Quỳnh có thêm một mối tình cảm đối với trường học, đó là môn làm văn, mặc dù cô không cảm tình với cô giáo dạy văn. May sao đề ra của cô vẫn làm Quỳnh thấy thích thú.Quỳnh đã viết một bài ưng ý nhất về những thu hoạch sau khi đọc tiểu thuyết của Tùng Vy. Rõ ràng cô giáo không ưa gì nhà văn đầy chất hoang dại, cuồng tưởng này. Cô nhận xét bài của Quỳnh như sau: "Tôi không biết sách của cô ấy đã gợi mở cho em những gì, nhưng hy vọng em sẽ đọc nhiều hơn những tác phẩm văn học lành mạnh, nổi tiếng thế giới". Quỳnh đã xé nát những lời nhận xét đó và thay một cuốn tập làm văn mới, nói dối cô giáo đã làm mất vở.
Viết ngày một khá hơn, đến lớp chín, Quỳnh trở thành cán sự bộ môn ngữ văn của lớp. Đây là lần "nổi bật" đầu tiên của Quỳnh. Quỳnh tỏ ra ưng ý với "công tác" này. Mỗi tuần cô giáo lại thu vở nhật ký một lần, đọc, nhận xét rồi phát trả cho lớp. Nhật ký được giữ bí mật, chỉ có cô giáo được đọc. Cô thường nói với học sinh một cách dịu hiền rằng, các em có những nỗi khổ tâm gì đều có thể viết vào nhật ký để trao đổi với cô. Cô giáo chính là người bạn tốt nhất của các em. Nhiệm vụ của Quỳnh là giúp cô thu vở, sau đó ôm tới văn phòng bộ môn. Từ lớp học ở tầng ba sang văn phòng ở tầng hai, đi qua cả thảy 3 khúc rẽ, và một nhà vệ sinh. Mỗi khi qua những góc khuất ấy, cô lại xem trộm nhật ký của các bạn. Mặc dù cô thấy chán ghét hầu hết các bạn học, những lại hứng thú với những bí mật tâm hồn của họ. Quỳnh rất thích đọc những chuyện vụn vặt của một cô bé hẹp dạ. Cái gì cũng bé xé ra to. Cô ta bị một thằng hàng xóm nghịch ác bêu đậu phụ lên trước cổng nhà làm cho khóc oà. Cô ta không tiếc bút mực, viết hẳn hai trang giấy về cái sự khóc không đầy ba phút. Quỳnh còn phát hiện ra một nam sinh có bố mẹ ly dị, nhưng người ngoài không nhận ra vì cậu ta che giấu rất khéo. Nhưng trong nhật ký lại rất yếu đuối, cậu ta hỏi "người bạn tốt nhất" như sau: "Cô ơi, xin cô hãy nói cho em biết, em phải làm thế nào?" Quỳnh đọc đến đấy và cảm thấy buồn cười. Trước những khó khăn từng gặp phải, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc phải cầu cạnh ai cả. Trong cuộc sống của mình, có lẽ chỉ có Lục Dật Hán, bé Trác và Tùng Vy xa xôi là những người có ý nghĩa hơn cả. Những người khác, chỉ như được sắp xếp để bày biện ra trong cuộc sống của Quỳnh. Vì thế, chưa bao giờ cô định đi quá giới hạn, cô không muốn động đến ai cả.
Nhật ký của Quỳnh viết rất "đúng chuẩn", toàn là thu hoạch sau khi đọc sách, cảm tưởng khi xem triển lãm, những đánh giá về một số tin tức thời sự... hầu như không có đặc trưng cá nhân. Một kẻ biết trộm xem bí mật của người khác, cũng sẽ biết che đậy mình thế nào cho tốt. Vì thế, ngay cả người được các bạn gọi là "người bạn tốt nhất" - cô giáo ngữ văn - cũng không hiểu rõ Quỳnh là người như thế nào. Cô giáo cũng không thể ngờ được một người có vẻ ngoài bình thường như Quỳnh ngày sau đã trở thành một nữ nhà văn nổi tiếng. Cô cố gắng nhớ lại về cô học sinh này: béo, trầm lặng, yên tĩnh, thông minh có giới hạn. Đó là tất cả những gì cô có thể nhớ được về Quỳnh.
