°°°°°°
Chúng tôi thấy tất cả dân du mục dù là người Nôtikhơ, người Sanlaithơ hoặc người Môngôlia, về mặt bản tính mà nói, họ hoạt bát hơn, cương nghị hơn tộc định cư.
(Anh) Herbert J. Wells “Thế giới sử cương”
Ông già Pilich không còn được mời tham gia hội nghị sản xuất trên Đoàn bộ. Trần Trận thường thấy ông ở nhà làm đồ da.
Qua hai vụ hè thu, dàm dây cương hàm thiếc và dây buộc chân ngựa hết đợt này đến đợt khác thấm đẫm nước mưa rồi phơi nắng, thuốc thuộc rã hết, da bị mủn, khô, lão hóa, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng. Thường xuyên có chuyện ngựa đứt dây cương, dây buộc chân, chạy về đàn.
Vậy là ông Pilich có thời gian làm đồ da cho người nhà, cho các mã quan trong tổ và đám thanh niên trí thức. Trần Trận, Dương Khắc và Cao Kiện Trung thường tranh thủ thời gian đến nhà ông Pilich học làm đồ da. Sau mười mấy ngày, họ đã làm được dàm, roi da. Dương Khắc còn làm được một thứ rất khó làm: Dây buộc chân ngựa.
Căn lều Mông Cổ rộng rãi của ông già biến thành nơi sản xuất đồ da, chất đống da thuộc và chưa thuộc, mùi lưu huỳnh khét lẹt. Tất cả những sản phẩm đó đều phải qua một công đoạn cuối cùng: quang dầu bằng mỡ rái cá cạn.
Mỡ rái cá cạn là loại mỡ động vật cao cấp kỳ lạ của thảo nguyên. Cao nguyên Mông Cổ rét ghê gớm, mỡ cừu, mỡ bò, dầu mazút đều đông đặc, chỉ mỗi mỡ rái cá cạn là không đông, ngay cả dưới 30 độ C vẫn rót được từ trong chai ra.
Mỡ rái cá cạn là đặc sản của thảo nguyên, là báu vật của mỗi gia đình mục dân, nhà nào cũng cất giữ. Trong những ngày bạch mao phong giá lạnh, các mã quan dương quan chỉ cần bôi lên mặt một lớp mỡ rái cá cạn là mũi không bị chết máu vì lạnh, da mặt không bị tróc vảy trắng. Bánh bột khỏa rán mỡ rái cá, vàng và thơm, mùi vị ngon tuyệt chỉ xuất hiện trong tiệc cưới hoặc trên bàn trà quan khách. Mỡ rái cá cạn còn chữa bỏng, công hiệu không thua mỡ lợn lửng.
Mỡ và da rái cá là một trong những nghề phụ quan trọng của mục dân. Hàng năm, khi rái cá cạn lông dày và béo núc, mục dân lên núi đánh bắt, thịt để ăn, còn mỡ và da đem lên Hợp cung tiêu đổi lấy chè gối, vải vóc, pin đèn, ủng đi ngựa, bánh kẹo. Một tấm da rái cá lớn giá 4 tệ, mỡ hơn 1 tệ một cân. Da rái cá cạn là nguyên liệu cao cấp may áo da nữ, toàn bộ xuất khẩu thu ngoại tệ. Rái cá nếu mỡ dày một đốt ngón tay, có thể được hai cân mỡ nước. Bắt được một con rái cá cạn, ngoài thịt để ăn, mục dân còn kiếm được năm sáu tệ. Một vụ thu bắn được khoảng trăm con là có sáu bảy trăm tệ, nhiều hơn công điểm trong một năm của Dương Quan. Mục dân nửa chăn nuôi nửa săn bắn ở thảo nguyên Ơlôn, tuy nghề chính là chăn nuôi, nhưng thu nhập chính lại từ săn bắn, riêng rái cá đã hơn cừu, nếu tính cả sói, cáo, cáo sa mạc, dê vàng… thì còn nhiều hơn nữa. Hồi đó, mức sống của mục dân Ơlôn bằng cán bộ trung cấp ở thành phố Bắc Kinh. Mục dân có số tiền gửi tại ngân hàng khiến người thành phố giật mình.
Nhưng thu nhập về săn bắn không ổn định, động vật hoang dã trên thảo nguyên giống như cây ăn quả dưới xuôi, năm được năm mất do nhân tố khí hậu, cỏ tốt xấu, thiên tai quyết định. Mục dân Ơlôn biết điều tiết quy mô săn bắn, không định ra chỉ tiêu cứng nhắc mỗi năm phải đạt bao nhiêu phần trăm, động vật hoang dã nhiều săn bắt nhiều, ít săn bắt ít, ít quá thì thôi. Hàng vạn năm như thế, gần như năm nào cũng đi săn.
Mục dân bắt được rái cá cạn, bộ da bán đi, nhưng phần lớn mỡ thì giữ lại. Mỡ rái cá tiêu thụ nhiều, nhất là với các sản phẩm từ da. Bôi mỡ lên, da có màu nâu sẫm, mềm và đẹp. Trong mùa mưa mà thường xuyên bôi mỡ rái cá cho yên cương ngựa thì sẽ không bị mục nát, tuổi thọ kéo dài, giảm bớt sự cố. Mỡ rái cá dùng nhiều, phạm vi sử dụng rất rộng, nên thường là chưa tới vụ sau đã hết.
Ông già nhìn các đồ da la liệt dưới thảm, bảo Trần Trận: Trong nhà chỉ còn nửa chai mỡ rái cá. Lúc này thịt rái cá ngon nhất. Xưa kia vua chúa không ăn thịt cừu vào lúc này, mà ăn thịt rái cá. Ngày mai tôi dẫn cậu đi săn rái cá một bữa.
