Thế giới của Sophie

Chương 32: Freud

…xung năng vị kỷ đáng ghét đã từng nổi lên trong cô…

Hilde Moller Knag ôm chiếc cặp giấy to sụ nhảy ra khỏi giường. Cô quẳng nó lên bàn đánh rầm, vơ đám quần áo, và lao vào phòng tắm. Cô đứng dưới vòi hoa sen trong hai phút, nhanh chóng mặc quần áo, rồi chạy xuống nhà.

“Bữa sáng đã sẵn sàng rồi, Hilde!”

“Con phải đi chèo thuyền một lúc đã.”

“Nhưng Hilde…!”

Cô ào ra khỏi nhà, chạy xuống vườn, ra cầu tàu. Cô tháo chiếc thuyền và nhảy lên. Cô vung những nhịp chèo ngắn nóng nảy đưa thuyền đi loanh quanh trong vịnh cho đến khi bình tĩnh lại.

“Ta là hành tinh sống, Sophie à. Ta là một con tàu lớn đi trong vũ trụ quanh mặt trời rực cháy. Nhưng mỗi chúng ta là một con tàu nhỏ chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời. Khi ta đưa hàng an toàn đến bến tiếp theo, ta đã sống không vô ích…”

Cô đã thuộc lòng đoạn đó. Nó đã được viết cho cô. Không phải cho Sophie mà là cho cô. Từng từ trong tập giấy đều là Bố đã viết cho Hilde.

Cô tựa mái chèo vào cọc và kéo về phía mình. Con thuyền lắc nhẹ trên mặt nước, những gợn sóng vỗ nhẹ nhàng vào mũi thuyền.

Và như một con thuyền trôi trên mặt vịnh ở Lillesand, cô cũng chỉ là một mảnh vỏ hạt nhỏ trôi trên bề mặt của sự sống.

Sophie và Alberto ở đâu trong bức tranh này? Đúng vậy, Sophie và Alberto ở đâu?

Cô không thể hình dung được rằng họ chỉ là những “xung điện từ” trong bộ não của bố cô, và chắc chắn không thể chấp nhận rằng họ chỉ là giấy và mực từ một giải ruy-băng trong cái máy chữ xách tay của bố. Người ta cũng có thể nói rằng chính cô cũng chẳng là gì ngoài một khối hợp chất protein mà một ngày nào đó đã bất ngờ sống dậy từ trong một cái hồ nhỏ nóng rực. Nhưng cô không chỉ là vậy. Cô là Hilde Moller Knag.

Cô phải công nhận rằng câu chuyện trong tập giấy là một món quà tuyệt vời, và bố đã chạm đến cốt lõi của cái gì đó trong cô. Nhưng cô không thích cách ông đối xử với Sophie và Alberto.

Nhất định cô sẽ cho ông một bài học, thậm chí từ trước khi ông về đến nhà. Cô cảm thấy đó là nghĩa vụ của cô đối với Sophie và Alberto. Sophie đã có thể hình dung cảnh bố cô tại sân bay Kastrup ở Copenhagen. Cô có thể thấy ông chạy quanh như điên.

Hilde đã gần như trở lại bình thường. Cô chèo thuyền về cầu tàu, cẩn thận buộc thuyền thật chặt. Sau bữa sáng, cô ngồi bên bàn cùng mẹ khá lâu. Thật dễ chịu khi có thể nói về những chuyện thường ngày như món trứng tráng có vẻ hơi mềm quá.

Đến tận tối cô mới bắt đầu đọc tiếp. Không còn nhiều trang nữa.

Lại có tiếng gõ cửa.

“Ta hãy bịt tai lại,” Alberto nói, “và có thể họ sẽ bỏ đi.”

“Không em muốn xem đó là ai.”

Alberto theo cô ra cửa.

Một người đàn ông trần truồng đang đứng trên bậc cửa. ông ta có dáng điệu rất trịnh trọng, nhưng cái duy nhất trên người ông là một cái vương miện trên đầu.

“Thế nào?” người đàn ông hỏi. “Các ngươi nghĩ như thế nào về bộ trang phục mới của Hoàng đế?”

Sophie và Alberto đứng chết lặng.

Điều đó làm cho người đàn ông kinh ngạc.

“Hả? Các ngươi còn không chịu cúi chào!” Ông kêu lên.

“Quả vậy.” Alberto nói. “Nhưng hoàng đế trần như nhộng.”

Người đàn ông trần truồng vẫn giữ dáng điệu trịnh trọng. Alberto cúi xuống thì thầm vào tai Sophie.

“Ông ta nghĩ ông ấy là người đáng kính trọng.”

Thấy vậy, người đàn ông tỏ vẻ cáu kỉnh:

“Một sự kiểm duyệt nào đó đang được thực thi tại dinh cơ này chăng?”

“Rất tiếc là như vậy.” Alberto trả lời. “Ở đây, chúng tôi đều có đầu óc tỉnh táo sáng suốt. Do vậy Hoàng đế không thể bước qua cái cửa này trong tình trạng đáng xấu hổ của ngài.”

Sophie thấy thái độ vênh váo của người đàn ông lố bịch đến mức cô phá lên cười. Như thể tiếng cười của cô là một dấu hiệu đã được tính trước. Người đàn ông đội vương miện bỗng nhận ra mình đang trần truồng. Lấy hai tay che chỗ kín, ông ta nhảy đến bụi cây gần nhất và biến mất, chắc để nhập bọn với Adam và Eve, ông già Noah, cô bé Đội Mũ Đỏ và Gấu Pooh.

Sophie và Alberto vẫn đứng cười.

Cuối cùng, Alberto nói, “Ta nên vào trong thì hơn. Tôi sẽ kể cho em về Freud và học thuyết của ông về vô thức.”