Còn ở Quỳnh, trong sâu thăm thẳm, là cái nhân đang run rẩy, manh nha. Nó như nguồn điện, tạo ra niềm vui, nỗi buồn. Tình cảm Quỳnh dành cho Lục Dật Hán bản thân Quỳnh cũng không thể nói rõ ràng. Mỗi một hành động của ông đều thu hút sự chú ý của cô. Quỳnh thích lúc phơi quần áo ở ban công, cô áp mặt vào áo của Dật Hán, hít thở hương vị ở đó một cách tham lam. Trong một ngày, thời gian vui vẻ nhất là bữa ăn tối. Cả nhà cùng ngồi quanh bàn ăn bầu dục. Dật Hán ngồi đối diện với Quỳnh. Động tác ăn uống của ông thật tao nhã, chậm rãi bình thản, thể hiện ra sự thưởng thức đối với mỗi một món ăn. Quỳnh học lỏm cách ăn canh của Dật Hán. Ông dùng thìa nhẹ nhàng xúc canh, đưa lên miệng, húp một miếng nhỏ, dừng một chút để tự mình thưởng thức, rồi mới húp hết cả thìa.
Có lúc Dật Hán đến phòng sách thăm Quỳnh. Ông nhẹ nhàng bước vào, không đánh thức cô đang chìm đắm trong câu chuyện. Ông lặng lẽ đứng sau lưng Quỳnh, mỉm cười nhìn cô đọc sách. Thực ra ông không biết, mỗi lần ông bước vào Quỳnh đều cảm thấy yên ổn. Bởi vì cô rất quen với hương vị trên người ông. Nhưng Quỳnh không quay đầu lại, cô thích thế. Khi ông tiến tới từ phía sau, cô có thể cảm nhận thấy rất rõ ông đang lại gần, ngày càng gần. Trái tim của Quỳnh đập thình thịch trong khi mắt lướt trên các trang sách. Dật Hán đứng sau lưng Quỳnh khá lâu mới bắt đầu nói với cô. Ông thường hỏi cô xem sách gì, có thích không... Lục Dật Hán thích sách của Hemingway, thích sự tàn khốc và điềm tĩnh trong đó. Ông cũng rất thích một số tác phẩm và tự truyện của một vài hoạ sĩ. Ông có một tuyển tập tranh vẽ của Edvard Munch. Đặc biệt trên đó còn có những bài thơ nhỏ và nhật ký của hoạ sĩ. Những dòng chữ nhiều màu sắc của chì màu kể lại cuộc sống của một người đàn ông u uất.
- Cháu biết tại sao chú thích tranh của Munch không? Dật Hán hỏi Quỳnh. Quỳnh lắc đầu.
- Bởi vì người trong tranh của ông ai cũng có hốc mắt rất sâu. Có thể điều đó nói lên sự hoảng sợ, tuyệt vọng đối với thế giới. Bi kịch bắt nguồn chính từ cái hốc mắt ấy. Những con người đó dường như đã bị số phận an bài phải chịu sự tuyệt vọng. Ông nói.
Quỳnh ngẩng đầu nhìn Lục Dật Hán kinh ngạc. Hốc mắt của ông cũng sâu xuống, dường như có một đám mây mềm mại mà nặng nề. Quỳnh chợt giật mình, mong cho những điều u uất kia không trói chặt Dật Hán.
Quỳnh vẫn rất muốn biết có phải Dật Hán hối hận vì đã kết hôn với Mạn không. Nhất định Mạn khác xa với những gì ông nghĩ. Cô ta không còn trẻ nữa, nhưng vẫn như một thanh niên, miệt mài theo đuổi những thú vui mới lạ. Những năm này là thời gian cái thành phố khổng lồ này phát triển với tốc độ nhanh nhất. Quỳnh còn nhớ những biển quảng cáo khổng lồ ở bên đường thường có câu "mỗi ngày một mới". Nhưng cô nghĩ có lẽ điều này dùng để chỉ Mạn thì hợp hơn. Thời gian đó người ta mới chơi cổ phiếu. Chơi cổ phiếu có lãi hay không Mạn chẳng quan tâm, nhưng mặc chiếc váy hoa văn chìm, ôm sát, đeo cặp kính râm mắt to, xách chiếc xắc nhỏ xinh bước vào trung tâm giao dịch cổ phiếu thì quả là một hành động thật thời thượng. Không lâu sau, Mạn chán. Người bình thường đều bị những con số lên lên xuống xuống làm cho hút hồn, khó bề dứt ra. Nhưng với Mạn, điều quan trọng vẫn là vẻ đẹp của mình. Cô nhận ra mỗi ngày đều phải đứng chầu chực trong cái không gian chen lấn và có phần khó ngửi này là một việc quá lãng phí bản thân. Chẳng khác gì một con ngỗng ngu ngốc cứ phải nghểnh cổ lên suốt ngày. Mạn dứt khoát không thèm nữa.
