Trương Truyền Tỷ
"Trung Quốc đại sử cương" Quyển thượng.
Trần Trận chưa xuống ngựa đã ngửi thấy mùi thịt mà không phải là mùi thịt cừu, bay ra từ trong lều ông già Pilich. Cậu lấy làm lạ, liền xuống ngựa bước vào. Ông già Pilich bảo cậu đừng vào vội. Trần Trận dừng chân, thấy các góc đông, tây, bắc của căn lều, các tấm thảm trải dưới đất đã được cuộn lên. Trên những tấm da ngựa chưa thuộc bầy la liệt những chiếc bẫy sói bằng thép, chí ít bảy tám cái. Một nồi to trên bếp lò giữa căn lều sôi sùng sục, mùi thịt bay ra từ đấy. Caxumai mồ hôi nhễ nhại, đang lúi húi thêm phân vào lò. Đứa con gái năm tuổi của chị - Xixico đang chơi với một đống mạt chược, có đến sáu bảy mươi quân. Batu ngồi bên lau bẫy, những vết thương trên mặt đang mọc da non. Bà vợ ông Pilich tên Ơchi cũng đang lau chùi bẫy. Trần Trận không biết ông già đang nấu thịt gì trong nồi. Ông Pilich dẹp một chỗ cho Trần Trận ngồi.
Trần Trận pha trò: Bố ninh bẫy để ăn hả bố? Răng cụ còn khoẻ gớm.
Ông Pilich cười tít, nói: Cậu mới đoán trúng một nửa. Tôi đang luộc bẫy. Răng của tôi thì không ổn rồi, chỉ có răng của bẫy là tốt. Cậu xem đây, bẫy đầy răng.
Trần Trận ngạc nhiên hỏi: Bố luộc bẫy để làm gì?
Bẫy sói - Ông già Pilich chỉ vào nồi - Tôi kiểm tra cậu nhé, thịt gì trong nồi?
Trần Trận lắc đầu. Ông già chỉ vào khay thịt để bên lò, nói: Đây là thịt ngựa tôi lấy từ hồ tuyết về. Luộc một nồi thịt ngựa, lấy nước luộc bẫy sói. Cậu biết vì sao lại phải làm thế không? Là để bẫy khỏi gỉ. Trần Trận hiểu ra, tỏ vẻ thích thú: Thế này thì sói dính bãy rồi, sói làm sao địch nổi người?
Ông già vê vê bộ ria bạc: Cậu nghĩ thế là không trị nổi sói. Sói thính mũi hơn chó, hơi có mùi gì sắt là biết liền. Có lần tôi chùi thật sạch, hơi sắt hơi người đều không có nhưng sói không dính bẫy. Nghĩ mãi mới nhớ ra là hôm ấy đặt bẫy xong tôi vô ý nhổ đờm, nếu như có đờm trên tuyết thì cũng không sao, đằng này tôi lại dùng gót chân di đi rồi gạt tuyết lên, tưởng thế là ổn, ai ngờ sói đánh hơi thấy.
Trần Trận ngạc nhiên quá đỗi, than: Cái mũi của sói kinh khủng quá!
Ông già nói: Sói có linh tính, có thần bảo hộ, có ma trợ giúp, rất khó chơi!
Trần Trận định hỏi tiếp về quỉ thần, nhưng ông gài đã quì xuống để vớt bẫy. Bẫy sói khá cồng kềnh, mõi nồi chỉ luộc được một chiếc. Trần Trận dùng thanh gỗ khều cái bẫy đặt xuống tấm vải đầu, rồi thả chiếc khác vào nồi. Ông già nói: Hôm qua huy động cả nhà chùi cả ngày. Luộc một lần rồi, lần này là lần thứ hai. Chưa xong đâu, lát nữa còn phải trộn mỡ ngựa với lông bờm ngựa rồi chà kỹ lên bẫy. Khi đặt bẫy phải đeo găng tay, rồi rắc phân ngựa khô lên trên. Bắt sói như bắt giặc, không tỉ mỉ không thắng. Tỉ mỉ hơn phụ nữ, hơn Caxumai ấy chứ! Ông già vừa nói vừa cười.
Caxumai ngó Trần Trận bảo: Tôi biết chú đang muốn uống trà. Tôi dở tay, chú tự lấy mà uống. Trần Trận không thích uống nước gạo rang, chỉ thích ăn óc đậu do Caxumai làm. Cậu xúc bốn năm miếng óc đậu rồi rót một bát đầy sữa. Caxumai bảo, Batu định đi nhưng những vết thương trên mặt không cho phép ra khỏi nhà, đành để chàng trai người Hán này đi. Trần Trận cười: Hễ có chuyện liên quan tới sói là bố lại nhớ tới con, phải không bố?
