Quỳnh nhớ mùa hè năm mười sáu tuổi, mưa liên tục. Đó là một mùa hè có hương vị đậm đặc. Mùa hè ấy, trong cuốn nhật ký của cô đã có hơn hai mươi câu chuyện. Cây bút xanh nhạt đã phải thay mấy lần. Mái tóc của Quỳnh bị cắt ngắn suốt ba năm đã dài ra, có thể buộc đuôi gà, để lộ vầng trán cao. Mùa hè ấy, Quỳnh học xong lớp 10, thi văn được giải nhì. Trác chuẩn bị vào lớp 9, học cùng trường với Quỳnh trước kia, và có cùng một cô giáo ngữ văn "váy ca rô vuông". Mùa hè ấy, Quỳnh đã đọc hầu hết những cuốn sách trong phòng đọc nhà Lục Dật Hán. Cô thích những cuốn tiểu thuyết như Bức thư của người phụ nữ xa lạ của Stefan Zweig, với giọng văn "điên điên", có chất ai oán nhưng cũng có sức sống bất tận, khiến người đọc mê mẩn. Mùa hè ấy, Quỳnh và Trác ngồi trong phòng khách mát lạnh xem phim đĩa. Cả hai đều rất khoái phim kinh dị, nhưng Trác rất nhát gan. Rất kính sợ quỷ thần. Cậu thường vừa xem vừa túm chặt lấy tay Quỳnh, hoặc là phải dấu mặt ra sau lưng Quỳnh, nhưng vẫn hỏi:
- Con quỷ đã ăn thịt cô ấy chưa?
- Quỷ lại ra rồi à?...
Lần đầu tiên, hai đứa ngồi trên ghế bành mềm mại, ngồi sát vào nhau, rồi hôn nhau. Đó là một sự việc rất kỳ diệu, xảy ra hết sức tự nhiên. Tự nhiên như việc Trác đưa cho Quỳnh một mẩu sôcôla, Quỳnh nhận lấy và ăn hết vèo. Hai đứa ngồi sáp lại gần nhau, cậu ta ghé đôi môi đáng yêu vào rất gần, hôn Quỳnh. Chẳng ai thấy bối rối. Họ chỉ im lặng vài giây, rồi Trác nhích ra xa một chút hỏi Quỳnh:
"Uống côca côla nhé?"
"Không, cho chị nước cam"
Tiếp sau đó, Quỳnh cảm nhận rõ nội tâm mình không bình thản nữa. Mặc dù xem ra sự việc rất tự nhiên, nhưng trước sau vẫn làm cô bất ngờ. Yêu Trác đối với Quỳnh là điều có vẻ nghiễm nhêin. Trác vốn là người đáng yêu, và cả đáng thương, hơn nữa ba năm qua cậu là người thân thiết với Quỳnh. Nhưng thâm tâm Quỳnh chợt ngăn lại, nó chống lại mọi thứ tình cảm có ý đồ tiến sâu vào bên trong tâm hồn cô, cho dù thân thiện đến đâu chăng nữa. Bởi vì trong đó chỉ có một mình Lục Dật Hán. Đó là một sức kéo không thể thay thế, không thể che lấp. Nó khiến Quỳnh không thể để cho mình chia xẻ tình yêu ra cho người khác, dù đó là Trác.
Sự việc hết sức mâu thuẫn, trong tiềm thức, Quỳnh rất mong được Trác yêu. Nhưng rồi cô lại "chém định chặt sắt" tự nhủ rằng, thực ra, mày không việc gì phải buồn phiền, chẳng ai thèm yêu mày, mày quá xấu xí và cả xấu tính.
Mùa hè ấy nóng nực và dài lê thê. Quỳnh ngỡ như mình đang ở trên một con thuyền nhỏ trôi chậm chạp, thậm chí sắp ngủ thiếp đi vì tốc độ gần như đứng yên ấy. Thế rồi đợi đến lúc cô nhận ra, thì sóng biển đã sớm trùm lên đầu cô.
