Chỉ còn lại khu vực phía Tây là khu vực gian nan nhất. Căn cứ theo bản đồ thì ở đấy có một con đường đi bộ được, dẫn đến một vạt đất cao bằng phẳng có núi đá bao quanh, tại đấy có di tích nổi tiếng của lâu đài "Bộ xương cùm xích" và gần đó, như thường thấy trong những trường hợp như vậy, có quán rượu "Trên đường đến bộ xương cùm xích"
Tại khu di tích hoang tàn ấy, quả thật có thể nhìn thấy những phần còn lại của một đường hầm ngầm và đằng sau dãy chấn song sắt là một bộ xương đồ sộ bị cùm chặt trong mớ xích han gỉ, ở tư thế ngồi. Hình vẽ bộ xương ấy trên những tấm bưu ảnh, trên những con dao cắt và cốc vại đựng bia được bày bán khắp nơi. Thậm chí có thể mất hai đồng để chụp ảnh cạnh bộ xương và gửi bức ảnh cho những người quen biết hoặc cô gái mình yêu mến. Cứ vào ngày chủ nhật là nơi di tích này lại chen chúc những tiểu thị dân đến nghỉ ngơi, và quán rượu tấp nập người ra vào. Thường có cả khách nước ngoài nữa.
Nhưng sau chiến tranh, niềm ham thích bộ xương nổi tiếng kia giảm hẳn đi. Giới tiểu thị dân đã sa sút, vào những ngày hội hè, họ ngại trèo lên ngọn núi dốc đứng và ưa thích nằm dài trên bờ sông, dưới rặng cây đoạn, nhấm nháp bia và những khoanh bánh mì kẹp thịt hơn...
Chính di tích ấy là nơi Henrích và Khơlưnốp hiện đang đi đến. Họ tạt vào quán điểm tâm trên quảng trường thành phố để ăn uống một lát, nghiên cứu hồi lâu tấm bản đồ địa phương và hỏi han tỉ mỉ người hầu bàn.
Hóa ra ở mạn Tây của thung lũng, ngoài khu di tích và quán rượu kia, còn một thắng cảnh nữa: đó là tòa biệt thự của chủ xưởng sản xuất máy chữ đã bị phá sản trong những năm qua. Tòa biệt thự nằm ở sườn đồi phía Tây, từ thành phố không nhận thấy được. Viên chủ xưởng sống ở đây một mình, gần như không ra ngoài.
Mãi đến quá nửa đêm trăng tròn mới mọc lên. Những gì mà trước đây hình như là một sự chồng đống lờ mờ những tảng đá và núi đá, thì nay hiện ra lồ lộ dưới ánh trăng: bóng mượt mà của những mái vòm còn lành lặn trải dài xuống phía dưới vào tận hẻm núi, những phần còn lại của bức tường pháo đài mọc đầy những cây nhỏ cong queo và đám đũm hương chằng chịt, ngọn tháp hình vuông như bừng sống dậy: đây là phần cổ nhất của lâu đài do những người Noócmăng xây dựng nên, hoặc "Tháp tra khảo", như tên gọi ghi trên các bưu ảnh.
Ở mạn Đông, tiếp giáp với ngọn tháp này là những mái vòm bằng gạch, chắc hẳn khi xưa đó là đường hành lang nối liền ngọn tháp cổ với tòa lâu đài dùng để ở. Dưới chân ngọn tháp ấy chính là nơi có "Bộ xương cùm xích".
Henrích tì khuỷu tay vào dãy chấn song nhìn bộ xương hồi lâu rồi quay về phía Khơlưnốp nói:
- Bây giờ anh hãy nhìn phía dưới kia!
Mãi phía bên dưới là dải thung lũng chìm ngập trong ánh trăng mờ mờ. Dòng sông lấp lánh vẩy bạc tại những nơi nước chảy qua các bụi cây. Thị trấn như một thứ đồ chơi huyền ảo. Không một ô cửa sổ nào sáng ánh đèn. Bên kia thị trấn, mạn bên trái, là hàng trăm ánh đèn rực sáng của Công ty hóa chất anilin. Những cột khói trắng bốc cao, lửa hồng phát ra từ các ống khói. Văng vẳng vọng đến tiếng còi tàu và tiếng ầm ầm gì đó.
