Tôtem Sói

Chương 2

Thuyền Vu (Hung Nô) sinh hai con gái nhan sắc tuyệt trần, người trong nước gọi là thần nữ.  Thuyền Vu nói, con gái ta không thể gả cho người thường, mà phải hiến cho trời.  Bèn sai dựng chòi cao phía bắc đất nước, nơi không có người, rồi đưa hai con gái đến ở để trời tự đón lên.  Một năm qua đi, chỉ thấy mỗi con sói lớn ngày đêm canh gác căn chòi, đào hang mà ở không đi.  Cô em nói, cha bố trí chị em mình ở đây là để trời đón, giờ thì lại là sói, hay sói là thần vật trời sai đến lấy chị em mình.  Cô chị cả sợ nói, lấy đồ súc sinh này thì nhục cho cha mẹ.  Người em không nghe, xuống chòi làm vợ sói, sinh con.  Sau sinh sôi nảy nở thành một nước.  Vậy nên, người nước này tiếng hát dài như tiếng sói tru.

- Chu thư, Nhu nhu Hung Nô đồ hướng Cao Xa liệt truyện.

Lại thêm sáu bảy con sói lớn lặng lẽ nhập bọn, tạo thành vòng vây ba mặt hình cánh cung.  Trần Trận kéo ống tay áo da cừu che kín mũi miệng, khẽ hỏi: Bố, đàn sói bắt đầu bủa vây rồi phải không?

Ông già cũng trả lời khẽ: Phải lúc nữa, con sói đầu đàn đang đợi.  Sói bao vây chặt chẽ hơn người.  Trước tiên, phải phân tích sói chúa đang đợi gì?  Ông già chớp chớp hàng mi cho những bông tuyết rơi xuống.  Chiếc mũ lông cáo dùng để che trán, che mặt, che vai bán đầy tuyết xốp phủ kín người ông già, chỉ chừa lại đôi mắt đồng tử màu hổ phách.

Hai người phục trong hố đã hơn nửa ngày.  Lúc này, họ theo dõi chặt chẽ đàn dê trên dốc núi trước mặt, gần một nghìn con.  Mấy con đực trên đầu có cặp sừng rất dài, miệng nhai cỏ, mắt nhìn ra xa, mũi khịt khịt đánh hơi trong không khí.  Những con khác ăn như rồng cuốn.

Đây là bãi chăn dự bị khi có thiên tai của đội Hai, dọc ngang hai ba mươi dặm, vắt ngang sườn núi, thoáng gió, cỏ thân cao, mọc dày, chất lượng tốt, bão không đổ, tuyết lớn không phủ kín.

Ông già nói nhỏ: Cậu nhìn kỹ là biết ngay bãi cỏ có vị trí đặc biệt tốt, đúng hướng gió tây bắc, tuyết càng lớn càng không đọng lại được.  Năm tôi lên tám, thảo nguyên Ơlon gặp họa lớn.  Tuyết ngập lút lều Mông Cổ.  May mà phần lớn đàn gia súc được mấy ông già dồn đi từ lúc tuyết mới đến đầu gối.  Các cụ tập trung ngựa lại, dùng sức của hàng nghìn con ngựa mở đường, tiếp theo là mấy chục đàn bò dẫm cho tuyết rắn lại, hình thành một con mương cạn.  Đàn cừu và bò di chuyển ròng rã ba ngày ba đêm mới tới bãi cỏ này.  Tuyết ở đây chỉ dày chừng một hai thước, ngọn cỏ nhô lên ba đốt ngón tay.  Đàn bò và cừu vừa đói vừa rét, trông thấy cỏ liền be rầm lên, chạy tới.  Mọi người phục xuống đất mà khóc, đập đầu lạy đến nỗi mặt mũi đầy tuyết.  Đến đây, cừu và ngựa có thể bới tuyết ăn cỏ, những con chưa biết bới thì đi phía sau mót cỏ mà ăn.  Quá nửa sống sót đến khi tuyết tan.  Những gia đình không kịp di chuyển thì thảm quá, tuy người thoát, nhưng gia súc thì hầu  như bị vùi trong tuyết, chết sạch.  Nếu không có bãi cõ này thì người và gia súc ở thảo nguyên Ơlon không còn một mống.  Từ đó, thảo nguyên Ơlon không còn sợ tuyết lớn nữa.  Hễ có tuyết lớn, chuyển về đây là thoát nạn.

Ông già thở dài nhẹ: Đây là bãi chăn cứu mạng trời ban cho người và gia súc chúng ta.  Trước kia, người dân năm nào cũng tế trời và sơn thần trên núi.  Hai năm nay do có phong trào (cách mạng văn hóa), không ai dám cúng bái công khai, nhưng trong bụng vẫn khấn thầm.  Núi này là núi thiêng, người dân Ơlon dù khô hạn đến mấy, thiếu cỏ đến mấy cũng không dám đụng vào bãi cỏ này, dù chỉ một cọng.  Dân chăn ngựa mất bao tâm huyết mới giữ được đồng cỏ này.  Bầy sói ngày đêm bảo vệ những quả núi.  Cứ khoảng năm sáu năm chúng lại giết một lô dê vàng tế thần núi, tế trời.  Những quả núi ở đây không những cứu người và gia súc, mà cứu cả sói.  Sói tinh hơn người, người chưa kịp đến, sói đã đến trước.  Ban ngày sói nấp sau những đống đá trên đỉnh núi hoặc chỗ tuyết rắn phía sau núi.  Ban đêm bới tuyết ăn bò cừu chết vì lạnh.  Chỉ cần có cái ăn là sói không quấy rầy con người.

Vài đám mây trắng như bông vét quang bầu trời.  Ông già ngẩn nhìn da trời xanh trong với ánh mắt thành kính.  Trần Trận cảm thấy ánh mắt ấy chỉ thấy trong những tranh tôn giáo phương tây.

Năm nay thảo nguyên có tuyết sớm nên nửa thân cỏ chưa kịp vàng đã lút trong tuyết.  Cỏ trong tuyết chẳng khác rau xanh đông lạnh, mùi thơm ngọt bay lên từ những cọng cỏ rỗng ruột hoặc từ những vết tuyết nứt.  Đàn dê từ bên nước láng giềng bị tuyết lớn và cái đói truy đuổi, vượt biên về đây, gặp đồng cỏ Ơlon như gặp ốc đảo giữa mùa đông.  Mê mẫn vì mùi cỏ thơm, chúng ở lại, không đi đâu nữa.  Bụng no tròn như cái trống, chúng gần như chạy không nổi.