Hai người quay vào ngồi bên cửa sổ. Sophie nhìn đồng hồ và nói: “Đã hai rưỡi rồi, em còn rất nhiều việc phải làm trước buổi tiệc ngoài vườn.”

“Tôi cũng vậy. Chúng ta sẽ chỉ nói chút ít về Sigmund Freud.”

“Ông ấy có phải một nhà triết học không ạ?”

“Ít nhất thì ta cũng có thể coi ông là một nhà triết học văn hóa. Freud sinh năm 1856 và ông học ngành Y tại Đại học Tổng hợp Vienna. Ông sống phần lớn cuộc đời mình tại Vienna, khi đời sống văn hóa của thành phố đó đang thời hưng thịnh. Ông đã sớm lấy chuyên môn là khoa thần kinh. Trong thời kỳ từ cuối thế kỷ trước đến sau trong thế kỷ của chúng ta, ông đã phát triển ngành ‘tâm lý học sâu’ hay phân tâm học.”

“Thầy sẽ giải thích chứ ạ?”

“Ngành phân tâm học mô tả tâm thức con người nói chung và liệu pháp điều trị các rối loạn thần kinh và tâm thần. Tôi không định cho em một bức tranh hoàn chỉnh về con người Freud hay nghiên cứu của ông. Nhưng học thuyết của ông về vô thức là rất cần thiết cho việc hiểu một con người.”

“Thầy làm em tò mò quá! Thầy nói tiếp đi.”

“Freud khẳng định rằng có một mối căng thẳng không đổi giữa một con người và môi trường xung quanh. Cụ thể là một mối căng thẳng - hay sự xung đột - giữa xung năng và nhu cầu của anh ta với đòi hỏi của xã hội. Không phải quá lời khi nói rằng Freud đã phát hiện ra các xung năng của con người. Điều đó làm ông trở thành một người tiêu biểu quan trọng cho xu hướng tự nhiên chủ nghĩa - xu hướng nổi bật về cuối thế kỷ XIX.”

“Xung năng của con người là gì ạ?”

“Hành động của chúng ta không phải lúc nào cũng được lý tính chỉ huy. Con người không thực sự là một sinh vật lý tính như các nhà duy lý thế kỷ XVIII đã nghĩ. Những xung năng phi lý thường quyết định ta nghĩ gì, mơ gì và làm gì. Những xung năng phi lý dó có thể là thể hiện của các bản năng hay nhu cầu cơ bản. Ví dụ, xung năng tình dục của con người cũng cơ bản như bản năng bú của trẻ sơ sinh.”

“Vâng?”

“Bản thân điều này không phải một phát hiện mới. Nhưng Freud đã chỉ ra rằng những nhu cầu cơ bản này có thể bị ngụy trang hoặc bị ‘chế ngự’, và bằng cách đó lái hành động của chúng ta mà ta không biết. Ông còn cho rằng trẻ nhỏ cũng có một dạng tính dục nào đó. Tầng lớp trung lưu đáng kính ở Vienna đã phản ứng với đề xuất ‘tính dục của trẻ nhỏ’ với một sự ghê tởm và làm cho ông trở nên rất không được ngưỡng mộ.”

“Em không ngạc nhiên gì.”

“Ta gọi đó là chủ nghĩa Victoria khi tất cả những gì liên quan đến tính dục đều là điều cấm kỵ. Freud bắt đầu nhận ra bản năng giới tính của trẻ nhỏ khi ông điều trị bằng liệu pháp mà ta có thể gọi là sự khảo cổ tâm hồn.”

“Nghĩa là gì ạ?”

“Một nhà khảo cổ học tìm kiếm dấu vết của quá khứ xa xôi bằng cách đào các tầng văn hóa. Anh ta có thể tìm thấy một con dao từ thế kỷ XVIII. Sâu hơn dưới lòng đất, anh ta có thể tìm thấy một cái lược từ thế kỷ XIV, và sâu hơn nữa có thể là một cái bình từ thế kỷ XV trước Công nguyên.”

“Vâng?”

“Tương tự, với sự giúp đỡ của bệnh nhân, một nhà phân tâm học có thể đào sâu trong tâm thực người bệnh và đem ra ánh sáng những trải nghiệm đã gây ra rối loạn tâm lý cho bệnh nhân. Vì theo Freud, chúng ta lưu trữ ký ức về mọi trải nghiệm ở sâu trong chúng ta.”

“À ra vậy.”

“Nhà phân tâm học có thể sẽ tìm ra những kỷ niệm không vui mà người bệnh đã cố đè nén trong nhiều năm. Những cái tuy đã được chôn sâu nhưng lại gặm mòn người bệnh. Bằng cách đưa một ‘chấn thương tinh thần’ ra trước ý thức hay là giương nó lên trước mặt người bệnh, ông ta có thể giúp người bệnh ‘hết nợ với nó’ và khỏe trở lại.”

“Hợp lý ra phết.”

“Nhưng tôi đang nhảy hơi xa quá. Trước hết, ta hãy xem miêu tả của Freud về tâm thức con người. Em đã bao giờ thấy một em bé mới sinh chưa?”

“Em có một đứa em họ bốn tuổi.”

“Khi ta chào đời, ta sống với các nhu cầu thể xác và tinh thần một cách khá trực tiệp và không biết xấu hổ là gì. Nếu ta muốn bú sữa, ta khóc, và có thể ta khóc vì cái tã ướt. Ta cũng thể hiện trực tiếp mong muốn về sự tiếp xúc và hơi ấm cơ thể. Freud gọi ‘nguyên tác khoái lạc’ này trong ta là cái ấy, hay là xung động bản năng. Khi còn là trẻ con, ta hầu như chẳng là gì ngoài cái ấy.”

“Thầy nói tiếp đi ạ.”