Đó là một ngày cuối tuần làm thay đổi cuộc sống của Quỳnh. Dật Hán đưa Trác đi mua giày học thể dục, Mạn cũng đi khỏi nhà từ sớm, đến tối mới về. Chỉ còn một mình, Quỳnh trốn vào trong phòng đọc. Quỳnh đọc cho đến lúc hai mắt mỏi dừ bèn ra khỏi phòng. Quỳnh trông thấy cửa phòng của Dật Hán và Mạn không khoá, nên dừng lại ở cửa nhìn vào trong. Dật Hán chắc là vừa mới dọn dẹp, trên giường còn thấy bộ quần áo gấp ngay ngắn. Quỳnh nhìn lên, lại thấy bức ảnh cưới phóng to treo đầu giường. Bức ảnh kích thước to như người thật. Họ không mặc áo vét mà là bộ quần áo thường ngày họ thích nhất, rất tự nhiên, mặt hơi nghiêng. Dật Hán đang nhìn mẹ, còn mẹ vãn là tư thế kiêu hãnh như con công đang xoè đuôi, cách Dật Hán một khoảng, chẳng xa chẳng gần. Quỳnh từ từ tiến gần đến bức ảnh. Đó có lẽ là lần đầu tiên Quỳnh chăm chú quan sát gương mặt của họ.Cằm Dật Hán mờ mờ vết râu quai nón, lông mày suôn sẻ một vệt như dòng nước, môi rất mỏng, miệng hơi mở ra tựa như đang nói chuyện với cô. Quỳnh bỗng như bị ám ảnh, nhất định Dật Hán đang cười với mình, đang muốn nói với mình chứ không phải với Mạn. Quỳnh nhìn chằm chặp vào bức ảnh. Người đàn ông này, chính là người đi suốt tuổi thanh xuân tươi đẹp của cô. Ông ta như một thung lũng kỳ diệu, Quỳnh đắm mình vào trong đó, nhưng vẫn cảm thấy thật xa xôi, vẫn muốn vươn hai tay ôm lấy ông. Ông là cha, vừa là người yêu, là vở kịch lớn không bao giờ hạ màn trong cuộc sống của cô. Quỳnh bị điều đó cuốn hút.
Quỳnh hất dép ra khỏi chân, trèo lên chiếc giường rộng của họ. Chiếc giường phủ ga màu vàng nhạt, rủ xuống hai bên là nhiều tầng hình lá sen, mềm mại. Cô biết Dật Hán nằm bên trái. Cô nằm xuống, đầu kê gối của ông, cuộn người lại, nhắm mắt. Cô cảm nhận được hương vị của ông, tựa như ông đang ngồi cạnh, như những lúc ông trò chuyện với cô, an ủi cô, thật gần. Quỳnh đứng dậy, lại nhìn bức ảnh. Cô vẫn cảm thấy ông đang nói chuyện với mình. Nhất định ông đang nói với cô điều gì đó. Nhưng cô không sao nghe thấy. Cô tiến sát hơn đến bức ảnh, đứng trên giường của họ, áp mặt vào ảnh. Ông ấy đang nói chuyện với cô, mặc dù nghe không rõ, nhưng có thể cảm thấy môi ông đang mấp máy, cả cổ họng, yết hầu như đang động đậy. Cô còn cảm thấy ông đang thở, như sóng biển lên lên xuống xuống. Quỳnh mỉm cười, cảm thấy như đang lạc vào một thế giới khác - ấm áp, diệu kỳ.
Không biết Quỳnh áp mặt vào ảnh bao lâu, chợt cảm thấy có người mở cửa. Cô vội vàng tách ra khỏi bức ảnh, nhìn về phía cửa. Đó là Mạn.-
Thực là một giây phút bẽ bàng. Mạn đứng ở cửa nhìn Quỳnh bằng đôi mắt của loài chim nhìn kẻ địch cướp mất thức ăn. Ánh mắt nhọn như tên. Rõ ràng cô ta đã đứng đó rất lâu, đã trải qua những giây phút kinh ngạc và nghi ngờ. Bây giờ cô ta đã hiểu tất cả, chỉ còn vẻ căm ghét sâu sắc đang lộ ra, lạnh như thép, có thể bắn Quỳnh bị thương.
Họ đối diện trong câm lặng vài giây. Quỳnh hiểu cần phải rời khỏi đây lập tức, cô nhảy xuống giường, xỏ dép, đi tới bên cửa. Quỳnh đi qua Mạn, chạm nhẹ vào người Mạn. Mạn đứng im không nhúc nhích, cũng không gọi Quỳnh đứng lại. Thậm chí khi Quỳnh chạm phải, người Mạn cũng đờ như con lắc của đồng hồ đã chết, chỉ bị nghiêng đi một chút. Quỳnh bị sự lạnh lùng của Mạn khiến cho thấp thỏm trong lòng.
Quỳnh về phòng mình. Tim vẫn đập thình thịch. Cô không sợ hãi vì Mạn nhìn thấy mọi việc. Không biết Mạn sẽ hận Quỳnh đến thế nào nữa. Mạn có lẽ đã biết Quỳnh có tình cảm rất đặc biệt đối với Dật Hán. Mạn nhất định phải nhìn ra rồi, nhưng cô ta vẫn đứng yên lặng trước cửa, thái độ hoàn toàn khác trước đây. Điều đó khiến Quỳnh thấy hoang mang.