- Tôi nói đúng, - Henrích lên tiếng, - chỉ từ khoảng đất cao này mới có thể bắn phá bằng tia được. Anh nhìn xem, kia là những kho chứa nguyên liệu, sau con đê bằng đất kia kìa là những kho chứa bán thành phẩm, chúng hoàn toàn phơi mình ra, còn kia là những tòa nhà dài, nơi sản xuất axít xuynphuyrích theo phương pháp Nga, từ hợp chất xuynphua. Còn những mái nhà tròn đứng riêng hẳn ra là nơi sản xuất anilin cùng tất cả những chất quỷ quái khác, những chất đó sẵn sàng nổ tung lên, đôi khi chỉ là do tính đỏng đảnh của chúng thôi.
- Cứ cho là thế đi, Henrích ạ. Nhưng nếu dự đoán rằng Garin sẽ chỉ bố trí bộ máy của y vào đêm hai mươi bảy rạng ngày hai mươi tám thì nhất định phải có dấu hiệu chuẩn bị sơ bộ chứ.
- Phải xem xét kỹ khu di tích đổ nát này mới được. Tôi sẽ điều tra kỹ tình hình ngọn tháp, còn anh hãy điều tra kỹ tình hình các bức tường và mái vòm... Thật ra, không thể tìm được chỗ nào tốt hơn chỗ bộ xương này đâu.
- Đến bảy giờ, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở quán ăn.
- Đồng ý.
Vào lúc tám giờ, Henrích và Khơlưnốp ngồi uống sữa tại hàng hiên bằng gỗ của quán ăn "Trên đường đến bộ xương cùm xích". Những cuộc tìm kiếm đêm qua không đem lại kết quả gì hết. Họ ngồi im lặng, hai tay đỡ lấy đầu. Trong những ngày qua, họ đã hiểu nhau đến nỗi có thể đọc được ý nghĩ của nhau. Vốn là người mẫn cảm hơn và ít tự tin hơn, Khơlưnốp nhiều lần bắt đầu xem xét lại toàn bộ quá trình suy nghĩ đã đưa anh và Henrích từ Pari đến nơi đây, một nơi hình như vô hại này. Dựa vào đâu mà họ lại làm như vậy? Dựa vào hai ba dòng chữ trên báo.
- Henrích, liệu chừng chúng ta bị mắc lỡm không?
Henrích đáp:
- Trí tuệ con người chỉ có hạn. nhưng đối với công việc thì dựa vào trí tuệ bao giờ cũng hợp lý hơn là nghi ngờ. Hơn nữa, nếu chúng ta không tìm thấy gì hết và hành động quỷ quyệt của Garin chỉ là sự tưởng tượng của chúng ta thì thật may mắn quá. Chúng ta đã làm tròn nghĩa vụ của mình.
Người hầu bàn mang đến dĩa trứng tráng và hai cốc vại bia. Rồi chủ quán xuất hiện, đấy là một người đàn ông to béo, hồng hào. Ông ta huyên thuyên hồi lâu về lịch sử trong vùng, rồi quay ra quảng cáo những tấm bưu ảnh in hình "bộ xương cùm xích". Thấy hai người khách không tỏ ra quan tâm, ông ta bỏ đi, nhưng lập tức trở lại ngay với một chiếc hộp nhỏ tựa như hộp xì gà. Trên nắp hộp bằng gỗ cũng khắc hình bộ xương nổi tiếng kia.
