Việc thực hiện kế hoạch giải trừ quân bị đã bị gây trở ngại, nhất là khi người ta nói chung không biết tự kiểm điểm về khó khăn lớn nhất của nó. Người ta đã đạt được đa số các mục tiêu trong các bước đi nhỏ. Nhưng hãy nghĩ đến việc xóa bỏ nền quân chủ tuyệt đối bằng nền dân chủ. Ở đây, tồn tại một mục tiêu không thể nào đạt được chỉ bằng những bước đi nhỏ dần dần.
Một khi chính khả năng chiến tranh không bị loại trừ, thì các dân tộc không thể làm gì hơn ngoài việc chuẩn bị về mặt quân sự sao cho hoàn thiện để có thể chiến thắng được cuộc chiến tranh tiếp theo. Người ta cũng không thể làm khác hơn là giáo dục thanh niên về các truyền thống đấu tranh nhằm nuôi dưỡng tính tự phụ dân tộc hẹp hòi kết hợp với việc ca ngợi quan điểm chiến tranh. Người ta vẫn thường làm như vậy, chừng nào phải tính đến việc phải dùng đến thái độ ủng hộ của công dân cho các cuộc xung đột chiến tranh. Nhưng thực ra, vũ trang không có nghĩa là tán thành và chuẩn bị hòa bình, mà ngược lại, có nghĩa là tán thành và chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, người ta sẽ không giải trừ quân bị trong những bước đi nhỏ, mà phải làm luôn một lần hoặc hoàn toàn không làm gì cả.
Tiền đề cho việc thực hiện một biến đổi sâu sắc như thế trong đời sống của nhân dân là một nỗ lực tinh thần mạnh mẽ, là sự chối bỏ một cách có ý thức các truyền thống thâm căn cố đế. Những kẻ nào không sẵn sàng gắn số phận của quốc gia mình một cách vô điều kiện với các quyết định của một tổ chức tòa án trọng tài quốc tế trong trường hợp tranh chấp và không xác định dứt khoát điều này bằng hiệp định của nhà nước, những kẻ đó không quyết tâm thực sự để loại bỏ chiến tranh. Khẩu hiệu được đưa ra ở đây là: Tất cả hoặc không gì cả!
Người ta không thể bác bỏ thực tế là: Cho đến nay, sở dĩ những nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình đã thất bại là vì chúng cố đạt được những thỏa hiệp nửa vời.
Giải trừ quân bị và an ninh chỉ có thể đạt được trong sự gắn kết với nhau. An ninh chỉ có thể được bảo đảm bởi nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong việc thực thi các quyết định quốc tế.
Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Liệu chúng ta có tìm được con đường dẫn đến hòa bình hay vẫn cứ tiếp tục đi con đường không xứng đáng với nền văn minh của chúng ta như trước đây, điều này nằm trong tay của chúng ta. Một bên là sự vẫy gọi của tự do của các cá nhân và sự an ninh của cộng đồng. Bên kia là nguy cơ nô lệ cho cá nhân, là sự hủy diệt nền văn minh của chúng ta. Số phận của chúng ta phụ thuộc vào câu hỏi: chúng ta xứng đáng với nó như thế nào?