ con mới chui lọt, hai là rèn luyện lòng can đảm.  Nếu người Mông o bế trẻ con như người Hán thì dân tộc Mông lụn bại từ lâu.  Vậy nên trẻ con Mông Cổ lớn lên đứa nào cũng dũng mãnh.

Dương Khắc vẫn cay cú: Mẹ kiếp, sói thảo nguyên quả lợi hại.  Khả năng sinh sản đã lớn hơn người Hán, đã vậy lại còn đào những cái hang vững chắc như thế này để bảo vệ con.  Mình e công sức bỏ ra là công cốc.  Ta ăn chút gì đi, mình đói bụng rồi.

Trần Trận đến chỗ con ngựa lấy túi vải bạt đem về cửa hang.  Con Vàng trông thấy cái túi màu vàng dính đầy mỡ thì mừng quýnh, vẫy đuôi chạy tới ư ử đòi ăn.  Đây là cái túi đựng thức ăn chuẩn bị cho hai con chó.  Trần Trận mở miệng túi bốc ra non nửa số thịt vụn cho con Vàng, chỗ còn lại dành cho Nhị Lang.  Giờ này mà con Nhị Lang chưa quay lại, Trần Trận lo thay cho nó.  Vào mùa đông và mùa xuân, bãi sậy là địa bàn hoạt động của bầy sói.  Nhị Lang bị con sói mẹ dụ vào đấy, chắc dữ nhiều lành ít.  Nhị Lang là quân chủ lực bảo vệ đàn cừu, bây giờ mà mất nó thì thiệt to.

Con Vàng vừa ăn vừa vẫy đuôi.  Nó rất nhanh nhẹn và rất dũng cảm khi gặp thỏ, cáo, dê vàng.  Nhưng khi gặp sói nó biết cân nhắc tình thế, nếu sói ít chó nhiều là nó lập tức lao lên đánh vỗ mặt; nhưng nếu chó ít sói nhiều, nó không đơn thương độc mã xông lên.  Vừa rồi nó rút lui vì nó sợ trong bãi sậy có đàn sói mai phục.  Do bản năng sinh tồn, con Vàng rất biết giữ mình.  Biết vậy, nên Trần Trận không trách con Vàng thiếu nghĩa khí.  Có điều, từ sang xuân đến giờ, cậu ngày càng thích con Nhị Lang.  Hình như thú tính của nó ngày càng nổi trội, nó gần như không còn tính người.  Trong thế giới cạnh tranh quyết liệt để sinh tồn, một dân tộc nếu không có dũng khí và tính cách của loài thú dữ thì không có điểm tựa cho trí tuệ và văn hóa.  Tính cách dân tộc một khi đã bạc nhược thì chỉ có cầu thân, đắp thành luỹ, đầu hàng chịu thân phận bề tôi và đẻ nhiều như thỏ thì mới mong sống còn.  Trần Trận đứng lên chĩa ống nhòm về phía bãi sậy để xem con Nhị Lang đang ở đâu.

Nhưng con Nhị Lang đã mất dạng.  Trần Trận lôi trong bọc ra cái túi bằng da cừu chưa thuộc chống được ẩm, không thấm mỡ, nhét trước bụng không bẩn quần áo, do Caxumai tặng.  Cậu lấy ra bánh nướng, thịt vụn và sữa bánh, chia cho Dương Khắc, rồi cả hai cùng ăn.  Cả hai không biết sau đó sẽ làm gì, vừa ăn vừa nghĩ.

Dương Khắc bẻ một mẩu bánh to đút vào miệng, nói: Cái hang sói thật đấy mà giả đấy, tưởng rằng phải hóa ra không phải.  Chúng mình tìm ra được một ổ đâu có dễ, cho nên đừng bỏ cuộc.  Hun khói không chết thì ta đổ nước cho chết sặc.  Chở vài chục xe nước dưới đập lên, chắc bắt được chúng.

Trần Trận nói: Thảo nguyên đất cát pha, cậu có chuyển cả đập nước lên đây cũng vô ích, chỉ một lát là cạn sạch.

Dương Khắc suy nghĩ hồi lâu: Đúng rồi, trong hang không còn sói lớn thì ta cho con Vàng vào lôi bọn sói con ra.

