Thế giới 5000 năm

Thành Lập Liên Hiệp Quốc

THÀNH LẬP LIÊN HIỆP QUỐC

Vào một buổi trưa, thành phố lớn thứ hai ở miền Tây nước Mỹ Xan Phranxixcô bỗng đổ mưa dữ dội. Những giọt mưa to bằng hạt đậu theo gió cuốn hắt lên mặt đường nhựa, sủi bong bóng. Nhưng đúng vào thời điểm ấy hàng vạn dân thành phố đã đội mưa tiến về Nhà hát lớn Xan Phranxixcô ở trung tâm thành phố, trong số đó có một ít kiều dân Trung Quốc. Họ xếp thành hàng dài để lĩnh tấm phiếu dự thính hội nghị. Chỉ có 1500 phiếu dự thính, được phát hết rất nhanh, số người không lấy được đành nán lại, tụ tập trước Nhà hát lớn. Vì sao dân thành phố Xan Phranxixcô vui mừng đến như vậy. Bởi vì ngày hôm đó - 25 tháng 4 năm 1945 là ngày tụ hội đại biểu các nước trên thế giới chống phát xít, họ đến bàn về việc thành lập Liên Hiệp Quốc.

4 giờ chiều, mưa dần dần ngớt. Một đoàn xe con từ xa lướt tới, trên mỗi chiếc xe đều cắm một quốc kỳ, 46 nước, 46 quốc kỳ khác nhau, đỏ đỏ xanh xanh, rực rỡ đẹp mắt. Đại biểu Mỹ xuống xe, gồm 156 người, là đoàn đại biểu có số lượng đông nhất. Các đại biểu Trung Quốc xuống xe, gồm 45 người, đứng thứ hai sau đoàn Mỹ. Những hoa kiều trông thấy các đại biểu Trung Quốc tóc đen da vàng, vui mừng giơ hai tay hô to:

“China - Zhonguo China – Zhonguo!”. Những bó hoa tới tấp bay tới Đoàn, nhiệt liệt bày tỏ tấm thịnh tình của họ. Tiếp đó là đoàn đại biểu Anh, 65 người; đoàn đại biểu Liên Xô 15 người. Các đại biểu của 4 nước sáng lập và đại biểu các nước khác có tất cả 850 người tiến vào Nhà hát, nối tiếp là 1800 nhà báo các nước tiến vào hội trường - Nhà hát Xan Phranxixcô đàng hoàng và tráng lệ, hội trường có ba tầng: tầng dưới dành cho đại biểu, tầng hai các nhà báo, tầng ba là những người dân đến dự thính.

Vì sao đông đảo nhân dân khao khát hòa bình mãnh liệt đến như thế. Bởi vì giành được hòa bình quả thật không dễ dàng.

Từ tháng 7 năm 1937, khi đế quốc Nhật mở đầu cuộc xâm lược đẫm máu đối với Trung Quốc, bóng đen của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai đã bao phủ lên toàn thế giới. Tháng 9 năm 1939, quân xâm lược Đức quốc xã Hitle bất ngờ tấn công Ba Lan. Đại chiến thế giới lần thứ hai đã bùng nổ toàn diện. Gót sắt của quân đội ba nước phát xít Đức, Ý, Nhật hầu như đã giày xéo lên khắp châu Âu châu Á, ngọn lửa chiến tranh đã lan tới hơn 60 nước và khu vực trên thế giới, hơn 2 tỷ người bị cuốn vào chiến tranh, nếm đủ mùi gian khổ của chiến tranh. Hàng tỉ người khao khát chờ đợi một ngày nào đó đánh bại hoàn toàn bọn phát xít, thực hiện một nền hòa bình lâu dài!

Với sự chung sức tiến công của nhân dân các nước chống phát xít, bọn phát xít Đức, Ý, Nhật điên cuồng nhất thời cuối cùng đã sụp đổ. Thế là mọi người muốn xây dựng một tổ chức chung để duy trì hòa bình. Tháng 10 năm 1943, đại biểu các nước Trung Quốc, Mỹ, Anh, Liên Xô đã họp nhau tại Matxcơva, ra bản “Tuyên ngôn an ninh chung”. Đó là bước đầu của sự kêu gọi lập một tổ chức an ninh quốc tế.

Tháng 11 năm 1943, những người đứng đầu 3 nước Trung Quốc, Mỹ, Anh đã họp hội nghị Cairô, trao đổi về chính sách chung sau khi chiến thắng Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Tiếp đó tại Têhêran lại tổ chức hội nghị những người đứng đầu 3 nước Mỹ, Anh, Liên Xô để trao đổi về chính sách chung sau khi chiến thắng Đức, Nhật và sau chiến tranh. Trong thời gian hội nghị, tổng thống Mỹ Rudơven và chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Xtalin đã gặp nhau và nêu ra kiến nghị thành lập Liên hiệp quốc.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1944, đại biểu 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, và sau đó đại biểu 3 nước Mỹ, Anh, Trung Quốc đã lần lượt họp tại Rừng sồi Đônbaton ở ngoại ô Oasinhtơn, để khởi thảo Điều lệ của Liên hiệp quốc. Những cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra trong các cuộc họp.

Nguyên do là, về vấn đề thành lập Liên hiệp quốc, đại biểu Mỹ và đại biểu Liên Xô, tuy cùng có xuất phát điểm giống nhau, nhưng lại có những mục tiêu khác nhau. Điểm giống nhau là nhất trí muốn giữ gìn hòa bình thế giới; nhưng mục tiêu của Mỹ là muốn xây dựng một tổ chức điều hòa các nước trên thế giới sau chiến tranh, còn mục tiêu của Liên Xô là muốn đề phòng các lực lượng phát xít Đức, Nhật ngóc đầu dậy. Do đó khi đi vào những vấn đề cụ thể thì ý kiến không nhất trí.

Đại biểu Liên Xô đề nghị khi Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc biểu quyết thì 5 nước lớn Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp có “quyền phủ quyết”. Có nghĩa là chỉ cần 1 trong 5 nước lớn phản đối thì bất kỳ sự biểu quyết nào cũng vô hiệu. Đại biểu Anh tỏ ý kiên quyết phản đối đề nghị đó. Họ nói khi một vấn đề nào đó có quan hệ đến một phía, nếu phía đó dùng quyền phủ quyết có nghĩa là phủ nhận nguyên tắc “dân chủ” thiểu số phục tùng đa số. Đại biểu Liên Xô dựa vào lý lẽ nói: các nước lớn có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình chỉ có dùng quyền phủ quyết mới có thể giữ được sự nhất trí trong bước đi của các nước lớn, đồng thời cũng tránh được sự can thiệp đối với một nước lớn nào đó. Nhưng các đại biểu Anh và Mỹ không đồng ý đành phải gác vấn đề đó lại.