Caxưmai nói: Hôm nào có mỡ rái cá, tôi làm bữa bánh bột khỏa các cậu nếm thử.
Trần Trận nói: Hay quá! Năm nay em cũng phải trữ nhiều một tí, không thể cứ đến đây ăn chực.
Caxưmai cười: Từ khi cậu nuôi sói con là quên luôn bọn tôi. Mấy tháng nay cậu đến nhà này uống trà mấy lần?
Trần Trận nói: Chị là tổ trưởng, em nuôi sói đã gây bao nhiêu phiền phức cho chị, nên ngại không dám gặp chị.
Caxưmai nói: Nếu tôi không ủng hộ cậu thì con sói của cậu đã bị mã quan tổ khác đập chết từ lâu.
Trần Trận hỏi: Chị nói với họ thế nào?
Caxưmai cười, nói: Tôi bảo họ, người Hán đều ghét sói, thậm chí ăn thịt sói, chỉ có Trần Trận và Dương Khắc là yêu sói. Con sói nhỏ đó gần như là con nuôi của hai cậu ấy. Khi đã làm rõ những chuyện về sói thì hai cậu là người Mông Cổ mình.
Trần Trận rất cảm kích, luôn miệng cảm ơn Caxưmai.
Caxưmai cười khanh khách, nói: Ơn với huệ gì! Cậu cho chúng tôi một bữa “ăn hiệu”, cái món thịt cừu băm viên ấy, tôi rất thích. Caxưmai nháy mắt với Trần Trận về phía ông già, nói: Bố cũng thích món ấy lắm.
Trần Trận mừng quá, lập tức đề nghị: Hành tây Trương Kế Nguyên mua về còn nửa bó. Chiều nay em mang các thứ đến đây làm một bữa cả nhà ăn thoải mái.
Nét mặt ông già đã giãn ra đôi chút, ông nói: Thịt cừu thì không cần đem đến, nhà mới thịt một con. Món viên của Cao Kiện Trung ngon hơn của nhà hàng trên huyện nhiều. Bảo Dương Khắc, Cao Kiện Trung cùng đến uống rượu cho vui.
Buổi chiều, Cao Kiện Trung dạy Caxưmai làm món thịt cừu băm viên, mọi người ăn uống ca hát. Ông già bỗng đặt bát xuống, hỏi: Binh đoàn nói từ nay mục dân sẽ định cư để bớt ốm đau, đỡ vất vả. Các cậu thấy định cư có tốt không? Người Hán các cậu chẳng phải rất thích xây nhà để ở đó sao?
Dương Khắc nói: Chúng cháu cũng không biết đã du mục hàng ngàn năm có thể định cư được không? Cháu thấy hình như không được. Cỏ thảo nguyên mỏng quá, sợ giẫm nát. Một khu lều trại, người và gia súc bất quá chỉ trong vòng hai tháng là đã phải di chuyển. Nếu định cư, trong phạm vi vài dặm chỉ một năm là biến thành bãi cát, nối liền các bãi cát thì thành sa mạc chứ sao? Với lại chọn nơi nào để định cư? Khó đấy!
Ông già gật đầu, nói: Có lẩm cẩm mới tính chuyện định cư trên thảo nguyên Mông Cổ. Người khu vực nông nghiệp không hiểu thảo nguyên, nên thích định cư và bắt người khác cũng định cư như mình. Ai không biết định cư thoải mái, nhưng dân du mục đời đời kiếp kiếp không định cư là do Tăngcơli bảo phải như thế. Trước tiên nói về đồng cỏ, bốn mùa đồng cỏ công dụng khác nhau. Đồng cỏ mùa xuân cho cừu đẻ, cỏ ngon nhưng mọc thấp, nếu định cư tại đấy thì mùa đông bị tuyết phủ kín, cỏ sẽ chết hết, gia súc ăn gì để sống? Bãi cỏ mùa đông cỏ mọc rất cao không sợ tuyết vùi, nhưng nếu định cư tại đấy, ba mùa xuân hè thu gia súc ăn cỏ một chỗ, cỏ cao thế nào được. Đồng cỏ mùa hè dứt khoát phải gần nước, nếu không gia súc sẽ chết khát, nhưng gần nước thì phải ở trong núi, định cư ở đấy thì gia súc chết rét hết. Đồng cỏ mùa thu trông vào hạt cỏ, nhưng nếu định cư ở đấy thì qua mùa xuân và mùa hạ cỏ bị gặm sạch, mùa thu làm sao có hạt? Đồng cỏ mỗi mùa đều có mấy cái dở, chỉ có một cái được. Du mục là tránh cái dở, chọn cái hay của mỗi loại đồng cỏ. Nếu định cư ở một chỗ, tất cả những cái dở ập tới, cái hay cũng chẳng còn, nói gì chăn với thả!
Trần Trận, Dương Khắc, Cao Kiện Trung gật đầu tán thành. Trần Trận thấy định cư chỉ mỗi cái lợi trong việc nuôi sói, nhưng cậu không dám nói ra.
Ông già uống khá nhiều rượu, ăn bốn cái bánh nhân thịt, nhưng hình như tâm trạng càng tồi tệ.
