... một con tàu chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời...
Sáng Chủ nhật, Hilde bị đánh thức bởi một tiếng huỵch lớn. Đó là tiếng chiếc cặp giấy rơi xuống sàn. Đêm trước, cô đã nằm trên giường đọc về cuộc trò chuyện của Sophie và Alberto về Marx rồi ngủ thiếp đi. Cây đèn đọc sách bên giường vẫn sáng cả đêm. Những con số màu xanh trên đồng hồ báo thức trên bàn báo 8:59.
Cô đã mơ về những nhà máy lớn và những thành phố bị ô nhiễm; một cô bé ngồi bán diêm ở một góc phố, những người mặc áo choàng dài sang trọng đi qua mà không thèm liếc nhìn.
Khi ngồi dậy, cô nhớ đến những nhà máy lập pháp - những người sẽ thức dậy trong một xã hội mà chính họ đã tạo nên. Dù sao thì Hilde cũng mừng là cô đã thức dậy tại Bjerkely.
Liệu cô có dám thức dậy ở Na Uy nếu cô không biết mình sẽ thức dậy ở vùng nào hay không?
Nhưng đó không chỉ là câu hỏi cô sẽ thức dậy ở đâu. Biết đâu, cô lại tình cờ tỉnh dậy tại một thời kỳ khác? Thời Trung Cổ chẳng hạn, hay thời kỳ Đồ Đá hoặc hai mươi nghìn năm trước? Hilde thử hình dung mình đang ngồi ở lối vào một cái hang, có lẽ là đang cạo da thú.
Trước khi có chút gì gọi là văn hoá, một cô bé mười lăm tuổi như thế nào nhỉ? Cô có thể đã nghĩ như thế nào? Mà liệu cô có tí chút suy tư gì không đã?
Hilde mặc một chiếc áo len, khuân cái cặp giấy lên giường, rồi bắt đầu đọc chương tiếp theo.
Alberto vừa nói “Chương tiếp theo!” thì có ai đó gõ cửa.
“Ta không còn cách nào khác phải không ạ?” Sohpie nói.
“Tôi cũng nghĩ vậy.” Alberto trả lời.
Ngoài cửa là một cụ già râu tóc dài trắng muốt. Cụ già một tay chống gậy, tay kia mang một bức tranh có hình một con thuyền. Trên thuyền là đủ loại động vật. “Quý ông cao tuổi đây là ai ạ?” Alberto hỏi.
“Ta là Noah”
“Tôi cũng đoán vậy.”
“Tổ tiên xa xôi nhất của con đấy, con trai ạ. Nhưng có lẽ bây giờ hết mốt nhận tổ tiên rồi.”
“Cụ đang cầm cái gì đấy ạ?” Sophie hỏi.
“Đây là bức tranh vẽ tất cả muông thú đã được cứu thoát khỏi trận Đại Hồng Thuỷ. Tặng cho con, con gái ạ.”
Sophie đỡ lấy bức tranh.
“Được rồi, ta phải về nhà chăm sóc vườn nho đây,” cụ già nói. Đoạn cụ nhảy lên, gõ hai gót giầy vào nhau trên không, rồi vui vẻ vừa đi vừa nhảy vào trong rừng với dáng điệu đặc biệt mà thỉnh thoảng ta thấy ở các cụ ông.
Sophie và Alberto vào trong và ngồi lại vào bàn. Sophie bắt đầu ngắm nghía bức tranh. Nhưng trước khi cô kịp xem kỹ, Alberto giật lấy bức tranh với vẻ oai vệ.
“Ta sẽ tập trung vào những đường nét chính trước đã.”
“Vâng, thế cũng được.”
“Tôi quên nói với em rằng Marx đã sống 34 năm cuối đời mình tại London. Ông chuyển đến đó năm 1849 và qua đời năm 1883. Trong suốt thời gian đó, Charles Darwin sống ngay ở ngoại ô London. Ông mất năm 1882 và được chôn cất với những nghi thức long trọng tại điện Westminster như là một trong những người con ưu tú của nước Anh. Như vậy, con đường của Marx và Darwin gặp nhau, nhưng không chỉ trong không gian và thời gian. Marx đã muốn đề tặng Darwin bản tiếng Anh của tác phẩm vĩ đại nhất của mình, Tư bản. Nhưng Darwin đã từ chối vinh dự đó. Khi Marx qua đời một năm sau. Darwin, Friedrich Engels, bạn ông, đã nói: khi Darwin tìm ra thuyết tiến hoá của cơ thể sống, thì Marx tìm ra thuyết tiến hoá của lịch sử loài người.”
“Ra thế.”
“Một nhà tư tưởng lớn khác cũng đã liên hệ công việc của mình với Darwin, đó là nhà tâm lý học Sigmund Freud. Ông cũng đã sống những năm cuối đời ở London. Ông đã nói rằng cả thuyết tiến hoá của Darwin và ngành phân tâm học của ông đều gây nên một sự sỉ nhục đối với chủ nghĩa vị kỷ ngây thơ của loài người.”
“Một lúc mà nhiều tên tuổi quá. Chúng ta đang nói về Marx, Darwin, hay Freud đây ạ?”
“Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể nói về một xu hướng tự nhiên chủ nghĩa bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX và kéo sang khá sâu vào trong thế kỷ của chúng ta. “Tự nhiên chủ nghĩa” là một ý thức về thực tại mà không chấp nhận thực tại nào khác ngoài thiên nhiên và thế giới cảm giác. Do đó, một nhà tự nhiên chủ nghĩa cũng coi loài người là một phần của thiên nhiên. Một nhà khoa học tự nhiên sẽ chỉ dựa vào các hiện tượng tự nhiên chứ không dựa vào các giả thuyết duy lý hay bất cứ hình thức mặc khải thần thánh nào.”
“Và điều đó áp dụng cho Marx, Darwin và Freud?”
“Hoàn toàn đúng. Những từ ngữ quan trọng của thời kỳ giữa thế kỷ trước là: thiên nhiên, môi trường, lịch sử, tiến hoá và phát triển. Marx đã chỉ ra rằng ý thức hệ của con người là một sản phẩm của cơ sở hạ tầng của xã hội. Darwin đã chứng minh rằng loài người là kết quả của một quá trình tiến hoá sinh học chậm chạp, còn những nghiên cứu của Freud về vô thức cho thấy rằng hành động của con người thường là kết quả của những nhu cầu hay bản năng 'động vật'.”
“Em nghĩ là em đã hiểu ít nhiều về cái mà thầy gọi là chủ nghĩa tự nhiên, nhưng ta đang nói về từng người một có hơn không ạ?”
“Chúng ta sẽ nói về Darwin, Sophie. Có thể em còn nhớ rằng các nhà triết học tiền-Socrates đã tìm hiểu những lời giải thích tự nhiên cho các quá trình của thiên nhiên. Như thế, họ đã phải tách mình ra khỏi những lời giải thích thần bí cổ xưa. Darwin cũng đã phải tách mình ra khỏi quan niệm của nhà thờ về sự tạo thành con người và thú vật.”
“Nhưng ông ấy có phải một nhà triết học không ạ?”
“Darwin là một nhà sinh học và nhà khoa học tự nhiên. Và ông còn là nhà khoa học của thời đại cận đại, người đã công khai thách thức quan niệm của Kinh thánh về vị trí của con người trong Tạo hoá.”
“Vậy thì thầy sẽ phải nói về thuyết tiến hoá của Darwin.”
“Ta hãy bắt đầu bằng con người Darwin, ông sinh năm 1809 tại thành phố nhỏ Shrewsbury. Cha ông, bác sĩ Robert Darwin, là một thầy thuốc địa phương nổi tiếng và là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con trai. Khi Charles học tại trường trung học địa phương, hiệu trưởng trường ông miêu tả ông là một cậu bé suốt ngày chạy rông, nghịch ngợm những thứ vớ vẩn, và chẳng bao giờ chịu làm việc gì có ích mặc dù chỉ một chút xíu. Đối với ông hiệu trưởng, những việc 'có ích' nghĩa là nhồi nhét những từ tiếng Hy Lạp và Latin. Còn "chạy rông" là một trong những từ ông dùng để nói về việc Charles leo trèo khắp nơi thu thập đủ loại bọ cánh cứng."