Trần Trận không nhịn được cười: Chó đã nhiễm tính người thì bỏ tính sói.  Mũi chó hễ ngửi là ngửi thấy mùi sói, không phân biệt mùi sói mẹ hay sói con.  Nếu nó phân biệt được như thế thì khi sói mẹ đi vắng, nó chui vào hang bắt hết sói con.  Cậu là dân du mục mà ngố thế!

Dương Khắc vẫn không chịu, nói: Thì mình hãy thử xem, không mất nhiều công sức lắm đâu.  Nói rồi, cậu gọi con Vàng đến bên miệng hang.  Mùi thuốc súng đã tan đi phần lớn.  Dương Khắc chỉ vào hang "súy" một tiếng.  Con Vàng hiểu ý cậu, sợ hãi lùi lại.  Dương Khắc kẹp con Vàng giữa hai chân, hai tay cầm hai chân trước của nó đùn vào trong hang.  Con Vàng cụp đuôi rên ư ử gồng người lên nhìn cậu cầu cứu.  Trần Trận nói: Thấy chưa?  Tiến hoá đã khó, thoái hóa lại càng khó.  Chó không thoái hóa thành sói.  Chó chỉ có thể biến thành chó tồi, chó lười, chó ngu.  Con người cũng thế.  Dương Khắc thả con Vàng ra, nói: Tiếc là con Nhị Lang không ở đây, tính sói của nó mạnh, dám chui vào hang.

Trần Trận nói: Nhị Lang chui vào sẽ cắn chết hết sói con, mà mình thì muốn chúng còn sống để nuôi.

Dương Khắc gật đầu: Quả vậy, sói mà gặp Nhị Lang thì chỉ có chết.

Con Vàng ăn xong linh đi chơi.  Nó đánh hơi, chốc chốc lại ghếch chân sau đái vài giọt để đánh dấu.  Nó đã  đi rất xa mà con Nhị Lang vẫn chưa quay lại.  Trần Trận và Dương Khắc ngẩn ngơ không biết nên làm gì bây giờ.  Trong hang không một tiếng động.  Một đàn sáu bảy con sói con, hun khói hoặc đánh pháo nhị thanh cũng không thể chết hết, thế nào cũng có con còn sống sót chạy ra theo bản năng.  Lại nửa giờ nữa trôi qua vẫn không thấy con nào chui ra.  Hai người đoán: Một là chúng chết hết, hai là không có con nào trong đó.

0O0

Giữa lúc hai người đang thu xếp đồ đạc để quay về, chợt nghe tiếng con Vàng sủa ran phía sau đồi, có vẻ như phát hiện con mồi.  Hai người lập tức lên ngựa phi về phía đó.  Lên đến đỉnh đồi vẫn không nhìn thấy con Vàng, hai người giục ngựa chạy theo tiếng sủa, nhưng được một quãng vó ngựa đã vấp đá củ đậu, phải cho ngựa dừng lại. Mặt tuyết đầy dầu chân thỏ, cáo, chuột cát, thỏ tuyết, và cả dấu chân sói.  Phía dưới toàn là đá, có mao mọc giữa các kẽ, cao ngang thắt lưng, đã chết khô, trông như những nầm mồ trên biên ải heo hút.  Trần Trận và Dương Khắc thận trọng cho ngựa đi từng bước để khỏi trượt ngã.  Chỗ này không có cỏ gia súc, bò cừu không đến, Trần Trận và Dương Khắc cũng chưa đến lần nào.

Tiếng sủa của con Vàng nghe càng gần, nhưng hai người vẫn chưa nhìn thấy nó.  Trần Trận nói: Hình như con Vàng thấy con gì đó, mình phải đến nhanh.  Dương Khắc nói: Vậy là không đến nỗi công cốc.  Hai người vòng qua bụi gai, men theo một cái rãnh, qua một lằn rẽ, liền trông thấy con Vàng.  Lần này thì Trần Trận và Dương Khắc ngạc nhiên hơn: Con Vàng đang chõ mõm vào một cái hang mà sủa.  Cái hang này to hơn nhiều, đen ngòm, mùi sói theo gió lạnh ùa tới, khiến Trần Trận rợn tóc gáy, cảm thấy mình sa vào trận địa mai phục của bầy sói, vô vàn những cặp mắt đang nhìn cậu.

