- Đường từ đây tới đó tuy chỉ khoảng chục cây số, nhưng đi bộ thì phải mất nửa ngày, mà giờ đã quá ngọ rồi, e rằng công tử đi chưa đi tới nơi đã bị...
Ông ta ngừng ngang câu nói khiến Lý hơi thắc mắc:
- Phải chăng bác muốn nói dọc đường nguy hiểm?
Trầm ngâm một lúc, ông cụ gật đầu:
- Còn hơn cả nguy hiểm nữa! Cậu đã có nghe chuyện người bị hổ vồ chưa?
Lý cười:
- Tưởng gì, chuyện đó thì miền núi nào chẳng có. Nhưng bác yên tâm, cháu có mang theo hai chiếc móng hổ, loại hổ tinh mà dân ở miền núi có được, chính là ông thầy mo trong bản thượng đã tặng cho cháu và bảo rằng hổ bình thường mà nhìn thấy ắt phải tránh xa!
Vừa nói Lý vừa vạch cổ áo ra, khoe hai cái móng cọp đã lên nước bóng. Ông già khẽ lắc đầu:
- Không ăn thua gì đâu. Hoặc có tác dụng thì cũng hạn chế thôi. Theo ta biết có nhiều người đeo móng hổ vẫn bị hổ vồ như thường.
Lý không cãi, thật ra anh cũng không tin vào tác dụng của hai chiếc móng hổ lắm, chẳng qua do cần phải đi gấp tới nơi, đó là cái đồn điền của một người bạn chí thân, mà vừa rồi anh hay tin bạn mình bị bệnh quá nặng, cần có người tới giúp đỡ.
Thấy Lý quá muốn đi, ông cụ đưa cho anh một cái bọc nhỏ và dặn:
- Tôi tặng cậu vật này, nó là nhúm lông đuôi hổ, nó có tác dụng hơn mấy cái móng nhiều, bởi nó đã được làm phép. Thôi, chúc cậu lên đường bình an, khi trở về nếu có dịp ghé nhà lão chơi.
Lý cám ơn ông rồi lên đường ngay. Do không có đường xe nên Lý phải vác ba lô đi bộ. Cũng may đã từng hoạt động đoàn hướng đạo nên Lý đi bộ vừa nhanh vừa không thấy mệt. Anh tính, cứ đi theo tốc độ ấy thì anh sẽ tới đồn điền của bạn trước lúc trời tối. Mà thậm chí, nếu có lỡ đường thì anh cũng có thừa khả năng mắc võng ngủ trên cây để chờ sáng đi tiếp.
Đi được hơn một giờ thì nhìn xa xa Lý thấy một dòng sông, anh nhớ lời bạn dặn là đồn điền nằm bên bờ dòng sông lớn, Lý buột miệng:
- Mình đi dọc sông này thì sẽ tới nơi thôi!
Ước tính mình đã đi được hơn nửa đường, Lý tự hài lòng và định dừng chân ở gốc cây cổ thụ phía trước mặt để nghỉ chân và uống nước, nhưng đúng lúc đó anh chợt nhìn thấy có làn khói xanh bốc lên từ phía trước mặt, khá gần, anh lẩm bẩm:
- Khói này là khói bếp, như vậy là có nhà người ở, may quá!
Anh đi nhanh về phía đó và quả nhiên Lý nhìn thấy một túp lều bên đường.
Nhà tuy nhỏ nhưng khá khang trang, khác với những lều tạm bợ của cánh thợ rừng che để trú chân. Và quan trọng hơn là hình như có người ở!
Vừa tính cất tiếng hỏi thì chợt Lý nghe có nhiều tiếng roi vọt quất vào vật gì đó phía sau nhà, kèm theo là tiếng một phụ nữ lớn tuổi quát lên từng hồi:
- Cho mày chừa! Cho mày bỏ cái tính ngang ngạnh nè!
Ai đó bị đánh đòn! Lý lắc đầu ngao ngán, tự nhủ:
- Ở giữa chốn thâm sơn cùng cốc này mà vẫn còn có roi vọt với nhau, nghĩ cũng lạ...
Anh bước vào hiên nhà, thấy có mấy cái bàn và hơn chục chiếc ghế, anh chợt hiểu, nơi đây là một quán bên đường! Thì ra là vậy...
Lúc ấy, tiếng roi quất càng mạnh và đến lúc ấy anh mới nghe tiếng người bị đòn ré lên, kêu van.
- Một cô gái!