Sáng sớm hôm sau, Trần Trận sau khi đổi phiên cho Dương Khắc, liền theo ông già vào trong núi bắt rái cá cạn. Bao tải đay dắt sau yên, trong đó có hơn chục cái thòng lọng cấu tạo đơn giản: Một cái cọc bằng gỗ dài nửa thước, đầu cọc buộc cáp lụa loại tám sợi, đầu kia thắt nút thành cái thòng lọng. Khi đặt thòng, cắm cái cọc bên cạnh, thòng lọng thì đặt trên miệng hang, cao hơn mặt đất hai đốt ngón tay như vậy mới thòng trúng cổ hoặc hông. Trần Trận từng đánh thòng rái cá nhưng chỉ được toàn những con nhỏ. Cậu định lần này học vài mánh ở ông già.
Hai con ngựa phóng nhanh về phía đông bắc. Cỏ thu đã vàng nửa thân trên, nửa dưới vẫn còn xanh. Rái cá tranh thủ tự vỗ béo đợt cuối, ra vào hang như con thoi. Chúng ngủ đông bảy tháng, thiếu mỡ sẽ không sống nổi đến mùa xuân sau. Vì vậy đây là lúc rái cá béo nhất. Trần Trận hỏi: Dây thép con lấy từ chỗ bố, vậy sao chỉ thòng được những con nhỏ?
Ông già cười khì: Tôi chưa bày cho cậu cách đặt thòng. Người thảo nguyên Ơlôn không phổ biến kỹ thuật săn bắn cho người ngoài, sợ họ bắt hết thú hoang. Này con, ta già rồi, ta truyền lại cho con nghề này. Thòng lọng dân ngụ cư là thòng lọng chết, rái cá lớn rất khôn, nó biết thu mình chui qua thòng lọng ra ngoài. Cái thòng lọng của ta co dãn chỉ cần chạm nhẹ là nó thắt lại, không trúng cổ thì trúng hông, chạy không thoát. Khi đặt nhớ cho cái thòng lọng nhỏ hơn miệng hang một chút để căng ra thì vừa.
Trần Trận hỏi: Vậy cố định cái thòng như thế nào?
Ông già nói: Một đầu dậy thắt một cái khuyết, lồng sợi cáp qua phía sau thành cái thòng vừa khít, lỏng quá không được, vì gió thổi thòng lọng co lại; chặt quá cũng không được, vì thòng lọng không xiết lại, phải không lỏng không chặt mới cố định được. Rái cá chui vào một nửa và đụng phải là thòng lọng lập tức thắt lại. Theo cách này, mười thòng được đến sáu bảy con rái cá lớn.
Trần Trận vỗ trán nói: Tuyệt! Tuyệt quá! Chả trách con không thòng được con nào, thì ra thòng của con là thòng chết, rái cá vào ra thoải mái.
Ông già nói: Lát nữa tôi làm cho cậu xem, không dễ đâu, còn phải xem hang lớn hay nhỏ, dấu chân rái cá to hay bé, khi đặt thòng phải đúng mẹo là quan trọng nhất. Lát nữa tôi vừa làm vừa dạy, cậu ngó cái là biết. Có điều chỉ mình cậu biết thôi, đừng phổ biến cho bất cứ ai.
Trần Trận nói: Con xin hứa.
Ông già nói: Con ơi, còn nhớ phải nhớ điều này: Chỉ bắt rái cá đực và rái cá cái không bận con nhỏ. Bắt được rái cá mẹ hoặc rái cá con là phải thả ngay. Người Mông Cổ ta bắt rái cá hàng trăm năm nay mà vẫn có thịt rái cá ăn, có da để bán, có mỡ để dùng, là do không dám phá hoại quy củ của tổ tông. Rái cá cạn hủy hoại thảo nguyên, nhưng chúng rất có ích đối với người Mông Cổ. Xưa kia, mục dân nghèo ăn thịt rái cá sống qua mùa đông. Rái cá cạn đã cứu được bao nhiêu người nghèo, người Hán các cậu đâu có biết!
Hai con ngựa phóng nhanh trong cỏ thu rậm rạp, vó ngựa khua động những con thiêu thân màu trắng, nâu và phấn hồng, những con côn trùng màu xanh lá cây, màu vàng, ba bốn con chim én bay lượn trên đầu hai người, thưởng thức bữa tiệc côn trùng do vó ngựa đem lại. Hai con ngựa chạy vài chục dặm, những con én cũng bay theo vài chục dặm, khi những con này đã no, những con khác lại sung vào đội ngũ những con trước.
Ông già Pilich dùng cây mã bổng trỏ mấy mỏm đồi trước mặt, nói: Đây là Núi Rái Cá của thảo nguyên Ơlôn. Rái cá ở đây nhiều, to con, mỡ dày, bộ da tốt. Đây là núi vàng núi bạc của đại đội ta. Phía nam và phía bắc còn hai quả Núi Rái Cá nhỏ nữa, rái cá ở đây cũng không ít. Mấy hôm nay các gia đình đều đến đây. Rái cá năm nay dễ bắt.
Trần Trận hỏi: Vì sao?
Ông già mắt đượm buồn, thở dài: Sói ít đi thì rái cá rất dễ bị tròng cổ. Sói mùa thu béo được nhờ ăn thịt rái cá, sói không béo không qua nổi mùa đông. Sói bắt rái cá cũng chỉ bắt con to không bắt con nhỏ, do đó năm nào cũng có rái cá ăn. Trên thảo nguyên, chỉ mục dân Mông Cổ và sói Mông Cổ mới hiểu những quy củ trên thảo nguyên là do Tăngcơli định đoạt.
Hai người tiếp cận Núi Rái Cá, bỗng phát hiện hai chiếc lều hình cánh buồm bằng vải bạt dựng bên khe suối, bên ngoài lều khói bếp bay lên, bên cạnh có một cỗ xe lớn và một xe chở nước. Tình hình có vẻ nơi tạm trú của công trường nào đó.