Ông già nhìn Trần Trận, nói: Xem ra cậu đã mê sói rồi đấy. Ta già rồi, muốn truyền nghề cho cậu. Chỉ cần say mê là học được. Nhưng cậu phải nhớ rằng sói là do trời sai xuống bảo vệ đồng cỏ, sói không còn thì thảo nguyên cũng không còn, người Mông Cổ không còn thì thảo nguyên cũng không còn.
Trần Trận sửng sốt: Bố bảo sói và người đều là vệ binh của thảo nguyên?
Ánh mắt ông già trở nên xa lạ. Ông nhìn Trần Trận đăm đăm: Đúng vậy, nhưng cái lý này người Hán không hiểu đâu.
Trần Trận giật mình, vội nói: Bố ơi, bố cũng rõ là con phản đối kịch liệt chủ nghĩa Đại Hán. Con cũng không tán thành đưa người lên thảo nguyên khai hoang.
Nét mặt giãn dần, ông già vừa chùi bẫy vừa nói: Mông Cổ người ít, bảo vệ đồng cỏ không dễ. Không diệt sói, người Mông Cổ còn ít hơn nữa, mà diệt nhiều sói quá, dân số Mông Cổ cũng lại giảm.
Lời ông già có điều gì đó khó hiểu, Trần Trận đành bỏ dở câu chuyện.
Các bẫy đã xử lý xong, ông già bảo Trần Trận: Đi cùng tôi, cậu sẽ thấy phải làm như thế nào.
Ông xỏ đôi găng tay bằng vải bạt, đưa cho Trần Trận một đôi, rồi xách bẫy chui ra ngoài lều, đặt lên cỗ xe bánh sắt. Sàn xe lót thảm đẫm mỡ ngựa. Trần Trận cùng Batu khuân hết các bẫy ra xe, mỡ ngựa gặp lạnh đông lại thành một lớp phủ bên ngoài. Khi các bẫy đã đưa lên hết, ông già trở lại lều lấy một túi phân ngựa khô đưa lên xe. Mọi việc xong xuôi, ba người lên ngựa. Caxumai gọi với: Trần Trận đừng để bẫy kẹp phải tay! Cô dặn Trần Trận mà như dặn Bayan không bằng.
Trông thấy những chiếc bẫy, Balua và mấy con chó liền nổi máu săn, nhao ra định chạy theo. Batu vội túm gáy con Balua, Caxumai cũng giữ rịt cổ một con khác. Ông già Pilich nạt lũ chó ở nhà, rồi dắt con ngựa kéo cỗ xe bò, ba người ba ngựa chạy nước kiệu tiến về phía đầm lầy.
Tầng mây dày vẫn áp sát đỉnh núi, tuyết lại rơi nhẹ, bông tuyết khô và xốp. Ông già Pilich ngửa mặt lên trời, chỉ lát sau mặt ông loáng nước. Ông tháo găng xoè bàn tay hứng tuyết rồi chà lên mặt, nói: Mấy hôm nay bận quá quên cả rửa mặt. Rửa mặt bằng tuyết thích thật. Quanh quẩn suốt ngày bên bếp, mặt ám khói, phải rửa sạch mùi khói, công việc mới đảm bảo.
Bắt chước ông già, Trần Trận cũng rửa mặt. Ngửi ống tay áo thấy có mùi khói của phân cừu, rất có thể vì chi tiết này mà tất cả biến thành công cốc. Cậu hỏi ông già: Mùi khói trên người có sao không hở bố?
Ông già nói: Không sao, đi đường sẽ bay hết. Nhớ là lúc đặt bẫy không được để vạt áo chạm vào thịt ngựa.
Trần Trận nói: Chơi nhau với sói quá mệt! Đêm qua sói tru, chó sủa tới sáng, con chẳng ngủ được mấy tí.
Ông già nói: Thảo nguyên không như dưới xuôi. Dưới xuôi người Hán có thể ngủ một giấc tới sáng. Còn thảo nguyên là chiến trường, người Mông Cổ là những chiến binh, ông trời bắt phải thế. Chỉ muốn ăn no ngủ kỹ thì không phải là chiến binh chân chính. Phải học được cách nằm xuống là ngủ, có tiếng có sủa là mở mắt. Sói ngủ nhưng hai tai vẫn dựng đứng, có động là bỏ chạy. Muốn bắt sói phải có bản lĩnh hơn sói. Ta cũng là một con sói già: ăn được, ngủ được, săn bắt được, tàn một tẩu thuốc đã được một giấc. Sói Ơlon căm ta lắm, chắc chắn khi ta chết chúng sẽ ăn sạch không còn một mẩu. Vậy là ta chầu trời rất nhanh.
