Thế giới như tôi thấy

Bàn về hội nghị giải trừ quân bị năm 1932

1.

Liệu tôi có được phép bắt đầu bằng một tín niệm chính trị? Đó là: Nhà nước tồn tại vì con người, chứ không phải con người tồn tại vì nhà nước. Người ta cũng có thể nói về khoa học cũng tương tự như đã nói như thế về nhà nước. Đó là những công thức cũ. Những công thức này được khắc ghi bởi những ai xem nhân cách con người như một giá trị cao quý nhất có tính người.

Tôi rất ngại phải lặp lại những công thức này, khi chúng có nguy cơ đôi khi bị rơi vào sự quên lãng, nhất là trong thời đại đầy những tổ chức và khuôn mẫu như thời đại chúng ta. Tôi thấy nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của nhà nước là bảo vệ cá nhân và tạo cho cá nhân khả năng phát triển thành nhân cách sáng tạo.

Như vậy, nhà nước cần phải là người đầy tớ của chúng ta, chứ không phải chúng ta là nô lệ của nhà nước. Nhà nước vi phạm đòi hỏi này, khi nó dùng bạo lực để ép buộc chúng ta phải phục vụ quân đội và chiến tranh, đặc biệt là khi sự phục vụ nô lệ này hướng đến mục tiêu và kết quả tàn sát những người dân nước khác hoặc gây tổn hại cho sự tự do phát triển của họ. Chúng ta chỉ nên dành cho nhà nước những hy sinh mang lại kết quả tốt đẹp cho sự phát triển tự do của các cá nhân. Những điều quý báu này có thể là hiển nhiên đối với mỗi người Mỹ, chứ không phải đối với mỗi người châu Âu. Vì vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng, cuộc vận động chống chiến tranh sẽ có một chỗ dựa vững chắc ở người Mỹ.

Nhưng bây giờ, xin trở về với Hội nghị Giải trừ Quân bị! Người ta nên cười, nên khóc hay nên hy vọng, khi nghĩ đến nó? Quý vị hãy thử tưởng tượng một thành phố có toàn là những công dân cáu bẳn, dối trá và hay thích gây gổ! Ở đó, người ta cảm nhận được mối nguy cơ thường trực đe dọa cuộc sống như là trở ngại lớn cho mọi sự phát triển lành mạnh. Tòa thị chính muốn khắc phục tình trạng ghê tởm ấy, mặc dù mỗi thành viên trong các hội đồng thành phố lẫn mỗi người dân đều không muốn bị cấm mang dao găm bên thắt lưng. Sau nhiều năm chuẩn bị, Tòa thị chính quyết định mang vấn đề ra bàn và đưa ra đề tài thảo luận: Con dao găm mà mỗi người mang theo ở thắt lưng khi đi dạo chơi, được phép dài và sắc như thế nào? Chừng nào những người dân ranh mãnh này không đứng ra chống lại hiện tượng đâm chém nhau bằng luật pháp, tòa án và cảnh sát, thì tất nhiên sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Một sự ấn định về chiều dài và độ sắc của các con dao găm được mang sẽ chỉ có lợi cho cho những kẻ thích hành hung và những kẻ mạnh nhất, và chỉ là sự phó mặc những người yếu hơn cho chúng. Tất cả các quý vị đều biết rằng, sự so sánh này ám chỉ điều gì. Chúng ta hiện đang có Hội Quốc Liên và một Tòa án Trọng tài. Nhưng Hội Quốc Liên thì lại chẳng hơn gì một phòng họp và Tòa án Trọng tài cũng lại không có phương tiện để thực thi các quyết định của mình. Các cơ quan này không đảm bảo an ninh được cho bất cứ quốc gia nào trong trường hợp bị tấn công. Nếu quý vị xem xét kỹ điều này, thì đối với quan điểm của Pháp về việc từ chối giải trừ quân bị trong trường hợp không có an ninh, ắt hẳn quý vị sẽ phê phán một cách nhẹ nhàng hơn là so với những gì đang thường diễn ra hiện nay.

Nếu chúng ta không biết hạn chế chủ quyền của các quốc gia riêng lẻ bằng cách buộc mọi quốc gia phải có nghĩa vụ thực hiện hành động chung chống lại những quốc gia công khai hay giấu giếm đi ngược lại với phán quyết của Tòa án Trọng tài này, thì chúng ta không thể thoát ra khỏi tình trạng lộn xộn và những hiểm họa nói chung. Chủ quyền không bị hạn chế của từng quốc gia và an ninh chống lại các cuộc tấn công không thể được hợp nhất bởi các mánh khóe. Có cần phải chờ đến các thảm họa mới nữa để rồi mới buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ thực thi các quyết định của cơ quan tòa án quốc tế đã được công nhận hay không? Từ thực trạng hiện nay, chúng ta chẳng có lý do gì để trông chờ điều gì tốt đẹp hơn trong tương lai gần. Nhưng bất cứ ai là người bạn thân thiện với nền văn minh và với sự công bằng phải dốc toàn bộ khả năng tốt nhất của mình để thuyết phục đồng loại của mình về sự cần thiết của sự liên kết quốc tế như vậy giữa các quốc gia riêng rẽ.

