Bà bảo ông cụ:
Tôi cần phải có hàng rào, nếu không có, tôi còn biết mình ở đâu nữa?
Cha tôi dựng hàng rào khá xa, ở phía thảm cỏ lớn và một rừng nhỏ đầy phong trắng. Mẹ tôi rất ưng ý, ít khi bà đi quá xa hàng rào này. Bà xinh đẹp, nhưng tính tình cứng cỏi. Khi báo tin tôi định lấy Diên Tôn, bà phản đối không muốn tôi lập gia đình.
Bà nói hôm tôi hỏi ý kiến bà:
Cảnh vợ chồng có đôi khi thật bất mãn đối với một người đàn bà nền nếp. Vì Diên Tôn thuộc một gia đình có truyền thống cổ kính của Trung Hoa…
Có lúc ngập ngừng không dám cho mẹ tôi biết nguồn gốc phân nửa Trung Hoa của đại gia đình Diên Tôn. Trông chàng giống một người dân Caucase với cặp mắt lớn, mặc dù hơi xếch và vầng trán cao. Chàng rất đẹp trai, còn tôi chưa dám nhận mình là một thiếu nữ xinh đẹp. Tôi người hung nâu và nhỏ bé, mắt màu xám. Tôi đâu dám tin là mình đẹp? Ngay Diên Tôn cũng chưa bao giờ nói điều này. Da em rất mịn màng. Miệng em thật xinh tươi!
Chàng chỉ nói có thế, chưa bao giờ nói đến sắc đẹp.
Nếu ý nghĩ dấu nguồn gốc một phần Trung Hoa của Diên Tôn lướt qua đầu óc tôi thì thật ý nghĩ đó cũng chỉ thoáng qua thôi. Mẹ tôi rất tinh ý và đoán ra hết.
Với vẻ ung dung từ tốn, tôi nói:
Ông thân của Diên Tôn ở Bắc Kinh. Ông là người Mỹ nhưng bà vợ, mẹ của Diên Tôn lại là người Trung Hoa.
Cái miệng nhỏ bé của mẹ tôi bĩu ra:
Ồ! Càng không được đâu Ely!....
Riêng chỉ có bà gọi tôi là Ely. Diên Tôn gọi tôi là Eve để tỏ tình yêu đương. Có những người khác lại đặt đủ thứ tên gọi.
Chàng tuyên bố ngày lễ đính hôn của chúng tôi:
Eve, em là mối tình đầu của anh.
Tôi hỏi chàng vẻ tinh ranh:
Có cần em gọi anh là Adam không?
Với vẻ đùa nghịch, vừa châm biếm, chàng nói:
Anh ngờ rằng tín đồ Cơ đốc giáo không chấp thuận cái tên đó cho một người Trung Hoa đâu!
Tôi đáp:
Anh nói anh là người Trung Hoa, nhưng chỉ có một phần. Em yêu cầu anh, anh Diên Tôn, khi em giới thiệu anh với mẹ em, anh hãy tỏ ra mình là người Mỹ.
Nói đến lời này, thì bản chất người Trung Hoa trội bật hẳn lên. Chàng có vẻ bí hiểm, lễ phép mà lại lững lờ, tuy vẫn giữ vẻ khôi hài, đến nỗi tôi không hiểu rằng rồi đây trước mặt mẹ tôi thái độ của chàng sẽ ra sao. Thật đáng tiếc, cha tôi không còn nữa để hiểu chàng, chắc cha tôi phải quý mến chàng lắm. Cha tôi vốn tính tình cởi mở.
Nhưng thật ra, tôi rất tin tưởng Diên Tôn, vì khi đến chào mẹ tôi, trông chàng rõ ra một người Mỹ đẹp trai, riêng duyên dáng thì tự nhiên và mớ tóc đen chải chuốt để lộ một phần nào nguồn gốc Trung Hoa thôi. Mắt chàng tinh nhanh ngay thẳng. Có những lúc cặp mắt chàng trông rõ ra người Á Đông, biểu hiện một tâm hồn tự chủ kiêu kỳ. Chàng đã lấy được lòng mẹ tôi một phần nào rồi.
Tuy vậy, cuộc gặp gỡ đầu tiên này chưa làm tiêu tan hết nỗi lo âu của bà. Sau đó về khuya, mẹ tôi thường gọi tôi vào phòng. Bà ngồi trên ghế bành, mặc chiếc áo khoác ngủ bằng dạ xám, tóc quấn bằng mấy sợi dây da đen.
Bà bảo tôi:
Ely, mẹ rất lo rồi sau này con cái con sẽ giống người Tàu.
Chúng có thể giống dòng họ của bố chứ?
Điều đó có gì chắc chắn. Mẹ tự hỏi làm sao chịu được nếu có một đứa cháu ngoại da vàng. Mẹ biết nói năng sao với bà con của mẹ ở Boston?
Mẹ đừng ngại, chúng con sẽ sống ở Bắc kinh.
Bà sững sờ:
Con không thể sang sống ở Trung Hoa!
Tôi viện lý:
Thế mẹ chẳng đến ở miền Vermont sao?
Nhưng mẹ chưa từng thấy ai thích đi Bắc Kinh!
Bà nội Diên Tôn có đi Bắc Kinh khi Diên Tôn còn nhỏ, bà cụ đến thăm các cháu. Bà thấy ở Bắc Kinh dễ chịu quá, nên ở luôn đến ngày chết, chắc mộ bà cũng vẫn còn ở đó.
Mẹ tôi nói giọng sẵng:
Người ta không chọn nơi để chết.
Nhưng đó là ý muốn bà cụ Diên Tôn nói thế.
Mẹ tôi thở dài.
Không bao giờ mẹ đi Bắc Kinh đâu.
Tôi tươi cười nói:
Ai mà biết được?
Hồi này tôi sung sướng quá, nên luôn luôn vui vẻ. Bà không quên lời hứa. Không bao giờ bà đi Bắc Kinh thật. Cưới nhau được một năm thì mẹ tôi mất vì bệnh phổi. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi thường bảo vào mỗi mùa đông, vừa nói vừa run, chiếc khăn quàng lớn màu xám quấn ở cổ:
Những mùa đông giá rét lạnh ở Vermont này sẽ giết mẹ mất thôi!
Quả vậy bà chết về mùa đông. Nhưng cũng một phần về nỗi lạnh lùng bà vẫn mang trong tâm khảm.