Tổng tập truyện ma của Người Khăn Trắng

HỒN AI TRÊN ĐÈO CẢ

Qua khỏi Đại Lãnh một quãng không xa, Tường định tấp vào quán bán cháo đêm mà anh vẫn thường hay ăn, nhưng khi vừa dừng lại thì thấy treo bảng nghỉ bán. Anh chép miệng chán nản, bởi nếu không ăn và nghỉ xả hơi ở đây trước khi lên đèo Cả thì phải sang tận bên kia chân đèo mới có nơi để dừng lại.

Còn đang phân vân, thì một phụ nữ lớn tuổi bước ra chỉ tay về phía trước.

- Cách đây chừng mười phút chạy xe, trước khi lên đèo, nhìn bên trái có một quán mới mở bán đồ ăn ngon lắm.

Tường cám ơn rồi cho xe chạy tiếp. Anh tính, nếu tới đó mà không vừa ý thì thà để bụng đói chạy qua bên kia đèo chứ không ghé quán nào khác.

Chạy theo lời người ấy chỉ, mãi vẫn chưa thấy có quán nào, anh định chạy luôn thì bỗng có một chiếc xe nhỏ chạy ngược chiều như muốn đâm vào xe mình. Tường nhanh mắt bẻ tay lái cho xe quẹo gấp về phía tay trái, tấp hẳn vào một khoảng sân rộng. Hú hồn!

Tường đang lầm bầm rủa tay chạy xe ẩu suýt gây tai nạn, thì chợt nhìn vào trong, anh thấy ngôi nhà có đèn sáng, bày vài cái bàn và ở thân cây phía trước có treo tấm bảng nhỏ đề mấy chữ: Cháo hải sản.

- Đúng là trong cái rủi có cái may!

Tường đoán quán mà người phụ nữ chỉ là quán này. Anh cho xe sát vào trong cùng của khoảng sân rộng và bước ngay xuống mà không cần hỏi, bởi anh đã nhìn thấy nồi cháo đang bốc khói và mùi thơm của cháo đang khiến bao tử anh cồn cào.

Người chào hỏi Tường là một cô gái còn rất trẻ, tuy khuôn mặt trùm kín trong vuông khăn màu đậm:

- Mời quý khách dùng món cháo mới chín. Có mực tươi, hàu sống và tôm he mới bắt về!

Tường nghe giọng nói đã có cảm tình, nhưng chỉ tiếc là không nhìn được gương mặt để vừa ăn vừa tán tỉnh mấy câu cho đỡ buồn ngủ. Anh gọi:

- Cô cho một tô cháo hàu, dĩa mực và tôm!

- Chu cha, gọi chi dữ vậy, ăn sao hết.

Giọng nói của dân vùng Phú Khánh nghe vừa mộc mạc vừa dễ thương khiến Tường bật cười! Anh đùa:

- Nếu một mình ăn không hết thì ai đó cùng ăn cho đủ hai mình!

Cô chủ quán cũng khá bạo miệng:

- Muốn hai mình thì sẽ có hai mình ngay. Lúc đó đừng sợ nhé.

- Việc chi mà phải sợ!

Tường cũng bắt chước giọng của cô nàng và thật bất ngờ, anh nhận được một ân huệ, cô nàng lột nhanh khăn trùm đầu ra, lộ một khuôn mặt đẹp mê hồn!

- Chu cha! Người thế này mà ngồi bán cháo ư? Ai dám ăn!

Nàng cười giòn:

- Mắc chi mà không dám ăn, bộ người đẹp rồi hớp hồn được thiên hạ sao!

Quán lúc ấy không có khách nào khác ngoài Tường, nên anh có cớ chọc:

- Có lẽ mấy người khác sợ bị hớp hồn nên không dám ăn.

- Ngoại trừ anh phải không?

Thấy nàng ta vui vẻ, dạn dĩ nên Tường không ngại hỏi:

- Đẹp như thế này mà lại một mình buôn bán, sao không chọn đại một ông xã nào đó để sai vặt, cô chủ?

Nàng lại cười giòn:

- Nói chi mà nghe lạ thế! Đã sắm được ông xã thì phải cưng như cưng trứng chứ sao lại bắt làm!

Tô cháo hàu thơm phức, kèm hai dĩa mực và tôm tươi ngon. Tường nhanh miệng mời:

- Cô chủ nói có hai mình mà giờ vẫn chưa thấy, thế thì bắt đền đấy!

- Đền thì đền chứ sợ chi!

Cả hai cùng cười vui, khuấy động không khí đang vắng lặng của quán ăn giờ ít khách. Và người "ăn cho có đôi”, với Tường không ai khác hơn là cô chủ quán! Cô múc riêng cho mình tô cháo, vừa ăn vừa bảo Tường:

- Cái này là tôi bắt đền đây!