Hai con ngựa chưa đến bên lều đã ngửi thấy mùi thơm của thịt và mỡ rái cá. Hai người vội xuống ngựa, trông thấy bên ngoài căn lều, nửa nồi mỡ rái cá màu nâu to tướng đang sôi lăn tăn trên bếp, mấy con rái cá đang nhào lộn trong nồi, mỡ đã chảy ra hết chỉ còn lại thịt, vàng hươm và rất giòn. Một dân công trẻ vớt con rái cá vừa chín tới, đã lập tức bỏ vào nồi một con rái cá đã lột da, bỏ sạch nội tạng, béo núc ních. Lão Vương và một dân công ngồi bên một chiếc hòm gỗ vỡ, trên để bát tương đậu nành, một đĩa muối ớt và một đĩa hành sống. Hai người vừa uống rượu vừa ăn thịt rái cá rán cực kỳ vui vẻ.
Bên cạnh nồi lớn là chiếc chậu giặt cỡ lớn bằng tôn đựng đầy những con rái cá đã lột da, trong đó phần lớn là những con rái cá nhỏ chỉ dài khoảng một thước. Trên mặt đất bày mấy tấm cánh cửa và hơn chục chiếc bàn ăn đan bằng nhành liễu, trên phơi kín da rái cá lớn nhỏ, khoảng hơn trăm bộ. Trần Trận và ông già bước vào trong lều. Trong lều xếp đống da rái cá đã khô, cao ngang thắt lưng, cũng khoảng một trăm bộ. Chính giữa lều là một vỏ thùng xăng cao hơn mét, đựng đầy mỡ rái cá, bên cạnh đó còn có một số thùng nhỏ hoặc chai đựng mỡ rái cá.
Ông già lại ra ngoài lều, đến bên chiếc chậu tôn, dùng mã bổng gạt những con rái cá nhỏ trên mặt chậu, ông phát hiện phía dưới có mấy con rái cá mẹ gầy nhom.
Ông già nổi cáu, gõ gậy cành cạch vào chậu tôn, gầm lên với lão Vương: Ai cho phép ông giết cả rái cá mẹ lẫn rái cá con? Đây là tài sản của đại đội, là những con rái cá mục dân Ơlôn để lại cho đời sau. Các ông to gan thật, chưa có ý kiến đại đội mà giết bao nhiêu là rái cá thế này!
Lão Vương ngà ngà say, tiếp tục ăn uống. Lão thủng thẳng nói: Tôi đâu dám bắt rái cá trên địa bàn của ông. Đại đội của ông đã thuộc về binh đoàn, xin nói để ông biết, chính Đoàn bộ cử tôi xuống đây đấy. Tham mưu Tôn nói: Rái cá hủy đồng cỏ, rái cá còn là thức ăn chủ yếu của sói trước khi sang mùa đông. Diệt rái cá, đàn sói sẽ không qua nổi mùa đông. Lệnh của Đoàn bộ, phải diệt hết rái cá cùng với chiến dịch diệt sói. Bác sĩ quân y sư đoàn nói: Rái cá có thể truyền bệnh dịch hạch, lúc này rất nhiều người tập trung ở một khu vực, nếu xảy ra bệnh dịch thì ông chịu trách nhiệm nhé?
Ông già Pilich lặng đi một lúc rồi lại gầm lên: Chỉ thị của Đoàn bộ cũng thế thôi. Các người giết hết rái cá rồi lấy gì cho mục dân làm nghề. Nếu dàm ngựa đứt, ngựa lạnh, người bị thương thì ai chịu trách nhiệm. Các người là phá hoại sản xuất!
Lão Vương phà hơi rượu, nói: Trên bảo giết chắc là có người chịu trách nhiệm, ông có giỏi thì đi gặp cấp trên, nạt nộ mấy anh em lao động chân tay chúng tôi làm gì! Lão Vương liếc cái bao tải bên yên ngựa, nói: Ông cũng đến bắt rái cá đấy thôi. Ông được bắt, tại sao tôi không được bắt? Động vật hoang dã không phải do nhà ông nuôi, ai đánh bắt được người ấy hưởng.
Ông già cáu, chòm râu rung lên, ông quát: Hãy đợi đấy, lát nữa tôi về gọi mã quan ra. Chỗ da và mỡ này, tôi đem về đại đội.
Lão Vương nói: Chỗ thịt và mỡ này do nhà ăn đoàn bộ đặt hàng, mai phải đem về cho họ. Nếu ông cho người đến cướp thì cứ cướp, rồi sẽ có người nói chuyện phải quấy với ông. Chỗ da này cũng có ông cốp đặt rồi, Chủ nhiệm Quý còn phải đích thân chở đi nữa kia!
Ông già thõng tay, hồi lâu chẳng nói được câu nào.
Trần Trận lạnh như tiền: Các ông giỏi thật! Diệt một lèo bấy nhiêu con rái cá. Rái cá lớn nhỏ diệt cả ổ, để xem sang năm các ông bắt cái gì?
Lão Vương nói: Các ông gọi chúng tôi là quân lưu manh, lưu manh lưu manh, quân manh động. Không cần đợi sang năm, chỗ nào có ăn là chúng tôi mò đến, được năm nào hay năm đó, các ông lo cho lũ rái cá, vậy ai lo cho lũ lưu manh chúng tôi!
