Phạm Văn Lan “Trung Quốc thông sử giản biên. Đệ nhất biên”
Tây Khương… coi chết trận là chuyện hay, chết bệnh là chuyện dở. Chịu rét giỏi như cầm thú, phụ nữ không kiêng gió tuyết khi sinh nở. Tính tình cương nghị mà dũng mãnh do được hấp thụ hành kim của phương Tây.
“Hậu Hán thư. Tây Khương liệt truyện”
Trận tuyết đầu mùa khi chớm đông đã lập tức hóa thành hơi ẩm trong không khí. Thảo nguyên lạnh lẽo và tươi mới, cảnh huyên náo trên đồng cỏ mùa hè đã trở thành dĩ vãng, mỗi tổ cách nhau mấy chục dặm, tiếng chó sủa cũng không còn nghe thấy. Đồng cỏ mùa đông rộng và hoang vắng như sa mạc, chỉ bầu trời vẫn xanh biếc như mùa thu. Trời cao mây nhạt, trong như lòng hồ. Chim nhạn thảo nguyên bay càng cao, còn nhỏ hơn vết ố trên mặt gương. Chúng không bắt được những con rái cá cạn hoặc chuột đồng vì miệng hang đã bị bịt kín, đành bay lên thật cao, hi vọng từ tầm cao ấy phát hiện thỏ đồng. Còn thỏ đồng thì thay đổi sắc lông nấp sau bụi cỏ đông cao cao, ngay cả cáo cũng không phát hiện ra. Người già bảo, hàng năm có rất nhiều chim ưng chết đói.
Trần Trận mua từ Hợp cung tiêu một cuộn lưới thép bịt kín lỗ thủng của cái sọt đan bằng cành liễu. Mất một ngày mới lót xong lưới thép bên trong sọt và làm một cái nắp cũng bằng lưới thép. Lưới thép sợi rất thô, gần bằng đầu đũa, kìm đầu cọp bóp mạnh mới cắt đứt. Cậu đồ chừng sói con dù cắn gãy răng cũng không cắn thủng “nhà giam” mới này, với lại lưới thép còn nhiều, thủng chỗ nào vá chỗ ấy. Mùa đông, tuyết phủ quá nửa thân cỏ, gia súc ăn được rất ít, vậy nên mỗi tháng phải di chuyển một lần khi đàn gia súc gặm trơ đất, để lại đồng cỏ cho đàn ngựa vì ngựa biết bới tuyết để ăn cỏ phía dưới. Mùa đông di chuyển cũng không xa, khoảng cách chỉ bằng bãi cỏ cũ là được, nói chung chỉ mất khoảng nửa ngày. Sói con gần như không thể trong thời gian ấy cắn thủng cái sọt. Trần Trận thở ra nhẹ nhõm. Cậu nghĩ suốt nửa tháng mới tìm ra cách khắc phục vấn đề sống còn này.
Du mục buộc người ta phải khôn lên. Dương Khắc và Trần Trận cũng nghĩ ra cách cho sói con vào “nhà giam” : Trước tiên chụp con sói đậy nắp lại, sau đó hạ thùng xe xuống đất khênh “nhà giam” lên thùng, sau đó khênh cả thùng lẫn sọt lên xe đặt đúng chỗ hộc chứa đồ ở đuôi xe, cuối cùng là chỉnh cho bằng phẳng, chằng buộc kỹ. Như vậy, đưa được sói con lên mà người và ngay bản thân con sói vẫn an toàn, không bị thương. Đến địa điểm mới, làm ngược lại trình tự là ổn, con sói xuống xe ngon lành. Hai cậu hi vọng dùng cách này cho đến khi định cư, sẽ xây cho sói con một gian chuồng bằng đá, chỉ một lần là xong, chỉ còn mỗi việc chăm nom. Sau đó cho con chó cái ở cùng sói con, chúng quen nhau từ nhỏ, có thể ngày một ngày hai phát sinh tình cảm, từng ổ béc-giê ra đời, đó chính là hậu duệ của sói thảo nguyên.
Trần Trận và Dương Khắc thường ngồi trò chuyện bên cạnh sói con, vừa vuốt ve nó. Sói con đã biết gác cổ lên người hoặc lên đùi Trần Trận, dỏng tai nghe hóng chuyện hai người. Nghe đã mệt sói con đổi thế nằm, cọ cổ gãi ngứa, hoặc nằm ngửa chổng bốn vó lên trời cho các cậu xoắn tai bẹo má. Hai cậu lo cho tương lai của các cậu và của sói con. Dương Khắc ôm sói con nhẹ nhàng chải lông cho nó, nói : Sau này nếu sói con có con, nó sẽ không bỏ đi. Sói là loại động vật rất quyến luyến gia đình, tất cả sói bố đều là đại trượng phu, nếu không có sói hoang về dụ, ta không cần xích nó nữa, thả ra thảo nguyên nó tự biết đường về.
Trần Trận lắc đầu : Nếu vậy sói không còn là sói nữa. Mình rất không muốn giữ nó lại chỗ này. Mình mơ ước có một người bạn là sói hoang. Giả dụ mình phóng ngựa lên mỏm núi bắc đường biên phòng, gọi to : Sói con ra ăn cơm! Nó sẽ dẫn cả nhà sói ra, một gia đình sói chính cống vừa reo vừa chạy ra đón, trên cổ chúng không có dây xích, răng chúng sắc nhọn, thân thể chúng cường tráng. Chúng nó đùa với mình trên bãi cỏ, liếm mặt mình, ngậm tay mình nhưng không cắn, nhưng từ khi sói con bị hỏng răng, mơ ước của mình trở thành ảo mộng...