Tiếp đó đại biểu Liên Xô lại đề nghị rằng hai nước (cộng hòa) Ukraina và Bêlaruxia bị bọn xâm lược Đức giày xéo nặng nề nhất, cũng là hai nước đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, nên để hai nước trở thành nước hội viên của Liên hiệp quốc. Đại biểu Mỹ kiên quyết phản đối, họ nói Ukraina và Bêlaruxia là một bộ phận của Liên Xô nên không thể trở thành nước hội viên của Liên hiệp quốc. Vấn đề đó cũng phải gác lại.

Những vấn đề trên đây mãi đến tháng 2 năm 1945 trong hội nghị những người đứng đầu các nước họp ở Yanta (trên bán đảo Crưm ở miền Nam Liên Xô) mới được giải quyết. Tổng thống Mỹ Rudơven, Thủ tướng Anh Sơcsin và Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Xtalin đã thỏa thuận đồng ý phương án tổ chức của Liên Hiệp Quốc, đồng ý 5 nước lớn có quyền phủ quyết, công nhận Ukraina và Bêlaruxia là nước thành viên và như vậy mới triệu tập được “Hội nghị lập hiến” của Liên Hiệp Quốc họp tại Xan Phranxixcô, tức hội nghị xây dựng Hiến chương Liên hiệp quốc.

Ngày thứ hai của hội nghị, tức ngày 26 tháng 4 là một ngày nắng ráo đẹp trời. Chương trình phiên họp hôm đó là ngoại trưởng 4 nước sáng lập phát biểu hội nghị quy định thứ tự phát biểu là Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Anh, mỗi người phát biểu không quá 12 phút. Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp bước lên diễn đàn trong tiếng vỗ tay vang dội. Ông nói: Nhân dân Liên Xô thiết tha mong muốn một nền hòa bình lâu dài, trong sự nghiệp xây dựng một tổ chức an ninh quốc tế, Liên Xô là một chiến sĩ chân thành và kiên định. Bài diễn văn của ông đã nói lên một cách sinh động thái độ chân thành của Chính phủ Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Xtalin, vì vậy đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới đánh giá cao.

Cuộc họp diễn ra vừa tròn 2 tháng, lúc này các (nước hội viên đã lên tới con số 50. Ngày 26 tháng 6 Đại hội đã nhất trí thông qua hiến chương Liên Hiệp Quốc, đại biểu các nước đều ký tên trên bản Hiến chương đó. Đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc Đổng Tất Vũ là một trong các thành viên của Đoàn đại biểu Trung Quốc, đã ký tên vào bản Hiến chương.

Căn cứ vào quyết định của hội nghị Xan Phranxixcô, ngày 24 tháng 10 năm 1945 Liên Hiệp Quốc tuyên bố thành lập. Trụ sở chung của Liên Hiệp Quốc được đặt tại Niu Oóc, bên bờ biển phía Đông của nước Mỹ.

NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN RUTXEN

Nói đến nhân vật có ảnh hưởng nhất đối với giới tư tưởng phương Tây hiện đại thì Rutxen là một trong số những con người ấy - Ông là người đa tài, uyên bác, vừa là nhà triết học, nhà toán học nhà logic học và nhà xã hội học. Ông sống tới 98 tuổi, tác phẩm của ông vượt hơn hẳn các học giả cùng thời, thực sự có thể gọi ông là nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XX. “Để biểu dương các tác phẩm đa dạng và giàu ý nghĩa của ông nhằm bảo vệ những lý tưởng nhân đạo và sự tự do tư tưởng. Viện văn học Thụy Điển đã tặng ông giải thưởng Nôben vào năm 1950.

Năm 1872 Rutxen ra đời trong một gia đình quý tộc ở xứ Uên, nước Anh. Ông nội của Rutxen đã hai lần làm Thủ tướng dưới thời nữ hoàng Victôria, cha là tử tước mẹ là con gái một tước sĩ. Năm Rutxen lên 2 tuổi mẹ và chị đã mất vì bệnh bạch hầu, người cha quá đau buồn, hơn một năm sau cũng từ giã cõi đời. Từ đó ông cùng với một người anh về ở với ông bà ngoại.

Thời niên thiếu Rutxen rất cô độc, ông không được gửi đến trường học như người anh mà được học ở nhà với một gia sư. Đến năm 11 tuổi được anh hướng dẫn học hình học Ơclit, ông mới cảm thấy hào hứng và không cảm thấy cô độc nữa. Ông chưa bao giờ hình dung được trên thế giới còn có nhiều điều kỳ diệu đến thế. Toán học trở thành nguồn cảm hứng lớn nhất và nguồn vui chính trong cuộc đời của ông.

Năm 18 tuổi, Rutxen thi vào Học viện 31 thuộc trường đại học Cambrit. Lúc đầu ông học toán, sau đó, cảm thấy hứng thú, ông học triết học, sau 3 năm học tập năm 1893 ông đã vượt qua được kỳ thi học vị danh dự về toán học; sau đó ông tập trung học triết, một năm sau ông đỗ đầu kỳ thi giành học vị danh dự về luân lý học. Năm 1895, qua bản luận văn về cơ sở kỷ hà học, ông đã trở thành nghiên cứu viên của Học viện 31.

Về học thuật, diện nghiên cứu của ông rất rộng. Sau khi đạt chức vị nghiên cứu viên, ông lại đi Béclin nghiên cứu về chính trị học và kinh tế học, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, đọc hết 3 cuốn Tư bản luận của Mác. Chỉ trong vòng 1 năm ông đã viết xong cuốn sách nhan đề “Nền dân chủ xã hội của Đức”. Trong cuốn sách đó ông đã đánh giá cuốn “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” như sau:

“Hành văn của Tuyên ngôn cộng sản không gì sánh nổi. Theo tôi, những tu từ sâu sắc, những mỹ từ khúc chiết rõ ràng, cách nhìn thấu suốt lịch sử làm cho cuốn sách trở thành một văn kiện chính trị hay nhất từ xưa tới nay. Qua tác phẩm ngời sáng ấy, chúng ta đã nhìn thấy một sức mạnh theo quan điểm lịch sử duy vật như sử thi vậy.