Trần Trận vừa ngáp vừa nói: Bọn thanh niên trí thức chúng con ốm nhiều lắm, đã phải gửi về Bắc Kinh một cô. Cứ đà này thì phải gửi về đến một nửa. Con nhất định không cho sói ăn thịt. Phải hỏa táng mới sướng!
Ông già cười hề hề: Người Hán lãng phí quá. Chết mà cần quan tài làm gì. Gỗ ấy đóng được bao nhiêu là xe bò.
Trần Trận nói: Con không cần quan tài, hoả thiêu trực tiếp là xong.
Ông già cười: Nhưng vẫn phải dùng rất nhiều củi đun, lãng phí quá. Người Mông Cổ tiết kiệm làm cách mang, khi chết đặt lên xe bò chạy về hướng đông, rớt xuống chỗ nào đợi sói ăn ở chỗ ấy.
Trần Trận cũng cười: Nhưng mà thảo nguyên làm gì có gỗ hả bố? Ngoài lý do lên chầu trời, phải chăng còn vì tiết kiệm củi, thảo nguyên không thấy có cây cối.
Ông già nói: Ngoài chuyện tiết kiệm củi, còn vì "ăn thịt thì phải trả bằng thịt"!
Ăn thịt phải trả bằng thịt, Trần Trận lần đầu tiên nghe câu này nên chưa hiểu. Cậu vội hỏi: Ăn thịt trả bằng thịt là thế nào hả bố?
Ông già nói: Người thảo nguyên suốt đời ăn thịt, sát hại không biết bao nhiêu là sinh mạng, tội to đấy! Vì vậy khi chết con người trả lại thịt cho thảo nguyên mới công bằng, linh hồn không đau khổ trên thiên đường.
Trần Trận cười: Như vậy quả công bằng. Nếu con không bị sói trả về Bắc Kinh thì con cho sói ăn thịt lại hóa hay. Đàn sói chỉ một loáng là xong, nhanh hơn thiêu bằng củi.
Ông già rất vui, nhưng rồi ông lại lo: Trước kia thảo nguyên không nhiều người Hán. Cả mục trường có trăm ba trăm tư gia đình, khoảng bảy tám trăm người Mông Cổ. Trong cách mạng văn hóa, thanh niên trí thức Bắc Kinh lên đây trên một trăn, lại còn bộ đội, tài xế xe lớn xe nhỏ, thợ xây dựng... Họ đều ghét sói. Rồi đây hết sói, cậu muốn cho sói ăn thịt cũng chịu.
Trần Trận cũng rất vui. Cậu nói: Bố đừng lo, sau này có đánh nhau thì đánh bằng bom nguyên tử, người và sói chết sạch, chẳng còn ai ăn ai nữa.
Ông già khoát tay vẽ một vòng tròn, hỏi: Nguyên... nguyên tử là bom gì?
Trần Trận giải thích một hồi mà ông già vẫn không hiểu, đành thôi.
Sắp đến chỗ những con ngựa chết ở mạn bắc của đầm lầy. Ông già để Bayan ở lại cùng với con ngựa kéo và cỗ xe. Ông xách hai cái bẫy, một chiếc xẻng nhỏ, một túi phân ngựa khô, rồi cùng Trần Trận đi về phía những con ngựa đông cứng, lúc lúc dừng ljai, nghiêng ngó. Mấy con ngựa đã bị đụng tới, những vết răng hằn rõ dưới lớp tuyết mỏng và những dấu chân sói xung quanh. Trần Trận không nhịn được, lại hỏi: Sói đã đến hả bố?
Ông già không trả lời, tiếp tục quan sát, sau đó ông bảo sói lớn chưa tới. Ulichi đoán đúng, đàn sói lớn vẫn còn ở phía bắc đường biên phòng, chúng quả thật kiên trì.
Những dấu chân sói này là thế nào hở bố? - Trần Trận chỉ những dấu chân trên tuyết, hỏi.
Ông già nói: Những dấu chân này phần lớn là của cáo, chỉ có một vết của sói mẹ. Đây, phía này là một cặp sói mẹ sói con đi ăn lẻ - Ông già có vẻ suy nghĩ - Mình định bẫy sói đầu đàn hoặc sói gộc trong đàn, nhưng đây toàn là dấu chân cáo, không có sói lớn.
Vậy là công cốc hả bố?