Chỉ sói chúa và ông già Pilich mới nhìn ra đàn dê đã phạm sai lầm lớn.

Đàn dê này chưa phải đông nhất.  Trần Trận còn nhớ năm đầu tiên khi về Ơlon, thi thoảng lại trông thấy một đàn đông hàng vạn con.  Nghe cán bộ mục trường nói lại, thời kỳ khó khăn những năm sáu mươi, bộ đội các đại quân khu phương bắc dùng xe nhà binh và súng máy bắn chết rất nhiều dê lấy thịt cho các cơ quan quân khu.  Hậu quả là đuổi sạch dê ra khỏi biên giới.  Những năm gần đây biên giới căng thẳng, những cuộc săn bắt dê quy mộ lớn đã chấm dứt.  Thảo nguyên Ơlon xinh tươi lại được trông thấy những đàn dê đông đúc.  Trần Trận khi chăn cừu vẫn gặp những đàn dê lớn lướt qua như cơn lốc màu vàng ngay bên sườn, khiến đàn cừu của cậu giật mình dồn thành đống, nhìn những con dê tự do bay nhảy bằng ánh mắt thèm thuồng.

Đàn dê vàng trên thảo nguyên Ơlon hoàn toàn coi khinh những người trong tay không súng.  Một bận, Trần Trận thúc ngựa tạt sườn, xông vào một đàn, hi vọng nhân lúc nhốn nháo tóm được một con, thưởng thức món thịt vào loại cao lương mỹ vị.  Nhưng chúng chạy quá nhanh, dê vàng chạy nhanh nhất trong số loài vật bốn chân, chó săn hoặc sói không bao giờ đuổi kịp.  Trần Trận mấy bận thúc ngựa xông vào giữa đàn nhưng không thể đụng tới sợi lông của chúng.  Chúng tẻ sang hai bên, cậu lọt vào giữa, cách mỗi bên chừng hai mươi mét.  Chúng tiếp tục phi như gió, bỏ cậu lại phía sau.  Chạy xa rồi, chúng mới nhập đàn làm một, cậu chỉ còn cách giương mắt ếch mà ngó.

Đàn dê vàng trước mặt cỡ trung bình, nhưng Trần Trận thấy đàn sói chỉ mấy chục con - dù là sói gộc, thì đàn dê vẫn là quá lớn.  Người ta thường nói, lòng tham của sói là lớn nhất.  Trần Trận muốn biết tham vọng ấy lớn chừng nào.  Cậu cũng rất muốn biết đàn sói vây ráp giỏi đến mức nào.

Đàn sói rất thận trọng khi bủa vây, động tác nhẹ nhàng, chậm rãi.  Chỉ cần một vài con dê ngẩng đầu lên, là cả đàn nằm rạp xuống cỏ bất động, ngay cả hơi nước thở ra từ mũi cũng từ từ.

Đàn dê tiếp tục gặm cỏ như điên.  Hai người im lặng chờ đợi.  Ông già nói nhỏ: Dê vàng mới là đại họa của thảo nguyên.  Chung chạy nhanh, ăn khoẻ.  Cậu thấy đấy, chúng đã ăn không biết bao nhiêu là cỏ ngon.  Người và gia súc gian nan vất vả mới để dành được bãi chăn này, vậy mà chỉ mấy hôm  chúng đã xực mất non nửa.  Nếu về vài đàn lớn nữa là đồng cỏ đi đứt.  Tuyết năm nay lớn, không khéo gặp đại họa.  Không giữ được bãi chăn này là cực kỳ gay go.  May mà có đàn sói, chỉ trong vài hôm là đà dê toi mạng hoặc bỏ chạy, chắc chắn là thế.

Trần Trận giật mình nhìn ông già: Thảo nào bác không giết sói!

Ông già nói: Bác cũng giết sói, nhưng không giết nhiều.  Sói chết sạch thì thảo nguyên cũng hết sống.  Thảo nguyên mà chết, người và gia súc sống nổi không?  Người Hán các cậu luôn luôn không hiểu điều này.

Trần Trận nói:  Đúng thế thật.  Bây giờ cháu mới hiểu đôi chút.  Cậu thấy trong lòng rạo rực, hình như đã mường tượng ra cái bóng của tôtem sói.  Cách đây hai năm, trước khi rời Bắc Kinh, cậu đọc và thu thập rất nhiều sách báo viết về dân tộc thảo nguyên, khi ấy cậu chỉ biết tôtem của họ là sói, nhưng hình như lúc này cậu mới bắt đầu hiểu vì sao dân thảo nguyên thờ phụng sói - con vật mà người Hán với nền văn minh nông canh, thù ghét nhất.

Ông già cười mỉm liếc Trần Trận: Căn lều của đám thanh niên trí thức Bắc Kinh các cậu thảm tường quá mỏng.  Dịp này ta lấy phần nhiều hơn một chút, chở dê lên trậm thu mua Hợp Cung tiêu đổi lấy thảm, bốn cậu sẽ ấm hơn trong mùa đông này.  Trần Trận nói: Vậy thì hay quá!  Lều chúng cháu, thảm tường chỉ hai lớp mỏng, mực viết đóng băng vỡ cả lọ.  Ông già cười: Xem này, đàn sói trước mặt sắp sửa tặng quà cho chúng ta!

Ở thảo nguyên Ơlon, một con dê nguyên vẹn giá hai mươi tệ gần bằng nửa tháng công điểm cố định của người chăn ngựa.  Da dê là nguyên liệu thượng hạng may áo jacket.  Người ở trạm thu mua còn nói, áo bay của phi công cũng bằng da dê, nhung phi công Trung Quốc không được mặc.  Hàng năm Nội Mông xuất khẩu toàn bộ da dê sang Liên Xô, Đông Âu, đổi lấy sắc thép, xe hơi và súng đạn.  Thịt dê philee đóng hộp đứng đầu bảng, cũng xuất khẩu tất.  Người trong nước chỉ được ăn chỗ thịt loại ra, mua bằng phiếu ở các quầy cung cấp trên huyện, kỳ (huyện tự trị), vì là mặt hàng quý hiếm.