Trần Trận thở dài khẽ: Nhưng mình vẫn chưa chịu thôi. Mấy ngày nay mình lại có ảo tưởng mới: Mình mơ trở thành nha sĩ, bọc cho sói con mấy cái răng bằng thép sắc nhọn. Sang xuân, sói con hoàn toàn trưởng thành liền đưa nó đến đường biên phòng thả nó vào dãy Lớn Ngoại Mông, nơi đó có đàn sói, chưa chừng trong đó có bố nó - sói chúa cổ trắng đã mở đường máu xây dựng căn cứ địa mới. Sói con thông minh, chắc chắn tìm thấy vua cha, chỉ cần có dịp ở gần, sói chúa có thể đánh hơi thấy mùi gia tộc mà nhận sói con. Với bốn chiếc răng thép làm vũ khí, sói con sẽ trở thành địch thủ đáng gờm trên thảo nguyên, chư chừng mấy năm nữa sói chúa sẽ nhường ngôi cho sói con cũng nên. Sói con thuộc giống ưu việt trên thảo nguyên, tính khí quật cường, thông minh tuyệt đỉnh, phải là hậu duệ sói chúa mới đúng. Nếu như sói con trở về đất mẹ Mông Cổ, nơi ấy đất rộng người thưa, chỉ hai triệu dân nhưng đấy mới là thiên đường tinh thần của sự sùng bái totem, không có thế lực nông canh ghét sói diệt sói, đại thảo nguyên mênh mông mới là đất dụng võ cho sói con. Mình đã hủy hoại tương lai tươi đẹp của sói con, tội to quá !...
Dương Khắc nhìn say mê dãy núi xa trên phía bắc đường biên. Ánh mắt tối sầm, cậu nói : Mơ ước của cậu giá như sớm mười năm còn có cơ thực hiện, còn mơ ước sau thì không thực hiện nổi. Cậu lấy đâu ra bộ đồ chữa răng quý giá như thế. Trên huyện bệnh viện còn chưa có, mục dân phải đi 800 dặm khám chữa bệnh. Cậu dám ôm con sói lên khám trên bệnh viện huyện không ? Cậu đừng mơ tưởng hão, cứ đà này, cậu sẽ trở thành chị Tường Lâm của thảo nguyên Mông Cổ mất thôi. Cậu có thể ca cẩm về chuyện sói, nhưng hoàn toàn đứng trên lập trường sói thì… Mà cậu nên thực tế một chút!
Trở về thực tế, điều mà Trần Trận và Dương Khắc lo nhất là những vết thương của con sói. Bốn chân đã khỏi, nhưng cái răng thì ngày càng lung lay, lợi tấy đỏ, sói con không dám xé thịt ăn như trước kia. Đôi khi nó quên, đau đến nỗi phải nhả miếng thịt ra rồi há miệng mà hít hà cho dịu cơn đau rồi dùng răng bên kia mà xé.
Trần Trận càng không yên tâm về vết thương trong họng sói con vẫn chưa lành miệng. Cậu liên tục bôi thuốc trên miếng thịt cho sói con nuốt tớm, vết thương không chảy máu nữa, nhưng sói con vẫn nuốt khó khăn và thường xuyên ho. Trần Trận không dám đón thú y, đành mượn mấy cuốn sách thú y mày mò tự chữa cho sói con.
Bò cừu dùng trong mùa đông đã giết thịt và đông lạnh xong. Lều Trần Trận có bốn người, theo quy định của mục trường, suốt mùa đông tiêu chuẩn của mỗi người là sáu con cừu lớn, tổng cộng 24 con; bốn người còn được chia một con bò. Lương thực theo định lượng của thanh niên trí thức vẫn chưa bị giảm, vẫn mỗi tháng 30 cân cho một người. Mục dân thực phẩm cũng như thanh niên trí thức, nhưng lương thực ít hơn, chỉ 19 cân. Vậy là về thịt, lều Trần Trận đủ ăn cho người, chó và sói. Hơn nữa, về mùa đông thi thoảng có cừu chết rét hoặc ốm chết, người không ăn, nhưng có thể để nuôi chó và sói. Trần Trận không còn lo cái ăn cho sói con. Cậu và Cao Kiện Trung đem hầu hết số thịt gửi kho của tổ. Kho là ba gian nhà đất xây dựng tại đồng cỏ mùa xuân, lên Đoàn bộ tất phải đi qua. Để lại lều chỉ khoảng một sọt, ăn hết lại lên kho lấy.
Mùa đông ngày ngắn, mỗi ngày chăn thả chừng bảy tám tiếng đồng hồ, chỉ bằng quá nửa ngày mùa hè, trừ những ngày có bạch mao phong thời tiết khắc nghiệt, mùa đông là mùa nghỉ ngơi của các dương quan mã quan. Trần Trận định bụng nhân lúc trông nom sói con, cậu tranh thủ đọc sách, chỉnh lý sổ tay ghi chép. Cậu đợi thưởng thức những trò mới hấp dẫn sói con sẽ biểu diễn dưới tuyết, sói con không để cậu, một kẻ nghiền những màn kịch sói, thất vọng.
