THỜI CỦA THÁNH THẦN

Chương 16

(Trích hồi ký "Kẻ tha hương")

Từ đất Bắc, chúng tôi đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất buổi trưa ngày… tháng… năm 1954. Sau khi chia tay hai anh em Tạ Đôn và Tạ Thu Uyên, chúng tôi được xe nhà binh chờ tới lăng Đức ông gần chợ Bà Chiểu.

Trước khi vào Nam, người đội mũ phớt, đeo kính đen luôn rót vào tai tôi rằng, đồng bào di cư sẽ được cấp một căn hộ và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Hoá ra đó là những lời lừa phỉnh.

Lăng Đức ông, nơi đón tiếp đồng bào Bắc di cư, như một cái bị quá chật phải chứa một lúc hàng nghìn con người. Các gia đình chen chúc trải chiếu, hay bất kỳ thứ gì để ngủ cả ở khu lăng mô, quanh hành lang đền thờ và cứa nhà cầu trong cái nóng bức và ngột ngạt hơi và đủ thứ xú uế người.

Tôi rụt rè hỏi người phụ trách trại, một ông béo lùn, nói giọng Bắc lơ lớ.

- Bác ơi, tối nay cháu ngủ đâu?

- Cậu ngủ đâu tôi không cần biết - ông béo lùn xì mũi - Tôi chỉ biết mỗi ngày tôi cấp cho cậu mười đồng.

Tôi đã sống hai tháng trời với mỗi ngày mười đồng bạc ấy. Có nghĩa là mỗi ngày tôi chỉ được ăn hai tô hú tiếu, mỗi tô năm đồng. Sức trai đang lớn, cái dạ dày tôi làm sao chịu nổi. Được bà con mách, tôi rủ một đứa bạn chuyển tới một trạm tạm cư khác ở đường Hàng Xanh. Nhà thờ Thánh Mẫu nơi đây cũng chật ních người Bắc di cư. Lang thang trong thành phố cả tuần, tôi lạc tới nhà thờ Phú Hạnh. Nước rãi tôi chợt ứa ra khi thấy nhà bếp của cha đổ đi những thức ăn thừa. Bà nấu bếp như đi guốc vào bụng tôi. Bà dồn đồ ăn vào mộtbự và báo: "Cháu là học sinh di cư phải không? Cháu ăn đi, đừng ngại".

Bát cơm phiếu mẫu ấy, suốt đời tôi không quên. Từ hôm ấy, tôi khám phá ra một chỗ ngủ lý tưởng ở mái hiên trường xứ nhà thờ. Ban ngày tôi đi nghe ngóng về tin tức học hành, đến khuya tôi mới dam mò về mái hiên ngủ vì sợ nhà xứ đuổi.

Anh em Tạ Đôn đến tìm tôi. Thật tình tôi không muốn gặp Thu Uyên trong tình cảnh bờ bụi này một chút nào. Nàng có vẻ hợp với không khí Sài Gòn, lộng lẫy như một cô đầm lai.

Thấy tôi quá khốn khổ, Đôn giới thiệu tôi xuống ở cùng mẹ con Nhu, bạn cùng học, dưới xóm Cù Lao. Căn nhà sàn trong khu lao động. Muốn tới nhà phải qua một cây cầu khỉ ngoằn ngoèo, nước đen ngòm như mực tàu, suốt ngày bốc mùi hôi thối. Mẹ con Nhu dành cho tôi gian gác xép, đứng dậy là cụng đầu mái tôn. Lúc nào cũng có cảm giác tóc mình khét cháy vì chạm vào mái nhà. Mùa thu Sài Gòn dịu mát hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi dần làm quen với những phố sá sầm uất khi tạm biệt căn nhà ổ chuột của mẹ con Nhu lên ở tại Nhà hát Tây đầu đường Bôna. Thông tin này tôi đọc được trên báo chí và biết Chính phủ đã bắt đầu quan tâm tới học sinh di cư mất liên lạc gia đình.

Chiều chiều tôi thả bộ dọc đường Catina, từ nhà thờ Đức Bà đến bờ sông Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn những cao ốc nhiều tầng, những cứa hàng, khách sạn sang trọng, những dòng xe hơi bóng lộn, những bóng đèn nhiều màu lấp lánh dưới hàng me. Sài Gòn quả là viên ngọc Viễn Đông, đẹp hơn trí tưởng tượng của tôi nhiều.

Từ Nhà hát Tây, chúng tôi lại được lệnh di chuyền xuống trại học sinh di cư Phú Thọ vừa mới xây trên bãi rác cũ. Sau bao nhiêu ngày vất vưởng thì nơi đây với tôi là chốn thiên đường. Cứ hai học sinh được ở một lô sáu mét vuông trong một dãy nhà sàn dài lợp tôn, phân tầng. Chúng tôi được nuôi ăn ở bếp tập thể, trừ tiền ăn, mỗi tháng tôi được lĩnh 90 đồng.