Không hẳn vậy, nhiệm vụ của mình là đánh lạc hướng đàn sói. Thấy mình đánh bẫy, chúng tưởng rằng mình không tổ chức vây bắt, nên kéo về ăn thịt ngựa. Khi chúng về ta mới bủa vây.
Trần Trận hỏi: Có cách nào bắt được một con sói lớn không bố?
Có thể - Ông già nói - Giăng tất cả số bẫy đem theo, chốt sâu một tí, cỡ cho sói và cáo không mắc.
Ông già cho ngựa dạo hai vòng quanh con ngựa chết, chọn điểm đặt bẫy. Trần Trận vội xuống ngựa, xúc tuyết trên mặt rồi dùng cuốc chim đào một hố tròn đường kính bốn mươi phân, sâu chừng mười lăm phân, giữa hố còn đào một hố nhỏ. Ông già đeo găng tay tẩm mỡ ngựa cầm bẫy đặt xuống hố, dùng chân lèn chặt hai bên lưỡi kẹp hình bán nguyệt rồi dùng sức banh lưỡi kẹp đầy răng cưa sang hai bên cho tới khi chạm đất. Sau đó đặt miếng đệm vải hình tròn vào giữa lỗ tròn nhỏ, luồn chiếc tăm sắt dưới tấm đệm rồi luồn vào hố khẩu cái bẫy.
Trần Trận thấp thỏm theo dõi một loạt thao tác vô cùng nguy hiểm của ông già, chỉ cần sơ ý là gãy tay lập tức. Ông già co chân ngồi xổm trên tuyết, mồ hôi rỏ giọt, thở phì phò. Ông lấy ống tay áo lau mồ hôi trên mặt, không cho rớt xuống miếng thịt ngựa. Lần đầu tiên theo ông già đi đặt bẫy, Trần Trận mới hình dung được con sói sập bẫy như thế nào. Chỉ cần đặt chân lên miếng đệm vải rớt xuống, chiếc tăm bật khỏi hố khẩu, bộ lò xo thép với sức bật vải trăm cân đẩy hai hàm răng thép bập vào chân con mồi, gãy xương luôn. Thảo nào sói rất sợ bẫy kẹp. Cái hôm gặp đàn sói, nếu chúng không sợ tiếng va đập của sắt thép thì Trần Trận đã mất mạng.
Việc còn lại là nguỵ trang. Cũng hết sức tỉ mỉ, không được sai sót. Ông già bảo: Không phủ tuyết lên bãy, sức nặng của tueyest có thể làm rớt miếng đệ, hoặc nắng nóng làm tuyết tan ra nước, khiến bẫy bị kẹt vì đóng băng. Cậu đưa cho ta túi phân ngựa.
Ông già đón lấy túi phân, bốc một nắm, vừa vê vừa rắc lên miếng đệm, phân mịn lấp kín các kẽ răng cưa và miệng bẫy. Lúc này miếng đệm vẫn lửng lơ, không sợ phía trong đóng băng. Rồi thì chiếc xích sắt của cái bẫy được móc vào bộ xương con ngựa chết, phủ tuyết mới lên trên. Ông già bảo Trần Trận gạt tuyết lên bẫy, phủ kín bè và lò xo, lấy tuyết xốp rắc lên trên phân ngựa. Cuối cùng dùng mảnh da cừu san nhẹ mặt tuyết phẳng như xung quanh.
Tuyết hoa vẫn nhẹ nhàng rơi. Lát sau, tất cả các dấu vết trên mặt tuyết đều không nhìn thấy nữa. Trần Trận hỏi: Cái bẫy này chỉ sói mới mắc, còn cáo thì không hả bố? Ông già bảo: Đẩy cái then sắt sâu thêm một chút, cáo nhẹ đạp không tụt, sói nặng mới bật then ra.
Ông già nhìn quanh rồi tính cự li bằng bước chân, chọn một địa điểm cách chỗ cũ hai bước, đặt cái bẫy thứ hai. Ông bảo: Cậu đặt đi!
Trần Trận hỏi: Sao hai bẫy đặt gần nhau? Ông già nói: Cậu không biết, có con rất hung, nó cắn đứt cái chân mắc bẫy rồi bỏ chạy bằng ba chân còn lại. Ta đặt thêm một bẫy để khi con sói giằng cái xích, chạy tới chạy lui để rút chân thì chân thì chân sau dẫm phải cái bẫy thứ hai. Chỗ này vừa vặn chiều dài của cái xích. Nếu con sói bị kẹp hai chân thì dù nó cắn đứt cả hai, nó vẫn không chạy thoát. Thử hỏi, chỉ còn hai chân thì chạy sao được?