“Ta mang theo xung động bản năng hay nguyên tắc khoái lạc đến tuổi trưởng thành và suốt cả cuộc đời. Nhưng dần dần, ta học cách điều hòa những mong muốn của ta và điều chỉnh cho thích hợp với môi trường xung quanh. Ta học cách điều chỉnh nguyên tắc khoái lạc trong mối quan hệ với ‘nguyên tắc thực tại’. Theo thuật ngữ của Freud, ta phát triển một cái tôi với chức năng điều chỉnh này. Cho dù ta muốn hoặc cần cái gì, ta không thể cứ nằm lăn ra ăn vạ cho đến khi ta được cái mình muốn.

“Rõ rồi.”

“Có thể ta khao khát một điều gì đó mà thế giới bên ngoài sẽ không chấp nhận. Ta có thể kìm nén những ham muốn của mình. Có nghĩa là ta cố gắng đẩy chúng ra xa và cố quên chúng.”

“Em hiểu.”

“Tuy nhiên, Freud đề xuất và nghiên cứu về một yếu tố thứ ba trong tâm thức con người. Từ khi sinh ra, chúng ta liên tục đối mặt với những yêu cầu về đạo đức của bố mẹ và xã hội. Khi ta làm điều gì sai, bố mẹ bảo: “Không được làm thế!” hoặc “Hư quá! Làm vậy là xấu!” Ngay cả khi đã lớn, ta vẫn giữ tiếng vọng của những yêu cầu và đánh giá về đạo đức đó. Có vẻ như sự kỳ vọng của xã hội về đạo đức đã trở thành một phần của bản thân ta. Freud gọi đây là cái siêu tôi.”

“Có phải đó là một cái tên khác của lương tâm không ạ?”

“Lương tâm là một thành phần của cái siêu tôi. Nhưng Freud khẳng định rằng cái siêu tôi cho ta biết khi nào những ham muốn của ta là ‘xấu’ hoặc ‘không thích hợp’, nhất là trong trường hợp các ham muốn về tình dục. Và như tôi đã nói, Freud khẳng định rằng những ham muốn ‘không thích hợp’ này đã tự thể hiện từ thời thơ ấu.”

“Như thế nào ạ?”

“Ngày nay, ta biết rằng trẻ em thích nghịch các cơ quan sinh dục của mình. Ta có thể quan sát điều này trên bất cứ bãi biển nào. Thời Freud, hành vi này có thể dẫn tới một cái tét vào tay đứa bé hai hoặc ba tuổi, có thể kèm theo câu mắng của người mẹ: ‘Hư!’ hay ‘Không được làm thế!’ hoặc ‘Để tay ra ngoài chăn!’”

“Bệnh hoạn thật!”

“Đó là khởi đầu của những cảm giác tội lỗi về tất cả những gì liên quan đến các cơ quan sinh dục và tính dục. Vì cảm giác tội lỗi này ở lại trong cái siêu tôi nên nhiều người - theo Freud là đa số người - suốt đời cảm thấy tội lỗi về tình dục. Cũng lúc đó, ông chỉ ra rằng các ham muốn và nhu cầu tình dục là tự nhiên và sống còn đối với con người. Và do đó, Sophie thân mến, vũ đài đã được dọn sẵn cho sự xung đột suốt đời giữa ham muốn và tội lỗi.”

“Thầy có cho rằng xung đột này đã giảm rất nhiều kể từ thời của Freud không ạ?”

“Chắc chắn là như vậy. Nhưng nhiều bệnh nhân của Freud đã phải trải qua những xung khắc sâu sắc đến mức họ phát triển cái mà Freud gọi là chúng rối loạn thần kinh chức năng. Ví dụ, một trong nhiều bệnh nhân nữ của ông đã thầm yêu người anh rể. Khi người chị ốm chết, cô nghĩ: ‘Bây giờ anh ấy đã được tự do để lấy mình’. Freud nói rằng ý nghĩ này xung đột trực diện với cái siêu tôi của cô và nó là một ý tưởng gớm ghiếc đến mức cô nén nó lại ngay lập tức. Nói cách khác, cô ta chôn nó sâu trong vô thức. Freud viết: ‘Cô gái ốm yếu và biểu hiện những triệu chứng kích động trầm trọng. Khi tôi bắt đầu điều trị cho cô, có vẻ như cô ấy đã hoàn toàn quên cảnh bên giường của người chị và quên xung năng vị kỷ đáng ghét đã từng nổi lên trong cô. Nhưng trong quá trình phân tích, cô ấy đã nhớ lại. Và trong một trạng thái xúc động mạnh, cô đã diễn tả lại khoảnh khắc gây bệnh và đã được chữa khỏi nhờ điều trị này.”

“Bây giờ thì em hiểu hơn về ý nghĩa của khảo cổ tâm hồn.”

“Vậy ta có thể miêu tả tổng quan về tâm lý con người. Sau nhiều năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân, Freud đi đến kết luận rằng ý thức chỉ chiếm một phần nhỏ của tâm thức con người. Ý thức giống như phần nổi trên mặt nước của tảng băng trôi. Dưới mặt biển - hay bên dưới giới hạn của ý thức - là ‘tiềm thức’ hay vô thức.”

“Không phải lúc nào mọi kỷ niệm cũng hiện diện trong ý thức của ta. Còn những gì ta đã nghĩ đến, đã trải nghiệm và ta có thể nhớ lại mỗi khi ta ‘cố nhớ’, Freud gọi là tiền ý thức. Ông dành riêng từ vô thức cho những gì ta đã đè nén. Đó là những gì ta cố quên vì nó ‘không vui’ hoặc ‘không đúng đắn’ hoặc ‘xấu xa’. Nếu ta có những ham muốn và khao khát mà ý thức không thể chấp nhận được, cái siêu tôi sẽ đẩy chúng xuống vực. Biến!”