- Các ngài có muốn thử không? Bộ máy này hoạt động không thua kém gì những bộ máy chạy bằng đèn âm cực đâu - Ông ta nhanh nhẹn lắp dây dẫn và các ống nghe rồi cắm máy thu thanh vào ổ cắm bố trí dưới gầm bàn. - Chỉ cần ba mác rưỡi thôi, - ông ta nói tiếp và đưa bộ tai nghe cho Khơlưnốp, - là có thể ta nghe thấy Béclin, Hămbua, Pari nếu như ngài thích nghe. Tôi sẽ thu xếp để ngài nghe thấy nhà thờ lớn Côlônhơ, tại đấy đang có buổi lễ, và ngài sẽ nghe thấy tiếng đàn đại phong cầm, thật ghê gớm, phải không?... Ngài hãy quay cần gạt sang bên trái... Có chuyện gì thế? Hình như gã Stuphe khốn kiếp lại gây trở ngại rồi thì phải?
- Ai gây trở ngại kia? - Henrích hỏi, cúi xuống bộ máy.
- Stuphe, gã chủ xưởng sản xuất máy chữ đã phá sản, một kẻ say rượu và điên rồ... Hai năm trước đây, gã ta đã lắp một đài phát sóng trong biệt thự của gã. Rồi gã bị phá sản. Nhưng đài phát sóng lại mới bắt đầu hoạt động trở lại...
Mắt Khơlưnốp sáng lên một cách lạ lùng, anh đặt ống nghe xuống.
- Henrích, ta trả tiền rồi đi đi.
Một vài phút sau, khi đã thoát được ông chủ quán lắm lời, họ bước ra đường, Khơlưnốp nắm chặt tay Henrích:
- Tôi nghe thấy rồi, tôi nhận ra giọng Garin...
Sáng hôm đó, trước đấy một tiếng đồng hồ, tại ngôi biệt thự của Stuphe nằm trên sườn đồi phía Tây, trong phòng ăn lờ mờ tối, Stuphe ngồi ở bàn và nói chuyện với một người đối thoại vô hình. Đúng hơn đấy là những câu nói và những lời chửi rủa rời rạc, đứt đoạn. Trên chiếc bàn phủ đầy tàn thuốc lá, lăn lóc những chai rượu rỗng không, những đầu mẩu xì gà, chiếc cổ áo và chiếc cà vạt của Stuphe. Ông ta chỉ mặc bộ đồ lót, tay gãi gãi bộ ngực mềm nhẽo, mắt chằm chằm nhìn vào ngọn đèn điện duy nhất còn cháy sáng trong cả bộ đèn chùm đồ sộ bằng sắt, và vừa cố kìm cơn sợ vừa khe khẽ chửi rủa những hình bóng người hiện lên trong đầu óc say khướt của ông ta bằng các lời lẽ tục tằn nhất.
Chiếc đồng hồ trong phòng ăn trang trọng đánh bảy tiếng như bảy tiếng cồng. Gần như ngay lập tức vang lên tiếng xe hơi chạy đến. Garin bước vào phòng ăn, khắp người y đẫm mùi gió sớm, vẻ mặt y đầy giễu cợt, răng y nhe ra, chiếc mũ da đội sụp sau gáy:
- Ông lại say suốt đêm phải không?
Stuphe đưa cặp mắt đỏ ngầu liếc nhìn Garin. Ông ta thích y. Y trả tiền thứ gì cũng thật hào phóng, y không hề mặc cả, thuê luôn mấy tháng hè ngôi biệt thự này cùng hầm rượu, nhưng vẫn để Stuphe tha hồ sử dụng các loại rượu mùi và các loại sâm banh lâu đời của Pháp và của vùng sông Ranh. Có trời mới biết y làm nghề gì, chắc hẳn là nghề đầu cơ, nhưng y chửi mắng tàn tệ bọn người Mỹ là những kẻ đã làm Stuphe phá sản hai năm trước đây, y khinh bỉ chính phủ và gọi mọi người là đồ súc sinh - Điều đó cũng thật hợp ý Stuphe.
- Còn ông thì có lẽ suốt đêm cầu Chúa chắc? - Stuphe khàn khàn hỏi lại.
Garin cười phá lên một hồi ngắn. Rồi y vỗ vào tấm lưng núc ních của Stuphe.
- Mỗi chúng ta đều giải trí theo cách riêng của mình. Mà này, trong lúc tôi vắng mặt, không có hai người nào đến hỏi tôi chứ?
- Không.