Tường liếc nhìn gương mặt bầu bĩnh, dễ thương, anh tò mò hỏi:

- Cô đâu phải người gốc ở xứ này phải không?

- Dạ đúng, em gốc Huế.

- À, thảo nào...

Đang ăn thì bất chợt một cơn mưa thật to ập đến. Tường lo lắng:

- Chà, đêm mà mưa lớn thế này qua đèo mới gay đây!

Cô chủ quán cũng phụ hoạ:

- Mưa thế này mà qua đèo thì gay thật!

- Chỉ có ngừng xe và... ăn cháo thôi!

Câu nói đùa của Tường vô tình nhưng lại đúng, nên cô chủ cười đồng tình:

- Ông trời thương người ta một chút mà cũng châm chọc nữa sao!

Câu chuyện rôm rả giữa hai người có lẽ sẽ chấm dứt khi có nhiều xe dừng trú mưa, nhưng hơi lạ là đã khá lâu mà vẫn không có chiếc xe nào dừng lại.

Tường phải lên tiếng:

- Sao không có khách? Hay là tại quán của cô không treo bảng bên ngoài nên ít người biết?

Cô chủ lắc đầu và vẫn hồn nhiên:

- Nhiều khách chỉ thêm mệt, trong khi em chỉ muốn nghỉ sớm thôi. Bán cả ngày, còn sức đâu mà ngồi tới khuya. Phải chi ngồi mà đấu hót suông thì không ngán...

Câu nói vui ấy không ngờ đã trở thành sự thật. Hơn nửa giờ sau vẫn không có thêm khách nào. Vừa khi đó, lại có một tin không hay do mấy người đi ngược chiều đường đèo báo về:

- Đèo bị lở đá, xe không qua được!

Cô chủ quán buột miệng nói:

- May cho anh! Nếu không ngừng ăn cháo thì giờ này anh cũng đang ở trên đèo?

Tường công nhận:

- Đúng là đang ở lưng chừng đèo!

Anh thầm cám ơn cô chủ quán và còn muốn bảo: Ngồi nói chuyện với người đẹp như thế này thì đèo không bị lở cũng nên ngồi, bao lâu cũng được!

- Anh nói chi?

Tường lắc đầu:

- Đâu có chi mà nói. Ngồi nhìn không đủ rồi, cần gì nói!

Cô nàng lại cười thật giòn:

- Cánh tài xế các anh người nào cũng miệng lưỡi khéo nói, ai mà dám tin!

- Chưa tin thử sao biết là không dám?

- Tin để cho chết sao!

Thấy cô nàng vui tính, Tường lấn thêm một bước:

- Nãy giờ đã được ăn ngon, nghe nói chuyện có duyên nè, mà chưa biết tên cô chủ?

- Ái Liên. Tên xấu thấy mồ!

Cô nàng lại giọng giữa Trung và Nam khiến Tường bật cười:

- Tên xấu thấy mồ mà cũng có người thích thấy mồ luôn! Hân hạnh được biết cô Ái Liên. Còn tôi là Tường.

Họ như đã quen nhau lâu ngày, có thể do tương đồng một điểm nào đó. Nên sau khi tạnh mưa thì nàng là người đề nghị trước:

- Không thể qua đèo ít nhất cho tới ngày mai, chờ người ta thông đường. Mà xe của anh chỉ để ngồi chứ không thể nằm ngủ, vậy thì tốt hơn hết hãy về nhà em nghỉ đỡ đêm nay.

Tường áy náy:

- Nhưng... còn người nhà của cô?

Nàng cười tươi:

- Điều đó thì khỏi lo, bởi em đang ở một mình!

Tường cũng không ngờ mình lâm vào tình cảnh khó xử nhưng đầy thú vị này, nên sau vài giây lưỡng lự đã gật đầu ưng thuận.

- Thôi, đã làm phiền thì phiền cho trót!

Nhà của Ái Liên chỉ cách chỗ bán khoảng vài trăm mét, phía trong khu vườn cây rậm rạp. Tường đi bộ theo nàng, để xe lại đó.

Bước vào nhà, điều đập vào mắt Tường đầu tiên là ảnh chân dung của một người con gái thoạt trông giống hệt như Ái Liên, nếu ảnh đó không đặt trên bàn thờ thì Tường đã ngỡ đó chính là ảnh của cô chủ quán?

Thấy anh nhìn chăm chăm vào bàn thờ, nàng lên tiếng ngay:

- Đó là người chị song sinh với em. Chị ấy chết bởi tai nạn trên đèo Cả.

Tường buột miệng:

- Giống nhau như hai giọt nước!

Giọng nàng đượm buồn:

- Người ta nói chị ấy chết để cho em sống, hoặc ngược lại. Chị em song sinh cũng khổ!

Nàng muốn bày tiệc ra nhậu, nhưng Tường lại ngại:

- Cô ở nhà một mình, tôi là đàn ông, ngồi "nhậu nhẹt" e không tiện lắm!