Mùa đông năm nay đàn dê vượt biên từng đàn lớn, khiến các công xã chăn nuôi vùng biên và lãnh đạo các huyện, kỳ rất mừng.  Trạm thu mua các cấp đã bố trí nhà kho, chuẩn bị thu mua.  Cán bộ, thợ săn và mục dân vui mừng như dân chài gặp đàn cá lớn. Thợ săn và dân chăn ngựa là chân chạy, hầu hết đã lên yên, ngựa khoẻ, đem theo chó săn, súng trường, chuẩn bị cho cuộc truy sát.  Trần Trận bị đàn cừu níu chân, lại không có súng.  Với lại, dân chăn cừu chỉ có bốn con ngựa thường, không như dân chăn ngựa có tới bảy tám con, mười mấy con ngựa chuyên dùng.  Đám thanh niên trí thức đành giương mắt nhìn các thợ săn xuất quân.  Đêm hôm kia Trần Trận dến lều anh thợ săn Lanmutrac.  Đàn dê mới về có mấy hôm mà anh ta đã bắn được mười một con, trong đó có một phá xâu táo, hạ hai con.  Thu nhập của vài ngày săn bắn bằng cả ba tháng lương của người chăn ngựa.  Anh ta giọng hể hả, nói ràng đã kiếm đủ tiền thuốc lá trong một năm, chỉ vài hôm nữa, anh sẽ mua một đài bán dẫn Hồng Đăng và để nó ở nhà, còn cái đài cũ thì đem ra lều dã chiến.  Lần đầu tiên Trần Trận được ăn thịt dê vàng tươi, ngon lạ lùng, thế mới gọi là thịt.  Trên mình con dê vàng không có chỗ nào bỏ đi.  Vì là loài chạy khoẻ, nên mỗi đường gân thớ thịt của nó đều là tinh hoa của cả một quá trình rèn luyện trong cuộc thi chạy với sói.  Thịt dê vàng ngon không kém thịt nai.

Từ khi đàn dê vàng về thảo nguyên Ơlon, đám thanh niên trí thức Bắc Kinh bị rớt xuống công dân loại hai.  Hai năm qua, đám này đã có thể chăn cừu một mình, nhưng kiến thức săn bắc thì hãy còn mít đặc.  Vậy mà săn bắn chiếm vị trí rất quan trọng trong phương thức sản xuất của vùng biên Nội Mông.  Tổ tiên người Mông Cổ là dân tộc săn bắn cư trú tại thượng lưu Hắc Long Giang, sau tiến dần về thảo nguyên Mông Cổ sống cuộc sống nửa săn bắc nửa chăn thả.  Săn bắn là nguồn thu nhập quan trọng của mỗi gia đình, thậm chí là nguồn thu chính.  Ở thảo nguyên Ơlon, dân chăn ngựa có địa vị cao hơn cả.  Những thợ săn giỏi thường xuất thân từ dân chăn ngựa.  Đám thanh niên trí thức rất ít người có thể trở thành dân chăn ngựa, mà nếu có thì cũng chỉ là người học việc, thân phận học trò.  Vì vậy khi cái tin sắp có cuộc săn lớn lan ra, những thanh niên trí thức Bắc Kinh những tưởng mình đã là dân du mục kiểu mới, mới biết mình nhầm to.

Trần Trận ăn no thịt dê vàng, nhận thêm một đùi - quà biếu của Lanmutrac, rồi đến luôn lều ông già Pilich.

Đám thanh niên trí thức tuy đã có lều riêng, nhưng Trần Trận vẫn thích đến lều ông già.  Căn lều của ông rộng và đẹp, chắc chắn và rất ấm.  Trên tường trêo đầy thảm tranh đề tài tôn giáo, dưới đất trải thảm tranh cso hình hươu trắng.  Trên chiếc bàn vuông, bát bạc, chậu đồng, bình thiếc bày trên giá, đều được lau chùi bóng lộn.  Nơi đây vùng sâu vùng xa, phong trào "phá bốn cũ" của Hồng Vệ binh chưa kịp đến để rạch nát những tấm thảm treo tường của ông già.  Lều Mông Cổ của bọn Trần Trận có bốn thanh niên trí thức là bạn học cùng lớp của một trường phổ thông trung học Bắc Kinh, trong đó có ba là con em của bọn "xã hội đen đi theo con đường tư bản chủ nghĩa", bọn "độc quyền học thuật phản động".  Do cảnh ngộ tương tự, nên tư tưởng hòa đồng, rất ác cảm với bọn hồng vệ binh ngu si dốt nát, nên đầu mùa đông năm 1967 cùng nhau từ biệt Bắc Kinh ồn ào, đi tìm cuộc sống yên bình trên thảo nguyên Nội Mông.  Họ đối xử tốt với nhau, căn lều Mông Cổ của ông già y như đại bản doanh của một đại tù trưởng trên thảo nguyên, bọn Trần Trận được bảo ban chăm sóc, khiến các cậu cảm thấy thân thiết và yên ổn.

Hai năm nay, gia đình ông già coi Trần Trận như người trong  nhà.  Hai hòm sách đầy ắp đem từ Bắc Kinh về, nhất là những sách liên quan tới lịch sử Mông Cổ viết bằng  tiếng Trung Quốc hay bằng tiếng nước ngoài, càng thắt chặt mối quan hệ giữa ông già và cậu thanh niên người Hán.  Ông già cực kỳ hiếu khách, từng có bạn là những nghệ nhân người Mông, họ biết nhiều lịch sử và truyền thuyết Mông Cổ.  Trông thấy sách, nhất là được xem tranh minh họa và bản đồ, ông già rất thích những quyển sử Mông Cổ do những nhà văn, nhà sử học người Trung Quốc, người Nga, người Ba Tư và người các nước khác viết.  Biết chút ít chữ Hán, ông già tranh thủ dạy tiếng Mông Cổ cho Trần Trận, ông muốn càng sớm càng tốt giải mã những gì viết trong sách.  Ông kể cho Trần Trận nghe chuyện kể Mông Cổ.  Sau hai năm, cuộc đối thoại bằng hai ngữ Mông - Hán giữa một già một trẻ đã diễn ra khá trôi chảy.

Nhưng Trần Trận chúa dám kể cho ông già nghe người Trung Quốc xưa và một số nhà sư học phương tây đã nhìn Mông Cổ bằng con mắt thù địch, đầy ác ý.  Về thảo nguyên, Trần Trận không bao giờ dám ngâm bài thơ "Mãn giang hồng" của Nhạc Phi, không dám nhắc đến "Tiếu đàm", "Khát ẩm".  Cậu rất muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao trong lịch sử, dân tộc nông canh và dân tộc du mục lại thù ghét nhau và vì sao dân tộc Mông Cổ với số dân ít ỏi lại bùng nổ như phản ứng nhiệt hạch đáng sợ đến thế trong lịch sử  nhân loại.