Trần Trận rùng mình. Cuộc chiến giữa người và sói trên thảo nguyên quả thực tàn khốc. Cả sói và người đều dùng tàn bạo chống lại tàn bạo, tàn nhẫn chống tàn nhẫn, quỉ quyệt đối phó quỉ quyệt. Nếu cứ tiếp tục lấy oán báo oán, gần mực thì đen, con người rồi sẽ biến thành sói, mặt sứa gan lim, không còn tình người. Tuy rất căm thù sói, vậy mà khi đặt bẫy, tay cậu run lên. Cái bẫy này rất hiểm. Nó ở ngay phía trước con ngựa chết béo mập, rất hấp dẫn, chỉ ngửi thấy mùi thịt và phân ngựa, không thấy hơi người và mùi gỉ sắt. Trần Trận tin rằng, con sói ranh mãnh nhất cũng bị đứt gân lòi xương, bị người ta lột lấy da, còn xác thì vứt trên đồng cỏ. Đây mới chỉ bẫy một con, nếu trên quy mô lớn thì đâu chỉ vài con sa bẫy! Cậu nghĩ tới biết bao nhiêu quân sĩ các triều Chu, Tần, Hán, Đường, Tống, Minh... bị dụ vào nơi thảo nguyên heo hút này rồi rơi vào cái bẫy sắp đặt tinh vinh mà toàn quân bị diệt. Xưa kia kỵ binh thảo nguyên không chỉ dựa vào tính hung hãn mà đập tan quân đội của các nước tiên tiến. Họ là những người bảo vệ thảo nguyên, họ học tài năng quân sự và trí tuệ của sói để giữ gìn thảo nguyên, đập tan các cuộc tấn công của sắt và lửa, cày và cuốc của người Hán vào thảo nguyên. Ông già Pilich nói đúng. Trần Trận nghĩ mà sợ.
Ông già cười khà: Sợ rồi phải không? Đừng quên thảo nguyên là chiến trường, kẻ nào sợ máu, kẻ ấy không phải chiến sĩ. Sói dùng quỉ kế sát hại của ta cả một đàn ngựa, cậu có xót xa không? Con người không giở độc chiêu thì không thể thắng sói.
Trần Trận bình tâm lại, cẩn thận gạt tuyết đào hố. Khi đặt bẫy, tay cậu lại run, lần này thì sợ kẹp tay, vì đây là lần đầu. Ông già vừa hướng dẫn, vừa nhét đầu gậy vào hố khẩu để bảo vệ cái tay Trần Trận phòng khi bẫy sập. Cảm kích vì được bảo vệ, Trần Trận cố gắng đặt chính xác. Lúc đứng lên lau mồ hôi, cậu trông thấy ông già mồ hôi nhiều hơn cậu. Ông thở ra một hơi khoan khoái: Này con trai, ta hướng dẫn con đặt một cái nữa, đến cai thứ ba thì con tự làm lấy. Ta thấy con đã thạo rồi đấy. Trần Trận thưa vâng. Cậu theo ông già trở lại chiếc xe lấy hai cái bẫy rồi chọn một con ngựa chết, xác định chỗ đặt bẫy. Bốn chiếc bẫy còn lại, chia nhau mỗi người hai cái, đặt xong. Ông già bảo bé Bayan phụ việc cho cậu.
Trời gần tối mà tuyết vẫn không tạnh. Ông già cẩn thận kiểm tra từng chiếc bẫy của Trần Trận, cười vui: Không thể phát hiện ra. Ta mà là sói thì cũng bị lừa. Ông nhìn cậu đăm đăm, hỏi: Giờ thì làm gì? Trần Trận nghĩ một thoáng, nói: Phải xoá sách dấu chân của ta, đếm lại dụng cụ, không được bỏ quên. Ông già rất thỏa mãn: Cậu thành tinh rồi đấy!
Ba người bắt đầu từ phía bắc quét xuống, vừa quét vừa kiểm tra cho đến chỗ để xe thì dừng. Trần Trận thu nhặt đồ dùng, hỏi ông già: Ngần ấy cái bẫy thì được mấy con hả bố? Ông gài nói: Đi săn thì không được hỏi săn được mấy con, nếu kể số lượng ra thì không bắt được con nào hết. Mưu sự tại người, thành sự tại trời!
Ba người lên ngựa ra về.