Ái Liên mạnh dạn:

- Em giữ mình lâu nay nhưng nào có ai khen tiếng nào. Bây giờ tiếp khách ngồi nhậu chơi thì có gì đâu mà ngại!

Nàng cứ bày tiệc ra và rót rượu cụng ly với Tường:

- Lâu lắm rồi, kể từ ngày chị em mất đến nay, đây là lần đầu tiên em uống rượu, lại uống với đàn ông nữa!

- "Dô"!

Tường chẳng nghĩ gì khác ngoài sự cảm thông, anh nâng ly cụng đến lần thứ ba thì nói thẳng:

- Cô uống như vậy là vừa rồi. Như thế ngủ sẽ ngon.

Nhưng Ái Liên dứt khoát:

- Em một khi đã uống thì phải uống tới bến luôn! Anh sợ em không uống được rượu hả, lầm to! Ba em người Bình Định mà, nơi đó nổi tiếng rượu Bàu Đá, anh quên rồi sao!

Nàng lại uống ba cốc nữa, ngang bằng với Tường, nhưng trong lúc Tường đã chếnh choáng thì xem ra nàng vẫn vững vàng.

- "Dô" nữa đi?

Tiếng thách của nàng lúc này Tường chỉ còn nghe văng vẳng, nhưng cũng cố nâng ly lên.

Rổn! Một tiếng đổ vỡ vang lên. Chiếc ly từ tay của Tường do anh không còn điều khiển được, đã rơi xuống sàn. Ái Liên đưa tay vỗ nhẹ vào vai anh, gọi khẽ:

- Dậy đi chớ, bỏ người ta uống một mình sao?

Tường say như chưa bao giờ say như vậy. Anh hầu như không còn biết gì nữa...

Ái Liên đứng dậy, tỉnh táo đi về phía bàn thờ, rồi nhẹ nhàng bê bức ảnh chân dung xuống, đi trở lại chỗ Tường đang nằm gục trên bàn, cô nàng cầm khung ảnh đưa lên quá đầu, miệng lâm râm những gì không nghe rõ, sau đó gần nửa phút mới từ từ đặt bức ảnh vào phía bên dưới mặt của Tường. Anh chàng hoàn toàn không hay biết...

Ái Liên sau đó nhẹ nhàng ngồi xuống sàn, hướng mặt ra cửa, hai tay đặt ngang ngực rồi... bật khóc? Tiếng khóc nghe thê lương vô cùng và cứ thế vang vọng vào đêm trường. Chỉ tiếc là Tường đã đi vào cơn mê của hơi men, nên không nghe được...

Vài tiếng cú kêu như đáp lại tiếng khóc của người trong nhà.

Đêm dần khuya. Cơn mưa mới dứt lúc nãy, giờ đột ngột trở lại nặng hạt hơn và gió thổi mạnh hơn, như muốn bứng cả nóc nhà đi!

 

- Này anh ơi, sao lại nằm đó?

Nghe tiếng người hỏi, Tường bật dậy và hỏi lại:

- Đây là đâu?

Người hỏi anh là một nông dân đi cắt cỏ nuôi dê, ông ta nhìn Tường ngạc nhiên:

- Anh đâu phải người xứ này? Mà tại sao lại nằm bãi tha ma mà ngủ?

Tường giật mình nhìn lại sau lưng và phát hiện ra có đến hơn chục ngôi mộ cũ nằm rải rác. Anh lặp lại câu hỏi:

- Chỗ này là nơi nào?

- Nghĩa địa, bộ anh không thấy sao?

- Tôi... tôi... đang ở....

Anh dần nhớ lại và thảng thốt kêu lên:

- Ái Liên!

Ông già cắt cỏ hỏi lại:

- Anh kêu ai?

- Ái Liên! Bác biết nhà cô Ái Liên bán cháo hải sản ở đâu không?

Lão ta trố mắt nhìn Tường như nhìn một con quái vật vừa bước lùi trong tư thế chuẩn bị chạy. Đến lúc thấy Tường bước về phía mình thì lão vụt chạy như ma đuổi! Tường gọi giật lại:

- Bác, cho cháu hỏi!

Nhưng ông già đã chạy thục mạng, phút chốc đã biến mất sau lùm cây.

Tường lẩm bẩm:

- Vậy nhà của Ái Liên ở đâu? Chẳng lẽ mình uống say đến nỗi như người mộng du, ra nằm ngủ ở nghĩa địa này?

Anh đi dần vào xóm. Cố nhớ lại những gì đã nhìn thấy trong đêm, nhưng tuyệt nhiên không thể nhận ra quán cháo, dấu tích của xóm nhà đêm qua. Anh hỏi một người khác:

- Chị biết quán cháo hải sản của cô Ái Liên?