Người ta không phải không có lý do chính đáng để phản bác lại quan niệm này khi cho rằng nó quá coi trọng yếu tố tổ chức và xem thường yếu tố tâm lý, đặc biệt là yếu tố đạo đức. Lý lẽ ấy khẳng định rằng, giải trừ quân bị về mặt tinh thần phải đi trước giải trừ quân bị về mặt vật chất. Cũng nên hiểu một cách rõ ràng rằng, trở ngại lớn nhất của trật tự quốc tế chính là chủ nghĩa dân tộc đã được tăng cường thành một thứ quái đản, một kiểu chủ nghĩa dân tộc được gọi bằng một cái tên đầy cảm tình nhưng dễ bị lạm dụng là chủ nghĩa yêu nước. Trong một trăm năm mươi năm qua, thần tượng ấy đã đạt được một quyền lực khủng khiếp, cực kỳ tai hại. Để có được quan điểm đúng đắn về sự phản kháng đó, người ta phải nhận ra rằng, yếu tố tổ chức và yếu tố tâm lý quy định lẫn nhau. Các tổ chức không chỉ phụ thuộc vào các thái độ truyền thống mang màu sắc tình cảm mà nhờ đó chúng được hình thành và phát triển. Các tổ chức còn tác động mạnh mẽ ngược trở lại các thái độ dựa theo tình cảm này của các dân tộc.

Theo tôi, chủ nghĩa dân tộc – khi đã phát triển cao đến mức tai hại như thế ở khắp mọi nơi – có liên quan chặt chẽ nhất với việc đưa ra nghĩa vụ quân sự nói chung – hoặc với tên gọi ngọt ngào hơn – với việc thiết lập “quân đội nhân dân”. Khi đòi hỏi những người dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhà nước buộc phải phải nuôi dưỡng tình cảm của chủ nghĩa dân tộc ở những người dân này. Tình cảm ấy tạo cơ sở tâm lý cần thiết cho các mục đích sử dụng về mặt quân sự. Thế là bên cạnh tôn giáo, nhà nước lại phải ca ngợi công cụ bạo lực độc ác của mình trước giới trẻ trong học đường!

Vì vậy, theo quan niệm của tôi, việc đề ra nghĩa vụ quân sự nói chung là điều chủ yếu trong sự suy đồi đạo đức của chủng tộc da trắng. Sự suy đồi đạo đức đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của nền văn hóa của chúng ta, thậm chí về sự sinh tồn của chúng ta. Bên cạnh những điều tốt lành vĩ đại về mặt xã hội, sự kiện tồi tệ này đã xuất phát từ cuộc Đại cách mạng Pháp và sau đó trong một thời gian ngắn đã lôi kéo tất cả các dân tộc khác.

Những ai muốn bênh vực quan điểm quốc tế và chống lại chủ nghĩa dân tộc Sô vanh, thì phải đấu tranh chống quân dịch nói chung. Phải chăng đối với xã hội, các cuộc truy nã gay gắt hiện nhằm vào những người chống quân dịch vì động cơ đạo đức, là ít đáng hổ thẹn hơn những cuộc truy nã nhằm vào những người tử vì đạo trong các thế kỷ trước đây? Người ta có thể loại trừ chiến tranh, như đã làm trong Hiệp định Kellogg, được hay không, trong khi vẫn phó mặc các cá nhân không được bảo vệ cho bộ máy chiến tranh của các nước riêng lẻ?

Còn về Hội nghị Giải trừ quân bị, nếu người ta không muốn chỉ tự hạn chế ở yếu tố tổ chức-kỹ thuật, mà muốn cân nhắc cả đến yếu tố tâm lý một cách trực tiếp vì những động cơ giáo dục, thì người ta phải bằng con đường quốc tế tạo khả năng hợp pháp cho các cá nhân khước từ quân dịch. Không nghi ngờ gì nữa, một kế sách như thế có thể tạo ra tác động mạnh mẽ về mặt đạo đức.

Tôi tóm lược lại quan điểm của mình như sau: Những thỏa thuận thuần túy về hạn chế vũ trang không hề đảm bảo được an ninh. Tòa án Trọng tài theo quy định cần phải có quyền hành pháp được đảm bảo bởi tất cả các quốc gia thành viên tham gia. Đó là quyền hành pháp nhằm can thiệp bằng sự trừng phạt về kinh tế và quân sự chống lại những kẻ phá hoại hòa bình. Cần phải đấu tranh chống nghĩa vụ quân sự nói chung như một ổ dịch chủ yếu của chủ nghĩa dân tộc bệnh hoạn. Đặc biệt, những người chống quân dịch cần phải được bảo vệ trên cơ sở quốc tế.

