Vừa tỉnh dậy sau khi được sơ cấp cứu, Vọng đã nói với người phụ tá:
- Hãy truyền đạt ý kiến tôi với ngài Đại tá Tỉnh trưởng: Phải dừng ngay trò hành quyết dã man thời trung cổ lại. Ty Công chánh kiên quyết phản đối và sẽ có tờ trình gửi Chính phủ về hành động man rợ này. Chúng ta sẽ tố cáo với toà án Quốc tế.
Có lẽ vì những động thái quyết liệt của Trưởng ty Công chánh mà Trương Phiên đã phải chùn tay. Ngay chiều ấy, bẩy chiến sĩ giải phóng đã được đào lên. Nghe nói chính tên ác ôn khát máu sau đó đã tự tay hạ sát họ. Lại có người bảo cả bẩy người đã được giải thoát, vì ngay đêm ấy quân giải phóng đã ào ạt tràn vào tỉnh lỵ An Lộc.
Nguyễn Kỳ Vọng về Sài Gòn trị bệnh. Cũng lại nhờ sự can thiệp của nhạc phụ - dân biểu Lê Huy Mật, Vọng được chuyển về Trung ương, kết thúc mười bốn năm lăn lộn ở những cung đường máu lửa dưới cơ sở.
Cơ quan mới của Vọng là Tổng cục Kiều lộ, thuộc Bộ giao thông Công chánh. Do có nhiều thành tích công tác, giàu kinh nghiệm nghề nghiệp, lại là tác giả của nhiều cuốn sách kỹ thuật, như "Phương pháp kiểm kê cầu đường", "Tính khả thi của Dự án LT50", "Xử lý nền đất yếu trong công nghệ cầu đường"…, Vọng được tăng ngạch trật cao hẳn so với các bạn đồng khoá: Kỹ sư Công chánh đặc hạng, cộng với mười lăm huy chương danh dự. Không chút đắn đo, ông Đổng lý Văn phòng đề cử kỹ sư đặc hạng Nguyễn Kỳ Vọng làm Phụ tá Giám đốc Nha kế hoạch kiêm Trưởng ban phần vụ kế hoạch, Tổng Cục kiều lộ. Nơi đây, Vọng sẽ có cái nhìn tổng quát về toàn bộ ngành giao thông vận tải.
Vậy mà, chưa ở yên cương vị mới được nửa năm, thời cuộc đã thay đổi. Chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.
Đêm 30 tháng tư năm 1975, khi ba mẹ con Miên hốt hoảng co rúm bên nhau quanh những va ly, đồ đạc đã sắp, sẵn sàng di tản, Nguyễn Kỳ Vọng đóng chặt cửa phòng tắm, dưới ngọn nến bập bùng như ma trơi, lặng lẽ đốt từng giấy khen, từng huy chương, bằng tưởng lệ, rồi cả những cuốn sách và những tài liệu, bản thảo… Mỗi lần ngọn lửa bùng lên, tim Vọng thắt lại. Sự nghiệp gây dựng hơn hai mươi năm nay đã tan như khói.
Mấy ngày sau Vọng ra trình diện, tiếp tục làm việc tại cơ quan cũ. Không có tắm máu. Không có tra khảo cùm kẹp. Chỉ một không khí dò xét nặng nề. Nha kế hoạch Tổng Cục kiều lộ được đổi thành Phòng kế hoạch Cục Cầu đường thuộc Bộ Giao thông. Ông Huỳnh Út, tuỳ phái cũ của Vọng, trở thành xếp của Vọng về mặt tư tưởng. Út vốn kính trọng Vọng về nghề nghiệp và đức độ, nên đối xử với anh phần nào vẫn giữ vẻ khiêm tốn, khoan hoà. Út cắt cử Vọng làm những việc đơn giản như nhận lãnh và phân phối bó rau, miếng thịt, những đồ tiếp tế thường ngày.
- Hôm nay anh Vọng rút thăm được miếng nạc hay miếng mỡ? - Đó là những câu xã giao mà anh Út chứng tỏ sự quan tâm đối với vị lãnh đạo cũ.
- Dạ thưa thủ trưởng, miếng mỡ ạ.
Được ba lạng mỡ, Vọng mừng như vớ được vàng. Nó giúp vợ con Vọng đỡ kêu ca cằn nhằn vì sống quá kham khổ.