Tuy Rutxen khẳng định “Tuyên ngôn cộng sản” như vậy nhưng ông không hiểu được học thuyết giai cấp của Mác. Vì vậy đã phê bình Mác phân chia xã hội thành giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, tức là coi nhẹ sự xuất hiện của giai cấp trung sản đứng giữa hai giai cấp trên, tức là sự xuất hiện của các nhân viên kỹ thuật trong sản xuất.

Năm 1900, Rutxen 28 tuổi đã sang Pari tham dự đại hội các nhà triết học thế giới, ông đã gặp một nhà lôgic học người Ý tên là Pêanô. Một loạt hệ thống ký hiệu do nhà lôgic học này đề ra đã gợi mở cho Rutxen, ông cảm thấy những quy luật lôgic cần biểu đạt bằng ký hiệu, và toán học kỳ thực chỉ là một nhánh của lôgic. Nói như vậy cũng có nghĩa là toàn bộ toán học thuần túy chỉ nghiên cứu những khái niệm trong đó dùng rất ít khái niệm lôgic để định nghĩa, và toàn bộ toán học thuần túy đều có thể diễn dịch từ trong rất ít những nguyên lý lôgic cơ bản. Cuốn sách “Cơ sở toán học” của ông xuất bản năm đó bước đầu đã chứng minh quan điểm của ông về sự đồng nhất giữa toán học và lôgic.

Sau khi trở về trường đại học Cambrit, ông cùng với người thầy của mình, nhà toán học nổi tiếng Oaitơhit Whitehead 1861 - 1947) thảo luận về quan điểm đó. Oaitơhit đã tán thưởng quan điểm đó của ông. Từ đó hai người cộng tác với nhau nghiên cứu lôgic toán học.

Từ 1910 đến 1913 Rutxen và Oaitơhit đã hoàn thành tác phẩm lớn gồm 3 tập “Nguyên lý toán học”.

Trong tác phẩm đó, hai ông đã tiếp tục chứng minh rõ toán học là một nhánh của lôgic học, những khái niệm toán học có thể định nghĩa bằng những khái niệm lôgic những quy luật toán học có thể suy luận từ một số tiền đề của lôgic học, những định lý toán học có thể được chứng minh thành định lý lôgic học; lại xuất phát từ tư tưởng lôgic đó xây dựng một hệ thống ký hiệu, công thức rất lớn. Tác phẩm đó có ý nghĩa đánh dấu thời đại về mặt triết học. Cuốn sách đã khảo sát vị trí của tri thức toán học theo một quan điểm mới, thúc đẩy sự phát triển của lôgic học toán lý, đó cũng là tác phẩm lôgic quan trọng nhất kể từ Arixtốt thời cổ La Mã tới nay.

Mùa hè năm 1914, cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Xuất phát từ lập trường hòa bình, Rutxen đã phản đối cuộc chiến tranh, phản đối nước Anh tham chiến. Ông đã viết những bài chống chiến tranh, tổ chức những cuộc nói chuyện chống chiến tranh đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động của các tổ chức chống chiến tranh và Hội liên hiệp chống quân dịch.

Tháng 4 năm 1916 Hội liên hiệp chống quân dịch đã phân phát truyền đơn kháng nghị việc xử án khổ sai hai năm đối với những người chống quân dịch. Một số người đi phân phát truyền đơn đã lĩnh án khổ sai vì việc ấy. Rutxen biết sư việc đó bèn đứng ra tuyên bố rằng truyền đơn đó là do ông viết, không thể buộc tội những người đi phân phát truyền đơn. Kỳ thực, ông không phải là nhân vật chủ yếu viết tờ truyền đơn đó, song cũng vì việc làm của ông. Tòa án Anh đã buộc tội ông, hoặc nộp 100 bảng Anh tiền phạt, hoặc thay vào đó là ngồi tù 61 ngày. Sau đó bạn bè ông đã nộp tiền nộp phạt mới kết thúc được việc ấy. Nhưng ông bị tước bỏ chức danh giảng sư ở Học viện 31.

Không đầy hai năm sau, vì viết bài phản chiến ông lại bị cầm tù. Sáu tháng sau ngày Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc ông mới được tha. Nhưng, ông đã không hề lãng phí thời gian, trong nhà tù ông đã viết cuốn “Dẫn luận triết học toán học” và còn bắt tay viết cuốn “Phân tích cái tâm”.

Năm 1920, Rutxen thăm nước Nga xô viết. Năm đó ông đã viết cuốn “Lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Bônsêvich”. Trong cuốn sách ấy, một mặt ông thừa nhận “nước Nga có một chính phủ công bằng, nhưng mặt khác ông lại nói đó là “một chế độ quan liêu bạo ngược và đóng kín cửa, nó có một chế độ đặc vụ còn nghiêm mật hơn, đáng sợ hơn cả dưới thời Nga hoàng”. Năm sau ông đến Trung Quốc để giảng dạy, sống gần một năm tại đây. Những quan điểm triết học của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với giới học thuật Trung Quốc thời bấy giờ.

Trở về nước Anh, Rutxen lấy vợ lần thứ hai, sau đó thêm hai người con nữa. Có lẽ do đông con, ông lại nghiên cứu về vấn đề giáo dục. Năm 1926 ông cho xuất bản cuốn “Bàn về giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em”. Năm sau ông lại sáng lập một trường học nhằm thực hiện những tư tưởng của ông về giáo dục trẻ em - đó là trường Phong Hỏa Sơn.

Học thuyết giáo dục của Rutxen là: Mục đích của giáo dục là làm cho mọi người vui vẻ và hạnh phúc. Để đạt mục đích ấy cần phải bồi dưỡng những phẩm cách lý tưởng cho người được giáo dục. Thế nào là phẩm cách lý tưởng? Rutxen cho rằng nó có 4 đặc điểm: sức sống, dũng khí, sự nhạy cảm và trí lực. Vì vậy ở trường Phong Hỏa Sơn ông đã khuyến khích học sinh tự do tư tưởng, mạnh dạn hành động. Do Rutxen quá chú trọng đến lý tưởng và mục đích mà thiếu những biện pháp để thực hiện lý tưởng, thêm vào đó ông thu nạp rất nhiều trẻ em hư vào trường, nên trường học ông lập ra không thành công lắm.

Năm 1931 người anh của Rutxen qua đời, theo quy định thì ông là người được kế thừa tước vị cha truyền con nối, do đó ông trở thành một vị bá tước cao sang. Từ đó về sau ông chuyển sang nghiên cứu lịch sử.