Trần Trận vốn không muốn rời căn lều của ông già Pilich, nhưng thảo nguyên Ơlon màu mỡ, đàn gia súc ngày càng đông có đàn sau kỳ sinh nở lên tới ba ngàn con, quá tầm một người chăn, do đó phải chia đàn.  Trần Trận cực chẳng đã phải rời căn lều Mông Cổ, cùng ba thanh niên trí thức dựng lều ở riêng.  Có cái tốt là không xa nơi ở cũ bao nhiêu, cừu kêu chó sủa vẫn nghe thấy, sớm tối đi về vẫn gặp nhau, lều nọ sang lều kia ngồi chưa nóng yên ngựa đã tới, tiếp tục câu chuyện bà dở.  Có điều lần này là chuyện dê vàng, không phải chuyện sói.

Trần Trận vén rèm cửa - tấm thảm len dệt đồ án cát tường, bước vào trong lều, ngồi uống trà sữa trên tấm thảm dày.  Ông già nói: Đừng thấy người ta bắn được nhiều mà đỏ mắt lên, ngày mai tôi sẽ đưa cậu đi lấy đầy một xe dê vàng đem về.  Ba bốn hôm nay, tôi đã tăm cả vùng này, đã thấy chỗ nào có thể bắt dê vàng.  Thật đúng dịp, tôi cũng muốn cho cậu hiểu thêm về sói.  Cậu luôn ca cẩm sói phải không?  Người Hán là con cừu ăn cỏ nên dát như thỏ đế, người Mông Cổ ăn thịt nên bạo gan như sói.  Mình nên có cái gan của sói.

Tinh mơ hôm sau, Trần Trận cùng ông già mai phục trên một cái dốc phía tây nam dãy Đại Sơn.  Ông già không đem theo súng và chó, chỉ đem theo chiếc ống nhòm.  Trần Trận mấy bận theo ông già đi săn cáo, nhưng đi tay không thế này là lần đầu.  Cậu hỏi đi hỏi lại ông già, phải chăng ông bắt dê bằng ống nhòm?  Ông già chỉ cười không trả lời.  Ông thích để cho học trò của ông chất đầy câu hỏi trong đầu khi học ông.

Chỉ khi phát hiện đàn sói lặng lẽ bao vây đàn dê vàng, Trần Trận mới đoán ra cách săn của ông già Philich.  Cậu khoái quá ông già cũng nhìn cậu mỉm cười láu lỉnh.  Trần Trận thấy mình như ông lão đánh cá trong chuyện trai cò tranh ăn, nhưng cậu chỉ là ngư ông dởm, ngư ông đích thực phải là ông Pilich.  Ông già túc trí đa mưu của thảo nguyên dẫn cậu đến đây để ngồi không ăn sẵn.  Từ lúc trông thấy đàn sói, Trần Trận quên cả rét, máu chảy nhanh gấp đôi trong huyết quản, nỗi sợ của lần đầu gặp sói cũng tan biến.

0o0

Không một gợn gió trên bãi cỏ trong núi sâu, trời hanh khô, lạnh buốt.  Hai chân gần như cứng đờ, phía dưới bụng khí lạnh ngày càng đậm, giá có tấm đệm bằng da sói thì tốt.  Một câu hỏi loé lên bất chợt trong đầu, Trần Trận hỏi ông già: Bác bảo đệm da sói là ấm nhất, thợ săn và người dân ở đây săn được rất nhiều sói, mà sao cháu chẳng thấy nhà nào dùng đệm da sói?  Ngay cả dân chăn ngựa ngày đêm nằm trên tuyết cũng không dùng?  Cháu chỉ trông thấy ở nhà Đansai có đệm da sói, còn thấy bố Đansai có đôi bao chân bằng da sói bên ngoài chiếc quần da dê, mặt có lông bên ngoài.  Ông nói ông quần da sói rất tốt cho những người bị thấp khớp.  Mặc được mấy tháng, cái chân ông trước đây luôn lạnh ngắt, bây giờ đã ra mồ hôi.  Bác ơi, bác gái cũng bị thấp khớp phải không, sao bác không may cho bác gái đôi bao chân như thế?

Ông già nói: Nhà Đansai thuộc dòng Mông Cổ đông bắc, quê cũ làm ruộng, có chăn nuôi tí chút.  Vùng đó người Hán đông nên theo phong tục Hán.  Đám dân ngụ cư này đã quên thần linh của người Mông Cổ, mất gốc rồi.  Họ cho người chét vào quan tài gỗ đem chôn, không để sói ăn, dĩ nhiên là họ dám ngủ đệm da sói, mặc quần da sói.  Trên thảo nguyên chỉ da sói lông sói là dày nhất, rậm nhất, chống rét tốt nhất, hai tầm da cừu chồng lên nhau không ấm bằng một tấm da sói.  Ông trời ưu ái loài sói, ban cho bộ lông chống rét.  Nhưng người Mông Cổ xưa nay không dùng da sói làm đệm vì kính trọng sói, không kính trọng sói không phải người Mông Cổ đích thực.  Người Mông Cổ thà chịu rét chứ không nằm đệm lông sói.  Nằm đệm lông sói là miệt thị thần linh Mông Cổ, mà như vậy thì linh hồn họ làm sao lên trời?  Cháu thử đoán xem, vì sao ông trời bảo vệ loài sói? 

Trần Trận đáp: Bác có nói sói là hộ thần của đồng cỏ mà!

Ông già nheo mắt cười: Đúng!  Trời là cha, đồng cỏ là mẹ.  Sói ăn thịt những sinh vật làm hại đồng cỏ, trời không bảo vệ sói sao được?

Đàn sói lại có những động thái mới.  Hai người vội chĩa ống nhòm về phía những con sói ngẩng cao đầu, nhưng chúng đã lại cúi xuống, nằm yên.  Trần Trận quan sát thật kỹ những co sói trong đá cỏ cao, nhưng không nhìn rõ chúng đang làm gì.