"Em cược là ông ta sẽ hối hận về việc này."
"Rồi khi phải học môn thần học, Charles lại quan tâm đến việc quan sát chim chóc và thu thập côn trùng hơn nhiều, nên ông không được điểm tốt về môn thần học. Nhưng khi vẫn còn trong trường đại học, ông đã nổi tiếng với vai trò một nhà tự nhiên học, phần nhiều là do mối quan tâm của ông đến môn địa chất - đó có lẽ là ngành khoa học phát triển mạnh mẽ nhất thời bấy giờ.. Ngay sau khi tốt nghiệp khoa thần học tại trường đại học Cambridge vào tháng Tư năm 1831, ông đến miền Bắc xứ Wales để nghiên cứu các cấu tạo đá và tìm kiếm hóa thạch. Tháng Tám năm đó, khi mới hai mươi hai tuổi, ông nhận được một lá thư mà nó sẽ quyết định con đường của cả cuộc đời ông."
"Lá thư đó nội dung như thế nào ạ?"
"Đó là thư của người bạn, người thầy của ông, John Steven Henslow. Ông viết: "Tôi được yêu cầu... giới thiệu một nhà tự nhiên học để đi cùng Thuyền trưởng FrizRoy, người được chính phủ giao nhiệm vụ khảo sát bờ biển phía Nam châu Mỹ. Tôi đã nói rằng tôi thấy ông là người có năng lực nhất trong số những người có thể thích hợp cho tình huống này mà tôi biết. Về chuyện tài chính thì tôi không có thông tin gì. Cuộc hành trình sẽ kéo dài hai năm..."
"Thầy làm thế nào mà thuộc được hết đoạn đó?"
"Chuyện vặt ấy mà, Sophie."
"Và ông ấy đã trả lời thế nào ạ?"
"Ông hết lòng mong muốn nắm được cơ hội này. Nhưng thời đó, những người trẻ tuổi không thể làm gì mà không được phép của cha mẹ. Sau nhiều công thuyết phục, cha ông cuối cùng cũng đồng ý - và chính ông là người chu cấp tiền cho chuyến đi của con trai. Còn 'chuyện tài chính' thì không thấy tăm hơi đâu."
"Ồ."
"Con tàu là chiến hạm hải quân HMS Beagle. Nó xuất phát ngày 27 tháng Mười năm 1831 từ Plymouth hướng về Nam Mỹ, và đến tận tháng Mười năm 1836 mới trở về. Hai năm đã kéo thành năm năm, và cuộc hành trình tới Nam Mỹ đã biến thành cuộc hành trình vòng quanh thế giới. Và bây giờ chúng ta đến với một trong những cuộc thám hiểm quan trọng nhất của thời cận đại."
"Họ đã đi tàu thủy trong suốt cả chặng đường vòng quanh thế giới ạ?"
"Đúng vậy. Từ Nam Mỹ, họ vượt Thái Bình Dương đến New Zealand, Úc và Nam Phi. Rồi họ quay lại Nam Mỹ trước khi quay buồm về Anh. Darwin viết rằng không nghi ngờ gì cuộc hành trình trên tàu Beagle là sự kiện quan trọng trong đời ông."
"Làm một nhà tự nhiên học ngoài biển chắc không dễ dàng gì."
"Trong những năm đầu, khi tàu Beagle ngược xuôi bờ biển Nam Mỹ, Darwin đã có rất nhiều cơ hội để làm quen với lục địa này, kể cả trong đất liền. Những cuộc du hành ngắn trong chuyến thám hiểm quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương, phía tây của Nam Mỹ, cũng có ý nghĩa quyết định. Ông đã có thể thu thập và gửi về nước Anh những lượng lớn mẫu vật. Tuy nhiên, ông giữ những suy nghiệm về thiên nhiên và sự tiến hóa của sự sống cho riêng mình. Khi trở về nhà vào tuổi hai mươi bảy, ông thấy mình đã là một nhà khoa học nổi tiếng. Tại thời điểm đó, trong đầu ông đã có một bức tranh rõ nét về cái sẽ trở thành thuyết tiến hóa của ông. Nhưng đến tận nhiều năm sau khi trở về, Darwin mới xuất bản công trình nghiên cứu chính của mình, vì ông là một người cẩn trọng - và điều này phù hợp với một nhà khoa học."
"Công trình chính của ông là gì ạ?"
"À, thực ra ông có một số công trình chính. Nhưng cuốn sách làm nảy sinh cuộc tranh cãi nảy lửa nhất ở Anh là cuốn Nguồn gốc của các Loài, xuất bản năm 1859. Tên đầy đủ của cuốn sách là Về nguồn gốc của các loài do chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn các nòi giống được ưu đãi trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Thực ra, tiêu đề đầy đủ chính là một tóm tắt hoàn chỉnh cho lý thuyết của Darwin."
"Quả là ông ấy đã đóng gói khá nhiều điều vào một tên sách."
"Nhưng ta hãy phân tích từng phần một. Trong cuốn sách Nguồn gốc của các loài, Darwin đưa ra hai học thuyết hai hai luận đề: thứ nhất, ông đề xuất rằng mọi dạng động vật hay thực vật hiện đang tồn tại đều bắt nguồn từ những dạng sống cổ xưa hơn và nguyên thủy hơn nhờ một quá trình tiến hóa sinh học. Thứ hai, sự tiến hóa đó là kết quả của chọn lọc tự nhiên.
"Sự sống sót của những kẻ thích nghi nhất, đúng không ạ?"
"Đúng vậy, nhưng trước hết ta hãy tập trung vào quan niệm về sự tiến hoá. Đây không phải là điều hoàn toàn mới. Quan niệm về một quá trình tiến hoá sinh học đã bắt đầu được chấp nhận rộng rãi trong một số giới từ những năm 1980. Người phát ngôn tiên phong cho quan niệm này là Lamarck, nhà động vật học người Pháp. Ngay cả trước ông, Eramus Darwin, ông nội của Darwin, đã đưa ra giả thuyết rằng cây cỏ và động vật đã tiến hoá từ một vài loài nguyên thuỷ. Nhưng không ai trong họ đã đưa ra được một lời giải thích chấp nhận được về việc quá trình tiến hoá này đã diễn ra như thế nào. Do vậy, đối với những người trong giáo hội, họ không được coi là những mối đe doạ lớn."
"Nhưng Darwin thì có."
"Quả vậy, và không phải là không có lý do. Cả hai giới giáo sĩ và khoa học đều trung thành triệt để với giáo lý Kinh thánh về tính bất biến của mọi loài động thực vật. Mỗi dạng sống của động vật đều đã được tạo riêng biệt một lần cho mãi mãi. Hơn nữa, quan điểm Ki Tô giáo này còn phù hợp với học thuyến của Plato và Aristotle."
"Như thế nào ạ?"
"Thuyết ý niệm của Plato cho rằng mọi loài vật đều bất biến vì chúng được tạo ra từ hình thức của các ý niệm vĩnh cửu. Tính bất biến của các loài vật còn là một trong những nền tảng quan trọng của triết học Aristotle. Nhưng vào thời Darwin, nhiều quan sát và phát kiến đã đòi hỏi xem xét lại quan niệm truyền thống."
"Những loại quan sát và phát kiến nào ạ?"