Qua giọng van xin Lý biết đó là một cô gái, anh bức xúc và không kiềm chế được, đã xông đại vào nhà, đi thẳng đến chỗ phát ra tiếng roi quất. Trước mắt Lý là một cô gái tuổi khoảng mười lăm mười sáu, quần áo tả tơi, đang bị đè xuống đất và chịu những làn roi vút xuống thẳng tay! Một hình ảnh mà Lý không tài nào chịu được, anh quát lớn:
- Sao đánh người dã man đến vậy? Người chứ có phải là vật đâu!
Anh lao tới lấy thân mình đỡ những đường roi đang vụt xuống. Người đánh đang điên tiết nên không kịp dừng tay, đã quất thẳng vào người Lý mấy roi liền rồi mới chịu dừng lại:
- Ơ, cái anh này, ai cho phép anh...
Người vừa nói là một phụ nữ tuổi trung niên, người đang cầm roi. Bà ta trợn mắt nhìn Lý như nhìn con quái vật. Lúc ấy, Lý cũng đã nổi cáu bởi thấm cái đau của mấy roi vừa rồi, anh gắt lên:
- Sức tôi mà còn chịu không nổi roi của bà, sao lại đánh một người yếu đuối thế này?
Bà ta cất giọng đanh ác:
- Con ta, ta đánh mắc mớ gì anh! Mà sao anh tự tiện xông vào nhà người khác mà không được phép vậy?
Lúc này Lý mới đứng thẳng lên, phân trần:
- Tôi là khách qua đường, nghe có người bị ức hiếp nên không đành làm ngơ. Mà cô gái này tội gì để bị đòn đến nông nỗi này?
Lúc này bà ta mới chịu buông roi, nhưng vẫn nghiến răng hăm he:
- Lần sau tao sẽ đánh gấp đôi!
Rồi bà ta bỏ ra nhà ngoài, hầu như không quan tâm gì đến sự có mặt của khách lạ. Lúc ấy Lý mới quan sát kỹ cô gái bị đòn, tuy quần áo rách bươm, mặt mũi lấm lem và tóc tai bù xù, nhưng vẫn lộ ra đó là một cô gái có nhan sắc...
Vừa khi ấy, cô nàng vụt lên tiếng:
- Khách quan hãy mau mau ra nhà trước đi, không thì em sẽ bị đòn thêm!
Lý muốn hỏi thêm, nhưng lúc ấy đã nghe tiếng oang oang của bà chủ quán:
- Uống nước mà không ngồi ghế ở trước này, ra nhà sau làm gì thế?
Lý đành phải bước trở ra. Anh phải giải thích thêm:
- Tôi xin bà, cô ấy là con gái mà, có roi vọt thì cũng là tượng trưng thôi, đánh kiểu vừa rồi thì hổ cũng chịu không nổi, nữa là...
Câu nói của Lý khiến bà chủ quán quắc mắt nhìn anh như muốn phản ứng gì đó, nhưng có lẽ kịp dừng. Chỉ nghe bà ta ''hừ'' lên một tiếng trong họng rồi ngoe nguẩy bỏ đi. Lý phải gọi:
- Cho tôi bình trà ngon, mấy cái bánh ngọt.
Mụ ta nói vọng ra:
- Ở đây chỉ có trà xanh chớ làm gì có trà ngon. Còn bánh thì chỉ có bánh nếp ăn no bụng thôi!
Lý bảo:
- Cũng được!
Anh uống một bình trà xanh mà cảm thấy ngon như uống trà sen trà lài.
Riêng hai cái bánh nếp thì tuy đã nguội, có lẽ hàng hôm qua còn tồn lại, nhưng do đói nên Lý ăn một hơi hết sạch và còn cám ơn rối rít:
- Cám ơn bà chủ đã cho ăn uống ngon. Lúc nãy có mạo phạm thì xin bà bỏ qua cho...
Bấy giờ bà ta mới dịu giọng:
- Cũng chẳng qua là dạy con mà thôi. Công tử thấy không, thân con gái ở giữa nơi thâm sơn này, nếu không quản lý chặt, để cho tự do ra ngoài giao du thì làm sao giữ nổi thân! Tôi là mẹ mà...
Nghe bà ta nói vậy Lý cũng cảm thông, anh thật lòng khuyên:
- Dẫu sao cô ấy cũng là con gái, mà roi vọt như vừa rồi là không nên. Cháu là người dưng, nhưng cám cảnh cô ấy, nên xin với bà nương nhẹ tay cho. Cháu ở trong đồn điền, nếu có dịp cháu sẽ ra đây nhờ bà và cô ấy giúp cho nhiều việc.