Ông già đưa chiếc ông nhòm đơn cho Trần Trận để cậu ghép chúng lại, quan sát nguyên chiếc.  Chiếc ông nhòm quân dụng này là của Liên Xô, bội số cao, ông già nhặt được nơi xảy ra cuộc chiến Xô - Nhật cách đây hơn hai mươi năm.  Thảo nguyên Ơlon nằm ở vị trí phía tây nam dãy Đại Hưng Yên, chính bắc Bắc Kinh, tiếp giáp với Mông Cổ, là chiến trường cũ giữa các dân tộc, các bộ tộc du mục, và cũng là nơi tranh chấp giữa các dân tộc du mục với dân tộc nông canh.  Trong thế chiến thứ hai, cách biên giới không xa, nơi đây từng xảy ra trận kịch chiến trên quy mô lớn giữa hồng quân Liên Xô và quân đội Nhật.  Cuối thế chiế thứ hai, nơi đây cũng là con đường tiến quân của quân đội Xô - Mông đi đông bắc.  Đến nay, ở Ơlon vẫn còn vết xe tăng như một con mương cạn, và những xác xe tăng, xe bọc thép Liên Xô.  Người dân ở đây hầu như đều có một vài thứ của Liên Xô như lưỡi lê, bi đông, xẻ quân dụng, mũ sắt, ống nhòm.  Chiếc xích dài Caxumai dùng để xích bê con là xích chống lầy của xe com măng ca Liên Xông.  Trong các đồ quân dụng đó, người Mông Cổ yêu thích nhất là ống nhòm, nay đã trở thành công cụ sản xuất chủ yếu trên thảo nguyên.

Dân du mục Ơlon thích tách ống nhòm đôi thành hai ống đơn, vừa thu gọn thể tích, vừa tiện mang xách và sử dụng bền gấp đôi.  Họ rất quý những gì họ chưa làm được.  Dân du mục Mông Cổ mắt tinh lắm, nhưng không tinh bằng sói.  Chỉ cần ống nhòm đơn cũng nhìn xa hơn sói rồi.  Ông già Pilich nói, từ khi có ống nhòm, người ta săn được nhiều hơn, ngựa lạc tìm thấy cũng dễ.  Nhưng ông già lại nói, ông cảm thấy ánh mắt sói cũng sắc sảo hơn trước kia.  Nếu mình dùng ống nhòm quan sát sói từ xa, có khi nhìn thấy con sói cũng đang nhìn mình không chớp.

Trần Trận ở với ông già được nửa năm, một hôm ông lấy từ đáy hòm một chiếc ống nhòm đơn cho cậu.  Chuyện này khiến con trai ông hơi bực, vì chiếc ống nhòm của Batu là hàng nội.  Cái ông nhòm Liên Xô này tuy rất cũ nhưng độ phóng đại lớn, ống kính vẫn tốt nguyên tuy vỏ ngoài đã rỗ lấm tấm.  Trần Trận thích mê, dùng vải điều bọc cẩn thận, cất kỹ, chỉ khi đi tìm bò lạc giúp bạn, cậu mới đem theo.

Trần Trận dùng ống nhòm sục sạo bãi sân.  Được vũ trang bằng cặp mắt người đi săn này, máu săn tiềm ẩn trong người cậu được dịp trỗi dậy.  Tổ tiên của tất cả mọi người là thợ săn.  Đó là vai diễn đầu tiên của nhân loại trên thế giới, và cũng là vai diễn lâu đời nhất. Trần Trận nghĩ, mình từ cái nơi phát triển nhất là Bắc Kinh về nơi thảo nguyên hoang dã nhất này, sao mình không tiếp tục sống cuộc sống hoang dã để nếm lại cái thi vị được sắm vai diễn nguyên thuỷ của nhân loại.  cậu thấy đến bây giờ thuộc tính săn bắn của cậu mới được đánh thức thì quá muộn.  Cậu rất buồn khi thấy mình là hậu duệ của bộ tộc nông canh.  Các tộc nông danh trong khoảng thời gian mấy chục đời, thậm chí hàng trăm đời ăn rau ăn cỏ, trở nên nhát như cừu, mất đi từ lâu dòng máu du mục Viêm Hoàng, không những máu săn không còn, trái lại, trở thành đối tượng săn đuổi của các cường quốc.

Đàn sói chưa có dấu hiệu hành động.  Trần Trận gần như hết kiên nhẫn trước tính nhẫn nại của đàn sói.  Câu hỏi ông già:  Đàn sói hôm nay có ý định bủa vây hay thôi hả bác?  Phải chăng chúng đợi đến tối mới hành động?

Ông già nói khẽ: Đánh trận mà không kiên nhẫn thì làm sao thắng?  Thành Cát Tư Hãn chỉ một dúm kỵ binh làm sao đánh bại trăm vạn quân Kim, chiếm mấy chục nước?  Con sói không chỉ dựa vào sức mạnh, mà còn phải biết kiên nhẫn.  Kẻ thủ đông đến mấy, mạnh đến mấy cũng có lúc hớ hênh.  Con ngựa to đùng mà hớ hênh thì cũng bị con sói con ăn thịt.  Không kiên nhẫn thì không phải sói, muốn hiểu Thành Cát Tư Hãn thì trước hết phải kiên trì mai phục ở đây.

Thấy ông già có vẻ không bằng lòng, Trần Trận không dám hỏi gì thêm, cố rèn cho mình tính kiên nhẫn.  Cậu chĩa ống nhòm vào một con sói mà cậu đã quan sát nhiều lần.  Nó nằm im một chỗ, rất lâu không đổi tư thế.

Giọng ông già đã dịu đi: Cậu đã đoán ra sói đang đợi cái gì chưa?  Trần Trận lắc đầu.  Ông già nói: Sói đang đợi dê vàng ngủ gật sau khi ăn no.

Trần Trận sững người, vội hỏi: Sói thông minh đến thế hở bác?  Nó biết đợi dê vàng không chạy được mới ra tay?

Ông già nói: Người Hán các cậu không hiểu gì về sói, sói tinh vi hơn con người.  Tôi hỏi cậu: Một mình con sói gộc có bắt được một con dê gộc không?

Trần Trận nghĩ một thoáng, trả lời: Phải ba con.  Hai con đuổi, một con đón đầu thì mới bắt được.  Một chọi một thì bắt không nổi.

Ông già lắc đầu: Cậu tin không, một con sói lợi hại, có thể một mình bắt dê vàng ngon ơ.

Trần Trận ngạc nhiên nhìn ông già: Bắt kiểu nào hở bác, cháu nghĩ không ra.