"Đầu tiên là ngày càng nhiều hoá thạch được tìm thấy. Người ta còn tìm thấy hoá thạch của những mảnh xương lớn của những động vật đã tiệt chủng. Chính Darwin đã bối rối khi tìm thấy dấu vết của những động vật biển ở sâu trong đất liền. Ở Nam Mỹ, ông đã thu được những kết quả tìm kiếm tương tự ở cao trên dãy núi Andes. Một động vật biển làm gì ở trên dãy Andes? Em có thể cho tôi biết không, Sophie?"
"Em chịu."
"Một số người tin rằng chúng chỉ bị con người hoặc thú rừng quẳng lên đó. Những người khác tin rằng Chúa Trời đã tạo ra những hoá thạch và vết tích động vật biển này để làm lạc hướng những kẻ không thích Chúa."
"Thế còn các nhà khoa học thì nghĩ sao ạ?"
"Hầu hết các nhà địa chất học đều dứt khoát ủng hộ 'thuyết thảm hoạ', theo đó, trái đất đã chịu nhiều trận đại hồng thuỷ, những trận động đất lớn và nhiều thiên tai khác, và chúng đã tiêu diệt toàn bộ sự sống. Ta đã đọc về một trong số đó từ Kinh thánh - trận Đại Hồng thuỷ và con thuyền của Noah. Sau mỗi thảm hoạ, Chúa Trời khôi phục lại sự sống bằng cách tạo ra những cây cỏ và động vật mới và hoàn thiện hơn."
"Như vậy các hoá thạch là những dấu vết của những dạng sống xưa kia đã bị huỷ diệt bởi những thảm họa đó?"
"Chính xác. Ví dụ người ta cho rằng các hoá thạch là vết tích của những động vật không lên được con thuyền của Noah. Nhưng khi Darwin giong buồm trên con tàu Beagle, ông mang theo tập một của cuốn sách Các nguyên lý địa chất của nhà sinh học người Anh Charles Lyell. Lyell cho rằng cấu tạo địa chất hiện tại của trái đất với những ngọn núi và thung lũng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài và chậm chạp. Quan điểm của ông là: xét những khoảng thời gian dài đã trôi qua, kể cả những thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra những biến đổi địa chất lớn."
"Ông ấy muốn nói về những kiểu thay đổi nào ạ?"
"Ông ta nghĩ đến những sức mạnh mà ngày nay vẫn tiếp diễn: gió mưa và thời tiết, băng tan, động đất và sự nâng lên của mặt đất. Em chắc đã nghe nói câu nước chảy đá mòn - không phải bằng sức mạnh, mà bằng cách chảy liên tục. Lyell tin rằng, qua thời gian, những thay đổi từ từ và nhỏ nhặt tương tự có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của thiên nhiên. Tuy nhiên, một mình lý thuyết này không thể giải thích vì sao Darwin tìm thấy vết tích của sinh vật biển ở tận trên dãy Andes. Nhưng Darwin đã luôn ghi nhớ rằng những thay đổi nhỏ nhặt và từ từ có thể tạo nên những biến đổi lớn nếu chúng có đủ thời gian."
"Chắc ông ấy cho rằng có thể sử dụng lời giải thích đó cho sự tiến hoá của động vật."
"Đúng là ông ấy nghĩ vậy. Nhưng như tôi đã nói, Darwin là một người cẩn trọng. Ông đặt câu hỏi rất lâu trước khi dám đưa ra câu trả lời. Ở đây, ông đã sử dụng cùng phương thức như mọi nhà triết học chân chính: đưa ra câu hỏi là quan trọng nhưng không nên vội vàng đưa ra câu trả lời."
"Vâng, em hiểu rồi."
"Một yếu tố quyết định trong lý thuyết Lylle là tuổi của Trái đất. Thời Darwin, nhiều người tin rằng khoảng 6.000 năm đã trôi qua kể từ khi Chúa sáng tạo thế giới. Con số đó là kết quả của việc đếm các thế hệ từ Adam và Eve."
"Ngây thơ thật!"
"À, biết rồi thì bao giờ chả thông thái hơn. Darwin tính toán tuổi của Trái Đất vào khoảng 300 triệu năm. Bởi vì ít nhất có một điều rất rõ rằng: cả lý thuyết phát triển địa chất của Lylle lẫn thuyết tiến hoá của Darwin đều không có chút đúng đắn nào trừ khi người ta tính đến những khoảng thời gian rất rất dài."
"Trái đất bao nhiêu tuổi rồi ạ?"
"Ngày nay, ta biết rằng tuổi của Trái Đất là khoảng 4-6 tỷ năm."
"Ôi chao!"
"Đến đây, ta đã nói đến một trong các luận cứ cho thuyết tiến hoá của Darwin, đó là các lớp hoá thạch nằm trong nhiều tầng đá. Luận cứ thứ hai là phân bố địa lý của các loài vật sống. Đó là nơi mà cuộc hành trình khoa học của Darwin có thể đóng góp những dữ kiện mới mẻ và cực kỳ dễ hiểu. Ông đã tận mắt thấy rằng những cá thể thuộc cùng một giống loài và sống trong cùng một khu vực có thể khác nhau ở những chi tiết nhỏ nhặt. Ông đã thực hiện một số quan sát rất thú vị, đặc biệt là tại quần đảo Galapagos và miền tây Ecuador."
"Thầy kể đi."
"Galapagos là một quần đảo dày đặc gồm các đảo núi lửa. Do đó, không có những điểm khác biệt lớn trong quần thể động vật ở đây. Tuy nhiên, Darwin quan tâm đến những khác biệt rất nhỏ. Trên tất cả các hòn đảo, ông gặp những con rùa khổng lồ, mà rùa ở đảo này hơi khác với rùa trên đảo khác. Chẳng lẽ Chúa Trời đã tạo từng loại rùa riêng cho từng hòn đảo một?"
"Khó tin lắm!"
"Những quan sát của Darwin về chim chóc trên quần đảo Galapagos còn đáng chú ý hơn nữa. Các loài sẽ ở các đảo khác nhau thuộc Galapagos khác nhau rõ rệt, nhất là dáng mỏ. Darwin chỉ ra rằng sự đa dạng này có quan hệ chặt chẽ với cách chim sẻ tìm thức ăn trên các hòn đảo khác nhau. Những con sẻ đất mỏ ngắn sống bằng hạt thông, chim chích ăn sâu bọ, còn sẻ cây ăn mối từ vỏ và thân cây... Mỗi loài chim có hình dáng mỏ thích nghi một cách tuyệt đối với loại thức ăn của chúng. Phải chăng những loài sẻ này đã bắt nguồn từ cùng một loài? Và thời gian trôi qua, những con chim sẻ đã thích nghi với môi trường trên các hòn đảo khác nhau và đã tiến hóa thành những loài sẻ mới."
"Và đấy là kết luận của Darwin ạ?"
"Đúng vậy. Và có lẽ quần đảo Galapagos là nơi mà Darwin đã trở thành một 'người theo thuyết Darwin'. Ông còn quan sát thấy rằng hệ động vật ở đó rất giống với nhiều loài ông đã gặp ở Nam Mỹ. Chúa đã tạo ra tất cả những con vật hơi khác nhau chút xíu này một lần cho mãi mãi hay một sự tiến hóa đã xảy ra? Ông bắt đầu ngày càng nghi ngờ về tính bất biến của mọi loài. Nhưng ông vẫn chưa có một lời giải thích đủ thuyết phục về quá trình tiến hóa đó đã xảy ra như thế nào. Nhưng còn một yếu tố cho thấy mọi loài động vật trên thế giới có thể có họ hàng với nhau."
"Đó là cái gì ạ?"
"Sự phát triển của bào thai thú có túi. Nếu em so sánh phôi thai của chó, dơi, thỏ và người ở thời kỳ đầu, chúng trông giống nhau đến mức khó có thể phân biệt được. Em không thể phân biệt được một phôi thai người và một phôi thai thỏ cho đến tận giai đoạn cuối. Điều đó có cho thấy chúng ta có họ hàng xa không?"
