Có lẽ nhà đạo đức ấy không hiểu hoặc không muốn hiểu về lịch sử nhân loại, về bản tính con người hoặc về kinh tế học gì cả.
Tại sao diệt trừ sự cạnh tranh mà không diệt trừ sự tê liệt, sự nhu nhược, nó cũng làm tràn rụi những tâm hồn?
Có cạnh tranh, có tranh đấu mới có tiến bộ.
Trong địa hạt nào cũng thế, sự canh tranh, sự tranh đấu là những lý do thúc đẩy con người tiến đến một mức sống cao hơn.
Chúng ta thử tưởng tượng một cuộc thi chạy mà không có mức ăn thua, một cuộc đá banh mà không có hai trụ lưới. Chắc chắn những tay lực sĩ sẽ không nổ lực để chạy nhanh về đích, có khi họ nằm ngủ ở giữa đường. Những cầu thủ ra sân mà không có hai trụ lưới chắc chắn sẽ chỉ giỡn với trái banh chứ không lo đá banh, không lo làm bàn.
Trong giới thương mãi hay kỹ nghệ cũng thế. Những ngành thương mãi, kỹ nghệ phát đạt là những ngành có nhiều cạnh tranh. Có cạnh tranh, nhà buôn, nhà kỹ nghệ mới biết lo chiêu đãi khách hàng, lo làm cho món hàng tốt hơn, bán giá rẻ hơn, nếu “một mình một chợ” thì có bao giờ họ nghĩ đến cách phụng sự người tiêu thụ?
Những người hoạt động, thích tiến bộ điều có ước muốn cạnh tranh. Những kẻ lười biếng, nhu nhược trái lại rất sợ cạnh tranh, không thích tranh đấu.
Sự cạnh tranh tiêm nguồn sinh lực vào người chúng ta. Nó giúp chúng ta suy nghĩ, hành động. Nó mang lại cho chúng ta cái thú vui vô tận, đã làm đặng một công việc tận thiện, tận mỹ.
Nhưng cạnh tranh không có ý nghĩa là hoài công phí sức, phí sức để kéo dật lùi đối phương lại mà chính là nỗ lực để làm hơn đối phương.
Người biết cạnh tranh là người không sợ kẻ khác làm hơn mình mà chỉ lo rằng mình không thể làm hơn kẻ khác vậy.