Có bằng tú tài I từ Hà Nội, tôi vừa học phụ đạo để chờ thi tú tài II vừa đi dạy học tư gia. Chính Thu Uyên đã giới thiệu tôi với một gia đình người Bùi Chu di cư. Lớp học chỉ có hai em, em gái lớp ba và em trai lớp bốn. Em gái lớp ba tên Lê Thuỳ Miên. Số phận trớ trêu, mười một năm sau cô học trò lớp ba ấy đã trở thành người bạn đời của tôi.

°°°

Cái cơ duyên đã dẫn tôi đến với Miên mười một năm sau, có lẽ bắt đầu từ người cha của nàng. Ông Lê Huy Mật từng là nhà thầu khoán lục lộ, tham gia xây dưng nhiều tuyến đường phía bắc. Sau khi di cư vào Nam, ông tiếp tục nghề cũ. Thấy tôi loay hoay chọn trường Đại học sau khi đậu tú tài II, ông gợi ý tôi thi vào trường Cao đẳng Công chánh. Nhờ đăng ký học ban MPC (toán lý hoá) ở Đại học xá Minh Mạng, tôi đã dễ dàng qua kỳ thi lý thuyết. Gay go nhất với tôi là môn thi thể dục. Từ bé đến giờ, tôi chưa hề động tới dây leo. Và lo nhất là môn vác bao cát nặng hai mươi ký lô chạy bộ một trăm mét. Bao cát quá to so với vóc dáng ốm o, nặng chưa đầy bốn nhăm ký, lại đói ăn lâu ngày, tôi lo không vượt qua được kỳ sát hạch… Vậy mà rồi ông thầy thể dục cũng chấm cho tôi đỗ. Mãi sau này tôi mới biết, thầy chấm thi cho tôi lần ấy là người quen của ông Ký Mật. Trước khi tôi dự thi, ông Ký Mật đã gửi gắm tôi cho thầy. Sự cưu mang và hướng nghiệp ban đầu này khiến tôi ghi nhớ suốt đời và trở thành người thân thiết trong gia đình.

Với học bổng trường Công chánh 800 đồng một tháng, cuộc sống của tôi bắt đầu dễ chịu. Tôi lao vào học với quyết tâm hết năm học thứ ba sẽ đạt điểm trung bình trên 14/20 để được xét tuyển lên học kỹ sư. Và rồi mong ước của tôi đã thành tựu. Tôi được học kỹ sư, vừa đi học vừa lãnh lương cán sự 5.200 đồng một tháng. Đó là những ngày tháng huy hoàng nhất. Hằng ngày có người mang cơm tháng đến tận phòng. Quần áo lúc nào cũng là ủi tươm tất. Dư tiền, tôi sắm một chiếc xe máy hiệu Peugeot 103 đi học.

Những ngày chuẩn bị lãnh bằng kỹ sư công chánh, tôi có niềm hạnh phúc mới. Một buổi chiều, khi tôi kết thúc đợt đi thực tế ở Bà Rịa, vừa đi xe đò về tới bến xe Miền Đông, thì Thu Uyên ào đến. Nàng mặc bộ ký giả màu thanh thiên, tóc cặp bồng, đẹp đến mê hồn.

- Anh lên đồn điền với em. Ngày mai sinh nhật em mà anh không nhớ ư?

Tôi tròn mắt định bảo: "Sao anh không nhớ. Nhưng phải hai tháng nữa cơ. Năm kia, anh và Tạ Đôn cùng dự sinh nhật em ở nhà hàng Mỹ Cảnh. Quên sao được!". Thu Uyên như đoán được ý nghĩ của tôi, nàng đặt bàn tay lên miệng tôi, bàn tay sực nức mùi nước hoa Pháp thượng hảo.

- Thì cứ coi như sinh nhật. Em muốn chúng mình có một chuyến picnic nhớ đời.

Thu Uyên gọi taxi. Bẩy giờ tối chúng tôi đã lạc trong rừng cao su mịt mùng. Đồn điền của ông chú ruột Uyên có một ngôi nhà sàn bằng gỗ, dáng dấp biệt thự nằm giữa một vườn cây sầu riêng và cam, bưởi. Ông chủ đồn điền có dinh cơ ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về nghi cuối tuần.

Như đã chuẩn bị sẵn, Uyên dẫn tôi vào căn đại sảnh mà vợ chồng người gác vườn đã dọn dẹp ngăn nắp, trên chiếc bàn tròn lớn phủ nhung màu huyết dụ có một bình hoa lay ơn Đà Lạt trắng muốt, hai chiếc ly cao chân và một chai Remy Martin còn trong hộp.

- Tạ Đôn đâu? Chỉ có mình anh với em thôi ư? - Tôi nhìn Uyên, như không hiểu.