Trần Trận biết nói lý lẽ với bọn lưu manh này cũng bằng thừa. Cậu chỉ muốn biết chúng bắt bằng cách nào mà được nhiều rái cá như thế, chẳng lẽ chúng cũng có thòng lọng đàn hồi? Liền đổi giọng, hỏi: Các vị bắt bằng cách nào mà được nhiều đến vậy?
Lão Vương đắc ý, nói: Định học tôi phỏng? Muộn mất rồi. Mỏm này sắp hết rồi. Hôm kia tôi đã cho chở lên Sư một xe tải thịt và mỡ rái cá. Muốn biết tôi bắt như thế nào hả? Lên núi mà xem, chậm nữa là không còn thấy gì nữa đâu.
Trần Trận đỡ ông già lên ngựa, phóng lên núi. Trên một mỏm ở góc đông bắc có bốn năm người đang lúi húi làm gì đó. Hai người vội cho ngựa phi tới. Ông già quát: Dừng tay! Dừng tay! Đám dân công dừng công việc đứng lên ngó. Hai người xuống ngựa, Trần Trận trông thấy trận thế bày trước mắt thì rủn cả người. Trên mỏm có năm sáu cái hang rái cá. Cậu thoạt nhìn đã biết, đây là những cái hang thông với nhau của một ổ rái cá lớn. Bốn cái hang khác đã bị bịt kín bằng đất. Điều khiến cho cậu kinh khủng nhất là một dân công cầm một con rái cá con dài chưa đến một thước, đuôi buộc một tràng pháo tép, cái đuôi còn buộc vào sợi thừng một đầu buộc miếng thảm len to bằng nắm tay tẩm rất nhiều ớt bột và dầu mazút, mùi hôi sặc sụa. Một dân công đứng bên tay cầm bao diêm, chậm chút nữa là họ châm lửa thả con rái cá vào trong hang cho nổ và hun khói từ trong ra.
Ông Pilich vội chạy tới dùng chân bịt một miệng hang, quát đám dân công bỏ tất cả các thứ trên tay xuống. Vài người trong bọn họ thấy ông già quản lý lão Vương suốt cả mùa hè thì không dám cưỡng, vội cởi dây thừng.
Trần Trận chưa bao giờ thấy cách đánh bắt tham lam tàn nhẫn độc địa như thế trên thảo nguyên, tàn nhẫn hơn cả tát cạn bắt lấy cá. Nếu như con rái cá chạy vào trong hang cùng với pháo tép, bột ớt và dầu mazút, thì gia đình rái cá này tai họa tày trời! Hang rái cá là loại hang sâu nhất, dốc nhất, kết cấu bên trong phức tạp nhất trên thảo nguyên, nó có công sự chống khói, một khi bị hun khói, nó đủn đất mau chóng lấp kín chỗ hang hẹp nhất. Nhưng đám dân công đến từ khu vực nông nghiệp này giở độc chiêu, lũ rái cá trở tay không kịp. Con sói được thả vào hang sợ quá chạy tuột xuống chỗ đàn rái cá tập kết, kéo theo pháo đã châm ngòi, sẽ nổ và hun khói từ trung tâm, tiếng nổ liên tục và bột ớt cùng khói cay xè đánh gục lũ rái cá, chỉ còn một con chạy thoát lên mặt đất, đón nó là cây mã bổng và bao tải. Chiêu này rất độc mà dễ thực thi, chỉ cần bẫy được một con làm “kẻ dẫn đường” là xong. Chỉ trong mấy hôm đã hủy hoại quả núi rái cá tồn tại hàng nghìn năm, họ hàng nhà rái cá gần như tuyệt diệt!
Ông già chọc cây mã bổng xuống đất khiến đất đá bay tứ tung, vừa chọc vừa quát: Bỏ tràng pháo ra! Cắt dây buộc ớt ra! Trả con rái cá về hang! Đám dân công chậm rãi cởi dây thừng, nhưng không thả con rái cá.
Lão Vương đánh cỗ xe nhẹ đã lên kịp. Lão hình như đã tỉnh rượu, cười nhăn nhở, liên tục mời thuốc ông già và không ngớt mắng đồng bọn. Lão bước tới giằng lấy con rái cá từ tay dân công, dùng dao cắt đứt đoạn dây rồi trở lại trước mặt ông già, nói: Ông đứng lên để tôi thả nó về ổ.
Ông già chậm rãi đứng lên phủi đất trên người, nói: Dù ông có thả con này, thì từ nay ông đừng hòng làm công việc xây dựng ở đại đội tôi.
Lão Vương cười nịnh: Tôi chẳng qua là làm theo lệnh trên, chứ mình tôi đâu dám. Không triệt rái cá thì không thể cắt đường rút lui của sói. Đây cũng là trừ hại cho dân. Có điều, cụ nói cũng có chỗ đúng, không có mỡ rái cá thì yên cương hỏng hết, vậy nên phải để lại cho mục dân một số…
Con rái cá nhỏ vừa đặt xuống bậc thềm, liền chui luôn vào hang.
Lão Vương thở dài, nói: Thực ra, bắt ổ rái cá cũng không dễ. Sáng nay mãi mới bẫy được một con “dẫn đường”. Những ngày này rái cá sợ pháo không chui lên mặt đất nữa.
Ông già kiên quyết: Chuyện chưa biết! Ông chở ngay những thứ này về đại đội bộ. Chuyện này mà Lanmutrăc và bọn mã quan biết, chúng sẽ đập nát xe và lều của ông.
Lão Vương nói: Chúng tôi thu dọn rồi đi luôn, còn phải báo cáo Chủ nhiệm Quý.