"Nhưng ông ấy vẫn chưa giải thích được sự tiến hóa đã xảy ra như thế nào."
"Ông luôn suy nghĩ về lý thuyết của Lyell về những thay đổi nhỏ có thể tạo một hiệu ứng lớn sau một khoảng thời gian dài. Nhưng ông không thể tìm được một cách giải thích nào có thể áp dụng như một nguyên lý tổng quát. Ông quen thuộc với học thuyết của Lamarck - nhà động vật học người Pháp, người đã cho thấy những loài vật khác nhau đã phát triển những đặc tính mà chúng cần. Chẳng hạn, hươu cao cổ đã phát triển cái cổ dài, vì trong nhiều thế hệ chúng đã vươn cổ để với tới lá cây trên cao. Lamarck tin rằng những đặc tính mà mỗi cá thể đạt được bằng cố gắng của riêng mình được truyền cho thế hệ sau. Nhưng Darwin phủ nhận học thuyết về sự di truyền các 'tính trạng đạt được' này, vì Lamarck đã không có chứng minh gì cho tuyên bố táo bạo này. Tuy nhiên, Darwin theo đuổi một hương suy nghĩ khác rành mạch hơn nhiều. Em hầu như có thể nói rằng cơ chế thực sự của quá trình tiến hóa của các loài vật nằm ngay trước mũi của ông."
"Đó là gì ạ?"
"Tôi muốn em tự tìm ra cơ chế này. Tôi có câu hỏi này: Em có ba con bò sữa, nhưng chỉ đủ cỏ khô để nuôi hai con. Em sẽ làm gì?"
"Chắc là em sẽ phải giết thịt một con."
"Được rồi... em sẽ giết con nào?"
"Chắc em sẽ giết con cho ít sữa nhất."
"Chắc chứ?"
"Vâng, điều đó rất hợp lý mà."
"Đó chính là điều mà hàng nghìn năm nay con người đã làm. Nhưng ta vẫn chưa xong việc với hai con bò của em. Giả sử em muốn một trong hai con bò đẻ con. Em sẽ chọn con nào?"
"Con nào có nhiều sữa nhất. Thế thì con của nó sau này có thể cũng là một con bò cho nhiều sữa."
"Em quả là thích bò nhiều sữa. Giờ còn một câu hỏi nữa. Em là một người thợ săn có hai con chó săn. Nhưng em phải bỏ một trong hai con, em sẽ giữ lại con nào?"
"Dĩ nhiên là con nào giỏi hơn trong công việc tìm loại mồi săn mà em muốn."
"Cũng vậy, em sẽ giữ lại con chó săn tốt hơn. Đó chính là cách mà con người đã gây giống vật nuôi trong suốt hơn mười nghìn năm nay. Sophie à. Chẳng phải từ xưa gà mái đã đẻ năm trứng một tuần, cừu đã cho nhiều len, con ngựa đã mạnh mẽ và chạy nhanh như bây giờ. Những người nhân giống đã thực hiện một sự chọn lọc nhân tạo. Chuyện tương tự cũng xảy ra đối với thế giới của các loài rau quả. Người ta không trồng khoai tây chất lượng kém nếu có hạt giống của những loại khoai ngon. Và người ta cũng không tốn thời gian gặt lúc mì nếu nó không có hạt. Darwin chỉ ra rằng không có hai con bò, hai bông lúa, hai con chó hay hai con sẻ nào hoàn toàn giống nhau. Chắc em đã tự mình chứng kiến điều đó khi em uống nước từ chai xanh."
"Ui, vâng!"
"Vậy là Darwin phải tự hỏi: Liệu trong thiên nhiên có một cơ chế tương tự? Liệu có khả năng thiên nhiên thực hiện một 'sự chọn lọc tự nhiên' để quyết định xem những cá thể nào sẽ sống sót? Và sau một thời gian dài, sự chọn lọc như thế có thể tạo ra những loài động thực vật mới hay không?
"Em đoán câu trả lời là Có."
"Darwin vẫn chưa thể hình dung rõ ràng một sự chọn lọc tự nhiên như thế có thể xảy ra bằng cách nào. Nhưng vào tháng Mười năm 1838, đúng hai năm kể từ khi trở về từ tàu Beagle, ông tình cờ bắt gặp một cuốn sách nhỏ của Thomas Malthus, một chuyên gia về dân số. Cuốn sách nhỏ có tựa đề Luận về nguyên lý dân số. Malthus đã lấy ý tưởng cho bài luận này từ Benjamin Franklin, một người Mỹ đã phát minh ra cột thu lôi và nhiều thứ khác. Franklin đã chỉ ra rằng nếu không có những yếu tố hạn chế trong thiên nhiên thì một loài thực vật hoặc động vật duy nhất sẽ phát triển tràn ngập toàn bộ địa cầu. Nhưng vì có nhiều loài, nên chúng kìm giữ nhau trong trạng thái cân bằng."
"Em có thể hiểu được điều đó."
"Mathus đã phát triển ý tưởng này và áp dụng cho dân số, ông tin rằng một số lớn sẽ phải chết trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Do đó, số sống sót để trưởng thành và duy trì nòi giống sẽ là những ai tỏ ra trội hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn."
"Nghe có vẻ hợp lý."
"Và đây chính là cơ chế thống nhất mà Darwin đã tìm kiếm bấy lâu. Đây chính là lời giải thích về sự tiến hoá đã xảy ra như thế nào. Đó là do sự chọn lọc tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn, trong đó những cá thể nào thích nghi tốt nhất với môi trường xung quanh sẽ sống sót và duy trì nòi giống. Đây là học thuyết thứ hai ông đưa ra trong cuốn Nguồn gốc của các Loài. Ông viết: Voi được coi là loài sinh trưởng chậm nhất trong các loài vật đã được biết đến."Nhưng nếu chúng đẻ sáu con và sống đến 100 tuổi, thì 'sau một khoảng thời gian từ 740 đến 750 năm, sẽ có gần 19 triệu con voi sinh sống mà chúng là con cháu của đôi voi đầu tiên."
"Khỏi phải nói đến cả ngàn trứng cá tuyết mà một con cá mẹ đẻ ra."
"Darwin còn đi xa hơn nữa khi nói rằng cuộc đấu tranh sinh tồn thường cam go nhất giữa các loài giống nhau nhất. Chúng phải giành giật cùng một loại thức ăn. Do đó, giữa những biến dị cực nhỏ, lợi thế dù nhỏ nhất cũng thực sự dành được vị thế của mình. Cuộc đấu tranh sinh tồn ngày càng gay gắt, quá trình tiến hoá cho loài mới sẽ diễn ra càng nhanh, để chỉ những kẻ thích nghi nhất sống sót và phần còn lại chết dần."
"Thức ăn càng ít, bầy đàn càng đông, thì tiến hoá càng nhanh ạ?"
"Đúng vậy. Nhưng thức ăn không phải là vấn đề duy nhất. Việc tránh bị các con thú khác ăn thịt cũng quan trọng không kém. Ví dụ, để sống sót cần có một tài nguỵ trang tốt, khả năng chạy nhanh, khả năng nhận ra kẻ thù hoặc một mùi vị kinh khủng khi cùng đường. Một chất độc có thể giết chết con thú ăn thịt cũng rất có ích. Đó là lý do tại sao có nhiều loại xương rồng độc đến vậy, Sophie ạ. Gần như không có thứ gì khác có thể mọc trong sa mạc, nên loại cây này đặc biệt dễ bị động vật ăn thực vật tấn công."
"Xương rồng còn lắm gai nữa."
