Hẳn anh và tôi cũng thường gặp ở ngoài đường những người xách cặp đã vừa đi vừa chạy, vẻ mặt đăm chiêu như người đa công việc, gặp nơi buồng giấy những người đang vò đầu bứt tóc trước những chồng giấy má bừa bãi và nghe than thở: “Công việc ngập đầu, không còn một phút để thở”.
Nhưng hẳn anh cũng như thôi cũng đã nhận thấy điều này: “NHỮNG NGƯỜI TỰ CHO RẰNG ĐÃ HOẠT ĐỘNG NHIỀU NHẤT LẠI LÀ NHỮNG NGƯỜI ÍT LÀM NÊN CÔNG VIỆC NHẤT”.
Có gì đâu, bởi những người ấy tưởng rằng khi họ có CỬ ĐỘNG tức là họ đã HOẠT ĐỘNG. Nhưng thật sự thì HOẠT ĐỘNG không phải là NÁO ĐỘNG.
Hẳn anh đã nhìn thấy những con chuột tàu người ta nuôi trong lồng kính. Trong cái chuồng xinh xắn ấy người ta chia đôi làm thành một cái gác có thang để leo lên. Gác trên ngăn làm nhiều buồng nhỏ.
Tầng dưới người ta đặt hai cái lồng nhỏ đan bằng kẽm có thể xoay tròn theo một cái cốt sắt. Mấy chú chuột bạch nhỏ nhít sau khi lên gác, xuống thang, chạy lăn xăn, chạy trong chuồng mãi có ý buồn bèn chui vào cái lồng bằng dây kẽm ấy để xích đu. Lọt vào lồng, mấy chú ấy bốn chân bước tới không ngừng, càng bước nhanh cái lồng càng quay nhanh. Nó quay tít một hồi đến lúc mấy chú chuột đuối chân, mệt nhoài mới chịu leo xuống.
Nếu có chú tý nào có óc biết suy nghĩ hẳn chú ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: “Mình hoạt động ngần ấy sao chẳng đi đến đâu cả?”.
Đó cũng là hình ảnh của những người NÁO ĐỘNG mà tưởng rằng mình đã HOẠT ĐỘNG.
Vậy thế nào mới là HOẠT ĐỘNG? Về phép hành động, khoa học “đắc lực” có nêu ra nhiều nguyên tắc mà đây là một: “HOẠT ĐỘNG TỨC LÀ SẢN XUẤT”. Xét theo nguyên tắc này: mỗi hoạt động nào của chúng ta (bằng trí não cũng như bằng chân tay) phải có đem theo một kết quả gì mới có thể kể đó là HOẠT ĐỘNG.
Thiếu điều kiện trước tiên này, dù chúng ta có làm việc với “bốn tay tám cẳng” thì chúng ta cũng chỉ làm việc như những con chuột tàu nói trên, tức là chúng ta mới có NÁO ĐỘNG chứ chưa biết HOẠT ĐỘNG.