Ở những hội nghị quốc tế cũng không khác. Những bài diễn văn, những cuộc bàn cãi sôi nổi, những quyết định của những hội nghị “tứ cường” hay “ngũ cường” đã ghi lại trên giấy có khi chất đầy mấy căn nhà. Nhưng kết quả? Phải chăng như một nhà khôi hài nào đã nói: “Kết quả của một cuộc hội họp là vài ngàn lời nói. Kết quả của một hội nghị là vài trăm ngàn lời nói”. Sau trận đại chiến đầu tiên, ở Hội Vạn Quốc người ta đã nói suốt 14 năm, đã hô hào hòa bình cho đến ngày... trận đại chiến thứ hai bùng nổ, tiếng súng làm át tiếng nói đi người ta mới chịu im.
Tôi còn nhớ một hôm đi taxi ngang quan điện Bourbon tức là tòa Quốc Hội Pháp, anh tài xế chỉ tòa nhà và hỏi tôi: “Ông có biết cái nhà hội của “những người khéo nói” chăng?”.
Ở thời đại dân chủ, ai cũng có quyền ăn nói. Nhờ cái quyền thiêng liêng ấy mà chúng ta đòi hỏi đặng nhiều quyền khác. Nhưng có phải vì phần đông chúng ta ai cũng thích nói mà không thích làm cho nên cái quyền thiêng liêng ấy đã mất giá trị nhiều?
Nguyên tắc chính trong khoa học “đắc lực” là: NÓI ÍT LÀM NHIỀU.
Trong trường doanh nghiệp cũng như trong chánh giới, những người “đắc lực” là những người chỉ biết hai tiếng “nên” và “không nên”.
Nếu “nên” thì họ làm ngay. Bằng “không” thì họ dẹp qua một bên. Không như một ít người quen nói tới, bàn lui, để rồi sau khi về nhà chẳng còn nhớ đến những gì họ đã nói, chứ đừng nói điến việc làm những gì họ đã nói.