Người đàn bà tỏ vẻ mừng vui:
- Công tử ở gần đây thì tốt quá! Hay là... công tử coi ai thì làm mai cho con nhỏ giùm, nó đã tới tuổi rồi...
Lý hứa cho qua chuyện chứ thật ra không quan tâm cho lắm:
- Cháu sẽ lưu ý...
Anh ăn uống xong thì từ giã, trước khi đi còn hỏi:
- Đây tới đồn điền trà còn bao xa nữa?
- Ở đây có ba đồn điền trà, nhưng lớn nhất là của nhà ông Đốc Lãnh. Vậy cậu hỏi đồn điền nào?
Lý reo lên:
- Chính là đồn điền của ông Đốc Lãnh. Bạn tôi ở đó!
Mụ ta tỏ ra rành chuyện:
- Con trai duy nhất của ông Đốc đang quản lý đồn điền đó. Anh ta đã chết ngày hôm qua rồi!
Lý rụng rời:
- Chết rồi sao? Trời ơi...
Anh đứng lên chuẩn bị đi, nghe vậy lại ngồi phịch xuống, người thẫn thờ...
Bà ta phải nhắc:
- Nghe nói cậu ấy không thân nhân bên cạnh, đang chờ người nhà từ thành phố tới, nếu đúng là cậu thì mau tới đi để còn lo hậu sự cho người ta!
Lý vừa bước đi mà đầu óc rối bời...
Lo xong ma chay rồi, Lý có muốn về cũng không về được. Bởi đồn điền đang mùa thu hoạch, mà không có người trông nom thì coi như cho không thiên hạ những gì là công sức của Vọng bỏ ra. Hơn nữa, đây còn là tài sản lớn, không thể bỏ mặc được. Cuối cùng Lý quyết định ở lại.
Đêm đầu tiên, Lý ngủ lại do phải tất bật lo chuyện hậu sự cho Vọng nên anh chưa thấy có gì khác thường. Qua đêm thứ hai, tức là sau khi chôn cất cho Vọng xong, vừa đặt lưng xuống là Lý đã ngủ say.
Có lẽ đến quá nửa đêm....
Bỗng bên tai Lý nghe như có người gọi! Anh choàng dậy thì rõ ràng còn nghe văng vẳng:
- Mình lạnh lắm, làm ơn...
Giống như tiếng của Vọng? Lý hốt hoảng bật dậy, nhảy ngay xuống giường và mở cửa sổ nhìn ra. Từ đó, tầm mắt của Lý có thể thấy khu đất chôn Vọng.
Đêm tối mịt mù...
Nghĩ rằng mình nghe lầm, nên sau một lúc quan sát, anh đóng cửa sổ lại, đi ngủ tiếp. Nhưng lần này thì tiếng người rõ hơn:
- Hãy giúp mình, hãy cứu cô ấy!
Đúng là tiếng của Vọng rồi! Lý gọi to:
- Vọng! Cậu ở đâu? Cậu còn sống phải không?
Không có hồi đáp. Lý mở tung cửa sổ vừa gọi lớn lần nữa:
- Vọng, mình tìm cậu đây!
Thấp thoáng xa xa sau rặng cây, Lý thấy như có một bóng người đang lướt đi rất nhanh. Không kịp suy nghĩ thêm, Lý nhảy qua cửa sổ rồi cứ theo cái bóng phía trước mà chạy. Cũng khá xa, cuối cùng anh đã đến trước ngôi mộ của Vọng. Mộ còn mới, không có dấu hiệu gì khác thường, nên Lý đứng lặng người một lúc rồi mới lên tiếng:
- Có phải cậu muốn nói gì không, Vọng? Mình đây mà…
Vẫn yên lặng như tờ...
Lý đành phải nói một mình:
- Mình nghĩ là cậu đang có chuyện gì đó muốn nói, mình nghe đây và hứa là sẽ làm tất cả cho cậu. Bây giờ chúng ta chỉ còn có nhau thôi mà, đừng ngại gì hết nghe Vọng!
Những lời nói thống thiết của Lý hình như có tác dụng, chợt có một luồng gió lớn thổi lên và trong phút chốc bụi bốc lên mù mịt chung quanh ngôi mộ.
Khi gió lặng, bụi tan thì thật ngạc nhiên, có một người ngồi xếp bằng trước mộ!
- Vọng!
Rõ ràng là Vọng, nhưng đúng hơn đó là xác của anh! Lý hốt hoảng:
- Sao thế này Vọng?
