Tôtem Sói

Chương 3

 Y Tôn, vương hiệu Cônmo. Cha Cônmo, trị vì một nước ở phía tây Hung Nô. Hung Nô giết cha Cônmo khi Cônmo mới sinh vứt ngoài đồng, được sói cho bú sữa. Thuyền Vu lấy làm lạ, cho là thần, bèn đem về nuôi, lớn lên cho cầm quân, lập nhiều chiến công...

Tư Mã Thiên, Đại Uyển liệt truyện.

Sớm hôm sau quả nhiên lặng gió, tuyết cũng ngừng rơi. Khói bếp trên nóc lều thẳng tắp như cây bạch hoa chĩa thẳng lên trời. Bò, cừu còn đang nhai lại. Ánh nắng xua tan khí lạnh ban đêm, lớp sương đọng trên mình chúng biến thành hơi nước rồi nhanh chóng thành lớp băng mỏng.

Trần Trận nhờ anh hàng xóm Quanbu chăn cừu hộ một hôm. Quanbu thành phần mục chủ, đang bị quản chế, đã bị tước quyền chăn dắt, nhưng bốn thanh niên trí thức khi cần vẫn nhờ chăn hộ gia súc, Caxumai tính đầy đủ công điểm cho anh ta. Trần Trận và một thanh niên chăn cừu tên Dương Khắc, lên cỗ xe bò trục sắt gọn nhẹn, đến nhà ông già Pilich.

Dương Khắc ở chung lều với Trần Trận là con trai một giáo sư nổi tiếng của một trường đại học nổi tiếng Bắc Kinh. Tủ sách nhà cậu ta tương đương một thư viện nhỏ. Hồi học cao trung (cấp 3), Trần Trận và Dương Khắc thường trao đổi sách, giao lưu cảm tưởng, thường là ý hợp tâm đầu. Hồi còn ở Bắc Kinh, Dương Khắc tính khí điềm đạm, gặp người lạ còn đỏ mặt. Chẳng ngờ lên thảo nguyên Mông Cổ mới hai năm ăn thịt cừu, uống sữa bò, ăn đậu phụ, bốn mùa đội tia tử ngoại trong cái nắng trên thảo nguyên, cậu đã trở thành một thanh niên cường tráng, mặt và chây tay đỏ au như dân du mục, tính cách cũng không còn vẻ thư sinh. Lúc này, Dương Khắc còn hăng hơn Trần Trận. Cậu ngồi trên xe dùng gậy gỗ gõ sống lưng con bò, miệng nói: Đêm qua mình ngủ không ngon giấc. Từ nay bố Pilich có đi săn thì cậu nhớ gọi mình đi với, dù nằm phục hai ngày hai đêm mình cũng chịu được. Mình chưa từng nghe sói làm điều tốt đến như thế cho người. Hôm nay phải chính tay tớ đào lên một con dê vàng thì tớ mới tin... Có thật là chúng mình được lấy đầy một xe không?

Sao lại không thật? Trần Trận cười: Bố Pilich đã nói, dù khó bới đến mấy cũng bảo đảm chúng mình lấy đầy xe để đổi lấy các thứ cần dùng, sắm một ít thảm dày...

Dương Khắc thích quá, giơ gậy vụt lia lịa. Trần Trận nói: Xem ra hai năm nay cậu mê sói không uổng công. Từ rày tới phải học bính thư của sói, biết đâu sau này chẳng có lúc dùng. Hình như điều cậu nói là một quy luật, dân tộc nào sống cuộc sống du mục nguyên thủy trên thảo nguyên, cuối cùng cũng sùng bái sói, tôn sói làm thầy như các dân tộc Hung Nô, U Xôn, Đột Quyết, Mông Cổ vẫn làm. Sách chép như thế. Nhưng tộc Hán thì ngoại lệ. Tớ dám khẳng định là người Hán chúng ta có ở đến vài thế kỷ trên thảo nguyên cũng không sùng bái tôtem sói.

Chưa chắc - Trần Trận nói - Như tới chẳng hạn, tớ đã bị sói thuyết phục. Vậy mà tớ mới ở có hơn hai năm.

Dương Khắc hỏi vặn: Nhưng mà Trung Quốc đại đa số là nông dân, hoặc xuất thân nông dân, ý thức tiểu nông của người Hán chai lì như thép không gỉ. Họ đến thảo nguyên mà không bắt hết sói để lột da thì chớ kể. Tộc Hán ở Trung Quốc là tộc nông canh, ăn rau cỏ, sợ sói từ trong máu, làm sao có chuyện sùng bái sói? Người Hán ở Trung Quốc sùng bái Rồng chủ quản công nghiệp. Trông thấy tôtem Rồng chỉ dập đầu lạy, bảo gì nghe nấy. Đâu dám như người Mông Cổ học tập sói, bảo vệ sói, sùng bái sói nhưng vẫn giết sói. Tôtem của họ trực tiếp tác động đến tinh thần, tính cách của họ. Có sự khác biệt rất lớn giữa dân tộc nông canh và dân tộc du mục. Khi xưa tính cách nông canh tệ hại ẩn trong cái biển mênh mông của tính cách Hán nên chưa thấy, nhưng lên thảo nguyên lập tức bị bóc trần. Cậu chỉ thấy bố tớ là một giáo sư nổi tiếng, chứ cậu chưa biết ông nội tớ, bà ngoại tớ đều là nông dân...