"Dễ thấy rằng khả năng sinh sản cũng có tầm quan trọng sống còn. Darwin nghiên cứu sự thụ phận khéo léo của thực vật đến từng chi tiết nhỏ. Hoa phô bày những màu sắc rực rỡ và toả ra hương thơm quyến rũ để thu hút các loại côn trùng giúp thụ phấn. Để duy trì nòi giống, chim chóc hót lên những giai điệu du dương. Một con bò đực lầm lì sầu muộn không quan tâm đến bò cái sẽ chẳng nằm trong mối quan tâm của ngành gia phả học. Vì với những đặc tính như vậy, dòng giống của nó sẽ lụi tàn ngay. Mục đích sống duy nhất của con bò đực là lớn đến độ trưởng thành về sinh dục rồi sinh sản để duy trì nòi giống. Đó gần như một cuộc chạy tiếp sức. Những cá thể mà vì lý do này hay lý do khác không thể truyền lại gen của mình liên tục bị loại bỏ. Khả năng kháng bệnh là một trong những đặc tính quan trọng nhất liên tục được tích luỹ và bảo tồn trong những biến thể sống sót."
"Vậy là mọi vật ngày càng tốt lên?"
"Kết quả của quá trình chọn lọc không ngừng này là những cá thể thích nghi tốt nhất với môi trường sinh thái nào đó sẽ duy trì được nòi giống lâu dài trong môi trường cụ thể đó. Nhưng cái là lợi thế trong môi trường này không nhất thiết là lợi thế trong một môi trường khác. Đối với một số loài sẻ ở Galapagos, khả năng bay có vai trò sống còn. Nhưng không cần bay giỏi đến thế nếu phải đào thức ăn dưới đất và không có thú săn mồi đe doạ. Qua thời gian, số loài vật khác nhau sẽ phát sinh nhiều đến vậy chính là do trong môi trường tự nhiên có nhiều môi trường sinh thái con."
"Nhưng lại chỉ có một loài người."
"Đó là vì con người có khả năng thích nghi độc nhất vô nhị đối với các điều kiện sống khác nhau. Một trong những điều làm Darwin ngạc nhiên nhất là cách những người da đỏ ở Tierra del Fuego đã sống được trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều giống nhau. Những người sống gần xích đạo có màu da sẫm hơn những người sống ở những vùn phía bắc, vì màu da xám bảo vệ họ trước ánh nắng mặt trời. Người da trắng ở dưới nắng trong thời gian dài dễ bị ung thư da."
"Có phải nếu sống ở phương Bắc thì da trắng cũng là một lợi thế tương tự không ạ?"
"Có chứ, nếu không thì trên thế giới này da ai cũng xẫm màu cả. Da trắng dễ tạo các vitamin từ ánh nắng hơn, và điều đó có thể rất quan trọng với những vùng ít ánh sáng. Ngày nay, điều đó không quan trọng đến thế vì ta có thể có đủ vitamin cần thiết nhờ chế độ ăn uống. Nhưng trong tự nhiên chẳng có gì là ngẫu nhiên. Mọi thứ đều là do những thay đổ cực nhỏ đã tạo được hiệu ứng qua vô số thế hệ."
"Thật tuyệt khi hình dung những điều này."
"Quả vậy. Giờ thì ta có thể tóm tắt thuyết tiến hoá của Darwin bằng mấy câu sau."
"Thầy nói đi."
"Ta có thể nói rằng 'nguyên liệu' của quá trình tiến hoá của sự sống trên Trái Đất là sự biến đổi liên tục của các cá thể trong một loài cộng với một số lượng hậu duệ lớn, nghĩa là chỉ có một phần trong số chúng sống sót. Do vậy, cơ chế thực sự, hay sức mạnh điều khiển đằng sau quá trình tiến hoá là sự chọn lọc tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Sự chọn lọc này đảm bảo rằng cá thể mạnh nhất hay 'thích nghi nhất' sẽ sống sót."
"Nghe logic như một phép toán vậy. Thế cuốn Nguồn gốc của các Loài đã được tiếp nhận như thế nào ạ?"
"Nó là nguyên nhân của những cuộc tranh luận gay gắt. Nhà thờ kịch liệt phản đối và giới khoa học bị chia rẽ. Điều này không đáng ngạc nhiên lắm. Dù sao thì Darwin cũng đã đẩy Chúa Trời ra xa khỏi sự sáng tạo thế giới, tuy phải thừa nhận rằng có một số người đã cho rằng tạo ra cái gì đó có tiềm năng tiến hoá bẩm sinh rõ ràng vĩ đại hơn là chỉ tạo ra một thực thể bất biến."
Sophie bỗng bật dậy.
"Nhìn kìa!" cô kêu lên.
Cô chỉ ra ngoài cửa sổ. Dưới mép hồ có một người đàn ông và một người đàn bà đang đi, tay trong tay. Họ hoàn toàn không có lấy môt mảnh vải che thân.
"Đó là Adam và Eva," Alberto nói. "Họ đã bị ép vào cùng hội cùng thuyền với Cô bé Đội Mũ Đỏ và Alice ở Xứ sở Kỳ diệu. Vậy nên họ xuất hiện ở đây."
Sophie ra cửa sổ nhìn, nhưng hai người đã nhanh chóng đi khuất sau những thân cây.
"Bởi vì Darwin tin rằng loài người bắt nguồn từ động vật ạ?"
"Năm 1871, Darwin xuất bản cuốn Nguồn gốc của loài người, trong đó ông thu hút sự chú ý tới những điểm tương đồng lớn giữa con người và các loài vật, ông đề xuất học thuyết rằng người và vượn người đã từng tiến hoá từ cùng một tổ tiên. Vào thời đó, những chiếc sọ hoá thạch đầu tiên của một giống người đã tuyệt chủng đã được tìm thấy, đầu tiên ở vùng núi Gibranta và vài năm sau tại vùng Neanderthal thuộc nước Đức. Kỳ lạ là năm 1871 lại có ít phản đối hơn năm 1859 - khi Darwin xuất bản Nguồn gốc của các Loài. Cuốn sách đầu tiên đã ngầm ý về nguồn gốc con người từ động vật. Và như tôi đã nói, khi Darwin qua đời vào năm 1882, ông đã được chôn cất với tất cả những nghi thức dành cho người đã đi tiên phong trong khoa học."
"Vậy cuối cùng ông cũng tìm thấy vinh dự và sự trọng vọng."
"Đúng vậy. Nhưng trước đó, ông đã từng bị coi là kẻ nguy hiểm nhất nước Anh."
"Ôi trời đất!"
"Một quý bà thượng lưu đã viết rằng: 'Hy vọng điều đó không đúng, còn nếu nó đúng, hy vọng rằng nó không được biết đến một cách rộng rãi.' Một nhà khoa học danh tiếng đã biểu lộ một suy nghĩ tương tự: 'Một khám phá đáng xấu hổ, người ta nói về nó càng ít càng tốt."
"Đó gần như là bằng chứng rằng con người có họ với đà điểu!"
"Nhận xét hay đấy! Nhưng ta thì dễ nói hơn rồi. Còn mọi người thời đó bỗng dưng phải xem lại toàn bộ cách hiểu kinh Sáng thế. Nhà văn trẻ John Ruskin đã thể hiện trạng thái đó như thế này: 'Giá mà các nhà địa chất để cho tôi yên. Cứ mỗi một câu trong Kinh thánh, tôi lại nghe thấy những nhát búa của họ."
"Và những nhát búa là nghi ngờ của ông ta về những lời của Chúa?"
"Có lẽ đó là điều ông ta muốn nói. Bởi không chỉ nghĩa đen của câu chuyện về sự sáng tạo bị lung lay. Đểm cốt yếu trong học thuyết Darwin là những biến dị hòan toàn ngẫu nhiên cuối cùng đã tạo nên Con Người. Và còn gì nữa, Darwin đã biến Con Người thành một sản phẩm của một thứ vô cảm như cuộc đấu tranh sinh tồn."
"Darwin có nói gì về chuyện những biến dị ngẫu nhiên đó đã nảy sinh bằng cách nào không ạ?"