- Tốt lắm. Ông đưa cho tôi chìa khóa nhà kho nào.
Garin vừa quay quay chiếc chìa khóa vừa bước ra vườn, nơi có một ngôi nhà kho nhỏ lắp kính dưới những dàn ăng ten ngang dọc. Y đẩy cửa ra vào, bước vào trong và mở toang các ô cửa sổ. Chống khuỷu tay lên bậu cửa, y đứng một lát, hít thở bầu không khí mát mẻ buổi sáng. Y đã ngồi trên ôtô gần hai mươi tiếng đồng hồ để thu xếp công việc với các ngân hàng và các nhà máy. Giờ đây, mọi chuyện đã đâu vào đấy trước ngày hai mươi tám.
Y không nhớ là đã đứng như vậy bao nhiêu lâu bên cửa sổ. Rồi y vươn vai, châm thuốc hút, mở máy phát điện, xem xét và điều chỉnh các bộ máy. Sau đó, y đứng trước micrô và chậm rãi gọi to:
- Dôia, Dôia, Dôia, Dôia... Hãy nghe đây, hãy nghe đây, hãy nghe đây... Tất cả những gì em muốn rồi sẽ có. Chỉ có điều là hãy biết ham muốn. Anh cần có em. Không có em, công việc của anh sẽ mất hết ý nghĩa. Vài ngày nữa, anh sẽ đến Naplơ. Đến mai anh sẽ báo chính xác cho em biết. Em đừng lo lắng gì hết. Mọi việc đều tốt đẹp.
Y im lặng một lát, hít một hơi thuốc rồi lại bắt đầu gọi: "Dôia, Dôia, Dôia...". Y nhắm mắt lại. Chiếc máy phát điện ầm ì kêu khe khẽ, những tia chớp vô hình lần lượt thoát ra khỏi ăng ten.
Dù đoàn xe kéo pháo có ầm ầm lăn bánh qua lúc này thì chắc hẳn Garin cũng không nghe thấy. Y cũng không nghe thấy ở cuối bãi cỏ có tiếng sỏi đá lăn rào rào xuống sườn dốc. Rồi bụi cây cách tòa nhà năm mươi bước chân bỗng tách ra và nòng đen nhánh của một khẩu súng côn nâng lên ngang tầm mắt.
Rôlinh cầm lấy ống điện thoại:
- Nói đi.
- Tôi là Xêmiônốp đây. Tôi vừa bắt được làn sóng của Garin. Ngài cho phép đọc chứ?...
- Được.
- "Tất cả những gì em muốn rồi sẽ có, chỉ có điều là hãy biết ham muốn..." - Xêmiônốp vội vã dịch những câu nói của Garin từ tiếng Nga sang tiếng Pháp. Rôlinh lặng im nghe, không thốt ra một lời nào.
- Hết rồi chứ?
- Vâng ạ.
- Ông hãy ghi chép đi, - Rôlinh bắt đầu đọc: - điều chỉnh ngay đài phát sang làn sóng bốn trăm hai mươi mốt. Ngày mai, mười phút trước lúc ông bắt được bức điện hôm nay, hãy bắt đầu phát những câu sau đây: "Dôia, Dôia, Dôia... Xảy ra một tai họa bất ngờ. Cần phải hành động. Nếu bà coi trọng tính mạng người bạn của bà thì thứ sáu này hãy lên bờ ở Naplơ, dừng chân tại khách sạn "Xplenđiđơ" và chờ tin tức cho đến trưa thứ bảy". Ông hãy nhắc đi nhắc lại liên tục, ông nghe thấy chứ, ông nhắc đi nhắc lại liên tục bằng một giọng to và thuyết phục. Có thế thôi.
Rôlinh bấm chuông.
- Tìm ngay Tưclinxki và đưa đến đây gặp tôi, - y bảo viên thư ký vừa hối hả chạy bổ vào. - Rồi ra ngay sân bay. Thuê hoặc mua một chiếc máy bay chở khách. Mướn phi công và thợ máy. Đến ngày hai mươi tám, mọi thứ đều phải sẵn sàng cho chuyến bay...