Qua 3 năm nỗ lực, Rutxen đã hoàn thành cuốn sách “Tự do và tổ chức từ năm 1814 đến 1914”. Trong trước tác về lịch sử đó ông đã phân tích nguyên nhân của những thay đổi chính trị ở các nước Âu Mỹ trong 100 năm từ 1814 đến 1914 gồm 4 điểm: một là kinh tế kỹ thuật, hai là lý tưởng chính trị, ba là phải có những con người năng lực siêu việt, bốn là những sự kiện ngẫu nhiên.

Trong 4 điểm trên Rutxen đặc biệt nhấn mạnh điểm thứ ba và điểm thứ tư. Ông đã đưa ra hai thí dụ nổi tiếng: một là, nếu nước Phổ có ông Tể tướng “thép” năng lực siêu việt Bixmăc mà chết đi lúc còn trẻ thì lịch sử châu Âu 70 năm trước đó đã khác với những điều đã xẩy ra trong thực tế. Một thí dụ khác là nếu đầu thế kỷ thứ XVI, vua Hen ri VIII thuộc vương triều Tuđo của nước Anh không yêu Ana Bôlleyn thì không thể có nước Mỹ ngày nay. Cũng chính là vì những sự kiện ngẫu nhiên, nước Anh mới chia rẽ với Giáo hoàng, từ đó không thừa nhận việc Giáo hoàng đã dâng Nam Bắc Mỹ làm quà tặng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; còn nếu nước Anh vẫn thờ phụng Thiên chúa giáo thì lãnh thổ nước Mỹ ngày nay rất có thể đã trở thành một phần thuộc địa châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha.

Rutxen đã từng viết tiểu thuyết và đã xuất bản hai tập tiểu thuyết ngắn. Tiểu thuyết của ông viết dưới hình thức ly kỳ, không gây được ảnh hưởng gì.

Mùa thu năm 1938, Rutxen được mời sang Mỹ lần lượt làm giáo sư thỉnh giảng tại trường đại học Sicagô và Caliphoócnia, sau đó lại làm giáo sư tại học viện của thành phố Niu Oóc. Tháng 10 năm 1944, nhận lời mời của học viện 31 thuộc trường đại học Cambritgiơ, ông trở về làm nghiên cứu viên và giảng một số môn. Năm năm sau, ông được công nhận là nghiên cứu viên suốt đời của Học viện 31.

Ruxten luôn cho rằng tôn giáo chủ yếu bắt nguồn từ sự sợ hãi trước mọi sự vật thần bí, trước sự thất bại và chết chóc, vì vậy ông một mực phản đối Đạo Cơ đốc. Ông chủ trương con người cần phải kiên định đối mặt với những sự thật tốt và cả xấu nữa trên thế giới, với những cái đẹp và cái ác, dựa vào khoa học và lý trí để chinh phục thế giới. Ông đã nêu một câu nói nổi tiếng: “Cần phải không sợ hãi đối mặt với thế giới; cần lý trí tự do; cần tràn đầy hy vọng ở tương lai, chứ không cần nhìn vào quá khứ đã chết”.

Rutxen đã 3 lần tranh cử vào Quốc hội nhưng đều không thành công. Ông chưa bao giờ đảm nhiệm một chức vụ gì của bộ máy chính quyền. Ông đã từng thẳng thắn bộc bạch quan điểm chính trị của mình: “Tôi không thích chủ nghĩa cộng sản bởi vì nó không dân chủ; tôi cũng không thích chủ nghĩa tư bản, bởi vì nó tán thành bóc lột”. Tuy nhiên giới quan chức Anh vẫn ca ngợi những học giả như ông, năm 1919 đã tặng ông Huân chương danh dự. Năm đó Học hội hoàng gia Anh cũng mời ông làm nghiên cứu viên danh dự. Sau đó 1 năm, ông đã được nhận giải thưởng văn học Nôben. 

“ĐỜI NGƯỜI NÊN SỐNG NHƯ THẾ!”

Bạn đã trông thấy kỳ tích của một cuộc sống như thế sao?

Có một người thanh niên, hai mắt bị mù, toàn thân bại liệt, nằm trên giường bệnh, tay lần trên tấm gỗ khắc rãnh một cách vất vả, đặt lên đó một tờ giấy, tay cầm bút chì, từng chữ cái một viết lên giấy thật là khó khăn. Anh viết, viết mãi viết liền trong mấy năm, cuối cùng anh đã viết xong một cuốn tiểu thuyết dài tới mười mấy vạn chữ.

Một con người bị mù và bại liệt lại có thể viết sách sao? Đúng vậy đấy. Anh không những chỉ viết một cuốn mà còn viết cuốn thứ hai, một tác phẩm lớn chói sáng trên văn đoàn thế giới.

Con người ấy là ai? Anh chính là Nicôlai Ôxtơrốpxki, người đảng viên cộng sản kiên cường, nhà văn Liên Xô những năm 30.

Nicôlai Alêchxâyêvich Ôxtơrốpxki sinh năm 1904 trong một xóm nhỏ của Ukraina. Cha là một công nhân nấu rượu, mẹ phải đi ở, thổi cơm giặt giũ cho người khác. Anh chỉ được học ở trường có 3 năm, vừa tròn 10 tuổi đã phải đi làm “thợ nhóc” ở nhà ăn ga xe lửa và xưởng phát điện. Từ tấm bé đã phải chịu nhiều đắng cay cực khổ, sớm hiểu được nỗi đau khổ và niềm hy vọng của người dân sống ở dưới đáy của xã hội, tận mắt nhìn thấy sự đồi trụy, tham lam và tội ác của giai cấp tư sản.

Từ thuở nhỏ Ôxtơrốpxki đã mê đọc sách, dù lao động nặng nhọc như thế nào anh cũng không rời cuốn sách. Chiếc áo sơ mi trên người anh luôn luôn cồm cộm bởi anh nhét đầy sách. Hễ rảnh rỗi là anh lôi sách ra vùi đầu đọc, đến nỗi bà chủ tiệm ăn véo vào tai anh, anh mới đành phải buông cuốn sách. Có lần anh đọc một cuốn tiểu thuyết viết về chuyện một người anh hùng Italia tên là Garibanđi chống lại quân xâm lược Áo, anh muốn mua nhưng trong túi không có tiền. Đứng tần ngần hồi lâu bên quầy sách cuối cùng anh rút số tiền ăn trưa còn lại trong túi để mua cuốn sách đó, về nhà anh đã đọc nó thâu đêm suốt sáng.

