Nếu người ta muốn đo lường thiệt hại do những thảm họa chính trị lớn trong sự phát triển văn hoá của con người mang lại, thì người ta cần phải nhớ rằng, văn hóa tựa như là một loài thảo mộc tinh tế luôn gắn kết với các điều kiện phức tạp.
Loài thảo mộc này chỉ có thể phát triển ở một số ít địa điểm mà thôi. Để có thể phát triển, trước hết, nền văn hóa đòi hỏi một sự sung túc nhất định, tạo điều kiện cho một bộ phận dân chúng của một nước nào đó có thể hoạt động trong những lĩnh vực không trực tiếp cần thiết cho việc duy trì cuộc sống.
Thêm vào đó, cần phải có truyền thống đạo đức về sự quý trọng những phúc lợi và thành tựu văn hóa, nhờ vào đó mà tầng lớp ấy mới có thể đem đến khả năng sống cho các tầng lớp khác đang lao động vì những nhu cầu trực tiếp của cuộc sống.
Trong các thế kỷ vừa qua, nước Đức thuộc về những quốc gia thực hiện được cả hai điều kiện ấy. Nhìn chung sự phồn thịnh còn khiêm tốn, nhưng vẫn đủ, còn truyền thống tôn trọng phúc lợi văn hóa cũng mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, dân tộc này đã tạo ra những giá trị văn hóa không thể bỏ qua đối với sự phát triển hiện đại. Nói chung, ở đây truyền thống vẫn còn nguyên vẹn, còn sự phồn thịnh thì bị lung lay. Người ta đã lấy đi phần lớn những nguồn nguyên liệu để phục vụ cho nền công nghiệp của đất nước, mà trên cơ sở của nó bộ phận dân cư lao động công nghiệp mới xuất hiện. Phần dư thừa thiết yếu cho việc đảm bảo cuộc sống của những người đang tạo ra những giá trị tinh thần, bỗng nhiên bị thiếu hụt. Trong điều kiện tồn tại như vậy, truyền thống cũng phải suy vong và một trong những vườn ươm màu mỡ của văn hóa cũng trở nên hoang tàn.
Khi đánh giá cao những phúc lợi tinh thần, nhân loại rất quan tâm đến việc ngăn chặn tình trạng bần cùng hóa như vậy. Nhân loại sẽ khắc phục những yếu tố gây ra sự bần cùng tạm thời và sẽ thức tỉnh tình đoàn kết cao cả đã bị thói ích kỷ dân tộc đẩy lùi. Đối với tình đoàn kết ấy, những giá trị con người được thực hiện, không phụ thuộc vào chính trị và biên giới quốc gia nữa. Khi đó, nhân loại sẽ bảo đảm cho mỗi dân tộc những điều kiện lao động mà trên cơ sở ấy mỗi dân tộc mới có thể tồn tại và tạo ra các giá trị văn hóa.