Ông già nói: Sói có một tuyệt chiêu để bắt dê vàng.  Ban ngày, con sói chỉ canh chừng một con dê vàng, chưa đụng vội.  Đêm đến, con dê tìm một chỗ khuất gió có cỏ dày nằm ngủ.  Lúc này sói chưa bắt nổi dê vì khi ngủ, mũi và tai dê không ngủ, hễ có động là dê chạy liền, sói đuổi không kịp. Cả đêm sói không động thủ, phục một quãng xa mà đợi.  Sáng ra, sau một đêm bàng quang dê đầy căng nước tiểu, đúng khi ấy, sói xông lên.  khi chạy dê không đái được, chỉ một quãng là bọng đái bị vỡ, chân sau lập tức bị chuột rút, không chạy được nữa.  Cậu xem, dê vàng chạy nhanh là thế mà cũng có lúc chạy không được.  Những con sói dày kinh nghiệm biết đó là lúc có thể vồ được dê.  Chỉ những con dê tinh khôn nửa đêm rời chỗ nằm rất ấm đái bớt đi một nửa thì lúc này mới chạy kịp.  Dân Ơlon thường dậy rất sớm cướp lấy con dê từ miệng sói.  Mổ ra, bụng dê đầy nước đái.

Trần Trận nói: Trời ạ, có đánh chết cháu cũng không nghĩ ra lại có chuyện ấy.  Quả là kiên trì!  Mà người Mông Cổ quả ranh ma!

Ông già cười khà: Thì đã hẳn, học trò của sói mà lại!

Phần lớn những con dê vàng đã ngẩng đầu lên, cái bụng lại càng to vì cả đêm không đái.  Có con no quá phải choãi chân mà đứng.  Ông già dùng ống nhòm quan sát hồi lâu, nói: Dê không hoạt động nữa.  Sói sắp ra tay rồi!

Trần Trận cuống lên.  Đàn sói đã lặng lẽ khép vòng vây.  Ba mặt đông, bắc, tây là sói, còn mặt nam thì là một cái dốc.  Trần Trận đoán phỏng bên kia dốc hẳn có một số sói đợi sẵn.  Khi đàn sói tổng công kích, đám sói này đón lõng, cùng với những con trên tuyến bao vây hạ sát đàn dê.  Cậu thường nghe mục dân nói những con sói thường vây bắt dê bằng cách này.  Cậu hỏi: Đàn sói đón lõng phía sau có bao nhiêu con, hả bác?  Nếu ít quá chẳng bắt được mấy con.

Ông già cười hóm: Phía sau dốc không có con sói nào hết.  Sói chúa không sai một con nào ra phía ấy.

Trần Trận vô cùng băn khoăn: Vậy thì chúng bao vây kiểu gì?

Ông già cười khẽ: Thời tiết này, địa hình này, vây ba mặt bắt được nhiều hơn bốn mặt.

Trần Trận nói: Cháu vẫn chưa hiểu sói còn mánh khoé gì nữa.

Ông già nói: Phía sau dốc là một hồ tuyết khổng lồ.  Cái đèo chênh chếch trước mặt kia rất hút gió.  Khi bạch mao phong thổi tới, tuyết trên đèo bị thổi bay xuống chỗ đất trũng đó, trwof thành cái hồ, không phải hồ nước, mà là hồ tuyết, rất kín gió, tuyết rất sâu, ven bờ cũng đã ngang thắt lưng, vào giữa lút con sào.  Lát nữa, sói từ ba phía dồn dê vàng qua dốc, cậu sẽ biết sói bao vây kiểu gì.

Trần Trận mắt tối sầm như rớt xuống một cái hang sâu đầy tuyết.  Cậu nghĩ, giả sử mình là kỵ binh Hán xâm nhập thảo nguyên, mười mươi là không nhìn ra âm mưu và cái bẫy này.  Cậu lờ mờ hiểu ra nguyên nhân vì sao đại tướng Từ Đạt triều Minh bên này cửa quan thì đánh đâu thắng đó, nhưng khi đánh sang thảo nguyên thì quân sĩ không còn một mống.  Còn một vị đại tướng triều Minh nữa, họ Khưu tên Phúc dẫn mười vạn đại quân đánh sang thảo nguyên Mông Cổ, đến tận sông Khơluluan, nhưng cuối cùng thân cô thế cô, trúng kế mà chết, quân sĩ của ông ta rối loạn, bị kỵ binh Mông Cổ bắt sống.

Ông già nói, đánh trận thì sói thông minh hơn người.  Người Mông Cổ săn bắt, bủa vây, đánh trận đều học từ sói.  Bên đất người Hán không có những đàn sói lớn, nên người Hán không giỏi trận mạc.  Đánh giặc mà chỉ dựa vào đất rộng người đông thì không ăn thua.  Thắng hay bại còn phải xem anh là sói hay là cừu...

Đột nhiên, đàn sói bắt đầu tổng công kích.  Hai con sói gộc phục mãi tận cùng phía tây dưới sự chỉ huy của con sói chúa ức trắng, nhanh như chớp chạy lên chiếm lĩnh mỏm đồi gần đàn dê vàng nhất, rõ ràng đây là khoảng đất trống cuối cùng, chiếm được mỏm đồi, vòng vây hình thành.  Hành động của nhóm sói này như phát súng lệnh cho cả ba mặt xuất kích, những con sói nấp sau những bụi cỏ vọt lên, tấn công đàn dê từ ba phía đông, tây, bắc.  Trần Trần chưa bao giờ trông thấy một cuộc tiến công hãi hùng đến thế.  Đội quân của người khi tiến công thì hò hét trợ oai, đàn chó khi xung phong thì sủa ăng ẳng để tăng thanh thế.  Nhưng đso chẳng qua là sủa, không một tiếng gầm gừ, và nỗi kinh hoàng hiện lên trong mắt, trong tim, trong gan người và động vật do sự xuất hiện của sói vì nó đi đôi với những gì tàn nhẫn nhất.

Mấy chục con sói chạy băng băng trên đồng cỏ như những quả ngư lôi có hàm răng sói nhọn hoắt, rẽ nước xông tới đàn dê.

Những con dê bụng lặc lè, đứng không vững.  Tốc độ là thứ vũ khí mà dê dùng để đối phó với sói.  Một khi không còn tốc độ, dê chẳng khác con cừu hoặc một súc thịt cừu.  Trần Trận nghĩ, đàn dê sợ sói hơn cậu lần đầu gặp sói.  Phần lớn đàn dê đã sợ vỡ mật, hồn vía lên mây.  Một số đứng đực ra, run lẩy bẩy.  Một số ngã lăn, thè lưỡi, cái đuôi ngắn tũi giật giật.

Trần Trận quả được một bài học thế nào là trí tuệ, sự kiên triwf, tính tổ chức kỷ luật của sói thảo nguyên.  Nhịn đói nhịn khát, kiên nhẫn đợi một trận chiến dễ gì đã gặp, đàn sói đã nhẹ nhàng tước vũ khí của lũ dê.