Trần Trận tiếp lời: Đặc biệt là thời kỳ cổ đại, dân tộc Mông Cổ chỉ bằng 1% dân số người Hán mà ảnh hưởng đối với thế giới vượt xa người Hán. Đến bây giờ, phương tây vẫn coi Trung Quốc thuộc giống Mông Cổ, bản thân người Hán cũng tiếp nhận cách gọi đó. Vậy mà khi Tần Hán thống nhất Trung Quốc, tổ tiên người Mông Cổ còn chưa có tên, thế mới sầu đời!

Người Trung Quốc thích xây trường thành tự nhốt mình lại mà huênh hoang khoe mẽ là trung tâm thế giới, là đế quốc trung tâm. Nhưng trong con mắt người phương tây cổ đại, Trung Quốc chẳng qua là "nước tơ lụa", "nước gốm sứ", "nước trà", thậm chí nước Nga còn gjoi cáci nước Khiết Đan bé tí là Trung Quốc, đến nay vẫn không sửa, vẫn gọi Trung Quốc là "Kitai"!

Xem ra, sói rất đáng hâm mộ. Dương Khắc nói, tớ cũng bị lây cậu rồi, thành thử mở sách sử ra là tới cứ dò theo hướng Tây Nhung, Đông Di, Bắc Địch, Nam Man. Tớ ngày càng muốn giao lưu với sói, học hỏi cái hay của sói.

Trần Trận nói: Xem kìa, cậu sắp biến thành người Mông Cổ rồi. Tiếp ít máu sói vào, giống lai mới ưu việt!

Dương Khắc nói: Tớ phải cảm ơn cậu về chuyện rủ tớ về thảo nguyên. Cậu có biết, tớ bị câu gì của cậu điểm trúng huyệt không? Quên rồi hả? Đó là câu: Thảo nguyên tha hồ tự do.

Trần Trận thả lỏng dây cương, nói: Tớ nói như thế bao giờ? Cậu lại xuyên tạc rồi.

Hai người cười thoải mái, cỗ xe tiếp tục lăn, để lại hai vệt bánh xe trên tuyết.

0O0

Người, chó và xe cộ nhộn nhịp, như lễ hộ của người Chiphuchai trên thảo nguyên.

Người và xe của các tổ viên tổ sản xuất Caxumai, của bốn Haotho (một cặp gồm hai lều Mông Cổ là một "Haotho"), và của tám lều Mông Cổ đều được huy động. Tám chín cổ xe lớn chở thảm dày, dây thừng, xẻng gỗ, củi và câu liêm. Mọi người đều mặc áo da cũ, bẩn và đen mốc, khuy đồng màu vàng xỉn. Nhưng người và chó thì rất vui, như bộ lạc Mông Cổ thời xưa đi theo các chiến binh thu dọn chiến lợi phẩm, dọc đường vừa uống rượu vừa ca hát, bình rượu hình mật lợn bên ngoài bọc nỉ được chuyển từ đầu hàng đến cuối hàng, từ tay phụ nữ chuyển sang tay đàn ông. Đã hát là hát dân ca, tán ca, tình ca Mông Cổ, đã hát là ào ạt tuôn ra như vỡ đập nước. Bốn năm con chó Mông Cổ lông dày được tham dự cuộc hành trình hi hữu, sướng như điên, nô dỡn lăn lộn trên tuyết trắng.

Trần Trận cùng hai mã quan (người chăn ngựa) Batu, Lanmutrac, và năm sáu tay chăn bò, chăn cừu, xúm quanh ông già Pilich như dân thiểu số xúm quanh tù trưởng. Lanmutrac mặt vuông mũi thẳng mắt to - đặc điểm người Đột Quyết, nói: Cháu có bắn giỏi đến mấy cũng không kiếm được bằng ông. Ông không tốn một viên đạn mà cả tổ sống sung túc. Ông đã có đồ đệ người Hán, nhưng xin đừng quên học trò cũ người Mông này, ông nhá. Làm sao cháu không nghĩ ra hôm qua đàn sói có thể vây bắt bọn dê vàng kia chứ?

Ông già liếc xéo anh ta, nói: Từ rày cậu đi săn về hãy nhớ đến người già và mấy cậu thanh niên trí thức trong tổ, đừng để họ ngửi suông, không cho họ được miếng thịt nào. Trần Trận đến nhà, cậu mới cho cậu ta một đùi dê, người Mông Cổ đãi khách như thế đấy hả? Hồi trẻ chúng tôi biếu người già và khách khứa hẳn một con dê vàng đầu tiên của mùa săn. Các bạn trẻ đã quên hết nếp sống của người Mông rồi! Tôi hỏi cậu, thiếu mấy con nữa thì cậu bằng Buho, dũng sĩ săn sói của công xã Bayincaoti? Cậu định lên báo lên đài lĩnh thưởng chăng? Cậu bắn hết sói thì sau khi chết cậu về đâu? Chẳng lẽ cậu làm như người Hán, khi chết bứng cỏ đào huyệt chôn dưới đất cho giòi bọ ăn? Linh hồn cậu không lên trời được rồi - Ông già thở dài - Hôm tôi họp trên Kỳ (huyện), người già của mấy công xã mạn Nam đều rất buồn. Họ bảo, đã nửa năm nay chưa trông thấy sói. Họ định chuyển về Ơlon ở.