- Anh Đôn có giấy nhập học trường sĩ quan Đà Lạt. Ba em đang quyết tâm quân phiệt hoá toàn gia đình em rồi. Chỉ vài năm nữa anh Đôn sẽ đeo lon cấp tướng. Nếu đúng như lời anh em ông Diệm nói, thì Đôn sẽ là kẻ tiên phong Bắc tiến để tiêu diệt Chủ nghĩa cộng sản.

- Không nói chuyên chính trị… Anh cảm thấy hình như hôm nay em có chuyện gì?

- Chuyện của anh và em, hai kẻ phiêu bạt từ chân trời phương bắc. Đêm nay anh có dám uống say với em không?

Uyên mở rượu, rót ra hai ly. Nàng nhìn tôi, mắt long lanh một thứ ánh sáng kỳ lạ. Thứ ánh sáng như muốn hút lấy tôi, như đau đớn khắc khoải nếu bị tôi khước từ.

- Vọng ơi hãy uống cạn với em ly này.

Không đợi tôi có hưởng ứng hai không, nàng ngửa cổ, uống hết ly rượu. Tôi nhìn thấy một đường gân xanh mờ bỗng nổi hằn trên cần cổ mảnh de và trắng nõn của nàng, đường gân giần giật đầy kích đông. Tôi như bị nàng thôi miên, cũng ngửa cổ ực một hơi.

Uyên lại rót tiếp, lần này thì đầy tràn hai ly.

- Thôi Uyên - Tôi níu tay nàng, định đỡ lấy ly rượu.

- Đừng cản em. Nếu không muốn uống nũa thì anh có thể về.

Uyên lại ngửa cổ uống cạn ly. Rồi một ly nữa, một ly nữa. Tôi giật lấy chai rượu. Cũng là lúc Uyên quẳng chiếc ly xuống sàn nhà, đổ gục vào lòng tôi, khóc nức nở. Chưa bao giờ tôi thấy thương Uyên như lúc này. Tôi hít thật mạnh hương thơm từ tóc nàng, từ người nàng toả ra. Tôi đỡ nàng xuống đi văng. Đột ngột Uyên vòng tay ôm chặt lấy tôi, vít cổ tôi và áp môi nàng vào môi tôi. Ôi, nụ hôn đầu đời. Có vị ngọt ngào của trái đầu mùa, lại có vị mặn của nước mắt. Người tôi run lên. Tôi hoảng hốt nhìn quanh, như phản xạ của kẻ ăn trộm sợ người khác bắt gặp. Nàng lại rướn người lên, ghì đầu tôi, vừa hôn vừa cầm tay tôi đặt vào ngực nàng.

Như bị điện giật, tôi sợ hãi rụt tay lại. Quen nhau đã mấy năm nhưng chưa bao giờ tôi dám cầm tay nàng, chưa bao giờ gần nàng như thế này. Có lẽ vì tôi quá tự ti, quá tôn thờ nàng. Tôi yêu nàng một tình yêu dè dặt của một kẻ nghèo khó trước nàng công chúa kiêu kỳ. Nhiều lần tôi tự ví mình như chàng Trương Chi, còn nàng như con quan thừa tướng chốn lầu tây. Cũng có lẽ vì tôi còn quá trẻ, còn đang dồn sức cho chuyện học hành, lập nghiệp. Tôi dè sẻn gìn giữ tình cảm của mình, và thầm nhủ rằng, khi nào đỗ bằng kỹ sư, có nghề nghiệp, công thành danh toại rồi, tôi sẽ ngỏ lời cầu hôn nàng.

Nàng là mối tình đầu, là kỷ niệm của Hà Nội, của những năm tháng xa xăm trên đất Bắc. Tôi ấp ủ, tôn thờ nàng như một biểu tượng hơn là một thực thể hiện hữu.

Sau phút cuồng nhiệt, người nàng bỗng chùng xuống. Nàng nói trong nghẹn ngào:

- Vọng ơi em không muốn sống nữa.

- Làm sao? Hãy nói cho anh biết đi. Em đang có tất cả mà…

- Chỉ có anh là kẻ vô cảm… Anh thật đáng thương… Hãy mang em đi khỏi Sài Gòn. Đi thật xa…

- Hãy đợi anh lấy xong tấm bằng kỹ sư công chánh. Anh sẽ đi nhận công tác ở một nhiệm sở…

- Lúc đó thì em chẳng còn là của anh nữa rồi…

- Là của ai? - Tôi thảng thốt như thoáng nhận ra mối nguy cơ.

- Ba em đang muốn gả em cho con trai ngài tỉnh trưởng Bà Rịa.

- Có phải cái anh chàng đeo lon thiếu uý mới tốt nghiệp trường võ bị Thủ Đức mà có lần em đã giới thiệu với anh đó không?