Sau ngày cách mạng tháng Mười thắng lợi, anh tích cực lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền xô viết, Năm 1919, Hồng quân tiến vào Ucraina. Anh là lớp đầu tiên tham gia Đoàn thanh niên cộng sản. Tiếp đó anh trở thành chiến sĩ Hồng quân, tình nguyện phục vụ trong đoàn kỵ binh, Lúc ở tiền tuyến khói lửa anh cũng không bao giờ rời cuốn sách. Trong chiếc ba lô của anh luôn có những cuốn tiểu thuyết mà anh yêu thích nhất. “Ruồi trâu” của Vôinisơ và “Spactac” của Giôvanôli. Những giờ rỗi rãi lúc hành quân hoặc giữa hai trận đánh anh thường lôi sách ra đọc hoặc đọc cho đồng đội nghe.

Năm 1920, Ôxtơrốpxki bị thương nặng trong một trận chiến đấu, chuyển ngành về nhà máy làm công tác Đoàn thanh niên cộng. sản - Mùa thu năm sau, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức Đoàn, anh đến công trường sắt Baiarơca, Có lần sông Đơniep dâng lũ anh đã không nghĩ đến sức khỏe suy nhược của mình, lao mình xuống dòng nước lạnh giá, xông pha gió tuyết để cứu lấy những thanh tà vẹt và gỗ đang trôi nổi, và anh đã mắc bệnh phong thấp thương hàn. Năm 1924 anh vào Đảng cộng sản. Năm sau tình trạng sức khỏe của anh xấu dần, thường nằm liệt không dậy nổi, nhưng với một nghị lực ngoan cường, khắc phục mọi khó khăn, trên giường bệnh anh đã học xong toàn bộ giáo trình về chủ nghĩa cộng sản của trường đại học hàm thụ. Năm 1927 anh bắt đầu bị liệt vì bệnh vôi cứng cột sống, mắt mờ nhìn không rõ mọi thứ. Nhưng anh vẫn không khuất phục bệnh tật, anh đã tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút.

Năm 1928, trong tình trạng đôi mắt gần như bị mù anh đã viết cuốn truyện vừa phản ánh đời sống chiến đấu của sư đoàn Khatôpxki. Nhưng bản thảo duy nhất của anh sau khi đưa cho bạn xem đã bị thất lạc trên đường gửi về. Sự tổn thất nặng nề đó không đánh bại được ý chí chiến đấu kiên cường của anh. Ngược lại càng làm cho anh đấu tranh ngoan cường hơn với bệnh tật. Anh quyết tâm tiếp tục viết. Từ năm 1929 Ôxtơrốpxki hoàn toàn mù hai mắt và toàn thân đã bại liệt, chỉ có thể mãi mãi làm bạn với chiếc cáng bệnh nhân. Nhưng anh nói: “Chỉ cần một tế bào trong cơ thể tôi còn sống, còn có thể chống chọi được thì tôi còn sống và còn chiến đấu”. Chính trong hoàn cảnh đó, anh bắt đầu viết bộ tiểu thuyết dài. “Thép đã tôi thế đấy”.

Mới đầu, anh đặt một tấm gỗ lên giường, trải một tờ giấy lên đó và viết. Nhưng mắt không nhìn thấy gì nữa viết không thẳng hàng, thậm chí chữ đè lên nhau, người khác không thể nào đọc được. Thế là anh nhờ người khác khắc những đường rãnh lên tấm gỗ, sau khi phủ giấy lên anh viết chữ theo những rãnh đó.

Chữ anh viết đã thẳng hàng. Viết xong một trang anh lại nhờ người khác viết giúp cho một trang, dần dà góp thành một tập. Sau đó được tổ chức Đảng và bạn bè quan tâm giúp đỡ, anh chỉ kể chuyện, người thư ký hoặc người đánh máy ghi lại, chỉnh lý bản thảo và với cách ấy anh đã vượt qua biết bao khó khăn mà người khác không tưởng tượng nổi, sau 5 năm làm việc anh đã hoàn thành tác phẩm văn học đồ sộ đó.

“Thép đã tôi thế đấy” là một bộ tiểu thuyết dài có tính chất tự truyện. Hình tượng nhân vật chính Paven Coocxaghin chính là hình ảnh vốn có của chính tác giả. Những tình tiết cơ bản của cuốn tiểu thuyết chính là khái quát cuộc đời chiến đấu của tác giả. Vì vậy ngôn ngữ, hành động và thế giới nội tâm của nhân vật được miêu tả hết sức chân thực và xúc động. Thông qua việc miêu tả quá trình trưởng thành của Paven Coocxaghin, cuốn tiểu thuyết đã chứng minh một cách mạnh mẽ và sinh động rằng qua sự tôi luyện của lò lửa cách mạng, con của một công nhân bình thường hoàn toàn có thể trở thành một chiến sĩ cộng sản gang thép.

Ở chương 3 tập 2 của cuốn tiểu thuyết, khi miêu tả Paven đang dưỡng bệnh ở quê nhà ra nghĩa trang viếng những chiến hữu đã hy sinh, anh đã tư bộc bạch tấm lòng mình một cách mãnh liệt và chân thành:

“Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời ngươi chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời! sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Những lời lẽ đầy khí phách đó là sự phản chiếu rực rỡ cuộc đời của Paven Coơcxaghin, cũng là sự thăng hoa của tư tưởng cộng sản cao cả của tác giả Nicôlai Ôxtơrốpxki, nó đã cổ vũ hàng triệu hàng triệu thanh niên cách mạng hăng hái tiến lên, trở thành câu cách ngôn thường trực của đông đảo thanh niên cách mạng.

Từ năm 1932 “Thép đã tôi thế đấy” liên tiếp được đăng trên tạp chí “Thanh niên cận vệ”. Cuốn tiểu thuyết vừa ra đời đã đón nhận sự chào đón nồng nhiệt của độc giả ở Liên Xô và ở các nước khác. Thanh niên toàn thế giới đều xem cuốn tiểu thuyết đó là bộ sách giáo khoa trong cuộc sống của mình, coi hình tượng sáng chói Paven Coocxaghin là tấm gương cho mình học tập. Để biểu dương những cống hiến vĩ đại của tác giả, Nhà nước Liên Xô đã tặng Ôxtơrốpxki huân chương cao quý nhất - huân chương Lênin.