Chị ta lắc đầu:

- Ở đây đâu có ai là Ái Liên. Cũng chẳng có ai bán cháo cả.

Dò hỏi đến hơn một tiếng đồng hồ vẫn chẳng ra manh mối. Cuối cùng, Tường phát hiện chiếc xe của mình nằm ở cạnh hai cái mộ đá! Anh lại hỏi thì một người gần đó trả lời:

- Sau cơn mưa tối qua, có nhiều cây đổ, nhiều xe bị lật, sáng dậy thấy chiếc xe này nằm đây chúng tôi tưởng nó bị xô dạt vào đây, và chủ của nó chắc là bị nạn rồi...

Tường nói:

- Chủ chiếc xe là tôi. Nhưng đêm qua tôi đậu trước quán cháo hải sản của một cô tên là Ái Liên.

Người nọ giương mắt nhìn Tường rồi lắc đầu:

- Ở đây vốn là một nghĩa địa công cộng, nhưng lâu nay có vài người tới đây định cư, họ cất nhà bên ngoài nghĩa địa, nhưng cũng không ai ở được lâu, lần lượt chuyển đi hết. Nhà tôi là căn cuối cùng còn lại, nhưng chắc cũng phải chuyển đi sớm thôi.

Tường quả quyết:

- Chính tôi đêm qua đã ăn cháo ở đó, rồi còn về nhà cô Ái Liên ấy để ngủ nhờ mà!

Anh đang nói tới đó thì bất chợt từ trong nhà, bác nông dân cắt cỏ lúc nãy xuất hiện! Ông ta bảo thẳng với Tường:

- Lúc nãy nghe anh nói, tôi cứ tưởng anh là người đội mồ về! Anh có biết anh vừa nhắc tới ai đó không?

Tường ngơ ngác:

- Ai đâu?

- Thì cô Ái Liên đó! Anh hãy nhìn bên trái kia xem, ai ở kia?

Tường nhìn theo tay ông ta chỉ, và giật mình khi thấy một ngôi mộ đá có tên bia trắng ghi rõ dòng chữ: Ái Liên chi mộ!

Tường lạnh toàn thân, anh đứng không còn vững nữa, phải vịn tay vào cạnh một ngôi mộ.

- Không... không phải tên này...

Người đàn ông nói tiếp:

- Ở xứ này không ai dám nhắc tới tên tục của người đó, duy chỉ có anh! Muốn biết tại sao thì anh cứ chạy xe lên cây số 8 lưng chừng đèo sẽ rõ.

Ông ta nói xong là bỏ đi ngay. Tường định quay tìm bà vợ ông ta, nhưng cũng chẳng thấy. Đứng ngẩn ngơ một lúc, Tường đành ra lấy xe đi lên đèo Cả.

Dọc đường, anh nghe người ta kháo nhau chuyện đoạn đèo sạt lở đã được thông, nên xe cộ qua lại rất nhiều.

Lên tới đoạn đường được chỉ, Tường không phải mất công hỏi lâu, anh đã nhìn thấy một ngôi miếu ngay khúc cua. Từ chỗ miếu có một lối mòn dẫn lên núi, Tường lưỡng lự vài giây rồi men theo đó đi lên. Đường hẹp nhưng không khó đi lắm. Lát sau, anh đã đứng trước một gian nhà lá, trông giống như một cái am hơn là nhà.

- Ai lại ở trong này?

Tường tự hỏi và dĩ nhiên là không thể tìm được câu trả lời nếu không gặp được người ở.

- Tôi biết thế nào rồi anh cũng tới!

Giọng nói của ai đó ngay phía sau lưng khiến Tường giật mình quay lại. Anh trố mắt kinh ngạc và reo lên:

- Ái Liên!

Một Ái Liên đang đứng đó, trên tay đang cầm một bó rau, hình như mới hái được ngoài bìa rừng. Nàng chỉ nhoẻn miệng cười nhẹ, rồi bước đi thẳng vào nhà mà không nói gì thêm. Tường bước theo hỏi dồn:

- Tại sao người ta nói cô đã... chết rồi?

Lúc này nàng mới nhẹ giọng đáp:

- Người chết là làm sao sống lại được. Đúng là Ái Liên đã chết!

Tường hốt hoảng:

- Cô đừng bắt tim tôi phải ngừng đập lần nữa, Ái Liên!

Nàng vẫn nhẹ giọng:

- Em là Thuỳ Liên, chị gái của Ái Liên.

Nhớ lúc uống rượu, Ái Liên đã kể về người chị song sinh của nàng bị tai nạn trên đèo, Tường vụt hỏi:

- Có phải cô đã chết vì tai nạn trên đèo này.

Cô gái lắc đầu:

- Không phải tôi, mà là Ái Liên. Chị em song sinh quá giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn.

Tường trầm ngâm:

- Vậy ra tôi đã...