Lanmutrac hất vành mũ phía sau gáy, nói: Batu là con trai ông, ông không tin cháu thì thôi, nhưng ông có tin Batu không? Ông hỏi cậu ấy xem cháu có định trở thành dũng sĩ không? Hôm ông nhà báo phỏng vấn cháu ở chỗ đàn ngựa, Batu cũng có mặt ở đấy. Cháu giấu bớt một nửa số sói không kể, ông hỏi Batu xem có đúng không.

Ông già quay lại hỏi Batu: Có chuyện ấy hả?

Batu nói: Đúng thế ạ. Nhưng mà người ta không tin. Họ lấy số liệu từ Hợp Cung tiêu, biết Lanmatrac bán bao nhiêu bộ da sói. Bố cũng biết, mỗi bộ da sau khi phân loại định giá trả tiền, trạm thu mua còn thưởng 20 viên đạn. Người ta tra sổ là biết. Nhà báo đưa tin trên đài phát thanh, nói Lanmutrac đã đuổi kịp Buho. Lanmutrac hoảng quá, phải nhờ người khác bán hộ.

Ông già nhíu mày: Các cậu bắn dữ quá, hai cậu bắn nhiều nhất mục trường đấy!

Batu phân trần: Bãi chăn của chúng cháu liền kề Ngoại Mông, phải coi là nơi nhiều sói nhất, không bắn thì chúng sang càng nhiều, đến nỗi ngựa choai chẳng còn được mấy con.

Ông già lại hỏi: Đi cả hai, chỉ còn mỗi Trương Kế Nguyên ở lại trông nom đàn ngựa?

Batu nói: Đêm mới nhiều sói. Chúng con sẽ gác đêm. Cậu ấy chưa quen bắt dê bằng chúng con.

Mặt trời mùa đông trên cao nguyên không lên cao, trái lại, đi ngang đường chân trời. Trời xanh chuyển sang trắng, cỏ vàng cũng chuyển màu trắng. Tuyết tan lớp trên mặt, long lanh như kính phản quang. Dưới nắng gắt, người, chó và xe cộ biến thành ảo ảnh. Mấy người chăn ngựa bị bệnh mù dở do tuyết, vội nhắm tịt mắt nhưng nước mắt vẫn ứa ra. Cánh đàn ông vội đeo kính râm. Phụ nữ và trẻ em lấy ống tay áo che mặt. Vậy mà những con chó gộc mắt vẫn mở trừng trừng, quan sát đà thỏ nhảy nhót phía xa, hoặc cúi xuống đánh hơi hàng dãy dấu chân cáo còn mới trên tuyết.

Đến gần bãi vây, đàn chó nhanh chóng phát hiện ra mùi lạ liền xông tới, sủa ẳng ẳng. Một vài con chó bụng còn đói, tranh nhau ăn chỗ thịt thừa đàn sói bỏ lại. Con Balua và mấy con chó săn của tổ lông gáy dựng đứng, sục sạo dấu vết của đàn sói trên tuyết, mắt đảo tròng, thận trọng dò tìm số lượng và thực lực đàn sói và con sói chúa. Ông già nói: Balua biết hầu hết những con sói vùng Ơlon. Quá nửa số sói cũng biết Balua. Lông gáy Balua dựng đứng, chứng tỏ đàn sói này đáng gờm.

Mọi người cưỡi ngựa tiến vào bãi vây theo hàng dọc, cúi xuống quan sát kỹ mặt đất. Trên dốc, con dê chỉ còn lại cái sọ và những khúc xương dóng. Ông già Pilich chỉ vào những dấu chân sói trên tuyết, nói: Đêm qua có mấy đàn sói khác về đây. Ông còn chỉ những sợi lông màu xám rụng trên tuyết, nói tiếp: Chúng cắn nhau. Có thể là đàn sói bên kia biên giới lần theo dấu vết đàn dê đến đây. Bên ấy thiếu cái ăn, sói rất dữ.

Rồi thì tốp ngựa lên dốc. Như tìm ra kho báu, mọi người hò reo ầm ĩ, khua mũ báo cho đoàn xe phía sau. Caxumai là người đầu tiên xuống xe, dắt bò chạy gằn. Đám phụ nữ làm theo Caxumai, nhất loạt xuống xe, thúc bò chạy. Bò khoẻ xe nhẹ, đoàn xe chạy nhanh.

Lanmutrac nhìn xuống chân núi, con ngươi như muốn bật ra: Eo ơi, dồn được bấy nhiêu dê xuống trũng, lũ sói quả không vừa. Năm xưa, hơn hai chục thợ săn giục ngựa chạy đứt hơi mà chỉ dồn được hơn ba chục con.

Ông già Pilich dừng ngựa, dùng ống nhòm quan sát dưới trũng và các mỏm núi xung quanh. Mọi người gò cương nhìn bốn phía, đợi lệnh.