“Em hiểu rồi.”

“Cơ chế này áp dụng cho tất cả mọi người khỏe mạnh. Nhưng đối với một số người, việc che giấu một vết nhơ trầm trọng khỏi ý thức có thể căng thẳng ghê gớm đến mức nó dẫn đến bệnh thần kinh. Bất cứ cái gì bị kìm nén theo kiểu này sẽ cố tìm cách tự quay lại ý thức. Một số người cần những nỗ lực rất lớn dễ giữ những xung năng này trong tầm kiểm soát của con mắt khó tính của ý thức. Năm 1909, khi Freud giảng bài ở Mỹ về phân tâm học, ông đã đưa ra một ví dụ về hoạt động của cơ chế kìm nén này.”

“Em rất muốn nghe.”

“Ông nói: ‘Giả sử tại hội trường này, giữa các vị thính giả mà tôi không thể khen ngợi đủ về sự yên lặng và tập trung chú ý mẫu mực, có một người gây rắc rối bằng cách cười nói thiếu ý thức hay lê dép quèn quẹt làm tôi mất tập trung vào nhiệm vụ của mình. Tôi sẽ giải thích rằng tôi không thể tiếp tục bài giảng của mình trong điều kiện như vậy. Do vậy, một số quý ông mạnh mẽ trong các vị đứng dậy và tống cổ kẻ phá rối trật tự ra khỏi hội trường sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi. Giờ thì anh ta đã bị kìm nén và tôi có thể tiếp tục bài giảng của mình. Nhưng để sự quấy rối không lặp lại, đề phòng trường hợp người đàn ông vừa bị quẳng ra ngoài dùng sức mạnh để vào trong lần nữa, các quý ông làm theo gợi ý của tôi và mang ghế ra cửa để ngồi trấn vị trí đó như là một cản trở để tiếp tục sự kìm nén. Bây giờ, nếu các vị chuyển đổi hai địa điểm sang tâm thần học, gọi phần bên trong hội trường là ý thức còn bên ngoài hội trường là vô thức, ta sẽ có một minh họa khá rõ về quá trình kìm nén.’”

“Vâng, đúng vậy.”

“Nhưng kẻ quấy rối cứ nhất định đòi vào. Ít nhất thì đó là chuyện xảy ra đối với các suy nghĩ và nhu cầu bị kìm nén. Ta sống dưới áp lực không ngừng của những suy nghĩ bị kìm nén đang cố đấu tranh tìm cách nổi lên từ trong vô thức. Điều đó giải thích tại sao ta thường nói hoặc làm những điều ta không chủ định. Như vậy các phản ứng vô thức xui khiến các cảm xúc và hành động của ta.”

“Thầy có thể ví dụ không ạ?”

“Freud đã nghiên cứu một số cơ chế. Ông gọi một trong số đó là parapraxis - sự buột miệng hoặc lỡ bút. Nói cách khác, ta vô tình nói hoặc làm những điều mà ta đã từng cố kìm nén. Freud lấy ví dụ về một anh thợ cả, anh ta phải nâng cốc chúc mừng ông chủ. Rắc rối là ở chỗ mọi người rất không ưa ông chủ này. Nói đơn giản, người ta có thể gọi ông ta là đồ con lợn.”

“Rồi sao nữa ạ?”

“Anh thợ cả đứng dậy, nâng cốc và nói: ‘Chúc mừng đồ con lợn!’”

“Em thật không biết nói thế nào bây giờ!”

“Anh thợ cả cũng vậy. Thực ra anh ta chỉ nói những gì anh ta nghĩ. Nhưng anh ta không định nói như vậy. Em có muốn nghe một ví dụ khác không?”

“Có ạ.”

“Một vị giám mục đến uống trà với một mục sự địa phương, ông này có một gia đình lớn với chín cô con gái ngoan. Vị giám mục chẳng may có một cái mũi quá khổ. Các cô bé đã được dặn dò rất cẩn thận rằng không được đả động đến cái mũi của vị giám mục vì bất cứ lý do gì, vì trẻ con thường bật ra những nhận xét về người khác do cơ chế kìm nén của chúng chưa phát triển đầy đủ. Vị giám mục đến, và các cô bé vui tính kiềm chế hết mức để không bình luận gì về cái mũi của ông ta. Các cô thậm chí cố không nhìn nó và cố quên nó. Nhưng các cô lại luôn luôn nghĩ về nó. Và rồi một cô bé được đề nghị chuyển lọ đường. Cô nhìn vị giám mục thượng khách và nói, ‘Cha dùng đường bằng mũi chứ ạ?’”

“Tệ thật!”

“Một điều khác chúng ta có thể làm đó là hợp lý hóa. Nghĩa là, ta không đưa ra lý do thực sự của những việc ta làm, ta giấu người khác và giấu ngay cả chính mình, vì các lý do thực sự đó không chấp nhận được.”

“Thí dụ?”

“Tôi có thể thôi miên để em mở cửa sổ. Trong khi em đang bị thôi miên, tôi nói rằng khi nào tôi bắt đầu gõ gõ ngón tay lên bàn thì em sẽ đứng dậy và ra mở cửa sổ. Tôi gõ gõ ngón tay lên bàn và em ra mở cửa sổ. Sau đó, tôi hỏi em tại sao mở cửa sổ, và có thể em sẽ nói rằng em làm vậy vì nóng quá. Nhưng đó không phải lý do thực sự. Em không sẵn lòng tự thừa nhận rằng mình đã làm gì đó theo mệnh lệnh thôi miên của tôi. Cho nên, em hợp lý hóa nó.”

“Vâng.”

“Hầu như ngày nào chúng ta cũng gặp những chuyện tương tự.”

