- Công việc tôi giao phó cho anh có khó đấy, nhưng bù lại anh sẽ đặng đền công một cách trọng hậu, hơn nữa nếu anh hoàn thành nhiệm vụ tương lai anh sẽ đặng đảm bảo. Nhưng tôi cần nói rõ, anh phải có những điều kiện này… những điều kiện này…
Chàng thanh niên nghe xong, nghĩ một hồi lâu, đáp:
- Thưa ông, lòng thiện chí của tôi không thiếu, đã định vào giúp việc thì tôi đâu quản ngại sự khó khăn, nhưng xin thưa thật với ông, những điều kiện ông đưa ra tôi không sao có đủ. Xin ông dạy cho biết tôi có thể làm gì bây giờ.
Ông chủ hãng không chút suy nghĩ, lạnh lùng buôn ra một câu:
- Hiện giờ nếu anh chưa có cánh thì chịu khó bò mà đi vậy.
Và liền sau đó ông tiễn chân người thanh niên đó ra khỏi phòng.
Cảnh trên đây tôi đã đặng chứng kiến không phải ở ngoài đời mà trên màn ảnh. Đã lâu quá rồi, tôi không còn nhớ trong một phim nào. Nhưng tôi còn nhớ rõ: lúc bấy giờ, tôi biết đó chỉ là sự việc xảy ra trên màn ảnh song với tính bồng bột của tuổi trẻ, tôi rất phẩn uất cái thái độ vừa vô lý vừa tàn nhẫn của viên chủ hãng ấy. Và lúc bấy giờ nếu có dịp cầm bút tôi sẽ viết những bài thật hăng để buộc tội, để lên án sự thiếu lòng nhân đạo của ông ta.
Nhưng thưa anh, hôm nay cầm bút lên để kể lại chuyện cho anh nghe việc trên đây tôi chỉ xin thú thật với anh rằng: nếu phải bình phẩm lại cái thái độ của nhà doanh nghiệp ấy thì tôi hoàn toàn nghĩ khác.
Ông ta rất có lý. Ông ta đã có can đảm nói một sự thật, chua chát thật, đau đớn thật, nhưng nó vẫn là sự thật. Chính những người bảo chúng ta nhắm mắt lại rồi nói: “Đó anh xem, đâu có anh sáng mặt trời”, mới thật là vô lý hơn nữa, thật là vô lương tâm vì họ lợi dụng tính ngây thơ và lòng tin của tuổi trẻ một cách trắng trợn.
Thái độ của ông ta cũng không có gì là tàn nhẫn. Chính những người dung túng những kẻ không có canh hoặc không chịu tháp cánh mà đòi bay mới thực là tàn nhẫn. Nhắc một con gà giò lên trên cao rồi thả xuống, nó rớt xuống đất liển, phải dập xương, nát thịt, đó mới thật là một cử chỉ tàn nhẫn.
Trên đời này đâu có một cái gì tự nhiên mà chúng ta được. Muốn có một cái gì, trước đó chúng ta phải chịu mất một cái gì.
Trên thương trường còn nhà buôn nào không biết rằng: muốn mở ra một hiệu buôn, trước khi thấy đồng bạc đầu tiên lăn vào tủ kết (két sắt), thì phải chịu mất hàng trăm nghìn đồng, tiền nằm chết, đó là số vốn đầu tiên.
Ở mọi địa hạt khác cũng thế, “cái gì người ta phải chịu mất trước” ấy có thể không phải là một số vốn bằng tiền bạc, nó có thể là công phu, là nhẫn nại, là mồ hôi, là nước mắt, là máu, song luôn luôn người ta phải chịu mất một “cái gì trước” để rồi mới được sau.
Một bác sĩ trước khi trương bảng mở phòng chữa bệnh đã phải mất bảy tám năm đèn sách, năm ba năm tập sự.
Một người thợ nhà in, trước khi lãnh đặng đồng lương thợ đã phải mất đôi ba năm học nghề, nhẫn nại vâng theo mọi mệnh lệnh của viên cai xếp.
Một lực sĩ trước khi chạy đặng 100 thước dưới 11 sao (giây) để lãnh chức vô địch, đã phải mất bao nhiêu mồ hôi và công phu luyện tập.
Một kịch sĩ trước khi rước lấy tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả đã phải mất bao nhiêu nước mắt, ngậm đắng nuốt cay để đeo đuổi cái nghề bạc bẽo, nghề làm trò cho người đời xem.
Tự do và lý tưởng cũng thế. Đức Giêsu đã chẳng phải chịu đổ máu trên cây thập tự để truyền bá đạo lý nhân đạo của Ngài?
Nhưng thưa anh, có phải anh nhận thấy, có nhiều người muốn tất cả, muốn đặng tất cả, muốn giữ tất cả nhưng họ không chịu mất một cái gì cả.
Đời sẽ không chiều những người nông nổi ấy đâu. Không chầy thì kíp đời sống thực tế sẽ nhắc nhở họ như viên chủ hãng buôn đã nhắc chàng thanh niên nói trên:
“Muốn bay ít ra phải có cặp cánh, muốn bay cao phải tháp cho mình cặp cánh chim bằng, nếu chưa có cánh thì đành bò mà đi vậy”.