Trong mùa đông dài dặc, những con sói vượt biên cuộc sống cực kỳ khó khăn. Vậy mà sói con của Trần Trận rất no đủ, lông đã mọc đều, gần như loáng cái nó loáng cái nó lớn gấp đôi, hoàn toàn là con sói trưởng thành. Trần Trận luồn tay vào mớ lông rậm của sói con: Không trông thấy ngón, ấm như bếp lò, ấm hơn tất cả các loại bao tay. Sói con vẫn chưa chịu chấp nhận cái tên “sói lớn”, gọi “sói lớn” nó làm như không nghe thấy; gọi “sói con” nó vui mừng chạy tới chồm lên đầu gối cậu. Con chó cái thường xuyên đến chơi với sói con, sói con cũng không cắn “cô dâu non” này nữa, trái lại thường phủ lên chó cái theo bản năng, vừa thân mật vừa thô bạo. Dương Khắc cười tít mắt: Kiểu này thì sang năm có cách rồi…
Trận tuyết lớn thứ ba cuối cùng đã chấm dứt. Thảo nguyên Ơlôn mênh mông lấp lóa màu vàng - trắng dưới nắng, ngồi xuống ngắm, lại là mục trường màu vàng kim. Tổ chăn nuôi Caxưmai như một bộ lạc nguyên thủy chậm rãi chuyển sâu vào thảo nguyên hoang dã mênh mông. Trần Trận lại chuyển nhà cùng với sói con, tiến về đồng cỏ kim mao mùa đông không ai lui tới, cách biệt với thế giới bên ngoài.
Trần Trận và Cao Kiện Trung đem theo hai chiếc xẻng xúc tuyết, chất đầy một xe phân bò khô và những vật liệu làm hàng rào cơ động cùng một số thảm dùng để quây chuồng, rồi cho xe đi tiền trạm, xúc tuyết quây chuồng. Mất hơn nửa ngày, hai người dọn xong nền chuồng cừu, chuồng bò, chuồng sói con và nền lều bạt. Tuyết được đánh thành bốn đống lớn, các thứ trên xe được dở xuống. Buổi chiều, khi đánh ba xe không trở về, Trần Trận trong lòng rất vui, có thể dành hẳn một xe chở sói con.
Sáng sớm hôm sau, ba người dỡ lều bạt chất lên xe chằng buộc xong xuôi, rồi thì đưa được sói con vào “xe tù” chằng buộc cẩn thận. Sói con giận dữ cắn lưới thép, răng đau đến nỗi không dám cắn tiếp, xe bắt đầu lăn bánh là nó sợ hãi quặp đuôi nửa ngồi nửa đứng, đầu cúi gằm, cổ rụt lại. Nó đứng như thế đến nửa ngày, cho đến khi tới khu lều mới.
Thu xếp cho sói con chỗ ở xong xuôi, Trần Trận chiêu đãi sói con một bữa thịnh soạn giúp sói con tích mỡ chống rét: Khu đuôi cừu luộc. Cậu còn cắt miếng cái khu đuôi để sói con dễ nuốt. Sói con trước sau kiên trì hai nguyên tắc: Một, tuyệt đối không cho ai lại gần khi ăn, kể cả người thân; Hai, khi đi dạo không cho dắt, nếu không, chống cự đến cùng. Trần Trận đáp ứng đến mức tối đa hai nguyên tắc này. Mùa đông lạnh giá, sói con coi trọng thức ăn hơn ba mùa xuân hè thu. Mối khi ăn, sói con mắt tóe lửa, đuổi Trần Trận cách chuồng một bước chân mới yên tâm quay lại ăn, và cũng như họ hàng nhà sói, nó vừa ăn vừa gầm gừ. Sói con tuy bị thương, nhưng nó vẫn khỏe mạnh, nó ăn gấp bội để bù lại chỗ máu bị mất.
Răng và họng bị thương cũng ảnh hưởng đôi chút tính cách sói của sói con. Lẽ ra chỉ hai ba miếng là ăn hết cái đuôi cừu, giờ nó phải ăn bảy tám miếng. Trần Trận hơi lo, không hiểu vết thương của sói con có khỏi hẳn được không?
Đồng cỏ mùa đông trên biên giới ít người lui tới vắng hơn nhiều đồng cỏ mùa thu. Mỗi ngọn cỏ ló ra trên tuyết lắc lư trước gió, đều mang vẻ già nua cằn cỗi. Mùa xanh tươi đã qua, những đàn chim di trú đã bay đi, đàn sói dũng mãnh ngang tàng một đi không trở lại, thảo nguyên hoang vắng đơn điệu càng tỏ ra thiếu sức sống. Trần Trận buồn như trấu cắn. Cậu không hiểu xưa kia Tô Vũ chăn dê làm sao sống được đằng đẵng bấy nhiêu năm ở Bắc Hải? Cậu càng không hiểu, nếu không có sói con và số sách đem về từ Bắc Kinh, liệu cậu có tránh khỏi phát điên hoặc ngớ ngẩn? Dương Khắc cho biết, bố cậu hồi trẻ du học ở Luân Đôn đã phát hiện tỉ lệ tự sát rất cao trong các cư dân vành đai bắc cực, và chứng trầm uất lưu hành trong nhiều thế kỷ trên thảo nguyên Nga La Tư và hoang mạc Sibia, đều liên quan mật thiết tới mùa đông u ám dài dặc trên thảo nguyên. Nhưng vì sao dân tộc Mông Cổ dân số ít ỏi lại sống được hàng ngàn năm trong điều kiện cũng khốc liệt như thế? Chắc chắn là cuộc đấu tranh căng thẳng, tàn khốc và dai dẳng với sói đã hun đúc nên tính cách quật cường của họ.
Sói thảo nguyên là một nửa kẻ thù bằng xương bằng thịt, nhưng lại là bậc thầy chí tôn về tinh thần đối với dân Mông Cổ. Diệt hết sói, mặt trời hồng sẽ không còn chiếu trên thảo nguyên, mà sự yên lặng như nước tù sẽ đem lại sự tàn lụi, khô héo hoang phế và trăm thứ vô vị khác còn đáng sợ hơn kẻ thù tận diệt tinh thần hào mại tính khí sôi nổi của dân tộc thảo nguyên.
