- Rabindrantath Tagore -
Sức khỏe của pháp sư Tính Không dần hồi phục.
Nhưng ông ăn ít tới kinh người, thậm chí còn áp dụng cả luật kiêng "không ăn gì sau bữa trưa". Mỗi ngày ông chỉ ăn hai bữa sáng và trưa. Buổi sáng là một bát cháo trắng, không hề có chút rau nào. Buổi trưa là một bát cơm, một đĩa "rau La Hán". Món "rau La Hán" này chính là đậu phụ thêm chút rau xanh, đậu, nấm, và không hề thêm tí thịt, cá nào. Một ngày chỉ có hai bữa như vậy.
Một buổi chiều mát mẻ, tôi đưa pháp sư Tính Không vừa lành bệnh đi dạo quanh chùa Pháp Vũ.
Khi đi qua điện Thiên Vương trước cây Bồ Đề, mấy con chim trên cành cứ ríu rít không ngớt, tiếng trong trẻo như âm thanh phát ra trên cành trúc.
"Pháp sư có nghe thấy tiếng chim kêu không?", tôi hỏi.
"Có", pháp sư gật đầu, rồi ngẩng đầu nhìn lên cành cây. Mấy con chim lích rích trong lùm cây rậm rạp ù té bay ùa lên, mất hút trong tầm nhìn.
"Bây giờ còn nghe thấy tiếng chim nữa không?", pháp sư hờ hững hỏi.
Tôi không biết trả lời ra sao. Bản thân tôi cảm thấy mình không thể nói "không", mặc dù sự thực đúng là như vậy. Câu hỏi của pháp sư như có một ý nghĩa khác.
Pháp sư xoay người, tiếp tục đi về phía trước. Tôi đi theo sau, ngắm hai cái bóng một trước một sau của tôi và pháp sư dưới ánh mặt trời.
"Xin lỗi, con chưa lĩnh hội được ý thầy", tôi lúng búng thốt lên.
Pháp sư mỉm cười, "Pháp danh của con là Trí Tuệ cơ mà!".
Tôi cũng cười, "Đó là vì con cần trí tuệ ạ".
Pháp sư vuốt bộ râu trắng như tuyết, từ tốn nói, "Âm thanh như bụi trần, và cũng bị hủy diệt như bụi trần. Khả năng nghe được không sinh ra khi âm thanh tạo ra và không hủy diệt khi âm thanh bị hủy diệt. Tính ngộ không nhận tích lũy của âm thanh tới và đi, hoặc của âm thanh lớn hay nhỏ".
Tôi dừng chân, vỗ tay, hoan hỉ, "Con hiểu rồi ạ".
Pháp sư như vẫn không nghe thấy, cứ tiếp tục đi thẳng. Tôi vội vã đuổi theo sau, đỡ ông bước lên bậc tam cấp.
Chú tiểu Tuệ Quang đang bận rộn trong hành lang. Đi tới ngó, thấy trên ghế đá đã đặt sẵn một sấp giấy. Một bó hoa cúc dại tươi vừa hái đặt phía trên. Tuệ Quang đang cắm cúi lấy một cành trúc nhỏ lật đám hoa cúc, để mỗi cành hoa đều nhận được ánh nắng mặt trời.
"Sư phụ tới rồi ạ!", Tuệ Quang vừa ngẩng đầu thấy chúng tôi, vộ vã đứng lên.
Pháp sư Tính Không chỉ cho tôi một cái ghế đá khác và nói, "Nghỉ chân ở đây thôi". Rồi lại cười nói với Tuệ Quang, "Chơi một ván cờ đi".
"Đệ tử đi lấy bàn cờ và trà ạ", Tuệ Quang thưa rồi co giò chạy đi.
Chẳng mấy chốc, pháp sư và Tuệ Quang đã bầy xong bàn cờ, vừa uống trà vừa đánh cờ vây. Tôi ngồi bên cạnh quan sát cuộc đấu, chốc chốc lại ra lật đám hoa cúc để ánh nắng trải đều vào từng cánh hoa. Đợi đến khi chỗ hoa đã phơi khô, có thể lồng vào vải gối, làm thành gối hoa cúc tỏa mùi thơm, để pháp sư dùng. Nghe nói ngủ trên chiếc gối này sẽ khiến tai và mắt thông minh, nhanh nhậy hơn, đồng thời cũng giúp tăng nhiệt, giảm độ ẩm. Tối qua, pháp sư Tính Không chỉ tiện miệng kể về chức năng của loại gối này, không ngờ Tuệ Quang đã ghi nhớ. Sáng sớm nay chú đã lên núi hái ngay hoa cúc về cho thầy.
Tôi quay đầu nhìn Tuệ Quang đúng lúc chú cũng đang nhìn thầy. Gương mặt trẻ trung đượm vẻ chân thành và chăm chú. Chú tiểu trong chùa cũng giống như quả táo chưa bị côn trùng gặm qua, có linh hồn lương thiện và trong sáng không gì so sánh nổi.
Nhớ có lần tôi hỏi chú: "Đã bao giờ chú nghĩ tới việc muốn trở thành người như thế nào chưa?".
Chú ta liền đáp: "Muốn giống người như pháp sư Tính Không".
Tôi ngồi bên cạnh hai vị tu hành một già một rtrẻ rất lâu, ngửi thấy mùi thơm dịu thoảng tới từng đợt, thấm vào tận tim can. Đó không chỉ là mùi thơm từ đám hoa cúc đang phơi dưới nắng, mà còn bắt nguồn từ một người già đã sống một thế kỷ và từ cậu thanh niên có linh hồn như đóa hoa chưa nở.
Thánh kinh đã ghi rõ: trên người kẻ tu hành có hương thơm.