“Em có một đứa em họ bốn tuổi. Hình như thằng bé không có nhiều bạn cùng chơi, nên nó rất vui mỗi khi em đến thăm. Một hôm, em bảo rằng em phải vội về nhà với mẹ. Thầy có biết thằng bé nói gì không?”

“Bé nói gì?”

“Nó nói: ‘Mẹ chị ngớ ngẩn lắm!’”

“Đó chắc chắn là một tình huống hợp lý hóa. Cậu bé không có ý như vậy. Cậu có ý: thật ngớ ngẩn khi em phải về, nhưng cậu bé nhát quá nên không dám nói vậy. Một điều nữa mà chúng ta hay làm, đó là sự phóng chiếu.”

“Thế là thế nào ạ?”

“Khi ta phóng chiếu, ta chuyển những tính cách của chính mình mà ta đang cố kìm nén sang cho người khác. Chẳng hạn, một kẻ keo kiệt sẽ thấy đặc trưng của người khác là sự bủn xỉn. Còn người nào không thừa nhận mình lúc nào cũng nghĩ đến tình dục có thể là người đầu tiên nổi giận trước tình trạng ám ảnh tình dục của người khác.”

“Hừm.”

“Freud cho rằng cuộc sống hàng ngày của chúng ta đầy những cơ chế vô thức như vậy. Ta quên tên một người nào đó, ta lóng ngóng xoắn áo khi đang nói hay ta dời chỗ những đồ vật có vẻ như ngẫu nhiên trong phòng. Ta còn nói lộn, buột mồm hay lỡ bút một cách có vẻ như hoàn toàn ngây thơ vô tội. Quan điểm của Freud là những chuyện chẳng may này không ngẫu nhiên hay ngây thơ vô tội như ta tưởng. Thực ra, những hành động lộn xộn này có thể để lộ những điều bí mật sâu kín nhất.”

“Từ giờ, em sẽ để ý cẩn thận từng lời em nói.”

“Ngay cả nếu em làm như thế, em cũng không thể thoát khỏi những xung năng vô thức của mình được. Nghệ thuật chính là ở chỗ không tiêu tốn quá nhiều công sức để che giấu những điều không hay trong vô thức. Nó giống như cố gắng lấp lối vào hang chuột chũi. Em có thể chắc chắn rằng con chuột sẽ chui ra từ một chỗ khác trong khu vườn. Thực ra, mở hé cánh cửa giữa ý thức và vô thức có lợi cho sức khỏe.”

“Nếu khóa cánh cửa đó, ta có thể bị thần kinh, đúng không ạ?”

“Đúng vậy. Người bị rối loạn thần kinh chức năng chính là một người như vậy, họ dùng quá nhiều năng lượng để đẩy ‘những điều không hay’ ra khỏi ý thức. Thường thì có một trải nghiệm nào đó mà người ta cố gắng một cách tuyệt vọng để kìm nén. Tuy nhiên, anh ta có thể mong muốn được bác sĩ giúp mình tìm đường quay lại với sự kiện đau buồn đang giấu mặt.”

“Freud cho rằng ta phải phân biệt giữa giấc mơ thực mà ta nhớ lại mỗi buổi sang và ý nghĩa thực sự của giấc mơ đó. Ông gọi những hình ảnh của giấc mơ thực, nghĩa là cuốn phim hay video mà ta mơ, là giấc mơ nội dung. Nội dung rõ ràng này của giấc mơ luôn lấy chất liệu và kịch bản từ những sự kiện xảy ra ngày hôm trước. Nhưng giấc mơ còn chứa một ý nghĩa sâu hơn được che giấu khỏi ý thức. Freud gọi đây là các ý tưởng tiềm tàng của giấc mơ, và những ý tưởng giấu mặt này, hay nói cách khác là chủ đề thực sự của giấc mơ, có thể bắt nguồn từ quá khứ xa xôi, chẳng hạn từ thời còn nhỏ xíu.”

“Vậy là ta phải phân tích giấc mơ trước khi ta có thể hiểu được nó ạ?”

“Đúng, và đối với bệnh thần kinh, việc này phải được thực hiện với một nhà trị liệu. Nhưng không phải bác sĩ là người giải thích giấc mơ. Ông ta chỉ có thể làm được với sự giúp đỡ của bệnh nhân. Trong trường hợp này, bác sĩ chỉ thực hiện chức năng của một ‘bà đỡ’ Socrates: giúp đỡ trong quá trình giải thích.”

“À.”

“Freud gọi quá trình chuyển đổi từ những ý tưởng tiềm tàng thành giấc mơ nội dung là công việc mơ. Ta có thể gọi đó là sự ‘trá hình’ hoặc ‘mã hóa’ nội dung thực sự của giấc mơ. Khi giải nghĩa giấc mơ, ta phải đi qua quá trình ngược lại và gỡ bỏ mặt nạ hay giải mã để đến được chủ đề thực của nó.”

“Thầy lấy ví dụ đi ạ.”

“Sách của Freud đầy ví dụ. Nhưng ta có thể tự xây dựng một ví dụ đơn giản mà rất Freud. Giả sử có một anh thanh niên mơ thấy cô em họ tặng mình hai quả bóng…”

“Rồi sao nữa ạ?”

“Em thử tự giải nghĩa giấc mơ đó xem nào.”

“Hừm, có một giấc mơ nội dung, như thầy nói: có một anh thanh niên mơ thấy cô em họ tặng mình hai quả bóng bay.”

“Tiếp đi.”

“Thầy nói rằng kịch bản luôn bắt nguồn từ ngày hôm trước. Vậy là ngày hôm trước anh ta đã đến hội chợ - hoặc đã nhìn thấy hình bóng bay trên báo.”