Lý bước tới, vừa chạm đến thì cái xác đã ngã lăn ra. Một bàn tay của Vọng nắm chặt một mảnh giấy. Lý cầm lấy mảnh giấy, nhưng trời tối quá không thấy được những chữ gì viết trên đó, anh thầm trách sao lúc nãy không cầm theo cây đèn pin. Bỗng từ đâu có đến vài chục con đom đóm bay tới, sà gần mảnh giấy, khiến cho Lý nhìn thấy khá rõ một dòng chữ trên đó: ''Mình không còn lo cho nàng được nữa, cậu hãy giúp nàng, cứu lấy nàng!''
Chữ viết là của Vọng!
Lý lúng túng chưa biết phải xoay sở ra sao với cái xác của Vọng, để lại đây và chạy về gọi người ra giúp có lẽ là giải pháp ổn nhất. Anh quyết định như vậy, nên chạy thật nhanh về trang trại. Có mấy người công nhân cất nhà ở gần đó, nên chỉ mấy phút sau Lý đã gọi được hai người cùng anh chạy trở ra, định khiêng xác Vọng vào nhà.
Nhưng ra đến nơi thì mọi người ngơ ngác:
- Xác đâu?
Lý nhìn chung quanh, soi đèn ngay đầu mộ nơi Vọng ngã nằm lúc nãy cũng chẳng hề thấy một chút dấu vết gì. Duy chỉ có mảnh giấy trong tay anh thì vẫn còn nguyên với dòng chữ mơ hồ ấy...
Không muốn mấy người kia hoang mang thêm, nên Lý tìm cách nói cho qua chuyện:
- Có lẽ tôi bị hoa mắt...
Anh cám ơn hai người hàng xóm rồi lững thững đi về với lòng nặng trĩu những suy nghĩ không lời giải...
Vừa đẩy cửa phòng bước vào, Lý đã phải khựng lại tròn mắt nhìn một người đang đứng giữa phòng!
- Cô là ai?
Thoạt nhìn cô gái lạ, Ly chưa nhận ra là ai, nhưng anh ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi... Cô nàng lên tiếng:
- Khách tới nhà mà không hoan nghênh sao?
Lý cau mày.
- Cô là...
Bất chợt nàng vạch một bên tay áo lên, chìa ra một cánh tay đầy những vết bầm tím, vừa hỏi:
- Cũng chưa nhận ra sao?
Lúc này Lý mới "ồ" lên:
- A, phải rồi!
Anh nhớ ra cô gái này chính là cô con gái bị đòn ở quán bên đường mấy hôm trước, nên hỏi lại:
- Cô ở chỗ quán phải không?
Nàng không đáp mà bước tới bên cửa sổ, nhìn ra hướng bóng đêm mịt mù, rồi chợt oà lên khóc! Lý hốt hoảng:
- Kìa, cô sao vậy?
Nhớ tới trận đòn anh đã chứng kiến hôm trước, Lý hỏi:
- Cô lại bị đòn nữa phải không?
Bất chợt, nàng vụt chạy ra ngoài. Lý gọi giật lại:
- Cô ơi!
Nhưng cô ta đã... biến nhanh vào đêm tối. Lý vừa ngỡ ngàng vừa lo sợ. Anh nhớ từ đây về chỗ ở của cô ta ít nhất cũng hai ba cây số, mà đường vắng, đêm khuya nữa...
Lại nhớ tới lời dặn của Vọng: "Hãy lo cho nàng, hãy cứu nàng!" Chợt Lý hiểu ra, anh kêu lên:
- Đúng nàng ta rồi!
Anh tức tốc chạy theo hướng về con đường mòn mà mình đã đi qua bữa trước, bất chấp hiểm nguy đang chờ đợi...
Và anh đã gặp nguy thật. Đang chạy, bỗng Lý nghe như có một tiếng lướt gió thật mạnh từ phía sau, và... cả người anh bị cuốn đổ về phía trước rồi ngất đi...
- Tưởng là không dậy nữa chứ!
Nghe giọng quen quen, Lý ngước nhìn và vô cùng sửng sốt khi thấy người đang ngồi ở cửa phòng lại chính là bà chủ quán bên đường! Bà ta không nhìn Lý nhưng rõ ràng là đang hỏi anh:
- Đi đâu mà giữa đêm khuya như vậy, bộ hết muốn sống rồi sao?
Lý bật dậy, khi nhớ ra cô gái:
- Cô ấy đâu rồi?
Sắc mặt người đàn bà đanh lại:
- Sao anh cứ chú tâm vào nó làm gì?
