Đi học họ chỉ mong đoạt một mảnh bằng vừa phải để làm một công vừa đủ sống. Đi buôn họ chỉ mong tạo nên một ngôi hàng nho nhỏ, để vợ bán hàng, con quét kệ, họ đi bổ hàng vừa tính sổ. Làm ra một số vốn kha khá họ vội bớt hoạt động ngay để tạo ra một ngôi nhà nho nhỏ, một mẫu vườn be bé. Việc nước việc dân họ cũng đã nghĩ đến: Tranh được một chức hương thân, hương giáo trong làng cũng là ngồi đặng chiếu cao.
Lối sống an phận thủ thường này lại đặng nhiều bậc cha mẹ khuyến khích. Xét ra những cha mẹ này cũng có lý. Có lý ở cái tuổi của họ. Con người già đi như lò lửa gần tàn. Củi đã cháy gần hết, ngọn lửa làm sao bốc lên cao?
Nhưng đứng về phương diện “đắc lực” mà xét, tôi có thể nói thẳng với anh rằng: hạng người “bé nhỏ” như thế không đáng gọi là thanh niên. Đặc tính của tuổi trẻ là “SỐNG”. “SỐNG” mãnh liệt. Đối với những người chỉ ôm ấp một giấc mộng con, những người theo lời một nhà văn đã nói “…Những kẻ ấy, thiên đường sẽ đuổi họ ra bởi họ sẽ làm lu mờ vẻ đẹp trên ấy. Và địa ngục sâu thẳm cũng sẽ tống cổ họ đi bởi nếu để họ ở đấy những kẻ tội lỗi sẽ đặng chút vinh hạnh hảo đặng sống chung với họ.
Và anh có thể tin rằng: cuộc đời thực tế cũng sẽ thải trừ họ ra.
Vì thế giới này là một thế giới đã đặng xây dựng bởi những người lớn, có những hoài bảo lớn, biết làm những công việc lớn, dám thua to cũng như dám lãi lớn. Lẽ tất nhiên chỉ có những người lớn mới có quyền ăn, nói, mới có quyền định đoạt, mới có quyền hưởng thụ.
Người “đắc lực” không tìm sự an toàn mà thích tìm sự mạo hiểm. Bởi nếu sự an toàn là mục đích đời sống, thiết tưởng còn ai đặng hạnh phúc bằng những tù nhân trong khám đường?
Người “đắc lực” không nuôi những “giấc mộng con”, nếu họ phải tạm làm những công việc nhỏ đó là để lần hồi đi đến những công trình to lớn.
Họ không hoài công xây đắp những ổ chuột vì họ biết rằng: muốn bắt gặp loài hổ báo phải vào tận hang hùm, chứ từ ổ chuột chỉ có những chú chuột lắc chạy ra thôi.
Không, dịp may để làm lớn không thiếu… CHỈ THIẾU NHỮNG NGƯỜI DÁM NUÔI MỘNG LỚN đấy thôi.