“Có thể. Nhưng anh ta chỉ cần nhìn thấy từ ‘bóng bay’ hoặc cái gì đó gợi cho anh ta nghĩ đến bóng bay.”

“Nhưng các ý tưởng tiềm tàng là gì?”

“Em là người giải nghĩa.”

“Có khi anh ta chỉ muốn có một cặp bóng bay.”

“Không ổn đâu. Em đúng ở điểm giấc mơ là sự hiện thực hóa một ước muốn. Nhưng một thanh niên khó có thể thực sự muốn có một cặp bóng bay. Còn nếu anh ta muốn thật, thì anh ta cũng chẳng cần phải mơ về chuyện đó.”

“Em nghĩ ra rồi: thực ra anh ta muốn có cô em họ, và cặp bóng bay là bộ ngực của cô ấy.”

“Được đấy, cách giải thích đó có khả năng đúng cao hơn nhiều. Và nó ám chỉ rằng anh ta cảm thấy ngượng về ước muốn của mình.”

“Trong chừng mực nào đó, các giấc mơ của chúng ta đi lòng vòng khá nhiều.”

“Đúng vậy. Freud tin rằng giấc mơ là ‘sự thỏa mãn trá hình của một ước muốn bị kìm nén’. Nhưng từ thời Freud là một bác sĩ ở thành Vienna đến nay, danh mục những gì chúng ta kìm nén có thể đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế của nội dung mơ trá hình có thể vẫn nguyên như trước.”

“Vâng, em hiểu.”

“Phân tâm học của Freud có ý nghĩa cực kỳ quan trọng những năm 1920, đặc biệt trong việc điều trị một số bệnh nhân tâm thần. Học thuyết vô thức của ông còn có ý nghĩa rất lớn đối với văn học và nghệ thuật.”

“Các nghệ sĩ trở nên quan tâm đến cuộc sống tinh thần trong vô thức của con người ạ?”

“Chính xác. Tuy điều này đã trở thành một khía cạnh nổi bật của văn học từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX, nghĩa là trước khi phân tâm học của Freud được biết đến. Điều đó cho thấy sự xuất hiện của phân tâm học của Freud vào thời điểm cụ thể đó - những năm 1890 - không phải là tình cờ.”

“Ý thầy muốn nói đó là tinh thần của thời đại?”

“Chính Freud đã không tự nhận mình là người tìm ra những hiện tượng như sự kìm nén, các cơ chế phòng vệ hay sự hợp lý hóa. Ông chỉ là người đầu tiên áp dụng các kinh nghiệm này của con người vào ngành tâm thần học. Ông còn là bậc thầy trong việc minh họa các lý thuyết của mình bằng các ví dụ có tính văn học. Nhưng như tôi đã nói, những năm 1920, phân tâm học của Freud có ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với văn học và nghệ thuật.”

“Ảnh hưởng theo nghĩa nào ạ?”

“Các nhà thơ và họa sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trường phải siêu thực đã khai thác năng lực vô thức trong các tác phẩm của mình.”

“Trường phái siêu thực là gì ạ?”

“Từ chủ nghĩa siêu thực (surrealism) bắt nguồn từ Pháp. Năm 1924, André Breton xuất bản một ‘Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực’. Trong đó, ông cho rằng nghệ thuật phải xuất phát từ vô thức. Do đó, người nghệ sĩ nên tìm kiếm những nguồn cảm hứng tự do nhất có thể được từ những hình ảnh mình mơ thấy và hướng về cái ‘siêu thực’, trong đó những ranh giới giữa mơ và thực bị hòa tan. Đối với người nghệ sĩ, sự kiểm duyệt của ý thức cũng cần bị phá vỡ để cho ngôn từ và hình ảnh được tự do bay bổng.”

“Vâng, em có thể hiểu được điều đó.”

“Theo một nghĩa nào đó, Freud đã cho thấy có một nghệ sĩ bên trong mỗi người. Xét cho cùng thì mỗi giấc mơ là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ, và đêm nào cũng có những giấc mơ mới. Để giải nghĩa được các giấc mơ của bệnh nhân, Freud phải tìm đường đi giữa một ngôn ngữ đậm đặc ký hiệu, không như cách ta giải thích một bức tranh hay một đoạn văn.”

“Đêm nào ta cũng mơ ạ?”

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy thời gian mơ chiếm khoảng 20% thời gian giấc ngủ của ta, nghĩa là khoảng từ một đến hai tiếng mỗi đêm. Nếu bị quấy rối khi ta đang mơ, ta sẽ trở nên căng thẳng và dễ cáu. Điều đó có nghĩa rằng mỗi chúng ta bẩm sinh đều có một nhu cầu diễn đạt sự hiện tồn của mình bằng nghệ thuật. Dù sao thì các giấc mơ của ta cũng về chính ta. Chúng ta là đạo diễn, ta dựng kịch bản, và đóng tất cả các vai. Người nào nói rằng mình không hiểu nghệ thuật, người đó không hiểu bản thân cho lắm.”

“Vâng.”

“Freud còn đưa ra những bằng chứng rất ấn tượng về những điều kỳ diệu của tâm thức con người. Quá trình làm việc với bệnh nhân đã thuyết phục ông rằng ta giữ lại tất cả những gì ta từng nhìn thấy và trải nghiệm ở đâu đó sâu trong ý thức, và tất cả những ấn tượng này có thể được đưa ra ánh sáng trở lại. Khi ta bị quên mất điều gì, rồi lát sau mang máng nhớ ra, rồi lát sau nữa chợt nhớ ra, ta đang nói về một điều từ trong vô thức bất chợt trượt qua cánh cửa hé mở để sang ý thức.”

“Nhưng đôi khi nó cần khá nhiều thời gian.”