Một ý nghĩ loé trong đầu Trần Trận: Nhà quân sư vĩ đại Thành Cát Tư Hãn một chữ bẻ làm đôi không biết, và những tướng lĩnh Khuyển Nhung, Hung Nô, Khiết Đan, Đột Quyết, Mông Cổ mù chữ hoặc mù chữ một nửa, mà lại giỏi hơn cả cường quốc Hoa Hạ có trong tay "binh pháp Tôn Tử" lừng danh thế giới, đánh cho cường quốc này điên đảo càn khôn.  Thì ra họ có người thầy vĩ đại, một huấn luyện viên tài ba  về quân sự là sói.  Họ được kiến tập những trận chiến đấu trên thực tế, họ có thực tiễn chiến đấu lâu đời với đàn sói.  Trần Trận cảm thấy chỉ vài giờ quan sát mà thu lượm được nhiều hơn mấy năm học binh pháp Tôn Tử và Clausowist.  Nó tác động rất nhiều đến tính cách và linh hồn người đọc.  Từ nhỏ, cậu đã mê lịch sử, những muốn làm rõ một trong những vấn đề tồn nghi của lịch sử: Một dân tộc Mông Cổ bé nhỏ nhưng đã dựng nên một đế quốc vĩ đại trải dài từ Á sang Âu trong lịch sử nhân loại.  Vậy tài năng quân sự của họ từ đâu mà có?  Cậu không chỉ một lần hỏi ông già Pilich.  Ông già tuy không bằng cấp, nhưng hiểu nhiều biết rộng, ông dùng phương thức giảng dạy rất nguyên thủy mà cũng rất hiện đại, giải đáp cho cậu.  Trần Trận đâm ra kính nể sói thảo nguyên và các dân tộc thảo nguyên sùng bái tôtem sói.

Cuộc chiến và kiến tập vẫn tiếp tục.

0O0

Cuối cùng, đàn dê buộc phải khởi động.  Chỉ những con dê già nhiều kinh nghiệm trận mạc và con dê đầu đàn là cưỡng lại được mùi thơm hấp dẫn của cỏ tươi mùa đông mà chỉ ăn lửng dạ, giờ đây theo bả năng chạy về phía con dốc không có sói, cuốn theo gần như cả đàn.  Bụng lặc lè, chân đạp tuyết, lại leo dốc, số phận những con dê thật thê thảm.  Đúng là một cuộc tàn sát, và cũng là sự trừng phạt của trí tuệ đối với ngu xuẩn.  Theo quan điểm của ông già Pilich, sói đang thay trời hành đạo, đang làm một việc thiện cho thảo nguyên.

Đàn sói không thèm để ý những con dê no vỡ bụng, không đánh mà tự thương.  Sói xông thẳng vào những con to nhất cắn đứt họng, máu tươi vọt lên trời, tung toé trên mặt cỏ.  Không khí lạnh ngắt đẫm mùi máu.  Đàn dê thị giác, khứu giác cự kỳ mẫn cảm, trông thấy cái trò giết gà dọa khỉ sợ quá cố sống cố chết chạy lên dốc.  Vài con đực dẫn đầu một số con lên đến đỉnh dốc đột nhiên dừng lại, xoay tròn như đèn kéo quân, không con nào dám nhảy xuống.  Rõ ràng là chúng đã cảm thấy mối nguy hiểm đang chờ đợi trên mặt tuyết phẳng lì, không một ngọn cỏ nhô lên.  Cũng vậy, những con dê già lập tức nhận ra quỉ kế của đàn sói.

Đột nhiên, đàn dê dày đặc trên đỉnh dốc bỗng chạy ngược trở lại, ầm ầm như đá chạy cát bay.  Mười mấy con đực linh cảm thấy mối nguy rình rập cả hai phía, chúng chọn phía ít nguy hiểm hơn để phá vây.  Chúng nổi khùng bất kể sống chết, quyết đối đầu với lũ sói.  Tốp năm tốp ba, vai ken vai bụng ken bụng, cắm đầu chĩa những cặp sừng nhọn hoắt như mũi xà mâu, nhằm đàn sói xông tới.  Những con dê còn khả năng chạy vội vàng theo sau.  Trần Trận biết cặp sừng của dê vàng rất lợi hại.  Mục dân dùng nó làm dùi khâu đồ da, đột lỗ, dày như da bò cũng xuyên thủng chứ nói gì da sói.  Những cặp sừng nhọn hoắt của dê vàng lập tức tỏ ra công hiệu, vòng vây của đàn sói bị vỡ, một làn sóng màu vàng ùa ra chỗ đó như vỡ đê.  Trần Trận cuống lên, chỉ sợ đàn sói mất công toi.  Nhưng cậu nhìn thấy con sói chúa đã đứng ngay bên cửa khẩu, tư thế đĩnh đạc y hệt người gác đập mở cửa xả bớt nước khi thấy cơn lũ quá lớn, con đập chứa không hết.  Khi những con dê có sừng và còn có sức chạy ra ngoài vòng vây, sói chúa cùng lũ sói lập tức bị chặt cửa khẩu.  Lúc này, trong vòng vây chỉ còn lại một lũ đần độn không còn khả năng chạy, không vũ khí, không đầu óc.  Trước sự tấn công của đàn sói, đám dê ô hợp đã mất con đầu đàn, hoảng sợ chạy trở lại đầu dốc và tất cả nhào xuống hồ tuyết.  Trần Trận hoàn toàn có thể hình dung những con dê chân mảnh bụng lặc lè, kết cục sẽ như thế nào.

Đàn dê vàng và đàn sói đều mất hút tại đường chân trời, nơi tiếp giáp giữa trời và núi.  Chiến trường rầm rập hàng ngàn tiếng chân chạy và máu me vung vãi, bỗng lặng ngắt.  Trên bãi cỏ bảy tám xác chết, mấy con bị thương đang giãy giụa.  Trận đánh từ lúc phát lệnh tổng công kích đến khi kết thúc, chỉ diễn ra trong vòng mươi phút đồng hồ.  Trần Trận nín thở theo dõi, nhiều lúc thót tim.