- Anh ta đấy. Hồi ấy em vô tư, thấy anh ta cũng hay hay. Tưởng anh ta chỉ đến làm thân thế thôi. Nào ngờ anh ta bày binh bố trận để quyết chiếm đoạt em…

- Vậy là em đã… - Vòng tay tôi chợt rời khỏi nàng. Tôi như cảm thất đất dưới chân mình sụp đổ. Nàng đã bị hắn chiếm đoạt rồi ư? Bao giờ? Vậy mà tôi tôn thờ nàng còn hơn cả Đức Mẹ đồng trinh…

Thu Uyên như đọc thấy mối ngờ vực của tôi, nàng vòng tay ra sau lưng. Mãi sau này tôi mới biết đó là động tác nàng mở dây xu chiêng. Tôi cảm thấy hơi thở nàng gấp gáp, cảm thấy bầu vú thiếu nữ của nàng áp vào ngực mình.

- Anh đừng quá ngốc. Nho chẳng còn xanh như anh tưởng nữa đâu…

Câu nói xa xôi ấy, sau này tôi mới hiếu như một tín hiệu mời gọi, nhưng lúc đó tôi lại hiểu theo cách khác. Tôi rã rời hai tay, như không còn sức để ôm nàng.

- Kìa anh… Anh không thương em ư? - Uyên n chồm lên người tôi.

- Đừng em… - Tôi đấy nàng ra - Chúng mình hãy giữ mình cho đến khi nào chúng mình là chồng vợ…

Nàng bỗng sững lại. Đôi mắt đau đớn nhìn tôi như một kẻ ở hành tinh xa lạ nào. Rồi nàng bỗng bật khóc, nhổ vào mặt tôi và vùng chạy ra ngoài trời đêm.

Tôi biết từ giây phút ấy, tôi đã vĩnh viễn mất nàng.

°°°

Sau khi nhận bằng kỹ Công chánh loại ưu, đầu năm 1959 tôi được bổ nhiệm làm phó ty công chánh Mỹ Tho. Một năm sau, do làm tốt công việc nới rộng quốc lộ 4, tổ chức thi công công trường và việc xếp đặt biển báo khoa học, tôi được cấp trên tín nhiệm đề nghị đi làm trưởng ty công chánh Bình Long.

Tiếp quản một cơ ngơi nghèo nàn, tạm bợ, cư xá nhân viên là những dãy nhà lụp xụp, tôi không an lòng. Vận động anh chị em trong ty cùng bỏ công sức, huy động nhân viên chặt cây rừng, làm nhà ngay hàng thẳng lối, nền tráng xi măng, mỗi nhà đều có hố xí tự hoại, có bếp riêng, có vườn rau, ao cá, các nhân viên như được đổi đời, cuộc sống tràn trề sinh lực. Để đời sống nhân viện đỡ buồn tẻ nơi núi rừng héo lánh, tôi vận động anh chị em xây dựng một câu lạc bộ mang tên Lâm Viên.

Khách bước vào công ty, thấy ngay một quán hàng sạch đẹp trong đó có quầy bán thức ăn, nước giải khát với giá rẻ bằng nửa giá chơ, có nhiều cây trái do đồng bào tặng như bưởi, chôm chôm, chuối, mít… được mời khách miễn phí. Kế đó là bàn pingpong, phòng đọc sách báo. Sau quán, còn có một phòng hớt tóc miễn phí dành cho nhân viên và gia đình. Con em trong cư xá đầu tóc luôn gọn đẹp. Một cuộc sống văn hoá thực sự làm mọi người yêu thương gắn bó với nhau.

Những năm tháng ở Bình Long ngày ấy thật thanh bình. Nhà trưởng ty là một ngôi biệt thự trên sườn đồi nhìn xuống một thung lũng xanh mướt tiêu và cà phê. Biết bao đêm tôi nằm trằn trọc nhớ thầy u, anh em quê Bắc. Tôi lấy từ trong đáy va ly tập thơ "Thời của Thánh Thần" của anh Vỹ tôi ra ngắm nghía, đù tôi đã thuộc làu làu. Đề nguôi nỗi nhớ quê hương, tôi thường rủ gia đình ông Ký Mật, gia đình Tạ Đôn, mẹ con Nhu và các bạn bè lên choi. Ngày nghỉ, tôi có thể lái xe Jeep từ An Lộc về Sài Gòn, dừng nghỉ tại quán nhậu Chơn Thành hoặc Lai Uyên ăn tối. Trong khung cảnh an bình, tôi càng không nguôi nhớ Thu Uyên. Giá đêm ấy tôi hiểu tâm trạng nàng, tôi dám dũng cảm giành giật lấy tình yêu thì bây giờ tôi đâu phải ôm mối hận… Người con gái ấy đã bước ra khỏi đời tôi như cơn lốc xoáy. Đám cưới của nàng với anh chàng thiếu uý tổ chức ngay nửa tháng sau đó. Tôi ốm một tuần. May mà rồi cũng gương dậy sau cuộc chôn chặt mối tình đầu.