Cô ta cùng vài người bạn góp vốn mở quán cà phê và món ăn Tây. Như thế có thể ngồi ngay trong cửa hàng của mình ăn uống tụ tập thoả thích, thật tự do tự tại. Thời đó, quán cà phê không nhiều trong thành phố này. Quán "Mandolin" của Mạn dù giá rẻ, hàng không tốt, nhưng vị trí cũng được, nên tối đến cũng đông kín khách. Quỳnh chỉ mới nhìn thấy ngoài cửa quán là biển iệu màu hồng anh đào, treo rất cao. Xung quanh cửa là đèn dây chằng chịt, có gì đó hơi tầm thường. Tường ốp gạch màu xanh mực hút ánh đèn màu hồng, không gian trở nên mờ tối và ma quái. Quỳnh chưa vào quán Mandolin. Vì Mạn không muốn bạn bè mình trông thấy Quỳnh. Con bé này chẳng hề giống con gái cô tí nào. Lý do xác đáng của Mạn là không muốn Quỳnh đột nhiên giở chứng ăn điên cuồng ngay trong quán. Cô sẽ khiến thực khách bỏ chạy. Bản thân Quỳnh cũng chẳng hứng thú gì cái chốn xanh mực hồng tối ma quái đó, nhưng cô ghi lòng tạc dạ những lời nói của Mạn. Cô rất muốn một đêm nào đó tỉnh giấc sẽ chạy thẳng tới quán Mandolin và vác đá ném tan những ô kính lớn nhìn ra đường kia, và đem tất cả rượu XO wishky đổ vào nhà vệ sinh.
Dĩ nhiên Quỳnh không làm như vậy. Cô giữ chặt lấy mình, để cho những ý nghĩ ấy sôi sục trong người rồi dần dần lắng xuống. Cô không biết mình là loại người như thế nào. Chỉ có một bài trắc nghiệm tâm lý đã bộc lộ những phản ứng mãnh liệt trong lòng cô. Bài trắc nghiệm của trạm cố vấn tâm lý của nhà trường được Quỳnh trả lời rất trung thực. Bởi cô không ý thức được mình sẽ lại "nổi bật" đến thế. Hai hôm sau, giáo viên tư vấn tâm lý nhà trường gọi cô lên nói chuyện. Ông hỏi thăm qua giáo viên và các bạn của Quỳnh, mọi người đều nhất trí là Quỳnh "bình thường trên mức có thể", chẳng có một chút bất thường nào. Bài trắc nghiệm này chắc chắn là có sai sót, có lẽ là người khác điền. Cuối cùng giáo viên tâm lý phải gọi Quỳnh lên, ân cần tha thiết hỏi Quỳnh: bài trắc nghiệm này do em làm phải không, có phải trong lòng em có "gút thắt" không sao mở được, có phải đã có chuyện gì bất thường xảy ra... Quỳnh không có ý kiến gì, cô chỉ hỏi bài bị làm sao. Giáo viên tâm lý bảo Quỳnh, người trả lời bài đó có tâm lý ức chế kéo dài, thể hiện của một trở ngại tâm lý. Ngoài ra, cuộc sống của người đó thiếu sự sôi động, có thái độ chán ghét cuộc sống, xu hướng tự sát. Vì bị ức chế kéo dài, nên xuất hiện tâm lý trả thù và những hành động giải toả bạo lực. Có nghĩa là người này sẽ có những hành động đại loại như đập phá, ăn uống vô độ, khóc dai dẳng.. Giáo viên chưa nói hết đã bị Quỳnh cắt ngang. Cô rất điềm tĩnh nói rằng. Đó không phải em đâu ạ, nhất định là có nhầm lẫn.
Hôm đó tan học xong, Quỳnh về nhà với tốc độ nhanh nhất có thể, chạy luôn lên phòng mình ở tầng hai, lật xem cuốn nhật ký yêu quý màu hồng tím của mình. Cô xem từng chữ từng chữ, chưa bao giờ kỹ lưỡng đến thế. Quả nhiên cô tìm thấy cái gọi là "những ý định bất thường" kia.