Ông già nói: Cho dù sói mắc bẫy, ta cũng không được đến lấy, phải để cho lũ sói nhìn thấy. Không thấy người đến, chúng càng nghi tợn, và sẽ bám riết đàn ngựa chết. Nhiệm vụ của ta là dụ được cả đàn sói về đây, chứ không phải chỉ bẫy vài con, mục trường yêu cầu như thế. Phải đợi thôi, ngày mai cậu không cần đến, mình ta theo dõi từ xa là đủ.
Ba người ung dung ra về. Trần Trận nghĩ tới đàn sói con, định bụng hỏi ông già cách đào bắt. Bắt sói con là công việc nguy hiểm, nặng nhọc, kỹ thuật cao trong nghề săn. Nó được coi như biện pháp chủ yếu ngăn chặn sự phát triển vô độ của sói thảo nguyên. Một ổ sói con có bảy tám con, có khi mười mấy con. Thức ăn của sói vùng Ơlon rất phong phú, tỉ lệ trưởng thành cao. Đầu xuân triệt một ổ, coi như trong năm diệt một đàn. Để bảo vệ sói con, đàn sói rất lắm mưu và cả sự liều mạng. Trần Trận đã được nghe không ít chuyện may rủi trong khi đào bắt, nên cũng đã chuẩn bị về tư tưởng. Đã hai mùa xuân qua đi, hơn một trăm thanh niên trí thức wor mục trường chưa một ai bắt được một ổ nào. Trần Trận cũng không mong tóm được cả ổ, mà chỉ mong được đi theo ông già vài chuyến để học nghề. Nhưng sau sự cố đàn ngựa, ông già không còn thì giờ cho việc bắt sói con, Trần Trận đành hỏi kinh nghiệm ở ông.
Trần Trận hỏi ông già: Cách đây mấy hôm, một con sói mẹ đã cắp con cừu non chạy về phía núi Đen. Con nghĩ ở đó có sói con nên định sáng mai đi tìm. Con muốn được bố dẫn đi.
Ông già nói: Ngày mai thì không được rồi. Chuyện ở nhà rất quan trọng, ban quản lý đang đợi tin ta. Ông ngoảnh lại hỏi: Nó chạy về phía núi Đen hả? Vâng. Ông già vê vê chòm râu hỏi: Thế lúc ấy cậu có đuổi theo không? Trần Trận nói: Nó chạy nhanh quá, con không kịp lấy ngựa đuổi. Ông già bảo: Như vậy còn được. Nếu cậu đuổi theo, con sói sẽ đánh lừa cậu. Nó không chạy về ổ, mà chạy đi hướng khác.
Ngẫm nghĩ một lát, ông già bảo: Con sói này khôn thật. Mùa xuân năm trước, tôi đào bắt một ổ sói ở đó. Năm nay không ai đến nữa, không ngờ con sói bất ngờ đẻ ở đấy. Ngày mai cậu cứ đi, nhớ rủ thêm vài người, đem theo nhiều chó. Phải chọn những người dũng cảm, có kinh nghiệm. Không được đi một mình, rất nguy hiểm!
Đào bắt sói thì nguy hiểm ở chỗ nào hả bố?
Ông già nói: Đào bắt đã khó, nhưng tìm ổ còn khó hơn. Ta mách cậu một cách: Sáng sớm mai. Lúc còn tối đất, cậu trèo lên đỉnh đồi dưới chân núi Đen mà phục, đợi sáng ra, sau một đêm hoạt động kiếm mồi, sói mẹ trở về cho con bú, nó về chỗ nào, chỗ ấy có sói con. Có điều khi thấy rồi đào bắt mới khó, sợ nhất là trong hang có sói mẹ. Các cậu phải hết sức cẩn thận!
Mắt tối sầm, ông già có vẻ buồn: Nếu không vì chuyện đàn ngựa đã bị giết sạch, ta không muốn các cậu đi bắt sói con. Người già Ơlon không bao giờ thích làm chuyện này.
Trần Trận không dám hỏi tiếp. Ông già vốn đã khó chịu về chuyện phát động phong trào diệt sói con với quy mô lớn, hỏi nữa có khi ông không cho cậu đi. Nhưng muốn trị sói thì phải có kiến thức, phải hiểu tập tính của sói, nên cậu định nuôi một con. Nếu bây giờ không tranh thủ bắt ngay thì khi chúng mở mắt sẽ rất khó nuôi. Dứt khoát phải nuôi từ lúc nó chưa mở mắt, chưa phân biệt bạn thù, chuyển nó từ thế giới của sói sang thế giới của người. Cậu e tính cách hoang dã của sói khiến nó khó nuôi hơn chim sẻ. Chim sẻ rất khó tính. Bị giam trong lồng, nó nhắm tịt mắt, không ăn không uống chỉ chờ chết. Sói con không dễ bắt như chim sẻ. Nếu như tốn bao công sức mà chỉ vài ngày nó chết thì uổng công quá. Trần Trận định bụng hỏi Batu. Anh nổi tiếng khắp mục trường về tài săn bắt sói. Mấy hôm trước bị sói cho một vố, anh đang tức, chắc chắn sẽ phổ biến kinh nghiệm cho cậu.