Một hôm Huỳnh Út đưa cho Vọng tờ giấy triệu tập và nhìn anh với cái nhìn của người sắp từ giã một tử tù.
- Có lệnh mời anh đi học tập cải tạo tập trung. Tôi đã báo cáo với thượng cấp rằng anh chỉ là một chuyên gia kỹ thuật mà không hiểu sao họ vẫn đưa anh vào danh sách.
Vọng hiểu, cải tạo tập trung là dành cho nguỵ quyền, cấp trung ương từ Chánh sự vụ trở lên, cấp địa phương từ Trưởng ty trở lên. Nghe nói diện tập trung này rồi sẽ điều hết ra Bắc, nhẹ nhất cũng giam giữ cải tạo vài ba năm.
Buổi sáng tiễn Vọng đi trình diện cải tạo tập trung, Miên và hai con Kỳ Vân, Kỳ Vy khóc như Vọng sắp chết. Cùng đi với Vọng đến trường Gia Long có Huỳnh Út, cán bộ cơ quan tháp tùng. Út an ủi:
- Anh cứ yên tâm cải tạo thành khẩn. Chị với hai cháu ở nhà đã có cơ quan chúng tôi lo.
Ngồi trước bàn giấy ở phòng trình diện là một ông có thân hình gầy rạc như que củi, yết hầu lộ như mỏ diều hâu, cặp mắt trắng dã to lạ thường.
- Anh cấp bậc gì?
- Dạ, thưa cán bộ, tôi là phụ tá giám đốc.
Ông cán bộ gầy rạc nhìn Vọng rồi khoát tay:
- Anh không ở diện học tập trung. Tôi cho phép anh về học tập tại chỗ.
Vọng toá mồ hôi, tưởng như vừa được tháo vòng treo cổ.
- Chắc là ông cán bộ này là thuộc cấp của anh cả Khôi nên ưu ái với mình? Nhất định là anh Khôi đã bảo lãnh cho mình - Vọng thoáng nghĩ nhanh như vậy. Sau này, Vọng mới vỡ lẽ ra rằng, ở ngoài Bắc, phụ tá tức là thư ký, là người giúp việc cho Giám đốc, không thuộc hàng lãnh đạo. Ông cán bộ chưa biết rằng trong Nam phụ tá tương đương với Phó Giám đốc.
Trở lại cơ quan, Nguyễn Kỳ Vọng nhanh chóng chiếm được lòng tin của lãnh đạo, sự vì nể của mọi người. Phần vì công tác chuyên môn quá chuyên nghiệp, thành thục, phần vì cả cơ quan đã biết Vọng là em trai của đồng chí Chiến Thắng Lợi.
Vọng tham gia viết bài cho đặc san Cầu Đường của Cục, đánh giá về tình hình cầu đường miền Nam, về các giải pháp kỹ thuật chuyên ngành. Đáng chú ý nhất là bài nghiên cứu có tính học thuật "Ivanov hay Aashto?" phân tích một cách khách quan những mặt mạnh mặt yếu của cả hai quy trình quy phạm. Nhiều người dù bảo thủ đến đâu cũng phải nhận ra rằng, nên theo phương pháp Aashto, một phương pháp tiên tiến hiện đại cả thế giới phương Tây đang áp dụng. Bài chuyên luận này của Vọng, phải chờ hơn hai mươi năm sau các chuyên gia cầu đường Việt Nam mới thực sự thừa nhận tính chất tiên phong của nó.
Có một câu chuyện vui, đậm tính bi hài. Ấy là bản báo cáo tổng kết nhân dịp Đại hội thi đua cuối năm của Cục. Công việc này là của anh Khuất Sỹ Hào, chuyên viên báo chí tuyên truyền. Thấy Vọng nắm vững tình hình cầu đường miền Nam, anh Hào đùn đẩy cho Vọng viết báo cáo tống kết. Bán báo cáo dầy hai mươi lăm trang đánh máy, khổ giấy A4, trong đó có nhiều đoạn trích nguyên văn lời phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều đoạn biến báo hạ chỉ tiêu, hoặc "do hoàn cảnh khách quan, thiên tai bão lũ, nhưng với quyết tâm nỗ lực vượt bậc, chúng ta vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch"…
Ông Cục trưởng đọc nguyên văn, không chữa một dấu chấm, dấu phẩy. Lâu lâu ông dừng lại nhấp ngụm nước rồi tự vỗ tay trước. Cả hội trường vỗ tay theo vang dội. Huỳnh Út ngồi cạnh Vọng, ngáp dài liên tục rồi ngủ gật. Tiếng vỗ tay làm anh giật nảy mình, đứng dậy giơ tay hô lớn "quyết tâm" làm cả hội trường cười ồ.