Chẳng bao lâu chiến cuộc lan tràn. Quân giải phóng đã áp sát thị xã An Lộc. Con đường 13 nối Sài Gòn với Lộc Ninh trở thành con đường bất an.

Cống Tham Rớt trên Quốc lộ 13, nơi giáp ranh hai tỉnh Bình Phước và Bình Long bị sập.

Cầu đúc Cần Lê ba nhịp, dài 38 mét nối tỉnh lị An Lộc với quận lị Lộc Ninh bị phá.

Lênh cấp trên chỉ thị cho tôi bằng mọi giá phải chữa cống Tham Rớt, bắc cầu Cần Lê để ngăn chặn Việt cộng xâm nhập.

Tôi cưỡi xe Jeep tới hiện trường. Cầu Cần Lê gãy theo hình chữ V đầu cầu vểnh lên khỏi mặt đường một mét. Để tái lập lưu thông cấp thời, chúng tôi kê chuồng heo cao bẩy mét từ giữa lòng suối và dùng con đội để đưa sàn cầu về vị trí ban đầu Sau đó, cầu Eiffel được ráp lên trên sàn cầu bê tông.

Những sáng kiến làm cầu, đường, sân bay của tôi mỗi ngày thêm nhiều, thêm mới, được Bộ giao thông Công chính đặc biệt chú ý.

Chỉ nghiên cứu qua sách vở, chúng tôi đã hoàn tất một phi trường L19 ở tỉnh lỵ An Lộc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Nha căn cứ Hàng không.

Cầu Nha Bích trên quốc lộ 14 bị phá sập nhịp giữa. Nước sông sâu và chảy xiết không thể làm giàn giáo theo phương pháp lắp ráp thông thường, tôi quyết định ráp cầu Eiffel trên bờ và đưa vào vị trí bằng cần cẩu trực thăng. Lưu thông gián đoạn không quá ba ngày.

Càng làm việc, tôi càng muốn làm chủ mọi công nghệ, phương tiện, giải quyết mọi sự cố dù khó khăn đến đâu, vì thế tôi càng khát khao học hỏi. Tôi ao ước được đi tu nghiệp tại Mỹ, đất nước có nền khoa học nhất thế giới. Tôi muốn xem tận mắt phương pháp thi công đường trên nền đất yếu, làm cầu bê tông dự ứng lực, làm cầu cáp, cầu dây văng, đường ngấm. Biết rằng đi Mỹ học tôi sẽ mất chức trưởng ty mà nhiều người đang mong thế chỗ, rồi còn biết bao bất trắc khắc khi trở về, vậy mà đầu năm 1965 tôi vẫn liều lĩnh nộp đơn xin đi tu nghiệp Hoa Kỳ.

Sáu tháng tu nghiệp trên đất Mỹ, tôi đã đến các bang: Louisiana, New Orleans, Iowa, Indiana, Wisconsin và học hỏi được bao điều về khoa học, công nghệ. Chỉ riêng điều này ở Mỹ là tôi không thích: ấy là thói kỳ thị chủng tộc. Người da đen buộc phải sử dụng cầu tiêu riêng; nhà hàng làm cửa riêng dành cho người da màu và chó. Tôi bỗng nhớ đến cậu bạn Lê Đoàn hồi còn ở Hà Nội. Đoàn khinh bỉ nước mẹ Đại Pháp đã bòn từ cục phân bắc ở nước thuộc địa. Giữa Pháp và Mỹ có sự giống nhau về bản chất thực dân.

Trong thời gian tu nghiệp ở Mỹ, tôi nhận liền được mấy lá thư của Lê Thuỳ Miên. Cô lẽ vì những là thư của nàng đã thức tỉnh tình quê hương xứ sở, hình ảnh mái nhà Việt đầm ấm thân thương, khiến tôi đã từ chối một vài hợp đồng nhận làm việc với mức lương cao khước từ sự quyền rũ của nước Mỹ để trở về.

Những lá thư của Miên đã khiến tôi nhìn cô học trò nhỏ ngày xưa với ánh mắt khác hẳn. Đón tôi ở phi trường, nàng lộng lẫy như một hoa hậu. Bất giác tôi chạnh nhớ đến Thu Uyên. Ngày từ Hà nội bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Uyên cũng trong sáng, tràn trề hạnh phúc như Miên bây giờ.

- Em lo đến thắt lòng. Chi sợ anh bỏ em để ở lại nước Mỹ… - Miên ào đến bên tôi, nói trong hơi thở gấp. Và nàng bỗng đột ngột dùng lại mặt đỏ bừng và thấy mình mắc cỡ.