Sói biến mất, rượu mạnh tiêu thụ gấp đôi.
Trần Trận bắt đầu tự thuyết phục: chắc hẳn năm xưa Tô Vũ chiến đấu kiên cường với bầy sói mới vượt qua được những năm tháng hiu quạnh và cô độc. Tô Vũ sống giữa vòng vây của sói nên không thể im lặng cũng không thể lười nhác. Hơn nữa, cô gái chăn dê Mông Cổ mà Thuyền Vu gả cho ông chắc cũng dũng cảm, mạnh mẽ và lương thiện như Caxưmai. Cặp vợ chồng gặp nhau trong hoạn nạn nảy sinh một con trai chắc cũng như Bayan dám chui vào hang bắt sói con. Cái gia đình êm ấm và kiên cường đó đã nâng đỡ tinh thần Tô Vũ. Chỉ tiếc là sứ giả nhà Hán chỉ cứu vợ chồng Tô Vũ, còn “Bayan” thì bỏ lại vĩnh viễn trên thảo nguyên Mông Cổ. Trần Trận ngày càng tin chắc, chính là sói thảo nguyên và tinh thần sói đã khiến Tô Vũ trở nên vĩ đại, không làm nhục sứ mệnh, giữ được khí tiết người Hán trước kẻ thù. Một Tô Vũ đã như thế, cả dân tộc thảo nguyên thì sao?
Linh vật sói là linh hồn thảo nguyên, là tự do và ý chí đanh thép của các dân tộc thảo nguyên.
Những năm tháng hiu quạnh của thanh niên trí thức, may mà bên cạnh Trần Trận có sói con tràn đầy sức sống.
Sói con lớn càng nhanh, cái xích ngày càng ngắn.
Sói con rất nhạy bén với chuyện thua thiệt, cảm thấy sợi xích không hợp với chiều dài của thân, lập tức phản đối quyết liệt như một tù phạm cứng cổ bị ngược đãi: Ra sức kéo căng sợi xích đòi nới ra, đòi nhổ bỏ cọc, không đạt mục tiêu thà bị nghẹt thở mà chết. Trần Trận đành phải nối thêm một đoạn ngắn, chừng 20 phân. Trần Trận thừa nhận dây xích hãy còn ngắn nhưng không dám nối dài vì sợ sói con có đà chạy giật đứt xích. Cậu tin rằng sẽ có ngày cái xích bị con sói giằng đứt.
Sói con bắt đầu cuộc đấu tranh trong tù. Nó coi trọng từng tấc xích được kéo dài, chỉ cần thêm một tấc là nó sẽ chạy vòng quanh như điên, vui mừng vì thêm một tấc tự do, dấu chân chạy trên tuyết mới coi như mở thêm lãnh địa mới, sướng hơn hạ sát một con ngựa choai. Không đợi Trần Trận quét dọn, sói con chạy quanh như cò quay hết vòng này đến vòng khác, thở phì phò, như hàng chục con sói xô nhau chạy. Sói con chạy như một cơn lốc, như cỗ máy cắt cỏ, như cỗ máy nghiền, tung bụi mù mịt, khiến Trần Trận gần trong gang tấc mà thấy rùng mình, chỉ sợ sói con đứt xích văng ra khỏi cọc bay lên núi, bay khỏi biên giới.
Trần Trận mỗi khi ngồi xuống bên con sói, cảm giác cô đơn lại biến mất, một sức mạnh hoang dã tràn về, dòng máu sôi sục trong huyết quản, sức sống mạnh mẽ bắt đầu bột phát, tâm tính cậu như cỗ máy phát điện mà sói con là điểm hỏa cho cỗ máy chạy, cậu cảm thấy vui sướng và tự tin.
Trần Trận lại hào hứng nhìn con sói biểu diễn. Nhìn mãi nhìn mãi, cậu phát hiện ra rằng con sói không chỉ chạy vì mừng, mà nó có một ý đồ khác, vì rằng sau khi hết mừng, nó vẫn chạy bạt mạng. Trần Trận cảm thấy hình như nó luyện tốc độ theo bản năng và kĩ năng vượt ngục, khát vọng bứt đứt sợi xích lớn hơn tất cả mọi đam mê khác. Sói con ngày càng cường tráng, ngày càng thành thục, mắt nhìn thảo nguyên rộng lớn trước mặt giơ chân ra là chạm tới tự do, khiến nó không chịu nổi cái gông trên cổ. Trần Trận rất hiểu tâm trạng và khát vọng của sói con, trên thảo nguyên tự do, đàn sói yêu tự do giương mắt nhìn tự do chỉ cách gang tấc, thì đúng là hình phạt tàn nhẫn. Nhưng Trần Trận buộc nó chịu đựng, bởi vì cái rét thảm khốc trên thảo nguyên, ngay cả sói lớn cũng khó bề sống sót, sói con chết là cái chắc. Sói con càng giằng giật, vết thương ở yết hầu càng lâu khỏi. Trần Trận nhìn sói con mà trong lòng đau xót. Cậu chỉ còn mỗi cách tăng cường kiểm tra dây xích, cọc gỗ, không để sói con vượt ngục, chạy đến với cái chết tự do.