Hai người cột ngựa vào một chỗ, cầm đồ nghề đến bên miệng hang.  Cái hang quay mặt về hướng nam, miệng rộng chừng sáu mươi phân.  Trần Trận chưa bao giờ thấy một cái hang to như thế, to hơn miệng địa đạo Bình Sơn - Hà Bắc thời chống Nhật mà hồi là học sinh trung học cậu đã từng về đấy để học làm ruộng, đã nhìn thấy.  Cái hang khuất sau một nếp gãy nhỏ trong khe, phía trên là những bụi gai rậm, phía dưới lởm chởm đá tai mèo, không đến gần khó mà nhận ra.  Con Vàng thấy hai chủ đến thì rất mừng, chạy quanh Trần Trận như kể công.  Trần Trận bảo Dương Khắc: Dứt khoát trong hang có chuyện.  Chắc là con Vàng đã nhìn thấy sói con.  Cậu xem, nó đang khoe đây này.  Dương Khắc nói: Mình cũng thấy thế.  Đây mới đích thực là hang sói, âm u dễ sợ.  Trần Trận nói: Toàn mùi sói, chắc chắn ổ sói ở đây.

Trần Trận quan sát vội những dấu vết trên gò đất trước cửa hang.  Đây là đất đá được đùn ra khi con sói đào hang.  Hang càng to, gò càng lớn.  Cái gò này to bằng hai mặt bàn, không có tuyết mà có nhiều dấu chân, một ít xương vụn.  Trần Trận rất hồi hộp, đây là cái mà cậu muốn nhìn thấy.  Cậu bảo con Vàng ra chỗ khác, đứng canh chừng cho cả bọn rồi cùng Dương Khắc quan sát kỹ các dấu vết đã bị con Vàng làm biến dạng, nhưng vẫn nhận ra dấu chân của hai con sói lớn và bảy tám con sói nhỏ.  Dấu chân sói con hình hoa mai, lớn bằng đồng hai xu, rất xinh.  Tất cả các dấu chân đều mới, chúng đang chơi đùa ở đây, thấy con Vàng mới chui vào hang.  Mặt gò không có tuyết, có lẽ sói mẹ chọn nơi đây làm sân chơi cho lũ con, có một ít lông và da cừu non còn lưu vết răng của sói con.  Mép gờ có những cục phân tươi bằng đầu đũa, dài khoảng hai phân, đen nhánh như viên thuốc tễ.

Trần Trận vỗ đánh bộp một phát vào đầu gối, reo lên: Lũ sói con mà mình cần đây rồi.  Thì ra hai thằng mình đã bị con sói mẹ đánh  lừa.

Dương Khắc cũng như chợt tỉnh, vỗ lên mặt gờ, nói: Đúng rồi, con sói mẹ lẽ ra chạy về hang này, nhưng thấy bóng người nên nó chuyển hướng, dụ chúng ta đến một cái hang không có gì.  Nó làm như thật, cắn nhau với chó của ta để bảo vệ đàn con.  Mẹ cha con sói, tao phục mày sát đất!  Trần Trận nhớ lại lúc con sói đổi hướng, cậu đã nghi, nhưng nó giả bộ giống quá, nên hết cả nghi ngờ.  Ai ngờ con sói giỏi tùy cơ ứng biến đến thế.  Nếu không choáng vì pháo nhị thanh, nó có thể chơi ú tim với cậu đến tối.

Dương Khắc nói: May mà chúng mình có hai con chó săn, nếu không thua chỏng gọng.

Trần Trận có vẻ bức xức: Giờ thì gay đây.  Con sói lại gây cho ta nhiều khó khăn, thời gian thì đã mất toi nửa ngày, pháo nhị thanh mất toi ba quả.  Chẳng hiểu cái hang này liệu có sâu hơn, phức tạp hơn cái hang đầu tiên?

Dương Khắc cúi nhìn hồi lâu vào trong hang.  Thời gian không còn mấy, pháo nhị thanh thì đã hết, chẳng còn cách nào khác.  Công việc cấp bách bây giờ là phải xem còn cửa hang nào nữa thì lấp hết lại, ngày mai rủ thêm một số mục dân cùng đào.  Cậu cũng cần tranh thủ ý kiến bố Pilich.

Trần Trận vẫn chưa chịu về không, cậu bảo Dương Khắc: Mình có chiêu này, ta thử xem.  Địa đạo ở Bình Sơn có thể xuống, vậy sao mình không chui thử vào trong hang.  Chắc là con Nhị Lang đã đuổi hai con sói bố mẹ đi nơi khác, ở đây không còn sói lớn nữa.  Cậu hãy lấy dây lưng buộc cổ chân mình, cầm chịch cho mình trườn xuống từ từ, biết đau tóm được sói con, mà nếu không có sói con thì mình cũng muốn biết chúng cấu trúc cái hang như thế nào.