Sau đại hội, cán bộ Cục kháo nhau:
- Đồng chí nào thảo diễn văn hay thế?
- Đồng chí "nguỵ"… - Khuất Sỹ Hào đưa mắt về phía Vọng, khiến ai nấy cùng trố mắt nhìn.
Sau "thành tích" viết báo cáo tổng kết, thật quá bất ngờ, Nguyễn Kỳ Vọng được Cục chỉ định ra Hà Nội họp bàn kế hoạch.
°°°
Ngoài mẹ, người mà Vọng mong ngóng được gặp mặt trong lần trở về quê này là anh trai Nguyễn Kỳ Vỹ. Ngày 30 tháng tư, Vọng quyết không di tản chính là vì mẹ và anh Vỹ. Vọng tin rằng nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ nhất định sẽ cùng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Không thể nào khác được, anh Vỹ sẽ có mặt trong đoàn quân tiên phong.
Anh không thể sống kiếp đời nô lệ
Nàng thơ ơi, đừng níu giữ chiến bào
Trống đồng giục, gọi trai Phù Đổng
Rũ bùn bay tới triệu vì sao…
Nhờ những câu thơ của anh trai mình mà Vọng vẫn giữ được đạo lý cốt cách sống cho tới bây giờ. Tập thơ "Thời của Thánh Thần", suốt bao nhiêu năm, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Vọng vẫn giữ bên mình như một báu vật. Kỳ lạ thế, mỗi lần nghĩ đến Vỹ, Vọng lại nhớ cái hôm ở Hà Nội, Tạ Đôn đến dúi vào tay anh tập thơ "Thời của Thánh Thần" và nhìn anh với bộ mặt rất nghiêm trọng: "Có đúng nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ là anh trai của Toi không? Người ta đồn hai ông anh lại là Việt Minh. Tập thơ này hay nhưng sặc mùi cộng sản".
Trong cái đêm hoảng loạn trước khi Sài Gòn thất thủ, khi vừa gạt nước mắt vừa đốt hết những văn bằng, tài liệu, thì Vọng vẫn quyết giữ lại tập thơ của anh trai mình. Đây là bùa hộ mệnh, là chứng chỉ của tình máu mủ ruột rà.
- Vỹ đi đâu?
Vọng hỏi anh cả Khôi, anh chỉ nói chú ấy vẫn đang công tác, sức khoẻ bình thường. Đồng chí Chiến Thắng Lợi hình như không muốn nhắc đến Vỹ. Ông trả lời qua loa và cố tình lảng tránh.
Vọng hỏi bà Cử Phúc và Cục. Cục bảo: "Nghe nói anh ấy đang được giao một trọng trách đặc biệt". Còn bà Cử Phúc chỉ lắc đầu buồn bã: "Mẹ Khiêm nó bảo nhà con đi công tác nước ngoài dài hạn. Chẳng biết có đúng không?"
Vỹ đi đâu?
Còn ba ngày nữa Vọng phải đáp tàu về Nam, kịp triền khai kế hoạch công tác của Cục. Anh tìm đến nhà cô giáo Khiêm vào một buổi chiều se lạnh.
Khiêm không còn ở căn phòng tầng hai hiệu may Phúc Hoà phố Lương Văn Can nữa. Hỏi thăm mãi, người ta mới chỉ cho Vọng căn nhà cấp bốn lợp ngói ta trong ngõ sâu ngoằn ngoèo, sau một cái chợ cóc ngập ngụa đầy rác và nồng nặc mùi cống rãnh.
Một bà cụ tóc bạc trắng mặc chiếc áo bông Tàu màu mận chín đã sờn ngồi trước cửa ngôi nhà có một khoảng sân hẹp đang lúi húi ngồi chẻ rau muống. Những sợi rau muống chẻ rơi xuống chiếc chậu thau nước, cuộn lại, xoắn vào nhau như những bối bòng bong.