Ông già nhìn đồng hồ, lo cho mỏm phía bắc, bảo lão Vương: Tôi đi tìm người, lát nữa quay lại. Hai người lên ngựa chạy về phía đường biên phòng.
Vừa qua hai khúc rẽ, chợt nghe sau lưng có mấy tiếng pháo nổ, lát sau không nghe thấy gì nữa. Ông già nói: Hỏng rồi! Chúng mình bị lừa rồi. Hai người vội vã quay ngựa trở lại chỗ mỏm núi, thấy lão Vương che khăn ướt nửa mặt đang chỉ huy bọn dân công bắt rái cá. Bên miệng hang xác rái cá la liệt, mùi cay xộc mũi vẫn liên tục từ trong hang bay ra. Mấy con cuối cùng ló đầu lên liền bị đập chết tươi. Ông già Pilich bị sặc khói ho rũ rượi, Trần Trận phải dìu ông ra chỗ đầu gió đấm lưng liên tục.
Đám người bịt khăn ướt như bọn cướp đường, nhét tất cả rái cá vào bao tải quẳng lên xe, vội vàng kéo xuống núi.
Trần Trận nói: Con không hiểu họ lấy đâu ra con rái ca nhanh thế?
Ông già nói: Chắc chắn họ bẫy được hai con, giấu trong tải một con mà ta không nhìn thấy. Cũng có thể họ dùng sào dài đưa pháo xuống sâu trong hang, tác dụng cũng như dùng rái cá dẫn đường. Quân thổ phỉ! Còn đáng ghét hơn bọn trộm ngựa ngày trước. Ông già chống cây mã bổng đứng dậy nhìn cái hang rái cá lâu đời, giọng run rẩy: Ác quá! Tôi biết cái hang này, họ hàng nhà tôi đời nọ tiếp đời kia năm nào cũng bắt rái cá ở hang này nhưng chưa bao giờ để chúng tuyệt tự, năm nào cũng có rái cá lớn nhỏ vui vẻ nô đùa, năm nào cũng no đủ. Không ngờ chưa hút tàn điếu thuốc, cái hang tuổi thọ hàng trăm năm trở thành cái hang rỗng.
Trần Trận buồn rầu, nói: Bố đừng giận, ta phải tính kế mới được.
Ông già nói: Sao không thấy Đanchi? Tôi nghĩ cậu ta dẫn người lên ngọn đồi phía bắc rồi… Họ có xe, chạy nhanh, thường là đến trước mình. Mau lên! Hai con ngựa phóng nhanh về hướng bắc, qua mấy con dốc thoai thoải đã trông thấy dãy núi lớn Ngoại Mông - đường biên giới.
Ông già trỏ một quả đồi xanh phía xa nói: Xưa kia có thể bắt rái cá ở đó, nhưng nay thì không vì tình hình căng thẳng. Giờ muỗi ít, chắc chắn sói bắt rái cá ở đó. Sói đã nghĩ thế thì bọ Đanchi sao lại không nghĩ như sói?
Trần Trận hỏi: Biên phòng để họ tự do à?
Ông già nói: Đằng ấy núi nhiều, biên phòng không dễ phát hiện, mà nếu bắt gặp thì thấy cùng là xe quân đội, chỉ dăm câu là êm chuyện.
Chạy hồi lâu, hai con ngựa tự động giảm tốc độ, thi thoảng lại cúi xuống bứt vài cọng cỏ. Trần Trận thấy cỏ ngựa đang ăn xanh tươi hơn nhiều so với cỏ chăn nuôi trên đồng, hơn nữa thân có rất mập, bông trĩu quả, loại chất lượng cao. Cúi nhìn kỹ hơn, Trần Trận còn thấy trên mặt đất có rất nhiều đống cỏ non to bằng tổ chim khách, rõ ràng đây là lương thực mùa đông của chuột thảo nguyên phơi bên miệng hang, khô rồi thì kéo từng cọng vào trong. Lúc này cỏ thảo nguyên đã vàng nửa thân, nhưng cỏ của lũ chuột thì chúng cắn từ ba bốn hôm trước, còn xanh hoàn toàn. Ngửi thầy mùi cỏ thơm, hai con ngựa không chịu chạy nhanh là phải.
Ông già gò cương trước những đống cỏ dày đặc, nói: Nghỉ lát đã, cho ngựa giành lại ít cỏ từ ổ chuột. Không ngờ sói vừa đi khỏi, chuột đã quậy động trời, những đống cỏ năm nay nhiều gấp mấy lần năm đầu tiên.
Hai người xuống ngựa, tháo hàm thiết cho ngựa ăn một bữa thoải mái. Hai con ngựa dùng mõm gạt cỏ khô trên mặt để ăn cỏ xanh ở dưới, ăn hết đống này đến đống khác, mõm ngựa xanh lét vì nhựa cỏ. Hai con ngựa hắt hơi liên tục. Ông già gạt đống cỏ ra xem: Hang chuột to bằng miệng bát uống trà, con chuột ló đâu nhìn quanh thấy người xâm phạm đống cỏ liền chạy ra đớp luôn mũi ủng ông già một cái rồi chạy vào hang, kêu chi chi loạn xạ. Lát sau thấy có tiếng rũ yên phành phạch, ngoảnh nhìn thấy mũi ngựa bị chuột cắn tóe máu, xung quanh toàn là tiếng chuột kêu.
Ông giá tức quá, chửi: Loạn rồi! Chuột mà dám cắn ngựa! Sói tiếp tục bị diệt, chuột sẽ ăn thịt người. Trần Trận vội chạy tới giữ ngựa lại, quấn dây cương vào chân trước, con ngựa cúi xuống liền biết dùng vó cào đất lấp miệng hang hoặc chận luôn miệng hang rồi mới ăn cỏ.