- Bà đã làm gì cô ấy rồi phải không?
- Nếu làm gì thì mắc mớ gì tới nhà anh?
Lý nói mà không cần giữ ý:
- Tôi nói thật, nếu bà làm gì cô ấy tôi sẽ không để yên! Bà là gì của cô ấy cũng mặc, nhưng không thể hành hạ người ta tàn nhẫn đến như thế!
Bỗng bà ta phá lên cười, giọng cười lanh lảnh giữa đêm khuya nghe mà lạnh cả người. Rồi bà ta quay vào trong gọi lớn:
- Ra đây cho anh chàng hung hăng vô lý này xem mặt chút coi?
Cô gái bước ra thái độ bình thản như chẳng có gì xảy ra. Cô ta đưa mắt nhìn Lý một cách dửng dưng khiến anh phải hỏi liền:
- Cô có làm sao không?
Nàng ta lại lẳng lặng quay vào trong mà không nói lời nào. Bây giờ bà chủ quán mới lên tiếng:
- Anh có thấy sự lố bịch của mình chưa? Thế nào, còn muốn làm gì nữa?
Rồi bà ta đứng lên, kể ơn:
- Nếu lúc nãy tôi không đem anh về đây thì cọp béo đã xé xác giữa rừng rồi? Đúng là điếc không sợ súng mà!
Bà ta lại bỏ vào trong nốt. Chỉ còn lại một mình Lý đứng đơn độc giữa căn phòng lạ. Một lúc sau, anh mới nhận ra phòng anh đang đứng là phòng của phụ nữ, bởi vài bộ quần áo máng ở móc đúng là của con gái. Như vậy...
Chưa kịp suy nghĩ gì hết thì đã nghe bên ngoài có tiếng vọng vào:
- Không ra uống một chút nước nóng cho tỉnh lại, định ở luôn trong giường của con gái tôi sao?
Lý bẽn lẽn bước ra. Lúc này anh thấy chính cô nàng lúc nãy tự tay rót chén trà nóng rồi đặt trên bàn, ý là mời khách. Tranh thủ lúc không có mụ kia ở đó, Lý hỏi khẽ:
- Cô có muốn nói gì không?
Nàng không đáp, chỉ nhẹ lắc đầu rồi quay đi. Chợt có tiếng đằng hắng phía sau:
- Phong tục xứ này nếu khách mà lén lút thì thầm với con gái chủ nhà thì sẽ bị cột ngoài gốc cây cho ma lai nó rút ruột đấy!
- Tôi chỉ...
Lý định giải thích thì cô gái đã rất nhanh biến mất vào trong. Rồi từ phút đó không hề thấy cô ta xuất hiện nữa. Chờ thêm một lúc, khi nhìn bên ngoài thấy trời đã sáng, Lý hỏi:
- Bà và cô ấy ở đây với ai?
Chỉ tay về phía vách nhà:
- Ở với vật đó!
Lý nhìn và phát hoảng, bởi trên vách treo một bộ da hổ còn nguyên vẹn, kể cả chiếc đầu đang nhe nanh!
- Bà... bà...
Thấy Lý lắp bắp, bà ta cười khẩy:
- Ở đây mà không đủ sức đương đầu với cọp beo thì chỉ có nước làm mồi cho chúng thôi!
- Chính bà đã...
Bà ta lại phá lên cười:
- Nếu không phải tôi thì ai vào đây? Mà cả con gái tôi nữa, nó cũng có thể...
Bà ta hàm ý đe doạ Lý, bảo anh ta đừng có ve vãn con gái mình? Lý hiểu ý, nhưng vẫn chưa yên tâm về cô gái, nên lại phải hỏi:
- Cô ấy đâu rồi, tôi muốn hỏi một chút....
Bà ta nhún vai rồi bỏ đi, vừa nói với lại:
- Để coi anh có tài gì làm nó nói chuyện thì hãy thử!
Bà ta rút luôn vào nhà sau, không trở lại nữa. Đã một lần xông vào đó nên Lý muốn liều lần nữa, nhưng lại không dám.
Mặt trời đã lên ngang ngọn cây mà Lý vẫn chưa chịu về. Anh quyết đợi để gặp cho được cô gái và chỉ hỏi một câu. Cô có quen với Vọng không?
Nhưng xem ra Lý đành phải thất vọng, vì lúc anh bước ra sân để đợi thì khi nhìn lại cửa quán đã đóng! Một cách để đuổi khách...
Không còn cách nào hơn, Lý đành phải quay về. Vả lại, anh còn phải xem lại chuyện cái xác của Vọng nữa...