Trần Trận cũng nâng ông nhòm lên. Dưới trũng là mồ chôn rất nhiều dê, có thể đây cũng là nơi chôn vùi biết bao dũng sĩ thời cổ đại. Giữa lòng trũng, mặt đất bằng phẳng, như một cái hồ tuyết lớn trên núi cao. Bên mép hồ, mấy chục bộ xương dê vàng vung vãi trên đầu dốc. Hãi nhất là giữa lòng hồ có đến mấy chục chấm vàng đang cựa quậy. Trần Trận nhận ra đó là những con dê rớt xuống chỗ nông, chưa bị chìm nghỉm trong tuyết. Mặt hồ những chỗ gần có mấy chục hố tuyết to nhỏ, càng gần bờ càng nhiều. Đó là dấu vết lưu lại của lũ dê xấu số. Khác với hồ nước, tất cả những vật thể rớt xuống lòng hồ tuyết đều để lại dấu vết trên mặt.

Ông già Pilich bảo Batu: Các cậu ở lại xúc tuyết mở đường cho xe áp sát mép hồ. Nói rồi, ông, Trần Trận và Lanmutrac đi rất chậm vào trong hồ. Ông bảo Trần Trận: Phải nhìn cho rõ rồi đặt chân lên dấu chân dê hoặc dấu chân sói, tuyệt đối không được dẫn lên chỗ không, có cỏ ló lên.

Ba người thận trọng cho ngựa xuống dốc, tuyết ngày càng dày, cỏ ngày càng ít. Đi thêm khoảng chục bước. Mặt tuyết dày đặc những lỗ nhỏ bằng đầu đũa. Những ngọn cỏ màu vàng cứng đơ từ những lỗ nhỏ ló lên, gió lay mà thành cái lỗ. Ông già nói: Những cái lỗ đó là do trời tạo nên để ban cho sói, nếu không thì tuyết sâu như thế, sói làm sao ngửi thấy mùi gia súc bị vùi sâu phía dưới. Trần Trận mỉm cười tán thưởng.

Lỗ nhỏ và ngọn cỏ là dấu hiệu an toàn. Đi thêm hơn chục bước nữa, mặt tuyết phẳng lì, không còn lỗ và cỏ nhô lên nữa, nhưng dấu chân dê vàng và sói thì vẫn rất rõ. Những con ngựa Mông Cổ khoẻ mạnh dùng vó đập vỡ tuyết cứng, rồi chân lún sâu trong tuyết, từng bước lần ra giữa hồ, nơi có những xác dê vàng. Cuối cùng, ngựa không bước nổi nữa. Ba người xuống ngựa, lập tức lún sâu trong tuyết. Họ ra sức dò dẫm tìm một chỗ đứng chân. Ngay bên cạnh Trần Trận là một con dê bị ăn dở, thịt xương vung vãi trong tuyết, có cả cỏ văng ra từ bao tử. Khoảng ba bốn chục con dê trưởng thành bị sói bắt đi hoặc ăn thịt, còn đàn sói cùng dừng lại ở đây.

Nhìn ra, Trần Trận chưa bao giờ trông thấy một cảnh kỳ lạ và bi thảm đến thế: Cách khoảng trăm mét, bảy tám con dê vàng cả lớn lẫn bé đứng run lẩy bẩy trên dốc và giữa hồ tuyết. Xung quanh chúng là những hố tuyết, phía dưới là mồ chôn những con dê. Những con còn sống sợ đến nỗi không dám nhúc nhích vì mảng tuyết dưới chân chúng có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Có mấy con bụng mắc lại trên tuyết cứng, còn bốn chân thì chơi vơi phía dưới. Những con mắc kẹt trên mặt tuyết tuy còn sống nhưng không cựa quậy được. Những sinh linh tự do chạy như gió trên đồng cỏ, giờ đây vừa đói vừa rét, không nhích nổi nửa bước, bị thần chết gày vò tàn nhẫn. Kinh khủng nhất là mấy cái đầu vẫn ló trên mặt tuyết, còn từ cổ trở xuống thì đã vùi rất sâu. Trần Trận nhìn qua ống nhòm, vẫn thấy chúng đang há miệng kêu nhưng không có tiếng. Có thể những con dê đó đã chết cóng, thân thể bất động như những pho tượng.

Tuyết trên dốc và trong hồ ánh lên những tia trắng tuyệt đẹp nhưng nham hiểm. Đó cũng là ám khí và vũ khí lạnh đầy uy lực, sức sát thương lớn mà trời ban cho sói và người thảo nguyên để bảo vệ đồng cỏ. Váng tuyết mùa đông trên thảo nguyên Ơlon, là kiệt tác của bạch mao phong và ánh nắng. Từng đợt bạch mao phong thổi bay lớp tuyết xốp, để lại tuyết hòn như những viên bi dày đặc. Tuyết hòn rơi xuống phủ một lớp rắn trên mặt tuyết. Những buổi sáng hoặc giữa trưa nắng gắt và lặng gió, lớp tuyết mặt tan thành nước, quá trưa có gió lạnh, chúng đóng lại thành băng. Sau vài trận bạch mao phong thì hình thành lớp váng tuyết dày ba đốt ngón tay, trong váng tuyết có băng, trong băng có tuyết, chúng cứng hơn tuyết, phẳng lì trơn tuột, dày mỏng không đều, chỗ rắn nhất người khoẻ mạnh dẫm không vỡ, còn hầu hết là đỡ không nổi sức nặng của bầy dê.