- Dạ thưa cụ, cho cháu hỏi nhà chị Khiêm… - Vọng đợi mãi, không thấy bà cụ ngẩng lên, đành dè dặt hỏi.
Bà già chậm rãi ngước cặp kính trắng nhìn khách.
- Phải đấy. Cháu Khiêm đi dạy học. Mời ông vào trong nhà. Tôi là mẹ cháu Khiêm.
Lần đầu tiên Vọng gặp bà Ba Yên nên anh không hề biết bà Phan Thị Hà Yên, chủ nhiệm trường tư thục Đất Việt ngày nào, giờ đã thành một bà già mắt mờ, tóc bạc.
Trong khì bà Ba Yên sờ soạng tìm ấm tích pha trà, Vọng tò mò nhìn quanh căn phòng. Đập vào mắt anh là tấm bài vị mới trên chiếc tủ đứng kê làm ban thờ. Trên đó, một bình hoa huệ tươi nguyên như vừa ngắt từ ngoài vườn. Trước bát hương đang leo lét ba cây nhang nhả khói, là ảnh một anh bộ đội chừng hai mươi tuổi, rất đẹp trai, đôi mắt trong veo, ve áo lấp lánh một ngôi sao binh nhì.
Linh tính như báo cho Vọng biết, căn phòng vừa có một đám tang.
- Dạ thưa cụ, anh bộ đội nhà ta…
Vọng chưa kịp hỏi hết câu, bà Ba Yên đà sùi sụt:
- Cháu Khánh, con trai tôi, em cô Khiêm đấy ông ạ. Tôi mới nhận giấy báo tử cháu mười ngày nay… Cháu hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Cho đến giờ vẫn không tìm thấy xác…
Vọng xin phép thắp một nén nhang.
- Dạ, con là Vọng, em trai anh hai Vỹ. Con không biết nhà ta mới có chuyện buồn nên không có được một chút hương hoa…
- Tôi có nghe cháu Khiêm nhắc nhiều về cậu. Cậu Vọng thật diễm phúc, có đi có về. Chứ em Khánh thì thật tội nghiệp…
Câu chuyện của người mẹ như một vết thương tháo vộí băng, tứa máu ròng ròng.
°°°
Đó là năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt. Nông trường Quan Chi, nằm khuất sau dãy núi Tam Đảo, trở thành mục tiêu của từng đàn máy bay phản lực. Hội trường Nông trường bộ biến thành những hố bom sâu hoắm. Ngay sau trận bắn phá, ba mươi tám lá đơn tình nguyện viết bằng máu gửi lên tỉnh đội. Trừ bốn nữ và ba nam yếu sức khoẻ, ba mươi mốt chàng trai Hà Nội ở nông trường Quan Chi cùng lên đường nhập ngũ một ngày. Họ được phiên chế vào đại đội tình nguyện Thủ đô, huấn luyện cấp tốc để chi viện cho mặt trận Đường Chín. Trong số những người trai Hà Nội ấy, có Đào Phan Khánh, Lê Đoàn, Hoàng Họp, Nguyễn Văn Nức…
Đào Phan Khánh được tranh thủ về thăm mẹ hai ngày. Anh thương mẹ tới mức, về nơi sơ tán, cả buổi chỉ đứng núp sau bụi tre lên nhìn mẹ. Giáp mặt mẹ rồi, nhìn thấy gương mặt xiết bao thân yêu máu thịt, nhìn thấy từng sợi tóc mai chớm bạc của mẹ mà chỉ thầm nuốt nước mắt, không dám gặp.
- Chị Khiêm ơi, hay em viết lá thư tạ lỗi, khi em đi rồi chị hãy đưa cho mợ - Khánh cùng cô người yêu Võ Thu Hạnh đến năn nỉ chị gái - Em chỉ lo gặp mợ, hoặc là em không đủ sức ra đi, hoặc là khi biết tin em ra mặt trận, mợ sẽ quỵ mất.
Khiêm nhất định không chịu.