Hôm sau là chủ nhật. Mạn không đi đâu. Cô ta nghe nhạc trong phòng khách, lật xem một chồng tạp chí thời trang. Khi Quỳnh xuống nhà ăn trưa, không thấy Mạn ở đó. Dật Hán nói mẹ không khoẻ, lên nhà ngủ rồi. Quỳnh ăn xong trở lên gác, bỗng thấy bóng Mạn lướt qua hành lang tầng hai, mình mặc áo ngủ tơ lụa. Thoắt một cái cô ta đã biến mất như một cánh bướm. Quỳnh bỗng thấy bất an, không biết Mạn đang định làm gì.
Đêm hôm đó cũng rất tệ. Quỳnh mất ngủ, ăn cuồng. Sớm hôm sau tỉnh ra, thấy mặt mũi tay chân đều phù lên. Quỳnh chui vào buồng tắm kỳ cọ, đến khi quay về phòng chợt thấy Mạn ngồi trên giường mình, tim cô thót lại. Mạn tựa người vào đầu giường Quỳnh một cách uể oải, mình mặc áo ngủ lụa màu hồng nhạt. Cặp xương quai xanh nổi rõ trên nền da trắng muốt, như một đồ trang sức đắt tiền. Khiến người khác không nén được ham muốn đoạt lấy làm sở hữu của mình. Mùi nước hoa tràn ngập cả phòng.
- Chú Dật Hán muốn nói chuyện, mày ra phòng đọc" - Mạn nói bằng giọng mệnh lệnh. Quỳnh biết Mạn nhất định đã nói gì đó với Dật Hán. Quỳnh nhìn Mạn, cảm thấy buồn cười như Mạn là một đứa học sinh mách lẻo. Quỳnh quay người đi ra khỏi phòng, đi qua phòng đọc. Mạn đi sau lưng cô.
Quỳnh vào phòng đọc, nhìn thấy Lục Dật Hán ngồi bên cạnh bàn. Cô cũng nhìn thấy cuốn nhật ký của mình để trên bàn. Của Quỳnh - cuốn nhật ký thân yêu màu đỏ tím. Cô đã hiểu hành động mờ ám của Mạn ngày hôm qua. Thật hèn hạ, lấy cắp nhật ký của mình từ giá sách.
Quỳnh bị đánh một đòn bất ngờ. Trong cuốn nhật ký nhiều lần nhắc tới Dật Hán, ghi lại từng li từng tí những lần họ ở gần nhau, hết sức chi tiết. Những điều Dật Hán nói với Quỳnh vào ngày đầu tiên đến căn nhà số 3 phố Đào Lý, ông bảo bé Trác giúp Quỳnh lên gác; chuyện Quỳnh bị mẹ bắt được ăn vô độ, mẹ muốn đuổi Quỳnh đi, nhưng Dật Hán kiên quyết giữ Quỳnh lại; Dật Hán đi siêu thị mua đồ ăn cho Quỳnh, dụng tâm giúp Quỳnh điều chỉnh bênh ăn đêm; lần đầu tiên Quỳnh có kinh nguyện, Dật Hán nhìn thấy máu, khuyên Quỳnh đừng sợ hãi, chở Quỳnh đi ăn bên ngoài, mua băng vệ sinh cho cô; Dật Hán nói về Tùng Vy cho Quỳnh nghe, về sau Quỳnh phát hiện ra sách của Tùng Vy, lại tới phòng vẽ hỏi ông; Quỳnh và Dật Hán cùng trò chuyện về những cuốn sách ưa thích trong phòng đọc, ông đưa cho Quỳnh xem bộ tác phẩm quý giá của Edvard Munch; Quỳnh đánh nhau với bạn học, Dật Hán phải đến trường đón Quỳnh về, đưa Quỳnh đến nhà bạn xin lỗi.v.v... Có trời mới biết vì sao Quỳnh có thể ghi tỉ mỉ đến thế, tất cả mọi chuyện đều được cô ghi lại. Quỳnh cũng viết vào đó những đấu tranh tình cảm trong mình. Khi nhận ra mình đã quá đem lòng cho người cha dượng, cô đã miêu tả rất tỉ mỉ mối tình cảm ấy. Có thể khẳng định, đó không phải là mối tình cảm yêu quý của một đứa bé gái đối với cha, không phải là sự kính trọng đối với bề trên. Tất cả đều không phải. Nó đã lớn lên theo sự trưởng thành của Quỳnh, trở thành một tình yêu đầy đặn. Phải, đó là tình cảm đầu đời của Quỳnh. Sau khi viết hết những điều đó, Quỳnh không còn đem nhật ký cho Trác xem nữa. Cô không muốn bất kỳ ai biết một tình yêu đâm chồi nảy lộc rất sum suê của mình.