Sói con miệng mở hé, vẫn chạy không biết mệt, nhiều khi còn cười khà nhìn Trần Trận, ánh mắt lóe lên như đốm lửa lân tinh rồi vụt tắt. Chính trong khoảnh khắc đó, Trần Trận cảm thấy trong lòng ấm áp và cảm động - cuộc đời của cậu chẳng lẽ ngắn ngủi như vậy sao? Ý chí và ước mơ của cậu chẳng lẽ kết thúc rồi sao? Đứng trước sức sống mãnh liệt của con sói, Trần Trận thẹn thùng tự hỏi. Cậu nhận ra sức sống mạnh mẽ của sói con hong khô đám củi ướt trong sức sống của cậu. Vậy thì hãy để sói con cứ bộc lộ cho hết, cứ cháy bùng lên, cứ để sói con chạy cho đã.
Sói con chạy thêm vài vòng nữa rồi bắt đầu loạng choạng. Đột nhiên nó chững lại đứng thở dốc, lắc lư mấy cái rồi phủ phục trên mặt đất. Trần Trận không biết xảy ra chuyện gì, cậu chạy vào trong chuồng định vực sói con dậy nhưng thấy hai mắt nó tuy nhìn cậu nhưng đồng tử giãn ra. Sói con gắng gượng đứng lên rồi lảo đảo ngã xuống như say rượu. Trần Trận vui vẻ kêu lên, rõ ràng là sói con bị chóng mặt. Sói chưa khi nào phải kéo cối xay như lừa, mà con lừa khi kéo cối xay cũng phải che mắt huống hồ sói. Đây là lần đầu tiên Trần Trận trông thấy sói bị chóng mặt bước loạng choạng, miệng há hốc chỉ chực nôn ọe.
Trần Trận vội bê đến cho sói con lưng chậu nước ấm, sói con vẫn ngất ngư, cạch một tiếng mũi đụng thành chậu, mãi mới đứng vững, cắm đầu uống nước. Sau đó sói con duỗi thẳng bốn chân nằm xuống đất thở hồi lâu rồi lại đứng lên, điều kỳ quặc là, nó lại chạy quanh chuồng như điên.
Trần Trận trong lòng đau nhói. Cậu càng tự trách nhiều hơn. Trong cảnh đày đọa ở nơi xa xôi hẻo lánh này có sói con làm bạn, có cỗ mấy phát lực cho sinh mạng của cậu, khiến cậu có sức vượt qua mùa đông tưởng không bao giờ chấm dứt. Trên mảnh đất phì nhiêu nhưng gai góc mọc đầy này luôn xảy ra những cuộc chạm trán giữa hai dân tộc về tính cách và số phận khiến cậu học cả đời cũng chưa hết. Vậy mà, sự ngưỡng mộ và sùng bái của cậu đối với sói, công việc nghiên cứu và những nỗ lực của cậu nhằm khắc phục sự thiếu hiểu biết và thiên kiến của dân tộc Hán về sói, chẳng lẽ phải trả bằng cái giá của sự tù đày và mất tự do của sói con, mới thực hiện được hay sao?
Trần Trận lún sâu trong nỗi hoài nghi và lo lắng về hành động của mình.
Đã đến giờ đọc sách nhưng Trần Trận vẫn chần chừ. Cậu cảm thấy về tinh thần và tình cảm hình như cậu nhiễm chứng ỷ lại của sói con. Cậu dùng dằng nửa ở nửa đi, không biết mình có thể làm những gì cho sói con?
Tính cách sói con đã quyết định số phận của nó.
Trần Trận trước sau vẫn cho rằng, mùa đông năm ấy cậu mất sói con là do ý trời, là do sự trừng phạt của Tăngcơli đối với lương tâm của cậu khiến lương tâm cậu lĩnh án tù chung thân, không bao giờ được tha thứ.
Vết thương của sói con đột nhiên chuyển ác tính. Đó là một đêm không gió, không trăng, không sao, không tiếng chó sủa. Thảo nguyên Ơlôn im lìm như hóa thạch, không một dấu hiệu của sự sống.
Quá nửa đêm, Trần Trận bị tiếng xích khua loảng xoảng đánh thức dậy. Kinh hãi khiến đầu óc cậu đặc biệt tỉnh táo, tai rất thính. Khoảng lặng giữa tiếng rung của xích sắt, cậu nghe mơ hồ có tiếng sói tru từ dãy núi lớn trên biên giới, yếu ớt, đứt đoạn, run rẩy, thê thảm, não nùng. Có thể đám tàn quân nhà sói bị đuổi sang bên kia biên giới, lại gặp những quân đoàn sói hung hãn hơn tàn sát, chỉ còn sói chúa và một số sói bị thương chạy thoát về khu nam không người lai vãng, giữa vành đai phòng hỏa và đường biên. Nhưng bọn chúng không thể trở về quê cũ đầy máu. Sói chúa tụ tập đám tàn quân chuẩn bị đánh qua biên giới, quyết một trận tử chiến.
Trần Trận đã hơn tháng nay chưa nghe tiếng tru của sói tự do. Trong tiếng tru run rẩy, bao hàm những điều cậu quan tâm lo lắng. Cậu nghĩ, bố Pilich có lẽ đang khóc, tiếng sói tru thê thảm nghe không rõ tiếng tru ấy khiến người ta càng tuyệt vọng. Thảo nguyên Ơlôn toàn loại sói lớn sói đầu đàn hung hãn, dũng mãnh và khôn ngoan, bị những xạ thủ ngoại hạng hạ thủ trước tiên. Sau khi tuyết xuống xe hơi không chạy được, những xạ thủ xuất thân kỵ binh chuyển sang dùng ngựa truy sát đàn sói. Hình như đàn sói trên thảo nguyên Ơlôn không còn đủ thực lực mở một con đường máu đi tìm địa bàn mới.