Cuốn năm 1934, Ôxtơrốpxki lại bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết khác – “Ra đời trong bão táp”. Anh dự định viết 3 tập, nhưng thật không may, năm 1936 đúng vào ngày tập I của cuốn sách ra mắt độc giả thì Ôxtơrốpxki đã từ giã cuộc đời khi anh mới 32 tuổi. Tập 3 anh còn viết dở dang…

Hai bộ sách lớn đầy tính chiến đấu của giai cấp vô sản ngời sáng đó, giúp chúng ta nhìn thấy một cách rõ nét cuộc đời vẻ vang của Ốxtơrôpxki, đúng như lời thề mà anh đã viết: “Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Cuộc đời của Anh đúng là như vậy đó!

“TRÁI BOM VÀ NGỌN CỜ”

Tại nhà hát Bansôi Matxcơva ánh điện rực sáng, không gian tĩnh lặng một không khí nghiêm trang bao trùm nhà hát. Tại đây mọi người đang cử hành trọng thể Lễ kỷ niệm 6 năm ngày mất của người thầy cách mạng Vơlađimia Ilich Lênin. Xtalin và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô có mặt trong buổi lễ.

Buổi lễ vừa kết thúc thì một người cao lớn bước lên sân khấu. Ngừng một lát, với giọng trầm lắng và bi tráng, Anh đọc bài thơ trường ca Lênin:

Chúng ta

phải từ giã một con người

con người hiện thực nhất

trong những người

đang sống

trên cõi đời.

Một con người

thân thương biết bao

ấm áp tình người biết bao

với đồng chí

Người vẫn đứng đó

trước mặt kẻ thù

rắn hơn gang thép!

Cả hội trường nín thở, ngậm nước mắt, nén đau thương lắng nghe từng lời. Tình cảm của họ dạt dào, xúc động theo những dòng thơ bi tráng. Khi anh ngừng lời, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm. Xtalin cũng vỗ tay nhiệt liệt khen ngợi nhà thơ.

Người vừa ngâm bài thơ đó là Vơlađimia Vơlađimitơrôvich Maiacốpxki, nhà thơ cách mạng nổi tiếng Liên Xô.

Malacốpxki sinh năm 1893 tại làng Bacđađi (nay là làng Maiacốpxki) thuộc xứ Grudia, thân phụ là một quan chức ngành lâm nghiệp có tư tưởng dân chủ. Năm lên 9 tuổi ông vào trường trung học, tại đây ông đã tham gia nhóm mác xít và những hoạt động biểu, tình thị uy. Năm 13 tuổi, bố mất, cả nhà chuyển về Matxcơva. Năm 15 tuổi ông tham gia Đảng bônsơvích làm công tác bí mật. Ông bị bắt 3 lần, trong nhà tù ông đọc rất nhiều sách và bắt đầu sự nghiệp sáng tác.

Trong cuộc khởi nghĩa tháng Mười ở Pêtrôgrat (nay là Lêningrat) Maiacốpxki tích cực tham gia công tác tuyên truyền cổ động tại Bộ tư lệnh khởi nghĩa đóng trong điện Xmônnưi. Binh lính khởi nghĩa đã hát vang lời thơ ông sáng tác “Giai cấp tư sản, chúng mày đã đến ngày tận số!”, họ đã tiến vào cung điện mùa Đông thắng lợi.

Trong thời kỳ nội chiến, trong tủ kính của nhiều hiệu buôn ở Matxcơva cũng như các thành phố khác đã xuất hiện các tấm áp phích châm biếm rất mới mẻ. Đó là loại áp phích gồm nhiều tranh liên hoàn với nhiều màu sắc tươi sáng Người chủ biên là Hãng thông tấn Nga Rôxta, cho nên người ta gọi loại áp phích đó là “những ô cửa sổ châm biếm Rôxtan”.

Một hôm, Maiacốpxki đi qua cửa một hiệu buôn và ông đã bị cuốn hút bởi những bức tranh đó. Ông nghĩ, nếu có thêm những câu thơ vào bức tranh chắc sẽ tốt hơn. Thế là ông tìm gặp người phụ trách “Những ô cửa sổ châm biếm Rôxta” đề nghị được tham gia vào công việc này.

Thời điểm ấy tổ chức Đảng ở Matxcơva đang tổ chức “Tuần lễ kết nạp đảng viên” để mở rộng hơn nữa đội ngũ đảng viên của Đảng động viên quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng để đấu tranh chống quân bạch vệ Đênikin. Giai cấp tư sản tung tin đồn nhảm khắp nơi để gây hoang mang trong dân chúng, chúng nói láo rằng chính quyền xô viết sẽ sụp đổ, Đênikin sẽ thắng. Malacốpxki đã bám chủ đề đó yêu cầu vẽ một bức áp phích, trên đó là hình ảnh một tên bạch vệ hung ác đang bắt người, kèm theo đó là mấy câu thơ:

Hãy vứt bỏ những ý nghĩ hồ đồ không đảng phái

Nếu anh muốn tách khỏi mọi người

Đênikin sẽ tóm cổ các anh không ngần ngại

Bạch vệ tham Lam sẽ ăn sống nuốt tươi!

Từ khi Maicốpxki tham gia công việc của “Những ô cửa sổ châm biếm Rôxta”, ngày ngày ông miệt mài làm thơ minh họa cho tranh áp phích, thường phải thức tới 2, 3 giờ sáng. Buồn ngủ quá ông ngả lưng chợp mắt trong chốc lát, ông thường gối đầu vào một thanh củi để không ngủ say quá giờ. Trong hơn 2 năm, hơn 1000 áp phích của “Những ô cửa sổ châm biếm của Rôxta” thì gần một nửa là do ông vẽ và 90% thơ minh họa là của ông. Thơ minh họa của ông thật đa dạng và hài hước và dễ hiểu. Thí dụ bài thơ trào phúng “Ông vua và con bọ chó” ông đã ví Đênikin là con bọ chó, hắn huênh hoang khoác lác nói sẽ quét sạch những người Bônsêvích. Hoàng đế nước Anh tặng huân chương cho y và tặng y bao nhiêu vàng bạc châu báu. Y tập hợp đám quân bọ chó của y lại, tiến công vào nhân dân. Nhưng Hồng quân tới, bẻ gãy chân bọ chó, thế là hết đời đội quân bọ chó. Đọc  bài thơ, thật sinh động và thú vị, lại có ý nghĩa giáo dục tư tưởng thật mạnh mẽ.

Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Linin từ trần, Niềm đau thương vô hạn bao trùm mọi trái tim những người dân Liên Xô. Maiacốpxki dự Lễ tang Lênin. Ông cảm thấy như mất hồn, mấy ngày liền ông không nói năng gì, ông đắm chìm trong sự đau đớn. Cuối tháng 2, ông viết bài thơ ngắn “Bài ca Đoàn thanh niên cộng sản”. Trong bài thơ ông ca ngợi

Lênin

Người từng sống

Lênin

Người đang sống

Lênin

Người sống mãi!

Sau khi “Bài ca đoàn thanh niên cộng sản” ra đời, nhà thơ đã chuyển sang sáng tác Bản trường ca Lênin. Ông đã dồn tâm trí và sức lực nghiên cứu về cuộc đời của Lênin, những bài văn chính luận và bài diễn thuyết của Lênin, để hiểu sâu sắc nỗi đau của nhân dân Liên Xô trước cái tang Lênin từ trần. Đằng đẵng hơn 6 tháng trời, dù trên đường đi xa, trong khách sạn, lúc tản bộ, ở đâu ông cũng cầm quyển vở nhỏ bìa mầu đen, miệng khe khẽ nói. . . ông đã viết bản trường ca trào dâng từ khối óc của mình.

Bản trường ca Lênin ra đời sau nửa năm sáng tác gian khổ. Nhà thơ chưa vội vàng đăng mà trước tiên ông đem bài thơ đọc trước quần chúng. Quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh ông sau mỗi lần nghe đọc, bởi lẽ bản trường ca đã rất thành công trong việc miêu tả hình tượng Lênin, người lãnh tụ vĩ đại. Quần chúng đông đảo đều nói “Bản trường ca ấy hoàn toàn là của chúng tôi. Maya đã làm được một việc lớn cho giai cấp vô sản khi viết Bản trường ca này”.

Sau năm 1924, sau khi đăng Bản trường ca Lênin, nhà thơ còn sáng tác bài thơ dài ca ngợi sự ra đời của đất nước Xô viết với đầu đề “ Tốt lắm”.

Tràn ngập niềm xúc động, nhà thơ viết:

Tôi ngợi ca

Tổ quốc

ngày nay,

Tôi ngợi ca gấp ba lần

Tổ quốc

ngày mai!

Bài thợ tràn ngập hơi thở của thời đại, mới mẻ và điêu luyện, được mọi người chào đón thật nồng nhiệt.

Maiacốpxki là ca sĩ của thời đại vĩ đại cách mạng tháng Mười Nga. Ông coi thơ ca là “Trái bom và ngọn cờ”, ông cho rằng tiếng nói của thơ ca có thể làm phấn chấn giai cấp vô sản. Thơ ca của ông là ngọn cờ dẫn dắt hàng triệu nhân dân xông lên đấu tranh, cũng là trái bom ném vào thế giới cũ.

Thơ của ông hình thức rất độc đáo, sắp xếp theo bậc thang, tiết tấu rõ ràng mà khỏe khoắn, từ ngữ thật nghiêm trang mà chặt chẽ. Ông nói: “Để luyện được một gam ra-đi-om phải bỏ gần một năm công sức, để tìm được một chữ cho thỏa đáng phải mất hàng tấn ngôn ngữ”. Để viết được một câu thơ, ông thường khổ công suy nghĩ mấy ngày mấy đêm, trăn trở đắn đo cho đến khi thật sự vừa ý.

CUỐN SÁCH VIẾT BẰNG MÁU

Ngày 24 tháng 4 năm 1942, một đêm mùa xuân đẹp và ấm áp, Juliux Phuxích, ủy viên trung ương Đảng cộng sản Tiệp Khắc cải trang thành một cụ già thọt chân, bước đi vội vã. Ông phải đến một điểm hẹn với các đồng chí đảng viên hoạt động bí mật trước khi mọi người đi ngủ.

Ông đi tới nhà vợ chồng Giêlennêch. Ngồi chờ ông còn có vợ chồng Phurit và Milich người trợ lý của Phuxích.

- Các đồng chí, rất vui mừng được gặp các đồng chí, nhưng tôi không mong gặp gỡ nhiều như thế này. Nếu chúng ta không giữ đúng những quy định về hoạt động bí mật thì thà rằng nghỉ công tác, bởi vì làm như vậy không những có hại cho mỗi người mà còn liên lụy đến người khác. . .

Phuxích vừa nói xong thì ngoài cửa có tiếng bấm chuông.

Phuxích nghi hoặc:

- Bây giờ đã là nửa đêm, ai nhỉ?

- Mở cửa nhanh, cảnh sát đây!

Vừa nghe câu quát, Phuxich liền nói với mọi người: “Các đồng chí nhảy qua cửa sổ, chạy đi, tôi có súng ngắn, tôi sẽ yểm hộ cho các đồng chí rút lui!

Nhưng đã muộn, cảnh sát đã đứng chặn cửa sổ, chĩa súng ngắn vào những người trong nhà. Chúng không nhìn thấy Phuxich đang ẩn nấp. Phuxich rút súng định bắn thì nhìn thấy 9 khẩu súng của cảnh sát đang nhằm vào hai người phụ nữ và 3 người nam giới trong tay không có vũ khí. Nếu bắn thì cảnh sát sẽ bắn chết họ. Sau mấy giây suy nghĩ, Phuxích quyết định rời nơi ẩn nấp và xuất hiện.

- À, còn tên này nữa! Bọn cảnh sát đắc ý, đấm vào mặt Phuxichvà tống tiếp mấy quả đấm nữa, cả căn nhà bị chúng lục soát phút chốc trở nên ngổn ngang. . .

Tên cầm đầu có dáng người gầy gò lôi Phuxich đến văn phòng của y, châm một điếu thuốc đưa cho ông.

- Mày là ai?

- Thầy giáo.

- Mày nói láo!

Chiếc gậy vụt liên tiếp vào người Phuxich. . . Một người khỏe cũng khó lòng chịu đựng được những ngón đòn độc ác đó!

- Mày tên là gì? Nói! Ở đâu? Nói! Liên hệ với ai? Nói! Địa điểm liên lạc ở đâu? Nói! Nói mau! Nói! Nếu không tao sẽ đánh chết mày.

Một lát sau, chiếc rađiô phát nhạc hiệu đúng nửa đêm. Tên cầm đầu gầy gò lại xông vào mỉm cười sung sướng:

- Tất cả đã rõ ràng rồi. Thế nào thưa ngài biên tập?

