Tôi còn nhiều việc phải làm, phải xén cây trái trong vườn trước khi nhựa phong dâng lên. Chúng tôi hái táo ở vườn những quả táo đẹp và ngon như ngày xưa. Trong các thứ táo có một loại tôi ưa nhất, có quả cân tới một "liu", dưới làn da đỏ, thịt táo dòn tan. Quả táo không ngọt quá mà cũng không chua.
Mỗi lần tôi ăn táo lại nhớ đến Diên Tôn không ưa thích. Ở Tàu, táo nhạt, rắn và Diên Tôn chưa bao giờ thử nếm trái táo ở quê tôi, thứ táo rất ngon thơm. Có một ngày tôi mang cho chàng một giỏ đầy lê – thứ lê của trại Bắc Lệ - chàng sẽ không ăn hết một quả.
Chàng bảo:
Lê mềm quá. Ở Bắc Kinh lê dòn và rất ngọt.
Tôi trả lời, trêu đùa chàng:
Như vậy, không phải là trái lê rồi…
Hãy chờ, rồi em sẽ rõ…
Chúng tôi sắp lấy nhau. Khi tôi nếm lê Bắc Kinh, tôi thấy ngon ngọt thật, hơn nữa để cả mùa đông quả lê vẫn tươi.
Cả ngày tôi xén cây với Mạch. Bác ta người ít nói, cao và khô đét, răng bác rụng, từ lúc còn trẻ vì thức ăn không thích ứng. Bác khinh khỉnh nhìn chiếc bánh và thức ăn uống của tôi, mặc dù tôi mời mọc, bác vẫn từ chối không cùng ăn sáng và ngồi cách xa ra nhai mẩu thịt trong hai chiếc bánh mì lớn. Mạch biết tôi có sinh sống ít năm ở Trung Hoa, chắc bác cũng có nghĩ đến Diên Tôn, nhưng chưa bao giờ bác hỏi tôi ra, ngoài công việc trang trại. Xa hơn nữa, câu chuyện chỉ quanh quẩn về vài mẩu tin chẳng tốt đẹp gì ở thung lũng. Buổi nay chúng tôi không nói chuyện nhiều. Tôi bảo bác:
Tôi muốn làm xong công việc trong vườn này trước khi Lê Ni đi học về.
Rồi chúng tôi lại bắt tay vào việc.
Cứ như vậy tôi xén các cây táo. Tôi dùng cưa và xén khá tài tình. Thoạt đầu, tôi cưa cành lớn, mà bao giờ tôi cũng cắt cách mắt cây chừng ba bốn phân, sợ cây nứt. Khi lưỡi cưa đã giũa sắc, xóm giềng của tôi vẫn nói là đến lúc phải xén cây và như vậy mới đúng. Về mùa đông, tôi bôi dầu mỡ và giũa sắc lưỡi cưa và lưỡi liềm. Tôi có một máy mài cổ xưa dùng để giũa các dụng cụ lớn, còn các dụng cụ nhỏ, tôi mài bằng tay.