Vừa thấy anh, hai người hàng xóm đêm qua đã nói ngay:
- Có một cô nào đó đang đợi anh trong nhà.
Lý ngạc nhiên:
- Ai vậy?
Họ lắc đầu:
- Không phải là người ở xứ này. Đầu tiên hỏi cậu Vọng, nhưng sau khi nghe nói cậu Vọng mất thì cô ấy lại hỏi anh. Có phải anh là Lý không?
Lý gật đầu:
- Lý là tôi.
- Vậy cậu mau vào tiếp khách đi. Hình như người thành phố.
Vừa bước vào Lý đã ngạc nhiên kêu lên:
- Phi Nga! Sao em biết nơi này?
Cô gái tên Phi Nga đứng lên nhìn Lý với cặp mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào:
- Sao anh Vọng chết mà chẳng ai báo tin cho em vậy? Nếu không nhờ...
- Vậy làm sao em biết tin mà về?
- Em mơ thấy Vọng chết!
Lý lại càng ngạc nhiên hơn:
- Em mơ thế nào?
- Nửa đêm, Vọng gọi em rõ như khi Vọng còn sống! Anh ấy đòi em phải trả lại cho anh ấy những gì em đã lấy mất! Mà em có lấy gì đâu? Chỉ có anh ấy lấy đi của em thì có...
Nói tới đó thì nàng bật khóc. Lý không quen nghe đàn bà khóc, anh sốt ruột:
- Em bình tĩnh nói cho anh nghe coi, chuyện gì?
Phi Nga cố ngăn xúc động:
- Anh Vọng đã lấy cả đời con gái của em, vừa qua lại phũ phàng tuyên bố huỷ bỏ hôn ước mà hai bên cha mẹ khi còn sống đã hứa với nhau. Anh xem, vậy ai mới là người phải trả nợ trong vụ này?
Lý thở dài:
- Bây giờ thì còn gì nữa mà trách móc. Vọng đã nằm xuống mà chính anh cũng không thể ngờ được, cậu ấy đâu có bệnh gì? Cũng không hề bị tai nạn, vậy chẳng hiểu sao chỉ trong một buổi chiều đã lăn ra chết mà không kịp trăng trối một lời!
- Em đã khuyên anh ấy rồi, ham sống chi ở chốn thâm sơn cùng cốc này, chỉ không may một chút là dẫn tới hiểm nguy ngay. Nhất là bị chứng khí, tà độc... biết đâu mà lường! Biết đâu anh ấy bị ai đó thư, ếm cũng không chừng!
- Em có vẻ rành?
Thấy Lý có vẻ dò xét mình, Phi Nga nhắc:
- Anh quên là trước đây em cũng từng có một đồn điền trà gần đây sao? Chính em đã chứng kiến nhiều chuyện rùng rợn, ly kỳ ở vùng này. Những điều đó còn ám ảnh em đến ngày nay.
Trong lời nói của Phi Nga có cái gì đó khiến Lý hơi ngạc nhiên:
- Từ ngày biết em qua Vọng đến nay, anh có nghe em nhắc tới chuyện em từng sống ở đồn điền bao giờ đâu?
Phi Nga nói một câu làm Lý giật mình:
- Chính anh Vọng không cho em kể!
- Vọng giấu cả anh?
- Em không biết, chỉ làm theo lời dặn của anh ấy thôi. Tụi em đã gặp nhau đầu tiên trên vùng đất này kia mà. Cho đến khi em về Sài Gòn...
Lý đứng lên:
- Em có muốn đi thăm mộ của Vọng?
Phi Nga lắc đầu:
- Trước khi ghé đây em đã ra thăm mộ rồi.
- Em biết mộ?
- Nhờ cái chú gì đó ở gần đây chỉ.
Lý hỏi trở lại chuyện Nga nói lúc nãy:
- Em nói Vọng về báo mộng bắt em trả lại cái gì đó, vậy là sao? Em có tin rằng đó chỉ là mộng mị, hay chuyện có thật?
Lý nói tiếp cho cô ta nghe:
- Chính anh cũng được Vọng về gọi mấy lần, và anh cũng đã gặp Vọng đêm qua!
Câu nói của Lý khiến Phi Nga tái mặt:
- Vọng còn sống, hay là...
- Dĩ nhiên là vong hồn thôi. Nhưng rõ ràng Vọng chết linh, mới đó mà đã hiện hồn về rồi. Điều này ắt có uẩn khúc gì đây...