Ông già đứng dậy vươn vai rồi ngồi xếp bằng tròn sau đám cỏ rậm, lấy trong túi Mông Cổ chiếc tẩu chạm ngọc lục, nhồi thuốc, châm lửa, nén tàn thuốc bằng cái nắp làm từ đồng bạc trắng, rồi rít một hơi dài.  Trần Trận biết bộ đồ hút này ông già đã đổi bằng hai mươi tấm da cáo cho một thương lái người Hán chuyên đánh hàng sang Mông Cổ.  Các thanh niên trí thức kêu đổi vậy quá đắt, nhưng ông già mê chiếc tẩu, không kể đắt rẻ.  Ông còn bảo, người đi buôn cũng lắm gian nan, đường xa dặm thẳm, lỡ gặp cướp thì ngay cả tính mạng chưa chắc đã còn, kì kèo với người ta làm gì.

Rít liền mấy hơi, ông già nói: Hút xong tẩu  thuốc này ta về.

Trần Trận đang cao hứng, vội nài: Sao không sang bên kia dốc xem sói đã dồn được bao nhiêu con mồi xuống đó?

Chỉ có hai người mà cậu dám sang đó?  Ông già nói: Hỏi vậy thôi, không sang cũng biết.  Tối thiểu vài trăm con.  Ngoài những con còn nhỏ, gầy gò, những con may mắn chạy thoát, số còn lại đều chầu trời.  Cậu đừng sốt ruột, đàn sói ăn không hết bao nhiêu, cả tổ mình đến lấy vẫn không hết.

Vì sao những con nhỏ hoặc gầy lại thoát hả bác?  Trần Trận hỏi.

Ông già hấp háy mắt: Nhỏ và gầy thì nhẹ, mặt băng không vỡ nên chạy thoát.  Sói cũng không dám đuổi theo.  Ông lại cười: Bây giờ cậu đã thấy sói lợi hại chưa?  Sói không những canh gác đồng cỏ, mà còn tặng quà Tết cho ta.  Năm nay thì ta có cái Tết tươm rồi.  Trước đây, moi lên được bao nhiêu dê vàng đều phải nộp cho mục chủ.  Sau ngày giải phóng, dân  được hưởng tất.  Ơlon có quy định, ai trông thấy thì người ấy được lấy.  Ngày mai các cậu nên lấy nhiều nhiều một tí, bọn mình trông thấy đầu tiên mà!  Người Mông Cổ rất coi trọng tình nghĩa, từ nay các cậu và những người Hán khác chớ có nằng nặc đòi giết hết sói nữa nhé.

Trần Trận sướng quá, những muốn chắt đầy ngay một xe dê vàng kéo về.  Cậu nói: Về thảo nguyên đã hai năm khổ vì sói, không ngờ bây giờ lại có lộc do sói đem lại.

Ông già Pilich nói: Người Mông Cổ kiếm được từ sói nhiều thứ.  Cầm roi chỉ ngọn núi xa xa, ông nói tiếp: Dãy núi đó vẫn thuộc địa phận mục trường ta, rất nổi tiếng.  Nghe người già kể lại, một tướng của Thành Cát Tư Hãn là Muhoali đã lừ được mấy nghìn quân kỵ của Đại Kim sa xuống trũng tuyết ở đó.  Mùa xuân năm sau, Khan cho người đi thu nhặt chiến lợi phẩm, đao thương cung kiếm, giáp trụ yên cương chất cao như núi.  Chẳng phải học từ sói đó sao?  Cậu đếm thử mấy chục trận đại thắng của người Mông Cổ mà xem, trong đó quá nửa là học cách đánh của sói.

Trần Trận gật đầu lia lịa: Quả vậy. Con trai út Thành Cát Tư Hãn là Thác Lôi chỉ huy chiến dịch Tam Đảo ở Hà Nam, chỉ dùng hơn ba vạn kỵ binh mà tiêu diệt hai mươi vạn kỵ binh Đại Kim.  Sau trận đó, nhà Kim diệt vong.  Thác Lôi lúc đầu thấy quân Kim mạnh, không ra ứng chiến.  Cũng như sói, ông ta đợi khi tuyết xuống liền dẫn quân đi ẩn nơi ấm áp, đợi miết cho đến khi quân Kim người ngựa ốm đau quá nửa mới kéo quân tới bao vây.  Thác Lôi cũng như đàn sói này, không dùng gươm đao, mà dùng bão tuyết diệt địch.  Mưu mẹo ấy, đức kiên trì ấy, đởm lược ấy y như sói.  Thực ra, kỵ binh Nữ Chân của Đại Kim đâu phải đồ bị thịt, họ đã tiêu diệt Đại Liêu và Bắc Tống, chiếm được một nửa Trung Quốc, bắt sống hai Hoàng Đế Trung Quốc!  Thác Lôi chỉ vài vạn kỵ binh mà dám đánh một trận bao vây lớn như thế.  Binh thư Trung Quốc có nói, vây đánh thì quân số phải đông gấp mười.  Kỵ binh Mông Cổ lợi hại như sói, một chọi trăm.  Cháu quả thực phục sát đất.  Đương thời cả thế giới cũng rất khâm phục...

Ông già gõ gõ cái tẩu, cười: Cậu cũng biết trận ấy hả?  Nhưng đoán chắc là cậu không biết chuyện trận ấy tuyết rơi ba ngày ba đêm là vì sao?  Đó là trời ủng hộ.  Pháp sư Bồ Man của quân Mông Cổ cầu trời cho tuyết rơi xuống.  Kim là kẻ thù lớn của Thành Cát Tư Hãn, vua nhà Kim cùng với kẻ đồng lõa là Tháp Tháp giết Éucai, bố đẻ Thành Cát Tư Hãn, giết cả chú ruột Thành Cát Tư Hãn Anbacai.  Họ chết rất thảm.  Đánh thắng trận này, người Mông Cổ mới hả dạ.  Cậu xem, chẳng phải ông trời luôn luôn đứng về phía sói đấy ư.  Ông già cười khà, như nếp nhăn hằn rõ trên mặt nhưng dính nhưng sợi lông cừu.

Hai người đi về khe núi phía sau, con ngựa ô trông thấy chủ gục gặc đầu mừng rỡ.  Mỗi lần gặp con ngựa đã cứu sống mình, Trần Trận lại xoa đầu nó tỏ ý cảm ơn.  Nhưng chính lúc đó Trần Trận lại nảy ra một ý muốn khó cưỡng là xoa đầu con sói.

Hai người cởi thừng buộc chân ngựa, lên yên, chạy nước kiệu về nhà.

Ông  già ngẩng đầu nhìn trời, nói: Đúng là trời phù hộ chúng ta, ngày mai không có bão tuyết.  Nếu đêm nay bạch mao phong tràn về thì một con cũng không còn.