Về đến lều trời tối hẳn. Căn lều đã được thu dọn, những tấm thảm đẹp đã được trả lại chỗ cũ, ba cây đèn mỡ cừu sáng rực, hai đĩa lớn thịt cừu, lòng cừu bốc hơi thơm phức. Miệt mài cả ngày trời, ai nấy bụng đói meo. Trần Trận cởi phăng áo ngoài, ngồi xuống bên bàn ăn. Caxumai bê đĩa tràng - món cậu thích nhất, đặt trước mặt cậu; bê đĩa sườn cừu, món ăn ông già ưa nhất, đặt trước mặt ông già. Sau đó, cô trộn xì dầu với tương nấm, món hỗn hợp Bắc Kinh - Mông Cổ mà Trần Trận ưa thích nhất, và đã trở thành món nước chấm thường xuyên của cả nhà. Trần Trận gặp miếng tràng chấm nước chấm rồi đưa lên miệng, thơm ngon đến nỗi cậu nhất thời quên cả chuyện bắt sói con. Tràng là phần ngon nhất trong nội tạng con cừu, chỉ dài một thước, gọi là "béo" nhưng chẳng béo chút nào, gần như toàn bộ phế thải tích tụ về đây, nhưng lại là món ngon nhất trong bữa ăn của người Mông Cổ, giòn và thơm, có mỡ nhưng không béo.
Trần Trận nói: Người Mông Cổ rất tiết kiệm, ngay cả hoành cách mô cũng không bỏ, mà cũng rất ngon.
Ông già gật đầu: Con sói khi đói ăn cừu cả lông, lẫn móng guốc. Khi trời ra tai, người và sói đều kiếm ăn không dễ, phải ăn bằng hết những gì trên thân con cừu.
Trần Trận cười: Vậy là người Mông Cổ bắt chước sói, ăn cừu cả con!
Ông già cười, luôn miệng bảo đúng. Trần Trận gắp miếng tràng thứ ba.
Caxumai rất vui. Trần Trận nhớ có lần chị nói, chị thích những ông khách ăn hùng hục như sói. Cậu hơi ngượng, thấy mình lúc này có vẻ giống sói. Cậu biết cả nhà ông Pilich thích ăn tràng. Vậy mà loáng cái, cậu đã ăn hết quá nửa. Caxumai nhổm dậy, dùng dao rạch khoang bụng dưới con cừu, lấy ra một cái tràng nữa, cười bảo: Biết cậu đến là không định đi đâu nữa, nên luộc hai cái, một cái phần cậu. Cậu nên học tập sói, ăn bằng hết. Cả nhà cười, Bayan vội gặp miếng tràng vào đĩa thịt trước mặt. Đã hai năm mà Trần Trận vẫn chưa phân định được vai vế của Caxumai đối với cậu. Caxumai đáng tuổi chị dâu, nhưng có lúc cậu có cảm tưởng chị gái, có lúc lại như em gái, như bà dì, như bà trẻ. Caxumai vui vẻ hồn nhiên và phóng khoáng như thảo nguyên.
Trần Trận ăn hết cái tràng, bê bát trà sữa uống hết một nửa, hỏi Caxumai: Bayan dám tóm đuôi sói, dám vào hang bắt sói con, dám cưỡi ngựa chưa thuần, liệu còn chuyện gì đáng ngại không?
Caxumai cười: Người Mông Cổ ai cũng thế từ bé. Batu hồi nhỏ còn bạo gan hơn Bayan. Cái hang mà Bayan chui vào không có sói mẹ, sói con thì chưa biết cắn, nên chẳng có gì ghê gớm. Còn Batu thì trong hang có sói mẹ, anh ấy tóm lấy sói mẹ lôi ra khỏi hang nữa kìa.
Trần Trận ngạc nhiên. Cậu vội hỏi: Chuyện này sao anh chưa nói. Kể đi anh.