Câu nói ấy đã thổ lộ hết tình yêu của nàng đối với tôi. Sau này, trong đêm tân hôn, Miên thú nhận với tôi rằng, nàng yêu tôi ngay từ ngày tôi là thầy giáo phụ đạo cô bé lớp ba. Rằng suốt mười một năm qua, tôi là thần tượng duy nhất mà nàng tôn thờ. Rằng nàng sẽ không sống nổi, rất có thể nàng sẽ ra cầu Bình Lợi nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử nếu tôi ở lại nước My.

Tôi vòng tay ôm Miên và bó hoa trên tay nàng. Không kìm được hạnh phúc, tôi ghé sát, hôn nhẹ nơi gáy, phía sau tai nàng. Thích thú như một cô bé, nàng nghẹo đầu rồi đột ngột rướn người hôn rất nhanh vào môi tôi.

Chúng tôi tổ chức lễ cưới sau đó một tháng.

Năm sau, Miên sinh cho tôi con gái đầu lòng: Nguyễn Lê Kỳ Vân. Và hai năm sau nữa là bé gái Nguyễn Lê Kỳ Vỹ.

°°°

Sau khoá tu nghiệp từ Mỹ về nước, tôi gặp khá nhiều rắc rối về động viên. Ông đổng lý văn phòng Bộ hỏi tôi:

- Anh có muốn đi Ty không?

- Dạ, có.

Ông Đổng lý nhìn tôi gật gù, gõ gõ tay xuống bàn rất lâu.

Đợi mãi, không thấy tôi có những hành động tiếp theo, ông bên ghi tên tôi với chức vụ "nguyên Trưởng Ty" và gửi danh sách sang Bộ Quốc phòng.

Nhờ thế lực, sự vận động và chạy chọt của bố vợ tôi, ông Ký Mật, giờ đã là Dân biểu Lê Huy Mật, tôi được hoãn quân dịch, sau đó được bổ nhiệm Trưởng ty Công chánh Phước Tuy.

Như có duyên nợ với Bình Long, sau sáu năm lăn lộn với những tuyến đường ác liệt miền Đông: quốc lộ 15, tính lộ 23, 44 những con đường thường xuyên bị Việt Cộng băm nát, năm 1972 tôi lại trở về An Lộc. Nơi đây không còn vẻ thanh bình, thơ mộng như ngày đầu tôi nhậm chức trưởng ty nữa. Sau trận Việt cộng đánh tiêu diệt hơn hai nghìn lính Mỹ của sư đoàn Anh cả đỏ ở Bàu Bàng cuối năm 1965, Thủ Dầu Một, Bình Long, Phước Long trở thành vùng chiến địa nóng bóng. Quốc lộ 13 khét tiếng là con đường máu.

Không dưới bốn lần tôi đã chết hụt trên những cung đường Lai Uyên, Bàu Bàng, Chơn Thành, Tân Khai. Có lần xe đang đi thì mìn nổ ngay trước mặt. Có lần tôi lọt giữa trận địa phục kích. Xe Jeep bị lật, bốc cháy, tài xế trúng thương, còn tôi bị đất đá vùi kín.

Và số phận thật trớ trêu, sau nhiều năm biệt tăm tích, tôi gặp lại Trương Phiên, ông Đồn trưởng bốt làng Động quê tôi, ngay trên vùng đất tử thần. Tuần đầu nhận chức Đại tá Tỉnh trưởng Bình Long, Trương Phiên liền gọi tôi lên tư dinh của ông.

Cái nước Việt hoá cũng chỉ bé như lòng bàn tay - Trương Phiên mở đầu cuộc gặp gỡ - Đọc hồ sơ, biết ông là con trai thứ ba cụ Lý Phúc làng Động, tôi mừng lắm. Thì ra chúng ta là người cùng chiến hào. Ông có biết cụ Lý Phúc thân phụ ông đã chết vì tay cộng sán như thế nào không? Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ. Trước khi rút khôi bốt làng Động, tôi đã cảnh báo trước với thầy ông và ông Chánh Hội Thiện điều này, và khuyên họ hãy đi theo chúng tôi, nhưng họ không nghe. Kết cục thật là bi thảm. Cuộc cải cách ruộng đất là một cuộc tắm máu. Tôi thương cụ Lý Phúc vô cùng…

Đã từng nghe phong thanh thầy tôi bị chết vì đấu tố trong cải cách ruộng đất của Bắc Việt, nay nghe Trương Phiên nói, tôi càng tin đó là sự thật. Thực tình tôi không có ấn tượng và kỷ niệm gì về ông Đồn trưởng Trương Phiên. Ngày ấy tôi thường đi trọ học. Thảng hoặc về nhà, gặp thầy tôi đánh tổ tôm với ông Đồn trưởng, tôi cứ tự đặt câu hói: Tại sao ông Đồn trưởng lại có khuôn mặt hao hao giống Cục. Chỉ có điều thằng Cục em tôi hiền lành, còn ông Đồn trưởng thì có vẻ ác và xảo quyệt. Hai mươi năm rồi, bộ mặt Tây lai ấy tuy già đi nhiều nhưng vẫn bất hảo như thế. Nghe nói, với thành tích chống cộng điên cuồng, năm 1972 Trương Phiên đã được phong chuẩn tướng, nhưng do thua trận liểng xiểng ở Vùng chiến thuật I, ông ta bị giáng chức và điều đi làm Tỉnh trưởng Bình Long.