Điều mà Trần Trận lo nhất đã xảy ra. Tiếng sói tru đã đánh thức sói con toàn bộ hi vọng, niềm phấn khích, sự phản kháng và hiếu chiến. Sói con như một vương tử đơn côi bị cầm tù trên thảo nguyên nghe thấy tiếng gọi của phụ vương thất lạc từ lâu, hơn nữa lại là tiếng gọi cầu cứu. Nó bỗng trở nên hung hăng thô bạo, muốn biến thành viên đạn pháo cất tiếng trả lời. Thế nhưng cổ họng bị thương, nó không thể phát ra tiếng tru. Nó lồng lộn điên cuồng, bất chấp vết thương ở cổ, giằng xích giằng đai cổ giật cọc. Trần Trận cảm thấy đất dưới người cậu rung chuyển, tiếng xích sắt vọng lại loảng xoảng mà có thể tưởng tượng ra sói con đang chạy, đang giằng kéo, đang thổ huyết! Sói con càng quậy càng dữ.
Trần Trận sợ quá tung chăn ngồi dậy mặc quần áo đi giày, chạy ra ngoài. Dưới ánh sáng đèn pin, máu vung vãi trên tuyết, quả nhiên sói con đang thổ huyết. Nó liên tục xông lên, lưỡi thè ra đầy máu đỏ lòm, sợi xích căng như dây cung, trước ngực máu đọng thành sợi, nền chuồng máu vung vãi mùi tanh nồng, đầy sát khí.
Bất chấp tất cả, Trần Trận xông vào định ôm lấy cổ con sói. Nó đớp cổ tay cậu xé rách một miếng tay áo. Dương Khắc cũng xông vào nhưng hai người không sao tiếp cận được sói con. Cơn điên bị nén lâu ngày, mắt đỏ ngầu như mắt quỷ, nó đúng như con sói điên đang tìm cách tự sát. Hai người lấy tấm thảm vừa bẩn vừa dày dùng để đậy phân khô chụp lên con sói đè nghiến nó xuống đất. Sói con điên hoàn toàn, gặp gì cắn nấy, lại còn ra sức rũ cho xích văng ra. Trần Trận cũng cảm thấy như phát điên nhưng cậu phải đấu dịu, khẽ gọi: Sói con sói con!... Không biết bao lâu, sói con mới hạ hỏa, bình thường trở lại. Hai người như trong trận chiến đánh giáp lá cà với sói hoang, ngồi phệt xuống đất mà thở.
Trời dần sáng, hai người lật thảm thấy hậu quả của sự phản kháng về khát vọng được gặp sói cha của sói con: Chiếc răng đau đã trật ra ngoài, chắc là bị gãy khi giằng xé tấm thảm màu chảy không ngừng, có thể vết thương đã nhiễm trùng khi cắn tấm thảm bẩn. Sói con kiệt sức, họng chảy máu không ngừng, chảy nhiều hơn hôm dọn nhà, tuy vẫn chỗ cũ nhưng là bị thương lần hai. Sói con mắt đỏ ngầu, uống vào bụng từng ngụm máu của chính nó. Từng đám máu trên áo, trên thảm, trên nền chuồng sói, nhiều hơn máu một con ngựa choai, tất cả đã đông cứng. Trần Trận sợ rủn tay chân, miệng lắp bắp: Thôi thế là hết! Dương Khắc nói: Sói con đã vung ra quá nửa số máu trong người nó, bây giờ sẽ chảy hết chỗ còn lại…
Hai người luống cuống chạy quanh không biết làm gì để cầm máu cho sói con. Trần Trận vội phóng ngựa đi gặp ông Pilich. Thấy Trần Trận quần áo đầy máu, ông già cũng hoảng, vội đến lều Trần Trận, hỏi: Có thuốc cầm máu không? Trần Trận đưa bạch thược Vân Nam cho ông, tất cả có bốn bình. Ông già bước vào trong lều, lấy nguyên lá phổi trong chậu thịt luộc, dùng nước ấm trong phích rửa cho rã hết đá, cắt bỏ khí quản có sụn cứng, cắt đôi phổi phải phổi trái, rồi bôi thuốc lên bề mặt lá phổi, bước tới đưa cho Trần Trận đút cho sói con. Sói con ngoạm luôn nuốt tớm. Lá phổi chui xuống thực quản thấm hết máu nở ra căng phồng, dừng lại ở chỗ yết hầu một lúc rồi mới chui qua. Lá phổi áp sát thực quản bôi thuốc cầm máu liền. Sói con gắng gượng nuốt trọn cả hai lá phổi cừu, miệng bớt chảy máu.
Ông già lắc đầu, nói: Không sống nổi, mất nhiều máu quá, vết thương lại ở chỗ chí mạng, lần này thì cầm được, nhưng lần sau khi nghe sói tru, cậu cầm nổi chăng? Con sói đáng thương quá! Không cho cậu nuôi, cậu cứ nuôi. Tôi nhìn mà không chịu nổi, cứ như mình bị cắt cổ. Đây đâu phải cuộc sống của sói, còn thê thảm hơn nô lệ Mông Cổ xưa kia! Sói Mông Cổ thà chết chứ không chịu sống như thế này.
Trần Trận van nài: Bố ơi, con muốn nuôi nó trọn đời, bố xem có cứu được nó không? Bố truyền cho con các bài thuốc đi.
Ông già trừng mắt, nói: Cậu vẫn muốn nuôi hả? Nhân lúc nó hãy còn là con sói, hãy đập chết nó đi, để nó chết trong chiến đấu như một sói hoang! Đừng bắt nó ốm chết như chó! Hãy giúp cho linh hồn nó được như nguyện.