Ông già đá tung hết đống cỏ này đến đống cỏ khác, nói: Bảy tám bước là một đống, lũ chuột cướp hết cỏ xanh, ngay cả trạm ngựa giống Tân Cương cũng chưa có cỏ này để ăn. Lũ chuột lợi hại hơn máy cắt cỏ, máy cắt cỏ xấu tốt cắt tất, còn chuột chỉ chọn cỏ ngon. Mùa đông này trữ được nhiều cỏ, lũ chuột chết đói chết rét ít, sang xuân chuột mẹ nhiều sữa, nhiều con, cắn trộm nhiều cỏ đem vào, đủn nhiều cát ra bên ngoài. Sang năm chuột sẽ phá dữ! Cậu xem, vắng sói là chuột không còn lén lút mà hung hăng như lũ giặt.
Trần Trận trông thấy đây đó toàn hang chuột, trong lòng vừa buồn vừa sợ. Hàng năm ở thảo nguyên Ơlôn đều triển khai cuộc chiến giữa người và gia súc với chuột. Chuột thảo nguyên dù ranh ma đến mấy cũng có chỗ yếu chí mạng, muốn đào hầm sâu tích trữ thật nhiều lương thực thì phải phơi cỏ, vì cỏ tươi chóng thối không để lâu được. Hành động phơi cỏ lén lút trong mùa thu của chuột chẳng khác lạy ông tôi ở bụi này, hang ổ lộ hết, tạo cơ hội cho người diệt chủng. Mục dân thấy có nhiều đống cỏ liền cảnh báo, tổ sản xuất lập tức điều động tất cả bò cừu, thậm chí cả ngựa đến ăn. Lúc này đồng cỏ đã vàng, nhưng những đống cỏ thì xanh và thơm, gia súc tranh nhau ăn, chỉ vài hôm là ăn sạch số cỏ dự trữ của chuột, không còn gì ăn trong mùa đông, chuột sẽ chết đói chết rét. Đây là biện pháp cổ lỗ nhưng hữu hiệu nhất của mục dân Mông Cổ đối phó với chuột trên thảo nguyên.
Nhưng muốn diệt chuột trong mùa thu, người và gia súc còn phải hiệp đồng tác chiến với sói… Sói phụ trách ăn thịt và khống chế chuột thảo nguyên. Mùa thu hàng năm vào lúc chuột béo nhất, là lúc sói ăn thịt chuột nhiều nhất. Chuột bị vướng nên dễ bị sói vồ, đống cỏ chỉ cho sói biết chỗ nào lắm chuột. Do vậy mùa thu nào chuột cũng bị tổn thất nghiêm trọng, quan trọng hơn, sói khiến chuột không được ăn đủ dự trữ đủ, sẽ chết đói trong mùa đông. Trong khi sói khống chế hoạt động của chuột, người và gia súc phụ trách công việc tiêu diệt những đống cỏ. Hàng ngàn năm nay, người và gia súc phối hợp hài hòa, khắc phục có hiệu quả nạn chuột. Những đồng cỏ mùa đông vì quá xa, nên hoàn toàn phó thác cho sói. Những kẻ đến từ khu vực nông nghiệp làm sao hiểu nổi cuộc chiến kỳ ảo liên can tới số phận đồng cỏ.
Hai con ngựa chỉ ăn trong nửa tiếng đã no căng bụng. Rõ ràng là đại đội không đủ binh lực để triển khai trên một quy mô lớn như thế. Đứng trước cuộc chiến chưa từng chứng kiến, ông già suy nghĩ rất lâu, điều đàn ngựa đến chăng? Không ổn, đây là đồng cỏ của cừu bò, không thích hợp với ngựa, điều ngựa đến sẽ lung tung hết. Nhiều đống cỏ thế này thì chỉ máy gom cỏ mới chưa chắc đã gom hết. Tình hình này chắc chắn nạn chuột sẽ xảy ra.
Trần Trận khẳng định: Đây là tai họa do người gây ra!
Hai người lên ngựa, tiếp tục tiến lên, lòng nặng trĩu. Dọc đường những đống cỏ lúc thưa lúc mau trải dài theo đường biên phòng.
Hai người còn cách mỏm rái cá không xa, đột nhiên trong núi vọng lại tiếng động không ra tiếng súng trường, cũng không phải tiếng pháo nổ, rộ lên một cái rồi tắt ngấm. Ông già tỏ vẻ bất lực, thở dài: Đoàn bộ chọn Đanchi làm tham mưu diệt sói là chọn đúng người đúng việc. Chỗ nào có sói chỗ ấy có nó. Địa bàn cuối cùng của sói nó cũng không bỏ qua.
Hai người thúc ngựa chạy. Một xe com măng ca từ khe núi phóng ra. Hai người ghìm cương, chiếc com măng ca dừng lại trước mặt, trên xe là hai xạ thủ ngoại hạng và Đanchi. Tham mưu Từ cầm lái, Đanchi ngồi ghế sau, dưới chân là một bao tải lớn thấm máu, cốp sau xe không đóng được nắp. Ông già mắt đóng đinh vào khẩu súng nòng dài trong tay tham mưu Bathơ, Trần Trận thoạt nhìn đã nhận ra đó là khẩu súng thể thao nòng nhỏ. Ông già chưa thấy loại súng này bao giờ nên nhìn mãi.
Hai vị tham mưu chào ông già: Tan sai nô! Tan sai nô! (Chào ông, chào ông!) Tham mưu Bathơ hỏi: Các vị cũng đi săn rái cá phải không? Đừng đi nữa, tôi xin biếu hai con.