Dương Khắc lắc đầu quầy quậy, nói: Cậu không sợ chết hay sao?  Giả dụ trong hang còn sói lớn thì sao? Chúng mình đã bị lừa một lần, cậu có dám chắc cái hang này là của con sói mẹ hồi nãy? Nếu là của con khác thì sao?

Nguyện vọng ấp ủ hai năm nay chợt bùng lên át cả nỗi sợ.  Trần Trận nghiến răng: Trẻ con Mông Cổ còn dám chui vào hang bắt sói mà ta không thì xấu hổ chết.  Tớ phải xuống, cậu giúp một tay.  Tớ có đèn pin và chòng, nếu có sói lớn, đối phó được.

Dương Khắc nói: Nếu nhất định phải xuống thì để tớ.  Cậu gầy hơn tớ, nhưng tớ khoẻ hơn cậu.

Trần Trận nói: Hang hẹp, đến lúc nào đó cậu bị kẹt.  Thôi đừng tranh luận nữa, ai béo người ấy ở lại.

Trần Trận cởi phăng áo ngoài, Dương Khắc bất đắc dĩ phải đưa cho Trần Trận đèn pin, chòng và bao tải, buộc hai chân Trần Trận bằng dây lưng Mông Cổ dài hai trượng, lại cởi dây lưng của cậu buộc một đầu vào thắt lưng Trần Trận.  Trước khi chui xuống hang, Trần Trận nói: Không vào hang sói, làm sao bắt được sói con!  Dương Khắc dặn đi dặn lại: Nếu gặp sói lớn thì hét to lên, co chân làm hiệu kéo lên.  Trần Trận bật đèn pin, trượt dốc 40 độ chui xuống.  Trong hang sặc mùi sói, đến nỗi cậu không dám thở mạnh.  Cậu nhích từng tí. Cái hang tương đỗi nhẵn, một ít lông sói mắc lại trên đất đá.  Mặt đất đầy dấu chân sói con.  Trần Trận mừng quá, tưởng chỉ vài mét là tóm được sói con.  Cậu đã chui hẳn vào trong hang.  Dương Khắc nhả dây lưng từng tí một, luôn miệng hỏi đã muốn lên chưa.  Trần Trận lớn tiếng giục nhả dây, rồi dùng cùi chỏ thay cho tay, cậu nhích xuống từng tấc một.

Cách miệng chừng hai mét, cái hang rẽ ngang, bò thêm chút nữa, ánh sáng bên trên bị che khuất, Trần Trận phải chĩa đèn ra phía trước, tất cả nhờ ánh sáng đèn pin.

Qua khúc rẽ, lòng hang không dốc nữa nhưng thót hẳn lại, phải chui đầu so vai mới chui lọt.  Trần Trận vừa bò vừa quan sát mặt và vách hang, ở đây bóng hơn nhiều so với miệng hang, nhẵn nhụi tưởng như đẽo bằng rìu.  Vách hang rất ít đất đá vụn, chọc bằng chòng cũng chỉ rơi vài mẩu, Trần Trận yên tâm, không sợ lở hang.  Cậu  không thể tưởng tượng chỉ với hai chân trần mà con sói đào được cái hang sâu như thế.  Những tảng đá hai bên sườn cạnh nhẵn thín, có tảng hình trứng, căn cứ vào độ mài tròn, cái hang có tuổi hàng trăm năm, không biết bao nhiêu con sói, đực và cái, đã ra vào hang này.  Trần Trận cảm thấy cậu đã lạc vào thế giới của sói, mùi hôi kinh người.

Trần Trận tiếp tục bò, ngày càng sợ.  Ngay trước mũi cậu là mấy dấu chân sói lớn bị lũ sói con dẫm chồng chéo.  Giả dụ có sói lớn thì đèn pin và cái chòng này có đánh lại được không?  Hang hẹp, sói không cắn tới, nhưng chân trước của sói rất dài, thừa sức cào tới người.  Sao mình không nghĩ tới nanh vuốt của sói nhỉ, Trần Trận toát mồ hôi lạnh.  Cậu chững lại, chỉ cần co chân một cái là được kéo lên.  Nhưng cậu lại nghĩ lũ sói con đã rất gần, tám chín con, mươi mười mấy con chứ ít đâu.  Cậu nghiến răng liều mạng chui tiếp.  Cậu nghĩ, mình không phải một thợ săn, mà y như một tên đào mả trộm.  Không khí càng ít, mùi sói càng đậ, cậu chỉ sợ chết ngạt như đã từng xảy ra với những tên đào mả trộm.