- Anh đã gặp oan hồn của nó đêm qua. Anh đã nhậu với nó cho đến lúc say mèm, gục ngủ tại bàn.

- Đó đâu phải là bàn, là nghĩa địa!

- Người sống có nhà thì người chết có nghĩa trang, đâu có gì lạ? Bây giờ anh sợ phải không? Vậy mà vong hồn của nó về báo ngay cho tôi rằng anh là người tốt, có tình cảm, có thể tin cậy được để phó thác chuyện riêng của mình. Nó kỳ vọng ở anh nên đã không dám làm phiền gì… trong khi anh cũng biết rồi, người ở chỗ đó sợ nó như thế nào! Chỉ cần nhắc tên Ái Liên là thiên hạ ở đó đã chết khiếp rồi! Nó không tha cho bất cứ người đàn ông nào đâu!

Tường như người mất hồn:

- Có chuyện đó sao?

Nàng Thuỳ Liên chỉ một ảnh chân dung treo trên vách nhà:

- Ảnh đó là của nó, còn ảnh này là của em.

Hai bức ảnh chỉ khác nhau màu áo, còn thì giống nhau khó mà phân biệt được.

- Hai chị em chụp ảnh này chỉ trước ngày nó bị nạn mười ngày. Hôm đó em mặc đúng chiếc áo này.

Tường nhìn lại và nhận ra đúng chiếc áo cô nàng đang mặc giống y như trong ảnh. Anh thở dài:

- Không ngờ. Thật là không thể tin được!

Thuỳ Liên kể tiếp:

- Ái Liên linh lắm, từ ngày chết nó luôn hiện hồn về ở chỗ mà anh gặp nó, mặc dù nó chết ở đoạn đèo này, đúng chỗ miếu mà anh thấy trước lúc lên đây.

Tường định hỏi, thì nàng đã nói ra:

- Chỉ vì nó muốn tìm kẻ đã gây ra cái chết cho nó! Mà người đó lại có vóc dáng giống y như anh vậy!

Tường lại toát mồ hôi lần nữa, anh hơi run giọng hỏi:

- Ai đã làm chuyện đó, cánh lái xe chăng?

Thuỳ Liên nhẹ lắc đầu:

- Không hề dính gì tới cánh lái xe đò hay xe tải, mà một người cũng có chiếc xe du lịch giống như của anh!

- À, thì ra...

Lúc ấy Tường chợt hiểu, anh lẩm bẩm:

- Bởi vậy suốt buổi tối đó đâu có thấy tài xế xe đò hay xe tải nào ghé qua.

- Nó canh nhiều đêm lắm mới có một người như anh ghé vào chỗ nó chờ.

- Quán cháo là có thật?

- Thật với người cõi âm, chứ thật ra đêm qua anh đã ăn... trái cây mà cứ tưởng là cháo hàu, cháo mực! Nhưng không sao, khi nhận diện anh không phải là người mà nó đợi, Ái Liên đã cho anh ăn cháo thật và cũng uống rượu thật. Chỉ có điều rượu ma thì mau say và say dữ lắm!

- Thảo nào...

- Bây giờ anh còn sợ không?

Tường cười như mếu:

- Có sợ thì mọi thứ đã vào bụng hết rồi!

Tự dưng Tường muốn nôn ói, anh ôm lấy ngực thì Thuỳ Liên lại nói:

- Anh yên tâm, trong bụng anh không có gì phải sợ đâu. Hồn ma một khi đã hại người thì đố ai thoát được, còn đã có cảm tình thì chỉ có giúp thôi, chứ không bao giờ hại. Ái Liên nó thật sự mến anh, dặn em phải giúp đỡ để anh qua đèo được an toàn, chứ thật ra số của anh là chuyến này sẽ bị tai nạn trên đoạn đường đèo này!

Thấy Tường xanh mặt, nàng tiếp lời liền:

- Bây giờ thì không sao rồi, kiếp nạn anh đã qua là nhờ Ái Liên đó!

Rồi nàng đột ngột hỏi:

- Anh có muốn đền đáp lại Ái Liên chút gì không?

Tường ngập ngừng:

- Chuyện ấy...

Nàng thở dài:

- Cũng không sao. Làm sao bắt người khác làm theo ý mình được!

Tường nói nhanh:

- Ý tôi không phải vậy! Đối với Ái Liên, tôi có cảm tình đặc biệt, bây giờ biết hoàn cảnh của cô ấy như thế lẽ nào tôi lại làm ngơ! Tôi xin tự nguyện...

- Vậy tốt rồi. Chuyện chỉ đơn giản thế này thôi, anh ra tới Huế không?

Tường gật:

- Tôi đang trên đường đi Huế.

- Tốt lắm. Ái Liên nhờ anh gửi giùm nó vật này một người ở An Cựu, anh sẵn lòng không?