- Em phải gặp mợ. Nếu em tình nguyện ra trận thì chị và anh Vỹ sẽ cố tìm cách an ủi mợ. Em đi chuyến này sinh tử bất kỳ, không thể coi thường…
Hai mẹ con gặp nhau trong nước mắt. Nhưng bà Ba Yên không ngã gục. Bà mua gà, gạo nếp cái hoạ vàng, đồ xôi gà ép con ăn rồi gói vào ba lô bắt Khánh mang theo. "Nước có giặc, tài trai phải đi cứu nước. Nhà mình là phần tử bị ghi sổ đen vì có người di cư vào Nam mà con cũng được cấp trên tin tưởng cho ra mặt trận, âu cũng là đồi hoạ lấy phúc… Mợ chỉ mong con chân cứng đá mềm, cầu Trời Phật phù hộ cho con tránh khói mũi tên hòn đạn". Lời dặn của mẹ, là hành trang theo Khánh lên đường.
Những ngày Khánh luyện tập ở Phú Bình, ở Trung Dã, cứ hai tuần bà Ba Yên lại mang ruốc thịt, ruốc cá, thịt kho mặn, muối rang, đường sữa lên thăm con một lần. Bà đi bằng đủ mọi phương tiện. Tàu hoả, xe khách, xe tải, thậm chí cuốc bộ hàng chục cây số. Thỉnh thoảng Hạnh được nghỉ học, hai mẹ con lai nhau bằng xe đạp. Mỗi lần thấy mẹ lên thăm, anh em cùng đơn vị lại trêu Khánh: "Em Chã ơi, mợ lại mang sữa lên cho em bú tí kìa…". Thấy các bạn trêu chọc dữ quá có lần Khánh gắt với mẹ: "Thôi, mợ đừng lên nữa. Con lớn rồi, đâu còn là đứa trẻ. Mợ cứ đi như thế này thì ốm mất"…
Ngày Khánh giã từ Hà Nội vào chiến trường, đơn vị tập kết ở ga Giáp Bát, sau đó chuyển quân bằng tàu hoả. Hạnh đến báo tin, bà Ba Yên vơ vội mấy bộ quần áo cho vào túi xách, giắt theo tất cả tiền vàng rồi bắt Hạnh đưa ra ga tàu.
Con tàu ra mặt trận thờ hồng hộc, chuyền bánh ken két trên đường ray trong đêm trăng suông. Hạnh vứt xe đạp bên một nhà kho, vừa chạy theo đoàn tàu vừa réo tên Khánh gọi khản cổ. Bà Ba Yên vấp ngã cạnh một đống đá. Một anh lính nhảy vội xuống bế bà ra xa đường ray rồi hối hả chạy, bám lấy cửa toa đu người lên.
- Em đưa mẹ về đi. Sáng mai bọn anh cho thằng Khánh nó về với mẹ…
- Gắng ở nhà mà nuôi con… Mọi tiêu chuẩn chiến trường anh đã để lại nhà rồi. Hôn cái nào…Thương quá…
- Mẹ ơi, chúng con tạm biệt mẹ. Đuổi hết giặc Mỹ, chúng con sẽ về…
Đoàn tàu ì ạch như con cuốn chiếu khổng lồ trườn về phía những chớp lửa cuối trời.
Một tháng sau, nghe tin Khánh đang đóng quân ở phía bắc cầu Hàm Rồng, bà Ba Yên lại khăn gói lên đường. Lần này bà rủ thêm hai bà bạn có con cùng đơn vị với Khánh. Ba người đàn bà lẽo đẽo theo con đến tận Vinh, khi đại đội tân binh Hà Nội bỏ đường quốc lộ, theo xe ngược Tân Kỳ, hoà vào dòng người xe trên đường mòn Hồ Chí Minh, thì họ mới trở về.
Những năm tháng chờ đợi của người mẹ dài dằng dặc. Chi trong mấy tháng, tóc bà Ba Yên đã trắng đầu. Trường cấp một Thiền Quang, nơi có gian phòng của hai mẹ con ở tầng sát mái bị bom Mỹ đánh sạt nóc. Khiêm đón mẹ về ở cùng. Rồi chị nhường căn gác hai hiệu may Phúc Hoà cho cửa hàng mậu dịch, chuyển về ở trong ngõ hẻm. Mấy năm đầu, khi Hạnh còn học nốt những năm cuối trường Đại học Y, cô thường tranh thủ từ nơi sơ tán về chăm sóc mẹ. Nhưng rồi đến lượt bác sĩ Hạnh cũng xung phong ra hoả tuyến. Hạnh âm ỉ một mong ước sẽ được gặp Khánh nơi chiến trường.
Ba mươi mốt chàng trai Hà Nội của nông trường Quan Chi nhập ngũ ngày ấy, sau năm 1975 chỉ có ba người trở về.