- Bộ Công chánh và Bộ Quốc phòng đánh giá rất cao năng lực và thành tích của ông - Trương Phiên chuyển câu chuyện - Vì thế tôi rất vui khi có ông là cộng sự. Công việc của ông là bầng mọi giá phải đảm bào giao thông cho các cuộc hành binh tìm diệt của Quân đội Quốc gia, phải luôn thông suốt mạch máu Quốc lộ 13 và ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Cộng từ căn cứ Lộc Ninh và phía nam Cao nguyên Trung phần…

- Thưa ngài Tinh trưởng, tôi sẽ làm hết phận sự.

- Không chỉ phận sự mà phải thật trung thành và mẫn cán với Chính phủ Quốc gia, ông Trưởng ty ạ. Bọn Cộng sản đang cơn giãy chết. Hiệp định Paris đang tạo thế cho chúng ta cô lập và tiêu diệt hết bọn Việt cộng. Ông có mường tượng tới ngày chúng ta Bắc tiến, tôi và ông sẽ trở về làng Động của ông trong hào quang chiến thắng không?

Những lời huênh hoang của Trương Phiên chưa ráo mép, thì mười ngày sau tỉnh lỵ An Lộc oằn mình dưới hoả lực và cuộc tấn công vũ bão cửa quân Giải phóng.

Trước ngày cuộc tồng tiến công vào tỉnh lỵ xảy ra, tay chân của Đại tá Tinh trưởng Trương Phiên đã bắt được sáu trinh sát đặc công Việt Cộng. Trong số các chiến sĩ giải phóng ấy, có một anh lính, vừa gặp, tôi đã sửng sốt, tưởng như đó là em Cục của tôi. Ấy là một đêm mưa. Những đêm mưa bao giờ tôi cũng thấy cô đơn và bất an. Chiến cuộc quá dữ dội, buộc tôi phải để vợ con ở Sài Gòn. Mấy năm nay tại nhiệm sở, chỉ có mình tôi và vợ chồng chú Tám Báu lái xe. Tám Báu có bố mẹ là người Bắc đi phu đồn điền từ năm 1936, từ lâu tôi biết vợ chồng chú có cảm tình với Việt Cộng. Có đêm không ngủ, tôi thường thức Tám trở dậy, kêu đi kiếm mồi nhậu cho đỡ buồn.

Cơn mưa kéo dài nửa tiếng đồng hồ, sấm rền như đại bác và chớp loè như rạch nát bầu trời. Hình như trong tiếng sấm có cả tiếng súng và tiếng lựu đạn rất gần nghe như ở chỗ con suối cạn, khiến tôi cảm thấy bất an. Trùm chiếc áo mưa, tôi bấm đèn pin, đi xuống nhà Tám Báu.

- Ủa, con tưởng anh Tâm nhà con lên chô ông Ty? - Vừa thấy tôi, vợ Tám Báu đã hốt hoảng la lên - Ảnh vừa lên trên thiệt mà.

Tôi vừa định quay lên thì có tiếng chó sủa, tiếng lính bảo an la hét, tiếng đạn nổ chiu chíu qua đầu, tiếng những bước chân chạy rầm rập bên phía con suối cạn. Hai bóng đen từ dưới vườn tiêu bỗng vụt vào nhà. Tôi nhận ra chú Tám Báu đang kéo lê một người bị thương.

- Con xin ông… ông về đi. Nguy hiểm lắm… Xin ông đừng nói gì nhé. Coi như ông hổng biết gì chuyện anh Tám nhà con nhé… - Tôi bị người đàn bà đẩy dúi dụi về nhà.

Vừa cởi áo mưa, chưa kịp định thần thì tụi lính bảo an đã kéo chật căn phòng tôi ở. Tên nào cũng ướt rượt, lấm lem, mặt mũi hằm hằm.

- Ông Ty có chứa chấp thằng Việt Cộng nào thì đưa ra - Gã đeo mai thiếu uý sần sộ.

- Việt Cộng nào dám vào nhiệm sở Ty Công chính? - Tôi nói cứng.

- Rõ ràng có hai thằng chạy vào hướng này - Gã thiếu uý hất hàm ra hiệu cho lính lục soát khắp nhà.

Tôi lắng tai về phía nhà Tám Báu, lo lắng.