"Em vừa chạm vào điểm yếu nhất trong học thuyết của ông. Darwin chỉ có một ý tưởng cực kỳ mờ nhạt về di truyền. Có cái gì đó đã xảy ra khi lai giống. Một cặp cá thể cha và mẹ không bao giờ cho ra hai đứa con giống hệt nhau. Luôn có một chút khác biệt. Mặt khác, khó có thể tạo ra cái gì thực sự mới mẻ bằng cách đó. Hơn nữa, có những loài động vật và thực vật sinh sản bằng lối nảy chồi hoặc phân bào đơn giản. Về câu hỏi các biến dị, đã nảy sinh bằng cách nào, học thuyết của Darwin đã được bổ sung bởi cái gọi là học thuyết Darwin mới"
"Đó là gì ạ?"
"Về cặn bản mọi sự sống và sự sinh sản là quá trình phân chia tế bào. Khi một tế bào phân đôi, hai tế bào giống hệt được tạo ra với các yếu tố di truyền y hệt tế bào ban đầu. Như vậy, ta nói rằng, khi phân bào, một tế bào sao chép chính mình."
"Rồi sao nữa ạ?"
"Đôi khi, những lỗi cực nhỏ xảy ra trong quá trình phân bào, do đó tế bào thu được sau sao chép không hoàn toàn giống tế bào mẹ. Theo thuật ngữ của sinh học hiện đại, đây là một sự đột biến. Các đột biến hoặc là hoàn toàn không có ý nghĩa gì hoặc có thể dẫn tới những thay đổi thể hiện trong hành vi của cá thể. Chúng có thể lập tức có hại, những 'cá thể đột biến' này sẽ liên tục bị loại ra khỏi những lứa đông cá thể. Trong thực tế, nhiều căn bệnh có nguyên nhân từ sự đột biến. Nhưng đôi khi một đột biến có thể đem lại cho cá thể một tính trạng tốt hơn bình thường, cần thiết để tự vệ trong cuộc đấu tranh sinh tồn."
"Chẳng hạn một cái cổ dài hơn ạ?"
"Lamarck giải thích hươu cao cổ có cổ dài là do chúng đã luôn phải vươn lên cao. Nhưng theo Darwin, những tính trạng đạt được như vậy không thể truyền từ đời này sang đời khác. Darwin tin rằng cái cổ dài của hươu cao cổ là kết quả của một biến dị. Học thuyết Darwin mới đã bổ sung cho quan niệm đó bằng cách chỉ ra một nguyên nhân cho chính sự biến dị cụ thể đó."
"Đột biến ạ?"
"Đúng vậy, những biến đổi hoàn toàn ngẫu nhiên của các yếu tố di truyền đã đem lại cái cổ hơi dài hơn bình thường cho một trong các tổ tiên của hươu cao cổ. Khi lượng thức ăn không nhiều, đây là một lợi thế sống còn. Con hươu cao cổ nào với được cao nhất lên ngọn cây sẽ xoay sở được tốt nhất. Ta cũng có thể tưởng tượng rằng một số 'hươu cao cổ nguyên thủy' đã phát triển được khả năng đào thức ăn dưới đất. Sau một khoảng thời gian rất dài, một loài thú tuyệt chủng từ lâu có thể đã chia thành hai loài. Ta có thể lấy một số ví dụ gần đây về diễn biến của sự chọn lọc tự nhiên."
"Vâng, thầy nói đi ạ."
"Ở nước Anh có một loài bướm hồ tiêu chuyên sống trên thân cây bạch dương. Hồi thế kỷ XVIII, phần lớn bướm hồ tiêu có màu xám bạc. Em có đoán được vì sao không?"
"Để chim chóc khó nhìn thấy chúng."
"Đúng vậy, vì trong môi trường đó, nơi thân cây bạch dương có màu bạc, màu xẫm hơn là một đặc tính không thuận lợi. Do vậy, những con bướm màu sáng hơn luôn là loại có số lượng tăng. Nhưng rồi trong môi trường đó đã có một điều xảy ra. Ở một số vùng, những thân cây màu bạc bị đen đi vì muội công nghiệp. Theo em, khi đó chuyện gì đã xảy ra đối với những con bướm hồ tiêu?"
"Những con xám xẫm hơn sẽ sống sót tốt hơn."
"Đúng thế, chẳng bao lâu, số lượng chúng đã tăng lên. Từ năm 1848 đến năm 1948, ở một số vùng, tỷ lệ bướm hồ tiêu màu xẫm đã tăng từ 1% lên 99%. Môi trường đã thay đổi và màu sáng không còn là một lợi thế. Ngược lại, những con bướm trắng thua cuộc cứ lảng vảng đến gần thân cây là bị chim chóc loại trừ. Nhưng rồi, một chuyện quan trọng lại xảy ra. Than ít được sử dụng hơn, các thiết bị lọc tốt hơn tại các nhà máy gần đây đã tạo ra một môi trường sạch hơn."
"Vậy là bây giờ bạch dương lại có màu trắng bạc?"
"Và do đó bướm hồ tiêu đang trong quá trình quay lại với màu bạc. Đó là cái mà ta gọi là sự thích nghi. Đó là một quy luật tự nhiên."
"Vâng, em hiểu rồi."
"Còn có rất nhiều ví dụ về sự can thiệp của con người vào môi trường tự nhiên."
"Chẳng hạn?"
"Ví dụ, người ta đã cố tiêu diệt sâu phá hoại bằng nhiều loại thuốc trừ sâu. Ban đầu, điều này cho kết quả tuyệt vời. Nhưng khi phun thuốc trừ sâu lên một cánh đồng hay một vườn cây ăn quả, thực chất ta đã gây ra một thảm họa môi trường nhỏ đối với những con sâu bọ mà ta muốn diệt. Do những đột biến liên tục, một loài sâu bệnh mới có sức đề kháng với loại thuốc trừ sâu đó sẽ phát triển. Giờ thì những 'kẻ chiến thắng' đó mặc sức hoành hành. Vậy là trận chiến chống lại một số loại sâu bệnh ngày càng trở nên khó khăn hơn, mà lý do lại chính là cố gắng diệt trừ chúng của con người. Rõ ràng, những biến thể có sức đề kháng tốt nhất là những cá thể sống sót."
"Đáng sợ thật!"
"Đó đúng là một điều đáng suy nghĩ. Ta cũng đang cố gắng chống lại những con vi khuẩn ăn bám trong cơ thể chúng ta."
"Ta dùng penicilin hay các loại thuốc kháng sinh khác."
"Đúng vậy, và penicilin cũng là một loại thảm họa môi trường đối với những con quỷ tí hon. Tuy nhiên, khi tiếp tục dùng penicilin, ta đang làm một số con vi khuẩn cá khả năng đề kháng, và do đó tạo ra một nhóm vi khuẩn khó chống lại hơn trước. Ta thấy rằng phải sử dụng loại thuốc kháng sinh mạnh hơn và mạnh hơn nữa, cho đến khi..."
"Cho tới khi chúng bò ra từ miệng ta? Có lẽ ta bắt đầu dùng súng để bắn chúng chăng?"
"Như thế thì hơi cường điệu quá. Nhưng rõ ràng y học hiện đại đã tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan rất nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ ở chỗ một con vi khuẩn đã trở nên hiểm độc hơn. Thời xưa, có nhiều trẻ em chết vì nhiều loại bệnh tật. Đôi khi, chỉ có thiểu số sống sót. Còn ngày nay, theo một nghĩa nào đó, sự chọn lọc tự nhiên đã bị miễn nhiệm bởi y học hiện đại. Về lâu dài, cái đã giúp một cá thể qua khỏi căn bệnh nặng có thể góp phần làm yếu đi sức đề kháng của cả lòai người đối với một số căn bệnh nhất định. Nếu chúng ta không quan tâm gì đến cái gọi là vệ sinh di truyền, ta có thể sẽ nhìn thấy mình đối mặt với sự suy thoái của loài người. Tiềm năng kháng bệnh mà loài người được thừa kế sẽ bị yếu đi."