Giọng của Phi Nga không còn tự nhiên:
- Chắc là... tại anh bị ám ảnh chăng. Em không tin...
Lý quả quyết:
- Vọng hiện ra bằng xương bằng thịt, đòi anh phải cứu người nào đó..
Phi Nga bị kích động thật sự:
- Cứu ai? Một cô gái phải không?
- Em biết?
Phi Nga tỏ ra lúng túng:
- Em... em đoán...
Lý nhìn thẳng vào mắt Nga:
- Có chuyện gì giữa hai người phải không? Anh nhớ có lần Vọng nói rằng khi Vọng huỷ hôn thì em đã doạ sẽ giết Vọng, đúng không?
Phi Nga chối liền:
- Làm gì có chuyện đó! Em có bị sốc, lại giận nữa, nhưng đâu đến đỗi...
- Anh cũng không biết nhiều chuyện của hai người. Cả năm nay anh bận đi xa nên cũng không liên lạc với Vọng, mới vừa rồi bất chợt anh nhận được một lá thư, Vọng tha thiết gọi anh về đây, bảo là có chuyện quan trọng để nói. Chỉ tiếc là khi anh về tới thì Vọng, vừa chết! Trong lá thư để lại Vọng cũng chỉ nói...
Phi Nga giật bắn người:
- Anh ấy nói gì trong đó?
Hơi ngạc nhiên về thái độ của Nga, nhưng Lý không để lộ:
- Chỉ dặn dò anh một số việc giữa anh và cậu ấy, không liên quan gì đến ai khác.
- Không nói gì đến em?
Lý lắc đầu:
- Làm gì có. Có lẽ thời gian em và Vọng yêu nhau thì anh ít liên lạc với hai người. Em nhớ không, chúng ta chỉ gặp nhau hai ba lần gì đó, nhân chuyến Vọng về Sài Gòn lo cho ông già bệnh, một lần lúc đám tang ông cụ. Lần đó, vô tình anh còn được chứng kiến em và Vọng cãi nhau dữ dội, và có lẽ...
- Tụi em chia tay nhau lúc đó. Anh ấy có người con gái khác, anh biết không?
Lý ngạc nhiên:
- Có chuyện đó sao? Khi nào?
- Thì còn khi nào nữa, lúc đó em hay tin và hỏi thì ảnh không chối mà còn hỏi lại em. Vậy chứ em yêu ảnh được bao nhiêu mà đòi độc quyền?
Kể lại mà giọng Phi Nga còn hằn học:
- Chính lời nói đó của Vọng nên em điên tiết lên, em đòi lên trên này để tìm ra lẽ, nhưng Vọng không cho, còn hăm doạ là nếu em quậy thì anh ấy sẽ không để em yên! Chính vì lẽ đó mà em mới giận, em đòi sòng phẳng với Vọng!
- Vọng có cô gái nào khác ở đồn điền này.
- Không sai! Anh chưa nghe?
Lý lắc đầu:
- Anh mới lên thì làm sao biết.
- Một đứa con gái địa phương này, là người thiểu số, chẳng biết có là tiên nữ hay hằng nga không mà Vọng lại mê đến vậy!
Trong giọng nói của Phi Nga chứa đựng đầy sự hằn học, không giống với một người bình thường, nhất là khi cô và Vọng đã chấm dứt quan hệ từ lâu...
Lý hỏi lại:
- Em tính ở lại chờ mở cửa mả cho Vọng xong mới về chứ?
Phi Nga lắc đầu:
- Em sẽ về ngay trưa nay. Em lên để chứng tỏ cho Vọng biết là em không hề nợ anh ấy gì cả. Và cũng để cho "cô ấy" của Vọng hiểu rằng: nếu Vọng còn có em thì anh ấy không chết! Làm xong việc đó rồi em phải về gấp, xe đang đợi em ở bên đường liên tỉnh.
Lý đã có nghe nói đường liên tỉnh ở cách chỗ này không xa, nơi đó xe hơi vào tận nơi, nhưng từ đồn điền của Vọng muốn đến đó phải băng qua một đồn điền khác; vốn có mối bất hoà với chỗ của Vọng, nên từ vài năm trở lại đây người ta đã khoá con đường tắt đó, khiến cho mọi sự đi lại của bên Vọng đều phải qua con đường mòn hẹp hơn, chỉ có xe thô sơ đi lại được. Tức là con đường mà Lý đã vào mấy hôm trước.
Nghe Phi Nga nói đi bằng con đường tắt đó, Lý hỏi:
- Sao em băng qua đồn điền bên cạnh được!