Bỗng có loạt súng nổ. Rồi tiếng vợ con Tám Báu la ré lên. Tôi biết, Tám Báu và anh chiến sĩ giải phóng nguy rồi.

Ngày hôm sau, không khí tử thần bao trùm phố . Tiếng loa nhà binh ra rả rêu rao về chiến tích vừa bắt và tiêu diệt gọn tiểu đôi trinh sát Việt Cộng xâm nhập tỉnh lỵ An Lộc. Tôi cố lắng tai, tưởng như mình nghe nhầm:

- Đặc biệt, cùng với sáu cộng quân, còn có cả tên Tám Báu, lái xe cho Trưởng ty Công chánh Bình Long, một điệp viên nguy hiểm của Việt Cộng nằm vùng. Theo lênh ngài Đại tá Tỉnh trưởng, ngay chiều nay, toà án binh tiền phương sẽ xứ bắn tên Việt Cộng theo quân luật…

Để nắn gân và chơi đòn cân não, ngay buổi sáng, Tỉnh trưởng Trương Phiên cho gọi tôi lên tư dinh.

- Tôi rất lấy làm tiếc về trường hợp tên lái xe của ông - Mặt Trương Phiên đằng đằng sát khí, đôi mắt ánh xanh màu nòng súng - Nó đã dắt Việt Cộng vào thám thính các khu bố phòng của ta. Rất may là nó không khai một lời nào về ông Trưởng Ty. Đó cũng là một niềm an ủi đối với tôi, người đã từng quen biết thân phụ của ông…

- Tôi cũng rất bất ngờ, thưa ngài Tỉnh trưởng.

- Trong chiến tranh, mọi điều có thể xảy ra - Giọng Trương Phiên bỗng rờn rợn - Chiều nay, tôi muốn giao cho ông Ty một nhiệm vụ.

- Nhiệm vụ gì, thưa ngài?

- Bây giờ còn bí mật - Trương Phiên nhún vai, cái nhún vai rất Tây như được di truyền từ tổ tiên lại - Ông Ty phải đi theo tôi để tận mắt hiện trường và có kế hoạch thực thi nhiệm vụ.

Chiếc xe Landcruise đưa Trương Phiên và tôi đến một khu đất trống phía cuối tỉnh lỵ. Đây là vạt đất trồng cao su vừa chặt hạ. Mắt tôi hoa lên, người tôi muốn ngất xỉu khi chợt nhận ra giữa bãi đất đỏ nâu như màu máu khô là bẩy người bị chôn ngang thân, theo một hàng ngang, chỉ nhô lên phần đầu và vai. Người ở ngoài cùng có cái đầu muối tiêu là Tám Báu, còn lại là sáu chiến sĩ giải phóng, người nào cũng bị tra tấn làm cho khuôn mặt thâm tím biến dạng, nhưng mắt ai cũng mở trừng trừng nhìn chúng tôi đầy căm thù.

- Ông Ty có nhận ra thằng tài xế trung thành của ông không? - Trương Phiên liếc nhìn tôi tự đắc một cách đểu giả khi xe dừng lại cách hàng người bị chôn chừng hai chục mét - Không ngờ quân tôi đã tóm được tên cáo già Việt Cộng nằm vùng, kẻ đã dẫn bọn cộng quân thám thính các khu bố phòng cửa ta. Còn cạnh thằng tài xế của ông là thằng lỏi Việt Cộng mới từ Miền Bắc xâm nhập, suýt được Tám Báu cứu thoát. Bị tử thương nhưng nó cứng đầu và tỏ ra nguy hiểm nhất bọn. Hớ hớ… Nó giấu quê quán, nhưng nghe giọng, tôi biết thằng này quê làng Động của ông đó. Nó bảo mẹ nó bị bom Mỹ giết, nó phải trà thù. Nó căm thù cả tôi, cả ông Ty… Vậy thì nó phải chết một cách đau đớn… Chiều nay ông sẽ có một nhiệm vụ là phải điều hai chiếc xe ủi Kamasu của Ty Công chính đến đây để ủi bẩy cái đầu Cộng sản này cho chúng không còn có đất nảy nở…

Trương Phiên vừa bước vừa xoè hai bàn tay với những ngón to bè, như hai chiếc xe ủi dàn hàng ngang tiến. Tôi nổi gai hết người. Tôi như không còn nghe được tiếng gì nữa khi ánh mắt tôi vừa chạm vào gương mặt anh lính giải phóng bị chôn sát Tám Báu. Trời ơi, tôi có nhầm không? Gương mặt trẻ măng vừa hao hao như gương mặt Tỉnh trưởng Trương Phiên, vừa giống như gương mặt Nguyễn Kỳ Quặc, em tôi, ngày tôi xa nó để vào Nam.

Trời đất bỗng nghiêng ngả, rồi tối sầm. Tôi ngã đổ vật trên bãi đất, không biết gì nữa.