Chỗ gần nhất lại càng kinh hoàng: Những con dê vàng mà sói có thể với tới đều bị lôi lên khỏi hố, kéo đi, vết tích còn lại là mặt tuyết hằn sâu từng rãnh. Cuối các rãnh là bàn tiệc dã ngoại của lũ sát sinh. Chúng cực kỳ lãng phí, chỉ ăn tim gan và thịt bắp. Hiển nhiên là lũ sói thấy động, vừa mới bỏ đi, tuyết hòn vướng chân sói vẫn đang lăn, đám tuyết dưới bãi phân sói chưa kịp đóng băng.

Sói Mông Cổ là bậc thầy về nghệ thuật đánh cơ động trên tuyết. Chúng biết lui biết tới trong cuộc chiến. Với những con dê càng sâu bên trong thì dù ló đầu lên hay chìm nghỉm trong tuyết, chúng cũngk hông màng, ngay cả thă dò cũng không. Chúng chỉ lấy đủ ăn. Số dê còn lại như để trong tủ lạnh, mùa xuân sang năm sẽ là món ăn khoái khẩu, khi tuyết tan. Một vùng hồ mênh mông trở thành kho đông lạnh của lũ sói. Ông già Pilich nói: Ở Ơlon, chỗ nào cũng có hầm lạnh của sói, hồ tuyết chẳng qua là cái kho lớn nhất mà thôi. Lũ sói thi thoảng lại bổ sung một ít thịt vào những cái kho này, đề phòng sang xuân thiếu ăn. Đàn dê vàng béo mẫn này là thực phẩm cứu sinh của đàn sói gầy khi sang xuân. Chúng nhiều mỡ hơn những con dê sống đến mùa xuân. Ông già chỉ cái hầm lạnh, cười: Sói thảo nguyên rất giỏi thu xếp cuộc sống. Đầu đông hàng năm, mục dân giết thịt những gia súc béo rồi đem đông lạnh để dự trữ. Cách này cũng học từ sói.

Balua và lũ chó gộc đánh hơi thấy mùi dê sống, máu săn nổi lên. Chúng sủa ầm ĩ, lội ào ra, nhưng đến chỗ sói dừng thì chúng cũng dừng lại, không dám tiến nửa bước, chỉ vươn cổ ra mà sủa. Vài con dê sợ quá lội bừa vào bên trong, nhưng chỉ được mấy bước, mặt tuyết vỡ, chúng chìm xuống như bị lún trong cát, cố sức giãy giụa mà không thoát. Hố tuyết chuyển mình, tuyết chảy xuống phía dưới như cát lún, càng chảy càng sâu, cuối cùng thành hình cái phễu. Một con dê lúc tuyết vỡ, hai chân trước còn móc được vào một chỗ chắc chắn còn thân thì rơi xuống, coi như mới được cứu sống một nửa.

Cái rãnh để cho xe vào đã hình thành. Đoàn xe xuống dốc. Khi không thể nhích thêm tí nào nữa, các xe dàn ngang thành hình chữ nhất, dọn tuyết xung quanh lấy chỗ chất hàng.

Cánh đàn ông đi lại chỗ ông Pilich. Ông già nói: Trông này, mạn tây tuyết rắn, hố tuyết chẳng được mấy cái, dấu chân cũng rất ít, chứng tỏ đàn dê chạy thoát khá nhiều.

Tay chăn cừu Tang Kiệt nói: Cháu thấy lũ sói cũng có chỗ tính chưa hết. Giá như sói chúa điều thêm quân bịt con đường này lại, thì đàn dê không con nào chạy thoát.

Ông già hừ một tiếng, nói giọng mũi: Cậu mà là sói chúa chắc chết đói. Bắt một lần hết sạch thì sang năm kiếm đâu ra dê? Sói không tham như người, sói biết tính toán, sói tính giỏi hơn người.

Tang Kiệt cười: Năm nay dê nhiều, bắt thêm vài nghìn con cũng không ăn nhằm gì. Cháu muốn kiếm thêm ít tiền sắm căn lều, cưới vợ.

Ông già trợn mắt quát: Vậy khi con cháu cậu lớn lên thì đà dê đã bị giết không còn một con. Thanh niên các cậu lạ thật, ngày càng như dân ngụ cư ấy!

Ông già thấy đám phụ nữ đã dỡ các thứ trên xe xuống và cho xe xuống rãnh, liền bước lên một mô tuyết, ngửa mặt lên trời, miệng lầm rầm khấn. Trần Trận đoán ông đang cầu trời cho phép kéo dê vàng lên. Ông nhắm cả hai mắt, lát sau mở ra, bảo mọi người: Dê chìm dưới đáy nhiều lắm, đừng tham quá, hãy thả hết những con còn sống rồi thu hoạch những con đã chết. Trời đã không bắt chúng chết thì ta nên để chúng sống. Ông già cúi bảo Trần Trận và Dương Khắc: Thành Cát Tư Hãn mỗi lần vây bắt dề đều thả bớt non nửa. Người Mông Cổ đánh vây đã mấy trăm năm, vậy mà năm nào cũng có dê để bắt, chính là học từ sói, không bắt hết.