Phuxich hơi chột dạ, ai đã nói cho chúng? Vợ chồng Giêlennếc? Vợ chồng Phurit ư? Nhưng những người đó ngay đến tên Phuxich họ cũng chưa biết!

- Còn nữa, ai là ủy viên trung ương? Điện đài ở đâu? Nhà in ở đâu? Nói! Nói! Nói mau!

Lúc này Phuxich đã có thể trấn tĩnh để nhẩm đếm từng làn roi vụt xuống, một cảm giác đau đớn duy nhất dồn lên đôi môi đang mím chặt.

- Tháo giầy của hắn!

Ông cảm thấy đôi chân chưa bị tổn thương thần kinh bỗng đau nhức. 5 gậy, 6 gậy, 7 gậy. . . và bây giờ thì cảm thấy như chiếc gậy kia đánh vào tận óc tủy.

- Nói mau! Nói mau!

Phuxich dùng lưỡi mình lần theo hàm răng, gắng gượng lần xem bao nhiêu chiếc răng đã rơi rụng, nhưng không đếm được, không rõ là 12, 15 hay 17? Không! Đó chỉ là số lần. “thẩm vấn” của bọn cảnh sát. Vài tên trong số bọn chúng rõ ràng cũng đã thấy mệt mỏi.

3 giờ sáng, chúng lôi vợ Phuxich đến.

- Bà biết ai đây không?

Phuxich liếm những vết máu, không muốn bà vợ trông thấy. . . Bởi vì khuôn mặt của ông đã đầy máu, các đầu ngón tay cũng rỉ máu

- Bà biết ông ta không?

- Không biết!

Bà trả lời rắn rỏi, không hề lộ ra một chút sợ hãi. Bà trước sau một mực giữ lời nói ấy, bất kỳ lần hỏi nào cũng không nhận nhau, mặc dầu biết rằng đến lúc này làm như thế chẳng ích lợi gì.

Cảnh sát đã lôi bà đi. Phuxich cố hết sức đưa ánh mắt vui vẻ để tiễn bà.

Lúc này trước mặt Phuxich là cửa ngục hé mở. Một tên đội viên gác ngục to béo lôi ông vào.

- Ông ta sẽ không sống được quá sáng ngày mai!

Trên đây là một đoạn trong tác phẩm bất hủ “Viết dưới giá treo cổ” của Phuxich, người chiến sĩ Tiệp Khắc anh dũng chống phát xít, đoạn miêu tả ông bị bắt và tra tấn.

Phuxich là một đảng viên cộng sản ưu tú của Tiệp Khắc, là nhà báo cách mạng, nhà văn và nhà bình luận. Ông đã từng làm Tổng biên tập báo Quyền lợi đỏ, cơ quan của Đảng cộng sản Tiệp Khắc! Từ năm 1936, nền độc lập của Tiệp Khắc đã bị bọn Đức quốc xã uy hiếp nghiêm trọng. Với lòng yêu nước mãnh liệt, Phuxich đã viết nhiều bài tố cáo âm mưu và dã tâm của kẻ thù. Ngày 15 tháng 3 năm 1939, Tiệp Khắc bị Đức quốc xã xâm chiếm. Phuxich đã tích cực tham gia và lãnh đạo cuộc đấu tranh bí mật, ông phụ trách công tác xuất bản của phong trào kháng chiến. Nhưng do sự phản bội và bán rẻ của người giúp việc Milich, ông đã bị bắt.

Từ ngày bị bắt, Phuxich đã phải chịu những đòn tra tấn tàn khốc và đã bao nhiêu lần chết đi sống lại. Nhưng trước sau như một, với nghị lực kiên cường chịu đựng những đau đớn mà những người khác khó lòng chịu đựng được, ông vẫn tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh tập thể trong nhà tù. Được sự giúp đỡ của một viên coi ngục người Tiệp Khắc tốt bụng Phuxich đã dùng những mẩu đầu bút chì, và những tờ giấy nhầu viết nên tác phẩm nổi tiếng thế giới “Viết dưới giá treo cổ”.

Phuxich rất yêu cuộc sống chiến đấu. Ông nói:

- Chúng ta sống vì niềm vui, chiến đấu vì niềm vui, chúng ta cũng sẽ chết vì niềm vui, vì vậy mãi mãi không bao giờ để cho sự bi ai gắn với tên tuổi của chúng ta.

Trước kẻ thù Phuxich luôn giữ tinh thần lạc quan cách mạng. Bọn mật vụ Đức muốn lợi dụng tình yêu cuộc sống của ông để dụ dỗ ông. Một hôm bọn chúng đã đưa ông đi dạo ở Praha dưới ánh nắng vàng buổi chiều rực rỡ, một tên trong bọn chúng nói:

- Tôi biết ông yêu Praha. Praha thật tuyệt vời, lẽ nào ông không muốn trở về trong lòng Praha.

Phuxich lặng nhìn Praha trong đêm mùa hạ, mềm mại như một chùm nho chín, phủ bởi một tấm voan màu xanh nhạt, mỹ lệ biết bao. Ông say mê cái đẹp của Praha! Nhưng ông đã ngắt lời viên cảnh sát:

- Bao giờ hết lũ chúng mày ở đây, Praha hãy còn đẹp hơn nữa!

Phuxich bị giam 411 ngày trong nhà giam của cảnh sát mật vụ, chịu đựng bao nỗi giày vò, đến ngày 8 tháng 9 năm 1943 ông bị sát hại trong nhà tù.

- Hỡi mọi người, tôi rất yêu các bạn! Nhưng các bạn phải cảnh giác!

Phuxich, người con vĩ đại của nhân dân Tiệp Khắc, trước khi bước lên giá treo cổ đã dặn lại người đời với tình cảm sâu nặng, động viên mọi người hãy anh dũng đấu tranh lật đổ thế giới cũ, vì một ngày mai tươi sáng. Tháng 5 năm 1945, sau khi phát xít Đức thất bại, bà Phuxich ra khỏi nhà tù, cuối cùng đã tìm được viên cai ngục người Tiệp Khắc tốt bụng Khơlinxki, ông đã trao cho bà bản thảo viết tay của Phuxich. Bà đã chỉnh lý lại bản thảo và đó chính là cuốn sách được viết bằng máu mà ngày nay chúng ta được đọc với đầu đề “Viết dưới giá treo cổ”.

Tác phẩm bất hủ của Phuxich giống như khẩu súng của người chiến sĩ trước lúc hy sinh trao lại cho chiến hữu, đã trở thành vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh tương lai.