"Viễn cảnh thật đáng sợ!"
"Nhưng một nhà triết học thực thụ không được tránh việc chỉ ra cái gì đó 'đáng sợ' nếu ông ta tin rằng nó là đúng. Ta hãy thử tổng kết thêm lần nữa."
"Vâng."
"Em có thể nói rằng sự sống là một trò xổ số lớn, trong đó ta chỉ có thể nhìn thấy được những con số trúng giải."
"Thầy nói thế nghĩa là thế nào?"
"Những kẻ thất bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn đã biến mất, em thấy đấy. Cần nhiều triệu năm để chọn ra được những con số thắng cuộc cho mỗi loài thực vật hoặc động vật trên Trái Đất. Còn những con số thua cuộc thì chỉ hiện ra một lần. Do vậy, không có một loài động vật nào hiện đang tồn tại mà lại không phải là những con số thắng cuộc trong trò xổ số vĩ đại của sự sống."
"Bởi vì chỉ có những gì tốt nhất mới sống sót."
"Đúng vậy, đó là một cách diễn đạt khác. Còn bây giờ, phiền em đưa cho tôi bức tranh mà ông bạn - hay ông già trông vườn thú đó - đã mang cho chúng ta..."
Sophie đưa bức tranh cho Alberto. Một mặt tranh vẽ chiếc thuyền của Noah, mặt kia là một sơ đồ hình cây gồm rất nhiều loại động vật. Đó là mặt tranh mà Alberto đang cho Sophie xem.
"Ông Noah ủng hộ Darwin nay còn mang tới một bản sơ đồ phân loại nhiều loài động vật. Em có thể thấy các loài khác nhau thuộc về các nhóm, các lớp và các giới sinh vật khác nhau."
"Vâng."
"Cùng với các loài khỉ, con người thuộc về cái gọi là động vật linh trưởng. Linh trưởng là động vật có vú, và động vật có vú thì thuộc về động vật có xương sống. Đến lượt động vật có xương sống lại thuộc về động vật đa bào."
"Nghe cứ như là Aritotle."
"Đúng thế. Nhưng sơ đồ này không chỉ minh họa phân bố của các động vật ngày nay. Nó còn nói về lịch sử tiến hóa. Chẳng hạn, em có thể thấy rằng, tại một thời điểm nào đó, các loài chim đã tách ra khỏi các loài bò sát, bò sát tách khỏi lớp lưỡng cư, và lưỡng cư tách khỏi các loài cá."
"Vâng, rất rõ ràng."
"Mỗi khi một đường phân đôi là do sự đột biến đã tạo ra một loài mới. Nhờ đó, qua thời gian, các lớp và các phân giới động vật khác nhau xuất hiện. Thực ra, ngày nay trên thế giới có hơn một triệu lòai động vật, và một triệu này chỉ là một phần của các loài đã từng có mặt trên Trái Đất. Ví dụ, nhóm động vật bọ biển ba thùy đã tiệt chủng."
"Còn ở dưới đây là những sinh vật đơn bào."
"Một vài trong số đó có thể không thay đổi gì trong hai tỷ năm nay. Em có thể thấy đường nối từ các sinh vật đơn bào lên các loài thực vật. Bởi vì rất có thể cây cỏ và động vật đã bắt nguồn từ cùng một tế bào nguyên thủy."
"Vâng, nhưng có một điều làm em khó hiểu."
"Điều gì?"
"Cái tế bào nguyên thủy đó từ đâu ra? Darwin có trả lời được câu hỏi đó không ạ?"
"Tôi đã nói rằng ông ta là một con người rất cẩn trọng. Nhưng đối với câu hỏi đó, ông ta đã tự cho phép mình đề xuất cái mà người ta có thể gọi là một phỏng đoán có trọng lượng. Ông viết rằng:
Nếu ta có thể hình dung một cái hồ nóng lực, trong đó có đủ loại muối amoniac và phosphoric, ánh sáng, nhiệt độ, điện... và tại đó, một hợp chất protein đã được tạo ra bằng các phản ứng hóa học và sẵn sàng qua nhiều biến đổi phức tạp hơn nữa..."
"Rồi sao nữa ạ?"
"Cái mà Darwin suy đoán ở đây là tế bào sống đầu tiên có thể đã được tạo ra từ các chất vô cơ bằng cách nào. Một lần nữa, ông đã nện búa trúng vào đầu đinh. Các nhà khoa học ngày nay cho rằng dạng sống nguyên thủy của đá nảy sinh từ chính cái "hồ nhỏ nóng rực" mà Darwin đã hình dung."
"Thầy nói tiếp đi ạ."
"Thế là đủ rồi, ta sẽ kết thúc chuyện Darwin ở đây. Chúng ta sẽ nhảy đến những phát kiến mới nhất về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất."
"Em thấy hơi đáng ngại. Liệu có ai thực sự biết sự sống đã bắt đầu như thế nào không ạ?"
"Có thể là không. Nhưng ngày càng có nhiều mẫu nhỏ của câu đố xếp hình rơi vào đúng chỗ để tạo nên bức tranh miêu tả sự việc đó."
"Thế ạ?"
"Trước hết, ta hãy khẳng định rằng mọi sự sống trên Trái Đất cả động vật và thực vật - đều được cấu tạo 'từ chất mà trong một môi trường dinh dưỡng có khả năng tự phân chia thành hai phần giống hệt. Quá trình này được chỉ huy bởi một chất gọi là DNA. Khi nói tới DNA, ta muốn nói đến các nhiễm sắc thể, hay các cấu trúc di truyền được tìm thấy trong mọi tế bào sống. Ta còn dùng thuật ngữ phân tử DNA, vì thực ra DNA là một phân tử phức tạp, hay một đại phân tử. Vậy thì câu hỏi đặt ra là phân tử DNA đầu tiên hình thành như thế nào."
"Vâng?"
"Trái Đất được tạo khi Hệ Mặt Trời bắt đầu thành hình vào khoảng 4-6 tỷ năm trước. Nó bắt đầu là một khối rực cháy rồi nguội dần. Đây là nơi mà các nhà khoa học tin rằng sự sống bắt đầu vào khoảng giữa ba hay bốn tỷ năm trước."
"Nghe không thể tin được!"
"Đừng vội nói vậy trước khi em nghe hết phần còn lại. Trước hết, hồi đó hành tinh của chúng ta khá là khác với bây giờ. Do chưa có sự sống nên chưa có oxy trong khí quyển. Khí oxy tự do được sinh ra đầu tiên là do sự quang hợp của cây cỏ. Và sự không có oxy là rất quan trọng. Rất khó có khả năng các tế bào sống - mà nó sẽ tạo DNA - có thể sinh ra trong một bầu khí quyển có oxy."
"Tại sao ạ?"
"Vì oxy rất dễ phản ứng. Phân tử DNA chưa kịp được tạo thành thì các thành phần của DNA đã bị oxy hóa từ lâu."
"À."
"Thế cho nên ta biết chắc chắn rằng ngày nay không có thêm sự sống mới nào. Thậm chí ngay cả một con vi khuẩn hay virus. Mọi dạng sống trên Trái Đất phải có cùng tuổi. Một con voi cũng có cây gia phả dài chẳng khác gia phả của con vi khuẩn nhỏ nhất. Em gần như có thể nói rằng một con voi - hay một con người - trên thực tế là một quần thể đơn nhất gắn kết các sinh vật đơn bào. Vì mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều mang cùng một vật liệu di truyền. Toàn bộ công thức pha chế một con người nằm ẩn trong mỗi tế bào nhỏ xíu."
"Đó là một ý nghĩ kỳ quặc."