Ông già Pilich phân chia địa bàn hoạt động cho các gia đình. Theo quy ước mọi người nhường đoạn gần và có nhiều hố cho ông già Pilich và thanh niên trí thức Trần Trận.

Ông già dẫn Trần Trận và Dương Khắc đến bên xe nhà, dỡ xuống hai tấm thảm dày, mỗi tấm rộng hai mét, dài bốn mét. Hình như trước đó thảm được phu nước, cứng queo. Trần Trận và Dương Khắc mỗi người lôi một tấm, tiến lên. Ông già vác chiếc sào gỗ dài, đầu sào lồng móc sắt. Vợ chồng Batu cũng mỗi người xách một tấm thảm dày đi tới chỗ tuyết sâu. Bé Bayan vác chiếc câu liêm, đứng sau lưng bố mẹ.

Đến bên một hố sâu, ông già bảo hai cậu thanh niên trước hết trải một tấm thảm xuống tuyết rồi bảo Dương Khắc vốn nặng cân, nhảy lên nhún thử. Tấm thảm vừa dày vừa cứng như một ván trượt, tuyết phía dưới chỉ lạo xạo chứ không bị lún. Dương Khắc phát huy sáng kiến, nhảy lên mấy cái, thảm chỉ lõm xuống một chút. Ông già vội ngăn lại, nói: Vào sâu bên trong thì không được làm thế nữa, thảm rách là người bị chìm luôn, không phải chuyện đùa. Thế này nhé, Trần Trận nhẹ người hơn, tôi dẫn Trận vào lấy hay con. Lần sau thì hai cậu vào lấy. Dương Khắc đành nhảy ra, đỡ ông già trèo lên tấm thảm lớn. Trần Trận cũng lên theo. Tấm thảm dư sức chở hai người, chất thêm hai con dê lên cũng không hề hấn gì.

Đứng vững chân, hai người kéo tấm thảm thứ hai lên phía trước tấm thảm thứ nhất, cắn mép ở chỗ tiếp giáp của hai tấm, rồi sải chân bước sang tấm thảm thứ hai, lần này đem theo câu liêm. Tiếp theo, lặp lại động tác cũ, kéo tấm thảm phía sau lên phía trước, hai tấm luân phiên đổi chỗ cho nhau. Hai người như lái xe trượt tuyết, nhích dần đến chỗ một con dê phía xa.

Vậy là Trần Trận đã được ngồi lên con thuyền kỳ lạ của thảo nguyên Mông Cổ. Nó là loại công cụ giao thông do người Mông Cổ tạo ra để đối phó với tuyết lớn. Hàng nghìn năm nay, nhờ có loại thuyền này mà biết bao người đã thoát chết trong gang tấc, nhờ có loại thuyền này mà cứu được bao nhiêu là cừu và chó. Và cũng nhờ loại thuyền này mà vớt từ đáy hồ lên bao nhiêu là chiến lợi phẩm bị sói, người đi săn và kỵ binh dồn xuống. Ông già Pilich không hề giấu giếm người đồ đệ ngoại tộc những bí mật của người Mông Cổ, trái lại, còn giúp Trần Trận nắm vững thứ vũ khí này. Trần Trận là học sinh người Hán đầu tiên học được cách thao tác con thuyền Mông Cổ nguyên thủy.

Thảm thuyền càng trôi càng nhanh, có thể nghe thấy tuyết lạo xạo phía dưới. Trần Trận có cảm giác như ngồi trên tấm thảm thần kỳ, nhẹ nhàng, phấn kích, lâng lâng như đi vào cõi tiên. Cậu vô cùng cảm ơn sói và người thảo nguyên đã đem đến cho cậu một cuộc sống nguyên thủy như trong thần thoại. Trên mặt hồ, tám con thuyền, mười sáu tấm thảm bay vuông vức hè nhau cùng tiến làm bắn lên từng đám bụi tuyết. Chó sủa, người reo, ông trời cười mỉm. Một đám mấy dày bay tới phả khí lạnh xuống, tuyết trên mặt vừa tan lại đóng băng ngay lập tức, tăng hệ số rắn chắc trên bề mặt lên gấp ba lần, đảm bảo an toàn khi lôi dê lên. Mọi người nhất loạt bỏ kính râm, ngửa mặt nhìn trời mà gọi tên vị chúa tể, động tác đẩy thuyền càng nhanh càng chững chạc. Trong một thoáng Trần Trận cảm nhận được sự tồn tại của đấng Cao Xanh của người Mông Cổ, và linh hồn cậu, một lần nữa, được Người che chở.

Bỗng từ đầu dốc vọng lại tiếng hoan hô của Dương Khắc và Bayan. Trần Trận ngoảnh lại nhìn, Dương Khắc và Bayan la to: Được một con rồi! Được một con rồi! Trần Trận giơ ống nhòm lên nhìn, thấy Bayan bày cácy gì mà Dương Khắc đã bới được một co dê gộc. Hai người nắm chân dê lôi lên bờ. Những người còn ở trên bwfo cầm lấy xẻng, tranh nhau lôi ra chỗ tuyết sâu.

