Chữ “trí” và chữ “hành” luôn luôn phải đi đôi với nhau và có giá trị ngang nhau. Không thể nói: “suy nghĩ” là dễ “làm” mới là khó, hoặc nói ngược lại cũng không đúng. Cũng không thể phán đoán một cách vội vàng như một số người tự cho mình là “thực tế” (thường là trong giới doanh nghiệp) rằng: những nhà tư tưởng thường là những người “mơ mộng”, “sống trên cung trăng”, không giúp ích cho ai cả.
Sự nhầm lẫn ấy do người ta không biết phân biệt trách vụ của mỗi hạng người. Xét ra thì mỗi hoạt động nào của con người bất luận ở một địa hạt nào cũng là công trình nối tiếp của nhiều hạng người mà hiện giờ người ta quen gọi là giai cấp.
Trước tiên là nhà TƯ TƯỞNG có trách vụ phát sanh một ý tưởng, đẻ ra một sáng kiến. Kế đó là nhà THỦ LÃNH có trách nhiệm cụ thể hóa cái ý tưởng ấy, tức là làm thành hình những tư tưởng, những sáng kiến mà họ cho rằng đáng làm, cần làm. Sau đó là nhà TỔ CHỨC có trách vụ thực hiện chương trình của người THỦ LÃNH. Sau rốt là những người THỪA HÀNH có trách vụ làm cho xong những công việc của nhà TỔ CHỨC cắt đặt. Lấy những thí dụ cụ thể: Trong quân đội: Bộ phận tham mưu là là TƯ TƯỞNG, viên tổng tư lệnh là người THỦ LÃNH, những sĩ quan và hạ sĩ quan là người TỔ CHỨC, còn quân sĩ là những người THỪA HÀNH.
Trong một xưởng kỹ nghệ: nhà TƯ TƯỞNG là phòng nghiên cứu, người THỦ LÃNH là viên giám đốc, nhà TỔ CHỨC là những đốc công, người THỪA HÀNH là những thầy, thợ.
Trong cuộc cách mạng Pháp, người ta thường nhắc tên những vị THỦ LÃNH như là Robespierre, Danton đã lôi cuốn đặng phong trào, nhưng người ta không quên ghi tên những nhà TƯ TƯỞNG như Diderot, Voltaire, J. J. Rousseau đã giúp “ý” cho những nhà cách mạng hành động.
Trước hết có một ý tưởng, do nhà TƯ TƯỞNG phát sinh, sau dó có một người HOẠT ĐỘNG chụp lấy ý tưởng ấy để thực hiện. Rất có thể nhiều nhà TƯ TƯỞNG không bao giờ thực hiện đặng những ý tưởng mới lạ mà họ đã nghĩ ra, tuy vậy những ý tưởng của họ không phải là vô ích nếu nó có một phần nào đúng, vì không sớm thì muộn cũng có một người HOẠT ĐỘNG mượn lại ý đó để thực hiện.
Sử chép rằng chính ông Christophe Colomb đã tìm ra Châu Mỹ. Nhưng trước ông Christophe Colomb có nhiều nhà tư tưởng như Pline, Aristote, R. Bacon đã có ý nghĩ rằng con người ta có thể dùng thuyền đi vòng quanh thế giới. Chính ông Roger Bacon, một người chưa bao giờ vượt biển đã giúp cho ông Christophe Colomb cái ý vượt biển để tìm ra những vùng đất mới. Thư viện thành Séville (Tây Ban Nha) còn giữ quyển “Imago Mindi” của R. Bacon, trong đó con ông Christophe Colomb có ghi rõ: “sách này là của cha tôi”.
Người HOẠT ĐỘNG chưa chắc có thể đẻ ra những ý tưởng mới lạ nhưng luôn luôn họ phải biết dùng tất cả những ý hay, ý lạ phát hiện qua đầu họ, nhờ suy nghĩ, nhờ quan sát hoặc nhờ đọc sách vở, báo chí hữu ích chẳng hạn.
Không phải luôn luôn chúng ta ta tìm thấy những ý hay đúc sẵn trong sách, báo nhưng việc đọc sách báo luôn luôn có gợi ra cho chúng ta nhiều ý mới, mầm gốc của nhiều sáng tạo.
Hai anh em ông Wright đã có ý sáng chế ra chiếc phi cơ nhờ đọc quyển sách nói về cách bay liệng theo gió của Lilienthal.
Ông Mercer một người đi tiền phong trong kỹ nghệ chế tơ nhân tạo nhờ xem một quyển sách về hóa học mới nảy ý tìm tòi về cách chế tạo tơ.
Ông vua thép A. Carnegie cũng nhìn nhận đã thọ ân rất nhiều sách vở. Nên khi làm nên cơ nghiệp ông đã giúp tiền lập 1.600 thư viện công cộng.
Một nhà kỹ nghệ có tiếng bên xứ ta, ông Trương Văn Bền chủ hãng xà bông Việt Nam cũng đại để: “Tôi mà đặng địa vị như ngày nay chính là nhờ đã học đòi theo những sách bao doanh nghiệp”.
Như anh thấy, sách vở báo chí (lẽ dĩ nhiên là sách báo đứng đắn, hữu ích) quả là cái mỏ ý để chúng ta khai thác.
Những cũng tùy anh có biết và có muốn tìm nhặt những của báu ấy chăng. Đúng như một câu nói của nhà văn hào P. Valéry mà người ta đã cho khắc trên ngưỡng cửa viện bảo tàng Chaillot ở Paris:
“Tùy khách qua đường
Tôi là một nấm mồ hay một kho tàng.
Tôi sẽ nói nhiều hay tôi sẽ bưng miệng
Đó là tùy thuộc vào anh.
Đừng vào đây khi anh không ham muốn gì cả.
HAM HỌC, MUỐN HIỂU, đức tính không thể thiếu ở một người biết hoạt động, một người “đắc lực” vậy.