Batu cười, tợp một ngụm rượu, kể: Năm ấy mình mười ba tuổi. Bố và mọi người tìm suốt mấy ngày mới tháy một hang sói con. Hang to và sâu, không đào được. Bố sợ có sói mẹ nên cho hun khói. Khi hết khói mà vẫn không thấy sói mẹ chạy ra, mình cầm đuốc và bao tải chui vào hang. Nào ngờ vừa chui được một khoảng thân người rưỡi thì mình trông thấy cặp mắt con sói chỉ cách hai thước, mình sợ suýt bĩnh ra quần, vội huơ cây đuốc, thấy con sói cũng đang run cầm cập. Khi sợ, chó và sói có điệu bộ giống nhau: cụp đuôi giữa hai chân sau. Mình không dám động đậy. Lửa đuốc vừa tắt, con sói liền xông ra, mình không kịp rút, bụng nghĩ phen này chắc chết. Không ngờ con sói không định cắn, mà định nhảy qua đầu mình vọt ra ngoài. Khi ấy mình sợ bên ngoài không kịp đối phó, sợ sói cắn phải bố, và không hiểu vì sao mình bạo gan đến thế, mình nhổm dậy đội đúng chỗ họng con sói, ép đầu nó lên nóc hang. con sói bị kẹt, cào cấu lung tung, quần áo mình rách tơi tả. Mình cũng đánh liều, ngồi thẳng lên cho đầu tìn giữa hàm dưới con sói, ép chặt hơn nữa đầu nó vào nóc hang, rồi ngồi thở, mệt đứt hơi. Batu kể lại một cách bình thản, y như chuyện của người khác: Bên ngoài đợi rất lâu không hiểu vì sao không thấy ra. Bố vội chui vào giơ đuốc soi thấy mình và con sói thì sợ toát mồ hôi, vội bảo mình ngồi yên rồi ông ôm eo mình lôi dần ra. Mình vừa tì chắc cái đầu con sói lên nóc hang, vừa lôi hai chân trước của nó, lôi nó ra từng tí. Khi ra đến mép hang, mọi người mới rõ chuyện, liền đâm một nhát xuyên từ miệng ra phía sau đóng đinh lên nóc hang, sau đó lôi hẳn nó ra ngoài, đập chết. Sau khi nghỉ cho lại sức, mình lại chui vào hang. Càng vào trong càng hẹp, chỉ trẻ con mới vào được. Bên trong cùng hóa ra rất rộng, mặt đất trải đầy da và lông cừu, một đàn sói con đang nằm thu lu, tất cả chín con, đều còn sống. Để bảo vệ lũ con, sói mẹ lấp quá nửa chiều cao của hang, con mẹ ở phía ngoài. Khi hun khói, nhờ mấy lỗ thông hơi nên khói tản đi nơi khác. Mình phá cái đập chắn, lôi từng con ra nhét vào bao tải rồi lôi ra ngoài hang...
Trần Trận nín thở nghe Batu kể. Mọi người hình như không muốn nhớ lại chuyện này nên nghe có vẻ thờ ơ. Trần Trận thấy câu chuyện không giống chút nào với những chuyện bắt sói mà cậu được nghe, liền hỏi: Em nghe nói sói mẹ rất dữ khi bảo vệ con, dám cắn người, vậy sao con này lại không dám?
Ông già nói: Thực ra sói thảo nguyên sợ người. Chỉ có người mới đánh chết sói. Con sói mẹ đã bị choáng váng vì khói, lại thấy người cầm đuốc chui vào, sao nó không sợ? Con này tuy to xác nhưng xem ra nó mới hai tuổi, đẻ lứa đầu. Rất đáng thương, hôm nay cậu không hỏi thì chẳng ai muốn nhắc đến nó. Caxumai không còn tươi cười như lúc thường, mắt cô có ngấn nước.
Bayan nói với Caxumai: Ngày mai chú Trận lên núi đào sói, con định giúp các chú một tay. Các chú to con chui không lọt hang sói. Đêm nay con ngủ cùng các chú để mai đi sớm. Caxumai nói: Được cho con đi nhưng phải cẩn thận đấy. Trần Trận vội xua tay: Đừng, đừng đi, em sợ có chuyện gì xảy ra. Chị chỉ có mỗi cục cưng này. Caxumai nói: Xuân này tổ mình mới đào bắt được một ổ, còn thiếu ba ổ nữa. Không đào cho đủ, ông Bao Thuận Quý lại tế cho. Trần Trận nói: Thôi chị ạ, thiếu thì thiếu, em vẫn không thấy nên cho cháu đi. Thà không đi còn hơn. Ông già ôm Bayan vào lòng nói: Bayan không cần đi, chắc chắn ta sẽ có một hai con sói lớn. Không nộp da sói con thì thay bằng da sói lớn vẫn hoàn thành định mức.