Lê Đoàn, bạn thân của Khánh, là một trong ba người may mắn đó. Anh mang về cho mẹ Khánh hai tấm ảnh đã ố vàng, kẹp trong một túi ni nông nhỏ. Đó là ảnh bà Ba Yên và ảnh Võ Thu Hạnh. Đoàn bảo, trước khi vượt sông Thạch Hãn vào chi viện cho thành cổ Quảng Trị, Khánh đưa Đoàn giữ hộ hai tấm ảnh này, hẹn khi về sẽ lấy lại. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng của Khánh…
- Cậu có nhìn thấy tấm ảnh nhỏ ở góc tấm ánh cháu Khánh trên ban thờ kia không? - Bà Ba Yên đứng dậy, Vọng cũng đứng lên, cùng đến bên ban thờ - Đây là ảnh cháu Võ Thu Hạnh, vợ chưa cưới của Khánh, do anh Đoàn mang từ mặt trận về…
Vọng nhìn người con gái trong ánh và chợt thấy cô hao bao giống Miên thời thiếu nữ. Cũng đôi mắt trong veo, mơ mộng. Hình như tất cả những cô gái đang yêu đều có ánh nhìn như thế.
- Cháu Hạnh sau khi đỗ trường Y, cứ một mực đòi đi chiến trường. Cháu bảo tôi: "Con vào với anh Khánh mẹ ạ. Nhất định chúng con sẽ gặp nhau trong ấy. Ai ngờ đó cũng là lần tôi gặp Hạnh cuối cùng. Đoàn bác sĩ quân y của cháu vào khu Năm, cũng là nơi quê cha Quảng Ngãi. Cháu Hạnh đã hy sinh khi đang cấp cứu các thương binh trong một căn hầm dã chiến…
Vọng thắp thêm ba nén nhang và đứng lặng trong nỗi đau những giọt nước mắt của người mẹ đang lan chảy sang mình.
°°°
Có tiếng lao xao ngoài ngõ. Nhà văn Châu Hà vừa bấm còi xe vừa nói oang oang:
- Có khách nào đến thăm nhà mình phải không mẹ Yên ơi?
Cô giáo Khiêm dắt xe đạp đi sau. Châu Hà lai thằng Phong trên chiếc Honda 67 nổ oạch oạch vào nhà. Vọng quay ra, mắt hướng về phía người đàn bà gầy mảnh, nhưng vẻ đài các đoan trang của nàng khiến anh biết đó là Khiêm.
- Dạ chị, em chào chị. Em là Vọng…
- Trời ơi, chú Vọng! Tôi cứ ngờ ngợ từ ngoài ngõ. Phong, con chào chú đi. Chú Vọng em ruột của bố từ Sài Gòn ra đó…
Vọng vòng tay ôm xiết thằng cháu ruột, cảm động trào nước mắt. Thằng Phong đang học lớp mẫu giáo lớn. Bốn tuổi, nhưng còi cọc như đứa lên ba.
- Cháu giống anh Vỹ như hai giọt nước chị ạ.
- Cháu là Nguyễn Kỳ Phong. Cháu gái chú, là Nguyễn Trinh Mai đi học cũng sắp về. Còn đây là nhà văn Châu Hà, tức Đà Giang, một người rất nổi tiếng, bạn chí thân của anh Vỹ nhà tôi…
Không khí gia đình bỗng trở nên ấm cúng thân mật. Bà Ba Yên lẳng lặng xuống bếp sắp cơm. Khiêm nói nhỏ với Châu Hà nhờ tiếp Vọng rồi lấy xe đạp ra chợ mua thức ăn.
Giờ thì Châu Hà lại trở thành nhà văn Đà Giang thuốc lào của ngày xưa. Anh kéo từ trong túi xà cột ra chiếc điếu cày bé xíu nạp thuốc rít sòng sọc.