Hai tay run bắn,Trần Trận chưa bao giờ nghĩ rằng cậu phải tự tay đập chết sói con, con sói mà cậu trải qua biết bao gian khổ mới nuôi lớn. Cố kìm nước mắt, cậu van xin lần nữa: Bố ơi, làm sao con dám đập chết nó? Dù chỉ còn một chút hi vọng, con cũng cứu nó.
Ông già sầm mặt, giận dữ quát to: Người Hán các cậu không bao giờ hiểu được sói Mông Cổ!
Nói xong, ông già giận dữ lên yên, vụt con ngựa một roi thật mạnh nhằm hướng nhà ông mà chạy, không ngoảnh lại lấy một lần.
Trần Trận đau nhói trong tim, y như cậu cũng bị quất một roi.
Hai người đứng ngây như phống, hồn vía đi đâu mất.
Dương Khắc dùng mũi ủng đá tuyết, cúi đầu nói nhỏ: Bố Pilich chưa bao giờ giận chúng mình đến thế. Sói con không còn nhỏ, nó đã lớn, nó sẽ vì tự do mà liều mạng với chúng ta. Sói mới đúng là chủng tộc “vì tự do mà chết”. Tình hình này chắc chắn nó không sống được, theo mình, hãy nghe lời bố già, cho sói con được hưởng cái oai của sói.
Trần Trận nước mắt giàn giụa, cậu thở dài, nói: Làm sao mình không hiểu ý tứ trong câu nói của ông già? Nhưng về tình cảm, mình ra tay sao được? Sau này nếu mình có con trai, mình không nên thương nó bất kể sống chết như thương sói con… Để mình nghĩ tí đã…
Sói con mất quá nhiều máu, loạng choạng đứng lên ra chỗ mép chuồng cào tuyết bên ngoài ăn. Trần Trận vội giữ nó lại, hỏi Dương Khắc: Chắc là nó ăn tuyết cho đỡ đau, có cho nó ăn không?
Dương Khắc nói: Mình thấy nó đang khát, mất bấy nhiêu máu không khát sao được? Theo mình, tất cả nên tùy thuộc vào nó, cho nó tự quyết định số phận của nó.
Trần Trận buông tay, sói con lập tức ăn từng miếng tuyết to. Sức đã yếu, lại vừa đói vừa rét, nó run lẩy bẩy như nô lệ Mông Cổ thời xưa bị phạt cởi trần trong giá rét. Sói con đứng không vững ngã lăn ra. Nó cố sức cuộn người lại, dùng đuôi che kín mặt mũi. Nó vẫn còn run, khi hít không khí lạnh vào cơ thể run bần bật, khi thở ra ít run hơn. Trần Trận thấy trái tim như bị bóp nghẹt, cậu chưa bao giờ thấy sói con yếu đuối đến thế. Cậu kiếm một miếng thảm đắp lên mình sói, cảm thấy linh hồn nó từ từ rời khỏi cơ thể, gần như không còn là con sói cậu đã nuôi.
Đến trưa, Trần Trận đun cho sói con một nồi cháo khu đuôi cừu, dùng tuyết hạ nhiệt, cậu bê đến cho sói con. Sói con vận hết khí lực toàn thân để có tư thế hùng dũng khi ăn, nhưng khi ăn thì ăn một miếng lại dừng, dừng một tí lại ăn, vừa ăn vừa ho, chỗ yết hầu bị thương vẫn rỉ máu, bình thường chậu cháo ăn hết trong một bữa, nay phải chia làm ba lần.
Hai ngày sau đó, Trần Trận và Dương Khắc thay phiên nhau chăm sóc sói con. Nhưng sói con ăn ngày một ít đi, bữa cuối cùng hầu như không ăn được miếng nào, mà nuốt vào bụng toàn là máu của nó. Trần Trận chọn ngựa tốt, đem theo ba bình rượu trắng đi mời thú y của đại đội. Thú y nhìn máu đầy mặt đất, nói: Đừng phí công, nó là sói, nếu là chó thì chết từ lâu rồi.
Thú y không cho lấy một viên thuốc, nhảy lên ngựa tới lều khác.
Sáng sớm hôm thứ ba, Trần Trận vừa ra khỏi lều đã thấy sói con hất bỏ tấm thảm, nằm dài trên mặt đất ngửa cổ mà thở. Cùng Dương Khắc chạy ra xem, hai người cuống lên. Cổ họng sói con sưng to đến nỗi chặt cứng đai, phải rướn lên mới thở được. Trần Trận vội nới rộng hai lỗ trên đai cổ con sói để nó dễ thở, nhưng hồi lâu vẫn không thể trở lại bình thường. Sói con lại định vùng dậy. Hai người vạch miệng sói con, thấy vòm họng và một bên hàm sưng to như nhọt bọc, thịt đã bắt đầu rữa.
Trần Trận tuyệt vọng ngồi xuống đất, sói con gắng gượng ngồi chống hai chân y như một sói già trước mặt cậu, miệng hé mở, lưỡi thè ra, nước giãi lẫn máu nhểu từng giọt. Nó nhìn Trần Trận như muốn nói gì với cậu nhưng không một âm thanh nào lọt ra ngoài. Trần Trận nước mắt như mưa ôm cổ con sói, chạm trán, chạm mũi lần cuối cùng với nó. Sói con hình như không trụ nổi, hai chân trước lại run lên bần bật.