“Nghệ sĩ nào cũng hiểu điều đó. Nhưng rồi bỗng chốc như thể mọi cánh cửa đều bật mở. Mọi thứ tự nó lộn xộn ùa đến, và ta có thể tìm thấy mọi từ ngữ và hình ảnh ta cần. Đó là khi ta đã ‘mở nắp’ đậy vô thức. Ta có thể gọi đó là cảm hứng, Sophie ạ. Cảm giác như thể những gì ta đang viết hoặc vẽ đang đến từ một nguồn nào đó bên ngoài.”

“Chắc đó phải là một cảm giác tuyệt vời.”

“Em chắc đã trải qua cảm giác đó rồi. Em có thể thường xuyên quan sát được hiệu quả của cảm hứng đối với trẻ em khi chúng quá mệt. Đôi khi chúng kiệt sức đến mức chúng có vẻ tỉnh như sáo. Rồi bỗng dưng chúng bắt đầu kể một câu chuyện như thể đang tìm thấy những từ ngữ chưa bao giờ học. Tuy nhiên, chúng đã học rồi; chẳng qua những từ ngữ và ý tưởng này đã nằm ẩn sâu trong ý thức. Và bây giờ, khi mọi sự kiểm duyệt và cẩn trọng đã bị thả rơi, chúng nổi lên bề mặt. Có một điều cũng rất quan trọng đối với người nghệ sĩ, đó là không được để lý tính và sự phân tích điều khiển một sự biểu đạt mà nó ít nhiều thuộc về vô thức. Em có muốn nghe một câu chuyện nhỏ để minh họa không?”

“Có ạ.”

“Đây là một câu chuyện nghiêm túc và là một câu chuyện buồn.”

“Cũng được ạ.”

“Ngày xưa, có một con rết có tài nhảy siêu hạng với hàng trăm cái chân của nó. Mỗi khi con rết nhảy, mọi loài trong rừng tự tập để chiêm ngưỡng và con nào cũng thán phục điệu nhảy tuyệt vời. Nhưng có một con vật không thích xem điệu nhảy của rết, đó là một con rùa.”

“Chắc đó chỉ là ghen tị.”

“Ta phải làm thế nào để rết không nhảy nữa? Con rùa nghĩ. Nó không thể chỉ nói rằng nó không thích điệu nhảy. Nó cũng không thể nói rằng nó nhảy giỏi hơn, điều đó hiển nhiên là sai. Thế là nó nghĩ ra một kế hoạch ma mãnh.”

“Như thế nào ạ?”

“Nó viết thư bức thư cho rết. ‘Hỡi cô Rết có một không hai,’ con rùa viết, ‘tôi là một kẻ cực kỳ hâm mộ điệu nhảy tuyệt vời của cô. Tôi rất muốn biết cô nhảy như thế nào. Có phải cô nhấc chân trái thứ 28 lên, rồi đến chân phải thứ 39 không ạ? Hay cô nhấc chân phải thứ 17 lên trước khi nhấc chân trái số 44? Tôi nín thở mong chờ phúc đáp của cô. Kính thư, Rùa.’”

“Đểu thật!”

“Khi con rết đọc thư, nó lập tức bắt đầu nghĩ xem thực ra mình nhảy như thế nào, chân nào nhấc lên trước, tiếp theo là chân nào… Theo em thì câu chuyện kết thúc như thế nào?”

“Con rết không bao giờ nhảy nữa ạ?”

“Chính xác là như vậy. Và đó cũng là chuyện xảy ra khi trí tưởng tượng bị chẹt cổ bởi một sự cân nhắc bằng lý tính.”

“Đó là một câu chuyện buồn.”

“Điều quan trọng đối với một người nghệ sĩ là khả năng ‘thả lỏng’. Những người theo chủ nghĩa siêu thực đã cố gắng tận dụng điều này bằng cách tự đưa mình vào trạng thái khi mọi thứ đều tự dưng xảy ra. Họ đặt một tờ giấy trắng trước mặt rồi bắt đầu viết mà không nghĩ về những gì mình đang viết. Họ gọi đó là sáng tác tự động. Cụm từ đó bắt nguồn từ thuyết duy linh, trong đó, một bà đồng tin rằng linh hồn một người quá cố dẫn đường cho cây bút. Nhưng ngày mai ta sẽ nói nhiều hơn về chủ đề này.”

“Vâng, em cũng muốn nghe.”

“Theo một nghĩa nào đó, người nghệ sĩ siêu thực chính là một thầy đồng, hay là một trung gian liên kết. Anh ta là một thầy đồng của vô thức của chính mình. Nhưng có lẽ có một yếu tố vô thức trong mỗi quá trình sáng tạo, thực ra chúng ta dùng từ tính sáng tạo để chỉ cái gì?”

“Em chịu. Chẳng phải đó là khi người ta tạo ra cái gì đó sao?”

“Đúng đấy. Và điều đó xảy ra trong sự tương tác tinh tế giữa trí tưởng tượng và lý tính. Nhưng thường thì lý tính bóp nghẹt trí tưởng tượng, và điều đó rất nghiêm trọng. Vì nếu không có trí tưởng tượng, người ta chẳng bao giờ có thể tạo ra cái gì thực sự mới. Tôi tin rằng sự tưởng tượng cũng giống như hệ thống Darwin.”

“Đó là cái gì ạ? Em không hiểu.”

“À, thuyết Darwin khẳng định rằng những sự đột biến của thiên nhiên nối tiếp nhau xuất hiện, nhưng chỉ có một số được sử dụng. Và chỉ vài trong số chúng được quyền sống sót.”

“Thế thì sao ạ?”