Chiếc thảm - thuyền rời xa khu vực an toàn, tiếp cận một con dê gộc. Đây là một con cái, ánh mắt thất thần cầu cứu. Xung quanh toàn những hố sâu, mảnh đất dưới chân nó chỉ bằng mặt bàn, sụt lở bất cứ lúc nào. Ông già bảo: Cho thảm - thuyền lướt bên cạnh, đừng chậm quá khiến nó hoảng sợ. Có thể nó đang chửa, mở cho nó con đường sống.

Trần Trận gật đầu, cúi xuống khẽ đẩy thảm trước qua miệng hố đến chân con dê mà tuyết rắn trên mặt không bị vỡ. Con dê có thể đã từng được cứu hoặc biết chớp thời cơ cho đứa con trong bụng, nó nhảy luôn lên tấm thảm rồi nằm phục xuống run như cầy sấy, mắt đờ đẫn vì sợ. Trần Trận thở phào, cùng ông già bước sang tấm thảm, thận trọng kéo tấm sau vòng qua miệng hố lên chỗ tuyết cứng phía tây, đổi chỗ hơn chục bận mới đến một chỗ không có hố nhưng đầy dấu chân và phân dê.

Trần Trận chậm rãi đến bên co dê. Trong con mắt cậu, nó đâu phải con dê, mà như một con nai cái, mắt nó đúng là mắt nai, rất đáng yêu. Trần Trận xoa đầu nó. Nó gương cặp mắt sợ hãi xin cậu tha mạng. Trần Trận vuốt ve con dê yếu đuối không nơi nương tựa, mà cảm thấy trong lòng bất nhẫn: Sao mình không bảo vệ loài động vật ăn cỏ hiền lành xinh đẹp này, mà lại đứng về phía bọn sói hiếu sát? Xưa nay chỉ nghe kể "Cô bé quàng khăn đỏ", "Đông Quách tiên sinh và con sói", toàn những chuyện căm thù sói, Trần Trận buột miệng: Thương lũ dê quá. Bọn sói thật đáng ghét, giết hại kẻ vô tội, coi sinh mạng như cỏ rác, đáng đem ra tùng xẻo...

Ông già giận đỏ mặt. Trần Trận căm bặt, biết là mình đã xúc phạm tới điều thiêng liêng nhất trong lòng ông già, xúc phạm linh vật của các dân tộc thảo nguyên. Nhưng đã lỡ miệng mất rồi.

Ông già trừng mắt, nói như quát: Thế cỏ có phải sinh mạng không? Thảo nguyên có phải sinh mạng không? Cỏ và thảo nguyên là sinh mạng lớn, tất cả những thứ khác là sinh mạng nhỏ. Sinh mạng nhỏ sống nhờ sinh mạng lớn. Sói và người đều là sinh mạng nhỏ. Những con ăn cỏ đáng ghét hơn những con ăn thịt. Cậu thương lũ dê vàng, thế cậu có thương cỏ không? Dê có bốn chân, chạy rất nhanh. Nó mà chạy, sói rượt đứt hơi cũng không kịp. Dê khát thì ra sông uống nước, rét thì lên đầu dốc mà sưởi nắng. Còn cỏ thì sao? Cỏ tuy mạng lớn nhưng phận quá mỏng, quá khổ! Rễ thì nông, đất thì mỏng, sống trong đất, có chạy cũng không quá nửa thước, có bò cũng không quá ba phân, ai cũng có thể giẫm, có thể đạp, có thể ăn, có thể gặm, có thể hành hạ, một bãi nước đái ngựa cũng đủ chết cả một mảng! Cỏ mọc trên cát hoặc trong kẽ đá mới đáng thương làm sao, không nở được hoa, không gieo được hạt. Trên thảo nguyên đáng thương nhất là cỏ. Người Mông Cổ thương yêu nhất, đắm đuối nhất là cỏ thảo nguyên. Nếu bảo là sát sinh, dê tàn sát cỏ còn dữ hơn máy cắt cỏ. Dê ăn trụi cỏ thì là gì nếu không phải là sát sinh, là sát hại sinh mạng lớn thảo nguyên? Trên thảo nguyên, sinh mạng lớn bị giết thì các sinh mạng nhỏ cũng chết sạch. Khi đã thành cái họa thì dê vàng đáng sợ hơn sói. Thảo nguyên có hoạ trắng, họa đen, còn có hoạ vàng. Xảy ra họa dê vàng có khác gì dê ăn thịt người!

Chòm râu lơ thơ của ông già run lên, run hơn con dê trước mắt.