Vừa nói, nàng ta đi vào trong lấy ra một chiếc hộp nhỏ bằng sơn mài khá xinh, đưa cho Tường:

- Anh đem vật này trao cho một người tên là Trọng, địa chỉ có ghi ở đáy hộp.

Tường lặp lại:

- Đưa cho Trọng ở An Cựu. Chỉ có thế thôi?

- Anh đưa chiếc hộp này người ấy khắc biết. Rồi thôi, nếu không thích thì anh không cần hỏi gì thêm. Làm xong việc ấy lượt về hai chị em sẽ khao anh một chầu!

Nói xong, cô nàng sợ Tường hiểu khác nên vội nói:

- Lần này là em khao thật chứ không phải như Ái Liên đâu. Nhưng sẽ có mặt Ái Liên, anh không sợ chứ?

Tường không đáp, anh cầm lấy chiếc hộp rồi cho vào túi ngay.

- Được, tôi sẽ làm y như lời cô dặn!

Tường định đi, nhưng bị gọi giật lại:

- Anh đã lên nhà thì phải ở lại ăn bữa cơm rau rồi mới đi chứ, hay lại sợ?

Tường không còn cách nào khác nên đành phải nhận lời. Quả nhiên, anh được ăn bữa cơm hết sức đạm bạc, nhưng lại vô cùng ngon miệng, một phần có lẽ vì cái bụng đói từ đêm qua đến giờ.

Trong lúc ăn, Tường được Thuỳ Liên giải thích thêm:

- Bọn em chỉ còn có hai chị em trên đời, nên khi Ái Liên mất đi em không biết phải đi đâu, bởi vậy đành phải chọn ở lại đây, như một cách tưởng nhớ em mình. Đồng thời ngăn không cho nó hành động quá trớn...

Mãi khi gần xong bữa cơm, Tường mới mạnh dạn hỏi:

- Tôi hỏi có hơi tò mò một chút, Trọng là người thế nào? Phải chăng anh ta là người mà Ái Liên đã chờ ở đây?

Câu hỏi khiến Thuỳ Liên khó trả lời, nhưng sau một lúc ngập ngừng, nàng cũng đáp:

- Với anh thì tôi không giấu. Con người đó là nguyên nhân mọi chuyện bi thảm ngày nay... Nhưng thôi, tốt hơn là anh đừng tìm hiểu gì thêm nữa.

Để tránh không nói thêm, Thuỳ Liên đứng lên và bước ra ngoài. Tường cũng bước ra thềm, anh chào từ giã:

- Tôi đi cho sớm. Cám ơn cô Thuỳ Liên nhiều và tôi sẽ nhớ rất lâu bữa cơm hôm nay.

Xuống đến hơn hai phần ba đoạn đường núi, bỗng Tường chợt nhớ là mình quên chưa hỏi thăm nhà trước kia của hai người ở Huế là chỗ nào, để lỡ khi tìm không được Trọng anh còn có chỗ để gửi lại món quà. Tường vừa quay lại thì chợt nghe có người gọi lớn.

- Phải anh là chủ chiếc xe Simca kia không?

Tường nhìn ra đường, chỗ đậu xe lúc nãy thì không thấy xe mình đâu, hoảng hốt kêu lên:

- Chiếc xe!

Rồi nhìn xa chỗ đó chừng vài chục thước, Tường thấy chiếc xe đậu nép vào một hốc đá, y như là xe bị tai nạn. Anh chưa kịp hỏi thì người đàn ông lạ vừa nói chuyện với anh lên tiếng giải thích:

- Chỉ cách đây vài phút có một chiếc xe tải trong lúc đổ đèo đã lạc tay lái, đâm sầm vào xe của anh đang đậu. Tôi chạy xe đằng sau thấy tự dưng xe của anh như có người lái, nó chạy một cách ngon lành, tới và dừng đúng vào chỗ nó đang dừng!

- May quá!

Người đàn ông kia tự giới thiệu:

- Tôi là Quan, người lái xe qua đường đèo này hơn chục năm nay, và đây là lần đầu tiên thấy một người như anh dám lên trên đó.

Tường cau mày:

- Trên đó thì đã sao? Đâu có gì...

Anh chàng tên Quan ấy lè lưỡi, rùn vai:

- Cho vàng tôi cũng không dám lên! Anh có biết ngôi miếu này thờ ai không?

Tường đáp cho qua chuyện:

- Một cô gái chết do tai nạn giao thông.

- Không phải một, mà là hai!

Tường sững sờ:

- Anh nói hai... là sao?

- Thì là hai người chết chứ sao!

Tường nghĩ anh ta chỉ biết qua tin đồn, nên quả quyết:

- Chỉ có một người. Tôi vừa gặp cô chị và cả đêm qua, tôi cũng đã gặp hồn người chết!

Anh chàng Quan xanh máu mặt, bước lùi một bước, lập cập hỏi:

- Anh... anh nói giỡn hả cha nội?