Thế mà lúc này, Quỳnh không khác gì một đứa ăn cắp bị bắt quả tang, phơi bày trước hàng ngàn con mắt. Cuốn sổ ghi lại tất cả đang trưng ra trước mắt họ. Đương nhiên những câu chuyện đầu tiên trong cuốn sổ có những điều về Mạn, mối quan hệ lạnh lẽo giữa họ và sự cầm cự đối kháng không một chút yêu thương. Nhưng Quỳnh không hề lo chuyện Mạn đọc thấy những điều đó, Quỳnh không sợ Mạn biết trong lòng cô chỉ có oán ghét và xa rời. Quỳnh không sợ Mạn sẽ vì vậy mà thêm căm ghét cô. Bởi vốn giữa họ không hề có tình thương yêu. Cho dù cố gắng đến thế nào đi nữa cũng không thể có tình cảm đẹp đẽ nào nảy sinh. Còn nỗi hận, sự đối kháng và lạnh lùng, trong mắt Quỳnh đã đạt tới tột đỉnh, cũng chẳng thể xấu hơn được nữa. Quỳnh còn tỉm mỉ phân tích tình cảm Dật Hán dành cho Mạn và Tùng Vy. Quỳnh khẳng định Dật Hán yêu nhất vẫn là Tùng Vy. Nhất định vì một nguyên nhân bất đắc dĩ nào đó, khiến họ không thể ở bên nhau. Mạn chẳng qua là vật thay thế của Tùng Vy. Quỳnh ngầm cảm thấy, Mạn đọc đến đây nhất định tức đến nghiến răng ken két. Còn Dật Hán sẽ nghĩ gì đây?
Thế nhưng, Quỳnh lại không biết rằng, cuốn nhật ký của cô đã không chỉ làm căng thẳng những tranh chấp giữa cô và mẹ, nó cũng đốt cháy lên lòng đố kỵ của Mạn đối với Tùng Vy. Với Mạn đó là mọt sự nhắc nhở có lợi. Trước khi cưới Dật Hán, Mạn đã nghe người khác đề cập tới điều này. Tùng Vy và Dật Hán vốn là một đôi danh tiếng, dĩ nhiên xa gần đều biết. Tình yêu của họ hoành tráng sôi nổi, thế rồi chẳng rõ vì sao lại chia tay. Từ đó Tùng Vy cũng biệt vô âm tín, nghe nói đã ra nước ngoài. Khi nghe được những điều này, Mạn thậm chí còn vui mừng. Lục Dật Hán mà cô sắp lấy làm chồng, hoá ra chính là người yêu của Tùng Vy trước đây. Tùng Vy là một nữ tài tử đất Giang Nam, từng làm chấn động văn đàn khi mới có hai mươi tuổi! Kì thực, Mạn cũng biết, sở dĩ Dật Hán đồng ý lấy cô là vì đã đúng vào lúc ông đau buồn và yếu đuối nhất. Mạn rất biết chớp thời cơ. Vì thế, tình yêu Dật Hán dành cho cô chắc chắn không so được với tình yêu ban đầu. Nhưng Mạn tưởng rằng, không cần thiết phải so đo chuyện này, dù sao Tùng Vy cũng không còn ở đây. Thế rồi khi mới lấy Dật Hán, dường như chỉ sau một đêm, Tùng Vy lại trở thành một nhà văn nổi tiếng, nổi tiếng hơn cả trước đây. Trong lòng Mạn rất không thoải mái. Giới truyền thông không ngừng dò hỏi Trầm Hoà về tung tích của Tùng Vy, trái tim Mạn như bị cấu véo. Sự trở lại của Tùng Vy gây ra mối lo lắng rất lớn cho Mạn. Mặc dù cô không biết chuyện gì đã xảy ra giữa Dật Hán và Tùng Vy, nhưng cô biết, nếu Tùng Vy quay lại, với tư cách là một nữ văn sĩ nổi tiếng, tài năng, lại trẻ hơn cô tới vài tuổi, chắc chắn sẽ mạnh hơn cô gấp mười. Chẳng lẽ Dật Hán sẽ không hề xao động. Trong một thời gian dài, Mạn hết sức cảnh giác. Cô không tin Tùng Vy có thể chịu đựng nổi sự tán dương, sự nổi tiếng trong niềm cô đơn, và sẽ từ nước ngoài trở về. Ít nhất là bản thân cô sẽ không nh