2.

Những gì mà tinh thần sáng tạo của con người trong những thế kỷ vừa qua ban tặng cho chúng ta, đã có thể tạo ra một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc, giá như sự phát triển về mặt tổ chức có bước tiến đồng thời với sự phát triển về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, những gì đã đạt được một cách khó nhọc đang nằm trong tay thế hệ chúng ta, lại giống như lưỡi dao cạo trong tay đứa trẻ lên ba. Sở hữu về tư liệu sản xuất kỳ diệu không mang lại hòa bình, mà chỉ mang đến những lo âu và đói khổ.

Tiến bộ kỹ thuật đã gây những tác động tồi tệ nhất ở nơi mà nó cung cấp các phương tiện để hủy diệt cuộc sống con người và để phá hủy các công trình của con người được tạo ra bằng lao động vất vả. Chúng tôi là những người cao tuổi đã từng nếm trải những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh thế giới. Tình trạng nô lệ đáng hổ thẹn, trong đó mỗi cá nhân phải chịu đựng từ cuộc chiến tranh, dường như đối với tôi còn khủng khiếp hơn cả hủy diệt. Chẳng đáng sợ sao, khi những hành động mà mỗi người coi là tội ác đáng ghê tởm, lại bị buộc phải tuân thủ cái chung? Chỉ có một số ít người là có được sự vĩ đại về đạo đức để phản kháng lại. Trong mắt tôi, họ là những vị anh hùng thực sự của cuộc chiến tranh thế giới.

Vẫn có một tia hy vọng. Tôi cảm tưởng rằng, ngày nay, những lãnh tụ có trách nhiệm của các dân tộc thực sự thành tâm mong muốn dẹp bỏ chiến tranh. Sự kháng cự chống lại quá trình phát triển tất yếu, vô điều kiện có cội rễ trong những truyền thống đầy bất hạnh của các dân tộc, những truyền thống được kéo theo bởi cơ chế giáo dục như một căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhân tố chủ yếu của các truyền thống này là việc đào tạo quân sự, là việc tôn vinh đào tạo quân sự và liên quan đến bộ phận truyền thông lệ thuộc vào công nghiệp nặng và quân đội. Nếu không giải trừ quân bị thì không thể có nền hòa bình bền vững. Ngược lại, việc duy trì các trang thiết bị quân sự ở quy mô hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến những thảm họa mới.

Do vậy, Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1932 là có tính quyết định đối với số phận của thế hệ hiện nay và thế hệ tiếp theo. Nếu người ta nghĩ đến các kết quả nghèo nàn của các hội nghị trước đây, thì người ta thấy rõ rằng, tất cả những người có trách nhiệm và khôn ngoan cần phải huy động mọi khả năng để luôn hướng dẫn công luận hiểu được tầm quan trọng to lớn của Hội nghị năm 1932. Chỉ khi các nguyên thủ quốc gia thể hiện được ý chí hòa bình của đa số những người có quyền quyết định trong nước mình, thì họ mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng của mình: Để tạo ra được công luận này, mỗi người phải cùng chịu trách nhiệm về mỗi lời nói và việc làm của mình.

Hội nghị có thể được coi là thất bại, nếu như những đại biểu đến tham dự với

những lời huấn thị đã được chuẩn bị sẵn, và bây giờ việc thực hiện chúng chỉ trở thành một công việc giữ thể diện. Điều này dường như đều được mọi người thừa nhận. Bởi vì các cuộc gặp gỡ song phương của các nguyên thủ quốc gia hai nước được thực hiện trong thời gian vừa qua thông qua các cuộc tọa đàm về vấn đề giải trừ quân bị, đã được sử dụng để chuẩn bị cơ sở cho Hội nghị. Con đường này đối với tôi dường như là một con đường có cơ may, bởi vì hai người hoặc hai bên vun đắp cho các khả năng đàm phán với nhau sao cho hợp lý nhất, chân thành nhất và bình tĩnh nhất. Khi không có người thứ ba nghe được, thì họ không phải quá thận trọng trong lời nói của mình. Chỉ khi Hội nghị được chuẩn bị một cách sáng tạo theo cách này, khi những điều bất ngờ được loại trừ và khi một bầu không khí tin cậy được tạo nên bởi thiện ý chân thành, thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một kết quả tốt đẹp. Thành công của sự nghiệp vĩ đại này lại không phụ thuộc vào sự thông minh hay thậm chí vào sự khôn ngoan, mà phụ thuộc vào sự chân thành và sự tin cậy. Yếu tố đạo đức không thể bị thay thế bởi lý trí. Tôi muốn nói rằng, đó là điều diễm phúc.

Chỉ chờ đợi hay phê phán đơn thuần là điều không thích hợp với người đương thời. Người đương thời phải phục vụ cho sự nghiệp này bằng hết khả năng của mình. Số phận của tất cả mọi người là cái mà họ xứng đáng được hưởng.