Vừa đi về xe của mình, Tường vừa nói:

- Anh có muốn gặp cô Ái Liên thì cứ xuống chân đèo sẽ được như ý!

Đã từng được nghe nhiều về oan hồn cô Ái Liên, nên anh chàng Quan chắp hai tay xá xá mấy lượt:

- Cho con xin đi, để con làm ăn nuôi vợ con!

Anh ta làm nốt công việc khi dừng xe lại đây là đốt nén nhang cho miếu. Vừa bật quẹt lên thì quẹt lại tắt ngay, mặc dù lúc ấy trời không có gió! Anh ta hoảng khấn:

- Xin cho tôi tạ lỗi, nếu có xúc phạm gì tới quý cô.

Khấn xong thì việc đốt nhang của anh ta mới thực hiện được. Vừa xong là anh ta xá liền mấy cái rồi rút lui ngay.

Trong khi đó thì Tường quá đỗi ngạc nhiên, không hiểu sao chiếc xe của mình lại có thể nằm gọn trong hốc đá chật chỉ vừa đủ xe nằm yên thôi, chứ lái vào thì hầu như không thể!

Phải mất hơn nửa giờ, sau khi cố sức đẩy hai hòn đá to đùng để dọn đường thì Tường mới thoát ra được. Tự dưng anh buột miệng:

- Cám ơn Ái Liên!

 

- Kiếm ai?

Tường ngỡ đó là một cụ già nên đáp:

- Dạ thưa bác, cháu muốn tìm anh Trọng.

Một tiếng vật rơi và đổ vỡ vang lên, hình như vật gì bị rơi ra khỏi tay của người trong kia. Rồi im lặng...

Tường phải lặp lại:

- Cháu có món quà của người bạn cũ muốn gửi tặng cho anh Trọng.

Cửa xịch mở, một khuôn mặt ló ra, lúc ấy Tường mới giật mình, bởi đó là một phụ nữ tuổi còn trẻ, chỉ khoảng ba mươi. Anh lúng túng:

- Dạ xin lỗi, tôi... tôi muốn hỏi Trọng...

Vẫn giọng khàn đục ấy cô ta lên tiếng:

- Ở đây không có ai tên Trọng cả, mời anh đi cho.

Tường lấy hộp quà ra, lật đáy hộp lên vừa đọc địa chỉ:

- Số...thôn... An Cựu đây mà! Vậy chẳng lẽ nơi này còn có một địa chỉ giống như vậy ở chỗ khác?

- Nhung tôi nói là không có!

Chị ta gắt lên vừa định đóng cửa lại thì chợt có một giọng nói khác vang lên:

- Ai muốn tìm Trọng?

Chị ta quay lại nói to như quát:

- Đã bảo không được ra mà?

Nhưng người đàn ông nọ đã tiến sát ra cửa, vừa nhìn thấy chiếc hộp, anh ta đã rú lên:

- Ái Liên! Trời ơi...

Anh ta nhảy tới chụp lấy vật trên tay Tường và mở nó ra ngay. Trong hộp có duy nhất một mặt dây chuyền bằng ngọc xanh, mà vừa trông thấy nó thì anh chàng đã ôm vào lòng như có được một báu vật!

Cô nàng giọng khàn kia gào lên:

- Buông nó ra! Bộ anh muốn chết hay sao chứ!

Nhưng Trọng vẫn giữ chặt lấy vừa ngửa mặt lên, thét to:

- Anh gặp lại em rồi Ái Liên ơi!

Anh ta vừa nói xong thì vùng tháo chạy ra ngoài đường như kẻ tâm thần.

Vừa chạy vừa reo lên:

- Ái Liên! Em ở đâu?

Người phụ nữ định chạy theo, nhưng chị ta vấp ngã ngay ngạch cửa. Tường phải đỡ dậy, vừa hỏi:

- Anh Trọng bị sao vậy, mà sao chị không cho tôi gặp anh ấy? Phải chăng...

Lúc này bỗng người phụ nữ oà lên khóc nức nở. Tiếng khóc bật ra như một cách giải bớt những điều chất chứa trong lòng. Tường để cho cô ta khóc một lúc rồi mới bảo:

- Phải chạy đi tìm anh ấy về thôi, không thể để Trọng chạy đi trong tâm trạng như vậy được.

Tuy nhiên, nhìn cái mắt cá chân của chị ta sưng vù, Tường không nỡ bỏ đi, phải dìu chị ta vào nhà. Bất chợt, chị ta hỏi:

- Anh là gì của cô Ái Liên. Phải chăng...

Tường đáp mà không suy nghĩ:

- Tôi vừa gặp cô ấy và từ chỗ cô ấy về đây.

Người phụ nữ dù đang đau cũng phải chống tay lùi mấy bước, miệng lắp bắp:

- Anh... anh là... là... oan hồn!