Ông già trợn mắt hỏi: Sao không đi?
Tham mưu Bathơ nói: Những con ngoài hang chúng tôi bắn hết cả rồi, những con trong hang thì không dám ra nữa.
Ông giả hỏi: Súng gì trong tay ông vậy? Nòng súng dài thế?
Tham mưu Bathơ nói: Đây là súng bắn chim, chuyên bắn vịt trời, đạn lớn bằng đầu đũa, bắn rái cá rất tốt, lỗ đạn nhỏ không hỏng da. Ông xem này…
Ông già đón khẩu súng ngắm nghía hồi lâu, con xem cả đạn.
Tham mưu Bathơ muốn giới thiệu khẩu súng với ông già nên xuống xe, cầm lấy súng ngó quanh, thấy một con rái cá lớn đứng bên đống cỏ trên đỉnh dốc cách 20 mét liền ngắm qua quýt rồi lẩy cò, con rái cá bị bắn bể đầu, ngã xuống bên ngoài miệng hang. Ông già rùng mình.
Tham mưu Từ cười, nói: Toàn bộ sói đã chạy ra Ngoại Mông. Hôm nay Đanchi dẫn bọn tôi lượn mấy vòng không thấy con sói nào. May mà đem theo khẩu súng bắn chim, bắn được vô khối rái cá. Rái cá ở đây rất ngố, người cách 10 mét vẫn không chịu thụt xuống, đợi ăn đạn.
Đanchi tán dương: Hai vị pháo thủ bắn trúng mục tiêu ngoài 50 mét. Trên đường đi trông thấy con nào hạ con ấy, nhanh hơn đánh thòng nhiều.
Tham mưu Bathơ nói: Lát nữa qua đằng nhà, chúng tôi gửi lại hai con biếu cụ. Cụ về đi!
Ông già vẫn chưa định thần từ khi nhìn thấy uy lực của loại vũ khí mới. Chiếc xe đã chạy đi, nhanh như biến. Ông già tâm thần mê mẩn tưởng như vẫn trong đồng cỏ mùa thu mà ông đã quen thuộc, có lẽ ông vẫn đang nghĩ đến khẩu súng nòng dài trong tay Tham mưu Từ. Chỉ một tháng ngắn ngủi mà bấy nhiêu con người, bấy nhiêu loại vũ khí mới, bấy nhiêu thủ đoạn mới đáng sợ tuồn vào thảo nguyên! Ông hoàn toàn suy sụp. Chiếc com măng ca đã đi, ông quay lại không nói nửa câu, đóng qua quýt hàm thiếc rồi để cho con ngựa tự đi về nhà. Trần Trận chậm rãi đi bên cạnh. Cậu nghĩ, người ta bảo ông vua cuối cùng của triều đại rất đau khổ, nhưng lớp dân du mục cuối cùng còn đau khổ hơn. Sự tan rã của vạn năm thảo nguyên nguyên thủy khó chấp nhận hơn sự đổ vỡ của nghìn năm hoàng triều. Ông như bị viên đạn bằng đầu đũa khoan thủng mạch máu, cơ thể teo lại đến một nửa, hai hàng nước mắt ngầu đục theo nếp nhăn chảy sang hai bên, rớt xuống những bông cúc dại màu trắng xanh.
Trần Trận không biết làm gì để giúp đỡ ông già rũ bỏ nỗi đau. Im lặng hồi lâu, cậu lắp bắp: Bố, cỏ năm nay tốt quá, thảo nguyên Ơlôn đẹp quá… có lẽ sang năm…
Ông già như kẻ vô hồn, hỏi lại: Sang năm? Sang năm còn có những chuyện quái quỷ gì nữa? Xưa kia, ngay cả người mù cũng thấy thảo nguyên đẹp… Giờ thì thảo nguyên không đẹp nữa, mắt tôi mù đi thì hơn, sẽ không phải nhìn thấy thảo nguyên bị giày xéo…
Ông già ngật ngưỡng trên yên, mặc cho con ngựa bước đi những bước nặng nề. Ông nhắm mắt, cổ họng phát ra những tiếng ca không rõ lời, nhưng Trần Trận vẫn nghe ra đó là một bài đồng dao:
Bách linh hót, là mùa xuân đến.
Rái cá kêu, là hoa lan nở.
Hạc xám kêu, là trời sắp mưa.
Sói con tru, là trăng sắp lên.
Ông già hát đi hát lại bài đồng dao, càng hát giọng càng trầm lắng, lời ca càng mơ hồ, giống như một dòng sông nhỏ từ đâu chảy tới chảy quanh quẩn trên thảo nguyên rồi mất hút trong một trảng cỏ. Trần Trận nghĩ, có thể con cháu các tộc Khuyển Nhung, Hung Nô, Tiên Ty, Đột Quyết, Khiết Đan, và cả con cháu Thành Cát Tư Hãn Mông Cổ, đều hát bài đồng dao này? Nhưng từ nay về sau, đám trẻ trên thảo nguyên còn hiểu được ý nghĩa của lời ca? Có lẽ khi đó chúng sẽ hỏi: Bách linh là con gì? Rái cá là con gì? Hạc xám là con gì? Sói hoang là con gì? Đại nhạn là con gì? Hoa lan là hoa gì? Hoa cúc là hoa gì?
Từ đám cỏ vàng úa, vài con bách linh vỗ cánh bay thẳng lên trời xanh rồi dừng lại giữ không trung, cất tiếng hót lảnh lót...