Đến đoạn thắt cổ chai khiến cái hang càng hẹp hơn.  Chỗ này chỉ chui lọt sói mẹ, còn người lớn thì không lọt, rõ ràng là sói thiết kết cái hang như thế này là để chống lại thiên địch duy nhất của loài sói trên thảo nguyên - con người.  Trần Trận cho rằng, sói đã phòng ngừa bằng cách bít chặt không cho nước hoặc khói vào bên trong.  Chỗ thắt cổ chai, thực tế là công cụ phòng ngự, chặn con người lại.  Trần Trận không chịu bỏ cuộc.  Cậu dùng chòng tông mạnh chỗ thắt cổ chai để mở rộng cửa.  Nhưng con sói đã có lý khi chọn chỗ này làm công sự.  Trần Trận chỉ tông được mấy nhát là phải dừng vì gặp toàn đá tảng, chọc không vỡ.  Cậu hít thở khó khăn không còn hơi sức để đào, mà đủ còn sức cũng không dám, lỡ hang sập làm mồi cho sói.

Trần Trận buộc phải hít mạnh, dù rất hôi nhưng trong đó còn có ít nhiều oxy.  Cậu đâm nản vì không bắt được sói con.  Nhưng cậu cũng không chịu rút ngay, vẫn nấn ná mong nhìn thấy một con.  Dồn hết sức còn lại cho mục đích cuối cùng, cậu ló đầu và cánh tay phải vào bên trong.  Cảnh tượng dưới ánh đèn pin làm cậu nản hoàn toàn: Cái hang đi ngược lên và chẳng nhìn thấy gì nữa.  Chỗ trên ấy chắc dễ chịu cho cả sói mẹ lẫn sói con, khô ráo và thoát nước.  Trần Trận đã chuẩn bị  cho những tình huống phức tạp, nhưng thực dụng kiểu này khiến cậu kinh ngạc.

Trần Trận ghé tai nghe.  Trong hang không một tiếng động, có lẽ đàn sói con đã ngủ say.  Cũng có thể chúng đang nấp một chỗ theo bản năng, im thin thít khi có tiếng động lạ.  Nếu không quá mệt, Trần Trận rất muốn hát tặng bầy sói mấy câu đồng dao: Sói con ngoan nào, mở cửa ra, mở cửa ra!  Rất tiếc ông ngoại người Hán chưa tóm được cháu ngoại sói Mông Cổ!  Trần Trận khó thở tới mức mặt mày xây xẩm, cậu co chân giật mạnh.  Dương Khắc vừa sốt ruột vừa mừng kéo mạnh Trần Trận lên cửa hang.  Trần Trận mặt mũi phờ phạc, ngồi thở dốc, bảo Dương Khắc: Chẳng thấy gì hết, như hang quỉ, không biết đâu là tận cùng.  Dương Khắc thất vọng, trùm áo lên người Trần Trận không nói gì.

Nghĩ đã đỡ mệt, hai người liền sục sạo trong phạm vi hai trăm mét vuông, chỉ thấy một cái hang thông với hang chính, bèn bịt lại bằng đá tảng, những hòn đá tảng rất to, sói không thể đẩy ra, lại còn lấy đất trét kín các kẽ.  Trước khi ra về, Trần Trận vẫn chưa hết bực, cậu bổ một nhát cuốc chim lên miệng hang, nhắn sói mẹ: Hãy đợi đấy, ngày mai bọn tao còn đến.

Trời gần tối, Nhị Lang vẫn không thấy quay lại.  Con sói mẹ ranh ma quỉ quyệt, Nhị Lang chỉ dùng sức chưa chắc đã là địch thủ của nó.  Hai người lo thay cho Nhị Lang.  Trần Trận cùng con Vàng về gần tới nhà thì trời đã tối mịt, cậu bảo Dương Khắc mang dụng cụ về trước, bảo Cao Kiện Trung là không xảy ra chuyện gì, còn cậu thì phi một mạch đến lều ông già Pilich.