- Đó là đồn điền của ba em mà!
- Tức là của em? Vậy tại sao lâu nay Vọng không đi qua đó được?
Phi Nga hơi lúng túng:
- Tại... tại bởi... Vọng sĩ diện. Trót từ hôn em nên anh ấy không muốn...
- Thì ra là vậy...
Tuy tỏ ra đã hiểu, nhưng thật ra trong lòng Lý vẫn còn có điều gì đó ngờ ngợ... Anh đột nhiên hỏi:
- Em đã biết được cô gái chiếm trái tim của Vọng?
- À… à biết. Nhưng em coi thường, em không quan tâm tới. Cô ta so với em sao được!
- Cô ta là ai, tên gì và ở đâu?
Nga sững sờ nhìn Lý, cau mày hỏi:
- Anh điều tra em đó à?
- Nếu em hiểu như vậy cũng được. Bởi ít ra anh cũng muốn biết đôi chút về chuyện đó, để khi lưu lại nơi này anh có thể...
- Anh muốn gặp cô ta? E rằng...
Phi Nga đang nói bỗng ngừng ngang, như bị lỡ lời. Rồi cô bắt qua chuyện khác:
- Anh tính bao giờ về?
- Không. Có lẽ tôi còn ở lại một thời gian lâu để giúp Vọng giải quyết một số việc.
Nga chợt cười khẩy:
- Anh sẽ tốn công phí sức thôi! Đất này không hợp với những người như anh và Vọng. Tốt hơn là...
Cô nàng đứng dậy và bước ra ngay mà không bắt tay Lý như cô vẫn làm trước đây. Khi ra đến sân còn nói với lại:
- Vùng đất này nguy hiểm, tốt hơn hết là anh cũng nên bỏ đi là vừa!
Nàng ta đi bộ xuyên qua khu đồn điền của Vọng một cách thành thạo, chứng tỏ đã quá quen thuộc với nơi đây.
Nàng ta chưa khuất dạng thì Hai Tùng, người ở gần đó chạy sang nói với Lý:
- Tôi nhớ ra rồi, cô này lúc trước có tới đây nhiều lần với cậu Vọng, mà đặc biệt là tới vào ban đêm. Hình như ở đâu bên trang trại của ông Phủ Hài cạnh đây. Cánh đó thì dữ dằn, nổi tiếng lắm. Nổi tiếng về giàu có mà cũng khét tiếng về sự tàn bạo nữa! Khi thấy mấy năm nay cậu Vọng không qua lại với nhà cô ta nữa tôi cũng mừng thầm.
- Anh biết lý do tại sao hai nhà đó không chơi với nhau không?
Hai Tùng đưa tay cứa ngang cổ:
- Giết người.
Lý trố mắt:
- Giết ai?
- Chuyện hơi dài, cậu ở đây lâu ắt sẽ nghe người ta kể. Mà vắn tắt thế này, ông Phủ Hài trước khi chết đã giết hai công nhân chỉ vì họ lỡ ăn cắp một ít trà đem bán.
Lý bức xúc:
- Quá đáng!
Hai Tùng hạ giọng:
- Chuyện đó còn là nhỏ. Cô con gái hồi nãy còn ghê hơn, nghe nói chỉ vì ghen tuông thế nào đó mà cô ta đã giết cả nhà tình địch của mình bằng cách trói cả mấy người rồi bỏ trong rừng cho hổ ăn thịt! Tôi không ngờ sau mấy năm lặn mất tăm, bây giờ cô ta lại dám dẫn xác về đây!
- Anh chắc chắn có chuyện đó?
Hai Tùng quả quyết:
- Chuyện ấy ở xứ này ai mà chẳng biết. Chỉ có điều trước kia do sợ thế lực của Phủ Hài nên người ta không dám nói, không dám làm lớn chuyện. Rồi lâu ngày những chuyện ấy chìm vào quên lãng...
Lý dò hỏi thêm:
- Anh có biết gì về chuyện Vọng có người đàn bà khác không?
Hai Tùng hơi có vẻ sợ sệt:
- Chuyện đó... mà thôi, do không rõ lắm, nên tôi không thể nói. Cái gì mình biết rành hãy nói...
Lý có hỏi thêm cách nào anh ta cũng không nói, và còn tìm cách thoái thác, tránh phải nói chuyện thêm với Lý. Sau khi Hai Tùng về rồi, Lý một mình đi ra ngoài phần mộ của Vọng. Tự dưng Lý có cảm giác như bạn mình còn có điều gì đó chưa được làm sáng tỏ.