Thế giới như tôi thấy

Các triệu chứng bệnh hoạn của đời sống văn hóa

Sự giao lưu tự do về tư tưởng và về các kết quả là cần thiết đối với sự phát triển lành mạnh của khoa học cũng như của đời sống văn hóa nói chung. Theo tôi, không thể nghi ngờ một thực tế là: việc can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị nước này vào sự giao lưu tự do về mặt tri thức giữa các cá nhân đã gây ra những tổn thất to lớn.

Trước tiên, tổn hại đó tác động kéo dài đối với năng lực khoa học thực sự; sau một thời gian, nó sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến toàn bộ các ngành sản xuất.

Hơn nữa, chúng ta thấy rõ được những can thiệp của cấp có thẩm quyền chính trị vào đời sống khoa học của quốc gia thông qua việc từ chối những chuyến đi nước ngoài của các học giả trong nước và những chuyến đi của các học giả nước ngoài tới Hoa Kỳ. Cách hành xử nhỏ nhen như thế của một cường quốc chỉ là cái triệu chứng bên ngoài của một căn bệnh trầm kha đáng sợ hơn.

Nhưng, sự can thiệp vào việc tự do công bố các kết quả khoa học bằng lời và văn bản, cách hành xử thiếu tin cậy của nhà nước dựa trên một tổ chức cảnh sát khổng lồ để chống lại cá nhân về phương diện chính trị, nỗi sợ hãi của mỗi người khi luôn phải lẩn tránh mọi điều có thể dẫn đến ngờ vực và qua đó có thể đe doạ đến sự tồn tại kinh tế của họ – tất cả những điều ấy bao giờ cũng chỉ là các triệu chứng đơn thuần, kể cả khi các triệu chứng như vậy thể hiện tính chất nguy hiểm của căn bệnh này một cách rõ ràng hơn.

Nhưng theo tôi, căn bệnh thực sự lại chính ở quan niệm được tạo ra bởi các cuộc chiến tranh thế giới, chi phối mọi điều trong tư tưởng: Trong hòa bình, chúng ta phải xây dựng toàn bộ cuộc sống của mình, kể cả đối với hoạt động của mình, sao cho trong trường hợp có chiến tranh, chúng ta nhất định là người chiến thắng.

Quan niệm đó dẫn đến quan niệm thứ hai: Người ta đang bị đe dọa bởi những kẻ thù hùng mạnh. Đó là sự đe dọa đối với tự do và thậm chí đối với sự tồn tại của mình.

Quan niệm đó lý giải tất cả những sự việc đáng ghê tởm mà ở trên chúng tôi đã gọi là các triệu chứng. Nếu như chúng không được khắc phục, thì tất yếu sẽ dẫn đến chiến tranh và do vậy dẫn tới sự huỷ diệt tất cả. Quan niệm này được biểu lộ chủ yếu qua ngân sách của Hoa Kỳ.

Chỉ khi nào chúng ta khắc phục được tình trạng cưỡng bức tư tưởng ấy, thì chúng ta mới có thể quay sang đề cập một cách hợp lý đến vấn đề chính trị thực sự: Chúng ta có thể góp phần như thế nào vào việc bảo vệ và cải thiện sự tồn tại của con người trên trái đất đã trở nên bé nhỏ này?

Tại sao việc đó lại là tất cả? Bởi vì chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được các triệu chứng này hay các triệu chứng khác của căn bệnh, nếu chúng ta không thanh toán được căn bệnh thực sự.