“Đó là chuyện xảy ra khi ta có hứng và nảy ra một loạt các ý tưởng mới. Các biến dị tư tưởng nối đuôi nhau xuất hiện trong ý thức nếu ta không kiểm duyệt bản thân quá mức. Nhưng chỉ có một vài trong số các ý tưởng này được sử dụng. Ở đây, vai trò của lý tính xuất hiện, cả lý tính cũng có chức năng quan trọng. Khi mẻ cá đánh được đang bầy trước mặt, ta không được quên việc chọn lựa.”

“Sophie so sánh không tồi.”

“Thử hình dung nếu mọi ý nghĩ nảy sinh đều được phép phát ra thành tiếng từ miệng ta. Không cần tính đến chuyện nhảy ra khỏi sổ tay và ra khỏi ngăn kéo bàn làm việc. Khi đó, thế giới sẽ chìm nghỉm dưới sức nặng của những xung năng tùy tiện và không có một sự chọn lựa nào được thực hiện.”

“Vậy là lý tính thực hiện công việc chọn lựa các ý tưởng?”

“Đúng vậy, em không cho là thế sao? Có thể trí tưởng tượng tạo ra những gì mới mẻ, nhưng trí tưởng tượng không chọn lựa. Trí tưởng tượng không ‘tác tạo’. Một tác tạo - mỗi tác phẩm nghệ thuật đều là một ‘tác tạo’ - được sinh ra trong sự tương tác kỳ diệu giữa trí tưởng tượng và lý tính, hay giữa tâm thức và suy tư. Do đó sẽ luôn có một yếu tố may rủi trong quá trình sáng tạo. Người ta cần phải thả cừu chạy rông trước khi có thể bắt đầu lùa chúng thành đàn.”

Alberto ngồi lặng yên, đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Sophie chợt thấy một đám nhân vật hoạt hình Disney đầy màu sắc sặc sỡ xuất hiện bên bờ hồ.

“Goofy kìa!” Sophie kêu lên, “cả chú cháu vịt Donald nữa. Thầy nhìn kìa! Chuột Mickey và…”

Alberto quay về phía cô. “Ừ, thật buồn, bé ạ.”

“Sao cơ ạ?”

“Chúng ta đang bị biến thành những nạn nhân bất lực của đàn cừu của ông thiếu ta. Nhưng đó là lỗi của tôi, tất nhiên. Tại tôi bắt đầu nói về sự liên hệ tự do của các ý tưởng.”

“Chắc chắn không phải tại thầy…”

“Tôi đang định nói về tầm quan trọng của trí tưởng tượng đối với các nhà triết học. Để nghĩ ra được những tư tưởng mới, chúng ta phải đủ táo bạo để bản thân được tự do. Nhưng bây giờ thì ông ta đã đi hơi quá xa.”

“Kệ ông ấy.”

“Tôi đang định nói đến tầm quan trọng của phân tích thì ta được tặng thưởng sự đần độn thảm hại này đây. Ông ta phải tự lấy làm xấu hổ mới phải.”

“Thầy đang châm biếm đấy ạ?”

“Chính ông ta là người đang châm biếm chứ không phải tôi. Nhưng tôi có một niềm an ủi - và đó chính là viên đá đặt nền móng cho toàn bộ kế hoạch của tôi.”

“Giờ thì em chẳng hiểu gì cả.”

“Ta đã nói về những giấc mơ. Về điều đó cũng có một chút châm biếm. Chẳng phải chúng ta chẳng qua chỉ là những hình ảnh trong mơ của ông thiếu ta sao?”

“À!”

“Nhưng vẫn còn một điều ông ta chưa tính đến.”

“Điều gì vậy?”

“Có thể ông ta biết về giấc mơ của mình. Ông ta biết mọi thứ chúng ta nói và làm - cũng như những người nằm mơ nhớ những khía cạnh thể hiện của giấc mơ. Ông ta chính là người thao túng nó bằng cây bút của mình. Nhưng ngay cả nếu ông nhớ mọi điều chúng ta nói và làm, thì ông ta vẫn không tỉnh táo lắm.”

“Thầy nói thế nghĩa là sao ạ?”

“Ông ta không biết những ý tưởng tiềm tàng, Sophie à. Ông ta quên rằng đây cũng là một giấc mơ trá hình.”

“Thầy nói lạ quá!”

“Ông thiếu tá cũng nghĩ như vậy. Đó là vì ông không hiểu ngôn ngữ mơ của chính mình. Chúng ta nên cảm ơn điều đó. Nó cho ta một chút xíu đất để xoay sở, em thấy đấy. Với chút xíu đó, ta sẽ chóng tìm được đường ra khỏi cái ý thức lầy lội này như những con chuột nước nhảy ra giỡn nắng trong một ngày hè.”

“Thầy có cho là mình sẽ thành công không ạ?”

“Chúng ta phải làm được. Trong vòng vài ngày tới, tôi sẽ cho em một đường chân trời mới. Khi đó ông thiếu tá sẽ không thể biết được những con chuột nước đang ở đâu hay chúng sẽ chui ra từ chỗ nào.”

“Nhưng kể cả nếu chúng ta chỉ là những hình ảnh trong mơ thì em vẫn là con gái của mẹ em. Và đã năm giờ rồi. Em phải về nhà ở khúc ngoặt Thuyền trưởng và chuẩn bị cho bữa tiệc đây.”

“Hừm… em có thể giúp tôi một việc nhỏ trên đường về không?

“Việc gì ạ?”

“Hãy cố thu hút thêm sự chú ý. Cố làm ông thiếu tá để mắt đến em trên suốt dọc đường về. Cố gắng nghĩ về ông ta khi em về đến nhà - và ông ta cũng sẽ nghĩ về em.”

“Để làm gì ạ?”

“Để tôi có thể yên ổn tiếp tục với công việc xây dựng kế hoạch bí mật. Tôi sẽ lặn sâu trong vô thức của ông thiếu tá. Tôi sẽ ở đó cho đến khi ta gặp lại.”