Trần Trận đứng phắt dậy chạy vào trong lều lấy ra chiếc xẻng bằng sắt, giấu cái xẻng sau lưng, cậu lẳng lặng vòng ra phía sau con sói rồi bất thình lình đập mạnh cái xẻng xuống gáy nó. Không một tiếng động, sói con gục xuống mềm nhũn. Nó cứng rắn cho đến phút cuối như sói thảo nguyên Mông Cổ chân chính.
Trong khoảnh khắc đó, Trần Trận cảm thấy linh hồn cậu vọt ra ngoài thiên linh cái đánh soạt một cái, lần này thì không trở lại nữa, Trần Trận rũ ra như một cây nước đã đang tan.
Toàn thể chó lớn chó bé không hiểu xảy ra chuyện gì xô nhau chạy tới hít hít cái xác sói con rồi hoảng sợ chạy tán loạn, chỉ mỗi Nhị Lang cứ chõ vào hai ông chủ mà sủa, tức ra mặt.
Dương Khắc nước mắt đã lưng tròng, nói: Việc còn lại phải như ông Pilich đã làm, mình lột da, còn cậu vào trong lều nghỉ một lát.
Trần Trận vẫn ngơ ngác, nói: Mình và cậu bắt về nuôi, bây giờ cũng nên cùng nhau lột da tiễn nó lên trời.
Hai người cố không run tay khi lột da sói con. Lông nó vẫn dày và sáng, nhưng lớp mỡ bên trong thì rất mỏng. Dương Khắc gác bộ da sói con lên nóc lều, lấy bao tải sạch đựng xác sói con buộc sau yên. Hai người phi ngựa lên đỉnh núi tìm phiến nham thạch có phân chim ưng, dùng ống tay áo quét sạch tuyết trên mặt rồi nhẹ nhàng đặt thi thể sói con lên. Bãi thiên táng mà các cậu chọn lạnh và vắng, sau khi cởi bỏ chiến bào, Trần Trận không còn nhận ra sói con của cậu, mà giống hệt những con sói khác bị người ta lột da sau trận tử chiến. Trần Trận và Dương Khắc không rỏ nước mắt trước thi thể sói con đã bị lột da. Trên thảo nguyên Mông Cổ hầu như con sói nào cũng bộ lông dày mịn khi đến, thân xác trần trụi khi đi, để lại cho đời lòng dũng cảm, nét kiêu hùng và trí khôn sắc sảo cùng thảo nguyên tươi đẹp. Lúc này đây, sói con tuy đã cởi chiến bào nhưng cũng mất đi cái xích, hoàn toàn giống như các thành viên trong họ hàng nhà sói, không gì ràng buộc, tự do tự tại trên thảo nguyên mênh mông. Từ lúc này sói con chính thức trở lại đàn, đứng vào đội ngũ chiến sĩ thảo nguyên. Tăngcơli hẳn sẽ chấp nhận linh hồn nó.
Hai người không hẹn mà nên cùng ngẩng nhìn trời. Đã có hai con chim ưng đang lượn vòng trên đỉnh đầu, cúi nhìn sói con, một lớp băng mỏng đã phủ lên mình nó. Trần Trận và Dương Khắc vội vã xuống núi. Khi ra đến trảng cỏ nhìn lại, hai con chim ưng đã đáp xuống mỏm nham thạch bên cạnh. Sói con chưa bị đông cứng, sẽ thiên táng rất nhanh, chim ưng sẽ đưa linh hồn nó lên trời.
Về đến nhà, Cao Kiện Trung đã chọn được cây sào bằng gỗ pơ mu dài sáu bày mét đặt trước cửa lều, nhồi đầy cỏ khô trong tấm da hình ống của sói con… Trần Trận lấy đầy da mảnh xâu qua mũi sói, một đầu dây buộc chặt vào đầu sào. Ba người dựng cây sào trên đống tuyết trước cửa lều bạt.
Gió tây bắc ào ào căng ngang tấm da sói giữa trời, chải cho chiếc chiến bào sạch sẽ mượt mà như lên trời dự yến tiệc. Khói trắng tuôn ra từ ống khói trên nóc lều luồn dưới tấm da sói bay đi. Sói con như đang đằng vân giá vũ, tự do thả sức tung bay, lúc này trên cổ sói không còn dây xích, dưới chân sói không còn cảnh giam cầm.
Trần Trận và Dương Khắc chiêm ngưỡng rất lâu sói con trong không trung, ngưỡng vọng trời xanh. Trần Trận cúi đầu nói nhỏ: Sói con, rồi Tăngcơli sẽ cho sói con biết thân thể và chân tướng của bạn. Hãy cắn tôi trong giấc mơ, cắn đau vào!
Ánh mắt si mê của Trần Trận dõi theo điệu múa sinh động do tấm da sói biểu diễn. Đó là ngoại hình sói con để lại cho đời, trong cái ngoại hình oai nghiêm đẹp đẽ ấy hình như vẫn ôm ấp linh hồn tự do và bất khuất của sói con. Đột nhiên, thân hình tròn như ống quyển và cái đuôi dài thượt của sói cuộn khúc như rồng lộn. Trần Trận giật mình, cậu như trông thấy đầu rồng, thân rồng trong mưa vần gió vũ, thân sói dài nhào lên hụp xuống như hải trư dưới biển, lại như con phi long màu vàng kim cưỡi gió đạp mây vui sướng bay lên trời xanh, lên chùm sao thiên lang, lên bầu trời tự do, nơi tụ hội của những linh hồn sói thảo nguyên Mông Cổ hi sinh trong chiến đấu…
Khi ấy, Trần Trận tin rằng cậu đã gặp tôtem sói thực sự trong lòng cậu.