- Ông Vọng không biết tôi, nhưng tôi thì biết quá rõ ông, biết từ những ngày đầu vào tiếp quản Sài gòn. - Châu Hà muốn chủ động xoá đi những mặc cảm ở Vọng, liền thao thao một hồi - Thấy tên ông trong ban lãnh đạo Tổng Cục Kiều lộ, tôi nghĩ bét ra ông này cũng phải tập trung cải tạo ba năm. Phụ tá giám đốc Nha kế hoạch, tức là phó giám đốc, có đúng không? Ở Bộ giao thông Công chánh, Nha kế hoạch Tổng cục kiều lộ là nơi quyền sinh quyền sát. Ông hàm tương đương với tỉnh trưởng, thuộc loại nguỵ quyền chóp bu. Tôi nói với ông Văn Quyền bạn tôi, khi anh Lợi sai đi tìm ông: "May ra đồng chí Chiến Thắng Lợi thương tình anh em máu mủ mới cứu được kỹ sư công chánh Nguyễn Kỳ Vọng khỏi bị đi tù. Tội ông này là nối giáo cho giặc. Ta phá cầu đường thì ông ấy bắc cầu lại sửa đường lại cho địch đánh ta. Bây giờ gặp ông ở đây, không bị tù đày, lại được trọng dụng cho làm cán bộ Cục cầu đường thì đúng là chỉ có đồng chí Chiến Thắng Lợi mới đổi đen thành trắng, đáo tội thành công thế này được.
- Dạ, cũng nhờ hồng phúc họ Nguyễn Kỳ nhà tôi, nhờ công lao của anh cả Khôi…
- Ông Chiến Thắng Lợi muốn cứu ai thì người đó dẫu có tội tày đình vẫn trắng án như thường. Chỉ riêng thằng Vỹ bạn tôi là ông ấy ghét. Ghét đến muốn xúc đất đổ đi. Lạ thế. Anh em với nhau mà như mặt giăng mặt giời, thậm chí còn như quân thù quân hằn - Châu Hà thừ người, sau một mồi khói thuốc, không hiểu vì say thuốc hay vì chuyện gì mà hai khoé mắt anh bỗng rỉ nước - Tôi vừa lên thăm Vỹ. Thương nó quá. Nó mắc bệnh phù thũng và người cứ ngơ ngẩn như nhiễm chứng tâm thần…
Đang ngồi, Vọng bỗng nhỏm dậy, nhìn Châu Hà ngơ ngác.
- Dạ, sao bảo anh Vỹ tôi đi công tác đặc biệt nước ngoài? Anh vừa nói lên thăm anh Vỹ ở đâu?
Đến lượt Châu Hà nhìn Vọng tròn mắt kinh ngạc:
- Hoá ra ông chưa biết gì? Ông không biết anh Nguyễn Kỳ Vỹ của ông đi đâu à? Trời ơi, tôi tưởng đồng chí Chiến Thắng Lợi phải nói với ông chuyện này từ lâu rồi chứ? Ông Lợi bảo với ông là thằng Vỹ nó đi công tác nước ngoài à?
- Dạ không. Mẹ tôi và chú Cục nói thế.
Châu Hà vò nhàu mái tóc. Tưởng như anh muốn dứt phăng mớ tóc thưa thớt trên vầng trán đang hói dần.
- Lẽ ra tôi không nên nói với ông câu chuyện này. Thằng Vỹ bạn tôi nó hay nói thế nào nhỉ. Phải rồi. Đời không đáng cái tổ trì. Một cái tổ trĩ thì không bao giờ được phô ra trước quan khách. Chính tôi cũng vô cùng kinh ngạc và đau xót khi vừa từ chiến trường ra liền nhận được tin thằng Vỹ bị…
- Kìa, anh Châu Hà, đừng nói với chú ấy…
Tiếng Khiêm bỗng cắt ngang câu chuyện. Mặt Khiêm xanh mét, như không còn giọt máu. Chị đánh rơi chiếc túi đi chợ, làm mấy bìa đậu phụ vỡ tung ra, trắng xoá trên nền nhà.
- Đành phải cho ông ấy nhìn rõ một sự thật - Giọng Châu Hà méo xệch - Tôi sẽ kể cho cả nhà nghe tôi vừa lên gặp thằng Vỹ như thế nào. Phải bằng mọi cách cứu nó ra khỏi trại cải tạo. Ông Chiến Thắng Lợi không làm thì tôi làm. Tôi sẵn sàng tặng lại cho Vỹ tấm huân chương Thành Đồng và mấy tấm huân chương Giải Phóng của tôi. Cả mấy cuốn tiểu thuyết được giải thưởng Văn học Giải phóng nữa. Phải cứu nó, kẻo nó chết thì uổng…
Châu Hà đấm ngực thùm thụp và khóc nấc lên.