Trần Trận xúc động sâu sắc, mỗi lời ông già như tiếng trống xung trận, khiến cậu choáng váng, tim đập thình thịch. Cậu cảm thấy dân tộc thảo nguyên không những hơn hẳn dân tộc nông canh về tri thức quân sự, về tính cách kiên cường dũng cảm, mà về một số quan điểm cũng hơn hẳn. Cái lô gíc cổ xưa của thảo nguyên đã bó chặt tộc ăn thịt và tộc ăn cỏ, là nguyên nhân sâu xa của những trận chém giết khốc liệt hàng ngàng năm nay. Lời ông già chính xác và sâu sắc đến nỗi giỏi biện luận như Trần Trận cũng cứng lưỡi, không cãi lại được câu nào. Ông như thảo nguyên Mông Cổ so với đồng bằng Hoa Bắc, trình độ chêch lệch rõ rệt. Trần Trận với những quan điểm về sinh mạng, sinh tồn, về cuộc đời của loại văn hóa nông canh, bỗng chốc tiêu tan quá nửa khi đụng phải lôgic của thảo nguyên. Cậu phải thừa nhận rằng, đạo trời nên đứng về phía dân du mục. Dân tộc thảo nguyên bảo vệ "sinh mạng lớn" - sinh mạng của thảo nguyên và của thiên nhiên, quý hơn sinh mạng con người. Còn tộc nông canh thì bảo vệ "sinh mạng nhỏ" - sinh mạng con người và cuộc đời, coi là quý giá nhất. Nhưng "sinh mạng lớn không còn, thì các sinh mạng nhỏ cũng mất tiêu". Trần Trận lẩm bẩm nhắc lại câu trên với ý nghĩ chua xót. Cậu càng cảm thấy nghi ngờ nhận thức của mình về những cuộc tàn sát của tộc thảo nguyên đối với tộc nông canh trong lịch sử, và những hành động san ủi ruộng động khôi phục lại thảo nguyên của họ. Trước kia cậu cho rằng hành động đó là kéo lùi lịch sử, là dã man. Nhưng qua lý lẽ ông già, đặt nó trong mối quan hệ giữa sinh mạng lớn và sinh mạng nhỏ mà đánh giá sự việc, cậu thấy không thể gọi hành động đó là dã man, vì rằng trong cái dã man đó lại bao hàm ý nghĩa bảo vệ nền văn minh của nhân loại. Nếu như đứng trên lập trường sinh mạng lớn mà xét, tộc nông canh ra sức đốt rẫy khẩy hoang vùng biên, phá hoại thảo nguyên và thiên nhiên - sinh mạng lớn khiến sinh mạng nhỏ là con người bị vạ lây, dã man hơn cả dã man ấy chứ? Phương Đông và phương Tây đều nói trái đất là bà mẹ của nhân loại, chẳng lẽ giết mẹ lại được coi là văn minh?

Trần Trận rụt rè hỏi: Vậy sao bác lại thả những con dê còn sống? Ông già nói: Để chúng phân tán bớt đàn sói. Sói bắt dê, bò cừu của chúng ta cũng đỡ thiệt hại. Săn dê là nghề phụ có thu nhập đáng kể của chúng ta. Rất nhiều người Mông Cổ nhờ săn bắt dê mà mua được lều, cưới vợ, nuôi con. Một nửa dân Mông Cổ là thợ săn. Không đi săn thì khác gì ăn thịt không muối, cơ bắp sẽ nhão ra, đầu óc sẽ ngu đi. Người Mông Cổ săn bắn cũng là để bảo vệ sinh mạng lớn thảo nguyên. Họ săn bắt con vật ăn cỏ gần gấp đôi con vật ăn thịt.

Ông già thở dài: Người Hán các cậu còn rất nhiều điều chưa biết. Cậu đọc nhiều sách, nhưng trong những sách ấy có bao nhiêu điều không đúng. Người Hán viết sách toàn nói hay cho người Hán, cái thiệt của người Mông Cổ là không biết viết sách. Nếu như cậu trở thành người Mông Cổ để viết sách cho người Mông Cổ thì hay biết mấy.

Trần Trận gật đầu. Cậu bỗng nhớ lại rất nhiều chuyện đồng thoại mà cậu đọc hồi nhỏ, con "sói xám" trong truyện hầu hết là ngu xuẩn, tham lam và tàn nhẫn, còn con cáo thì thông minh, nhanh nhẹn đáng yêu. Về thảo nguyên, Trần Trận mới phát hiện ra rằng, trong thiên nhiên không có con vật nào hoàn hảo hơn sói, thế mới biết sách vở cũng có nhiều chỗ sai, đồng thoại lại càng sai

Ông già dựng con dê cho nó đứng dậy rồi khẽ đẩy nó ra ngoài thảm. Trên mặt tuyết ló lên mấy ngọn cỏ lau. Con dê đang đói liền bước tới đớp luôn. Trần Trận nhanh nhẹn rút tấm thảm vuông. Con dê lẩy bẩy đi vài bước, chợt trông thấy hàng dãy dấu chân đồng loại, nó phóng một mạch lên dốc rồi mất hút sau triền núi.

Batu và Caxumai cũng kéo một con dê choai lên bờ, chỗ đất cứng. Caxumai vừa kéo vừa lầm bẩm: Đáng thương quá! Miệng nói tay vỗ lưng con vật, thúc nó chạy lên dốc. Trần Trận giơ ngón cái về phía Caxumai tỏ ý khen. Caxumai cười, bảo cậu: Mẹ nó sa xuống hố tuyết, nó cứ chạy quanh không chịu bỏ đi, bọn tôi phải dùng thòng lọng mới bắt được đấy.

Những thảm - thuyền lần lượt cập bờ. Những con dê được cứu sống tập hợp thành một đàn nhỏ, trèo sang bên kia dốc. Ông già nói: Lũ dê này khôn ra rồi đấy. Từ nay sói đừng hòng bắt được chúng.