"Một trong những điều huyền bí vĩ đại của sự sống đó là các tế bào của động vật đa bào có khả năng chuyên môn hóa chức năng của chúng, vì không phải tất cả các tính trạng di truyền khác nhau đếu có hiệu lực trong mọi tế bào. Một số tính trạng - hoặc gen - 'được kích hoạt' các gen khác ở trạng thái 'bị vô hiệu hóa'. Một tế bào gan không tạo ra các protein cùng loại với những gì các tế bào thần kinh hay tế bào đa bào tạo ra. Nhưng cả ba loại tế bào này có phân tử DNA giống hệt nhau, đây là nơi chứa đựng công thức chế tạo cho toàn bộ cơ thể.
"Do trong khí quyển không có oxy, không có tầng ozone bảo vệ bao quanh Trái Đất. Nghĩa là không có gì ngăn cản các tia phóng xạ từ vũ trụ. Điều này cũng có ý nghĩa lớn vì các tia vũ trụ này có thể đã có công trong việc tạo ra phân tử phức tạp ban đầu. Các bức xạ vũ trụ này đã là năng lượng thực sự làm các chất hóa học khác nhau bắt đầu kết hợp với nhau thành một đại phân tử phức tạp."
"Vâng."
"Để tôi tóm tắt lại: Trước khi có thể hình thành các phân tử phức tạp cấu tạo nên mọi cơ thể sống, phải có ít nhất hai điều kiện: không có oxy trong khí quyển và bức xạ vũ trụ xuống được mặt đất."
"Em hiểu rồi!"
"Trong cái 'hố nhỏ nóng lực' này, một đại phân tử cực kỳ phức tạp đã từng được hình thành. Phân tử này có khả năng kỳ diệu: tự phân đôi thành hai phần giống hệt nhau. Vậy là quá trình tiến hóa dài đằng đẵng bắt đầu, Sophie ạ. Nếu đơn giản hóa đi một chút, ta có thể nói rằng chúng ta đang bàn về vật liệu di truyền đầu tiên, DNA đầu tiên hay tế bào sống đầu tiên. Nó liên tục tự phân chia, nhưng ngay từ giai đoạn đầu tiên đột biến đã xảy ra. Sau một khoảng thời gian dài, một trong những cơ thể đơn bào này đã kết hợp với thực vật cũng bắt đầu, và bằng cách này khí quyển cho phép sự tiến hóa của các loài vật có thể thở bằng phổi. Thứ hai, khí quyển bảo vệ sự sống khỏi các bực xạ vũ trụ có hại. Thật kỳ lạ, chính những tia vũ trụ mà trước đó có thể đã là một tia lửa sống còn trong sự tạo hình của tế bào đầu tiên lại có hại cho mọi dạng sống."
"Nhưng khí quyển không thể được hình thành chỉ trong một đêm. Những dạng sống đầu tiên làm thế nào để sống sót được ạ?"
"Sự sống bắt nguồn trong những 'đại dương' nguyên thủy. Ở đó, nó có thể được bảo vệ khỏi các tia có hại. Đến tận gần đây, khi sự sống trong các đại dương đã tạo được bầu khí quyển, những động vật lưỡng cư đầu tiên mới bò lên đất liền. Phần còn lại là những gì chúng ta đã nói đến. Và bây giờ chúng ta ngồi đây tại một ngôi nhà nhỏ trong rừng, nhìn lại cả một quá trình đã xảy ra trong ba bốn tỷ năm. Và trong chúng ta, quá trình dài đằng đẳng này cuối cùng đã bắt đầu nhận thức được chính mình."
"Nhưng thầy vẫn không cho rằng mọi chuyện đã xảy ra khá là ngẫu nhiên?"
"Tôi chưa bao giờ nói vậy. Bức tranh trên tấm bảng này cho thấy sự tiến hóa đã có một định hướng. Suốt dọc thời gian, các loài động vật đã tiến hóa về phía các hệ thống thần kinh ngày càng phức tạp và bộ não ngày càng lớn. Cá nhân tôi không nghĩ rằng chuyện đó chỉ là ngẫu nhiên. Thế còn em?"
"Không thể có chuyện đôi mắt con người đã được tạo ra thuần túy nhờ may rủi. Thầy có cho là có ý nghĩa nào đó về khả năng nhìn thế giới xung quanh của chúng ta không ạ?"
"Thật buồn cười, sự phát triển của đôi mắt cũng làm Darwin bối rối. Ông không thể thực sự chấp nhận rằng một thứ tinh tế và nhạy cảm như con mắt có thể hoàn toàn do chọn lọc tự nhiên mà có."
Sophie ngồi nhìn Alberto. Cô nghĩ thật đặc biệt rằng cô đang sống, và rằng cô chỉ sống đúng một lần này và sẽ không bao giờ trở lại. Cô chợt thốt lên:
Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng
Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng
Alberto cau mày.
"Em không được nói như vậy, bé ạ. Đó là những lời của Quỷ."
"Quỷ ạ?"
"Hay là nhân vật Mephistophelles - trong vở kịch Faust của Goethe. 'Was soll uns denn das ew'ge Schaffen! Geschaffenes zu nichts hinwegzuraffen!"
"Nhưng chính xác là những lời đó ý nói gì ạ?"
"Khi Faust chết và nhìn lại cuộc đời mình, ông ta nói một cách đắc thắng"
Thời khắc này đây ta muốn được nói ra:
Từ từ đã, người sao đẹp quá!
Dấu vết những tháng ngày ta sống trên trần thế
Không thể nào mờ nhạt bởi thời gian
Tiện cảm tới, ta ngập tràn hạnh phúc.
Phút giây cao đẹp nhất là đây.
"Nghe thơ thật."
"Nhưng sau đó đến lượt Quỷ. Khi Faust vừa chết, hắn thốt lên"
Xong! một từ ngốc nghếch.
Sao lại xong?
Xong và hư không, hoàn toàn đơn điệu!
Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng
Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng
Ta hiểu gì khi nói "thế là xong?"
Xong như thể chưa bao giờ tồn tại;
Trong cái vòng luẩn quanh, nó như thế đã hiện tồn nơi ấy.
Nên ta quí yêu sự Trống rỗng Vĩnh hằng.
"Bi quan quá! Em thích đoạn trước hơn. Ngay cả khi cuộc sống của ông ta kết thúc. Faust đã thấy được ý nghĩa nào đó của những gì ông sẽ để lại."
"Và chẳng phải đó cũng là một hệ quả của học thuyết Darwin rằng ta là một phần của một cái gì đó bao trùm tất cả mà trong đó mỗi sự sống li ti đều có ý nghĩa của nó trong bức tranh lớn hay sao? Ta là hành tinh sống, Sophie à. Ta là một con tàu lớn đi trong vũ trụ quanh mặt trời rực cháy. Nhưng mỗi chúng ta là một con tàu nhỏ chở gen căng buồm đi suốt cuộc đời. Khi ta đưa hàng an toàn đến bến tiếp theo, ta đã sống không vô ích. Thomas Hardy đã thể hiện tư tưởng đó trong bài thơ 'Những Biến đổi của ông:
Một phần của cây thủy tùng này
Là của một người đàn ông cụ tổ tôi quen
Nảy nở dưới gốc cây,
Cành nhánh này có thể là vợ anh ta,
Một đời người tươi đỏ
Nay thành một chồi xanh.
Lá cỏ này hẳn đã được tạo
Từ cô ấy người thế kỷ trước
Thường nguyện cầu được sự thảnh thơi
Và nàng con gái dạo xưa
Người tôi cố làm quen
Chắc đã nhập vào bông hồng này.
Vậy họ không ở dưới sâu
Mà tim óc ở đâu đây
Ở trong dòng khí bay lên
Họ cảm nhận nắng mưa
Và năng lượng
Đã từng tạo nên họ.”
“Hay quá!”
“Nhưng ta sẽ dừng ở đây. Tôi chỉ cần nói: Chương tiếp theo!”
“Ôi! Thầy ngừng cái trò châm chọc đó đi có được không!”
“Chương tiếp theo! Tôi đã nói rằng lời tôi sẽ là mệnh lệnh.”