Rồi không để Tường nói, chị ta chắp hai tay lại xá liền mấy cái, vừa van lơn lia lịa:

- Xin đừng giết tôi! Xin để tôi nói, tôi sẽ nói....

Tường còn đang ngơ ngác thì chị ta đã sụp xuống lạy sát đất, vừa tuôn ra những lời mà người nghe đi từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác:

- Năm đó vì quá ghen nên tôi đã cho người phá gần hỏng thắng xe chở chị em Thuỳ Liên, Ái Liên đi. Quả nhiên khi xe qua đèo, vừa đổ dốc thì tai nạn xảy ra, cả chiếc xe lao xuống vực sâu! Tôi chỉ chủ tâm giết mỗi Ái Liên thôi, bởi nó là người yêu của chồng tôi, nó cướp tình yêu bấy lâu Trọng dành cho tôi! Không ngờ liên luỵ đến cả con chị nó nữa. Từ khi bay tin hai đứa nó chết ở đèo Cả, tôi đã nhốt chặt Trọng trong nhà, không hề cho đi ra ngoài, chỉ sợ anh ấy biết chuyện. Mãi vừa rồi khi anh đem món quà tới thì mọi việc mới lộ ra. Bây giờ tôi hối hận quá, xin anh đừng bắt tôi về, tôi sợ gặp Ái Liên lắm, cô ấy sẽ giết tôi mất!

Tường biết chị ta nhầm mình cũng là một oan hồn, nên anh hỏi:

- Lâu nay chị chưa gặp oan hồn của Ái Liên lần nào?

- Dạ chưa. Chỉ có nằm mơ thấy thôi. Mà lần nào cô ấy cũng xoã tóc đứng nhìn tôi. Mặt mày cô ấy đầy những máu...

- Bây giờ chị mới hối hận sao?

- Không, tôi đã sống trong nỗi hối hận từ lâu nay, đêm nào tôi cũng gào khóc, van xin cô ấy tha tội cho. Bởi vậy giọng tôi bị khàn đục như anh thấy đây...

- Thế chị biết gì về cái mặt dây chuyền ngọc bích lúc nãy?

Chị ta gật đầu:

- Đó là kỷ vật mà Trọng đã tặng cho Ái Liên. Cô ấy đeo nó lúc chết, nên vừa nhìn thấy là Trọng nhận ra ngay!

- Bấy lâu nay sao Trọng chịu giam mình trong nhà này?

- Trọng điên!

- À, thì ra thế....

Lúc ấy, có lẽ sau những lời thú tội quá căng thẳng nên chị ta gục ngay xuống đó ngất đi. Tường lắc đầu rồi lặng lẽ quay bước...

 

 

Bốn ngày sau, Tường trở lại đèo Cả. Khi vừa lên tới chỗ ngôi miếu thì anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy có một ngôi mộ mới được chon bên cạnh miếu! Anh hỏi thì được một người đi bộ qua đó nói:

- Cách đây mấy ngày, có một thằng cha giống như điên, leo từ dưới dốc lên tới đây rồi cứ đứng trước miếu vừa khóc vừa kêu tên ai đó... rồi đập đầu vào vách núi mà chết!

Tường bị kích động:

- Có biết anh ta kêu tên gì không?

Người kia lè lưỡi rồi nói:

- Lại kêu đúng tên mà dân ở đây ai cũng huý kỵ, đó là...

Anh ta không dám nói ra, Tường phải tiếp:

- Ái Liên!

Anh ta rùn vai sợ hãi, vừa bước đi như chạy xuống chân đèo. Tường lẩm bẩm:

- Họ đã gặp nhau rồi. Ơn trời...

Tường thấy ai còn để lại bó nhang chưa đốt, anh châm lửa đốt ba cây nhang vừa khấn:

- Anh đã làm giúp em điều mà em muốn. Cầu cho hương hồn em siêu thoát...

Anh vái xong thì đi bộ lên núi như lần trước. Nhưng lên đến nơi thì chỉ thấy ngôi nhà lá trống không, chẳng có bóng dáng của Thuỳ Liên.

Đứng tần ngần rất lâu, cuối cùng Tường đi trở xuống núi. Vừa đi anh vừa nói thầm:

- Không biết là cô có còn sống hay đã là oan hồn, chỉ xin cô nhận cho Tường này lời cám ơn. Chính cô đã cho tôi biết thế nào là giá trị đích thực của tình yêu. Tôi xin hứa, mỗi lần qua đây sẽ thắp cho cô và Ái Liên một nén nhang...

Tường chạy xe xuống đèo, và có ý định một lần nào đó nếu có dịp đi ngang qua đây vào ban đêm, thế nào anh cũng ghé lại chỗ đã ăn cháo, dù biết đó là khu nghĩa địa bỏ hoang...